Những Tháng Năm Hổ Phách

Chương 8

Tần Chiêu Chiêu còn nhớ, năm cô học lớp tám cũng là lúc thời kỳ hưng thịnh nhất của nhà máy không còn nữa.

Thập niên 90 của thế kỉ XX, dưới tác động của chính sách Cải cách kinh tế toàn diện, nền kinh tế tập trung kế hoạch chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường. Suốt quá trình chuyển đổi, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp phá sản, công nhân viên chức thất nghiệp, tạm thôi việc, nghỉ không lương. “Công nhân mất việc” và “Nghỉ không lương” đã trở thành những danh từ riêng chỉ có trong thời kỳ này.

Thành phố công nghiệp bé nhỏ nằm trong lòng Giang Tây cũng bị ảnh hưởng của xu thế chung, 90% các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ bị đình trệ, tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Tạm thôi việc cũng là chuyện công nhân viên chức các xí nghiệp ở đây không thể trốn tránh, một chuyện khiến người ta đau lòng.

Là nhà máy lớn của nhà nước, nhà máy cơ khí Trường Thành không đến mức phá sản ngay nhưng cũng phải tạm ngừng sản xuất. Công nhân trong xưởng từng tốp, từng tốp bị cho nghỉ không lương. Chẳng những tinh giảm biên chế mà bệnh viện, nhà máy, hàng quán thuộc nhà máy cũng dần dần đóng cửa; chi nhánh ngân hàng, bưu điện được rút về thành phố. Mẹ Tần Chiêu Chiêu bị cho nghỉ việc trước, mấy tháng sau phân xưởng của ba cô cũng thông báo ngừng sản xuất.

STE.NT

Tạm thôi việc có thể coi là tin dữ đối với rất nhiều công nhân, nhất là những người đã làm việc trong nhà máy một, hai chục năm. Phải nghỉ việc ở tuổi này một một chuyện vô cùng khó xử; người lớn tuổi có thể lo lót xin về hưu non, người trẻ tuổi có thể đi học nghề khác kiếm kế sinh nhai. Nếu còn trẻ, bắt đầu lại từ đầu cũng không đến nỗi khó; chỉ khó với những công nhân chơi vơi, không đủ già để đạt đủ tiêu chuẩn xin về hưu, mà cũng không còn trẻ để dễ dàng chuyển qua nghề khác, bắt đầu lại từ đầu. Đã hơn bốn chục tuổi, tuổi này mới đi tìm việc thật nói dễ hơn làm.

Đối với những gia đình cả nhà là công nhân nhà máy như nhà chị Tiểu Đan, chuyện này càng khó chấp nhận bởi đột nhiên cả nhà cùng thất nghiệp. Nhớ lại ngày ấy khó khăn lắm mới dành được suất vào làm trong nhà máy, trong lòng vui mừng nhường nào. Vẫn tưởng rằng vào được một đơn vị nhà nước, có được một chỗ làm tin cậy, ổn định là có thể yên ổn một đời. Ai ngờ được, nhà máy quốc doanh lớn như vậy cũng có ngày suy sụp? Một khi nhà máy suy tàn, công nhân nào còn an ổn, tổ chim bị phá trứng còn nguyên vẹn được sao?

Cơn bão thôi việc không thể tránh khỏi cuối cùng cũng lan tới Trường Cơ, công nhân mất việc ai nấy đều buồn rầu ảm đạm, ánh mắt đờ đẫn không biết nên đi đâu về đâu.

Nửa đời làm việc trong nhà máy, tới giờ cả hai vợ chồng Tần gia đều bị cho tạm nghỉ, trừ một trăm hai mươi đồng phí trợ cấp thôi việc mỗi người mỗi tháng ra, cả nhà không còn nguồn tài chính nào khác. Điều kiện Tần gia vốn đã không tốt, thêm lần này nữa đúng là càng họa vô đơn chí. Ngày ba nghỉ việc, ông ngơ ngẩn ngồi hút thuốc, hết điếu này đến điếu khác, căn phòng nhỏ ươm mùi khói. Còn mẹ nín lặng nằm trên giường cả ngày.

Tần Chiêu Chiêu biết thời gian này ba mẹ không vui nên đi học về liền một mình lao vào căn bếp nhỏ, giằng co đánh vật với xoong chảo nửa ngày, mồ hôi nhễ nhại mới chạy ra ngoài, nói: “Ba mẹ, ra ăn cơm thôi!”

Đây là lần đầu tiên Tần Chiêu Chiêu tự mình nấu cơm, trước đó cô mới chỉ được mẹ dạy rang cơm, rán trứng mà thôi. Cơm cô nấu ra đương nhiên không ngon lành gì: cơm cháy khét, cải trắng xào quá lửa sém vàng, đậu hũ cháy đen, canh trứng cà chua nhiều muối mặn chát… Thế nhưng vợ chồng Tần gia lại ăn hết sạch, không chừa một miếng.

Tối hôm đó, chờ Tần Chiêu Chiêu ngủ rồi, Tần ba mới thận trọng nói với Tần mẹ: “Từ giờ cuộc sống vất vả hơn, nhưng vì Chiêu Chiêu chúng ta phải nghĩ cách tiếp tục sống cho tốt, mình thấy có phải không?”

Tần mẹ nước mắt nhạt nhòa: “Ừ, chúng ta nhất định phải vượt qua ải này, vì con gái, nhất định phải vượt qua.”

Phân xưởng ngừng sản xuất, ba cùng mấy bác trong nhà máy ra ngoài kiếm việc làm thêm. Chỗ này cần người lắp máy móc thì đi theo nửa tháng, chỗ kia cần người gia công sản phẩm thì qua làm dăm ba ngày, làm xong nhận tiền công luôn. Mẹ nhờ người quen giới thiệu xuống chợ xin một chân trông coi tiệm áo ngủ.

Có khi vài ngày không ai thuê, cả nhà miệng ăn núi lở, mọi người trong nhà khó tránh khỏi tinh thần hoảng loạn. Ba liền cùng mấy chú bác tới chợ chuyên buôn bán vật liệu xây dựng phía nam thành phố làm công nhân bốc vác, giúp người ta dỡ hàng. Hàng hóa phần lớn là những rương gạch men nặng trĩu, vác những thứ này vô cùng mất sức, tiền công lại rẻ, dỡ một tấn mới được năm đồng. Bởi vì đây là việc chân tay, chẳng cần kĩ thuật gì phức tạp nên trả công cực kỳ rẻ mạt.

Bình thường, các tiệm vật liệu xây dựng đều chuyển mấy chục tấn hàng bằng xe lửa, sau đó dùng ô tô chở tới thành nam, cuối cùng tìm mấy người bốc vác dỡ hàng xếp vào kho, xong việc trả công mấy trăm đồng cho mọi người chia nhau. Có lần nhận được một mối lớn, cần chuyển sáu mươi tấn gạch lát sàn mà nhóm của Tần ba chỉ có sáu người. Việc thế này ít ra cũng cần tám người, nhưng nhiều người thì ít tiền đi, bọn họ nguyện không kêu thêm người, mỗi người ráng vất vả thêm một chút. Lần đó dỡ hàng suýt soát một ngày, mỗi người được năm mươi đồng mang về. Về nhà, Tần mẹ phát hiện hai vai chồng sưng u nhưng mặt lại vô cùng vui vẻ. “Mình xem, hôm nay làm ăn phát đạt, kiếm được những năm chục đồng này.”

Tần mẹ nắm giá thị trường, vừa nhìn thấy năm mươi đồng, nhẩm tính ra biết hôm nay chồng đã khuân bao nhiêu hàng liền kinh hãi nói: “Lão Tần, hôm nay mình dỡ những chục tấn hàng sao?”

Tần Chiêu Chiêu đang ở trong buồng làm bài tập, nghe tới đây liền kinh ngạc đến dựng người. Học toán trên lớp được dạy một tấn tương đương một ngàn cân, mười tấn là mười ngàn cân. Ngày hôm nay ba cô vác tận mười ngàn cân hàng. Con số này đối với cô thật khổng lồ, thật không tưởng tượng nổi làm thế nào mà ba có thể dỡ hết chừng đó hàng.

Lại nghe thấy tiếng ba vui vẻ vọng vào: “Thế này có đáng gì, một thùng gạch lát năm chục cân, chỉ khuân có hai trăm thùng thôi mà.”

Dỡ hai trăm thùng gạch nặng như vậy mới được hai trăm đồng, tính ra tiền công mỗi thùng chỉ hơn một hào. Tần Chiêu Chiêu nhẩm tính so sánh tổng lượng công việc với tiền công dỡ mỗi thùng gạch mà hốc mắt đỏ hoe, ba thật vất vả quá!

Tần mẹ nín lặng, hai giọt nước mắt rớt xuống chiếc khăn ấm chườm trên vai chồng, nháy mắt giọt nước mắt mất hút dưới lớp khăn, như chưa từng tồn tại.

Gia cảnh nhà Tần Chiêu Chiêu sa sút còn nhà Kiều Mục vẫn như cũ. Tuy tình hình nhà máy xuống dốc, chỉ có thể dùng mấy chữ “cố níu hơi tàn” mà hình dung nhưng lãnh đạo nhà máy vẫn ổn định, chẳng có gì thay đổi. Nghe nói sắp tới Phó giám đốc Kiều còn được điều tới Cục Cơ khí thành phố.

Kiều Mục lên cấp hai bắt đầu học dương cầm. Ba mẹ cậu không tiếc tiền mua hẳn một cây dương cầm giá hơn một vạn cho con học đàn, tiền này chủ yếu do ông bà ngoại ở Thượng Hải tài trợ. Họ Mục có hai con bị đưa xuống nông thôn, chỉ một đứa về được Thượng Hải, hai ông bà già cả thương con gái tha hương nên càng yêu quý cháu ngoại, không tiếc tiền cho cháu. Rất nhiều người ở Trường Cơ không khỏi tấm tắc: “Nhà tư bản đúng là khác người!”

Hôm mang đàn về, rất nhiều người trong khu tập thể kéo lại xem. Ở Trường Cơ, đa số mọi người chỉ biết món đồ Tây dương sang quý này qua ti vi chứ chưa từng thấy đồ thật, vì thế không thể bỏ lỡ dịp này được. Tần Chiêu Chiêu cũng đi theo mọi người, thấy chiếc đàn thật lớn, mấy người phải khệ nệ mới đưa được nó lên tầng ba. Đàn lên tới nơi, không lâu sau tiếng đàn du dương trong trẻo từ trên lầu vọng xuống.

Ngày nào cũng thế, cứ xế chiều, Tần Chiêu Chiêu tan học về nhà chuẩn bị nấu cơm lại nghe thấy tiếng đàn miên man từ lầu ba bên cạnh truyền sang. Hai đứa trẻ cùng tuổi nhưng hai bàn tay Kiều Mục đang lướt trên phím dương cầm trắng muốt còn tay Tần Chiêu Chiêu khua giữa nồi niêu bát đũa. Ba mẹ nghỉ việc nhà máy ra ngoài làm thêm đều vất vả, cô ở nhà phải chuẩn bị cơm nước để ba mẹ về là có sẵn đồ ngon lành, nóng sốt.

Trước khi nấu cơm phải đổi than trong lò, nhặt viên than tổ ong đã tàn bỏ đi, thay viên mới vào. Cô dùng kẹp sắt gắp cục than mang ra ngoài, nhưng kẹp không chắc, viên xỉ than rơi bịch trên nền nhà, vỡ vụn thành vô số mảnh xỉ, bụi bay mù mịt, khói ươm đầy căn bếp nhỏ.

Tần Chiêu Chiêu ngây ngẩn nửa ngày nhìn xỉ than vương vãi đầy sàn. Cô mong giá mình là nàng Lọ Lem, nếu cô có thể là Lọ Lem… Thế nhưng, lấy đâu ra thế giới cổ tích giữa đời thực?
Bình Luận (0)
Comment