Ngày ấy Tùy Xán Nùng quyết định đi dạy ở trường quốc tế chủ yếu là vì thấy được nghỉ nhiều, mùa đông mùa hè đều có kì nghỉ, lễ Giáng Sinh, Phục Sinh ở nước ngoài cũng được nghỉ, lại còn theo chế độ chia nhỏ các lớp học, hẳn là công việc nhẹ nhàng sung sướng bậc nhất rồi.
Sau khi vào làm việc, Tùy Xán Nùng mới biết mình bị lừa.
Áp lực của việc dạy một lớp ít người không hề nhỏ chút nào, đã vậy trường học còn tổ chức đủ thứ hoạt động linh tinh nhiều vượt bậc so với tưởng tượng của anh.
Ví dụ như hôm nay là “Green Day” của trường, học sinh không phải mặc đồng phục, giáo viên không phải vận tây trang mà có thể đồ bình thường màu xanh đến.
Trường thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện, ví dụ như Ngày Màu Hồng liên quan đến ung thư vú, Ngày Xanh Lam liên quan đến Trái Đất.
Chủ đề của hôm nay là bảo vệ môi trường, buổi sáng học sinh chỉ phải học hai tiết, nửa ngày còn lại sẽ tham gia các hoạt động liên quan mà nhà trường tổ chức.
Sáng sớm ở nhà, Tùy Xán Nùng lôi ra một chiếc áo khoác xanh lục màu quân đội, nhưng khi mặc vào anh cảm giác nó không “lục” lắm, thế là lại đi thêm đôi giày đế cói màu xanh lục.
Anh nghĩ mình đã quá lắm rồi, cho đến khi vừa mới đến trường thì bắt gặp Thomas đội tóc giả màu xanh lá mạ đứng ngay trước cổng, phấn khởi vẫy tay với mình.
Tùy Xán Nùng cảm giác mình xem nhẹ sự nhiệt tình của anh chàng người Anh này rồi.
Buổi chiều, nhà trường tổ chức một gian chợ từ thiện ở hội trường tầng hai, mỗi giáo viên được cử đi trông nom một gian hàng nhỏ, Thomas với Tùy Xán Nùng được phân công phụ trách gian hàng tái chế chai lọ.
Nói cách khác, họ phải canh một cái hòm thật lớn, suốt cả chiều chỉ việc ngồi đợi khi học sinh đem các thể loại chai nhựa thu thập được từ nhà đến thì sẽ tặng lại cho các bạn quyên góp một miếng sticker nhỏ hình tròn màu xanh lục.
Sau khi dọn gian hàng, Thomas nóng vã cả mồ hôi, thế mà vẫn nhất quyết không chịu tháo bộ tóc giả trên đầu xuống.
“Tùy này.” Thomas thở hổn hển, “Nói chuyện với tôi cho tôi phân tán sức chú ý đi, tôi sợ có khi tôi không gượng nổi tới khi bọn nhỏ đến nữa.”
Tùy Xán Nùng trông thôi cũng thấy ngộp thay: “Cậu tháo nó xuống là được mà?”
Thomas lắc đầu nguầy nguậy: “Rối tóc đấy.”
Tùy Xán Nùng cũng bó tay, đành phải cầm hai tờ đơn quảng cáo quạt trên đầu anh ta.
“Thế này đi.” Tùy Xán Nùng do dự, nói, “Tôi miêu tả ngẫu nhiên cho cậu một vài người, cậu phân tích giúp tôi xem trạng thái tâm lý của bọn họ có bình thường hay không nhé.”
Thomas có vẻ thấy đề tài này rất thú vị, anh ta hào hứng đáp “Được thôi”.
“Một hôm nọ, cậu gặp một người như thế này.” Tùy Xán Nùng nói, “Cậu ấy đứng bên cầu, hút thuốc với tâm thái u buồn, sau đó bỗng rướn mình ra khỏi thành cầu, dò một lúc lâu thật lâu mới đứng thẳng người về.”
Thomas trầm ngâm.
“Mơ hồ quá nhỉ, khó nói đấy.” Thomas phân tích, “Lỡ như phía dưới cầu có thứ gì đó thì sao, ví dụ một đàn vịt con bơi qua chẳng hạn?”
Tùy Xán Nùng đáp “Ừ”.
“Có một người thế này nữa.” Anh nói tiếp, “Cánh tay cậu ấy bị rạch một vết rất rộng, nhưng cậu ấy cứ liên tục nói với người khác rằng không sao đâu, không đau, vết thương nhỏ thôi.”
“Nhưng khi xung quanh không còn ai, cậu ấy lại lén nở nụ cười với vết thương của mình.”
Vẻ mặt Thomas chuyển sang lưỡng lự: “Cái này nghe lạ đấy, bảo “chỉ là vết thương nhỏ thôi” thì tôi hiểu, có thể là vì không muốn để người khác thấy lo lắng thôi, nhưng tại sao lại cười nhỉ?”
Tùy Xán Nùng tiếp tục: “Còn một người thế này nữa, lúc đi ăn, cậu ấy lôi điện thoại ra chụp ảnh đồ ăn, bảo là muốn lưu giữ kỉ niệm, bởi vì có thể sau này không còn cơ hội được ăn nữa.”
Thomas cau mày.
Tùy Xán Nùng: “Tiếp đây, nếu tôi nói ba đối tượng trên là cùng một người thì sao?”
Thomas trợn tròn mắt.
Tùy Xán Nùng không nói nữa, ngước lên nhìn cửa, anh mới biết đã tan tiết từ lúc nào, không ít học sinh lục tục vào hội trường.
Diễn viên hài Thomas phụ trách thu hút sự chú ý của các học sinh và kêu gọi bọn nhỏ tham gia hoạt động, Tùy Xán Nùng phụ trách đếm số vỏ chai đồng thời dán sticker trước ngực áo học sinh.
Các học sinh tham gia rất tích cực, có nhiều người vì muốn lấy sticker mà còn ra hẳn quầy bán quà vặt để mua một chai nước, uống ừng ực hết sạch tại chỗ.
Trong quá trình đó, Tùy Xán Nùng nhanh tay lẹ mắt đã kịp chặn lại mấy tên nhóc ranh ma định quyên cả bình giữ nhiệt vào.
Sau hai tiếng, xấp sticker đã chỉ còn mấy miếng, ngón trỏ và ngón cái Tùy Xán Nùng bám đầy keo dính, Thomas bên cạnh cũng sắp tan chảy vì nóng rồi.
“Tùy này.” Lúc nghỉ ngơi, Thomas lau mồ hôi, do dự gọi Tùy Xán Nùng, “Tôi muốn hỏi một câu, người mà cậu vừa nói ấy là do cậu tự bịa ra hay là cậu có người bạn như vậy thật?”
Tùy Xán Nùng còn chưa kịp lên tiếng, Thomas đã lo lắng nói tiếp: “Nếu có người như thế thật thì tôi nghĩ cậu cần phải nói chuyện với người ta đấy, trạng thái tâm lý của người đó có vẻ không ổn lắm đâu, cậu phải ——”
Tùy Xán Nùng đáp sau một quãng trầm ngâm, “Tôi bịa đấy.”
Thomas tức thì nhẹ nhõm hẳn.
“Tôi đi rửa tay trước đã nhé.” Tùy Xán Nùng nói.
Sau khi Tùy Xán Nùng về từ WC, giáo viên đến thay ca cho hai người đã tới. Thomas nóng không chịu nổi nữa, bảo phải về phòng nằm liệt giường đây, thế nên Tùy Xán Nùng đi dạo loanh quanh khu đó một mình.
Và rồi Tùy Xán Nùng bắt gặp gian hàng của Kỷ Linh.
Kỷ Linh được chia nhóm với Lâm, giáo viên mỹ thuật, gian hàng mà họ phụ trách cũng nhộn nhịp lắm. Trước quầy có tấm biển nhỏ, đề rằng chỉ 30 đồng là có thể mua được một chiếc kẹp tóc nhỏ.
Kẹp tóc là sản phẩm học sinh lớp mỹ thuật đan bện thủ công, đều thuộc kiểu dáng thực vật, còn nói số tiền lời thu được sau cùng sẽ quyên tặng cho các tổ chức công ích liên quan đến bảo vệ môi trường.
Hôm nay Kỷ Linh mặc áo sơ mi xanh nhạt, trên đầu kẹp chiếc kẹp tóc hình mầm đậu màu xanh lục. Cậu đang yên lặng đếm tiền trên tay, nom y như một loài thực vật nào đó đang tiến hành quang hợp.
Bước chân Tùy Xán Nùng dừng lại.
–
Kỷ Linh nói với học sinh trước mặt: “Tổng cộng 90 tệ.”
Món đồ trang sức nhỏ này rất được các bạn nữ săn đón, chỉ trong một buổi trưa Kỷ Linh với Lâm đã đếm tiền mỏi tay. Vừa nãy Lâm nói mình hơi khát nên đã đi lấy nước, chỉ còn lại Kỷ Linh trông hàng một mình.
Kỷ Linh vừa cất số tiền lẻ đi thì nghe có người nói: “Buôn may bán đắt ghê ta.”
Cậu ngơ ngác quay lại, thấy Tùy Xán Nùng đứng ngay trước mặt mình, đang chăm chú quan sát mấy chiếc kẹp tóc còn sót lại trên quầy hàng với vẻ hứng thú ra trò.
Kỷ Linh đơ người, nghe Tùy Xán Nùng hỏi: “Tay thầy đỡ hơn chưa?”
Kỷ Linh đáp “Ừm” thật khẽ: “Không sao nữa rồi.”
Tùy Xán Nùng gật đầu, lại mải mê xem xét kẹp tóc trên quầy.
“Thiết kế tinh xảo thật.” Tùy Xán Nùng ngước lên, cười nói, “Tôi cũng phải tham gia chứ nhỉ, mẫu mầm đậu như cái trên tóc thầy có còn hàng không?”
Kỷ Linh vươn tay chạm lên đầu mình, bấy giờ mới hiểu ra ý Tùy Xán Nùng là muốn mua kẹp tóc.
Kỷ Linh tìm khắp gian hàng một lúc rồi lắc đầu: “Kẹp tóc mầm đậu hết mất rồi, giờ còn mẫu khác thôi, ví dụ như chuối này, ngô với củ cải nữa.”
Tùy Xán Nùng đánh tiếng “Ồ”: “Thế thôi vậy, để tôi xem trước đã.”
Kỷ Linh hơi phân vân, cậu nói: “Hoặc nếu thầy không ngại thì tôi có thể cho thầy cái trên tóc tôi.”
Tùy Xán Nùng hơi ngạc nhiên: “Được thôi, nhưng mà tôi không có tiền lẻ, trả qua WeChat được không?”
Kỷ Linh gật đầu, cầm mã QR đã được đóng dấu trên bàn tới. Tùy Xán Nùng lấy điện thoại ra khỏi túi, bắt đầu quét mã.
Nhân lúc anh trả tiền, Kỷ Linh gỡ chiếc kẹp tóc hình mầm đậu trên đầu mình xuống, nâng trong lòng bàn tay.
Ấy vậy mà ngay sau đó, Tùy Xán Nùng đã đặt điện thoại xuống, khom người chúi đầu tới trước mặt Kỷ Linh, tỏ ý cho cậu cài thẳng lên tóc mình.
Tay Kỷ Linh run nhẹ.
Tùy Xán Nùng cao hơn Kỷ Linh chừng nửa cái đầu, anh khom xuống khiến Kỷ Linh có thể dễ dàng cài kẹp tóc lên mái đầu mình. Cậu cố định chiếc kẹp trên tóc Tùy Xán Nùng thật cẩn thận, còn nhẹ nhàng vuốt nếp mấy sợi tóc xung quanh.
Rồi cậu rụt tay về.
Tùy Xán Nùng lúc lắc đầu, lấy điện thoại ra soi xem đỉnh đầu mình, không giấu được niềm vui.
“Hay thầy cũng qua thăm gian hàng của tôi với Thomas đi?” Anh ngẩng đầu lên, hỏi nhẹ tênh, “Thầy có chai nhựa rỗng không? Một chai đổi được một miếng sticker đấy.”
Kỷ Linh cố nhớ lại, đáp: “Chắc là có đó.”
“Nhưng mà ở trong phòng tôi, chắc tôi phải về lấy rồi.” Cậu nói.
Tùy Xán Nùng: “Ừm, thế tôi đi dạo quanh đây tí đã, lát nữa đợi thầy ở quầy hàng của tôi nhé.”
Hồi trưa Kỷ Linh lấy một chai nước dưới căn tin, cậu nhớ hẳn là giờ cái chai đó vẫn đang nằm trên bục giảng phòng mình.
Thật ra cậu hơi hối hận, bởi vì buổi sáng cậu có vào cửa hàng tiện lợi mua một chai nước chanh, nhưng uống xong lại vứt chai đi mất.
Vừa mới rời khỏi khu vực hoạt động, còn chưa kịp lên tầng, Kỷ Linh đã thấy Lâm và một giáo viên nữ khác ở ngoài hành lang.
Hai người họ đứng bên cửa sổ hành lang, bên cạnh dựng một chiếc ghế dựa, Lâm vừa chỉ ra ngoài cửa sổ vừa sốt ruột nói gì đó với cô giáo còn lại. Kỷ Linh cảm giác hình như hai người họ đang gặp khó khăn gì đó, bèn hỏi: “Có chuyện gì vậy?”
Thấy Kỷ Linh đến, Lâm như níu được cọng rơm cứu mạng: “Kỷ, giúp chúng tôi một chút được không?”
Kỷ Linh đã hiểu được đại khái sự việc rồi.
Vốn dĩ trên cửa sổ hành lang treo một dải cờ tam giác dài, trên mỗi lá cờ là tranh liên quan đến việc bảo vệ môi trường do các em học sinh lớp 8 học mỹ thuật vẽ nên, lát nữa còn phải chụp ảnh lưu niệm.
Nào ngờ không biết vừa nãy có học sinh nào đi ngang qua thấy nóng mà lại mở cửa sổ ra, ngoài trời có gió, lá cờ không treo chắc nên một đầu dây cột bị lỏng lẻo, cả dải cờ bị gió hút ra ngoài cửa sổ, đang mắc trên nhánh cây bên ngoài cửa sổ.
Hai cô giáo này đều có vóc dáng nhỏ nhắn, tuy đã tìm được ghế nhưng đứng lên tay vẫn không đủ dài, mãi mà vẫn chưa với tới.
Đầu tiên Kỷ Linh giẫm lên ghế để vươn tay ra, phát hiện vẫn còn cách một khoảng.
Cậu lắc đầu, nói: “Để tôi thử xem, nhưng hai người nên đi tìm thứ gì đó dài dài đi, ví dụ như thước kẻ hoặc chổi chẳng hạn.”
Hai người bối rối rời đi, Kỷ Linh ngẩng lên quan sát, nhăn mày.
Gió ngoài trời khá mạnh, lá cờ thì lại nhẹ tênh, Kỷ Linh cảm giác nếu nó cứ thổi thế thì chẳng mấy chốc những lá cờ được vẽ lên xinh đẹp sẽ bị cuốn bay đi mất.
Nhưng đây đều là tâm huyết của học sinh mà.
Kỷ Linh hơi do dự, cuối cùng vẫn rướn người ra ngoài cửa sổ.
Cậu vươn tay cố gắng níu tới góc lá cờ, nhưng vẫn cứ là thiếu một khoảng nữa. Cậu mím môi, lại nhoài cơ thể ra ngoài thêm nữa.
Sau đó, Kỷ Linh bỗng nghe có tiếng nói: “Thầy đang làm cái gì thế?”
Kỷ Linh ngơ ngác quay qua, thấy Tùy Xán Nùng đã đứng ngay sau mình chẳng biết từ bao giờ, đang nhìn mình chằm chằm.
Chẳng hiểu có phải ảo giác không mà Kỷ Linh cảm giác sắc mặt Tùy Xán Nùng trông khó coi lắm.