Tuế nguyệt như sông, thời gian như nước; mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây vẫn mải miết trôi đi không ngừng nghỉ; một khi đã qua thì vĩnh viễn không thể tìm lại. Để rồi cuối cùng, đến một lúc nào đó, chúng ta giật mình thở than: Thời gian sao trôi nhanh đến vậy? Mới đó thôi mà đã bao nhiêu năm.
Mùng Một tháng Mười năm 2009, lễ kỷ niệm 60 năm ngày Quốc Khánh diễn ra giữa quảng trường Thiên An Môn. Nghi thức duyệt binh mười năm mới có một lần ngay lập tức trở thành chủ để khiến nhiều người để tâm nhất.
Nhờ màn duyệt binh này, Tần Chiêu Chiêu nhớ lại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Quốc Khánh lúc cô học cấp ba. Không nhớ tới thì thôi, nhớ rồi lại thấy trăm nỗi ngậm ngùi cảm khái: thời gian thật như tên bắn, chớp mắt đã mười năm trôi qua.
Mười năm trước cô vẫn còn là cô học sinh lớp mười hai đang nỗ lực học hành chuẩn bị cho trận chiến vào các trường cao đẳng, đại học, vì thế cô không xem chương trình truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 50 năm Quốc Khánh. Có điều giờ tự học tối hôm đó, cả lớp túm năm tụm ba cùng nhau bàn luận sôi nổi về nghi thức duyệt binh. Quân nhân anh hùng bừng bừng hào khí trở thành thần tượng của rất nhiều cô cậu học trò. Cô vẫn nhớ ngày đó trong lớp có một nữ sinh lớn gan tuyên bố sau này sẽ tìm bạn trai là bộ đội. Xa cách bao năm, cô bạn kia tên gì giờ Tần Chiêu Chiêu không nhớ nổi nữa nhưng từng lời cô bạn nói vẫn in sâu trong ký ức. Khong biết bây giờ tâm nguyện của cô bạn đã thành hiện thực chưa nhỉ, liệu có tìm được một anh bộ đội để nói chuyện tình yêu hay không?
Ngày ấy, rất nhiều nam sinh nói nếu không đỗ đại học sẽ đi lính, coi như dâng hiến tuổi xuân cho màu xanh quân đội. Không biết giờ họ ra sao rồi, chẳng biết có ai thật sự tòng quân hay không? Những người khác ra sao Tần Chiêu Chiêu không biết, nhưng Lâm Sâm quả thật đã đi lính nhiều năm. Đến tận bây giờ cậu vẫn còn tại ngũ, được bồi dưỡng trở thành sĩ quan trẻ tuổi, nói chung chắc chắn sẽ không thể sớm phục viên chuyển ngành được.
Ngày Hai mươi tháng Mười hai năm 2009, vừa tròn mười năm ngày Ma Cao được trả về cho Trung Quốc. Lại thêm một ngày đặc biệt, âm thầm nhắc nhở Tần Chiêu Chiêu về thời gian vội vàng trôi qua.
Cô không còn nhớ rõ không khí tưng bừng khi Ma Cao được trả về cho Trung Quốc mười năm trước, điều duy nhất còn sót lại trong ký ức là bài hát chủ đề Thất tử chi ca. Năm ấy, nghe cô gái trẻ người Ma Cao dùng tiếng phổ thông chưa chuẩn hát vang bài này, từ đáy lòng cô bỗng nổi lên một niềm cảm động sâu sắc.
Mười năm vội vàng vụt qua trước mắt, cô bé Dung Vận Lâm hát Thất tử chi ca năm đó giờ đã trưởng thành. Kỷ niệm mười năm Ma Cao trở về, các website lớn đua nhau nhắc về cô bằng bao lời hay ý đẹp. Cô bé ngày nào đã trở thành sinh viên năm hai Đại học Ma Cao, mười năm sau, Dung Vận Lâm mười chín tuổi lại một lần nữa hát vang bài hát này mừng mười năm ngày trở về.
Vẫn bài hát ấy, vẫn người năm xưa, mười năm trước là cô bé ngây thơ trong sáng, mười năm sau đã trở thành cô sinh viên duyên dáng, yêu kiều. Tần Chiêu Chiêu lắng nghe, tựa như thấy thời gian như gió, len lỏi qua làn tóc mai mà khe khẽ thủ thỉ bên tai....
Điều khiến Tần Chiêu Chiêu bùi ngùi xúc động nhất là đêm gala mừng Tết âm lịch năm 2010 của CCTV. Thời tiểu học, cô thích nhất là những bài hát của nhóm nhạc trẻ Tiểu Hổ. Tan rã gần hai mươi năm, lần này nhóm Tiểu Hổ tái hợp với một ca khúc diễn tại sân khấu cuối năm.
Sáng hôm đó, các báo mạng thi nhau đưa tin nhóm Tiểu Hổ sẽ biểu diễn trong chương trình cuối năm nay. Tần Chiêu Chiêu đọc thấy tin này, cảm thấy hơi kích động. Nếu nói giọng ca Trương Học Hữu đã đồng hành với cô suốt thời niên thiếu thì những ca khúc của nhóm Tiểu Hổ chính là người bạn của cô suốt dọc ấu thơ. Thơ ấu ngây thơ là quãng thời gian tươi đẹp nhất, tựa như bài hát Bầu trời rực rỡ, ước mơ rực rỡ của họ vậy.
Vốn Tần Chiêu Chiêu không cảm thấy hứng thú với gala cuối năm nhưng Ba mươi Tết năm đó cô lại đặc biệt nán lại trước ti vi. Khi thấy nhóm Tiểu Hổ xuất hiện trên sân khấu, nghe những giai điệu quen thuộc vang lên, lòng cô dấy lên một sự kích động mãnh liệt, khóe mắt nhất thời ươn ướt.
Chuông điện thoại reo vang, là Đàm Hiểu Yến gọi tới, tiếng Đàm Hiểu Yến kích động trong điện thoại: “Chiêu Chiêu, bật ti vi xem gala cuối năm đi! Nhóm Tiểu Hổ đang biểu diễn đấy. Cả nhóm vẫn dáng vẻ đó, nhảy không khác gì ngày trước. Nhưng thời nghe họ hát mình còn là đứa nhóc tiểu học, giờ đã thành mẹ trẻ con rồi!”
“Được rồi, được rồi, mẹ trẻ con này, giờ chúng ta cúp máy nghe hát trước nhé!”
“Mình không định gọi điện tán gẫu với cậu, chỉ nhắc cậu xem ti vi thôi. Được rồi, cúp máy đây!”
Gác máy, lẳng lặng theo dõi ti vi, xem mãi xem mãi, Tần Chiêu Chiêu bất giác nước mắt tràn mi. Tiếng ca quen thuộc gợi cho người nghe biết bao ngậm ngùi. Dẫu thơ ấu đã rời xa nhưng tiếng ca đã chắp thêm đôi cánh cho cô, đưa cô về lại với những tháng ngày xa xăm ấy.
Vẫn nhớ như in, thời cô còn nhỏ, nhóm Tiểu Hổ là nhóm nhạc thần thượng nổi tiếng nhất. Học sinh ai cũng thích họ, thích nghe những bài hát của họ, thích cả poster hay bưu thiếp in hình họ. Tan học, cả đám học trò thường tụm lại một chỗ mà bình luận xem trong ba tiểu hổ: Phích Lịch Hổ(Ngô Kỳ Long), Quái Quái Hổ (Tô Hữu Bằng) và Tiểu Soái Hổ (Trần Chí Bằng), mình thích ai nhất. Ngày ấy cô thích nhất Phích Lịch Hổ Ngô Kỳ Long. Ở nhà không có đài cassette, cô thường phải mượn băng từ của bạn, mang sang hàng xóm nghe nhờ. Cô có hẳn một cuốn sổ tay chép bài hát, trong đó chép không biết bao nhiêu bài hát của họ, còn dán rất nhiều poster và ảnh. Cuốn sổ đến giờ vẫn còn nguyên nhưng giấy trắng muốt năm nào giờ đã nhuốm màu tháng năm, trở nên ố vàng.
Trong hồi ức, không chỉ có những hình ảnh liên quan tới nhóm Tiểu Hổ, còn có cả quãng thời gian ngày cô vẫn là một cô bé ngây thơ, khờ dại.
Ngày ấy trời thật xanh, mây thật trắng, gió thật nhẹ, ngày xuân cánh đồng ngập đầy từng trảng hoa cỏ đầy màu sắc. Các chị hàng xóm sẽ dắt cô đi hái hoa dại rồi dạy cô tết hoa thành vòng đội đầu. Đến giờ cô vẫn chưa quên cách tết những bông hoa thảo tử nhỏ bé thành những vòng hoa độc đáo.
Ngày đó, cô cũng rất tham ăn, luôn muốn ăn rất nhiều thứ. Vẫn nhớ lắm món kẹo leng keng đưa lên miệng cắn một miếng thật nhỏ để nhấm nháp; bỏng gạo thơm ngào ngạt; ô mai bột vừa đưa lên miệng đẫ chua tới tận chân răng, còn nhớ cô thích ăn kem bọc sô cô la nhất, ngon thật là ngon! Ăn hết kem rồi cô còn nuối tiếc liếm sạch que kem đến khi ngay cả que gỗ cũng không còn sót lại tia ngọt ngào nào mới ném bỏ. Sau này lớn lên, được nếm thử rất nhiều loại kem, muôn hình vạn trạng nhưng dẫu là kem cao cấp như Haagen-Dazs, cô vẫn không thể tìm lại được thứ hương vị ngon lành của loại kem tầm thường kia.
Ngày ấy, cô đi học không cần ba mẹ đưa đón, đeo trên cổ một chiếc chìa khóa nhà, hăm hở tự mình đi học rồi tự về. Lúc đi học, hai bài tay ngoan ngoãn khoanh sau lưng, theo cô giáo học ghép vần, học viết chữ, học làm phép cộng trừ nhân chia; giờ âm nhạc hát đi hát lại mãi ca khúc Khi chúng em giơ cao mái chèo; giờ đạo đức giáo viên luôn nghiêm khắc nhắc nhở học sinh phải nỗ lực noi theo tấm gương đạo đức của Lôi Phong thúc thúc[1] và tinh thần của Lại Ninh[2].
[1] Lôi Phong (18/12/1940-15/08/1962): là một chiến sĩ của quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Sau khi chết, Lôi Phong đã được hình tượng hóa thành một công dân kiểu mẫu, một con người vị tha và khiêm tốn, một người hết lòng với Đảng Cộng sản, chủ tịch Mao Trạch Đông và nhân dân Trung Quốc. Năm 1963, anh trở thành đề tài cho cuộc vận động mang tính tuyên truyền diễn ra trên toàn quốc có tên là “Noi theo tấm gương đồng chí Lôi Phong”. Sau thời Mao Trạch Đông, Lôi Phong vẫn là một biểu tượng văn hóa. Tên của anh đã đi vào lời ăn tiếng nói hằng ngày và hình ảnh của anh xuất hiện trên nhiều đồ dùng.
[2] Lại Ninh (1970-1988): người huyện Thạch Miên, An Nhã, Tứ Xuyên. Ngày 13 tháng 3 năm 1988, Lại Ninh học lớp 7, cậu chủ động tham gia đội cứu hỏa dập lửa cứu làng, bảo vệ trạm vệ tinh vô tuyến trên mặt đất, chiến đấu với ngọn lửa dữ suốt năm giờ đồng hồ. Tháng 5 cùng năm, Đoàn thanh niên Cộng sản trung ương Trung Quốc quyết định trao tặng danh hiệu “Thiếu niên anh hùng” cho Lại Ninh.
Ngày ấy, sau giờ học, các bạn nam thích tụ tập chơi lăn vòng, đánh bi, chơi ảnh, phi máy bay... Các bạn nữ thích nhảy dây, nhảy ô, tung bao cát, đá cầu... Cô nhảy dây là giỏi nhất, đến giờ vẫn nhớ như in bài vè đọc theo:
“Chích chích chích, chim én kêu chích chích chích, mã lan nở hoa, hai mươi mốt, hai trăm năm sáu, hai trăm năm bảy, hai trăm năm tám, hai tám hai chín ba mươi mốt....”
Ngày ấy, mỗi buổi đi học về, làm bài tập xong xuôi cô ngồi xem hoạt hình trên ti vi: Anh em Hồ Lô, Cửu sắc lộc, Cây bút thần của Mã Lương, Cảnh sát trưởng Mèo đen, Ikkyu-san, Astro boy, Tom và Jerry... Thích nhất vẫn là Saint Seiya, thậm chí cô còn mua không biết bao nhiêu ảnh dán Saint Seiya, ba cũng mua một tấm ảnh dán lớn cho cô, giúp cô hiểu chuyện hơn rất nhiều. Đến tận bây giờ, những tấm ảnh dán này vẫn còn được cất giữ cẩn thận trong “hộp trang sức” của cô.
Ngày ấy... Cái thuở ấu thơ vô ưu, vô lo kia là những tháng ngày tươi đẹp nhất của đời người, vui vẻ tinh khôi nhất, sầu não ngắn ngủi nhất, chuyện đáng buồn nhất là không được các chị lớn bên hàng xóm cho đi chơi cùng. Nhưng có buồn rầu, ủ ê đến đâu, chỉ cần mẹ đưa một viên kẹo ra dỗ là cô lập tức nín khóc, mỉm cười.
Thời gian trôi mau, nhoáng cái hai mươi mấy năm đã bay vụt trước mắt. Ngày ấy, chuyện đau đầu nhất là mãi mà mình không lớn, đến giờ thoáng chốc đã hai mươi tám tuổi. Năm ấy, nhóm Tiểu Hổ chỉ là một nhóm ba chú hổ nhỏ trẻ trung vô địch, đến giờ đã thành lão hổ tang thương nhuốm trong từng nét mặt, Tô Hữu Bằng trẻ nhất cũng đã gần bốn mươi. Cả thần tượng của một thế hệ và fan đều đã già rồi.
Thời gian vội vã bước mãi về phương xa; tháng năm như bóng câu qua cửa, mãi chẳng dừng chân; thanh xuân một bước ngựa ruổi hồng trần. Thơ ấu ngây thơ nhất của chúng ta trải bao xoay vẫn thỏ lặn ác tà giờ đã tan như mây khói. Nhưng vẫn còn một số người, một số việc, vài bài hát, chút tình cảm vĩnh viễn đọng mãi trong ký ức, không bao giờ phôi pha theo thời gian.
Tết âm lịch 2010 về quê, phần lớn thời gian của Tần Chiêu Chiêu đề dành ở nhà như những năm trước. Quanh năm suốt tháng cô làm việc ở Thâm Quyến, chỉ có mươi ngày nửa tháng Tết mới có dịp về quê, bạn học ở quê từ lâu đã không còn liên lạc, chỉ một mình bạn tốt Đàm Hiểu Yến, những người những nơi cô có thể tới thăm hỏi ngày Tết âm lịch không có bao nhiêu.
Đến chúc Tết gia đình Đàm Hiểu Yến, cậu nhóc một tuổi rưỡi nhà cô thật khiến người ta yêu quý. Cậu nhóc mập mạp, trắng trẻo, cánh tay nhỏ trắng ngần như một đốt ngó sen khiến người ta nhìn mà chỉ muốn cắn một miếng. Bé con đã bắt đầu tập đi, đang bập bẹ nói; bước đi còn chưa vững, dáng đi lắc lư như một chú chim cánh cụt; thường xuyên ngã kềnh trong tiếng kêu “cẩn thận” của người lớn. Cũng may, cậu nhóc này rất cừ, có ngã cũng không bao giờ khóc mà tự mình đứng dậy, vừa lẫm chẫm đi tiếp, vừa tự bâp bẹ dặn bản thân: “Cẩn thận.”
Bộ dạng tự mình nói mình của cậu nhóc thật sự rất dễ thương. Vốn dĩ Tần Chiêu Chiêu không phải kiểu người quá thích trẻ con, rất ngại phải nghe trẻ con khóc lóc ầm ĩ, nhưng cô thương cậu nhóc này vô cùng. Lần nào gặp cũng muốn ôm chầm vào lòng, hôn thắm thiết lên cái gương mặt nhỏ nhắn, hồng hào, xinh xắn kia cả buổi. Cậu nhóc lại thật bướng, nhất đinhk không chịu phối hợp, luôn muốn giãy ra, Đàm Hiểu Yến thấy vậy cười cười. “Đừng có cưỡng hôn bé cưng nhà mình!”
Cậu nhóc học theo rất nhanh, Tần Chiêu Chiêu mà tới ôm lấy nó muốn hôn, nó sẽ gào ầm ĩ: “Không được cưỡng hôn, không được cưỡng hôn” khiến cả nhà lăn ra cười.
Thấy cô quý trẻ con như vậy, Đàm Hiểu Yến nói: “Mau tìm đối tượng rồi sinh lấy một đứa đi thôi, sẽ không cần phải tìm tới con mình cho đã thèm. Phải rồi, lần này về nhà không phải lại có người tới mối lái sao? Cậu đã gặp thử chưa, cảm thấy thế nào?”
Tần Chiêu Chiêu cười khổ. “Người ta làm mối cho một ông đã có một đời vợ, còn một con gái tám tuổi. Mình chỉ nghe đã hoảng không muốn đi gặp rồi!”
“A, sao lại đi giới thiệu người một đời vợ cho cậu chứ! Cái bà mối này cũng thật kỳ cục!”
“Người giới thiệu nói anh này điều kiện kinh tế tốt, tự mở công ty riêng, có nhà có xe, mẫu người đàn ông nhiều cô ham; bà ấy tốt bụng nên mới muốn giới thiệu cho mình trước. Mình không ưng gặp, bà ấy giới thiệu cho một cô giáo dạy nhạc, cô giáo kia mới hai mươi bốn thôi, ưng anh ta lắm.”
“Người có điều kiện tốt, có nhà có xe thì một đời vợ cũng không sao đâu. Đàn ông như vậy lẽ ra cậu cũng nên đi gặp thử, biết đâu gặp rồi lại thấy được thì sao? Cơ sở kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng mà, tìm người có tiền cũng không hẳn là chuyện xấu.”
“Mình cũng không để ý chuyện anh ta từng có một đời vợ, chẳng qua cứ nghĩ đến chuyện làm mẹ kế của một cô nhóc tám tuổi, thật sự mình không chịu nổi!”
Làm mẹ kế không đơn giản, nhất là làm mẹ kế của một cô nhóc. Ngày trước Mục Lan và Kiều Diệp không hợp nhau, sau này Viên Viên cũng xung khắc với mẹ kế càng giúp Tần Chiêu Chiêu hiểu rõ chuyện này. Cô là một người ưa chuyện đơn giản, thứ quan hệ phức tạp như mẹ kế - con chồng tự thấy không thể giải quyết ổn thỏa được. Cô không muốn để cuộc sống của mình hỏng bét vì loại quan hệ rắc rối như thế.
Rời nhà Đàm Hiểu Yến, Tần Chiêu Chiêu lòng vòng tới thăm nhà giáo viên chủ nhiệm. Cô vừa thấy Tần Chiêu Chiêu liền nói: “Em đến sớm một chút thì tốt, vừa có mấy học sinh trong lớp tới đây chúc Tết, em mà đến sớm mười phút thì chắc chắn gặp được rồi. Năm nay vừa tròn mười năm các em tốt nghiệp, các bạn định tụ họp rầm rộ lắm, tìm khắp nơi để liên lạc với các bạn cũ. Cô cho Vu Thiến số điện thoại của em đấy, không sao chứ?”
Đương nhiên Tần Chiêu Chiêu không cảm thấy có vấn đề gì, tốt nghiệp cấp ba cũng mười năm rồi, đồng môn ba năm giờ mỗi người tan tác một phương; có thể tụ họp lại một lần, cô cũng rất muốn được tham gia
“Giờ Vu Thiến làm gì rồi ạ? Nhiều năm rồi em chưa gặp lại bạn ấy. Ban nãy có những ai đến vậy cô?”
“Vu Thiến giờ buôn bán cùng ba, quản lý một chuỗi siêu thị. Lần này bạn bè tụ họp, con bé bảo sẽ đài thọ toàn bộ chi phí, nhưng mấy cậu con trai đi cùng nhất định không đồng ý, nhất là Lâm Sâm. Cậu nhóc này còn bảo, chi phí cho các bạn nữ có thể để Vu Thiến lo, chứ thân làm con trai như cậu ấy, nhất định phải tự lo phần mình.”
Tên Lâm Sâm khiến Tần Chiêu Chiêu giật mình hốt hoảng “Lâm Sâm… Cậu ấy ở đây ạ?”
“Ừ, giờ thay đổi nhiều lắm, có khi chẳng nhận ra được ấy. Phải rồi, cô vẫn nhớ ngày trước cậu ấy bắt nạt em, làm em khóc lên khóc xuống rồi còn phải chạy lên mách cô nữa. Giờ cậu ấy khác xưa nhiều lắm, không còn hư hỗn như trước đây đâu, quân đội đúng là chỗ tôi rèn con người. Cậu ấy thành một quân nhân chững chạc rồi, nghe Chu Minh Vũ khoe giờ còn có một cô bạn gái rất được nữa.”
Trong lòng khẽ chấn động, Tần Chiêu Chiêu không hiểu vì sao mình lại có cảm giác như vậy. Trước kia cô không hề thích Lâm Sâm nhưng trong đáy lòng vẫn bị cậu làm cho rung động. Xa cách bao năm, nhớ lại những ngày đã qua, cô vẫn còn nhớ như in đêm khuya năm ấy, dưới bóng trăng trong, một cậu thiếu niên mời tám tuổi khe khẽ thở dài, gượng cười giả tạo, đột nhiên nước mắt rơi, cuối cùng vội vã xoay lưng rời đi để che giấu giọt lệ đọng trên khóe mắt.
Đó là lần cuối cùng hai người gặp nhau giữa thời niên thiếu. Biệt ly tựa áng mây bay, mười năm nước chảy đổi thay nhạt nhòa. Mười năm có thể rất ngắn ngủi nhưng cũng có lúc thật dài lâu, mười năm có thể chậm rãi đổi thay một con người. Từ một thiếu niên ngây ngô trở thành một quân nhân chững chạc, Lâm Sâm đã thay đổi nhiều đến khó tin. Cậu đã quên cô chưa? Quên một cô gái xa xôi ngàn dặm không phải chuyện khó khăn. Năm tháng đã qua, thế thái đã cải, nỗi muộn phiền “nhân diện đào hoa” chỉ có trong điển cố thi nhân. Cậu có quên cô cũng chẳng có gì là lạ, cậu đã có bạn gái xinh xắn, cô cũng mừng cho cậu, vì cô vẫn luôn hy vọng cậu sẽ tìm thấy hạnh phúc riêng của mình.
Nhưng mừng cho cậu, cô cũng tự thấy thê lương, chua xót dâng lên ngập lòng. Người cô toàn tâm toàn ý thích giờ đã thành chồng của cô gái khác, người từng hết lòng hết dạ thích cô giờ cũng có bạn gái mới. Bất kể là Kiều Mục hay Lâm Sâm, họ đều có đôi có cặp, đã tìm được một nửa của mình; chỉ còn lại mình cô vẫn đơn côi lẻ bóng. Thê lương này biết ngỏ cùng ai?