Nhạt Màu

Chương 23

Trước năm sáu tuổi, Tụng Nhiên vẫn có nhà.

Thôn Hạ Khê, xã Nam Ổ, thành phố G, tình J, nửa mẫu ruộng tốt dưới chân núi, một gian nhà ngói ở cửa thôn.

Mẹ cậu mất sớm, cha dựa vào làm nông để kiếm sống, một mình nuôi cậu khôn lớn. Có lẽ vì mất vợ cô đơn nên cha cậu vẫn luôn trầm mặc ít nói, hàng lông mày cũng không giãn ra. Hễ có tiền dư cha sẽ mua thuốc lá và rượu, rất nát rượu, không thường quan tâm cậu, nhưng ông không giống những ông bố khác hở ra là đánh con trong thôn.

Vì chuyện này, Tụng Nhiên cảm thấy cha yêu mình.

Lúc ấy cậu sớm hiểu chuyện, không thích gây chuyện như những đứa trẻ khác, nào là cởi truồng lộ mông dí chó, hoặc lộ mông bị chó dí. Cậu mượn sách vở của các anh chị học tiểu học trong thôn, lúc không phụ giúp công việc thì ngồi trước cửa đọc sách, tay trái cầm sách văn, bên phải cầm sách toán. Cậu nghĩ thầm sau này phải học thật giỏi, kiếm tiền hiếu thuận cha mình.

Năm năm tuổi, cậu đã có thể đếm nhẩm đến 100 rồi đếm ngược lại. Thầy cô trong thôn khen cậu có năng khiếu, nói sau này học giỏi toán thì cậu có thể làm kế toán hoặc tài vụ, giúp người ta quản lý sổ sách, có tiền nhanh hơn so với việc khổ cực làm ruộng.

Thế là Tụng Nhiên bê một chiếc ghế con đến trường tiểu học trong thôn học lỏm cách viết số.

Một ngày nào đó, cậu nghe được mấy lời đàm tiếu của người trong thôn, nói cha cậu định rời khỏi thôn Hạ Khê, đến thành phố phồn hoa làm việc. Chờ mấy năm sau tích cóp đủ tiền sẽ cưới một người vợ.

Tụng Nhiên chạy đến hỏi cha, cha cậu cầm một điếu Đại Tiền Môn*, chậm rãi phả khói: "Mẹ con đi trước rồi, cha không thể cô độc cả đời được, cũng nên tìm một người cùng chung sống."

*Thuốc lá Đại Tiền Môn:

Tụng Nhiên hỏi: "Cha ơi, thế cha sẽ dẫn con đi chứ ạ?"

Cha cậu không nói gì, cũng chẳng nhìn cậu, chỉ lặng lẽ nhìn tàn thuốc thật lâu, cuối cùng nhẹ gật đầu.

Thế là Tụng Nhiên yên lòng, tiếp đó lại sinh một chút suy nghĩ đa cảm – Cậu sắp phải rời cái thôn nhỏ này rồi, không mang theo bạn cùng chơi, bà cụ bán đậu hũ, gà vịt chó lợn cũng không mang đi được. Đương nhiên thành phố sẽ rất lạ lẫm, là một thế giới rộng lớn khiến người ta phải sợ hãi. Đường phố to rộng rắc rối khó nhớ, không giống trong thôn xóm nhỏ, một con đường đất có thể xuyên qua trăm nhà. Cậu phải theo sát sau lưng cha để khỏi bị lạc.

Trước khi đi, cha cậu mang theo hai chiếc túi da rắn đựng toàn bộ gia sản. Tụng Nhiên học theo, cũng xếp toàn bộ quần áo của mình vào. Cha cậu bèn lấy hết ra đặt qua một bên, nói: "Đừng mang đi, đến thành phố sẽ mua bộ mới cho con."

Tụng Nhiên tin là thật, cậu vui vẻ chọn một bộ đẹp nhất mặc vào, còn chỗ quần áo còn lại thì tặng cho bạn.

Buổi sáng hôm sinh nhật sáu tuổi, cậu đi theo cha mình, lần đầu tiên lên chiếc tàu hỏa màu xanh.

Còi hơi xe lửa kêu vang, hơi nước trong nồi hơi bốc lên, trục kéo kéo đầu xe nặng nghiến lên đường ray kêu ken két bắt đầu di chuyển. Tụng Nhiên nắm chặt vé tàu trong tay, bước vào một thành phố xa lạ.

Thành phố T.

Cha nói với cậu, đây chính là thành phố, Tụng Nhiên không có chút hoài nghi.

Đối với một đứa trẻ còn non nớt, chỗ này có đường nhựa rộng lớn, có nhà ga, nhà tầng, cửa hàng và xe ô tô, kiến trúc hoàn toàn khác với nông thôn. Người trên đường mặc những bộ quần áo mới mẻ và kỳ lạ, đương nhiên đây chính là một "Thành phố lớn" phồn hoa rực rỡ.

Ra khỏi nhà ga, hai cha con đổi ba chuyến xe. Cậu giúp cha kéo một chiếc túi xách da rắn dính đầy tro bụi thấp thỏm vòng qua đoàn người, tìm được hai chiếc ghế trống. Xe bắt đầu chạy, cậu chống tay vào cửa sổ, tò mò đánh giá dòng người ồn ã bên đường, nghĩ thầm, từ hôm nay mình sẽ ở lại chốn này rồi.

Nhà cửa ở chỗ này cái nào cũng cao thật cao, ở nhà hai tầng hay ba tầng thì tốt hơn nhỉ?

Trong lúc miên man suy nghĩ, chiếc xe dừng lại, cha cậu đeo túi xách da rắn dẫn cậu xuống xe, đi qua một đoạn đường, đi đến trước một căn nhà lớn.

Trước sân là chiếc cổng sắt cũ, treo một tấm băng rôn màu đỏ, phòng trực bên cạnh trống rỗng, không có ai ở đó.

Cha đứng nhìn tấm băng rôn cũ kia một chốc rồi dẫn cậu đến bên tường phía Tây, nói với cậu rằng ông ta làm rơi một túi hành lý quan trọng ở nhà ga, nhất định phải lập tức quay lại lấy.

Tụng Nhiên ngửa đầu hỏi: "Vậy cha phải đi bao lâu? Chừng nào thì về ạ?"

Cha cậu mất tự nhiên rời mắt, nói với cậu: "Con đừng chờ ở đây rồi đếm số, đếm xong thì cha sẽ trở lại."

"Dạ con biết rồi."

Cái này cũng không khó.

Tụng Nhiên đếm rất nhanh, lúc nào cũng chưa đầy một một lát là đếm xong. Thời gian để cha cậu vừa đi vừa về nói không chừng đủ để cậu đếm xong mấy lượt.

Cậu muốn xách hành lý đến bên cạnh tường để cha mình rảnh tay đi lại cho thuận tiện. Nhưng lạ là cha lại không chịu buông tay mà cầm hai túi xách da rắn nặng trĩu nhanh chân bước đến trạm xe buýt, leo lên chuyến xe gần nhất, biến mất trong làn khói xe mờ.

Không hiểu sao Tụng Nhiên lại hơi hoảng hốt, cậu vội vàng ngồi xuống duỗi ngón tay ra bắt đầu đếm từng đốt ngón tay.

Một, hai, ba, bốn, năm... Cậu vừa đếm vừa tự an ủi mình, không sao đâu, một chớp mắt là đếm xong rồi.

Chỉ cần đếm xong thì cha sẽ trở về.

Khi đó Tụng Nhiên còn không biết, con số là không có điểm cuối.

100 đã đếm xong, 1000 đã đếm xong, 10000 một trăm triệu cũng đã đếm xong, duy chỉ có thứ cậu đang chờ... Là vĩnh viễn không đếm hết được.

Cậu rất muốn cha mình quay lại, nên đếm càng lúc càng nhanh, đếm liên tục qua trăm qua nghìn, sắp vượt qua mức cực hạn mà một đứa trẻ sáu tuổi có thể chịu đựng.

Trạm xe buýt phía xa liên tục có xe đến lại đi, hết xe này đến xe khác.

Mỗi khi có xe vào trạm, Tụng Nhiên lại hưng phấn nhảy dựng lên rướn cổ nhón chân, ngóng trông người cha có thể bước ra từ cửa xe bất cứ lúc nào. Những lần nào cũng vậy, trong đám người bước ra vẫn không thấy bóng dáng cha cậu. Càng đáng sợ hơn chính là mỗi lần xe buýt rời đi, cảm xúc kích động dần nguội đi, cậu lại đột nhiên quên mất mình đã đếm đến chỗ nào.

Con số quá lớn, trí nhớ trẻ con quá nhỏ, chỉ cần hơi mất tập trung một cái thì không còn nhớ gì nữa.

Số lần quên càng nhiều thì Tụng Nhiên càng lúc càng nôn nóng, lại không cam lòng đếm lại từ đầu. Cậu hoảng loạn khôn cùng, giẫm mạnh chân không biết làm thế nào, chỉ có thể cầm một cục đá nhọn cố gắng vạch lên tường làm ký hiệu.

Sắc trời dần tối, hoàng hôn tới dần.

Chuyến xe cuối cùng rời khỏi trạm, bốn phía đã không còn ai đi trên đường, không khí trở nên yên tĩnh và bắt đầu rét lạnh. Tụng Nhiên không thấy rõ ký hiệu trên tường, cậu dùng ngón tay đã đông cứng tìm trên mặt tường, muốn làm dịu lại những con số rối loạn trong đầu, nhưng điều này thật sự quá khó. Cậu càng sốt ruột thì càng không nhớ được, cuối cùng giống như bị ngốc ngơ ngác ngã ngồi xuống góc tường, bật khóc.

Tại sao lại không đếm hết được?

Rõ ràng trước đó cậu đếm giỏi như vậy, lần nào cũng đếm xong, tại sao lần này lại không đếm hết?

Cậu vừa òa khóc thì trong sân cũng có động tĩnh. Cửa sắt từ từ mở ra, một quầng sáng mạnh chiếu lên người cậu đâm vào mắt, khiến cậu mất khống chế, nước mắt lại tuôn như lũ ống vỡ đê.

Viện trưởng viện mồ côi đến gần cậu hỏi thăm, sau đó dẫn cậu vào.

Bà đã thấy rất nhiều đứa trẻ bị cha mẹ mình dùng đủ lý do để vứt lại viện mồ côi, chỉ cần nhìn là đã hiểu rõ chuyện gì đã xảy ta. Nhưng dù bà khuyên nhủ thế nào thì Tụng Nhiên vẫn ôm tường cương quyết không chịu đi, òa khóc nói mình sắp đếm xong, cha sắp quay về rồi.

Viện trưởng thấy cậu cứng đầu, đành phải mặc cậu đợi ở đó.

Đến nửa đêm, viện trưởng lặng lẽ đi ra bế đứa bé đã gần như đông cứng ở chân tường về. Lúc ấy ý thức của Tụng Nhiên vẫn còn mơ hồ, nhưng cũng không chống cự nữa. Cậu cuộn tròn trong ngực viện trưởng, lặng lẽ lẩm nhẩm đếm số trong miệng. Nước mắt nóng rẫy tràn ra theo khóe mắt, chảy xuôi dọc bên má.

Ngày 24 tháng 2 năm 2001, ngày thứ hai sau hôm sinh nhật sáu tuổi, Tụng Nhiên được viện trẻ mồ côi thành phố T thu dưỡng.

Chứng ám ảnh cưỡng chế của cậu cũng bắt đầu phát tác từ ngày này.

Ban đầu cậu sẽ thừa dịp bác canh cổng không để ý, lén lút chạy ra khỏi viện mồ côi ngồi xổm ở góc tường phía Tây cạy ngón tay. Về sau khi bị bắt về, cậu lại rạch hàng rào để nhìn trạm xe buýt nơi cha mình rời đi và đếm số. Lại sau đó cậu bị canh giữ chặt hơn, bị nhốt trong một căn phòng nhỏ. Nhưng mỗi lần giáo viên đi vào thăm, cậu vĩnh viễn giữ nguyên một tư thế cố định – Quay mặt vào tường, ngón tay không ngừng vẽ những con số Ả rập lên đó như bị bệnh thần kinh.

Cậu vẫn đắm chìm trong thế giới nội tâm bị khép kín, không hề phản ứng với thế giới bên ngoài. Ngoại trừ đếm số, cậu không còn làm gì khác nữa.

Một bát cơm bưng đến trước mặt, cậu cũng muốn đếm từng hạt từng hạt cơm để ăn.

Hồi đó quan niệm chữa bệnh còn rất lạc hậu, những đứa trẻ mắc chứng ám ảnh cưỡng chế nặng như Tụng Nhiên chỉ có cách là đưa đến bệnh viện tâm thần. Nhưng ngay lúc người lớn lên kế hoạch như vậy, Tụng Nhiên lại khôi phục tỉnh táo ngay trong một đêm như kỳ tích.

Có lẽ là từ trong sâu thẳm, cậu cảm nhận được nguy hiểm.

Cậu không còn đếm số cả ngày nữa, đôi mắt xinh đẹp cũng sáng lấp lánh như ánh sao. Cậu mỉm cười đối mặt với mọi người, lễ phép, hiểu chuyện, rất được người khác yêu thích.

Cứ thế, Tụng Nhiên thuận lợi ở lại viện mồ côi.

Các cô giáo và hộ công thấy cậu khôi phục, thi thoảng lại trêu ghẹo một cách thiện ý rằng Tụng Nhiên còn chưa lên tiểu học đã có thể đếm đến năm sáu mươi nghìn, sau này nhất định sẽ là một thiên tài toán học. Tụng Nhiên sẽ khéo léo cười với các cô, lại lắc đầu khiêm tốn nói mình không giỏi như vậy.

Lúc đó thế nào đầu cậu cũng đau nhức, nhất định phải cúi đầu xuống nghiến chặt răng, dùng hết toàn bộ sức lực để nhẫn nhịn.

Năm tám tuổi, Tụng Nhiên đi học tiểu học.

Ngoài ý muốn của tất cả mọi người, Toán học là môn mà cậu có thành tích kém cỏi nhất. Những con số nằm trên giấy giống như một cơn ác mộng mà cậu không thể nào đối diện, ngay cả phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản nhất cũng không hoàn thành được. Thiên phú Toán học cứ thế ngừng lại, hoàn toàn lãng phí.

Nhưng điều khiến cậu sợ hãi nhất không phải tiết Toán mà là tiết Thể dục.

Bởi vì trước khi bắt đầu học, thầy giáo sẽ yêu cầu mọi người đứng thành hàng để điểm số.

Mỗi lần tiếng đếm số vang lên, Tụng Nhiên sẽ mất khống chế mà sợ hãi, lại không nhịn được đếm theo. giống như cha mình sẽ xuất hiện ở một góc nào đó của sân vận động bất cứ lúc nào, trên người mặc bộ quần áo mùa đông cũ, vai đeo túi da rắn. Ông sẽ mỉm cười vươn tay về phía cậu, sẽ đón cậu về nhà. Tụng Nhiên chỉ có thể dùng móng tay đâm thật mạnh vào lòng bàn tay ép mình nghĩ sang chuyện khác mới có thể thoát khỏi sự khống chế của ham muốn và ảo giác.

Mười bảy năm trôi qua, bệnh của Tụng Nhiên phát tác rất nhiều lần, khi nhẹ khi nặng, nhưng vẫn chưa từng khỏi hẳn.

Cậu chỉ gặp thoáng qua Toán học, không thể trở thành một nhân viên kế toán hoặc tài vụ, mà lại có duyên trở thành một họa sĩ vẽ tranh minh họa. Cậu trở về Nam Ổ hương thôn Hạ Khê, cha không có ở đó, cũng chưa từng quay về. Thôn xóm đã sớm thay đổi hoàn toàn, từng căn nhà cũ ngày xưa giờ đã phá đi xây lại, những người bạn cùng chơi thuở bé rời đi, những ông bà cụ trong trí nhớ cũng qua đời, không còn ai nhớ được ở cửa thôn từng có một gia đình họ Tụng.

Năm nay Tụng Nhiên hai mươi ba tuổi, sống rất tỉnh táo.

Cậu hiểu cha mình sẽ không quay đầu lại, còn mình đã rời khỏi chốn từng chờ đợi rất lâu kia. Hẳn cậu nên tìm một người hiểu và yêu mình, xây dựng một gia đình thuộc về bản thân. Trong gia đình ấy, cậu sẽ gánh vác trách nhiệm của một người đàn ông, chứ không thể trốn trong hồi ức, tiếp tục đóng vai một đứa trẻ được cưng chiều.

Nhưng chấp niệm chưa đạt được vẫn như ung nhọt trong xương, vẫn giấu bệnh tật trong đó.

Thân hình mỏi mệt xách theo chiếc túi da rắn leo lên xe buýt kia cho đến nay chưa từng nhạt đi trong mắt Tụng Nhiên.

________________________

Người post: Yến Nhi
Bình Luận (0)
Comment