Nhu Phong

Chương 20

Ngựa ô dừng lại trước cổng lớn treo bảng gỗ khắc ba chữ to "Tích Thiện đường". Đây là một tiệm thuốc, tuy đã đóng chặt cổng, nhưng hương thảo dược nồng đậm vẫn len qua khe cửa tản mát bốn phía.

Lý Nhu Phong ngửi được mùi hương đó thì biết đã đến đúng chỗ. Chàng xuống ngựa trước, lấy từ tay nải ra một đôi giày vải sạch sẽ, lần đến đôi chân Bão Kê nương nương, giúp nàng mang vào.

Dương bạt rốt cuộc vẫn là dương bạt, để chân trần trên ngựa lâu như vậy, bàn chân vẫn nóng rực, hai tay buốt cóng của chàng vừa chạm vào đã được sưởi ấm ngay.

Bão Kê nương nương giương mắt lạnh nhìn Lý Nhu Phong đi giày cho mình. Chàng đặt đầu bàn chân nàng vào mũi giày, áp ngón tay mát rượi sát mặt bên bàn chân, đầu ngón tay luồn vào mép giày để kéo lên, trượt dọc đến tận gót, chỉnh ngay ngắn, rồi lại lướt nhẹ tay một vòng quanh mép giày, kiểm tra xem đã xỏ chỉnh tề cho nàng chưa.

Cả đời Lý Nhu Phong chưa từng phải làm công việc hầu hạ này, nhưng chàng cư xử với mọi người hết sức tinh tế, cẩn thận. Bão Kê nương nương nhìn kỹ khuôn mặt đang cúi thấp của chàng, biết cách chàng đối đãi với nàng khác hẳn cách nàng hầu Phùng Thời. Thái độ chàng chuyên chú, như thể đã xem nàng là người mình quý trọng nhất.

Nhưng như thế thì ích gì? Đều là giả.

Khi chàng kiên quyết bế nàng ra ngoài, bảo phải đi xem bệnh, trong lòng nàng thật sự có đôi phần hân hoan. Dẫu chỉ bởi nàng là dương bạt, mạng của nàng gắn chặt với mạng chàng, mới khiến chàng trân trọng gìn giữ, thì trong đó ít nhiều vẫn còn tồn tại chút thực tâm.

Đáng tiếc, chàng chỉ xem nàng là ngụy trang, là cái cớ để đến đưa tin cho Tích Thiện đường.

Chàng không hề tiếc mạng nàng, cũng hệt như chàng không tiếc mạng chính mình.

Lý Nhu Phong vươn tay đỡ Bão Kê nương nương xuống ngựa. Bão Kê nương nương cười nhạt, lẳng lặng bước đi.

Gõ cổng mấy lần không ai đáp. Bão Kê nương nương nhìn mấy chữ "Miễn tiếp khách" gắn trên cổng, đoán: "Hay là chạy nạn rồi?" Từ ngày chiến loạn nổ ra, vương kỳ của thành Kiến Khang đã bao phen thay đổi, rất nhiều thế gia vọng tộc ở ngõ Ô Y cùng kéo nhau trốn xa lánh nạn.

Lý Nhu phong vẫn chưa chịu đi. Gần đây cả thành Kiến Khang nghiêm tra dư nghiệt Trừng vương, trên đường rất ít người qua lại, trong ngõ Ô Y càng vắng vẻ hơn. Lý Nhu Phong nghiêng tai lắng nghe. Dọc con ngõ này, ngoại trừ hai người là chàng và Bão Kê nương nương ra thì chẳng còn ai khác. Chàng bèn áp sát khe cửa, ép giọng xuống thật nhỏ: "Xin thông báo giúp, con trai thứ ba tên Băng của nhà họ Lý ở Trừng Châu, đến đây thăm chú Phạm. Cách biệt vài năm, chẳng hay chứng đau cứng khớp của chú đã đỡ hơn chưa?"

Bên trong chợt có âm thanh vọng ra, hình như là thứ gì rơi xuống đất. Chẳng mấy chốc, lại nghe sau cổng truyền đến tiếng gậy chống vội vã nện xuống sàn, từng tiếng từng tiếng âm vang như cơn mưa nặng hạt kéo tới. Cánh cổng he hé, một con mắt nhìn quanh thăm dò. Lý Nhu Phong bình thản đứng trước cổng, khom người làm lễ lớn: "Cháu Lý Băng, xin kính chào chú."

Cổng lớn rộng mở, một ông lão vội vàng ra đón, vươn tay vịn chặt Lý Nhu Phong, cẩn thận quan sát thật kỹ chàng từ trên xuống dưới, cuối cùng là run giọng hỏi: "Nhu Phong, thật là cháu sao?"

Những lúc bình thường, người cõi âm ngoài thân nhiệt hơi thấp ra thì trông chẳng khác gì con người, rất khó phân biệt. Pháp Tuân đến bãi tha ma, nếu không nhìn thấy tay chân Lý Nhu Phong hư thối thì mắt thường làm sao nhận ra được chàng là người cõi âm.

Lý Nhu Phong mỉm cười đáp: "Vâng thưa chú, là cháu đây."

Người này họ Phạm, tên Bảo Nguyệt, là thế giao với cha của Lý Nhu Phong. Nghe ra giọng Lý Nhu Phong, Phạm Bảo Nguyệt càng không dám tin, lại kéo chàng đến gần nhìn tới nhìn lui, rưng rưng nói: "Cháu... Ta nghe kể cả họ Lý cháu bị Tiêu Tử An sát hại, nhà thờ họ cũng bị phóng hỏa đốt sạch, thật thế sao? Cháu... nhờ đâu mà thoát được?"

Lý Nhu Phong thấy Phạm Bảo Nguyệt hỏi chuyện họ Lý ở Trừng Châu, còn nhắc tới nhà thờ họ thì không khỏi hai mắt nhòa lệ. Chàng cố gượng cười trả lời: "Chẳng biết là may mắn hay bất hạnh, trời cao ban ân cho cháu sống lại, chỉ.có đôi mắt không dùng được nữa. Bởi vậy lễ nghĩa không thể chu toàn, kính mong chú thông cảm."

Phạm Bảo Nguyệt thở dài, liên tục an ủi: "Còn sống là mừng rồi! Còn sống là mừng rồi!" Đoạn dẫn Lý Nhu Phong vào nhà trò chuyện.

Bão Kê nương nương vịn lưng ngựa ô rề rà theo sau. Phạm Bảo Nguyệt quay sang gã hầu bên cạnh giao phó: "Đi, dắt ngựa vào chuồng, nhớ cho ăn uống tử tế." Lại thấy Bão Kê nương nương uể oải, lừ đừ, tướng mạo và y phục cũng không mấy đặc biệt, ông nghĩ là tôi tớ của Lý Nhu Phong nên tiện thể chia việc, "Ngươi cứ đứng canh ngoài đây."

Lý Nhu Phong bước đến đỡ Bão Kê nương nương, thưa với Phạm Bảo Nguyệt: "Chú ạ, đây là ân nhân cứu mạng của cháu"

Bão Kê nương nương chợt lên tiếng, giọng nói vô cảm, nghèn nghẹn như tắc trong cuống họng: "Tôi là nương tử chàng, chàng là Tam lang của tôi."

Lý Nhu Phong hơi sững lại. Phạm Bảo Nguyệt cũng quá sức chấn động: "Cháu, cháu đã... thành thân rồi ư?"

Chưa đợi Lý Nhu Phong trả lời, Bão Kê nương nương vẫn đáp thay bằng ngữ điệu đều đều kia: "Chúng tôi ngủ cùng một giường, chàng hứa sẽ ở bên tôi suốt đời suốt kiếp."

"Thế là cháu...?" Bấy giờ Phạm Bảo Nguyệt mới phát hiện nàng vấn tóc kiểu phụ nữ có chồng. Ông hốt hoảng nhìn qua Lý Nhu Phong, trên mặt viết rõ thật không thể tin và cũng không muốn tin. Công tử thứ ba của nhà họ Lý Trừng Châu, đã từng hiển quý, cao nhã là thế, cớ sao lại lấy một thôn phụ lỗ mãng nhường này?!

Lý Nhu Phong thầm thở dài, chẳng lẽ cứ kể rõ với Phạm Bảo Nguyệt mình là nô bộc của nàng? Nói là vợ chồng, quả thật có thể giảm được khâu giải thích phiền phức. Bởi vậy thuận thế gật đầu: "Vâng. Hai cụ thân sinh nhà cháu đều không còn tại thế nên cháu tự quyết định. Thành thân với vị cô nương này, cũng xem như báo đáp ơn cứu mạng của nàng."

Phạm Bảo Nguyệt hết nhìn Lý Nhu Phong, rồi quay sang Bão Kê nương nương, lặng im mãi lâu, rốt cuộc giậm chân đánh huỵch, thương xót thở dài. Ông than: "Cháu à, lẽ ra cháu nên sớm đến đây tìm lão phu... Mà thôi, thế đạo bây giờ, cháu còn giữ được tính mạng, giữ một mạch hương hỏa cho họ Lý thì đã là vạn hạnh, vạn hạnh lắm rồi!"

Phạm Bảo Nguyệt rất biết nhìn mặt lựa lời. Ông quan sát Lý Nhu Phong cẩn thận đỡ cô gái kém nhã này, nhận ra trong ngôn từ cử chỉ của chàng hiện rõ thái độ tôn kính. Lại xem kỹ, ánh mắt cô gái này nhuốm màu âm u, buốt giá, còn hàm ẩn một loại vô tình, thấu suốt của kẻ hiểu rõ sự đời. Ông mơ hồ linh cảm cô gái này có vẻ không tầm thường, bèn hỏi tiếp: "Thế quý danh cháu dâu là gì, nên xưng hô thế nào?"

Lý Nhu Phong đáp: "Là Trương..."

Trương Thúy Nga lạnh lùng chen ngang: "Tôi tên Bão Kê."

Lý Nhu Phong im bặt.

Phạm Bảo Nguyệt kéo dài giọng "À" lên, gật gù, cân nhắc, miễn cưỡng tìm ra được một điểm để khen cô gái gầy yếu trước mắt: "Trương Bão Cơ[*], tên này quả có bao hàm ý thiền và sự sắc sảo."

[*] "Kê" (gà) đồng âm với "cơ" (nhanh nhạy, cơ trí)

Trong Tích Thiện đường rất trống trải, cũng chẳng còn lại bao nhiêu tôi tớ, có thể thấy được cuộc sống của lang chủ Phạm Bảo Nguyệt đã giản tiện và kín tiếng tối đa. Đi vào phòng thuốc, sát hai bên tường đều kê hàng dãy tủ thuốc cổ kiểu dáng nhã nhặn, trông không chỉ sạch sẽ, ngăn nắp mà còn rất trang nghiêm. Phạm Bảo Nguyệt tự mình hỏi han, xem bệnh cho Trương Thúy Nga, chẩn đoán là gió nóng xâm nhập phổi. Ông nói bệnh này tàn phá cơ thể rất nhanh, may mà phát hiện kịp thời, nếu kéo dài thêm một hai ngày nữa, để chuyển thành bệnh lao thì sẽ rất khó trị.

Trương Thúy Nga nhìn vào mắt Lý Nhu Phong, chỉ thấy chàng thật điềm nhiên, không hề có ý kể công với nàng.

Phạm Bảo Nguyệt kê một đơn thuốc, sai học trò đi bốc thuốc sắc ngay. Khi Trương Thúy Nga cám ơn Phạm Bảo Nguyệt, Lý Nhu Phong đột ngột lên tiếng: "Trên người nàng cũng bị thương, xin phiền chú chữa giúp luôn ạ."

Phạm Bảo Nguyệt hơi chững lại, nhìn Lý Nhu Phong bằng ánh mắt lạ lùng. Trương Thúy Nga trà trộn giang hồ từ bé, còn hạng người nào mà chưa gặp qua, làm sao không nhận ra mới rồi Phạm Bảo Nguyệt đã nảy sinh hoài nghi về mối quan hệ thực sự giữa nàng và Lý Nhu Phong? Song Lý Nhu Phong vừa nói thế, Phạm Bảo Nguyệt đành phải tin là thật, trên mặt đầy vẻ than tiếc vì ván đã đóng thuyền.

Lý Nhu Phong không thấy được gì, tất nhiên chẳng thể nhận ra những ý nghĩ quanh co từ phản ứng của Phạm Bảo Nguyệt. Trương Thúy Nga nhìn khuôn mặt dịu dàng đa tình của chàng, lại biết tâm tư chàng sâu sắc, thấu đáo hơn so những gì khuôn mặt này biểu lộ ra ngoài.

Nàng chưa từng đề cập đến việc "trên người bị thương", thế mà Lý Nhu Phong lại biết. Cũng giống như việc dò ra tin "Tiêu Yên chưa chết" từ miệng Phùng Thời, chàng giấu kín hết thảy trong bụng, chỉ chờ đến khi nàng chưa kịp chuẩn bị, không thể phản bác mới bất ngờ dùng tới.

...

Vì nam nữ cần giữ khoảng cách, Phạm Bảo Nguyệt gọi một nô tỳ nhanh nhẹn qua, giao việc xử lý ngoại thương trên người Trương Thúy Nga cho cô ấy. Riêng ông thì dẫn Lý Nhu Phong đến phòng nghị sự ở nhà sau.

Trương Thúy Nga đương nhiên biết rõ họ tránh mặt nàng để thương nghị chuyện gì. Nàng thức thời không thăm dò, không theo đuôi. Nô tỳ liền đóng hết các cửa sổ phòng, bảo Trương Thúy Nga trút bỏ xiêm y để tiện băng bó vết thương. Động tác của nàng ta rất thuần thục, hiển nhiên là nhận được chân truyền của Phạm Bảo Nguyệt.

Trương Thúy Nga chuyện phiếm câu được câu chăng với nàng ta: "Sao tới giờ Phạm tiên sinh còn ở lại Kiến Khang vậy?"

"Thưa, là do lang chủ mắc chứng đau cứng khớp, đi đứng khó khăn, cũng chẳng nỡ bỏ gia nghiệp gầy dựng bao năm, cho nên vẫn ở lại đây."

"Cuộc sống có yên ổn không?"

"Không yên ổn chút nào, cứ dăm ba bữa quan binh lại đến lục soát. Nhưng lang chủ nhà tôi là danh y, từng chữa bệnh cho vương phi, bởi vậy Ngô vương cũng có đôi phần nể trọng."

"Vương phi nào thế?"

"Trắc phi Cảnh thị đấy."

Trương Thúy Nga đang quay lưng về phía nàng ta, bất giác chau mày.

Trắc phi Cảnh thị chính là Cảnh phu nhân vừa sinh tiểu vương tử. Sau khi tiểu vương tử bị đưa đến chùa Đại Từ Ân xuất gia, bà ta tự cảm thấy thân mang tội nghiệt nên lòng cũng nguội lạnh. Từ đó bắt đầu thanh tâm quả dục, để tóc tu hành trong cung, cả ngày cầu phúc cho Ngô vương.

"Nữ lang thứ lỗi ta lắm miệng. Ban nãy vừa tới thì ta thấy Phạm tiên sinh đóng cửa từ chối tiếp khách, phải chăng có liên quan đến việc Cảnh phu nhân thất sủng?"

Nàng ta thở dài đầy âu sầu, xác nhận rồi không nhiều lời nữa.

Bão Kê nương nương uống thuốc xong, chợp mắt một lúc trên giường trúc ở phòng thuốc, khi tỉnh dậy thì tà dương vừa khuất núi, màn đêm đang dần buông. Phạm Bảo Nguyệt không hổ là danh y đương thời, chỉ mới dùng một thang thuốc mà nàng đã cảm thấy tinh thần khoan khoái, nhẹ nhõm hơn rất nhiều, cơ thể cũng bắt đầu phục hồi sức lực.

Phạm Bảo Nguyệt dẫn Lý Nhu Phong ra khỏi phòng. Ông hỏi: "Cháu thật không muốn ở lại đây với lão phu sao? Tuy cuộc sống trước mắt còn đơn sơ, nhưng tính ra vẫn là sạch sẽ, dư dả."

Lý Nhu Phong chắp tay từ chối: "Nhà cháu không quen ở cùng người khác, chúng cháu chẳng dám làm phiền chú thêm."

Trước đó Phạm Bảo Nguyệt từng nài giữ chàng rất nhiều lần, biết tâm ý chàng đã quyết, ông chỉ đành sai học trò gói kỹ dược liệu, dắt ngựa ô đưa bọn họ qua lối cửa sau rời đi.

Ánh mắt Bão Kê nương nương lấp lóe nhìn hai người họ, chẳng nói lời nào. Nàng và Lý Nhu Phong đều đã gây ra án mạng, Lý Nhu Phong không muốn tạm trú ở đây, chắc hẳn là để tránh liên lụy Phạm Bảo Nguyệt.

Trên đường đi, hai người vẫn lặng thinh không lên tiếng. Đi về mé tây, qua được vài con phố thì Lý Nhu Phong đột nhiên gợi ý: "Nương nương, chúng ta đến khu chợ Tây nhé?"

Bão Kê nương nương hỏi: "Để làm gì?"

Lý Nhu Phong nói: "Muốn mua thức ăn khuya thì cứ qua chợ Tây cho tiện."

Chợ Tây là khu phố sầm uất nhất bên sông Tần Hoài, có rất nhiều cửa hàng, quán rượu. Nhắc đến chuyện ẩm thực ở thànhThạch Đầu thì nhất định phải kể đến chợ Tây. Từ đây về quán trọ đúng là cũng có đường đi ngang qua đó.

Bão Kê nương nương ngầm đồng ý đề nghị của Lý Nhu Phong.

Bấy giờ chợ Tây đã kém thịnh vượng hơn hẳn khi Trừng vương cai quản, song vẫn giữ nguyên được khung cảnh bóng đổ chiều buông tàn cuộc rượu, dập dìu giai khách khắp muôn phương. Đây chính là thời điểm nhộn nhịp nhất. Xuống ngựa ngay đầu phố chợ, đầy trong mắt là chuỗi đèn lấp lóa vô tận, rộn bên tai là lời rao bán đủ loại củ ấu, ngóỉ sen. Cả con đường huyên náo, sôi động cùng dòng người tấp nập ngược xuôi.

Lý Nhu Phong ngó quanh bốn phía, vào giờ này chàng đã nhìn thấy được hồn phách. Những hồn phách đấy ít nhiều gì cũng giúp chàng xác định được phương hướng.

Bão Kê nương nương biết chàng đến chợ Tây chắc là lại vì tính toán nào đó, nhưng nàng không vạch trần.

Dắt ngựa ô theo sau chàng, nàng nhận ra chàng đã có thể dễ dàng dựa vào tiếng bước chân và đối thoại của người xung quanh mà linh hoạt tránh đường. Chàng thong thả tiến lên trước, cũng không cần dựa dẫm vào nàng.

Bão Kê nương nương bỗng nảy ra một ý nghĩ tàn ác.

Nếu chàng đã không cần nàng.

Nếu trong lòng chàng đã không dành bất kỳ vị trí nào cho nàng.

Như vậy, hãy bỏ chàng đi.

Bỏ chàng đi thôi.

Bão Kê nương nương dắt ngựa ô, đột ngột tách khỏi dòng người, ẩn vào đầu hẻm bên cạnh.

Lý Nhu Phong lập tức sững lại.
Bình Luận (0)
Comment