Nhật Ký Chăm Sóc Vai Ác Ốm Yếu

Chương 97

Đàm Mặc đi theo Kiều Lam từ xa xa, trông thấy khi người phụ nữ trung niên đằng xa kia vừa nhìn thấy Kiều Lam, bà ta gần như là lao về phía cô.

Kiều Lam lùi về sau một bước, né tránh mẹ Kiều, hỏi bà ta có chuyện gì.

Mẹ Kiều ngẩng đầu lên, Kiều Lam hơi ngẩn ra.

Mặc dù mẹ Kiều là một người đàn bà nhà quê nhưng vẻ ngoài của bà ta thật sự xinh đẹp, tuổi càng lớn thì dần dần không còn được như vậy nữa nhưng bà ta vẫn sẽ trang điểm một chút. Ấy thế mà mẹ Kiều vốn mặt hếch lên trời, hôm nay sắc mặt lại vàng bủng, quầng thâm mắt rất nặng, tóc tai còn hơi rối bù, chỉ cần nhìn thoáng qua là Kiều Lam đã có thể thấy được sự tiều tụy trên khuôn mặt bà ta.

Dáng vẻ này thật sự quá phờ phạc, Kiều Lam hơi mềm lòng, đang định nói gì đó thì mẹ Kiều đã tỏ vẻ dữ tợn, nhìn cô một cách ngờ vực, giọng nói the thé mà chói tai.

“Em trai mày thành như vậy rồi mà mày còn tỏ vẻ thiếu kiên nhẫn sao!?”

Kiều Nguyên?

Kiều Nguyên thế nào?

Kiều Lam thật sự không biết gì cả. Mẹ Kiều trợn mắt nhìn Kiều lam trừng trừng, cười gằn: “Đừng nói là mày không biết gì hết nhé?”

Kiều Lam vừa mới mềm lòng được một chút thì lập tức đã bị thái độ của mẹ Kiều gạt đi.

“Tôi không biết.” Sắc mặt của Kiều Lam trở nên lạnh lùng: “Có việc gì thì nói, không có thì tôi về lớp học.”

Mẹ Kiều chộp lấy tay áo của Kiều Lam, thét lên: “Mày không được đi!” khiến những học sinh đi ngang qua không khỏi nhìn ngó.

Mẹ Kiều vừa mới nhắc đến con trai là biểu cảm lập tức thay đổi, không còn sự dữ tợn và hơi điên loạn, cả người bà ta biến thành dáng vẻ như người mất hồn.

Có đôi khi mẹ Kiều cảm thấy ông trời thật sự bất công, đâu đâu cũng là người, tại sao vận rủi luôn luôn giáng xuống đứa con trai ngoan của bà ta.

Vài ngày trước, lúc bà ta đang bận bịu trong tiệm cơm thì nhận được điện thoại của chủ nhiệm lớp Kiều Nguyên. Chủ nhiệm lớp nói Kiều Nguyên bị ngã khi chơi bóng rổ và bị thương. Cú ngã có vẻ hơi nghiêm trọng.

Cha mẹ Kiều tái mặt vì sợ hãi ngay tại chỗ, vừa đóng cửa tiệm xong thì lập tức chạy đến trường.

Ban đầu, nhiều người nghĩ rằng ngã một cái thôi thì sẽ không bị gì quá nặng, nào ngờ Kiều Nguyên cứ khóc suốt bảo đau, cuối cùng vì đau quá mà hôn mê bất tỉnh, khiến đám học sinh hoảng hồn vội vàng đi tìm giáo viên chủ nhiệm, sau khi gọi 120 xong thì báo cho cha mẹ Kiều Nguyên.

Kiều Nguyên được đưa đến bệnh viện. Sau khi đi ra khỏi phòng phẫu thuật, bác sĩ nói cho cha mẹ Kiều biết một tin như sấm sét giữa trời quang.

Lần ngã này của Kiều Nguyên khiến nó bị vỡ thận, vậy nên phải cắt thận phải đi.

Không nói cha mẹ Kiều, ngay cả giáo viên chủ nhiệm cũng choáng váng. Ai mà ngờ rằng chỉ ngã có một cái thôi mà có thể khiến một quả thận bị vỡ?

Bác sĩ nói hiện tại trời lạnh, đất cứng, Kiều Nguyên lại quá nặng nên có thể giải thích được.

Mẹ Kiều ngồi bên cạnh giường nhìn đứa con trai đã ngủ thiếp đi sau ca phẫu thuật, khóc đến sưng cả hai mắt.

Bác sĩ ở bên cạnh khuyên bà ta, nói chỉ cần chức năng một quả thận còn lại vẫn ổn thì Kiều Nguyên sẽ không sao. Sau khi kiểm tra, quả thận còn lại của Kiều Nguyên không có bất cứ vấn đề gì, vậy nên việc cắt đi một quả thận không có ảnh hưởng gì quá lớn đến Kiều Nguyên, một quả thận là đảm bảo đủ cho cơ thể rồi.

Nhưng mẹ Kiều vẫn không tin vào chuyện lạ. Bà ta nhìn đứa con trai đang hôn mê rồi lấy điện thoại di động ra tra Baidu, thấy rất nhiều cách nói khác với bác sĩ.

Chẳng hạn như thận là cơ quan giải độc của cơ thể, việc mất đi một bên sẽ tăng áp lực cho bên còn lại, về lâu dài sẽ khiến chức năng của một bên thận kia giảm xuống, tiếp đó là khả năng giải độc sẽ suy giảm. Điều này cực kỳ có hại với cơ thể, cuối cùng dẫn đến suy thận.

Thậm chí còn có người nói từ sau khi cắt bỏ một quả thận, họ cảm thấy tình trạng cơ thể họ rất kém, hơn nữa còn thấy rất đau, ăn uống không có khẩu vị, cảm thấy tuổi thọ bị ảnh hưởng. Lúc trẻ thì vẫn ổn, đến khi già đi, một quả thận chắc chắn sẽ không chống đỡ được, vân vân và vân vân.

Mẹ Kiều xem mà hoảng hồn khiếp vía, sau đó bác sĩ nói gì bà ta đều không nghe.

Ban đầu bác sĩ bình tĩnh hòa nhã giải thích cho cha mẹ Kiều, kết quả mẹ Kiều lại giống như một kẻ đang đòi nợ vì bác sĩ không chịu làm gì cả khiến bác sĩ cũng bực mình.

“Vậy ý bà là như thế nào?”

Bác sĩ cố nén sự bực bội, nói: “Nếu bà không yên lòng thì hoàn toàn có thể tìm một nguồn thận phù hợp.”

Mẹ Kiều bật thốt: “Vậy thì tìm đi!”

Cha Kiều rốt cuộc không mất đi lý trí, nắm lấy mẹ Kiều, hỏi bác sĩ: “Vậy cần bao nhiêu tiền?”

“Chi phí ghép thận vào khoảng từ mười đến ba mươi vạn tệ, tùy thuộc vào phản ứng thích nghi sau phẫu thuật và đặt nguồn thận. Nguồn thận rất hiếm, giá của một nguồn thận phù hợp ít nhất phải từ bốn mươi vạn tệ trở lên.”

Việc này không bao gồm chi phí phục hồi sau phẫu thuật.

Bác sĩ nói giá, mẹ Kiều giật thót mình, cuối cùng cũng tỉnh lại từ cơn điên loạn.

Cuối cùng bác sĩ cũng chặn được miệng mẹ Kiều, rời khỏi phòng bệnh, để lại mẹ Kiều sững sờ một thoáng rồi bắt đầu gào khóc.

Chi phí phẫu thuật cộng với nguồn thận và tiền hồi phục sau khi mổ tính sơ qua vào khoảng một trăm vạn.

Một trăm vạn đối với cha mẹ Kiều mà nói quả thật là rất nhiều.

Tất cả nguồn thu nhập của cha mẹ Kiều đều đến từ quán cơm nhỏ trước cổng trường. Quán cơm quá nhỏ, hơn nữa cơm học sinh giá cũng thấp, thu nhập vừa ổn nhưng tuyệt đối không cao. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ thành công gả đi hai đứa con gái, cuối cùng mới mua được căn hộ hiện tại.

Chính bản thân bọn họ còn không nỡ xài tiền nhưng ngược lại với Kiều Nguyên thì lại rất hào phóng, mua đôi giày mấy ngàn tệ mà đến mắt còn không chớp, tiền để dành được mấy năm nay thật đúng là không nhiều.

Tính đâu ra đấy thì chỉ có hơn mười vạn mà thôi.

Lấy ở đâu ra một trăm vạn?

Trừ khi bán nhà đi, thế nhưng làm sao có thể bán được? Bán rồi thì bọn họ sống ở đâu?

Mẹ Kiều khóc đến nỗi mắt sưng thành quả hạch. Thỉnh thoảng có y tá khuyên bà ta rằng thật sự không cần phải lo lắng như thế, một quả thận tuyệt đối không có vấn đề gì. Kết quả sau khi Kiều Nguyên tỉnh lại, nó vẫn luôn kêu đau, không ăn được gì hết, mẹ Kiều vừa mới xiêu lòng vì những gì y tá nói lập tức lại rối tung lên. Y tá nói với bà ta đây là do vết thương bị đau sau khi phẫu thuật, mẹ Kiều chẳng nghe lọt tai câu nào.

Không được, tuyệt đối phải để con trai khỏe mạnh an khang!

Phản ứng của bà nội Kiều còn dữ dội hơn cả mẹ Kiều. Sau khi nghe tin cháu trai bị thương, bà ta sợ đến mức ngất xỉu ngay tại chỗ. Đến khi tỉnh lại, sợ cha mẹ Kiều thật sự không bỏ tiền ra cho Kiều Nguyên, ngày nào bà ta cũng tẩy não họ, cho dù có phải đập nồi bán sắt [1] cũng nhất định phải chữa bệnh cho Kiều Nguyên.

[1] Đập nồi bán sắt: Quyết tâm phải hoàn thành một việc dù có tốn kém thế nào đi chăng nữa.

“Trong nhà không có tiền, không phải còn có thằng cả thằng hai sao? Nhà thằng cả không có đủ mười vạn thì cũng phải lấy tiền ra, thằng hai lái chiếc xe hơn mười mấy vạn, tao không tin là không có tiền?”

Bản thân bà nội Kiều không có tiền, tiền trong tay cả đời cũng chưa từng vượt quá hai trăm tệ. Bà ta hoàn toàn không có khái niệm gì với tiền, mở miệng nói mấy chục vạn ngược lại rất dễ dàng.

Nhưng chuyện đến nước này, cha mẹ Kiều cũng mặc kệ, gọi điện thoại cho chị cả của Kiều Lam và chị Hai Kiều.

Điều kiện gia đình của chị cả Kiều không gọi là quá tốt. Đối với đôi vợ chồng trẻ vừa mới mua nhà sau khi kết hôn còn nợ một đống tiền mà nói thì mười vạn tệ là rất nhiều. Nhưng rốt cuộc là em trai gặp chuyện, chị cả Kiều giật gấu vá vai [2] mãi tìm được ba vạn tệ cho mẹ Kiều.

[2] Giật gấu vá vai: Chỉ việc xoay xở, chạy vạy, lấy chỗ nọ bù đắp vào chỗ kia để khắc phục tình trạng thiếu thốn túng quẫn.

Bà nội Kiều chửi mát rằng chị cả Kiều keo kiệt, em trai ruột thành như thế mà chỉ đưa được chút tiền như vậy.

Chị cả Kiều bỗng thấy chua xót trong lòng.

Ba vạn này chị ấy tìm cũng không dễ dàng. Mặc dù chồng chị không nói gì nhưng mẹ chồng thì cực kỳ khó chịu. Vì ba vạn này mà chị ấy phải chịu bao nhiêu khó khăn, nhưng đến miệng bà nội Kiều thì chỉ cảm thấy chị ấy hẹp hòi.

Vành mắt chị cả Kiều bỗng đỏ lên.

Kiều Nguyên là em trai ruột của chị, chị vì Kiều Nguyên mà chạy đông chạy tây mượn từng đồng từng hào, ấy thế mà con của chị đã sắp ba tuổi, bà nội Kiều và cả cha mẹ Kiều ngay cả một bình sữa cũng chưa từng mua cho con chị.

Chị cả Kiều càng nghĩ càng đau lòng và khổ sở. Chồng chị đi đến, lặng lẽ ôm lấy bả vai người vợ trẻ. Chị cả Kiều nắm lấy tay chồng, không chịu được nữa mà bật khóc.

Chị cả Kiều dễ bắt nạt, cha mẹ Kiều lấy được ba vạn, nhưng chị Hai Kiều bên kia lại khó khăn.

Theo lý thuyết chị Hai Kiều gả cho chồng giàu thì càng có tiền hơn, lúc trước chị ta đã đưa cho mẹ Kiều hai vạn tiền tiêu vặt, gặp chuyện như vậy nên bỏ ra nhiều tiền hơn, nào ngờ lần này chị Hai Kiều keo kiệt vắt cổ chày ra nước.

Nói một câu ngắn gọn, không có.

Mẹ Kiều kinh hãi tột độ. Sao chị Hai Kiều có thể không có, chồng chị ta đâu?

Không nhắc còn ổn, vừa nhắc đến chồng, chị Hai Kiều càng uất nghẹn.

Lúc trước chị ta đòi được quyền kinh doanh tiệm lẩu mà chồng chị ta vừa mới đầu tư, ban đầu định rầm rầm rộ rộ làm lớn một phen, ai ngờ khai trương chưa được một tháng đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Nhà hàng không còn, hơn trăm vạn tiền đầu tư trực tiếp trôi theo dòng nước.

Bình thường chồng chị ta cũng coi như là yêu chiều, hôm đó trực tiếp nổi đóa. Khoảng thời gian sau đó ngày nào cũng mắng chị ta, có lần uống rượu còn ra tay đánh vợ.

Chị Hai Kiều bị dọa sợ, khóc cả một đêm, nhưng rốt cuộc chị ta cũng không dám cãi nhau với ông xã.

Đúng là bởi vì chị ta nên nhà hàng mới không còn nữa, cũng vì chị ta mà mới mất tiền, hơn nữa chị ta nào dám ầm ĩ với chồng. Bây giờ chị ta hoàn toàn là một người phụ nữ sống nhờ vào đàn ông, không hề có năng lực gánh vác bản thân. Nếu chọc điên ông xã lên, không chừng chị ta sẽ mất tất cả mọi thứ hiện tại.

Từ sau khi gả cho một người chồng có tiền, chị Hai Kiều không ít lần vênh váo trước mặt bạn bè và họ hàng. Nếu có một ngày chị ta không thể nào dựa dẫm vào chồng được nữa, những người trước kia sẽ nghĩ về chị ta như thế nào? Chị Hai Kiều nghĩ cũng không dám nghĩ.

Vậy nên cho dù chồng chị ta có như thế nào đi chăng nữa thì chị Hai Kiều cũng phải chấp nhận tất cả. Chẳng những thế, chị ta càng phải nhún nhường mỗi ngày tìm cách hầu hạ ông xã hài lòng.

Nhưng dù vậy, mọi chuyện vẫn cứ lao theo chiều hướng mà chị ta không thể kiểm soát.

Chị Hai Kiều không chỉ làm nhà hàng mới đầu tư đóng cửa mà còn liên lụy đến nhà La Niên cũng như thế. Cha La Niên và chồng chị Hai Kiều có quan hệ rất tốt, chuyện này đã khiến chồng chị ta cực kỳ mất mặt, có lỗi với nhà người ta.

Đám bạn bè cùng cảm thán, quả nhiên là đứa làm thuê dốt nát không đáng tin cậy từ quê nghèo ra, cũng chỉ là xinh đẹp một chút mà thôi, ngoại trừ điều đó ra thì chẳng còn gì cả.

Mặc dù người vợ trước lớn tuổi, vẻ ngoài cũng không được như xưa nhưng dù gì cũng là người phụ nữ đã cùng ông ta học đại học và dốc sức bươn chải, dạy con xuất sắc, giúp ông ta quản lý khách sạn cũng gọn gàng.

Kết quả ly hôn, cưới đứa nhân viên hiện tại, công việc tăng gấp đôi so với trước đây thì không nói, bây giờ còn mất trắng hơn trăm vạn.

Bình thường cái loại con gái chỉ có khuôn mặt xinh đẹp thì chỉ cần nuôi bên ngoài cho ít tiền là được, nữ chủ nhân của gia đình hầu như vẫn phải tìm người có trình độ.

Bây giờ chồng chị Hai Kiều mới hiểu được sự thật này, nhớ đến chỉ cảm thấy trước đây mình đã hồ đồ, nghĩ lại thì đã lâu không gặp vợ cũ, tự dưng hơi nhớ nhung, cả đứa con gái đã đi theo vợ cũ, thật ra ông ta cũng nhớ nó vô cùng.

Sau đó ông ta thật sự không kiềm chế được mà đi gặp vợ cũ, kết quả là vợ cũ gần như đã có một mối quan hệ mới ổn định. Ông ta chỉ có thể bồi thường cho vợ trước và con gái một số tiền lớn, sau đó cách mấy ngày sẽ đến thăm con gái một lần.

Chị Hai Kiều biết chuyện cũng không dám ầm ĩ với chồng, sau đó thăm dò được vợ trước đã sắp kết hôn rồi mới yên tâm. Nhưng không đợi chị ta yên tâm được bao lâu, số lần chồng chị ta về nhà càng ngày càng ít, có đôi lúc thậm chí cả đêm còn không về.

Chị Hai Kiều ngồi không yên, ra ngoài theo dõi ông xã mấy ngày, cuối cùng phát hiện chồng chị ta đi lại rất gần gũi với một người phụ nữ.

Chị Hai Kiều điều tra kỹ càng người phụ nữ kia, hai mươi bảy tuổi, đã ly hôn. Chị ta càng nghĩ càng thấy khó chịu, cuối cùng lấy hết can đảm oán trách chồng, tủi thân nói rằng chẳng lẽ mình còn không bằng một bà già sao.

Người chồng càng ngày càng lạnh lùng với chị ta cúi đầu nhìn chị ta một cái, vạch trần bộ mặt thật của chị ta chỉ với một câu.

“Người ta thế nhưng là sinh viên giỏi tốt nghiệp từ đại học danh tiếng. Có phải là ngay cả cái đại học này cô cũng chưa từng nghe đến đúng không?”

Khái niệm lý tính [3] mà chị Hai Kiều luôn khoác lác với mọi người lập tức sụp đổ.

[3] Lý tính là một thuật ngữ dùng trong triết học và các khoa học khác về con người để chỉ các năng lực nhận thức của tâm thức con người.

Chị ta vẫn cảm thấy rằng mình trẻ trung xinh đẹp, thỉnh thoảng những sinh viên đại học danh tiếng đều phải gọi chị ta một tiếng bà chủ. Cùng một tuổi, thậm chí chị ta còn trẻ hơn, chị ta có thể ở biệt thự, lái xe sang, đeo nhẫn kim cương. Tiền lương một tháng của rất nhiều sinh viên chẳng qua cũng chỉ được mấy ngàn tệ, ngày nào cũng phải đi sớm về tối.

Chị Hai Kiều cực kỳ đắc ý với chuyện này, sau đó thậm chí còn muốn kéo Kiều Lam cùng xuống nước.

Kết quả chưa đợi chị Hai Kiều làm được điều đó, chị ta đã trở thành một con chó rơi xuống nước.

Một người phụ nữ không trẻ trung và xinh đẹp bằng chị ta đã cướp mất người chồng mà chị ta vất vả lắm mới có được.

Chị Hai Kiều cuối cùng cũng muộn màng nhận ra được một sự thật. Một người đàn ông có thể bỏ vợ để tìm tiểu tam thì hoàn toàn có khả năng vứt bỏ tiểu tam để đi tìm cái gọi là tiểu tứ tiểu ngũ.

Mà gửi gắm tất cả hy vọng vào một người đàn ông như vậy thì đã được định sẵn là một ngày nào đó sẽ bị vứt bỏ.
Bình Luận (0)
Comment