Nhất Kiếm Động Giang Hồ

Chương 78

Nam Cung Thu Lãnh gật đầu :

- Nói thật hữu lý!

Bèn ôm quyền thi lễ, tiếp lời :

- Lão phu nhân, Tam Lang, Diệp cô nương, Hạnh cô nương, chúng tôi xin cáo biệt, đến ngày lành tháng tốt xin đừng quên gởi đến mỗi người một hồng thiếp nhé.

Hạnh mẫu hoan hỉ rạng rỡ, đáp :

- Vâng, vâng... Xin chư vị yên tâm, nhứt định không dám quên chư vị đâu.

Nam Cung Thu Lãnh cùng mọi người lần lượt rời khỏi cốc.

Tiếu Bao Tự hỏi :

- Tam Lang, bây giờ chúng ta đi đâu?

Lý Tam Lang hỏi ý Hạnh mẫu :

- Lão nhân gia có cao kiến chi ạ?

Hạnh mẫu đáp :

- Bây giờ chẳng gì hơn là đi tìm một nơi nào để nghỉ ngơi cho khỏe cái đã.

Lý Tam Lang nói :

- Nếu vậy thì ngay tại đây cũng tiện, xin mời lão nhân gia vào trong động nghỉ ngơi, vì bên trong vốn sẵn tiện nghi.

Chàng bước lại dìu Hạnh mẫu.

Hạnh Bội Thi nhìn chàng nói :

- Đại ca lo liệu cho mẫu thân nhé, để tiểu muội bàn chuyện với Thu Ngâm thư thư một chút rồi vào ngay.

Lý Tam Lang tiếp tục đưa Hạnh mẫu tiến nhập động.

Hạnh Bội Thi với Diệp Thu Ngâm đứng sát vào nhau không biết nói gì, chập sau cũng theo vào.

Trong thạch động là cả một gian phòng thật rộng, và đúng như Lý Tam Lang vừa nói, có đầy đủ các tiện nghi: bàn, ghế, giường, vân vân... đều bằng đá hoặc mây, trúc, rất tinh xảo.

Trên giường lại có nệm da thú thật tươm tất.

Tiếu Bao Tự buột miệng khen :

- Đây quả là một nơi cư trú lý tưởng.

Lý Tam Lang nói :

- Đây vốn là chỗ ở của tiểu huynh nên phía trước tiểu huynh đã phải lập trúc trận để ngăn chặn người lạ xâm nhập, như hiền muội đã biết đó.

Hạnh mẫu ngã lưng xuống thạch sàn, nói :

- Quả tuế nguyệt chẳng dung tha một ai cả, kẻ nào rồi cũng phải già mà già rồi thì thành suy nhược, ta ngồi xe mà còn thấy mỏi mệt.

Hạnh Bội Thi ân cần :

- Vậy mẹ nên nằm nghỉ lâu lâu, cho thật khỏe, hiện giờ cũng chẳng cóviệc gì, xin mẹ cứ an tâm ngơi nghỉ.

Hạnh mẫu nói :

- Sao không có việc gì. Vừa rồi Thanh Cuồng bảo rằng có việc cần đi đâu đó mà!

Hạnh Bội Thi vội quay sang Lý Tam Lang hỏi :

- Đại ca có việc chi vậy?

Lý Tam Lang đáp :

- Về vụ Hoàng Kim thành ấy mà!

Hạnh Bội Thi tròn xoe đôi mắt :

- Đại ca bảo sao? Hoàng Kim thành có thật ư? Hiện ở đâu?

Lý Tam Lang đáp :

- Ở đâu thì chưa biết, nhưng tiểu huynh tin chắc là có tòa Hoàng Kim thành ấy và nhứt định sẽ tìm được.

Tiếu Bao Tự hỏi :

- Nhưng chẳng dễ gì tìm, mà tìm làm gì đại ca? Hiện chúng ta đâu cần phải có kho tàng châu báu mới có hạnh phúc?

Lý Tam Lang giải thích :

- Hiền muội hiểu lầm ý huynh rồi, huynh không vì tham làm kẻ đại phú mà đi tìm Hoàng Kim thành đâu. Hiện nay mấy tỉnh ở Đông Nam đang thất mùa, lại bị thiên tai nên nhiều người lâm cảnh đói rách rất khổ sở, tiểu huynh hy vọng sẽ tìm được kho tàng Hoàng Kim thành để dùng của cải ấy mà tế chấn cứu giúp bá tánh lầm than.

Hạnh mẫu lên tiếng :

- A di đà Phật! Như thế là còn gì bằng.

Hạnh Bội Thi lại hỏi :

- Đất trời bao la, Hoàng Kim thành ở đâu, làm sao tìm cho ra, đại ca định đi tìm tận phương nào?

Lý Tam Lang đáp :

- Tiểu huynh cũng biết là không phải dễ tìm, nhưng phải cố gắng...

Ánh mắt chàng cũng lấp loáng chớp động, nói gấp :

- Phía ngoài có người tới, hai muội ở trong này với lão nhân gia, để tiểu huynh ra xem ai.

Chàng rảo bước tiến ra ngay.

Vừa ra khỏi động, chàng liền thấy một lão già tóc bạc vận y phục thật hoa lệ, sang trọng, tay dắt một nữ nhi đồng chừng tám chín tuổi, đang đứng trước cốc khẩu.

Chàng vội bước thẳng ra, với vẻ mặt ngạc nhiên nhìn sững lão bà tóc bạc và cô bé.

Lão bà tóc bạc cũng lấy làm lạ khi ngó thấy Lý Tam Lang và khẽ thốt :

- Ủa! Không ngờ tại đây cũng có chủ nhân rồi, vậy chúng ta đi tìm nơi khác...

Lão bà liền kéo tiểu cô nương, xoay hướng toan cất bước.

Lý Tam Lang vội lên tiếng :

- Lão nhân gia, xin nán lại chốc lát.

Và chàng tiến lại gần hơn.

Bạch phát lão bà dừng bước, quay người lại ngó Lý Tam Lang hỏi :

- Người tuổi trẻ, chẳng hay có điều chi?

Lý Tam Lang nói :

- Vãn bối xin mạn phép hỏi thăm, chẳng hay lão nhân gia định dẫn vị tiểu muội muội ấy đi tìm ai...

Bạch phát lão bà thần sắc dàu dàu, lắc đầu giọng buồn bã :

- Không nói ra cũng kỳ, mà nói ra cũng chẳng ích gì, tốt hơn để lão thân đi cho được việc. Đây là việc cấp bách chậm trễ chút nào là tai hại chút ấy...

Lý Tam Lang ôn tồn :

- Là việc chi lão nhân gia có thể vui lòng cho biết, may ra vãn bối có thể góp chút ít sức mọn mà đỡ được tay chân phần nào cho lão nhân gia chăng.

Bạch phát lão bà bỗng hỏi :

- Người tuổi trẻ, quí danh tánh là chi?

Lý Tam Lang đáp :

- Thưa, vãn bối là Thanh Cuồng.

Bạch phát lão bà ngưng thần nhìn chàng, rồi trầm ngâm một lúc mới nói :

- Được, cho Lý các hạ biết cũng chả sao... Này, người tuổi trẻ nghĩ mà buồn nản, thiên hạ tuy rộng lớn, nhân thế tuy đông đảo nhưng lão thân đã kiếm mãi, tìm hoài vẫn chẳng gặp được, một người nào có thể giúp cho lão thân mà cứu nổi đứa cháu gái của lão thân đây, hỡi ơi!.... Còn biết liệu sao!....

Lý Tam Lang sinh tò mò, lại hỏi :

- Lão nhân gia, sự việc thật ra là như thế nào.

Bạch phát lão bà thở dài, kể lể :

- Người tuổi trẻ, đầu đuôi sự việc là thế này... Nói không phải khoe chớ gia thế lão thân vốn giàu có, tài sản có thể gọi là đại phú gia địch quốc, thiên hạ vô song. Nhưng... về nhân khẩu trong nhà thì lại quá đơn bạc! Lão thân chỉ có một mụn con trai, cưới vợ cho nó rồi, hai vợ chồng nó vừa sinh được đứa con gái đầu lòng này thì đều lâm bạo bịnh mà chết cả, thành thử trong nhà chỉ còn mỗi mình lão thân với đứa cháu nội mồ côi đây. Thế mà con bé này lại mang quái bịnh, cứ bảy ngày một lần, tự dưng nổi cơn, cào cấu cắn xé người, không ai có thể kềm giữ, chế ngự nổi. Đến nay, nó đã làm hại cả chục người rồi. Dù đền tiền thường bạc cho người ta bao nhiêu lão thân cũng không tiếc, nhưng điều đáng lo là chứng bịnh kỳ dị của đứa cháu, nên lão thân bất kể tốn hao đã tìm khắp danh y nhờ chữa trị. Khổ thay, danh y nào cũng bó tay và bảo rằng cháu gái của lão thân là quái vật, nên giết bỏ đi, kẻ càng lớn lên tai họa càng khủng khiếp. Người tuổi trẻ, thử nghĩ xem dầu gì lão thân cũng chỉ có nó đây là cháu nội, lão thân đâu thể nhẫn tâm giết bỏ nó. Nghĩ mãi chẳng biết biện pháp nào, lão thân đành đi vào rừng núi xa vắng, định kiếm một sơn động nào kín đáo để đem nó vào mà giam giữ một chỗ, rồi lão thân ở luôn đấy mà lo lắng, phục dịch cho nó, được ngày nào hay ngày ấy.

Lý Tam Lang chăm chú lắng nghe, đoạn hỏi :

- Lão nhân gia có biết ấy là chứng bịnh gì chăng?

Bạch phát lão bà lắc đầu :

- Không biết! Cả các danh sư cũng không biết nốt.

Lý Tam Lang phóng nhãn tuyến nhìn từ đầu chí gót nữ nhi đồng một lượt chỉ thấy là một tiểu cô nương mặt hoa da phấn mày tằm mắt phượng, băng cơ ngọc cốt, thật xinh xắn duyên dáng, rất dễ mến chớ tuyệt chẳng có chút triệu chứng gì là đáng sợ cả.

Chàng càng lấy làm lạ và càng muốn tìm cho ra lẽ, liền nói :

- Lão nhân gia xin phép lão nhân gia cho vãn bối xem qua bệnh trạng, mạch lý của tiểu muội muội đây một chút...

Bạch phát lão bà ngạc nhiên hỏi :

- Người tuổi trẻ, họ biết là y dược sao?

Lý Tam Lang đáp :

- Thưa, cũng có biết đôi phần, cũng có thể chữa được một vài quái bịnh xin mời lão nhân gia quá bước vào trong.

Chàng uyển chuyển, toan dẫn khách vào động.

Bỗng nghe Bạch phát lão bà gọi :

- Hãy đợi một chút.

Lý Tam Lang quay lại hỏi :

- Lão nhân gia còn điều chi chỉ giáo ạ?

Bạch phát lão bà nói :

- Như thật mà người tuổi trẻ cứu trị được quái bệnh cho tôn nữ của lão thân, thì lão thân nguyện hiến dâng trọn gia tài sự sản.

Lý Tam Lang mỉm cười :

- Hảo ý của lão nhân gia, vãn bối rất cảm tạ nhưng... vãn bối lại không nghĩ như thế, vãn bối chỉ mong chữa được bệnh của quí tôn nữ, chớ tuyệt đối xin không đòi lão nhân gia phải trả một đồng nào hết.

Bạch phát lão bà chưng hửng hỏi :

- Nói sao? Các hạ không đòi lão thân phải trả một đồng nào cả?

Lý Tam Lang đáp :

- Vâng, đó là lời thành thật của vãn bối.

Bạch phát lão bà lại hỏi :

- Người tuổi trẻ có biết là của cải tài sản nhà ta nhiều ít thế nào không?

Lý Tam Lang trả lời khẳng khái :

- Lão nhân gia, dầu nhiều hay ít cũng vậy, vãn bối vẫn không đòi hỏi một đồng nào?

Bạch phát lão bà càng ngạc nhiên, hỏi thêm :

- Người tuổi trẻ, thế là thế nào? Nhân thế, nếu không ham danh thì cũng ham lợi, chẳng lẽ các hạ...

Lý Tam Lang tươi cười :

- Lão nhân gia, người khác thì thế nào tùy họ riêng vãn bối thật tình chẳng ham danh, không ham lợi. Xin lão nhân gia cho quí tôn nữ vào bên trong để xem bệnh.

Bạch phát lão bà xua tay, ngắt lời :

- Hãy thủng thẳng! Người tuổi trẻ, nên biết điều này, nhà ta từ trước đến nay bất luận đối với ai về bất cứ sự việc gì thảy đều không hề mắc nợ ân tình, chỉ muốn luôn luôn sòng phẳng.

Lý Tam Lang thành khẩn :

- Lão nhân gia, xin chớ nên câu nệ điều ấy mà nên coi bệnh trạng của quí tôn nữ là trọng, cần lo chữa cái đã.

Bạch phát lão bà nói :

- Người tuổi trẻ, lúc nào lão thân cũng coi bệnh trạng của đứa cháu duy nhất này là điều trọng đại, còn hơn bản thân của lão thân nữa, nhưng trong dòng họ lão thân vốn có lời căn dặn lưu truyền của tổ tiên, là không được mắc nợ ân tình của ai cả. Do đó, nếu các hạ nhứt định không tiếp nhận gia tài của lão thân thì lão thân cũng nhứt định không để cho các hạ chữa bệnh cho cháu gái lão thân.

Lý Tam Lang chưng hửng liền năn nỉ :

- Lão nhân gia, không nên như thế.

Bạch phát lão bà ngắt lời :

- Đó là lời di huấn của tổ tiên. Người tuổi trẻ đừng nói nữa.

Lý Tam Lang hoàn toàn không ngờ hôm nay lại gặp phải một bà lão như thế này cũng không ngờ trên thế gian này lại có lời di huấn của tổ tiên một dòng họ như thế, trong khi thiên hạ lừa đảo, bội bạc với nhau còn chưa thỏa! Chàng nhíu mày khó xử quá. Thình lình chàng nhớ ra, liền nói :

- Lão nhân gia, hay là như thế này vậy, nếu vãn bối chữa lành được bệnh của lệnh tôn nữ, thì xin lão nhân gia thay vì cho vãn bối cả gia tài hãy đem của cải ấy mà cứu giúp những nạn nhân đói lạnh vì thiên tai ở các tỉnh Đông Nam...

Bạch phát lão bà gật đầu :

- Người tuổi trẻ, quả các hạ rất hảo tâm, như thế thì được, lão thân ưng thuận điều kiện ấy. Bây giờ phiền các hạ chờ một chút, bà cháu lão thân đi lấy mấy món vật dụng, còn để ngoài kia rồi trở vào ngay.

Lão bà chẳng đợi chàng trả lời, đã nắm tay vị tiểu cô nương kéo đi ngay.

Lý Tam Lang đành nhìn theo và sẵn sàng chờ đợi.

Bỗng nghe phía sau lưng có tiếng bước chân và giọng oanh của Tiếu Bao Tự vang lên :

- Ai vậy, đại ca?

Lý Tam Lang quay lại, đáp :

- Một lão thái thái với một tiểu cô nương.

Tiếu Bao Tự ngạc nhiên lại hỏi :

- Sao? Một lão thái thái với một tiểu cô nương ư? Có chuyện chi vậy?

Lý Tam Lang liền thuật lại chuyện nảy giờ.

Nghe xong, Tiếu Bao Tự chợt kêu lên :

- Có thể có chuyện lạ như thế ư? Nhưng vị tiểu cô nương ấy bị bệnh gì, đại ca có rõ không?

Lý Tam Lang đáp :

- Cái đó không hẳn là bệnh, mà có thể lúc sơ sanh vị tiểu cô nương ấy có sự trục trặc như thế nào đó ở một hai huyệt mạch thuộc não bộ, sự mất bình thường đó tạo sinh phản ứng khiến cô bé thỉnh thoảng nổi cơn cuồng, nếu không cứu chữa chừng nửa năm nửa thì hết phương giải trị nổi.

Tiếu Bao Tự lại hỏi :

- Đại ca đã xem qua bịnh trạng cô bé ấy chưa?

Lý Tam Lang lắc đầu :

- Chưa!

Tiếu Bao Tự lấy làm lạ :

- Thế sao đại ca biết?

Lý Tam Lang đáp :

- A Nan Hoạt Phật tinh thông y thuật, đã từng cả đời cứu sống vô số người, hầu hết là các chứng bịnh ngài đều trị được. Ngài đã tuyền dạy cho huynh nên sau khi nghe qua lời kể của lão thái thái thì huynh liền đoán ra ngay chứng bịnh của tiểu cô nương đó.

Tiếu Bao Tự ngước mắt nhìn ra ngoài cốc khẩu hỏi :

- Hai bà cháu đi lấy vật gì mà sao hơi lâu rồi chưa thấy trở vào?

Lý Tam Lang đáp :

- Ai mà biết, đành chờ...

Chàng đang nói tới đó, đột nhiên có một đạo quang từ ngoài cốc khẩu bay vèo vào.

Tiếu Bao Tự vội kinh hô :

- Mau coi kìa, cái gì thế?

Lý Tam Lang ngạc nhiên, lập tức sấn lên hai bước, án ngữ ngay trước mặt Tiếu Bao Tự.

Tiếu Bao Tự lại hô :

- Đại ca coi chừng.

Phiến hoàng quang bay tới cực nhanh, chớp mắt đã đến gần trước mặt hai người. Nhưng, đang xẹt tới như tên bắn, bỗng dưng phiến hoàng quang ngừng lại, xoay tít mấy vòng, rồi rơi xuống.

Thì ra, là một tấm da dê với một chiếc chìa khóa.

Lý Tam Lang lượm lấy tấm da dê xem thử thì thấy trên có vẽ một vùng sơn xuyên, chính giữa là một tỏa cổ thành chú rõ: “Hoàng Kim thành”.

Chàng lại nhặt chiếc chìa khóa lên thì rõ ràng là một chìa khóa toàn bằng vàng, hình dạng kỳ quái, tựa một cánh tay người vậy. Tiếu Bao Tự buột miệng thảng thốt :

- Địa đồ và chìa khóa Hoàng Kim thành!

Lý Tam Lang không khỏi nghe rộn rã trong tâm thần.

“Lý Tam Lang quả là con người hiệp nghĩa nhân ái chân chính, danh bất hư truyền; vậy xin trân trọng đem kho tàng Hoàng Kim thành dâng tặng, để cứu tế chẩn tai.

Phụng mệnh Hoàng Kim thành

Thành chủ đời thứ 60

Soái Hộ Pháp ấn ký”

Tiếu Bao Tự cũng liếc mắt đọc nhanh và lại kêu lên :

- Thì ra vị tiểu cô nương đó chính là Hoàng Kim thành đệ lục thập đại Thành chủ!

Lý Tam Lang nói :

- Thì ra là như vậy! Vị tiểu cô nương ấy là Thành chủ đời thứ 60 Hoàng Kim thành và lão bà bà là Hộ pháp. Hai vị đã đặt chuyện quái bịnh để thử tiểu huynh. Bằng vào thủ pháp ném bức địa đồ và chìa khóa vào như vừa rồi thì võ công của họ quả đã đến trình độ siêu thần nhập hóa vậy. Nếu họ không tự ý đem dâng tặng kho tàng thì e rằng chẳng ai có thể xâm phạm nổi. Vừa rồi tiểu huynh đã ngẫu nhiên hạnh ngộ cao nhân mà không biết!..

Bỗng nghe một luồng âm thanh truyền lại :

- Chúng ta không dám nhận hai tiếng “cao nhân” của Lý đại hiệp vừa xưng tặng ấy đâu. Chính Lý đại hiệp mới đúng là cao nhân chân chánh đấy. Mục đích của chúng ta đã xong, xin cáo biệt để trở về Hoàng Kim thành. Mong rằng sẽ được tái ngộ trong tương lai.

Lý Tam Lang nghe rõ chính là tiếng nói của Bạch phát lão bà.

Lời dứt bốn bề hoàn toàn vắng lặng.

Lý Tam Lang ôm quyền hô lớn :

- Kính chúc nhị vị đăng trình vạn an, xin thứ lỗi cho Lý mỗ không kịp tiễn bước. Nhị vị yên tâm, kho châu báu của quí thành tại hạ nhứt định sẽ dùng tất cả vào công cuộc cứu tai chẩn tế, càng sớm càng tốt!

Không nghe tiếng đáp lại nhưng âm thanh lời nói của Lý Tam Lang đã vọng ra thật xa, chắc chắn hai nhân vật Hoàng Kim thành đều nghe không sót tiếng nào...
Bình Luận (0)
Comment