Nhất Niệm Chi Tư

Chương 5


“Ích kỷ là bản năng, tham lam là thiên tính”
***
Bố của Trịnh Giải Nguyên và Tang Chính Bạch vốn là đối tác kinh doanh, cũng vì mối quan hệ này mà tôi và Trịnh Giải Nguyên đã thường xuyên gặp nhau ngay từ hồi còn bé, rồi càng lớn càng chơi thân hơn.
Cậu ta nhỏ tuổi hơn tôi một chút, cả ngày chỉ biết lêu lổng, tụ tập ăn chơi với đám bạn bè.

Bởi vậy, mỗi lần gặp Tang Chính Bạch, bố cậu ta lại sướng tớn lên như vớ được tri kỷ rồi còn thường xuyên nhắc đi nhắc lại chuyện về hai đứa con trai của hai gia đình, nói dai đến mức Tang Chính Bạch phát bực cả lên — ông ta chẳng cần ai “nhắc nhở” cho mình về độ vô tích sự của thằng ranh con ở nhà.
【Đến chơi không? Nay tôi bao tất.


Màn hình điện thoại hiển thị tin nhắn của Trịnh Giải Nguyên, cậu ta thay ảnh đại diện mới khiến tôi suýt không nhận ra.
Trong bức ảnh, Trịnh Giải Nguyên với mái tóc được nhuộm đỏ rực đang ngả người ngồi dựa ra sau nắp capo của chiếc siêu xe màu vàng, chiếc kính râm Aviator được đẩy ngược qua trán, ngón giữa gai mắt chĩa thẳng về phía máy ảnh một cách ngược ngạo, trông chẳng khác mấy thằng xã hội đen nghênh ngáo là bao.
Bảo sao Tang Chính Bạch luôn cho rằng cậu ta là người đã dạy hư tôi, nhìn từ đầu xuống chân chỉ thấy độc hai từ “bad boy” được in thẳng lên mặt.
Thật ra, gần hai năm nay chúng tôi đã không còn tụ tập với nhau thường xuyên như lúc trước nữa, tôi bỏ rượu, không thích ồn ào, không thích chơi xe, và cũng chẳng thích giao du với đám bạn của cậu ta.

Giờ cậu ta vẫn đều đặn rủ tôi đi chơi, một phần là vì tình bạn cũ, mà chủ yếu hơn vẫn là do thói quen.
Tôi kéo thanh chat, đọc lại tầm mười tin nhắn cũ, tất cả đều là những cuộc trò chuyện giống nhau, mỗi lần Trịnh Giải Nguyên hỏi có đi chơi không, tôi đều đáp là “Không”, nhắn miết cũng thấy mệt.
Lần này tôi vẫn định từ chối, nhưng trước khi gửi tin nhắn thì lại đổi ý.
【Ở đâu? 】
Đằng nào có ngoan ngoãn ngồi rịt trong nhà hay không thì Tang Chính Bạch cũng đều mặc định là tôi ra ngoài lêu lổng, đã thế thì thà đi chơi còn hơn.
【Cuối cùng cũng mời được ông Phật này ra khỏi nhà rồi.


Chẳng mấy phút sau, Trịnh Giải Nguyên đã gửi địa điểm cho tôi, đó là hộp đêm mà trước đây cậu ta rất thích tới, nằm giữa trung tâm thành phố và chỉ mất hai mươi phút đi đường tính từ nhà của tôi.

Tôi cầm áo khoác ra khỏi nhà, vì đường thoáng xe nên đến nhanh hơn năm phút so với dự kiến.
Tôi ném chìa khóa xe cho thằng nhóc đứng trước cửa làm công việc đậu xe cho khách.

Vừa bước chân vào hộp đêm, hai bên thái dương tôi đã nhói lên bởi thứ âm thanh ồn ã.
Dù mới hơn mười giờ nhưng bầu không khí trong quán đã rất náo động, một đám trai gái nhảy nhót điên cuồng trên sàn nhảy, mùi thuốc lá nồng nặc hòa trộn với mùi rượu, cùng mùi từ các loại nước hoa không rõ nguồn gốc xộc vào xoang mũi khiến người ta cảm thấy buồn nôn.
Nhân viên phục vụ đã quen mặt tôi, cậu ta biết tôi chơi cùng hội Trịnh Giai Nguyên nên chưa cần ra hiệu đã dẫn tôi thẳng lên khu ghế rộng nhất trên tầng 2.
“Tang Niệm!” Trịnh Giải Nguyên ngồi đằng xa trông thấy tôi thì giơ tay chào.
“Anh Niệm!”
“Anh Niệm!”
Nhóm bạn xung quanh cậu ta phải có đến tầm chục người, trong đó có người tôi biết, và cũng có cả người tôi không quen, Trịnh Giải Nguyên chào tôi xong thì bọn họ cũng nhao nhao chào theo.
Đến Trịnh Giải Nguyên tôi còn chẳng bày ra nổi thái độ nhũn nhặn, huống gì là đám “đầy tớ” này của cậu ta.

Không buồn đáp lại họ, tôi ngồi phịch xuống chiếc ghế kê đối diện với Trịnh Giải Nguyên rồi kêu phục vụ mang cho mình một chai nước có ga.
“Lâu lắm mới được gặp nhau, tôi còn tưởng ông hoàn lương rồi cơ.” Trịnh Giải Nguyên cầm hộp thuốc lá trên bàn đưa cho tôi.
“Dạo này bận.” Tôi rút thuốc lá điện tử trong túi ra, ý bảo cậu ta không cần đưa thuốc cho mình.
Cậu ta liếc nhìn điếu thuốc điện tử màu đen trên tay tôi, nhướn mày hỏi: “Cai thuốc lá à?”
“Ừ.” Tôi không giải thích nhiều, chỉ ngậm lấy đầu hút, hít vào một hơi cho luồng khí chảy tràn vào phổi, sau đó từ từ thở ra từ khoang mũi.

Ngay lập tức, không khí ngột ngạt, khó chịu xung quanh được khỏa lấp bởi thứ mùi bạc hà nồng đượm.
Uống rượu, đấm đá, uốn éo cơ thể, hò hét theo điệu nhạc của DJ, Trịnh Giải Nguyên ngó xuống, nhìn đám đông ở tầng dưới bằng ánh mắt hào hứng, thân trên nhẹ nhàng lắc lư theo điệu nhạc với một vẻ khoái trá khôn cùng.
Quá mười một giờ, hộp đêm càng ngày càng đông hơn, DJ cầm micro, hò reo với tất cả mọi người đang có mặt, rồi cảm ơn Trịnh Giải Nguyên đã bao trọn hộp đêm để mọi người có thể vui chơi thỏa thích.
Ánh đèn hắt lên tầng hai, Trịnh Giải Nguyên cà lơ kẹp điếu thuốc giữa hai ngón tay, tay kia cầm ly rượu Whisky, cậu ta ra hiệu chào mọi người phía dưới khiến cả vũ trường hò reo ầm ĩ.
Trai trẻ lắm tiền, khoáng đạt hào phóng, một Trịnh Giải Nguyên lúc nào cũng tỏ vẻ khúm núm trước mặt bố mình giờ đây đã hoàn toàn lột xác khi đứng trước ánh đèn.
Có lẽ đây chính là lý do khiến cậu ta mê muội, đắm mình trong hộp đêm.


Đạt được sự công nhận và ngưỡng mộ, những điều mà gia đình chẳng bao giờ “bố thí” cho, thì dù chỉ là hư không đi chăng nữa, nhưng một khi đã nghiện cũng sẽ rất khó bỏ, giống như nghiện thuốc lá và rượu vậy.
Gần mười hai giờ đêm, Trịnh Giải Nguyên đã chơi chán và chuyển sang bàn chuyện đi ăn uống, cậu ta hỏi tôi có muốn đến nhà hàng nào không.
Có đấy.
“Bữa khuya hôm nay tôi mời, bảo họ lái xe theo tôi nhé.” Tôi giữ cửa ô tô.
“Thế ông dẫn đường đi.” Nói xong, Trịnh Giải Nguyên ngồi vào vị trí ghế phụ trong xe tôi.
Nửa tiếng sau, nhóm chúng tôi dừng xe tại Bến ngư phủ bên sông.

Các quán ăn đêm được mở nối liền với nhau, tạo thành một ma trận ánh sáng rực rỡ và tráng lệ.
Tuy cách xa khu vực trung tâm thành phố Hồng, xung quanh cũng toàn là những ngôi nhà tự xây đổ nát và cũ kỹ, nhưng vì đây là một địa điểm check in của khách du lịch, hiện giờ còn đang ở cuối mùa cao điểm nên mặc dù trời đã về khuya, vẫn còn rất nhiều người đến để ăn uống.
Dàn siêu xe đủ màu sắc đậu bên rề đường đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người, mấy chủ hàng ăn chạy ra giành khách, chào mời chúng tôi vào dùng bữa tại cửa tiệm của mình một cách nhiệt tình.
Vì đã xác định mục tiêu rõ ràng nên khó có gì lay chuyển được tôi, tôi dẫn mọi người đi về phía trước, lướt qua mấy cửa tiệm buôn bán đắt khách để tới góc xa nhất tại bến tàu.
“Quán này ư? Cậu chắc chứ?” Trịnh Giải Nguyên nghiêng ngó xung quanh, vẻ nghi hoặc hiện rõ trên gương mặt.
Tôi nhếch miệng: “Chắc.”
Bản edit này chỉ có ở wordpress của Hải Đường Lê Hoa.
Cửa ra vào của quán ăn trông cực kỳ tồi tàn, người đàn ông đang lau bàn quay đầu lại khi nghe thấy tiếng động, ngay khi trông thấy tôi, hắn đã không giấu được vẻ ngạc nhiên trên khuôn mặt.
“Ô kìa, bác sĩ Kỷ?” Tôi giả tảng bất ngờ.
Kỷ Thần Phong đang đeo tạp dề và cầm một chiếc giẻ lau trong tay, hắn hỏi tôi một câu khá hài, như thể không lý giải nổi lí do vì sao mà tôi lại ở đây vậy.
“Cậu tới… ăn à?”
Dưới chiếc tạp dề, hắn vẫn mặc áo hoodie và quần jean như lúc thường, nhưng giờ đã vơi đi một chút lạnh lùng, xa cách do áo blouse trắng mang lại, thêm vào đó là vẻ bình dị cùng dễ gần hơn.
“Ừ, tôi tới ăn đêm với bạn.” Tôi ngồi xuống vị trí gần với Kỷ Thần Phong nhất, thốt lên câu cảm thán, “Trùng hợp thật đấy, không ngờ chúng mình có thể gặp nhau ở đây luôn.”
Tất nhiên đây không phải là một sự ngẫu nhiên.


Ông chủ quán ăn này vốn là hàng xóm lâu năm của Nghiêm Thiện Hoa và Kỷ Thần Phong.

Sau khi hoàn thành công việc dọn dẹp vệ sinh trong bệnh viện, Nghiệm Thiện Hoa sẽ đến đây mỗi tối để bưng bê bát đĩa và làm những công việc lặt vặt khác, và khi mùa cao điểm đến, Kỷ Thần Phong cũng sẽ tới để giúp đỡ việc chào đón khách hàng, công việc bắt đầu từ hồi trung học, và cho đến bây giờ vẫn không thay đổi.
Muốn tiếp cận được Kỷ Thần Phong thì lấy lí do con rùa kia thôi là chưa đủ, tôi buộc phải tạo ra những cuộc gặp gỡ tình cờ như thế này để dụ hắn vào tròng.
“Thần Phong, con vào dọn đồ ăn đi, để mẹ ra tiếp khách cho.” Đang nói chuyện thì chất giọng quen thuộc của người phụ nữ truyền đến.
Kỷ Thần Phong quay đầu lại, đáp: “Vâng.” Hắn cầm tập thực đơn để trên bàn lên đưa cho tôi rồi nói: “Đây là thực đơn, cậu xem trước đi nhé.” Ngay khi dứt lời, hắn liền quay người rời đi.
Đúng lúc Kỷ Thần Phong vừa vào trong bếp thì Nghiêm Thiện Hoa bước ra và trông thấy tôi.

Bà ta trợn tròn hai con mắt, tiếng “Tang” suýt buột miệng ra thành tiếng bị ánh nhìn rét căm căm của tôi ép trở lại.
Bà ta vội vàng chạy đến, miết lòng bàn tay vào chiếc tạp dề buộc quanh thắt lưng để lau cho sạch mấy lần: “Các… Các cháu ngồi… ngồi xuống đi.”
Nghiêm Thiện Hoa niềm nở tiếp đón mọi người, thỉnh thoảng đang giới thiệu những món đặc trưng của quán cho Trịnh Giải Nguyên nghe lại lấm lét dòm sang tôi.
Tuy không so được với cái nhìn “quang minh chính đại”, nhưng ít ra, nhìn lén lút thế này mới không làm cho mọi người cảm thấy nghi ngờ.
Mà thôi, muốn nhìn thì cứ nhìn đi, đằng nào cũng chẳng có ai biết được quan hệ giữa tôi và bà ta.
“Ông gọi món đi.” Tôi giao nhiệm vụ gọi món cho Trịnh Giải Nguyên rồi ngó nghiêng nhìn xung quanh, kế đó dõi mắt theo bóng dáng của Kỷ Thần Phong ở phía xa.
So với những hàng quán có quy mô tầm mười, hai mươi bàn khác ở bên tàu thì “quán ăn của chú Lý” chỉ có ba bàn tròn, mỗi bàn chỉ đủ chỗ cho năm, sáu người ngồi, đã vậy quán ăn còn nằm ở trong góc khuất nên chuyện buôn bán ế ẩm là điều hiển nhiên.
Trước khi nhóm chúng tôi đến, trong quán chỉ có một bàn khách với hai người ngồi, có thể mô tả bằng từ “hiu quạnh” nếu so sánh với các quán khác.
Kỷ Thần Phong đặt đĩa thức ăn xuống, nhân tiện dọn luôn chỗ đĩa mà khách đã ăn xong, tình cờ, hắn liếc mắt sang đây và bắt gặp ngay ánh nhìn của tôi.
Tôi mỉm cười với hắn, thể hiện rõ sự thiện chí của mình.
Ánh mắt hắn lướt qua khuôn mặt tôi, biểu cảm vẫn lạnh tanh như trước, không buồn phản ứng lại như thể chẳng những bị điếc mà còn bị mù.
“Cứ thế đi.” Trịnh Giải Nguyên không có ý định khách sáo với tôi, cậu ta gọi một tràng các món, nhiều đến mức ghi đầy cả tờ giấy.
Nghiêm Thiện Hoa đọc lại một lần nữa để xác nhận, sau khi mang đồ uống lên cho chúng tôi thì vào bếp giúp ông chủ.
“Ông quen chủ quán à?” Trịnh Giải Nguyên lấy bát đũa dùng một lần, tò mò hỏi, “Lạ nhỉ, ông ghét ăn ở mấy quán ven đường bẩn thỉu như này lắm cơ mà?”
“Không quen chủ quán, quen phục vụ.” Tôi chỉ tay vào Kỷ Thần Phong, người đang khéo léo đổ thức ăn thừa vào cái xô đựng phía sau bếp rồi kể tóm lược chuyện đưa con rùa đi khám cho Trịnh Giải Nguyên nghe.
“Ông quan tâm đến sức khỏe của con rùa đó thật ư?”
Mặc dù tôi và Trịnh Giải Nguyên không có nhiều sở thích giống nhau, nhưng đúng là bạn nối khố có khác, cậu ta bắt được vấn đề ngay lập tức.
“Nuôi mấy năm rồi còn gì, có tình cảm cũng là chuyện bình thường thôi.” Sau khi xử lý xong đống bát đĩa bẩn, Kỷ Thần Phong đi tới đứng bên cạnh Nghiêm Thiện Hoa, tỏ vẻ muốn tiếp quản phần việc của bà nhưng lại bị bà ta cười cười, ngăn lại.

Chủ quán Lý Cường là một người đàn ông trung niên mập mạp thật thà.

Chiếc áo phông cộc tay của ông ta đã ướt sũng, mồ hôi chảy ròng ròng trên trán và cổ khiến người nhìn không khỏi lo lắng vì không biết liệu những hạt mồ hôi này có vô tình rơi vào chỗ đồ ăn đang làm hay không.
Ông ta nói gì đó với Kỷ Thần Phong, ngay lập tức, Kỷ Thần Phong cầm cốc trà lớn đặt trên ghế đẩu lên rồi đưa sát đến miệng ông để giúp ông uống nước.
Lý Cường thoải mái nheo mắt, ông mỉm cười hòa nhã rồi hất cằm về phía ghế salon cạnh bếp lò, ý bảo hắn nghỉ ngơi đi.
Kỷ Thần Phong mỉm cười, không kèo nèo gì mà ra đó ngồi giải lao.
“Tôi nhớ hồi trước ông ghét con rùa đó lắm cơ mà, còn bảo sớm muộn gì cũng sẽ ném nó vào nồi hầm thành canh.” Chắc hiếm khi mới tìm được chủ đề để cùng thảo luận nên Trịnh Giải Nguyên cứ lôi chuyện về con rùa kia ra nói mãi với tôi.
Tôi thu hồi ánh mắt, không kìm nổi lòng mà châm chọc: “Lòng người vốn phức tạp.”
Rồng đẻ ra rồng, phượng hoàng đẻ ra phượng hoàng, mặc dù không muốn thừa nhận nhưng hẳn là tôi rất giống Nghiêm Thiện Hoa.
Hai mươi lăm năm trước, khi Nghiêm Thiện Hoa đang mang thai được bảy tháng, chồng bà ta làm ở công trường bị gạch đập vào đầu dẫn đến hôn mê bất tỉnh do mâu thuẫn với nhân viên tạp vụ khi đánh bài lúc rảnh rỗi.

Bà ta sợ hãi, sinh non ra đứa bé trai là tôi.
Gia đình mất đi trụ cột kinh tế duy nhất, đối mặt với chi phí chữa bệnh khổng lồ và đứa con thơ dại, bà ta khổ sở, nước mắt lưng tròng cả ngày, cuối cùng nhờ được y tá tốt bụng của bệnh viện giới thiệu mà được làm vú nuôi cho cậu ấm nhà họ Tang.
Hứa Uyển Di, bà chủ của nhà họ Tang qua đời vì rong huyết do khó sinh, bỏ lại đứa con trai bé bỏng trên đời.

Tang Chính Bạch mất vợ một cách đột ngột, sự nghiệp đang trong giai đoạn mấu chốt, nội ngoại rối ren, bận bịu túi bụi, không có thời gian thăm con nên đành giao đứa bé cho người phụ nữ có vẻ ngoài lương thiện này chăm lo.
Có công việc này, Nghiêm Thiện Hoa không khác gì “chết đuối vớ được cọc”.

Thế nhưng, đứng trước tương lai bấp bênh và môi trường gia đình bề thế của nhà họ Tang, do sự ích kỷ nhen nhóm lên trong lòng, bà ta đã lén lút đánh tráo con trai mình và con trai của nhà họ Tang với nhau.

Kể từ đó, tôi trở thành con trai của Tang Chính Bạch, và Kỷ Thần Phong trở thành con trai của bà ta.
Nếu không phải do lòng người phức tạp thì sao Nghiêm Thiện Hoa có thể làm ra loại chuyện như vậy? Nếu không phải do lòng người phức tạp thì sao tôi lại ngồi đây, mặc cho biết hết tất cả mọi chuyện nhưng vẫn giả đò, cố tình làm ra vẻ như không hề quen biết bà ta?
Ích kỷ là bản năng, tham lam là thiên tính; thiện là nhất thời, ác là cả đời.

Nghiêm Thiện Hoa là loại người như vậy, tôi là con trai của bà ta nên tất nhiên, bản chất con người tôi cũng được nhào nặn y đúc như thế.
2/11/2021.

Bình Luận (0)
Comment