(Giải thích tựa chương: Trong sân của quân sư có cả vạn quyển sách…)“Bột gạo xay, một đấu ngô, ba đấu cao lương…”
Kỳ Lân đem chỗ làm việc dời ra bên ngoài lò rượu, cuối Thu trời thanh mát, ánh nắng ôn hòa, nhóm binh sĩ đưa đến mấy gánh(1) nguyên liệu cùng với thùng hèm rượu lớn để bên cạnh.
“Trước tiên, thử coi ủ rượu thế nào.” Kỳ Lân nói: “Thành công thì đưa ghi chép cho các binh sĩ làm theo là được… Nghi so tam tư, vị cực nhân thần Lã Phụng Tiên! Ngài làm ơn đừng có ăn vụng hèm!”
Lã Bố nói: “Hầu gia đang kiểm tra chất lượng!”
Kỳ Lân dở khóc dở cười: “Nhanh lên, làm theo hướng dẫn trong này đi, đầu tiên là xay bột, xay đi(2).”
Lã Bố xắn tay áo bắt đầu xay, những binh sĩ bên cạnh sợ hoảng hồn, vội nói: “Chủ công, ở đây có lừa.”
Lã Bố đáp: “Không có việc gì, sức lực dồi dào không có chỗ dùng, hoạt động một chút cho giãn gân giãn cốt.”
Kỳ Lân thấy vậy mới nói: “Các ngươi ai nấy đi làm việc hết đi, hai người ở lại hỗ trợ là được rồi, các ngươi… Ngươi đi lấy củi đốt lò, đun nước chuẩn bị lát nữa nấu hồ(3), ngươi ra kênh đào múc nước, đổ đầy mười vạc lớn bên ngoài.”
Lã Bố vừa xay bột vừa hỏi: “Ngươi nấu rượu uống được không thế?”
Kỳ Lân hớn hở đáp: “Ai biết đâu, không phải đang thử đây sao? Thái sư phụ cho phương pháp, nếu đổi từ chưng cách thủy sang lọc bằng nhiệt thì có lẽ rượu sẽ thanh khiết hơn.”
Lã Bố lẩm bẩm: “Được, ngươi ủ ra cái gì ta uống cái đó.”
Kỳ Lân: “…”
Kỳ Lân mặc kệ hắn, cúi đầu kiểm tra dự toán qua mùa Đông, trong sân chỉ còn tiếng cọc cạch của cối xay, lát sau Kỳ Lân kiềm lòng không đặng ngước lên nhìn trộm Lã Bố một cái.
Lã Bố vừa đi quanh vừa đẩy cối, do nóng nên cởi áo dài ra, chỉ còn áo đơn bao lấy cơ thể, cánh tay cường tráng mạnh mẽ để trần. Cao to lực lưỡng, thân thể chín thước khom người đẩy cối, xay đến mồ hôi ướt đẫm, áo mỏng dính sát vào lưng, lộ ra các bó cơ lưng. Bên dưới mặc một cái quần lụa dài lỏng lẻo, ống quần được đôi giày võ màu đen bó lại.
Khi mồ hôi thấm ướt hết cả, quần lụa gần như trong suốt, vật nam tính kia như ẩn như hiện, khiến Kỳ Lân lúng túng: “Ngươi nên… mặc áo dài vào đi.”
Lã Bố thản nhiên lầm bầm: “Nóng.”
Kỳ Lân làm một động tác muốn phát điên, đỏ mặt không nhìn nữa, Lã Bố lại nhìn chăm chăm Kỳ Lân: “Ngươi viết gì đó?”
“Thư.” Kỳ Lân đáp: “Gửi cho Công Cẩn với Bá Phù.”
Lã Bố đột nhiên căng thẳng, dừng bước, nghiêm túc nói: “Ngươi muốn mượn tiền của hai tên đó à?! Nếu là tiền với lương thực thì để Hầu gia đi săn đi cướp là được.”
Kỳ Lân bất đắc dĩ nói: “Xay bột của ngươi đi, căng thẳng cái gì? Ta có việc cá nhân cần tìm hai người đó, có một đạo sĩ, hạn hán năm sau sẽ đến Giang Đông cầu mưa, bị Bá Phù bắt được muốn chém, ta nhờ đưa hắn đến Lương Châu, vừa đúng lúc bên này hạn hán, cầu chút mưa để có cái mà dùng.”
Lã Bối hỏi lại: “Sao ngươi biết?”
Kỳ Lân mỉm cười: “Đương nhiên ta biết.”
Lã Bố lại tiếp tục xay bột: “Vậy ngươi tính dùm coi, chừng nào Hầu gia có thể làm cha?”
Kỳ Lân nói: “Ngươi nên đi hỏi cái bụng của Điêu Thiền ấy, hỏi ta được cái gì?”
Lã Bố xay xong một vòng: “Bụng của Điêu Thiền không biết nói.”
Kỳ Lân nhìn Lã Bố, nhìn một lát nhức đầu chóng mặt, đành làm động tác ‘Cút’ với hắn, nhưng trong lòng chợt nghĩ về một việc khác.
“Ngươi muốn nạp thiếp à?” Kỳ Lân hỏi.
Lã Bố ngạc nhiên: “Không, sao hỏi vậy?”
Kỳ Lân lắc lắc đầu, Lã Bố xay bột cả buổi trưa, hai người cũng không nói chuyện gì, Kỳ Lân ngụp lặn trong đống công văn cần xử lý, đến khi xong hết mới thôi, Lã Bố ném áo choàng cho hắn, Kỳ Lân cầm lấy khoác lên: “Xay xong rồi à?”
Lã Bố: “Không phải là tại Hầu gia đấy chứ?”
Kỳ Lân dở khóc dở cười, thì ra hắn còn đang nghĩ chuyện con cái, nói: “Chuyện này ta cũng không biết, đợi xem có thầy thuốc nào từ Trung Nguyên đến không, để hắn bắt mạch, hay là ngâm rượu tráng dương đi? Nhân sâm, hải mã gì gì đó… đòi của Bá Phù ấy. Cuối năm bảo hắn đưa đến.”
Lã Bố chẳng nói gì, Kỳ Lân kết luận: “Cứ như vậy đi.”
Vùng Lũng Tây vốn có Khúc A, là kỹ thuật nấu rượu nước Thục xưa truyền lại, Kỳ Lân chẳng qua thay đổi phương pháp một chút, những binh sĩ nấu nước để nguội, bột đã xay xong, chú lừa Lã Bố cũng bị đuổi đi, lại lấy hèm rượu và mấy thứ kia để chung một chỗ, để qua một bên chờ lên men.
Kỳ Lân lười biếng duỗi eo, việc của hôm nay coi như xong. Lã Bố đổ mồ hôi đầy người, ban đêm ngủ cũng nhẹ nhàng khoan khoái, Trần Cung nghiên cứu xong ‘Phương pháp nuôi heo theo khoa học’ thì đến tìm Kỳ Lân.
“Có thể nuôi gà nữa.” Trần Cung cho ý kiến: “Nhưng trong sách viết… ‘nhiệt độ’ là gì vậy?”
Kỳ Lân giải thích: “Mấy thứ như nhiệt độ và mấy cái ký hiệu lạ lạ kia cứ mặc kệ đi, đó là số Ả Rập.”
Hắn cầm lấy quyền sách tùy tiện đánh dấu mấy chỗ, sửa đổi một chút: “Thức ăn gia súc cứ theo lượng ta ghi, chia nhỏ ra mấy thạch mấy đấu mấy thưng rồi trộn đều lên cho chúng ăn.”
Cả người Trần Cung ám mùi thối của lợn, kết quả của một ngày vất vả, nghe xong đi tắm rửa nghỉ ngơi, có chuyện gì mai lại làm tiếp.
Đêm xuống mọi người đều mệt mỏi lục tục tìm chỗ nghỉ ngơi, Cao Thuận với Trương Liêu còn chưa về thành, Cam Ninh cũng không, Lã Bố dặn dò đưa thức ăn đến cho từng người, ai nấy tự ăn.
Sau khi ăn cơm xong, Kỳ Lân tắm rửa thay quần áo sạch sẽ ra ngoài đi dạo. Toàn thành Lũng Tây đèn đuốc sáng trưng, phía sườn Tây binh sĩ thay ca nghỉ ngơi vẫn còn ồn ào đấu rượu, la hét ầm ĩ, bầu không khí vô cùng ấm áp.
“Đầu năm sau, cả thành chắc chắn sẽ thay đổi lớn.” Trương Liêu đang đứng cao cao trên tường thành cảm khái.
“Ăn cơm chưa?” Kỳ Lân hỏi.
Trương Liêu trả lời: “Mới ăn với binh lính, ta theo Hầu gia cũng kha khá năm, cuối cùng cũng có nơi an cư, không cần phải chạy ngược chạy xuôi nữa.”
Kỳ lân cười: “Đầu Xuân tới, bắt đầu khai thác tài nguyên phát triển thương mậu, Lũng Sơn nằm trên Con Đường Tơ Lụa, chúng ta ở Lũng Tây, cách nơi đó chưa tới hai mươi dặm, phát triển dần về phía đó rồi xây thêm một vòng thành bên ngoài.”
Trương Liêu: “Đúng vậy! Phải làm như vậy!”
Kỳ Lân và Trương Liêu nằm song song trên đống cỏ khô, nhìn lên bầu trời đầy sao của mùa Thu Tây Bắc.
Trương Liêu lên tiếng hỏi: “Sau này, thiên hạ đâu vào đấy rồi, ngươi tính thế nào?”
Kỳ Lân vọt miệng đáp: “Tất nhiên là ta phải về rồi, không thể cùng với các ngươi…”
Trương Liêu nghi hoặc hỏi: “Về? Về đâu?”
Kỳ Lân biết mình lỡ miệng, đành cười nói: “Không có về đâu cả, về nhà, áo gấm về làng… Còn ngươi?”
Trương Liêu bứt một cọng cỏ cắn cắn trong miệng, gác chân: “Làm quan lớn, về quê, báo cho mẫu thân biết, rồi đến thăm mộ cha ta…”
“Nhà ngươi vốn họ Nhiếp đúng không?” Kỳ Lân chợt nhớ thân thế Trương Liêu, thật ra cũng là gia đình quyền thế.
“Tổ phụ Nhiếp Nhất của ngươi là công thần nổi danh của nhà Hán, cũng coi như là vọng tộc ở Nhạn Môn.”
Trương Liêu cười thản nhiên: “Vọng tộc gì nữa, giờ chỉ là thùng rỗng kêu to mà thôi, lúc mẹ khuyên ta đi đầu nhập vào dưới trướng Đinh thứ sử, trong nhà ta từ trên xuống dưới còn đúng hai mươi lượng bạc, mẹ ta bóp bụng đưa ta làm lộ phí.”
“Sau đó thì sao?” Kỳ Lân kiềm lòng không được, hỏi: “Nàng vẫn còn chứ?”
Trương Liêu nói: “Còn, ở nhà cũ ở Nhạn Môn, Văn Viễn ta may mắn lọt vào mắt xanh của Hầu gia, quân lương mỗi tháng không ít, coi như đủ để chăm sóc mẹ già.”
Kỳ Lân: “Thấy lúc nào thích hợp thì ngươi cũng có thể đổi lại họ cũ.”
Trương Liêu xuất thần: “Cũng phải, nhớ năm xưa tổ tiên ta chính…”
Kỳ Lân hít một hơi thật sâu, hỏi: “Tổ tiên của ngươi có phải là một trong tứ đại thích khách không?”
Trương Liêu bật cười ngồi dậy: “Sao thế, lạ lắm à?”
Kỳ Lân cảm thấy thật khó tin, nhưng Trương Liêu đã hỏi ngược lại hắn: “Còn ngươi? Lúc mới gặp, ta cứ có cảm giác ngươi không giống như người trên đời này. Theo cách ngươi nói năng, ung dung tự tại, hơn phân nửa là nhà giàu, đúng rồi, hay ngươi là một thằng nhóc con nhà giàu, được yêu chiều từ bé nhỉ?”
Mỗi lần bị hỏi vấn đền này, Kỳ Lân đều cảm thấy rất khó trả lời, hắn lại không muốn nói dối Trương Liêu, chợt nghe bên cạnh đống cỏ khô có tiếng chíp chíp, lập tức chuyển câu chuyện đi: “Tiếng gì thế?”
Trương Liêu nhảy xuống khỏi đống cỏ, Kỳ Lân cũng trượt xuống theo, thấy phía sau có hai con gà con lông tơ vàng mướt đang lạnh run, rúc vào một góc.
Trương Liêu lấy vỏ kiếm khều khều, nhấc một con lên xem: “Chắc của gần đây đi lạc, không biết gà mái nhà nào về ổ mà xót con, giờ đem trả hay sao?”
Kỳ Lân nhìn chung quanh, nhà dân đã tắt đèn ngủ cả rồi, nói: “Thôi đừng làm phiền, để ta đem về nuôi.”
Trương Liêu cởi áo choàng, bọc hai con gà con lại đưa cho Kỳ Lân, thuận đường đưa hắn về Hầu phủ của Lã Bố, sau khi hai người tạm biệt nhau, Kỳ Lân tìm cái thùng gỗ, dọn một chỗ khuất gió phía trước chuồng ngựa làm ổ gà, lại lấy hai hai cái chén sành đựng nước và ít ngũ cốc, sắp xếp cẩn thận.
Xích Thố đang ngặm cỏ khô, ánh mắt tỏa sáng hiếu kỳ nhìn Kỳ Lân chăm chú, xong lại cúi đầu nhìn hai con gà bé tí teo.
Kỳ Lân dặn: “Hai đứa này mới tới, nhờ ngươi trông coi giùm, đừng để chúng đi lung tung nhé.”
Xích Thố hí một tiếng, ý bảo đã biết rồi, Kỳ Lân mới về phòng ngủ.
Sáng sớm hôm sau.
Điêu Thiền đi ra sân, nghe tiếp kêu chíp chíp, liếc nhìn chuồng ngựa bên cạnh rồi đi qua.
“Ai bày đồ chơi thế này? “Điêu Thiền hỏi: “Quản sự đâu, ai cho phép nuôi gà ngay trước sân Hầu phủ thế?”
Nàng còn chưa nói hết, búi tóc trên đầu đột nhiên bung ra.
Điêu Thiền kêu lên một tiếng đè lại trâm cài, quở: “Làm gì đó! Ngươi.. súc sinh!”
Xích Thố ngậm kiểu tóc mỹ nhân của Điêu Thiền trong miệng, kéo nàng lui lại phía sau mấy bước, rồi bắt đầu nhai nhai tóc nàng.
Điêu Thiền: “…”
Nàng thét to: “Hầu gia… ngựa của chàng!”
Lã Bố còn đang ngủ, khó chịu vì bị đánh thức từ trong phòng nói vọng ra: “Thế nào?”
Xích Thố nghe tiếng Lã Bố, lập tức ngừng nhai, mũi miệng thở phì phì, văng nước miếng đầy đầu Điêu Thiền, xong nhanh chóng quay mặt chỗ khác làm bộ đang ăn cỏ.
Điêu Thiền muốn phát điên đi tìm nước gội đầu, lúc này Lã Bố mới ngáp dài ngáp vắn đi ra, Xích Thố ngoan ngoãn cúi đầu.
Lã Bố ở trần, chỉ choàng bừa cái áo lên người, tóc còn chưa búi, đến gần yêu thương sờ đầu Xích Thố, hỏi: “Chuyện gì thế?”
Xích Thố đụng nhẹ vào cái thùng gỗ kế bên.
Lã Bố: “Đồ chơi gì à? Kỳ Lân làm hả?”
Nói xong, hắn ngồi xuống, lấy tay khều khều, gà con mổ mổ lên đầu ngón tay hắn, tay Lã Bố rất to, dùng ba ngón tay xoa xoa bộ lông tơ mềm mềm, đứng dậy đổi nước đổi thức ăn cho gà con rồi mới đi ăn sáng.
Giờ Lã Bố đã có việc để làm, cuộc đời trở nên dồi dào cảm hứng, mỗi ngày đều đến lò rượu, Kỳ Lân làm giám đốc kỹ thuật quơ tay múa chân rồi đứng nhìn, công việc ở đây đa phần là Lã Bố làm.
Theo lời của tên lỗ mãng nào đó nói thì: “Chờ uống rượu chúng ta ủ.”
‘Thứ anh ủ thật ra không phải là rượu mà là cô đơn’, Kỳ Lân tính kỹ thời gian, đun sôi cái rượu, để nguội, trộn với rượu chưa lọc các bước, trải qua bốn năm ngày sẽ đưa rượu vào hầm chứa với nhiệt độ và độ ẩm thích hợp đợi lên men.
Bấm bấm tay, sau mười ngày nữa có thể lấy ra khỏi hầm.
Bước tiếp theo là phức tạp nhất, Kỳ Lân cũng tự mình ra tay, đầu tiên lấy những cái nồi nhỏ đặc chế xếp thành một hàng, đổ đầy mấy thứ này nọ rồi đun nóng dần lên, trên đỉnh nồi cao nhất treo một mảnh gốm dài dài hình lòng máng, dùng ống trúc dẫn nước từ mương vào để giữ mảnh gốm luôn luôn mát lạnh.
Rượu bên trong nồi được đun sôi sẽ bốc hơi lên, miếng gốm được hạ cuống thật thấp gần chạm vào miệng nồi, rượu nóng bốc hơi gặp lạnh sẽ ngưng tụ thành giọt, giọt rượu này sẽ chảy theo mảnh ngói hình lòng máng nhỏ vào trong bình bên dưới.
Kỳ Lân tiếc nuối: “Phương pháp này quá lãng phí… Các ngươi… Phụng Tiên!”
Lã Bố đứng ở ngoài sân trước lò nấu rượu hít mùi rượu lan tỏa trong không khí.
Chẳng biết từ bao giờ, cả con đường đã đông nghịt binh sĩ và bá tánh.
“Chủ công ủ rượu!”
“Rượu gì thế! Thơm quá trời quá đất!”
Mọi người ai nấy chen nhau đến trước cửa hít hít mũi, thật đúng là một nơi ủ rượu hương bay mười dặm, mùi rượu bay theo gió, ngay cả người ở cách đó năm sáu hẻm cũng ngửi thấy mà đến.
Lã Bố cảnh giác nói: “Làm gì thế! Tất cả cút ngay!”
Kỳ Lân: “…”
“Để họ ngửi chút đi, đâu có lỗ vốn đâu.” Kỳ Lân bất đắc dĩ nói.
Khi rượu đã nấu được một nửa, xa xa truyền đến tiếng nói ồn ào của Cao Thuận: “Ai nấu rượu đấy?! Rượu ngon!”
Kỳ Lân hoan hô một tiếng, Cao Thuận trở về rồi, không màn tới Lã Bố nữa, Kỳ Lân thu dọn đồ đạc, vừa chạy vọt đi vừa nói: “Đưa hết mọi thứ đến quý phủ của Công Đài đi!”
Lã Bố: “Này, rượu còn…”
Kỳ Lân vội vàng chuyện chính sự, không rảnh đâu chơi đùa với hắn nữa: “Đợi khi nào bình đầy thì đổi bình khác, có việc đi trước, bái.”
Lã Bố bực bội rồi nha.
“Ngửi cái gì mà ngửi!”
Kỳ Lân vừa đi, Lã Bố lặp tức hét toáng lên với mấy người đang đứng xem: “Cút hết!”
Binh sĩ trước của tan tác như chim muông, Lã Bố mặt mũi hầm hầm ngồi đổi từng bình rượu, giống như chịu uất ức gì ghê gớm lắm vậy.
Cao Thuận phong trần mệt mỏi tải về hai xe quặng, lấy bản đồ giao lại.
“Ngươi vất vả rồi, đi tắm rửa nghỉ ngơi đi.” Kỳ Lân cười nói: “Chủ công tự nấu rượu cũng vừa kịp lúc, buổi tối đãi tiệc chúc mừng cho ngươi.”
“Cũng không có gì, đều theo dấu hiệu ngươi dặn trước thôi, khi nào đi khai thác?” Cao Thuận cười nhận khăn hạ nhân đưa tới, lau mặt đầy bụi, cả thau nước cũng đục ngầu.
Kỳ Lân lấy ra một mảnh khoáng vật, dùng búa gõ vỡ một mảng, đưa về phía mặt trời để xem, cười nói: “Đêm nay bắt đầu tinh luyện, ta cần phải đi tìm mấy người.”
Cao Thuận lên tiếng: “Ta giúp ngươi nhóm lò, cứ vậy mà làm thôi.”
Kỳ Lân vội ngăn: “Ngươi nghỉ ngơi đi, lần này thật là làm phiền ngươi rồi, đợi lò chuẩn bị xong, chúng ta hẳn bắt tay vào làm, đến gặp chủ công đòi tiền thưởng đi.”
Trần Cung cũng có mặt ở đó thản nhiên nói: “Ta cũng suốt ngày nghiên cứu cách nuôi heo, sao ta không có tiền thưởng?”
Cao Thuận cười vang, vắt khăn lên vai đi về nhà, Kỳ Lân cũng cười nói: “Phụng Tiên đang nấu rượu, đợi xong rồi, tặng mỗi người một vò rượu ngon nhất.”
Trần Cung cười, chế giễu: “Tính nết của tên Phụng Tiên kia như con nít, có thể nấu rượu à? E là vừa nấu vừa uống, còn lại chẳng bao nhiêu.”
Kỳ Lân ‘ừ’, dặn người đi chuẩn bị lò luyện, lát sau có người đến báo, Cam Ninh cũng vừa về tới.
Trần Cung nói: “Theo dự tính thì cũng đến lúc quay lại.”
Kỳ Lân: “Còn một người phải vào kinh buôn bán, Giả Văn Hòa đi buôn người về tới coi như đủ mặt.”
Trần Cung hỏi lại: “Giả Văn Hòa đi làm gì?”
Kỳ Lân cười ra khỏi phủ Trần Cung, đi đón Cam Ninh trộm cây mới về.
Khôi giáp trên người Cam Ninh tơi tả, Kỳ Lân vừa đến lên tiếng chào: “Về rồi à!”
“Mau đến dập đầu với quân sư đại nhân đi.” Cam Ninh miễn cưỡng lên tiếng: “Chính hắn cứu các ngươi ra khỏi Kinh Châu đấy.”
Các thiếu nhiên líu ríu ra khỏi phòng, Kỳ Lân đếm, có đến bốn người, thầm nghĩ, nuôi nhiều nam sủng như vậy chịu nổi luôn hả ta, vội bảo: “Không cần đa lễ.”
Cam Ninh sức tàn lực kiệt đứng dựa vào hành lang, hai thiếu nhiên thanh tú hầu hạ hắn cởi giáp, Cam Ninh lại nói: “Tránh xa ông đây một chút, suýt không còn mạng để về, tiểu tử ngươi chả tốt lành gì cả, dám tính toán với ông.”
Kỳ Lân biến sắc: “Gặp địch sao? Chết mấy người?”
Đứng dưới ánh mặt trời, Cam Ninh phun nước bọt rồi dùng tay chùi miệng một cái, cười lưu manh: “Ông đây là ai hả? Một người cũng không chết nhé, về đủ cả đấy!”
Kỳ Lân hỏi: “Là Nhan Lương hay Văn Xú.”
Cam Ninh đáp: “Nhan Lương đang thủ ở Trường An, mụ nội nó, vừa hay tin ông dọc theo sông Vị Hà từ hạ du lên, lập tức mang tám ngàn người đuổi theo, cũng may là ông đây chạy kịp…”
Kỳ Lân thở phào nhẹ nhõm, coi như có sấm mà không mưa: “Được rồi, qua một thời gian nữa ta đi với ngươi, an toàn quay về là tốt rồi.”
Cam Ninh hứng thú nhìn Kỳ Lân, vui vẻ nói: “Ta có mang cây về, sáu ngàn cây nhỏ.”
Kỳ Lân chân thành đáp lại: “Ngươi vất vả, Cam đại ca, ngươi làm rất tốt.”
Lã Bố ôm vò rượu đến phủ Trần Cung tìm người, không thấy Kỳ Lân đâu, nghe nói Cam Ninh mới về, lại sải bước đến phủ Cam Ninh.
Cam Ninh cởi gần sạch đứng trong sân cho mọi người đều lui ra, lưu manh liếm liếm môi, giọng nói lộ vẻ nguy hiểm: “Coi đi, khắp người ông đây đều là vết thương, ngươi định lấy gì bồi thường?”
Kỳ Lân cười một tiếng, hai tay ôm má Cam Ninh ép lại, khiến cho miệng hắn chu ra, làm bộ muốn hôn.
“Bồi thường?” Kỳ Lân trêu ghẹo.
Bản mặt lưu manh của Cam Ninh đột nhiên đỏ bừng.
Kỳ Lân ngoắc ngoắc ngón tay cười nói: “Để cây ở đâu? Đem ra đây.”
Cam Ninh đang muốn tăng xông chợt nhìn thấy Lã Bố lạnh lùng đầy địch ý đứng ngoài sân nhìn hắn.
Cam Ninh: “…”
Kỳ Lân: “…”
Lã Bố bỏ đi, Cam Ninh mới đáp Kỳ Lân: “Ở ngoài thành, ta có nên đi gặp chủ công không?”
Kỳ Lân suy nghĩ chốc lát rồi nói: “Để mai lại nói, ngày mai, ta để Văn Viễn dẫn người đi trồng cây, ngươi không cần nhúng tay vào, cứ nghỉ ngơi trước đi, buổi tối đãi rượu chúc mừng các ngươi.”
——————————-
Chú thích:Gánh/ đảm = 50kgXay bột bằng cối đáNấu hồ: nấu cho gạo và bắp nở hết và no nước, hỗ trợ quá trình lên men và đường hóa