Tôi ngồi trong sân viện, nhìn sa bàn đặt trên bàn đá trước mặt, thở dài một tiếng.
“Mới sáng ngày ra, đệ thở dài cái gì vậy?”.
Lục Ca tay cầm bánh bao đã cắn dở một nửa, đi tới ngồi đối diện. Tôi liếc
anh ta một cái rồi lại quan sát sa bàn. Lục Ca mồm nhai bánh, nhóp nhép
hỏi:
“Ăn sáng chưa?”.
Tôi đang cố tập trung suy nghĩ, người này lại cứ lải nhải đến phát bực. Tôi hằn học nói:
“Không có tâm trạng ăn uống”.
“Đại doanh đã sắp xếp ổn thỏa. Lương thực không thiếu, quần áo mùa đông cho
binh sĩ cũng sắp có rồi. Chuyện cướp quân lương của địch, chẳng phải đệ
cũng đã có kế sách? Còn lo lắng gì nữa?”.
Đúng là mọi chuyện đều
suôn sẻ. Bọn tôi đã chuyển vào trong thành trú quân. Chỗ tôi đang ngồi
chính là cái viện nhỏ của Mạc phủ. Một ngàn thân vệ huấn luyện cũng đã
có tiến bộ. Chỉ còn đợi có được tin tình báo nữa thôi. Tôi có cảm giác
bất an, bởi vì dù sao đây cũng là chiến dịch đầu tiên tôi tham gia.
Thành bại lần này sẽ ảnh hưởng tới cả cuộc chiến lẫn cuộc đời của tôi.
Sao có thể thoải mái được đây?
Tôi còn đang tính tính toán toán trong đầu thì một binh sĩ chạy đến báo:
“Lục tướng quân, có một người lạ bảo giao cho ngài vật này”.
Lục Ca nhận lấy, mở ống trúc ra xem rồi nhoẻn miệng cười, đưa tờ giấy chứa tin tức cho tôi.
Mùng 10 tháng 11, Huyết Câu.
Tôi nhướn mày. Đội quân áp tải lương thực của Bắc Tề sẽ xuất phát vào ngày
10 tháng 11, đi qua Huyết Câu. Đó là một trong hai con đường mà tôi đã
bảo rằng quân địch bắt buộc phải đi. Huyết Câu là một con lạch, có tên
gọi như vậy vì nước chảy ở đó có màu đỏ rất kì quái. Tôi đã cho quân đi
xem trước địa hình nên không ngạc nhiên gì. Nước đỏ là do xung quanh nơi đó, cả vùng có rất nhiều đất đỏ. Chỉ là không rõ từ ngày mùng 10 quân
địch xuất phát, đến lúc tới Huyết Câu sẽ mất bao lâu? Đội quân áp tải sẽ có bao nhiêu nhân số? Bao nhiêu bộ binh, bao nhiêu kỵ binh được cử đi?
Những điều này đều sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đánh cướp của tôi.
“Nếu ngày 10 bọn chúng bắt đầu di chuyển, mấy ngày sau thì sẽ đi qua Huyết
Câu? Tin tức cũng không có nói cụ thể nhân số của địch. Anh có ý gì
không?”.
Tôi không quen thuộc với thời đại này, cũng không có
kinh nghiệm đánh trận, rất nhiều thông tin còn chưa nắm được, chỉ có thể hỏi Lục Ca. Anh ta xoa cằm, nói với vẻ chẳng mấy quan tâm:
“Tốc
độ hành quân phụ thuộc vào việc bọn chúng vận chuyển nhiều hay ít lương
thảo, nhiều kỵ binh hay nhiều bộ binh, thời tiết có thuận lợi hay không. Tôi làm sao biết được hôm nào thì bọn chúng sẽ dẫn xác tới, tới bao
nhiêu kẻ”.
Tôi cố nhịn để không đấm một phát vào mặt anh ta. Lục
Ca lại cười rất vui vẻ, vỗ vai tôi mấy cái rồi nhấc mông đứng dậy bỏ đi. Không còn cách nào khác, tôi chỉ có thể tự nghĩ lấy. Lục Ca tuy rằng
khó ưa, nhưng cũng đã quăng cho tôi gợi ý.
Đại quân Bắc Tề trong tay Tô Khải Bạch có ba mươi vạn. Lương thực và quần áo mùa đông cho đám
người đó không thể ít, tốc độ di chuyển sẽ không nhanh được. Đại khái sẽ mất trên dưới mười ngày. Tôi vạch tay trên sa bàn, dừng lại ở Huyết
Câu. Đội quân kia đến được nơi đó sẽ là ngày 17, 18. Từ Huyết Câu tới
nơi đóng quân của Tô Khải Bạch mất khoảng ba ngày, tới đại doanh của tôi cũng mất ngần ấy thời gian. Bọn chúng sẽ cử bao nhiêu quân đi áp tải?
Nếu dựa trên số lượng và tầm quan trọng của lương thảo lần này, tối
thiểu cũng có hai vạn quân. Bắc Tề không có ưu thế kỵ binh, trong tay Tô Khải Bạch có năm vạn đã là số kỵ binh chủ lực rồi. Hơn nữa, hoàng đế
Bắc Tề còn phải đề phòng các nước khác, không thể cấp cho Tô Khải Bạch
thêm quân nữa. Tối thiểu hai vạn, tối đa ba vạn. Tuyệt đối không hơn! Kỵ binh cử đi mục đích là để bảo vệ cho quân áp tải phía sau. Nhân số ước
lượng một vạn. Tất nhiên những số liệu này chỉ là suy đoán của tôi. Muốn chứng thực chỉ có thể đợi bọn chúng tới mới biết đáp án chính xác.
Quan trọng là, tôi phải đánh úp được hai đến ba vạn quân đó để cướp lấy
lương thảo. Cướp rồi phải dùng tốc độ nhanh nhất để đem đồ cướp được vận chuyển về đại doanh của mình. Tô Khải Bạch có nhận được tin, cũng không thể lập tức tới chặn đường. Nhưng vận chuyển số lượng lớn lương thảo,
bọn tôi cũng không thể di chuyển với tốc độ nhanh nổi. Tôi lại chú mục
vào sa bàn. Trong đầu lóe lên ý định, lập tức sai người đi chuẩn bị.
Ngày 15 tháng 11, khe Lũng Sơn. Tôi xoa xoa tay vì lạnh, cũng may vùng này
không có tuyết rơi nếu không phải ở bên ngoài khi nhiệt độ xuống mức
dưới 0 cho dù không cóng chết thì sức lực đánh nhau cũng chẳng còn.
“Ở kinh thành chắc đang có tuyết rơi phải không?”.
Trần Đường đứng cạnh nghe vậy mỉm cười.
“Đại ca nhớ nhà sao?”.
Tôi cười cười lắc đầu. Ở thời không này tôi làm gì có nhà để nhớ. Chỉ là so với nơi khói lửa chiến tranh thì vẫn mong muốn được sống cuộc đời bình
yên tại mảnh đất thanh bình hơn.
“Nguyên soái không cho binh sĩ
đốt lửa liệu có ổn không? Đêm nay trời có vẻ lạnh. Theo tin tức thì quân địch nhanh nhất cũng hai ngày nữa mới tới mà?”. Tiểu Bạch hỏi bằng vẻ
mặt khó hiểu.
“Một chút gió cũng không chịu được sao có thể tự
nhận mình là người lính? Yên tâm đi, không chết được đâu. Cậu cử mười
người thân thủ tốt, ẩn nấp ở lối vào khe. Quân địch đến thì rút về. Bọn
chúng nhất định sẽ cho thám báo đi trước dò đường, sẽ tới trước đại quân áp tải. Chúng ta cần đề phòng chính là thám báo của địch. Đi đi”.
Tiểu Bạch nhận lệnh êm ái rời khỏi. Tôi phân phó Trần Đường:
“Hạ quân lệnh. Ngăn cấm toàn bộ việc đốt lửa. Trái lệnh: chém!”.
“Đại ca yên tâm”.
Trần Đường đáp rồi cũng rời đi. Tôi cụp mắt. Dù có tính toán cẩn thận thế
nào, một khi giao chiến sẽ có người phải bỏ mạng. Rút cục thì ý nghĩa
của việc chém giết nhau nằm ở đâu?
Tôi đứng trên triền núi, gió
lớn thổi tới làm áo choàng bị thốc lên, kêu phần phật. Khe Lũng Sơn này
nằm ở phía Bắc một nhánh nhỏ của Huyết Câu. Đây là con đường tắt tốt
nhất mà tôi tìm được. Lương thảo cướp rồi chỉ cần vượt qua khe Lũng Sơn
là có thể đưa về thành Nhữ Bình thuận lợi. Nhưng trước đó có hai cuộc
chiến bọn tôi bắt buộc phải thắng. Một là giải quyết đội quân áp tải
ngay tại Huyết Câu. Hai là cầm chân Tô Khải Bạch ở bên kia để hắn không
thể cứu viện kịp thời.
Đêm ngày 17 tháng 11.
Tiểu Bạch chạy về báo:
“Nguyên soái, phát hiện thấy thám báo của địch”.
“Bảo các huynh đệ thân vệ toàn bộ rút lui. Cậu theo dấu bọn chúng xem địch hạ trại ở đâu rồi trở về, chớ đánh rắn động cỏ”.
Trần Đường nhìn theo bóng lưng của Tiểu Bạch, lo lắng hỏi:
“Để một mình Tiểu Bạch đi liệu có ổn không? “.
Tôi lườm Trần Đường. Không cử một mình Tiểu Bạch, chẳng lẽ lại cho đại quân đi theo cậu ta chắc? Chính vì không muốn địch phát hiện hành tung mới
càng ít người đi dò la càng tốt, không ai có thân thủ tốt hơn Tiểu Bạch. Nhiệm vụ lần này thành bại hoàn toàn dựa vào việc bọn tôi có nắm chắc
được thời cơ hay không. Một khi bị địch phát hiện trước thì chỉ có thể
lập tức giao chiến. Mất đi yếu tố bất ngờ sẽ rất bất lợi. Chỉ khiến máu
đổ càng nhiều thêm thôi.
“Cho quân lui về, giữ khoảng cách an toàn với thám báo của địch. Ai gây tiếng động chém ngay lập tức!”.
“Đại ca yên tâm. Đệ đã cho binh sĩ thu dọn từ trước, không để lại dấu vết gì đâu. Mọi việc cứ giao cho đệ, huynh đi nghỉ một lát đi”.
Lạnh thế này sao mà ngủ cho nổi, tôi xua xua tay:
“Đệ đi hạ lệnh cho binh sĩ lui về sau đi. Không cần lo cho đại ca”. Thấy
đối phương vẫn còn lo lắng nhìn mình, tôi vỗ vai cậu ta. “Muốn ngủ, đợi
xong trận này rồi về thành tha hồ ngủ là được. Đệ cho các đội thay phiên nhau nghỉ ngơi, đầu giờ Mão chiến dịch sẽ bắt đầu”.
Trần Đường
đi rồi, tôi quấn áo choàng ngồi xuống tựa lưng vào gốc cây nhắm mắt
dưỡng thần. Nói thế nào cũng phải tích trữ sức lực mới được. Đột nhiên
cảm giác bên cạnh có người, tôi mở bừng mắt.
“Anh không ở cạnh coi sóc binh lính của mình, chạy đến đây làm gì?”.
Lục Ca thản nhiên ngồi xuống đối diện với tôi. Anh ta cứ nhìn chăm chú khiến tôi thấy ngứa ngáy.
“Gì chứ hả?”. Tôi cau có.
“Đệ có bệnh à?”.
“Hả?!”. Tôi trợn mắt.
“Không phải có bệnh trong người sao đệ cứ làm cái vẻ đứng ngồi không yên vậy?
Đây cũng đâu phải lần đầu chúng ta đánh trận. Tôi chẳng rõ sao đệ phải
mất bình tĩnh rồi lo nghĩ loạn cả lên. Đã nghĩ ra kế sách chu toàn, mọi
thứ cũng đều chuẩn bị kĩ lưỡng. Đệ chỉ cần giữ cho cái đầu đừng nóng lên là ổn thôi”.
Tên này quả thật cứ như yêu quái vậy. Tôi không
nghĩ mình để lộ ra vẻ bồn chồn trước mặt người khác, thế mà anh ta vẫn
nhìn ra được. Tôi xoay cổ nhìn rừng cây phía xa, nhẹ giọng nói:
“Tôi không còn nhớ được chuyện trước kia nên lần này có khác gì lần đầu đánh trận đâu. Bất kể thành công hay thất bại, kết quả cũng là có người phải bỏ mạng. Khác chăng là chết nhiều hay chết ít mà thôi”.
Mà cái
chết của bọn họ lại hoàn toàn phụ thuộc vào tôi, là trách nhiệm của tôi. Có thể nhập vai Trần Ngạn, ngay cả đứng trước mặt hoàng đế, tôi cũng
không sợ hãi. Có thể nói cười với binh sĩ, diễn tốt vai đại nguyên soái. Thế nhưng đứng trước quân địch đồng nghĩa với việc phải gánh trên vai
mạng sống của mấy vạn người. Bọn họ không phải quân cờ trên bàn gỗ mà
tôi có thể tùy ý sử dụng hay vứt bỏ. Thứ sẽ chảy xuống ngày mai là máu
người, không phải nước đỏ của con lạch nhuộm màu từ đất đá.
Lục Ca lẳng lặng lắng nghe, sau đấy phì cười. Anh ta cười cái quái gì cơ chứ? Có gì đáng cười ở đây sao!
“Ra trận đánh giặc không phải mong muốn giết càng nhiều quân địch càng tốt, mà hi vọng có thể cứu được càng nhiều bách tính thoát khỏi vận mệnh nhà tan cửa nát. Lời này chẳng phải chính đệ nói ra hay sao? Hay ngay cả
điều này đệ cũng quên mất rồi? Đệ vẫn cứ yếu đuối như vậy nhỉ. Binh sĩ
của đệ khi tòng quân đều đã sẵn sàng da ngựa bọc thây. Bọn họ là vì muốn bảo vệ người thân ở quê nhà mới cầm đao xông ra chiến trường. Điều họ
trông chờ ở đệ là niềm tin có thể thắng trận chứ không phải chống chọi
yếu ớt, tự coi mình là kẻ ở thế yếu. Tôi tin đệ có thể thắng được Tô
Khải Bạch. A Ngạn, đệ không có lòng tin với bản thân ư?”.
Lục Ca nói rồi phủi mông đứng dậy bỏ đi. Tôi nhìn cái bóng lưng đáng ghét
của anh ta mà muốn chửi thề. Anh ta nói nghe nhẹ nhàng gớm. Thắng Tô
Khải Bạch? Kẻ đó là danh tướng, chỉ mỗi cái tên cũng khiến người người e sợ. Còn tôi là ai nào? Một nguyên soái giả mạo, kiếp trước sống một
cuộc đời thất bại. Là một kẻ yếu, sống như con kiến bị giẫm đạp đến lòng tự trọng cũng mất sạch. Những binh sĩ đứng đằng sau, người mà bọn họ
tin tưởng phó thác tính mệnh là Trần Ngạn chứ không phải kẻ chỉ biết lo
nghĩ cho bản thân là tôi đây.
Nhưng anh ta nói không sai. Tôi
không thể đánh mất sĩ khí của binh lính. Mặc kệ đối thủ là Tô Khải Bạch
hay Tô Khải Hắc, trận này tôi nhất định phải thắng.
Một canh giờ sau, Trần Đường và Tiểu Bạch lần lượt quay lại.
“Đúng như nguyên soái dự đoán, quân địch đóng quân ở thung lũng trung tâm con lạch. Quân số trên dưới ba vạn. Thuộc hạ không dám tới quá gần nên
không xác định kẻ cầm đầu là ai. Chỉ thấy lều chính có cờ lớn thêu một
chữ “Tô”. Tiểu Bạch mím môi báo cáo tình hình.
Tôi thấy ớn lạnh. Không phải là đàn em của Tô Khải Bạch đấy chứ hả? Đang nghĩ vậy thì Trần Đường lên tiếng:
“Đệ nghĩ người đến là Tô Khắc, đường đệ của Tô Khải Bạch. Tình hình triều
đình Bắc Tề đệ không rõ lắm. Nhưng nghe nói Tô Khải Bạch cũng giống đại
ca, không có xuất thân hiển hách. Có thể anh ta muốn người trong dòng họ mình có thể lập công trạng, gây dựng uy thế trong triều”.
À, cũng tương tự với việc tôi muốn giúp đỡ Trần Ninh đây mà.
“Quan hệ giữa hai người đó thế nào?”.
“Nghe nói rất tốt. Tô Khải Bạch không có em trai ruột. Mà Tô Khắc có vẻ cũng
rất có tài. Có thể nói bọn họ thân thiết không khác gì huynh đệ ruột
thịt”.
Tôi ngoạc miệng ra cười. Trần Đường giật giật khóe miệng nhìn tôi với ánh mắt như muốn nói: Đại ca lại nảy ra gian kế ác độc gì nữa đây? Tôi ngoắc Tiểu Bạch lại gần thì thầm:
“Giao cho cậu một nhiệm vụ quan trọng. Bắt cóc Tô Khắc!”.
“Bắt không được có thể giết luôn không?”. Tiểu Bạch mặt lạnh tanh hỏi lại.
“Không được giết! Phải bắt sống, anh ta phải lành lặn mới có giá trị làm con tin chứ!”.
“Thuộc hạ rõ rồi. Vậy còn việc vận chuyển lương thảo?”.
Tôi nghĩ một chút rồi nói:
“A Đường, đội thân vệ giao cho đệ”.
Việc vận chuyển lương thảo do đội thân vệ đảm nhận. Trần Đường sẽ chỉ huy
bọn họ. Trong tay tôi có hai vạn quân. Thẩm Bác và Lục Ca mỗi người chỉ
huy một vạn binh sĩ có trách nhiệm đánh úp ba vạn quân địch. Tôi không
cần trực tiếp xông lên phía trước. Chậc, con người ta một khi rảnh rỗi
liền có thời gian nghĩ đến những chuyện mờ ám. Tô Khải Bạch, anh đừng
trách tôi. Ai bảo em họ của anh tự dẫn xác tới. Không bắt thì phí quá!