Nhất Phẩm Ngỗ Tác

Chương 1

QUYỂN 1: NGƯỢC LÊN SA MẠC

Ngày hai tháng sáu, năm mười tám Nguyên Long Đại Hưng.

Thôn Triệu gia, huyện Cổ Thủy.

Sớm tinh mơ, trời mới đổ mưa, trong thôn bùn lội khó đi, cửa nhà Triệu Đại Bảo lại bị người trong thôn vây kín ba tầng trong ba tầng ngoài. Trưởng thôn, trưởng bảo (*) đều ở bên trong, đến cả tộc công cũng bị kinh động. Bên ngoài, già trẻ trong thôn thò đầu vào nhìn, không bao lâu đã thấy một người bị áp giải từ trong phòng đi ra.

(*) Trưởng bảo: Thực tế xuất phát từ “Chế độ bảo giáp” xuất hiện sớm nhất trong năm Thần Tông thời Bắc Tống. Trưởng bảo càng giống như hiến binh trong quân đội, giám thị quản lý mỗi một người dân, ghi chép lại từng hành động của họ, tìm cơ hội báo lên cấp trên.

Chính là Triệu Đại Bảo.

Triệu Đại Bảo đã bị trói gô, bị hai thanh niên trai tráng trong thôn áp giải, một đường xô đẩy, một đường kêu oan: “Tộc công! Ta bị oan!”

“Ngươi bị oan? Triệu Đại Bảo, đêm hôm qua hàng xóm láng giềng đều nghe thấy ngươi cãi nhau với bà nương (*) nhà ngươi. Bà nương nhà ngươi gào thét ầm ĩ, ngươi còn la hét muốn đánh giết nàng ta. Sau nửa đêm nàng ta đã treo cổ trên xà nhà. Chuyện này quá trùng hợp rồi.”

(*) Bà nương: Chỉ người phụ nữ đã có gia đình, hoặc cách gọi vợ thời xưa.

“Ta… ta chỉ là nhất thời nói lẫy thôi, nào biết nửa đêm nàng ấy lại luẩn quẩn trong lòng, mà treo cổ chứ!”

“Hừ! Sợ là ngươi nhẫn tâm giết bà nương nhà mình, lại sợ gánh mạng người bị kiện tụng mới treo nàng ta lên xà nhà, ra vẻ treo cổ chứ gì?” Trong phòng có người hừ một tiếng, đi theo sau đám người tộc công, trưởng thôn. Người này mặc một bộ áo gấm thô, mặt mũi bóng lưỡng.

“Triệu Đồ Tử, ta không oán không thù với ngươi, sao ngươi lại vu cáo hãm hại ta!” Triệu Đại Bảo vội đến đỏ mắt.

Triệu Đồ Tử lại hừ một tiếng, quét mắt nhìn người trong thôn vây kín ngoài nhà, chắp tay hờ với mọi người, nói: “Các vị già trẻ, chúng ta đều lớn lên qua những câu chuyện xưa của người già kể lại, đều đã từng nghe quỷ thắt cổ rồi đúng không? Người treo cổ thì đầu lưỡi sẽ dài ra, có người dài đến ba tấc! Bà nương của Triệu Đại Bảo treo ở trên xà nhà, đầu lưỡi lại không lộ ra ngoài miệng tí gì. Chẳng phải có điều kỳ lạ à? Vừa rồi, ta và đám người tộc công vào nhà đưa người từ xà nhà xuống, các ngươi đoán xem, thế nào?”

Ngoài nhà im phăng phắc, trên dưới một trăm người trông mong nhìn chằm chằm Triệu Đồ Tử, vô cùng hiếu kỳ, nôn nóng chờ hắn ta nói tiếp.

Triệu Đồ Tử rất nể mặt khụ một tiếng, lúc này mới cao giọng nói: “Thòng lọng quanh cổ bà nương Triệu gia siết chặt gần chết, làm thế nào cũng không gỡ xuống được! Nếu người này tự treo cổ thì cái thòng lọng tất nhiên phải vừa cho đầu chui vào. Nhưng thòng lọng lại quấn chặt trên cổ bà nương nhà Triệu Đại Bảo, không lấy xuống nổi! Thử hỏi, sau khi chết không lấy xuống được thì lúc sống nàng ta tròng vào kiểu gì?? Đây rõ ràng là có người siết chết rồi mới treo lên trên xà nhà!”

Ngoài nhà vẫn im phăng phắc, sau một lúc lâu dần dần mới có người hiểu ra, phát ra từng âm thanh chợt hiểu.

“Triệu Đại Bảo, sao bây giờ ngươi không giải thích đi?” Trên mặt Triệu Đồ Tử có vinh quang của người đã phá được án, nói với ba ông lão trước mặt: “Tộc công, trưởng thôn, bảo trưởng, dẫn hắn đi gặp quan đi!”

Hai thanh niên trai tráng áp giải Triệu Đại Bảo lại bắt đầu xô đẩy. Triệu Đại Bảo hết đường chối cãi, vội đến độ đỏ mặt, xoay người giãy giụa: “Tộc công! Ta thật sự bị oan! Ngài nhìn ta lớn lên, ta há là người ác độc giết vợ kia ư? Bà nương nhà ta hung hãn, có lần nào đánh nhau cãi nhau mà ta không phải là người chịu thiệt đâu? Tối hôm qua, ta giận quá, mới la hét sớm hay muộn gì cũng đánh giết nàng ấy. Nhưng đấy là lời lúc tức giận, ta không dám ra tay tàn độc như vậy thật! Tộc công! Bà nương nhà ta đi rồi, trong nhà còn hai đứa con. Nếu ta hàm oan, hai đứa nó phải sống thế nào? Cầu ngài thương cho hai đứa nhỏ nhà ta, chớ nghe Triệu Đồ Tử này nói!”

Ông lão cầm đầu có chòm râu hoa râm, lưng hơi còng, nghe lời này thì quay đầu lại nhìn hai đứa trẻ con đang khóc trong nhà, cuối cùng trên mặt vẫn lộ ra vẻ không đành lòng, thở dài nói với hai thanh niên trai tráng kia: “Thôi! Đi vào huyện một chuyến, mời Mộ cô nương đến đi.”

Người trong, ngoài nhà nghe vậy thì đều im lặng.

Hai gã thanh niên trai tráng đành phải buông Triệu Đại Bảo, đi ra sân. Bên ngoài sân, người trong thôn tự động nhường đường, nhìn hai gã thanh niên đi xa dần.

Ánh mắt chưa thu về thì trong đám người truyền đến một tiếng trẻ con non nớt: “Mộ cô nương là ai?”

Một ông lão nhìn đứa cháu trai đứng bên cạnh mình, cười sờ đầu cậu nhóc: “Mộ cô nương à, nàng là con gái của Mộ lão - Ngỗ Tác của huyện nha. Ba tuổi đã đi theo Mộ lão ra vào nghĩa trang công nha trong thành, luyện được bản lĩnh khám nghiệm tử thi cực giỏi. Có thể nói trò giỏi hơn thầy, năng lực không kém Mộ lão.”

Đứa bé trợn tròn đôi mắt to: “Nữ tử ư?”

Tuy cậu nhóc còn nhỏ, nhưng cũng biết, công sai uy phong lừng lẫy ở huyện nha đều là nam tử.

“Chứ sao nữa… nữ tử.” Ông lão cười rồi thở dài: “Sợ là nữ Ngỗ Tác duy nhất của Đại Hưng ta.”

“Nữ quan sai?” Đứa bé ngạc nhiên hỏi.

“Không hẳn là quan sai. Dù sao thì nữ tử không thể làm quan. Mộ cô nương chưa từng nhận chức ở huyện nha, chỉ là bản lĩnh khám nghiệm thi thể rất cao minh, tri huyện đại nhân cho phép nàng ấy theo cha ra vào nghĩa trang công nha. Lúc Mộ lão không ở trong thành, nếu có án mạng thì đều do nàng tra xét.”

“Giỏi thật!” Đứa bé chớp đôi mắt to. Ở trong mắt cậu nhóc, người có thể phá án giống quan sai đều là nhân vật lợi hại.

“Giỏi ư… Haiz!” Ông lão thở dài, vẻ tươi cười nhạt đi: “Đúng là giỏi, nhưng chung quy vẫn là nữ tử đáng thương.”

“Đáng thương?”

“Đáng thương lắm! Sinh ở Mộ gia là mệnh nàng không tốt.” Ông lão quay đầu, nhìn xa xa về phía huyện thành, giọng điệu xa xưa như đang kể chuyện: “Triều ta, Ngỗ Tác là công việc ti tiện. Người giao tiếp với người chết, cả ngày xem xét kiểm tra những xương khô ruột thối đó, trên người dính hơi người chết, đi ở trên đường chó ngửi thấy đều phải sủa mấy tiếng. Các quý nhân cảm thấy đen đủi, đương nhiên không muốn làm. Từ xưa nghề Ngỗ Tác này đều do tiện dân làm. Tuy Mộ lão là Ngỗ Tác của huyện nha, có chức quan trong người nhưng vẫn là tiện tịch. Mộ cô nương sinh ở Mộ gia, tất nhiên cũng là tiện tịch. Hơn nữa, mẹ của nàng còn là quan nô.”

“Quan nô?”

“Chứ sao nữa? Nghe nói ban đầu gia tộc của mẹ nàng rất huy hoàng, là thế gia vọng tộc ở Thịnh Kinh. Đáng tiếc tranh đấu trong triều, mười tám năm trước bị định tội, nam tử trong tộc đều bị xử tử, nữ tử xử thành quan nô. Mẹ nàng bị đưa đến huyện Cổ Thủy. Ngay lúc đó tri huyện đại nhân nhìn trúng, có ý định nạp làm thiếp. Đại phu nhân trong phủ không cho phép, mẹ nàng cũng không muốn nên xin gả cho Mộ lão. Đường đường thiên kim nhà quan, cuối cùng gả cho một Ngỗ Tác! Haiz! Cũng là người đáng thương. Ông trời lại cứ không phù hộ người đáng thương, bà ấy vừa gả đi không đến hai năm, đã mất vì khó sinh.”

Ông lão nặng nề thở dài: “Mộ cô nương vừa sinh ra, mẹ nàng đã trút hơi thở cuối cùng. Thầy bói phán mệnh nàng cứng, bà vú trong huyện đều sợ bị nàng khắc, không chịu nuôi nấng nàng. Mộ lão không mời được bà vú, lại không đành lòng thấy nữ nhi đói chết bèn đến thôn chúng ta mua hai con dê mẹ xuống sữa, vừa làm cha vừa làm mẹ nuôi nàng nên người. Vì thầy bói nói sát khí trên người nàng nặng, chỉ có ở với người chết mới nuôi sống nổi nên Mộ lão xin tri huyện đại nhân, ba tuổi đã đưa nàng theo bên người ra vào nghĩa trang để thi thể trong thành, truyền lại cho nàng tất cả bản lĩnh khám nghiệm thi thể. Nói đến cũng lạ, từ khi Mộ lão mang theo nữ nhi đi nghĩa trang, phàm là trong huyện chúng ta có án mạng, không có chuyện không phá được! Phá được nhiều vụ án, danh tiếng làm quan của tri huyện đại nhân tất nhiên cũng lên cao. Những năm gần đây tri huyện chỗ chúng ta, không có ai không thăng quan! Người trong huyện đều nói, vị Mộ cô nương này sát khí nặng, có lẽ là Phán Quan Âm Ti chuyển thế. Tuy sợ nàng thật nhưng cũng thực sự kính trọng nàng. Đến cả tri huyện đại nhân cũng cho phép nàng ra vào công nha, nghiễm nhiên coi là nữ Ngỗ Tác trong nha môn.”

Đứa bé nghe đến thích thú, cảm thấy câu chuyện này hay hơn chuyện mẹ kể trước khi ngủ nhiều.

Giọng điệu ông lão bên cạnh lại trầm xuống, thở dài: “Haiz! Dù vậy, Mộ cô nương vẫn là nữ tử. Xuất thân của nàng, lời đồn về nàng, chỉ sợ sau này khó gả được cho nhà nào tốt. Đáng thương cho khuôn mặt xinh đẹp khá giống người mẹ đã qua đời của nàng.”

“Khuôn mặt đẹp? Đẹp đến đâu? Đẹp hơn cả A Tú tỷ ở trong thôn à?” Đứa bé tò mò hỏi.

Ông lão cười, sờ đầu cháu trai: “Chờ người ta đến, cháu nhìn là biết.”

Tháng sáu ở Giang Nam đang vào mùa mưa.

Nửa đêm trời mới đổ mưa, sáng sớm trời quang chưa bao lâu đã mưa tiếp.

Mưa bụi Giang Nam, phủ kín con đường quanh co trước thôn, trong mưa bụi lất phất mơ hồ có người đến.

Người cả thôn nhìn về phía cửa thôn, đứa bé cầm ô, hưng phấn chui lên phía trước, nhón chân nhìn cuối con đường.

Cuối con đường, người đến đi chầm chậm, gió hiu hiu thổi, sương mù hơi phủ mờ, góc váy trắng thuần. Một cây dù giấy che nửa khuôn mặt, một đoạn cổ tay trắng nõn như sương tuyết cầm cây dù, tán dù như một cây trúc xanh, hạt mưa rơi lên như ngọc.

Đất trời yên tĩnh, chỉ còn lại tiếng mưa rơi. Người nọ đi đến trước nhà, người trong thôn nhớ đến biệt hiệu Phán Quan Âm Ti của nàng, nhao nhao tản ra. Ánh mắt quả thật là có sợ có kính, thấy nàng thu dù giấy nhìn vào trong nhà.

Dù gập lại, đứa bé đột nhiên trợn tròn mắt.

Chỉ thấy thiếu nữ đứng yên trong mưa, bích ngọc niên hoa (*), trâm xanh màu trúc búi một đoạn tóc đen, gió thổi qua, sống lưng như trúc ngọc, phong thái thanh trác (*). Dung nhan kia, một bút khó kể, cảm giác như thế gian chỉ có dung nhan như vậy mới có thể làm bật lên phong thái thanh trác này. Thật sự là người trong mưa tựa trúc, cổ tay trắng nõn như sương tuyết. Phong thái thanh trác tuyệt vời, giai nhân thế vô song.

(*) Bích ngọc niên hoa: Cách gọi những cô gái tầm tuổi mười sáu thời xưa.

(*) Thanh trác: Chỉ phong thái trong sáng, cao cả, không tầm thường.

Nhân gian chỉ nói quân tử như trúc, không ngờ, trên đời lại có nữ tử mang phong thái này.

Người trong thôn mộc mạc không biết văn vẻ, cũng không hiểu ca ngợi, nhưng dù là đứa bé trong thôn cũng có thể nhìn ra, A Tú xinh đẹp trong thôn mà so với thiếu nữ trước mắt thì cũng chỉ là nhan sắc son phấn dung tục mà thôi.

Gió như dừng lại, đám người yên lặng. Ba ông lão dưới mái hiên đứng dậy đang muốn ra đón, thiếu nữ đã hành lễ với ba ông lão trước một bước: “Ba vị tộc lão.”

Giọng nàng tuy hờ hững nhưng trong mưa lại có một thanh điệu khác. Ba ông lão thấy nàng lễ nghĩa chu toàn, lại không dám khinh thường, vội mời: “Đa tạ Mộ cô nương đến đây ngày mưa. Chắc là trên đường cô nương đã nghe nói về chuyện nhà Triệu Đại Bảo. Người đã đưa xuống đất để ở trong nhà, mời cô nương mau vào xem một cái.”

Mộ Thanh gật đầu, nhấc chân đi vào trong sân. Người vào nhà, trong sân lưu lại mùi thuốc nhàn nhạt. Ngoài nhà, đứa bé ngửi được mùi thuốc trong gió, ngẩng đầu nhìn ông mình, đôi mắt ngây thơ chất phác có phần khó hiểu, không phải nói trên người Ngỗ Tác đều có mùi xương khô ruột thối khó ngửi của người chết à? Sao trên người Mộ cô nương này lại không ngửi thấy nhỉ?

Mùi thuốc kia khá tươi mát sảng khoái, thơm thật đấy!

Bên ngoài, mọi người trong thôn cầm ô lại bắt đầu chờ.

Trong sân, Triệu Đại Bảo bị trói gô ngồi trên mặt đất lầy lội, trên người đã ướt đẫm. Hắn ta nhìn chằm chằm cửa lớn nhà mình đóng chặt, đôi mắt chứa đầy mong đợi.

Qua thời gian một chén trà nhỏ, cửa mở.

Mộ Thanh đi ra, ánh mắt của trên dưới một trăm con người trong thôn đều đồng loạt nhìn về phía nàng.

“Thắt cổ tự vẫn.” Tính nàng khá lạnh nhạt, lời nói cũng ngắn gọn. Với Triệu Đại Bảo mà nói thì đây lại là hai chữ nặng nhất mà hắn ta từng nghe trong cuộc đời này.

Hai chữ (*), tẩy sạch nỗi oan của hắn ta, cứu sống tính mạng của hắn ta.

(*) Nguyên văn là 自缢, có hai chữ.

Người trong thôn vây xem xôn xao bàn tán sôi nổi. Vừa rồi rõ ràng Triệu Đồ Tử nói mạch lạc đâu ra đấy, bà nương nhà Triệu Đại Bảo hẳn đã bị người ta siết cổ chết rồi treo lên xà nhà. Sao mới qua một canh giờ đã biến thành thắt cổ tự vẫn rồi?

Nhưng lời Mộ Thanh nói, không ai không tin. Các vụ án qua tay nàng đều chưa từng bắt sai!

Chỉ là mọi người không rõ - Vì sao?

“Chuyện này không có khả năng!” Trong sân bỗng truyền đến một tiếng hô to, có người nhảy ra, trên mặt đầy vẻ không tin phục.

Đúng là Triệu Đồ Tử.
Bình Luận (0)
Comment