Nồi Nào Úp Vung Nấy

Chương 12

Nhờ sự kèm cặp sát sao của Hoàng Bách, bảng điểm học tập của Thảo Ngân được cải thiện trông thấy, nhất là những môn tự nhiên. Duy chỉ có một điều khiến các bậc phụ huynh vô cùng bất mãn. Đó là điểm văn của Hoàng Bách làm cách nào cũng không vượt qua con số sáu. Mà lí do của việc này thực sự khiến người khác chỉ có thể bất lực thở dài.

Chuyện kể rằng, Nguyễn Hoàng Bách là một cậu bé có vẻ ngoài lạnh lùng, luôn xa cách mọi người. Ngoài người thân, cậu bé sẽ không để người khác vào trong mắt. Khi sinh ra, cậu không cất tiếng khóc như những đứa trẻ khác. Phải đến khi y tá vỗ mạnh vào mông vài cái, cậu mới chịu mở miệng gào lên. Ai cũng nói sau này, cậu sẽ không dễ dàng nghe lời người khác. Và sự thật đã chứng minh, dự đoán đó hoàn toàn chính xác. Cậu bé lớn lên vô cùng cứng đầu, thường xuyên làm cho giáo viên của mình phải tức giận đến bốc khói.

Điển hình như năm học lớp hai, trong một lần kiểm tra môn tập làm văn, giáo viên có ra đề “Hãy miêu tả con vật em yêu thích.”. Trong khi, cả lớp cặm cụi viết lách miệt mài, có người sang cả tờ đôi thứ hai thì Hoàng Bách chỉ đặt bút viết rất nhanh, sau đó nộp bài ra về.

Buổi học sau đó, giáo viên trả bài và gọi cậu bé lên nói chuyện riêng.

Chính giữa bài làm, chỉ có vẻn vẹn duy nhất một câu.

“Em không yêu thích con vật nào.”

Vị giáo viên này là một cô gái trẻ mới vào nghề vài năm, rất tâm huyết với nghề. Sau khi chỉ dạy một hồi về văn học, cuối cùng cô giáo cho cậu bé vài gợi ý để cậu có thể giả sử đó là con vật mình yêu thích và miêu tả, còn cho cậu cầm bài về nhà làm lại.

Lần thứ nhất, khi cậu bé nộp lại bài, bài làm vẫn y nguyên, nhưng có thêm một dòng chữ thật to, nét bút nắn nót ở mặt sau trang giấy.

“Mẹ em dạy không được nói dối.”

Giáo viên vẫn rất kiên nhẫn chỉ dạy lại một lần nữa, tiếp tục cho cậu bé mang bài về làm lại.

Lần thứ hai, không có gì thay đổi.

Lần thứ ba, hoàn toàn không có gì thay đổi ngoài việc tờ giấy viết bài ngày càng nhăn nhúm.

Tục ngữ có nói “Quá tam ba bận”. Lần thứ tư, khi giấy viết bài đã bị dày vò đến thê thảm, cô giáo trẻ không thể làm gì khác hơn là mời phụ huynh đến trao đổi về tình trạng học tập của học sinh cứng đầu này.

Thế nhưng, tình hình không hề có chút cải thiện. Cậu bé Hoàng Bách vẫn cứ làm theo chính kiến của bản thân, khiến cho cô giáo trẻ tuổi kia sau nhiều lần bị chọc giận, cuối cùng do không chịu nổi áp lực tâm lí nặng nề, phải xin đổi lớp dạy.

Nói đi nói lại, Hoàng Bách chính là một người không có hứng thú với văn học. Vậy nên, dù làm cách nào thì cậu bé và văn học cũng không thể xích lại gần nhau. Cũng giống như việc một con mèo không thích ăn rau. Nếu bắt buộc nó ăn rau, nó nhất định sẽ tuyệt thực và không bao giờ có chuyện nó nghe lời ăn hết chỗ rau đó.

Mẹ cậu bé hiểu điều đó. Vì thế, bà chưa bao giờ tức giận về điểm số môn văn của cậu bé, hay những môn học khác. Và dĩ nhiên, bà sẽ không phản đối chuyện con dâu tương lai của mình xin phép cho con trai cùng về quê ngoại cô bé nghỉ hè, ngay cả khi kết quả học tập của cậu không hẳn rất tốt.

***

Trước khi rời nhà ra bến xe cùng bố, Thảo Ngân chạy lại ôm anh trai, thật lâu sau mới buông tay luyến tiếc:

“Anh Kiệt, anh thực sự không đi cùng bọn em sao?”

“Ừ. Năm nay, anh sang cuối cấp rồi, phải học rất nhiều.”

Em gái nhỏ thở ra một hơi buồn rầu, ngước mắt nhìn anh trai.

“Vậy anh ở nhà học chăm chỉ nha. Khi về, em sẽ mang cho anh thật, thật nhiều quà. Anh nhớ chăm sóc mẹ và bản thân thật tốt. Bố đưa bọn em đến nhà ông bà rồi về ngay thôi. Đàn gà con nhà mình đang tuổi lớn, anh đừng quên cho chúng ăn nhé. Khó khăn lắm lứa gà này mới nở. Tối đến, anh nhất định bắt chúng vào chuồng đấy. Ở ngoài là chuột lại bắt mất. Cà chua nhà mình cũng lớn rồi. Khi nào chúng chín, anh nhớ hái sớm. Nếu không là sâu lại ăn hết cho xem. Còn cả su hào…”

Nghe em gái dặn dò hết cái này đến cái kia, như thể thiếu cô bé, mọi thứ trong nhà sẽ loạn hết, Liên Kiệt cảm thấy nếu anh không ngăn em gái lại, nó sẽ đứng nói đến ngày mai mất.

“Được rồi, đi đi! Mày sắp biến thành bà cụ non rồi đấy.”

Bị anh trai nắm vai xoay nửa vòng, Thảo Ngân mới miễn cưỡng đi ra cổng, vừa đi vừa không thôi ngoái đầu lại nhìn như còn muốn nói thêm điều gì. Quả thật, cô bé rất lo lắng cho ngôi nhà của gia đình khi phải đi xa.

Thế nhưng, khi xe khách chuyển bánh chưa được bao lâu, cô bé nào đó dường như đã quên hết tất cả. Thân hình nhoáng bật lên lại bật xuống như lò xo trên ghế ngồi, không ngừng chỉ trỏ, lôi kéo người ngồi bên cạnh nhìn ngắm cảnh vật ngoài cửa sổ xe.

Nếu không phải quen biết lâu ngày, khẳng định, Hoàng Bách cũng sẽ giống như những người khác, cho rằng cô bé đang hết quay ngang, quay ngửa, lại ngó dọc, ngó xiên bên cạnh cậu đây mắc chứng tăng động. Cho đến khi xe ô tô ra khỏi nội thành thành phố, cô bé ấy mới chịu ngồi yên, bắt đầu lim dim buồn ngủ.

Rời xa thành phố, dọc hai bên đường, cây cối và đồng ruộng dần thay thế cho những công trình xây dựng bê tông cốt thép, gạch ngói san sát nhau. Không khí trở nên trong lành, tươi mát hơn. Khói bụi, tiếng ồn hoàn toàn nhường chỗ cho mây trắng, nắng vàng, trời cao xanh.

Sau hơn hai giờ ngồi xe, ba bố con họ dừng lại ở thị trấn T, tỉnh N, sau đó bắt xe lam về làng.

Nhà ông bà ngoại của Thảo Ngân nằm trong một ngôi làng nhỏ cách thị trấn T khoảng mười lăm phút đi xe máy. Tốc độ của xe lam cũng không chậm hơn bao nhiêu. Thời điểm ba người họ đặt chân đến cổng nhà, trời cũng đã giữa trưa.

Vai khoác balo, tay xách túi lớn, túi nhỏ, cô cháu gái nhỏ lâu ngày không được gặp ông bà, giờ phút này kìm nén không nổi kích động, đôi chân thoăn thoắt chạy như bay xông vào sân trước nhà.

“Ông bà ơi… Cháu về rồi…”

Gần như cùng thời điểm giọng nói lanh lảnh vang lên, từ trong nhà, một bà lão lưng hơi còng, mặc áo nâu, quần đen vải sa tanh, miệng nhai chóp chép, chống cây gậy trúc màu ngà vàng đi ra.

“Bé Ngân về rồi đấy à?”

Thảo Ngân thấy nụ cười hiền hậu nhuộm màu đỏ bã trầu của bà, vội bỏ mấy túi đồ trong tay xuống đất, sà đến ôm bà, vừa dụi vào người bà, vừa chu chu miệng nhỏ nhắn.

“Bà, cháu nhớ bà lắm, lắm luôn…”

“Con bé này, chỉ được cái dẻo miệng.” Bà lão vuốt tóc cháu gái, mắng yêu.

Cô cháu gái nhỏ cười hì hì, quay đầu nhìn anh bạn lớn tuổi của mình. Thấy cậu cũng nhìn mình, cô bé liền chạy lại phía cậu, lôi kéo cậu đến trước mặt bà ngoại.

“Bà, đây là Hoàng Bách. Cậu ấy là bạn tốt nhất của cháu. Cậu ấy nấu ăn rất ngon!” Vừa nói, cô bé vừa liếc mắt qua lại quan sát biểu hiện của hai người.

Chỉ thấy Hoàng Bách hơi cong môi, cúi đầu chào một cách lễ phép:

“Cháu chào bà.”

“Ừ. Mấy đứa mau vào nhà đi. Rửa mặt mũi, chân tay rồi ăn cơm thôi. Thức ăn dọn lên hết rồi.”

“Dạ!” Cô bé nào đó vui vẻ hô thật to, nhanh nhẹn xách đồ dưới chân lên.

Hoàng Bách đi sau cùng, đưa mắt quan sát cảnh vật xung quanh. Cảm giác thân thuộc, gần gùi tràn ngập khắp nơi. Quang cảnh bình dị với những mái nhà ngói đỏ qua thời gian đã ngả sang màu rêu xanh, lấp ló sau những lùm cây cao lớn, xanh mát. Dưới cái nắng đầu hè đã có phần gay gắt, mọi thứ ánh lên màu nắng vàng óng ánh, rực rỡ đến lạ thường. Nơi này so với nhà ông bà ngoại của cậu rất giống nhau. Con người ở đây cũng vậy, thân thiện, nhiệt tình. Ai gặp bố con Thảo Ngân cũng rất niềm nở chào hỏi. Dĩ nhiên, họ cũng không quên hỏi thăm về người lạ mặt, mới tới lần đầu là cậu đây.

Phía trước, Thảo Ngân đang đi bỗng quay đầu dừng lại. Đợi khi cậu bạn nhà mình đi đến, cô bé liền níu tay áo người ta, ghé sát lại, giọng thỏ thẻ:

“Hoàng Bách, thấy tớ nói đúng không? Bà tớ rất quý cậu đấy.”

Hoàng Bách cúi đầu, nhìn đôi mắt cong cong, khuôn mặt tươi cười ngọt ngào của cô bé, trên môi cũng bất giác mỉm cười.

Khác với bên nội, gia đình đằng ngoại của Thảo Ngân rất đông vui. Ông bà ngoại cô sinh được tổng cộng năm người con. Mẹ cô là con út, cùng với bác cả là gái. Ba người ở giữa là trai. Bác cả nhà cô lấy chồng trong nam. Bác ba và bác tư lập nghiệp xa nhà. Chỉ còn bác hai ở lại chăm sóc ông bà. Gia đình các bác cô, nhà nào cũng sinh hai con. Những ngày đặc biệt như lễ, Tết, giỗ chạc, tất cả tụ họp lại, dùng từ “Đông vui” để hình dung thì quả thật không sai chút nào.

Hiện tại đang là mùa đồng áng, cả nhà bác hai cô đều ở ngoài đồng gặt lúa. Vì vậy, bữa cơm đầu tiên của Hoàng Bách ở nhà ông bà nuôi chỉ có bốn người.

Bà ngoại của Thảo Ngân nghe tin bố cô cho các cháu về chơi, đã chuẩn bị rất nhiều món ngon. Trong khi ba người khác ăn uống rất điềm đạm, từ tốn, thong thả trò chuyện qua lại thì cô bé nào đó hai mắt tỏa sáng lia khắp mâm. Sau khi gắp cho mỗi người một miếng sườn xào chua ngọt, cô bé liền cắm đầu vào ăn. Thỉnh thoảng nghe hai người lớn nhắc đến bạn của mình, người ta còn chưa kịp nói gì, cô bé ấy sẽ chen vào liến thắng một hồi, khẳng định rằng bạn của mình rất, rất ưu tú, rồi lại tiếp tục chiến đấu với núi đồ ăn trong bát.

Tiễn bố trở về cho kịp chuyến xe chiều, lúc này cũng đã qua giờ nghỉ trưa, Thảo Ngân lại lôi kéo Hoàng Bách đi gặp một người quan trọng.

“Hoàng Bách, đây là ông ngoại. Lúc chúng mình đến, ông đã ngủ trưa rồi. Cậu đừng sợ! Ông ngoại rất hiền.”

“Cháu chào ông.”

Giới thiệu người đang ngồi bên giường xong, cô bé liền chạy đến ngồi xuống bên cạnh người này, giọng nói lanh lảnh cất lên:

“Ông ngoại, cháu lại về thăm ông này.”

Ông lão có mái tóc hoa râm, khuôn mặt vuông vức, đôi mày rậm hơi xếch, chầm chậm nghiêng đầu nhìn cô bé.

“Cháu là ai?”

Hoàng Bách không ngờ ông lão lại hỏi câu này, đôi mắt mở to kinh ngạc. Nhưng cô bạn nhỏ của cậu không vì thế mà buồn rầu. Chỉ thấy cô bé ấy dùng hai tay nắm lấy bàn tay nhăn nheo, thô sạm của ông lão, vừa nhẹ nhàng xoa bóp, vừa mỉm cười nói:

“Ông, cháu là Thảo Ngân, con mẹ Hiền và bố Đạt. Lần tới, ông đừng quên cháu nữa nhé!”

“Bé Ngân đã lớn thế này rồi cơ à? Nào thằng Kiệt, lại đây với ông!” Ông lão gật đầu như nhớ ra, rồi nhìn sang Hoàng Bách đang đứng bên cửa, vẫy tay gọi.

“Đi nhà trẻ còn khóc nhè nữa không?”

Thảo Ngân nghe ông hỏi bạn mình như vậy, chỉ có thể nhìn bạn đang đi đến, cười áy náy, rồi hướng ông ngoại giải thích.

“Ông ơi, anh cháu đã học phổ thông rồi, không còn đi nhà trẻ nữa. Năm nay, anh cháu không về thăm ông được. Còn đây là Hoàng Bách. Cậu ấy là bạn tốt nhất của cháu đấy, ông ạ.”

Nhìn hai ông cháu Thảo Ngân nói về những mẩu chuyện nhỏ nhặt không rõ đã diễn ra trong thời gian nào của gia đình, Hoàng Bách ngồi bên cạnh, không hề cảm thấy nhàm chán mà rất hứng thú lắng nghe. Thẳng đến khi trời đã về chiều, hai đứa trẻ mới trả lại ông cho bà, kéo nhau ra đồng.

Vừa đi, Thảo Ngân vừa chầm chậm kể chuyện:

“Hai năm trước, ông bị tai nạn. Bác sĩ nói đầu ông bị va đập mạnh dẫn đến chấn thương, ảnh hướng đến thần kinh. Trí nhớ của ông từ đó không còn được tốt như trước nữa. Ông rất hay nhầm lẫm thứ này với thứ kia. Có rất nhiều chuyện ông đã quên. Nếu không nhắc ông thì ông sẽ không nhớ được. Nhiều khi, ngay cả các bác và bố mẹ, ông cũng không nhận ra. Ông vẫn cứ nhớ rằng các con vẫn còn nhỏ. Chỉ có duy nhất bà ngoại là ông không bao giờ quên thôi. Trước kia, năm nào tớ và các anh chị về đây cũng được ông làm cho mỗi người một con diều giấy thật to. Nhưng tớ chẳng bao giờ tự thả được, cứ cầm vào dây là diều liền rơi. Ở nhà, bà vẫn còn dữ mấy cái đấy, có cả cái gắn sáo nữa.”

Đến đây, cô bé ngước mắt nhìn người đi bên cạnh, đề nghị:

“Hoàng Bách, đợi các anh chị đến, chúng mình cùng nhau đi thả nhé?”

Đối diện với ánh mắt trong veo, ngây ngô đầy thuần khiết của ai đó, Hoàng Bách bỗng khựng lại. Giây phút này, cậu cảm thấy nhịp tim chợt dồn dập như trống đánh, hơi thở gia tăng tốc độ, cơ thể không còn chịu sự điều khiển của bản thân, làm cách nào ánh mắt cũng không thể di dời, chỉ theo phản xạ gật đầu đồng ý.

Cậu đứng đó, nhìn theo bóng lưng phía trước, trong đầu tràn ngập hình ảnh ai đó khi khóc, khi cười, khi làm nũng, khi buồn rầu, lúc lại cau mày suy nghĩ hay ngủ gật… Bỏ đi lớp quần áo dày dặn mùa đông, khoác lên mình quần áo mát mẻ mùa hè, bóng lưng ấy so với khi mới quen đã trở nên nhỏ nhắn hơn rất nhiều. Dáng người cũng cao lên chút ít. Mái tóc ngắn ngày nào nay đã dài ngang lưng. Lúc này, mái tóc ấy theo gió bay bay. Từng lọn tóc mềm mại nhẹ trôi trong gió, như từng chút, từng chút một khẽ chạm vào trái tim cậu, khiến nó trở nên kích động, càng đập càng nhanh hơn.

“Hoàng Bách, nhanh lên! Qua ngã rẽ kia là ruộng nhà bác hai rồi.” Đột nhiên, cô bé phía trước quay đầu nhìn lại, nở nụ cười tỏa nắng ngọt ngào như ráng chiều thu, tay giơ cao nón lá của bà ngoại, hướng phía cậu vẫy vẫy .

“Pằng…” Trái tim chàng thiếu niên Hoàng Bách không một lời trăng trối, ngã xuống. Thế nhưng, thời điểm hiện tại, chàng thiếu niên ấy vẫn chưa rõ bản thân mình vì sao lại như vậy.

Lúc này, hai người họ đang đi trên bờ đất ngăn giữa các thửa ruộng. Bỗng nghe “Ùm…” một tiếng. Cô bé nào đó trượt chân, rơi xuống rạch nước nhỏ trên cạnh. Nón lá bay sang bờ đất bên kia.

Hoàng Bách nghe tiếng động, giật mình thức tỉnh, vội chạy đến. Quan sát một chút, không khó để cậu lí giải nguyên nhân của sự việc. Chắc chắn, cô bạn nhỏ nhà cậu lại đi không chịu nhìn, đường chỗ này thì chỉ rộng hơn một gang tay chút xíu. Muốn không ngã cũng khó!

May mắn, rạch nước chỗ này không sâu lắm. Nửa thân người phía dưới của Thảo Ngân chìm trong nước, khuôn mặt méo mó, ngước đôi mắt cún con đáng thương, giơ tay cao hướng người trên bờ cầu cứu.

Trước bộ dáng không thể khước từ của cô bé, chàng thiếu niên nọ hơi cúi người xuống, đưa tay ra. Thế nhưng, ngay tại thời điểm bàn tay bé nhỏ của ai đó nắm lấy, Hoàng Bách nhất thời giật nảy, vội thu tay về. Vì sao cậu lại có cảm giác như bị điện giật thế này?

Cô bé nào đó nhổm người đứng lên được nửa đường, đột nhiên mất đi điểm tựa, cả thân người liền hướng rạch nước, lại “Ùm…” một tiếng, rơi trở lại nước. Lần này, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, toàn thân cao thấp, không chỗ nào không ướt.

Thảo Ngân bày ra vẻ mặt bất mãn, vừa nhổ nước bẩn trong miệng ra ngoài, vừa ấm ức lên án người trên bờ:

“Hoàng Bách đáng ghét! Sao cậu lại buông tay ra?”

Từ trên cao nhìn xuống, Hoàng Bách có thể thấy ai đó quần áo sũng nước, tóc ướt dính bết vào mặt, tay chân dính đầy bèo tấm. Ngay giữa đỉnh đầu cô bé, hai thân bèo tây xanh mướt rất không có hình tượng, ngang nhiên mọc lên. Bộng dạng cô bé hết sức thê thảm lại vô cùng buồn cười.

Và thế là, chàng thiếu niên nào đó, trong ánh chiều vàng rực rỡ, ngồi trên bờ đất cạnh một con rạch nhỏ, nhìn người ngồi trong nước, cứ như vậy ôm bụng cười “Ha ha…” không ngừng.

Ngay cả mấy người nông dân đang bận rộn gặt lúa gần đó, trong thoáng chốc nghỉ mệt duỗi thẳng lưng, liếc nhìn thấy cô bé cũng phải dừng lại bật cười.

Thảo Ngân cúi đầu soi bóng mình trên mặt nước, lại nhìn ai đó đang cười như được mùa trên bờ, tức giận kéo đám bèo tây trên đầu mình xuống, ném sang một bên. Có người từng nói với cô: “Nhất định không được để người khác bắt nạt.”. Hôm nay, cô sẽ làm thế.

Từng chút một nhích lại gần bờ, cánh tay ngăn ngắn của cô bé nào đó cẩn trọng vươn lên, tại thời điểm người trên bờ vẫn đang nhe răng cười, bàn tay ấy nhanh nhẹ túm lấy ống quần của người ta, kéo thật mạnh.

Giây kế tiếp, mọi người lại nghe thấy tiếng “Ùm…” quen thuộc.

Không chỉ có bèo lớn nhỏ dính đầy người, mà trên đỉnh đầu Hoàng Bách, chễm chệ ở đó còn có một con nhái nhỏ với cái cổ đang liên tục phập phồng hết sức sinh động. So với bản thân, Thảo Ngân nhìn thế nào cũng thấy cậu ấy thê thảm hơn mình rất nhiều.

Hai đứa trẻ mặt đối mặt nhìn nhau. Thẳng cho đến khi con nhái nhỏ ngắm cảnh chán chê, nhảy khỏi đầu Hoàng Bách, rơi tõm xuống nước, lúc này cả hai liền không kìm nén được nữa, cất tiếng cười to.

Buổi chiều hôm ấy, thay vì ra đồng trợ giúp gia đình bác hai mấy chuyện lặt vặt, hai đứa trẻ nào đó còn chưa đi đến nơi đã phải quay trở về trong bộ dạng chuột mắc mưa. Một trong hai chiếc dép của Thảo Ngân bị vùi sâu dưới lớp bùn đất đáy nước, tìm thế nào cũng không thấy, khiến cho bộ dạng trên đường trở về của cô bé lại càng buồn cười hơn, để lại trong lòng bà con, cô bác xóm giềng một ấn tượng vô cùng khó phai. Chẳng thế mà sau này, khi những đứa trẻ đã trưởng thành, nhắc đến cô bé, người ta liền nhớ ngay đến tạo hình kinh điển toàn thân ướt nhẹp, một tay cầm dép, một tay cầm nón lá có một không hai đó.
Bình Luận (0)
Comment