Tôi buộc lòng đi đến kết luận rằng Shiva, kình địch của tôi, người anh em tráo đổi của tôi, sẽ không được vào diễn đàn của tâm trí tôi nữa, vì những lý do tôi phải thừa nhận là thấp hèn. Tôi sợ hắn sẽ khám phá ra cái điều mà tôi biết chắc mình sẽ không giấu nổi hắn – bí mật về sự ra đời của chúng tôi.
Shiva, người coi thế giới là vật chất, người cho rằng chỉ có thể kiến giải lịch sử như một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của cá-nhân-chống-lại-đám-đông, chắc chắn sẽ quyết tâm đòi lại quyền vị khi chào đời của hắn. Và khiếp đảm trước ý nghĩ gã địch thủ đầu gối gõ nhau sẽ thế chỗ mình tại căn phòng màu xanh của tôi thời thơ ấu. Trong khi tôi, lẽ tất nhiên, phải rầu rĩ rời bỏ quả đồi hai tầng để đến với khu ổ chuột phía Bắc thành phố; nhất định không thừa nhận rằng lời tiên đoán của Ramram Seth là dành cho con trai của Winkie, rằng Shiva mới là người được Thủ tướng viết thư cho, và vì Shiva ngư phủ mới chỉ về phía biển…
Tóm lại, định cho mười một năm làm con của tôi một giá trị vượt xa huyết thống đơn thuần, tôi quyết rằng bản thể đối lập mang xu hướng hủy diệt và bạo lực của tôi sẽ không bao giờ được tham gia những cuộc họp ngày càng bè phái của Hội nghị Những đứa trẻ Nửa đêm nữa, rằng tôi sẽ bảo vệ bí mật của tôi – và đã từng của Mary - bằng cả tính mạng mình.
Thời kỳ này, có những đêm tôi tránh không nhóm họp Hội nghị gì cả - không phải vì sự chuyển hướng đáng thất vọng của nó, mà chẳng qua vì tôi biết, để dựng lên một rào chắn bao quanh hiểu biết mới của tôi và ngăn được lũ trẻ tiếp cận nó thì phải có thời gian, và máu lạnh. Sau cùng, tôi đã tự tin là mình sẽ làm được… nhưng tôi lại sợ Shiva. Hung bạo và mạnh mẽ nhất trong Lũ trẻ, hắn sẽ đột nhập được vào nơi kẻ khác không vào được.
Ở mọi hoàn cảnh, tôi né tránh các bạn thiếu niên đồng bào[1], và rồi đột nhiên tất cả trở nên quá muộn, bởi vì, sau khi đã lưu đày Shiva, tôi phát hiện ra mình cũng bị ném vào một chuyến lưu đày mà từ đó tôi không thể liên lạc với hơn năm trăm đồng nghiệp của mình nữa: tôi bị quẳng qua đường biên giới ra-đời-từ-Chia-cắt sang Pakistan.
[1] Fellow-Children đọc gần giống Fellow-Citizen (quốc dân đồng bào).
Cuối tháng Chín năm 1958, tang kỳ của cậu tôi Hanif Aziz đến hồi kết thúc. Và kỳ diệu thay, đám mây bụi vẫn bao phủ chúng tôi được một trận mưa rào lành làm nắng xuống. Khi đã tắm rửa và mặc quần áo mới giặt và bật quạt trần lên, chúng tôi bước ra từ nhà tắm, lòng ngập tràn, trong chốc lát, một niềm lạc quan ảo tưởng của sự sạch sẽ còn tươi mùi xà phòng. Và tìm thấy một Ahmed Sinai bụi bặm, chưa tắm rửa, tay cầm chai whisky, mắt vằn máu, ngả nghiêng leo từ văn phòng lên lầu dưới ách kiềm tỏa mê loạn của tửu tinh.
Ông tiếp tục đánh vật, trong thế giới trừu tượng của riêng ông, với những hiện thực không ai ngờ nổi mà mạc khải của Mary đã giải phóng ra. Và dưới tác động quắc cần câu của rượu, đã nổi một trận lôi đình khôn bề tả xiết mà ông trút lên, không phải Mary đã quay gót ra đi, cũng không phải đứa bé bị tráo ở bên ông, mà là mẹ tôi – hay, tôi nên gọi, là Amina Sinai.
Có lẽ vì biết mình phải xin bà tha thứ, nhưng sẽ không làm, Ahmed Sinai rủa xả vợ hàng giờ trước sự choáng váng của gia đình bà. Tôi sẽ không nhắc lại những cái tên ông đã gọi bà, hay những nẻo đường ti tiện ông khuyên bà nên chọn cho đời mình. Nhưng rốt cuộc Mẹ Bề trên là người đã ra tay can thiệp.
“Đã một lần, con gái ta,” bà lên tiếng, phớt lờ Ahmed vẫn đang lèm bèm: “cha con và ta, cái-gì-không-biết, nói rằng không có gì phải xấu hổ khi từ bỏ một kẻ không đáng mặt làm chồng. Giờ ta nói lại: con có, cái-gì-không-biết, một người chồng ti tiện không lời nào tả xiết. Bỏ hắn đi, ngay hôm nay, và đem lũ trẻ, cái-gì-không-biết, đi xa khỏi những lời chửi rủa mà hắn phun ra khỏi mép như thứ súc vật, cái-gì-không-biết, đầu cống miệng rãnh. Ta nói, đưa lũ trẻ đi, cái-gì-không-biết - cả hai đứa,” Bà nói, ghì chặt tôi vào ngực.
Một khi Mẹ Bề trên đã hợp pháp hóa tôi, chẳng có ai phản đối bà. Giờ đây nhìn lại, sau nhiều năm, tôi thấy dường như cả người cha lèm bèm chửi bới của tôi cũng bị tác động bởi sự hậu thuẫn bà dành cho đứa bé thò lò mười một tuổi.
Mẹ Bề trên an bài tất cả, mẹ tôi giống như mát tít - đất sét của chợ gốm - dưới bàn tay toàn năng của bà. Thời điểm đó, bà tôi (tôi phải tiếp tục gọi bà như thế) vẫn tin rằng bà và Aadam Aziz sẽ sớm sang Pakistan định cư. Vì vậy bà dặn dì Emerald đem tất cả chúng tôi theo – Amina, con Khỉ, tôi, kể cả mợ Pia - rồi đợi bà sang sau.
“Chị em thì phải đùm bọc nhau, cái-gì-không-biết,” Mẹ Bề trên bảo, “những khi hoạn nạn.”
Dì Emerald khó chịu ra mặt, nhưng cả dì và Đại tướng Zulfikar vẫn tuân lời. Và, do cha tôi đang trong một tình trạng điên dại khiến chúng tôi lo sợ cho an toàn của mình, và vì nhà Zulfikar đã đặt vé trên một chuyến tàu nhổ neo đêm đó, tôi rời ngôi nhà đã gắn bó suốt đời ngày hôm ấy, để Ahmed Sinai lại một mình với Alice Pereira. Bởi vì khi mẹ tôi rời bỏ người chồng thứ hai, tất cả người hầu cũng bỏ đi.
Ở Pakistan, giai đoạn phát triển vũ bão thứ hai của tôi kết thúc. Và, ở Pakistan: tôi phát hiện ra: không rõ vì sao sự tồn tại của đường biên giới đã “làm nhiễu” việc thu phát suy nghĩ của tôi với hơn-năm-trăm-đứa-trẻ. Do đó, không chỉ một lần nữa bị lưu đày khỏi nhà mình, tôi còn bị lưu đày khỏi tặng vật trời ban cho chỉ tôi và chính tôi khi chào đời: món quà của những đứa trẻ nửa đêm.
Chúng tôi buông neo ngoài Rann xứ Kutch[2] vào một chiều oi bức. Cái nóng vo ve bên tai điếc của tôi, nhưng tôi quyết định ở lại trên boong, ngắm từng chiếc ghe nhỏ, phảng phất báo điềm gở và dhow của dân chài làm dịch vụ chở hàng giữa tàu của chúng tôi và Rann, vận chuyển những đồ vật phủ bạt đen qua lại, qua lại. Dưới khoang tàu, người lớn chơi bài bingo, tôi chịu không rõ con Khỉ đang ở đâu. Đây là lần đầu tiên tôi đi tàu thật sự (mấy lần lên thăm tàu chiến Mỹ ở cảng Bombay chỉ là đi tham quan, không tính, chưa kể sự bối rối khi đi cùng hàng chục bà bầu bụng chửa vượt mặt, những người luôn tham gia những đoàn du khách này với hy vọng mình sẽ lâm bồn và sinh ra những đứa trẻ co tư cách mang quốc tịch Mỹ, do ra đời trên biển).
Tôi chăm chú nhìn Rann qua màn hơi nóng. Rann xứ Kutch… Tôi luôn nghĩ đó là một cái tên huyền bí, và nửa-sợ-nửa-mong được đến đây, khu vực tắc kè hoa nửa năm là đất còn nửa năm là biển này, nơi người ta đồn rằng đại dương khi rút đi sẽ bỏ lại đủ thứ phế tích kỳ dị, như rương châu báu, xác sứa trắng như ma, và đôi khi cả những hình thù quái dị-truyền kỳ còn ngáp ngoải của nhân ngư.
Lần đầu chiêm ngưỡng dải đất lưỡng thê này, vũng lầy của ác mộng này, đáng lẽ tôi phải cảm thấy hưng phấn. Nhưng oi bức và những sự kiện vừa qua vẫn làm tâm tình tôi trĩu nặng, môi trên của tôi hãy còn ướt nước mũi như con nít, nhưng tôi đã bị đè nặng bởi xúc cảm của việc bước từ một thời thơ ấu quá dài và thò lò mũi xanh sang tuổi trưởng thành quá sớm (tuy còn chảy mũi). Giọng tôi trầm xuống, tôi phải bắt đầu cạo râu, và mặt tôi lấm chấm nốt máu ở chỗ dao cạo đã gọt đi những đầu trứng cá…
Người quản lý đi qua bảo tôi, “Nên xuống dưới thì hơn, con trai. Giờ này đang nóng nhất đấy.”
Tôi hỏi về những chuyến ghe chở hàng.
“Tiếp tế ấy mà,” ông ta đáp rồi bỏ đi, để tôi lại ngẫm nghĩ về một tương lai chả có gì đáng mong đợi, ngoài sự hiếu khách miễn cưỡng của Đại tướng Zulfikar, kiểu tự mãn hợm hĩnh của dì Emerald, người không nghi ngờ gì sẽ thích thú phô trương sự thành đạt và địa vị trần tục của mình với bà chị gái đau khổ và bà chị dâu góa bụa, và thái độ vênh váo đầu teo chân tay to của Zafar con họ…
“Pakistan”, tôi nói to, “Đúng là cái xứ rác rưởi!”
Thế mà chúng tôi thậm chí còn chưa đến nơi… Tôi nhìn đoàn ghe, chúng như đang chèo xuyên qua màn sương váng vất. Boong tàu dường như cũng lắc lư dữ dội, mặc dù trời đang gần như lặng gió; và dù tôi cố bám vào lan can, sàn tàu vẫn quá nhanh so với tôi: nó lao đến và đập thẳng vào mũi tôi.
[2] Rann trong tiếng Hindi là hoang mạc. Rann of Kutch là vùng đồng lầy ngập mặn lớn, nằm vắt qua biên giới giữa tỉnh Kutch ở bang Gujarat thuộc Ấn Độ và tỉnh Sindh của Pakistan.
Tôi đã tới Pakistan như vậy đấy, với một cơn say nắng nhẹ để bổ sung cho hai bàn tay trắng, và kiến thức về sự ra đời của mình; mà tên của con tàu là gì nhỉ? Đôi tàu chị em nào dạo ấy vẫn chạy tuyến Bombay và Karachi trước khi chính trị chấm dứt hành trình của chúng? Tàu của chúng tôi là S.S.Sabarmati, chiếc chị em của nó, vừa qua mặt chúng tôi trước khi tàu cập cảng Karachi, là Sarasvati. Chúng tôi cưỡi động cơ hơi nước đi đày trên con tàu mang tên viên Trung tá, một lần nữa cho thấy ta không thể nào thoát khỏi sự trùng hiện.
Chúng tôi đến Rawalpindi trên một chuyến tàu nóng, bụi mù. (Viên Tướng và Emerald đi khoang Có Điều Hòa; họ mua cho chúng tôi vé hạng nhất bình thường.) Nhưng khi đến Pindi trời đã mát và tôi đặt chân, lần đầu trong đời, đến một thành phố miền Bắc… Tôi nhớ đấy là một đô thị hạng thấp, không có gì nổi bật: trại lính, hàng hoa quả, một ngành sản xuất đồ thể thao, những người nhà binh cao lớn ngoài phố, xe Jeep, thợ khắc gỗ, polo[3]. Một thành phố có thể trở nên rất, rất lạnh.
Và trong một khu quy hoạch đô thị mới và đắt đỏ, một tòa nhà đồ sộ có tường cao cắm dây thép gai bao quanh và lính gác đi tuần: nhà của Đại tướng Zulfikar. Cạnh chiếc giường đôi của đức ông Đại tướng có một bồn tắm, trong nhà có một khẩu lệnh: “Chấn chỉnh lại đi!”. Người hầu mặc quân phục và đội mũ nồi xanh. Buổi tối mùi bhang và chara[4] bốc lên từ nơi ở của họ. Đồ đạc trong nhà đắt tiền và đẹp một cách bất ngờ, thẩm mỹ của Emerald không chê vào đâu được.
Đây là một ngôi nhà ảm đạm, thiếu sinh khí, vì cái không khí nhà binh của nó; kể cả lũ cá vàng trong bể ốp tường ở phòng ăn dường như cũng nhả bong bóng một cách uể oải; có lẽ cư dân thú vị nhất của tòa nhà thậm chí không phải là người. Quý vị chắc sẽ cho phép tôi, trong giây lát, mô tả về con chó Bonzo của ngài Đại tướng. Xin lỗi: con chó cái già săn thỏ của ngài Đại tướng.
[3] Môn thể thao du nhập từ Anh, luật giống khúc côn cầu, nhưng người chơi cưỡi ngựa và thi đấu trên cỏ.
[4] Bhang là hỗn hợp lá và hoa của cây cannabis (còn gọi là marijuana) cái, dùng làm thuốc hút hoặc đồ uống. Charas là chiết xuất nhựa cây cannabis, dùng làm thuốc phiện.
Sinh vật già nua mong manh bị bướu cổ này đã sống một đời cực kỳ lười nhác và vô dụng, nhưng trong lúc tôi hồi phục sau cơn say nắng, nó đã là tác giả vụ náo nhiệt đầu tiên từ khi chúng tôi ở đây - một kiểu trailer[5] cho “cuộc cách mạng của lọ gia vị”.
Một hôm Đại tướng Zulfikar đưa nó tới thao trường, nơi ông ta sẽ quan sát một nhóm lính dò mìn thao diễn tại một bãi mìn được chuẩn bị đặc biệt. (Đại tướng khao khát cho rải mìn toàn bộ biên giới Ấn-Pak.
“Chấn chỉnh lại đi!” ông ta sẽ quát. “Hãy cho bọn Hindu ấy có cái mà lo sợ! Ta sẽ cho lũ xâm lược ấy nổ tan xác, chẳng còn quái gì mà đầu thai nữa.”
Tuy nhiên, ông ta không đặc biệt quan tâm tới biên giới Đông Pakistan, với quan điểm là “lũ mọi đen ấy tự biết lo thân.”)… Và lúc này Bonzo giằng tuột dây, và bằng cách nào đó thoát khỏi những bàn tay hớt hải vồ bắt của đám jawan trẻ, lạch bạch đi vào bãi mìn.
[5] Một đoạn phim ngắn, đóng vai trò giới thiệu, quảng bá cho một bộ phim sắp được công chiếu.
Kinh hoàng tột độ. Toán lính mìn dò dẫm như một đoạn phim quay chậm đầy khiếp đảm ra khỏi vùng phát nổ. Tướng Zulfikar và các sĩ quan hụp xuống nấp sau đài quan sát, chờ đợi vụ nổ… Nhưng chẳng có gì,, và khi những tinh hoa của Quân đội Pakistan từ trong thùng rác hay sau băng ghế ló ra, họ thấy Bonzo tao nhã bước đi giữa thửa ruộng gieo toàn hạt chết chóc, mũi gí sát đất, Bonzo-kẻ-vô-ưu, rất đỗi ung dung. Đại tướng Zulfikar ném chiếc mũ lưỡi trai lên trời.
“Quá tuyệt vời!” ông ta kêu lên bằng cái giọng mỏng quẹt len từ giữa mũi và cằm ra, “Lão phu nhân đây đánh hơi được mìn!” Bonzo được tuyển mộ ngay lập tức vào quân ngũ, giữ vai trò lính-dò-mìn-bốn-chân mang quân hàm thượng sĩ.
Tôi đề cập đến thành tích của Bonzo vì nó cho Đại tướng cây gậy để đả chúng tôi. Đám người nhà Sinai chúng tôi – và Pia Aziz – là những thành viên vô tích sự, năng suất lao động bằng không trong gia đình Zulfikar, và Đại tướng không muốn chúng tôi quên điều đó.
“Đến một con chó săn thỏ già cốc đế còn biết tự nuôi thân,” chúng tôi nghe được ông ta lẩm bẩm, “thế mà nhà này lại đầy những kẻ không biết tự chấn chỉnh bản thân cho ra hồn.” Nhưng trước khi tháng Mười kết thúc ông ta sẽ phải biết ơn (ít nhất là) về sự có mặt của tôi… và sự lột xác của con Khỉ cũng không còn xa nữa.
Bọn tôi đi học cùng ông em họ Zafar, cái thằng không còn háo hức cưới em gái tôi lắm nữa khi chúng tôi nay đã là con một gia đình đỗ vỡ; nhưng vụ mất mặt nhất của nó xảy ra vào một cuối tuần khi chúng tôi được đưa đến căn nhà nghỉ trên núi của Đại tướng ở Nathia Gali, trên Murree một quãng.
Tôi đang trong tình trạng rất hưng phấn (bệnh của tôi mới khỏi): núi non! Biết đâu sẽ có cả báo! Trời lạnh và rét buốt! – vì thế tôi chẳng nghĩ ngợi gì khi Đại tướng hỏi tôi có thể ngủ chung giường với Zafar không, và thậm chí không đoán ra khi họ trải một tấm cao su trên đệm… Tôi tỉnh giấc sau nửa đêm giữa một vũng tướng chất lỏng âm ấm, khai nồng và bắt đầu la cứu mạng. Ngài Đại tướng xuất hiện bên giường và bắt đầu đánh thằng con tơi bời hoa lá.
“Mày lớn bằng này rồi! Khốn kiếp! Vậy mà mày vẫn thế! Chấn chỉnh lại đi! Đồ vô dụng! Có ai cư xử khốn nạn như mày không? Chỉ lũ hèn nhát mới thế! Trời nguyền rủa tao nếu tao có thằng con hèn nhát…” Tật đái dầm của Zafar em họ tôi, tuy vậy, tiếp tục là nỗi hổ thẹn của gia đình; bất chấp đòn roi, chất lỏng ấy vẫn chảy dọc chân nó; và một hôm điều này xảy ra lúc nó đang thức.
Nhưng đấy là sau khi một số nước đi nhất định đã, nhờ sự phụ tá của tôi, được thực hiện bằng lọ gia vị, cho tôi thấy tuy ở đất nước này sóng ngoại cảm bị nhiễu, các chế độ liên kết hình như vẫn vận hành; một cách chủ động-nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, tôi đã góp phần thay đổi vận mệnh của Xứ Sở của những kẻ Thuần Khiết.
Con Khỉ Đồng và tôi, ngày ấy, là những nhân chứng bất lực trước cảnh mẹ tôi ngày một héo hon. Bà, người luôn cần mẫn trong cái nóng, đã bắt đầu héo tàn dưới cái lạnh phương Bắc. Bị tước đi hai người chồng, bà đồng thời bị tước đi (trong mắt bà) ý nghĩa cuộc sống; rồi còn có một mối quan hệ cần vun đắp lại, giữa mẹ và con trai.
Một đêm bà siết chặt tôi và nói: “Yêu thương, con ta, là một điều người mẹ học được; nó không ra đời cùng đứa trẻ, mà hun đúc theo thời gian. Và trong mười một năm, mẹ đã học yêu con như con trai của mẹ.” Nhưng đằng sau vẻ dịu dàng của bà là một sự xa cách, như thể bà đang thuyết phục chính mình… cũng sự xa cách này, trong tiếng thì thào nửa đêm của con Khỉ.
“Ê, anh trai, hay mình đổ nước lên thằng Zafar – mọi người sẽ nghĩ là nó đái dầm?” – và chính cảm giác về khoảng cách này đã cho tôi thấy rằng, dù gọi tôi bằng con trai và anh trai, óc tưởng tượng của họ phải nỗ lực để tiêu hóa lời thú tội của Mary. Khi đó chưa biết rằng họ sẽ không thể thành công trong việc tái định hình anh trai và con trai, tôi vẫn khiếp sợ Shiva. Và do đó bị nhấn càng sâu hơn vào trái tim ảo tưởng của nỗi khát khao chứng tỏ tôi xứng đáng với tình ruột thịt của họ. Bất chấp sự công nhận của Mẹ Bề trên, tôi chưa từng thấy yên lòng cho đến khi, trên một hiên nhà sau-đó-hơn-ba-năm, cha tôi bảo, “Lại đây, con trai; lại đây để ta yêu con.” Có lẽ vì vậy nên tôi đã xử sự như thế vào cái đêm 7 tháng Mười năm 1958.
Một thằng bé mười một tuổi, Padma, biết rất ít về tình hình nội trị Pakistan; nhưng nó có thể thấy, vào cái hôm tháng Mười ấy, rằng một bữa tiệc tối bất thường đang được chuẩn bị. Saleem lên mười một không biết gì về Hiến pháp 1956 và việc nó ngày một bị xói mòn. Nhưng cặp mắt cậu đủ sắc sảo để phát hiện những sĩ quan an ninh Quân đội, và quân cảnh, xuất hiện vào buổi chiều và bí mật nấp sau những bụi cây trong vườn. Đấu tranh phe phái và sự kém cỏi về nhiều mặt của Ngài Ghu-lam Mohammed[6] là điều bí ẩn với cậu bé, nhưng cậu thấy rõ dì Emerald đã đeo lên những món nữ trang đẹp nhất của mình.
Vở hài kịch bốn-thủ-tướng-trong-hai-năm chưa từng làm cậu khúc khích, song cậu có thể cảm thấy, trong bầu không khí kịch tính bao trùm tòa nhà của Đại tướng, có gì như một hồi kết sắp hạ màn. Chả biết gì về sự nổi lên của đảng Cộng hòa, nhưng cậu vẫn tò mò về danh sách khách mời dự tiệc của Zulfikar. Mặc dù cậu đang ở một đất nước nơi những cái tên không gợi lên điều gì – ai là Chaudhuri Muhammad Ali? Hay Suhrawadry? Hay Chundrigar, hay Noon?[7] - sự nặc danh của khách mời, điều được chú dì cậu bảo vệ kỹ lưỡng, là một điều khó hiểu.
Mặc dù cậu đã một lần cắt từng ngón cái tít Pakistan từ báo ra - TỦ BAY GIẾT CHẾT PHÓ PHÁT NGÔN VIÊN ĐÔNG PAKISTAN - cậu chịu không biết vì sao, vào sáu giờ tối, một đoàn xe limousine màu đen chạy qua những bức tường có lính gác của Điền trang Zulfikar; vì sao cờ phấp phới trên nóc capô xe; vì sao người ngồi trên xe không một ai cười; hay vì sao Emerald và Pia và mẹ tôi đằng sau Đại tướng Zulfikar với vẻ mặt có lẽ thích hợp với đám ma hơn là một buổi giao tế xã hội.
Ai cái gì đang chết? Ai vì sao đến trong những chiếc limousine? – Tôi chịu không có khái niệm gì; nhưng tôi đứng sẵn sàng sau lưng mẹ tôi và chăm chú nhìn những ô kính mờ trên từng chiếc xe bí hiểm.
[6] Có lẽ là Malik Ghulam Muhammad, Toàn quyền (Đại diện cho Nữ hoàng Anh) Pakistan từ năm 1951 đến 1956.
[7] Thủ tướng thứ tư, thứ năm, thứ sáu và thứ bảy của Pakistan trong giai đoạn 1955-1958.
Cửa xe mở ra; các nội hầu, sĩ quan phụ tá nhảy xuống xe và mở cửa sau, đứng nghiêm chào; một bắp cơ nhỏ bắt đầu giật trên má dì Emerald. Thế rồi, những ai từ những cỗ xe phấp phới cờ bước xuống? Những cái tên nào sẽ được gán cho một dãy hoành tráng những bộ ria, những gậy chỉ huy, những cặp mắt sắc lẹm, những huân chương và những sao vừa xuất hiện? Saleem chẳng biết tên cũng như số thứ tự; tuy nhiên, quân hàm là cái có thể nhận ra. Mề đay và sao, được đeo một cách kiêu hãnh trên ngực và vai, báo hiệu sự xuất hiện của các sếp lớn thứ thiệt.
Và từ xe sau cùng bước ra một người đàn ông cao lớn có cái đầu tròn đáng kinh ngạc, tròn như quả địa cầu nhôm dù không kẻ các đường kinh và vĩ tuyến; có cái đầu tinh cầu, nhưng ông ta không được ghi địa danh như quả cầu con Khỉ từng giẫm bẹp; cũng không được SẢN XUẤT TẠI ANH (dù chắc chắn là được đào tạo tại Sandhurst[8], ông ta đi giữa những mề-đay-và-sao đang giơ tay chào; đến bên dì Emerald; và làm động tác chào tất cả.
[8] Học viện Quân sự Hoàng gia Anh.
“Ngài Tổng tư lệnh,” dì tôi nói, “hoan nghênh ngài đến tệ xá.”
“Emerald, Emerald,” cái miệng trên quả đầu hình trái đất lên tiếng – cái miệng nằm ngay dưới một hàng ria chỉn chu, “Sao phải khách sáo thế, takalluf thế?”
Nghe vậy dì bèn chào đón ông ta với, “Nếu vậy, Ayub, hôm nay trông ngài thật tuyệt.”
Ông ta khi ấy là Đại tướng, tuy chức Thống chế không còn xa nữa… chúng tôi theo sau ông ta vào nhà. Chúng tôi nhìn ông ta uống (nước) và cười (to). Tại bàn ăn, chúng tôi lại quan sát ông ta, xem ông ta nốc như lực điền, khiến bộ ria nhoe nhoét rau quả dầm…
“Nghe này, Em[9],” ông ta bảo, “Lần nào ta đến cũng thịnh soạn thế này! Nhưng ta chỉ là một anh lính bình thường; dal và cơm từ bếp nhà này đã là đại tiệc với ta rồi.”
[9] Cách gọi ngắn và thân mật tên Emerald.
“Một người lính, thưa ngài,” dì tôi đáp, “nhưng bình thường thì không! Không bao giờ!”
Quần dài cho tôi tư cách có mặt tại bàn ăn, cạnh ông em họ Zafar, vây quanh là mề-đay-và-sao; tuy nhiên, tuổi tác còn non nớt đặt chúng tôi vào thế buộc phải im lặng. (Đại tướng Zulfikar cho tôi một cú suỵt kiểu nhà binh, “Chỉ hó hé một tiếng là ta sẽ tống mày xuống nhà của lính gác. Muốn ngồi lại thì phải ngồi im. Rõ chưa?” Ngồi im như thóc, Zafar và tôi được nghe nhìn thoải mái. Nhưng Zafar, không giống tôi, sẽ không nỗ lực chứng tỏ mình đáng mặt con nhà…)
Bọn trẻ mười một tuổi nghe thấy gì trong bữa tối? Chúng hiểu gì từ những lời đề cập hớ hênh của giới nhà binh về “cha Suhrawardy đấy, luôn phản đối Ý Tưởng Pakistan” – hay về Noon, “lẽ ra thằng cha phải tên là Xế Chiều[10], hả?” Và thông qua những trao đổi về dàn xếp bầu cử và tiền bẩn, mối hiểm nguy tiềm ẩn nào đã ngấm vào da bọn trẻ, khiến lông tơ trên tay chúng dựng đứng lên? Và khi vị Tổng tư lệnh trích dẫn kinh Quran, bao nhiêu phần ý nghĩa lọt vào những đôi tai mười một tuổi?
[10] Noon trong tiếng Anh có nghĩa là buổi trưa.
“Kinh viết rằng,” người đàn ông đầu tròn hói, và đám mề-đay-và-sao im lặng. “Aad và Thamoud đều bị ta hủy diệt. Quỷ dữ đã khiến chúng nghĩ những hành vi lầm lạc của mình là đúng đắn, dẫu chúng là những kẻ tinh minh.”[11]
[11] Aad và Thamoud là hai bộ lạc Ả Rập thời cổ đại. Theo kinh Quran, Đức Allah đã giáng thiên tai hủy diệt hai bộ lạc này vì tội bất kính và mạo phạm.
Như thể một ám hiệu vừa được phát ra, một cái vẫy tay của dì tôi cho toàn bộ người hầu lui ra. Chính dì cũng đứng dậy rút lui, mẹ tôi và Pia nối gót. Zafar và tôi cũng đứng dậy. Nhưng ông ta, chính ông ta, nói vọng qua chiều dài của chiếc bàn lộng lẫy: “Hai người đàn ông nhỏ tuổi nên ở lại. Nói cho cùng, đấy là tương lai của chúng.”
Hai người đàn ông nhỏ tuổi, sợ hãi nhưng cũng tự hào, ngồi lại và im lặng, răm rắp tuân lệnh.
Chỉ còn lại đàn ông. Nét mặt của đầu tròn biến đổi, có gì đó đen tối hơn, có gì đó loang lổ và quyết liệt đã chiếm lĩnh nó…
“Mười hai tháng trước,” ông ta nói, “ta nói chuyện với tất cả quý vị. Cho đám chính khách một năm - chẳng phải ta đã nói vậy ư?”
Những cái gật đầu, những tiếng rì rầm tán thành.
“Quý vị, ta đã cho họ một năm; tình hình đã đi đến chỗ không thể chịu đựng được; và ta không định chịu đựng thêm nữa!” Nhưng mề-đay-và-sao lấy bộ mặt nghiêm nghị, đầy vẻ kinh bang tế thế. Từng hàm răng nghiến lại, từng đôi mắt đau đáu nhìn vào tương lai.
“Vì thế, tối nay,” - phải, tôi đã ở đó! Cách ông ta có vài mét - Đại tướng Ayub và tôi, tôi và Ayub Khan lão luyện! – “tôi sẽ giành quyền kiểm soát Đất nước.”
Những đứa trẻ mười một phản ứng thế nào trước một lời tuyên bố đảo chính? Nghe những lời, “… tình hình tài chính đất nước đang hỗn loạn khủng khiếp, tham nhũng và ô trọc ở khắp mọi nơi…”, hàm răng chúng có nghiến chặt? Ánh mắt chúng có chăm chú vào một ngày mai tươi sáng hơn? Những đứa trẻ mười một ngồi im nghe khi Đại tướng thốt lên, “Hiến pháp theo đây bị bãi bỏ! Các cơ quan lập pháp Trung ương và Địa phương bị giải tán! Các chính đảng ngay lập tức bị thủ tiêu!” – quý vị nghĩ chúng có cảm giác gì?
Khi Đại tướng Ayub Khan nói: “Lệnh Giới nghiêm bắt đầu có hiệu lực,” cả em họ tôi Zafar và tôi chợt hiểu rằng giọng ông ta – cái giọng chứa đầy quyền lực và sự quyết đoán và hương vị đậm đà của những món tủ của dì tôi – đang nói ra điều mà chúng tôi chỉ biết một từ để diễn tả: phản bội. Tôi tự hào nói là mình giữ được cái đầu lạnh; song Zafar không kiềm chế nổi một bộ phận khác khó xử hơn. Chất lỏng trào ra mặt trước quần nó, chất lỏng màu vàng của nỗi sợ hãi theo chân nó rỉ xuống làm ố tấm thảm Ba Tư, đám mề-đay-và-sao ngửi thấy gì đó, ngoảnh lại nhìn nó với ánh mắt miệt thị không giấu giếm, rồi (điều tệ hại nhất) phá lên cười.
Đại tướng Zulfikar chỉ vừa nói: “Nếu ngài cho phép, thưa ngài, tôi sẽ phác họa lộ trình hành động đêm nay,” thì ông con tè ra quần.
Trong cơn thịnh nộ lạnh lùng chú tôi lẳng thằng con ra ngoài: “Ma cô! Đàn bà!” bám theo Zafar ra khỏi phòng ăn, trong giọng nói mỏng sắc của bố nó.
“Đồ hèn! Lại cái! Hindu!” vọt ra từ khuôn mặt Punchinello và đuổi theo thằng bé lên cầu thang… Ánh mắt Zulfikar dừng lại ở tôi. Từ chúng toát ra một vẻ cầu khẩn. Hãy cứu lấy danh dự của gia đình ta. Lấy lại thể diện cho ta sau việc thằng ranh kia không nín nổi.
“Này, nhóc!” Chú tôi nói, “Cháu muốn lên đây giúp ta không?”
Tất nhiên, tôi gật đầu. Chứng tỏ sự nam tính, sự đáng mặt làm con của mình, tôi trợ giúp chú tôi trong khi ông thực hiện cuộc cách mạng. Và bằng cách đó, bằng cách giành được lòng biết ơn của ông, bằng cách làm lặng đi tiếng cười khùng khục của hội mề-đay-và-sao, tôi đã tạo cho mình một người cha mới. Đại tướng Zulfikar trở thành cái tên mới nhất trong hàng ngũ những người sẵn lòng gọi tôi là “anh cu”, hay “cậu cả”, hay chỉ đơn giản là “con trai ta”.
Chúng tôi tiến hành cách mạng ra sao: Đại tướng Zulfikar mô tả kế sách hành binh; tôi di chuyển các lọ gia vị để minh họa khi ông nói. Dưới sự kiểm soát của chế độ liên kết chủ động-nghĩa bóng, tôi di chuyển những lọ muối và bát chutney: Bình mù tạc này là Đại đội A trấn giữ Bưu Điện Trung Tâm; hai lọ gia vị bao vây một cái muỗng nhỏ, tức là Đại đội O đã chiếm sân bay. Nắm vận mệnh đất nước trong tay, tôi dịch chuyển mắm muối và dao dĩa; bắt giữ những đĩa biriani[12] hết bằng mấy cốc nước; giao những lọ muối đồn trú, vả sẵn sàng tác chiến, quanh mấy bình nước.
Và khi Đại tướng Zulfikar dứt lời, cuộc hành quân của bộ đồ ăn cũng đến hồi kết thúc. Ayub Khan dường như đã an ổn trên ghế; có phải cái nháy mắt của ông ta với tôi là do tôi tưởng tượng ra? – dù gì đi nữa, vị Tổng Tư lệnh nói, “Tốt lắm, Zulfikar, màn trình diễn được đấy.”
[12] Một kiểu cơm rang trộn nhiều gia vị của Ấn Độ.
Suốt những nước đi do lọ gia vị và vân vân thực hiện, có một vật trang trí trên bàn không được bắt giữ: một bình kem bằng bạc nguyên chất, mà, trong vụ đảo chính trên bàn của chúng tôi, tượng trưng cho Nguyên thủ quốc gia, Tổng thống Iskander Mirza; trong ba tuần, Mirza vẫn là Tổng thống.
Một đứa trẻ mười một tuổi chẳng thể phán xét một Tổng thống có thực sự thối nát hay không, kể cả khi mề-đay-và-sao bảo thế; mười một không phải tuổi để đánh giá liệu mối liên hệ của Mirza với đảng Cộng hòa nhược tiểu có đáng khiến ông ta mất chức dưới chế độ mới không. Saleem Sinai không đưa ra phán xét chính trị. Nhưng khi, chỉ có thể vào nửa đêm, ngày 1 tháng Mười một, chú tôi lay tôi dậy và thì thào: “Đi nào, con trai, đã tới lúc con nếm mùi thực tế rồi!”. Tôi mau lẹ nhảy khỏi giường, tôi mặc đồ và ra đi trong đêm tối, tự hào ý thức rằng chú tôi ưng được tôi tháp tùng hơn chính con trai ông.
Nửa đêm. Rawalpindi chạy ngược chiều chúng tôi ở tốc độ bảy mươi dặm một giờ. Phía trước hai bên phía sau chúng tôi đều có mô tô.
“Mình đang đi đâu hở chú Zulfy?” Cứ chờ xem.
Chiếc limousine đen cửa kính mờ dừng lại trước một ngôi nhà tối tăm. Quân cảnh gác cổng bồng súng đan chéo; chúng mở ra, nhường đường cho chúng tôi. Tôi đi, đều bước, bên cạnh chú tôi, qua những hành lang tranh tối tranh sáng; đến khi xông vào một căn phòng tối, nơi một quầng sáng từ vầng trăng soi tỏ chiếc giường bốn cột. Một chiếc màn rủ xuống giường như vải liệm.
Một người đàn ông tỉnh giấc, hốt hoảng, cái quái gì thế này… Nhưng Đại tướng Zulfikar rút ra một khẩu colt nòng dài; nòng súng bị tống vào ư ư giữa hàm răng bị tách ra của người nọ.
“Câm mồm,” chú tôi nói, một cách thừa thãi.
Người đàn ông trần truồng to béo lẩy bẩy bước xuống giường. Đôi mắt, dò hỏi: Ngươi sẽ bắn ta chứ? Mồ hôi lăn xuống cái bụng phệ, phản chiếu ánh trăng, rồi rỏ xuống soo-soo của ông ta; nhưng nó lạnh toát; ông ta không toát mồ hôi vì nực. Ông ta trông như một Ông Phật Cười trắng bệch; nhưng không cười. Mà run. Khẩu súng được rút khỏi miệng ông ta.
“Đằng sau quay. Đi đều bước!”… Và nòng súng lại gí vào giữa hai gò cặp mông béo múp.
Người đàn ông rú lên, “Vì Chúa, hãy cẩn thận, cái đó đã mở chốt an toàn rồi!”
Đám jawan cười rúc rích khi da thịt lõa lồ bước ra dưới ánh trăng, bị đẩy vào chiếc limousine đen. Đêm đó tôi ngồi cạnh một người đàn ông trần truồng trong khi chú tôi đưa ông ta đến một sân bay quân sự; tôi đứng nhìn chiếc máy bay đợi ông ta lướt trên đường băng, tăng tốc, bay đi. Điều bắt đầu, một cách chủ động-nghĩa bóng, với lọ gia vị, giờ đã kết thúc; tôi không chỉ lật đổ một chính quyền – mà còn đẩy một vị tổng thống vào cảnh lưu đày.
Nửa đêm có nhiều con, nhưng không phải mọi hậu duệ của Độc lập đều là con người. Bạo lực, tham nhũng, nghèo đói, tướng lĩnh, hỗn loạn, lòng tham và lọ gia vị… tôi phải dấn bước lưu đày mới hiểu rằng những đứa con của nửa đêm đa dạng hơn là tôi - kể cả tôi từng mơ tới.
“Đúng thế thật à?” Padma hỏi.
“Ông ở đấy thật à?”
''Đúng thế thật mà."
“Người ta bảo Ayub là người tốt trước khi tha hóa,” Padma nói, đây là một câu hỏi.
Nhưng Saleem, mới mười một, không phán xét mấy chuyện này. Cuộc hành binh của lọ gia vị không đòi hỏi ở tôi những lựa chọn đạo đức. Điều Saleem quan tâm: không phải biến động xã hội, mà là sự tái hòa nhập của cá nhân. Quý vị thấy nghịch lý không – cú đột kích trí mạng nhất của tôi vào lịch sử đến thời điểm này lại khởi phát từ một động cơ thuộc loại hẹp hòi nhất.
Dù sao, đó cũng không phải đất nước tôi – hay hồi đó thì chưa. Không phải đất nước tôi, mặc dù tôi sống ở đây – như kẻ tị nạn, không phải công dân; nhập cảnh bằng hộ chiếu Ấn Độ của mẹ tôi, đáng lẽ tôi đã gặp phải không ít hoài nghi, thậm chí bị trục xuất hoặc bắt giữ vì làm gián điệp, nếu không nhờ tôi còn thơ ấu và nhờ thế lực của người giám hộ có gương mặt như Punch[13] của tôi - suốt bốn năm ròng rã.
[13] Punch vừa là cách viết tắt của Punchinello, vừa có nghĩa là cú đấm. Gương mặt như Punch bởi vậy còn hàm ý là mặt như bị đấm (khiến cái mũi cụp hẳn vào sát miệng).
Bốn năm vô nghĩa.
Trừ việc trở thành một thiếu niên. Trừ việc chứng kiến mẹ tôi tan rã. Trừ việc quan sát con Khỉ, kém tôi một tuổi có tính quyết định, ăn phải thứ bùa mê âm độc của cái xứ sở bị Chúa thống trị ấy; con Khỉ, một thời từng hoang dại và bất trị, nay có những biểu hiện của sự nhu thuận và phục tùng mà, ban đầu, chắc hẳn chính nó cũng cảm thấy giả dối; con Khỉ, học nấu ăn và tề gia nội trợ, cách mua gia vị ngoài chợ; con Khỉ, đoạn tuyệt hoàn toàn với di sản của ông ngoại nó, bằng cách học kinh tiếng Ả Rập và cầu nguyện vào mọi lúc theo quy định; con Khỉ, phơi bày chất cuồng tín thanh giáo mà ngày trước nó đã hé lộ khi xin bộ đồ nữ tu; nó, người hắt hủi mọi lời giải bày tình yêu trần tục, bị quyến rũ bởi tình yêu của một Đức Chúa mang tên bức phù điêu trong một đền thờ dị giáo được xây dựng quanh một khối thiên thạch khổng lồ: Al-Lah, trong Qa’aba, đền thờ Tảng Đá Đen vĩ đại[14].
[14] Tại đất thánh Mecca, trong Thánh đường Masjid al-Haram có một đền thờ hình khối lập phương (Qa’aba). Theo kinh sách, khối đá đen được chính Muhammad ốp vào góc tường phía Đông của đền thờ này. Saleem tin theo thuyết cho rằng trước khi đạo Hồi ra đời, khối đá này từng là linh vật của các tín đồ dị giáo (tức là đa thần giáo). Bản thân tên Chúa Trời trong đạo Hồi (Allah) cũng là tên được người Mecca thời đó gọi vị thần Sáng Tạo trong tôn giáo của họ.
Nhưng chỉ thế mà thôi.
Bốn năm xa cách lũ trẻ nửa đêm; bốn năm không có đường Warden và Breach Candy và Scandal Point và sự cám dỗ của Sô Cô La Dài Cả Mét; xa trường Cathedral và bức tượng Sivaji kỵ mã và những người bán dưa hấu gần Cổng vòm Ấn Độ; xa Divali và Ganesh Chaturthi và Ngày Dừa; bốn năm cách biệt người cha ở một mình trong căn nhà ông không chịu bán; một mình, chỉ có Giáo sư Schaapsteker, ở căn hộ trên gác và từ chối tiếp xúc với con người, làm bầu bạn.
Chả lẽ suốt bốn năm không có chuyện gì xảy ra? Tất nhiên, không hẳn thế. Em họ tôi, Zafar, người không bao giờ được cha tha thứ vì đái dầm khi có sự hiện diện của lịch sử, buộc phải chấp nhận rằng nó sẽ nhập ngũ ngay khi đến tuổi.
“Ta muốn thấy mày chứng tỏ mày không phải là đàn bà,” ông bố bảo nó.
Và Bonzo chết; Đại tướng Zulfikar nhỏ dòng lệ nam nhi.
Và lời thú nhận của Mary phai mờ dần cho đến khi, bởi không ai nhắc đến, nó thành ra như một cơn ác mộng; đối với tất cả trừ tôi.
Và (không hề có sự trợ giúp nào từ tôi) quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan ngày một xấu đi, hoàn toàn không được tôi hỗ trợ, Ấn Độ chiếm đóng Goa – “cái nhọt Bồ Đào Nha trên mặt Mẹ Ấn Độ”. Tôi ngồi ngoài và không đóng vai trò nào trong việc Pakistan giành được viện trợ quy mô lớn từ Mỹ, tôi cũng không có lỗi trong những vụ giao tranh lẻ tẻ trên biên giới Trung - Ấn ở vùng Aksai Chin thuộc Ladakh[15].
Cuộc điều tra dân số Ấn Độ năm 1961 cho thấy tỷ lệ biết chữ là 23,7%, nhưng tôi không có tên trong báo cáo thống kê. Vấn đề tiện dân tiếp tục nhức nhối; tôi không làm gì để giảm bớt nó. Và trong cuộc bầu cử năm 1962, đảng Quốc đại Toàn Ấn Độ giành 361 trên 494 ghế trong Lok Sabha, và hơn 61% số ghế tại Hội đồng Lập pháp. Cả trong việc này cũng không thể nói bàn tay vô hình của tôi đã cử động; trừ, có lẽ, theo nghĩa bóng: status quo[16] vẫn được duy trì ở Ấn Độ; trong đời tôi, cũng không có gì thay đổi.
[15] Bang nằm ở tận cùng phía Bắc Ấn Độ.
[16] Tiếng Latin, có nghĩa là nguyên trạng.
Thế rồi, vào 1 tháng Chín năm 1962, chúng tôi kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười bốn của con Khỉ Đồng. Lúc này (và mặc dầu ông chú tiếp tục ưu ái tôi) chúng tôi đã được ấn định là thành phần xã hội thấp kém, những bà con nghèo bất hạnh của nhà Zulfikar danh giá; bởi vậy bữa tiệc khá tằn tiện. Con Khỉ, tuy vậy, vẫn thể hiện mọi diện mạo tươi vui.
“Đó là bổn phận của em, anh ạ,” Nó bảo.
Tôi cơ hồ không tin nổi tai mình. Nhưng có lẽ em tôi có linh cảm về số phận của nó; có lẽ nó biết về sự biến hóa đang chờ đợi mình; sao tôi có thể nghĩ rằng chỉ mình có quyền năng tiên tri?
Có lẽ, lúc ấy, nó đoán biết rằng khi đội nhạc công được thuê bắt đầu trình diễn (có shehnai và vina; rồi sẽ tới lượt sarangi và sarod; tabla và sitar[17] diễn tấu màn vấn đáp điêu luyện của mình), Emerald Zulfikar sẽ bất ngờ tập kích nó với vẻ tao nhã tàn nhẫn, yêu cầu.
“Coi nào, Jamila, đừng ngồi như quả dưa thế chứ, hát cho chúng ta nghe như một nàng khuê nữ đích thực xem nào!”
[17] Những nhạc cụ cổ truyền của Ấn Độ.
Và rằng với câu nói này bà dì băng lãnh như ngọc[18] của tôi sẽ bắt đầu, một cách vô tình, quá trình em tôi hóa thân từ khỉ thành ca sĩ. Bởi vì mặc dù nó phản đối với nết vụng về phụng phịu của tuổi mười bốn, nó vẫn bị bà dì áp đặt của tôi không nể nang gì lôi xềnh xệch lên bục dành cho ban nhạc; và mặc dù trông nó như đang ước ao sàn nhà bỗng nhiên nứt ra dưới chân mình, nó vẫn chắp tay lại; thấy rằng không còn lối thoát, con Khỉ bắt đầu hát.
[18] Nguyên văn: emerald-icy. Rushdie chơi chữ, vì Emerald có nghĩa là ngọc lục bảo.
Tôi là người không giỏi miêu tả cảm xúc, tôi nghĩ vậy - bởi tin rằng khán giả của tôi có khả năng tham gia vào câu chuyện; tự mình hình dung ra những gì tôi không thể tái hình dung, để câu chuyện của tôi cũng là của quý vị… nhưng khi em tôi cất lên tiếng hát, tôi bị dồn dập dưới một cảm xúc mãnh liệt đến nỗi tôi không thể hiểu nổi cho tới khi, mãi về sau, tôi được người gái điếm già nhất thế gian điểm hóa cho. Bởi vì, ngay từ nốt nhạc đầu tiên, Con Khỉ Đồng đã trút bỏ cái biệt danh của nó; nó, người từng trò chuyện với chim (giống như, lâu rồi, giữa một thung lũng miền sơn cước, cụ ngoại nó từng làm), hẳn đã học được nghệ thuật ca hát từ những loài chim biết hót.
Bằng một tai lành và một tai điếc, tôi lắng nghe giọng hát không tỳ vết cuả nó, mà ở tuổi mười bốn đã là giọng của một người đàn bà thành thục, ngập tràn sự thuần khiết của đôi cánh thiên thần và nỗi đau của phận lưu đày và vẻ cao bay của đại bàng và sự vô tình của nhân sinh và giai điệu của họa mi và sự hiện hữu muôn nơi đầy vinh quang của Chúa; giọng hát sau này được ví với Bilal, người muezzin[19] của Mahammad, phát ra từ đôi môi một thiếu nữ có phần hơi gầy guộc.
[19] Muezzin là người được chọn đứng trên tháp của thánh đường để cất tiếng gọi mọi tín đồ cầu nguyện. Bilal al-Habashi được xem là muezzin đầu tiên, do chính Muhammad đích thân lựa chọn. Bilal nổi tiếng là có chất giọng rất đẹp.
Điều tôi không hiểu sẽ phải chờ tới lượt để được kể; giờ tôi xin ghi lại rằng em tôi đã làm nên tên tuổi ở bữa tiệc sinh nhật thứ mười bốn của mình, và từ đó được gọi là Jamila Ca sĩ; và tôi, khi nghe “Tấm Dupatta Muslin Đỏ Của Em” và “Shahbaz Qalandar”[20], hiểu ra rằng quá trình bắt đầu từ cuộc lưu đày thứ nhất của tôi sắp sửa hoàn thành trong lần đày ải thứ hai; rằng, từ giờ trở đi, Jamila mới là đứa trẻ quan trọng, và rằng tôi phải mãi mãi đứng thứ hai sau tài năng của nó.
[20] Shahbaz Qalandar là một ẩn giả tu tập theo phái thần bí sống vào thế kỷ 13, có ảnh hưởng lớn về tôn giáo cả với đạo Hồi lẫn Hindu. Ông thường mặc trang phục đỏ (lưu ý: hai bài hát đều liên hệ đến màu đỏ)
Jamila hát – tôi, khiêm nhường, cúi đầu. Nhưng trước khi em có thể bước trọn vẹn vào vương quốc của mình, một điều nữa sẽ phải xảy ra: tôi phải bị kết liễu một cách triệt để.