Những Tấm Lòng Cao Cả

Chương 32

Một buổi sáng về tháng Ba, giữa cơn mưa gió, một cậu bé nhà quê, quần áo ướt át và đầy bùn, tay xách gói đồ, đến bệnh viện thành Napơli và đưa cho người gác cổng phong thư.

Cha cậu làm thợ ở Pháp về, khi tàu tới bến bỗng thụ bệnh phải vào nhà thương, chỉ kịp viết mấy chữ về nhà. Được tin, mẹ cậu buồn rầu khôn xiết! Trong nhà, mẹ già thì tàn tật, con trẻ thì thơ ngây, bà không sao đi được, đành sai cậu là con cả đi thăm và cho vài xu để uống nước. Cậu phải đi bộ 10 cây số.

Nhìn qua lá thư, người gác cổng nhờ một viên y tá đưa cậu đến phòng cha cậu.

Viên y tá hỏi:

_ Cha em là ai?

Cậu nói tên cha.

Viên y tá không nhớ tên ấy và hỏi:

_ Có phải ông thợ già ở ngoại quốc mới về không?

Cậu đáp:

_ "Thợ" thì phải, nhưng không "già". Cha tôi mới ở Pháp về.

_ Cha em vào đây được bao lâu?

Cậu bé xem lại thư đáp:

_ Độ năm hôm nay.

Viên y tá nghĩ một lát rồi sực nhớ ra:

_ À phải rồi! Tôi nhớ ra rồi ở buồng thứ tư, giường trong cùng...

Cậu theo lên tầng gác thứ nhì, qua hành lang vào phòng ngủ thấy hai dãy giường dài. Đến cuối phòng, viên y tá đứng lại vén màn trỏ vào giường bảo:

_ Cha em đây.

Cậu vứt gói quần áo, tru lên khóc. Cậu gục đầu vào vai bệnh nhân và nắm chặt lấy cánh tay, song bệnh nhân không nhúc nhích.

Cậu đứng dậy nhìn cha rồi lại khóc. Bệnh nhân hé mắt nhìn cậu hình như hơi nhân ra - nhưng không nói được. Cha cậu chóng già quá. Cậu khó thể nhận ra. Tóc bạc, râu xồm xoàm. Mặt sưng húp, da căng bóng, mắt bé, môi to, thân hình coi rất thiễu não! Cậu chỉ nhận được cái trán cao và đôi lông mày đen đen của cha thôi. Bệnh nhân thở ì ạch. Cậu gọi:

_ Cha ơi! Con đây! Con là Phransexcô đây! Cha không nhận ra con sao? Con ở quê ra, mẹ sai lên thăm, cha không nói gì à?

Bệnh nhân nhìn kỹ cậu, rồi mắt lại nhắm nghiền.

Đến giờ bác sĩ đi khám, cậu hỏi:

_ Thưa bác sĩ, cha con mắc bệnh gì?

Bác sĩ vỗ vai cậu, đáp:

_ Con cứ yên tâm, cha con bị chứng đan độc. Bệnh tuy nặng song ta không thất vọng. Con cố trông nom cho cha con. Nhìn thấy con ở đây, cha con sẽ đỡ được đôi phần.

Cậu thất vọng nói:

_ Nhưng cha con không biết gì.

_ Rồi cha con sẽ biết. Con hãy vững lòng.

Thế rồi, cậu bắt đầu làm người khán hộ cho cha. Cậu luôn tay làm những việc lặt vặt, lúc kéo chăn, khi đuổi ruồi, lúc sờ trán, khi cầm tay cha. Mỗi khi bà phước đưa thuốc đến thì cậu đỡ lấy và cho bệnh nhân uống.

Đêm đến, cậu ngủ trên hai cái ghế ghép liền nhau ; ban ngày cậu lại làm việc bổn phận.

Bốn ngày qua. Bệnh cha cậu khi thăng khi giảm, không nhất định.

Sáng ngày thứ năm, bệnh tình bỗng sinh nguy kịch. Lúc ấy, độ 4 giờ chiều, cậu đang lo lắng âu sầu, chợt nghe bên ngoài có tiếng giày đi và tiếng người đàn ông nói:

_ Kính chào bà, chúng tôi xin về.

Nghe tiếng người ấy, cậu rùng mình từ đầu đến chân và đứng thẳng dậy như bị máy giật.

Người ấy đi trước bà phước, qua buồng cậu, tay xách túi đồ. Khi trông thấy người ấy, bỗng cậu bé rú lên một tiếng và đứng ngay như tượng.

Người ấy quay lại nhìn cậu rồi cũng kêu to: - Kìa! Phransexcô!

Cậu bé chạy lại ôm choàng lấy cha. Mọi người thấy thế đều lấy làm lạ.

Cậu xúc động quá không nói nên lời. Sau khi nhìn bệnh nhân, cha cậu hôn cậu và hỏi:

_ Không hiểu sao người ta lại dẫn con đến giường người khác! Mà cha thì đỏ mắt mong con vì mẹ con viết thư nói đã sai con ra đây. Thương hại cho con quá! Con ở đây được mấy hôm rồi? Sao lại nhầm được đến như thế nhỉ? Thôi, nhờ giời cha đã lành mạnh, nay cha xin ra. Vậy con sắp sửa để cùng về...

Cậu bé đáp:

_ Cha khỏi rồi! Con sung sướng quá! Nhưng con không thể bỏ ông già mà con đã săn sóc từ mấy hôm nay. Kìa! Cha coi ông ta đang nhìn con hình như muốn gọi con. Con không đành lòng bỏ ông ấy. Hôm nay, ông ấy trở bệnh. Con xin phép cha cho con về sau...

Viên y sinh đứng đó khen:

_ Cậu em thật giàu lòng từ thiện!

Cha tôi hỏi viên y sinh:

_ Thưa ngài, bệnh nhân là ai thế?

Viên y sinh đáp:

_ Ông ta cũng làm thợ như ồng và ở ngoại quốc về, ông ta vào đây cùng ngày với ông. Người ta chở vào đây thì ông ta đã mệt và cấm khẩu rồi. Ông ta chắc cũng có gia đình ở xa và có con... Ông ta tưởng cậu em là người nhà ông ta chăng?

Lúc ấy, bệnh nhân cứ nhìn theo cậu Phransexcô. Người cha bảo:

_ Vậy, con cứ ở đây.

Viên y sinh nói:

_ Cậu sẽ chẳng phải ở đây lâu đâu!

Người cha nhắc lại:

_ Con cứ ở đây. Cha rất vui lòng thấy con là một đứa trẻ có lòng nhân ái. Cha về báo tin cho nhà biết, kẻo lại nóng lòng mong đợi.

Cha cậu hôn cậu rồi ra.

Chiều hôm sau, bác sĩ vào thăm và tuyên bố bệnh nhân khó lòng qua được đến mai. Cậu thức suốt đêm ấy để nâng giấc bệnh nhân. 5 giờ sáng, bà phước vào coi qua bệnh nhân rồi chạy ra. Lát sau, bác sĩ đến, xem mạch rồi nói:

_ Ông già gần chết!

Cậu Phransexcô dân dấn nước mắt, cầm tay ông già. Ông già bừng mắt nhìn cậu rồi lại nhắm nghiền. Cậu cảm thấy trong phút lâm chung, ông già đã cố đem hết sức tàn nắm tay cậu, bắt tay cậu...

Lát sau, bác sĩ lại vào, cúi nghe bệnh nhân lần nữa rồi ngẩng lên. Cậu hỏi:

_ Thưa ngài, ông ấy đã "đi" chưa?

Bác sĩ đáp:

_ Thôi, con về! Việc phúc của con đến đây là trọn. Con hãy sung sướng đi vì con đáng được sung sướng!

Bà phước rút nắm hoa tươi trong bình bên cửa sổ, đưa cho cậu và bảo:

_ Ta chả có gì cho em cả. Em cầm lấy bó hoa này gọi là chút kỷ niệm của nhà thương.

Cậu, một tay đỡ lấy bó hoa, một tay lau nước mắt, nói:

_ Cảm ơn bà, nhà con xa quá, đem về đến nơi thì héo cả. Con xin mượn bó hoa này để viếng ông già khốn khổ!...

Nói xong, cậu ngắt những bông hoa rắc lên thi hài người bất hạnh.

Đoạn, cậu chào bà phước và bác sĩ, xách gói quần áo trở ra.

Lúc ấy, vầng đông đã rạng.
Bình Luận (0)
Comment