Nhóc Cà Lăm

Chương 98


Nghe Trình Hâm nói câu này, Trần Hân xúc động đến suýt khóc.

Trình Hâm lại chạy ra sân tiếp tục tập luyện.

Trần Hân chăm chú nhìn, đến chớp mắt cũng không nỡ.

Cậu muốn khắc sâu hình ảnh chàng trai này vào tâm trí.

Về nhà rồi lại phải mười ngày xa nhau.
Hôm ấy, Trần Hân ở trong câu lạc bộ, Trình Hâm tập luyện cả ngày, cậu cũng lặng lẽ ngắm hắn từ sáng đến chiều, thỉnh thoảng cầm di động lên chụp vài bức ảnh.

Năm giờ chiều tan học, Trình Hâm đi đến gọi Trần Hân: "Xong rồi, chờ tôi tắm một cái rồi ta đi ăn."
Trần Hân nhớ đến lịch tập luyện hàng ngày mà hôm qua Trình Hâm cho biết, bèn hỏi: "Cậu không tập đến sáu giờ à?" Câu này Trần Hân nói chậm, đã không còn lắp bắp nữa.
Trình Hâm cười hì hì: "Hôm nay hẹn người ta ăn cơm, phải về sớm chứ!"
Nghe nói thế, Trần Hân căng thẳng.

Hẹn ai ăn cơm cơ, chẳng lẽ là mẹ hắn.

Cậu còn chưa chuẩn bị gì cả mà! "Hẹn, ai thế?"
"Là một giáo sư khoa sinh học của đại học A, cậu có gì thắc mắc thì cứ trao đổi nhá."
Mắt Trần Hân mở to nhìn hắn, hết sức ngạc nhiên.
Trình Hâm khẽ cười: "Vị này là bạn của chú tôi.

Cậu vẫn đang phân vân về ngành học này còn gì.

Hôm nay hỏi thăm người ta một tí." "Chú" ở đây chính là bố dượng của Trình Hâm, giao thiệp rất rộng.

Trình Hâm nhờ ông tìm một chuyên gia sinh học, ông liền nhờ vả giáo sư Lưu.
Trần Hân nghẹn lời.

Cậu ấy đối với mình tốt quá! Xưa nay đã có ai quan tâm mình đến mức này đâu.
Trình Hâm hỏi: "Sao lại ngẩn ra rồi?"
Trần Hân nhìn hắn, mắt đỏ hoe: "Sao, cậu lại tốt, với tôi thế?"
Nhìn đôi mắt đỏ hồng như thỏ trắng, Trình Hâm bật cười: "Không tốt với nhóc thì tốt với ai? Thôi anh đi tắm đây, kẻo đến muộn."
Trình Hâm đi rồi, Trần Hân bỗng nhiên xoắn xuýt.

Trang phục của mình hôm nay hơi xuề xòa quá, người ta có phật ý không? Chốc nữa nên hỏi giáo sư những gì? Tưởng rằng có trăm điều phân vân, nhưng hình như lại chẳng có gì để hỏi.
Trên đường đến quán ăn, trong đầu cậu cứ ngổn ngang như thế.
Quán cơm trông có vẻ đắt tiền, Trình Hâm bao một gian phòng nhỏ.

Hai người đợi một lúc lâu mới thấy ông giáo sư vội vàng chạy đến.

Đó là một người đàn ông trạc bốn mươi, ăn mặc rất giản dị, không khác gì người bình thường, trừ đôi mắt sắc sảo sau tròng kính.
Trình Hâm đứng lên: "Cháu chào chú Lưu ạ.


Cám ơn chú đã bớt thời gian quý báu đến đây.

Trần Hân này, đây là giáo sư Lưu.

Chú Lưu, đây là Trần Hân, bạn tốt của cháu, là người mà cháu bảo có hứng thú với khoa sinh học."
Giáo sư Lưu chìa tay ra với Trần Hân: "Chào em."
Trần Hân vội bắt tay ông: "Em, chào thầy ạ!"
Trình Hâm nói: "Mời chú Lưu an tọa, cháu cứ áy náy sợ làm quấy rầy công việc bận rộn của chú.

Hay ta vừa ăn vừa trò chuyện nhé.

Gọi vài món trước, chốc nữa lại thêm." Nói xong gọi nhân viên phục vụ vào, bảo mang thức ăn lên.
Giáo sư Lưu ngồi xuống, cười: "Được đấy, cứ thế đi.

Bạn học này muốn học sinh học phải không?"
Trần Hân sốt sắng gật đầu: "Vâng ạ."
Giáo sư Lưu bảo: "Vậy em có điều gì còn khúc mắc?"
Trần Hân li3m môi một chút, liếc Trình Hâm.

Trình Hâm mỉm cười gật đầu với cậu.

Trần Hân lên tiếng: "Em, em rất thích, sinh học, nhưng có anh bạn, bảo không nên thi vào, ngành này."
Trình Hâm đỡ lời: "Chú ạ, thành tích của Trần Hân tốt lắm, đứng nhất trường cháu đấy, nhất thành phố luôn.

Lý tưởng của cậu ấy là làm nghiên cứu khoa học, nên muốn xác định xem liệu có phù hợp với ngành sinh học hay không."
Giáo sư Lưu gật đầu: "Hình như em rất thích môn sinh học nên mới có ý định lựa chọn.

Con đường nghiên cứu đầy chông gai gian khổ.

Nếu em không ngại khó, không ngại cô đơn thì ngành sinh học cũng chẳng đến nỗi nào."
Trần Hân gật đầu, lại ngượng ngập bảo: "Thật ra, em còn chưa biết, nghiên cứu, cụ thể là làm những gì."
Giáo sư Lưu giải thích: "Có nhiều chuyên ngành, như vi sinh vật học, sinh học tế bào, di truyền học, vân vân, mà đề tài nghiên cứu lại còn phong phú hơn nhiều.

Kiến thức sinh học có thể nói là bao la không bờ bến, loài người tìm hiểu đã rất nhiều năm mà kỳ thực chỉ biết được một giọt nước nhỏ nhoi trong cả đại dương.

Cho nên tiềm năng phát triển của sinh học trong tương lai là vô tận.

Thế nhưng rất khó mà đạt được thành tựu, đặc biệt cần phải nhẫn nại, kiên trì.."
Trong lúc dùng bữa, giáo sư Lưu giảng giải cẩn thận về ngành học.

Trần Hân gật đầu, thỉnh thoảng hỏi vài câu, cũng biết rõ hơn về khoa sinh học.

Giáo sư Lưu cũng không tô hồng hiện thực.


Ông chỉ ra rằng nhà nghiên cứu đa phần nghèo khó, cũng kể những chuyện buồn của bản thân trên bước đường đời.

Những điều này Tưởng Tư Tiệp cũng đã nhắc đến, có điều dù là khoa học nào thì cũng được xây dựng trên nền tảng trí tuệ con người, nên không thể nói là không động não.
Thức ăn Trình Hâm chọn hợp khẩu vị của giáo sư Lưu, làm ông hết sức hài lòng.

Bữa cơm kéo dài hơn một tiếng, mọi người trò chuyện rất vui vẻ.

Cơm xong, Trình Hâm và Trần Hân cảm ơn không ngớt, tiễn giáo sư Lưu ra về.
Nhìn taxi bơi vào biển ánh sáng lung linh trên đường phố, Trình Hâm khoác vai Trần Hân: "Thấy thế nào? Có quyết định chưa?"
Trần Hân nở nụ cười: "Có." Tuy nghèo khó, thế nhưng đây ắt hẳn là niềm say mê của cậu.
Trình Hâm cười rộ: "Thế thì tốt.

Ta đi đâu đó chơi đi.

Mai về rồi, anh sẽ nhớ em lắm đấy!"
Trần Hân nói tự đáy lòng mình: "Cám ơn cậu." Ngoài Trình Hâm, chưa từng có người quan tâm đ ến suy nghĩ và cảm thụ của Trần Hân như thế.

"Cậu cũng định thi, đại học đến Bắc Kinh, phải không?" Đây là lần thứ nhất Trần Hân nhắc đến chuyện tương lai, cậu muốn hai người bên nhau mãi mãi.
Trình Hâm nhìn cậu, ra sức gật đầu: "Dĩ nhiên.

Anh theo em mà."
"Tôi sẽ giúp cậu." Hai người muốn nắm chặt tay nhau cùng bước, vĩnh viễn không rời.
Nhưng dù có quyến luyến ra sao, nhiệm vụ vẫn đang còn trước mắt.

Tiễn đưa nơi sân ga nhộn nhịp, rồi kẻ ở người về.

Trình Hâm luyện tập, Trần Hân tiếp tục dạy kèm anh em Tào Kế.
Mấy ngày trước khi khai giảng, Trình Hâm mới trở về, thực hiện lời hứa với Trần Hi.

Thằng bé thi học kỳ môn toán đạt điểm tối đa, môn văn cũng đến 94 điểm, xứng đáng là lá cờ đầu của lớp.

Từ khi có kết quả, nó đã hào hứng muốn đến nhà Trình Hâm chơi.

Lúc biết hắn đi Thượng Hải tập huấn thì hụt hẫng không thôi.

Bây giờ Trình Hâm đ ến đón đi chơi, Trần Hi nhảy cẫng vì vui sướng.
Bởi vì có mấy ngày nghỉ nên dù bố mẹ Tào nài thế nào, Trần Hân cũng kiên quyết chỉ xin nhận 5000 đồng học phí.

Ông bà càng thêm quý mến cậu bé này.
Từ Tuấn Thưởng thì gần sát ngày mới trở về.


Cả vụ hè, cậu ta lên Bắc Kinh dự lớp luyện thi nghệ thuật, quyết tâm rất cao.

Đối với cả nhóm bạn, vài ngày cuối cùng trước khi đến trường mới thật sự là ngày nghỉ.
Thấm thoát mà đã lên lớp 12!
Lớp vẫn là lớp cũ, chủ nhiệm vẫn là anh Tuyển "chịu chơi" đã phục hồi sau một mùa hè an dưỡng.

Giờ đây anh chỉ phải tránh những động tác mạnh, còn việc đi lại đã bình thường.

Thầy Nhâm có việc, nhà trường điều chỉnh giáo viên các lớp 12, thế là Chu Tung được phân công phụ trách lớp 12A6, làm Trần Hân mừng rỡ reo lên.
Kỳ thực Chu Tung không muốn dạy lớp 12 vì ngại áp lực ôn thi đại học.

Từ khi đến Nhật Thăng, tiểu thuyết trên mạng của ai kia thường xuyên đứt quãng, nhiều lúc trễ hẹn chương mới.

Nhất là sau khi Phương Tuyển bị thương thì tưởng chừng phải bỏ.

Thế nhưng vì truyện hay nên vẫn được nhiều người đọc ủng hộ.

Các tác giả tại Tấn Giang cũng thường "ngâm" truyện, dù sao cuộc sống ngoài đời thật cũng quan trọng hơn nhiều.

Lần này là Phương Tuyển chèo kéo Chu Tung đến dạy, bảo rằng hai đứa mình phải liên thủ một phen, lại lôi cả Trần Hân vào.

Chu Tung cảm thấy các học sinh A6 học kỳ vừa rồi đoàn kết và chăm chỉ nên xiêu lòng nhận.
Chu Tung nổi tiếng dạy hay, trong lớp ai cũng mừng.

Phương Tuyển khoe: "Thầy Chu đồng ý dạy lớp ta đều là công của thầy đấy nhé, nếu không thầy ấy sang dạy 10A3 rồi!"
Mọi người hỏi: "Thầy làm cách nào thế?"
Phương Tuyển đắc ý dạt dào: "Nhà thầy Chu ở đối diện nhà thầy.

Mèo của thầy ấy rất thích ở lì bên thầy ăn chùa uống chùa.

Lúc đầu thầy ấy không chịu dạy lớp 12, phải nài nỉ mãi mới được đấy!"
Nghe bảo thế, Trình Hâm và Trần Hân làm mặt xấu với nhau.

Tuy chưa thể xác định quan hệ giữa Phương Tuyển và Chu Tung, thế nhưng lúc thầy chủ nhiệm bị thương Trần Hân đã đoán được điều gì, nhưng cậu không bao giờ bàn tán chuyện riêng của người khác, huống hồ gì lại là của hai người thầy mà cậu kính yêu.

Còn Trình Hâm ngay từ đầu đã nhìn ra được, nhưng hắn luôn giữ kín, ngay cả với Trần Hân, bởi đặt mình vào địa vị anh trai, hắn cũng không bao giờ muốn chuyện lộ ra, rồi mình và người yêu bị rêu rao, đàm tiếu.
Năm học mới bắt đầu.

Sau lễ khai giảng, nhà trường lại tổ chức một buổi "lễ động viên" để cổ võ tinh thần thầy trò khối lớp 12.

Mục đích chính lại là để cảnh báo đám học sinh: Còn 270 ngày nữa là thi đại học rồi! Thời gian không phải tính bằng năm, cũng không tính bằng tháng, mà phải tính bằng ngày! Không có bao nhiêu "ngày" để mà uổng phí, thói ham chơi tuế toái của lớp trước phải bỏ đi, lớp 12 rồi, vùi đầu mà học mới mong theo kịp.

Nếu cảm thấy học tập quá khó nhọc cũng chẳng sao, vì chỉ còn bấy nhiêu "ngày" nữa là các bạn sẽ được giải thoát rồi!
Trần Hân được chọn làm đại diện ban tự nhiên lên phát biểu, còn Trương Diệp Huy thay mặt ban xã hội, cả hai sẽ chia sẻ những kinh nghiệm học tập tâm đắc của bản thân.

Bất ngờ chưa, Trình Hâm cũng được lên sân khấu! Chả là vì khuyến khích các học sinh không nề phấn đấu mà nhà trường đã lập ra một giải thưởng hoàn toàn mới, gọi là giải "Học sinh tiến bộ nhất", được lĩnh một nghìn đồng! Từ ngày cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đây là món tiền thưởng kếch xù nhất mà Trình Hâm được nhận.

Nhưng thích nhất là thỏa ước muốn được cùng lên khán đài với Trần Hân.
Bài phát biểu của Trần Hân cũng tương tự như hồi lễ khai giảng năm trước, thế nhưng không ai không nhận ra sự lột xác ngoạn mục của cậu: Từ một cậu bé nhút nhát, ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời, chỉ qua một năm đã trở thành một thiếu niên tự tin, chững chạc.


Đến Chu Tung cũng phải kinh ngạc: Chẳng lẽ ở cùng Trình Hâm lại có tác dụng tốt đến không ngờ như thế hay sao?
Trương Diệp Huy cũng không kém phần đáng nể.

Vì bệnh tật phải tụt lại một tháng, thế mà thành tích vẫn vững ngôi đầu.

Tuy điểm số của thủ khoa ban xã hội không bì được với Trần Hân nhưng phong thái cậu ta vừa nhẹ nhàng vừa lôi cuốn.
Còn Trình Hâm lại là một loại hình khác hẳn.

Cả trường chẳng ai không biết hắn ta.

Lớp 10 vì đánh nhau mà bị kỷ luật, lớp 11 dẫn dắt đội bóng rổ giành huy chương toàn tỉnh, bây giờ thành tích học tập cũng lên cao, không ai không trầm trồ thán phục.

Thế nhưng nguyên nhân sâu xa của sự chuyển mình chóng mặt ấy lại không mấy người có cơ hội biết được.
Bài phát biểu của Trình Hâm đương nhiên là do Trần Hân viết hộ.

Thật lòng, Trình Hâm không mấy vui: Hắn phải lên sân khấu cho mọi người nhòm ngó, còn phải kể lể xây dựng cho bản thân một hình tượng "quay đầu là bờ", chẳng khác nào tinh tinh đười ươi trong sở thú cho cả trường tham quan, bàn luận.

Thế nhưng được cùng "người đẹp" nhận thưởng cũng mãn nguyện rồi.
Sau buổi lễ, tất cả vào guồng máy ngay.

Đầu tiên, các môn sử địa chính trị tin học âm nhạc mỹ thuật gì gì đấy bị bỏ đi không thương tiếc, môn phụ duy nhất còn lại chính là thể dục, mặc dù ít nhiều cũng biến tướng đi.

Sau là đến thời khóa biểu mới hoàn toàn kín đặc: Sáng chiều chín tiết, thêm bốn tiết tự học buổi sớm và buổi tối, tổng cộng mười ba tiết mỗi ngày.

Học kỳ một thì tự học tối đến 10 giờ 20, học kỳ hai phải đến 10 giờ 50 mới được ra khỏi lớp!
Trời ơi, đúng là địa ngục! Mọi người nhìn thời khóa biểu, không ngớt kêu ca.
Tuy nhiên, có kêu than cách mấy cũng phải chấp hành.

Lớp 12, sách vở giấy má ngập đầu, đủ loại bài tập được hào phóng phân phát mỗi ngày, sách tham khảo cũng không hề thiếu: "Đề thi đại học năm năm gần nhất", "Phân tích đề bài", "Làm thế nào thi được 600 - 700 điểm", "Luyện đề chuyên nghiệp", "Những sai lầm thường gặp khi giải đề", chưa hết, còn có đề thi mẫu, đề thi thử của các tỉnh thành trên toàn quốc.
Mỗi học sinh được phát một chồng sách tham khảo, khuyến mãi thêm một xấp đề thi.

Mới đầu năm mà trong hộc bàn, trên mặt bàn ai cũng chất chồng, đầy ứ.

Khuất sau núi sách là những gương mặt đờ đẫn đáng thương.
Trần Hân đã được công nhận cấp bậc thần thánh, trơ như đá vững như đồng, việc học tập của cậu luôn được chủ động, nghe giảng hay làm bài đều có chọn lọc và tổ chức.

Nhiều trường đã hoàn thành kiến thức cơ bản của lớp 12 ngay từ cuối năm 11 và trường Nhật Thăng cũng không ngoại lệ.

Năm nay chủ yếu dành để ôn tập và đi sâu vào chi tiết mà thôi.
Trên lớp, Trần Hân thảo luận với thầy cô về các cách giải khác.

Có khi thầy cô lười biếng còn nhờ cậu lên bảng chữa hộ bài.

Việc này thì các học sinh A6 đã quen từ năm 11.

Thậm chí có lúc cách giải mà giáo viên đưa ra phức tạp, khó hiểu, các bạn lại nhìn Trần Hân chờ đợi xem cậu có cách nào đơn giản hơn không.

Nếu có thì cậu sẽ nói ngay, không hề giấu giếm.

Trần Hân đã trở thành chỗ dựa vững chắc của mọi người..

Bình Luận (0)
Comment