Nửa Đời Thanh Tình

Chương 14

Đại mộng thùy tiên giác, bình sinh ngã tự tri (1). Có một câu nói: Ngủ quá sâu, sẽ bị lạc mất hồn phách. Cho đến khi Vân Yên mở to mắt tỉnh lại, nhìn trần nhà lạ lẫm. Nàng không biết mình đang ở đâu, bây giờ là lúc nào, thậm chí đây là thời đại nào. Tất cả giống như một giấc mộng ngàn năm, nàng không phân biệt được đâu là hiện thực đâu chỉ là mơ. Vân Yên vén chăn bước xuống giường trong trạng thái vô thức, không đeo giày. Nàng mở cửa, thấy giường lớn và màn trướng màu vàng ấm trong căn phòng, ánh sáng rọi vào từ ngoài cửa sổ chạm hoa cổ kính, bài trí trong căn phòng vừa lạ lẫm lại vừa quen thuộc, suy nghĩ của nàng từng chút một quay lại ——

- Tỉnh rồi à?

Bên ngoài đột nhiên vang lên giọng nói đàn ông gần trong gang tấc, giọng Bắc Kinh trầm thấp mà giàu từ tính. Vân Yên giật thót mình, cắn mạnh môi, đau thật! —— suy nghĩ nhanh chóng quay trở lại. Chủ tử hiện tại của nàng là Tứ Bối Lặc Dận Chân!

Nàng cúi đầu phát hiện mình vẫn đang mặc trung y, đi chân trần đứng trên mặt thảm. Huyệt Thái Dương nhảy thình thịch! Dường như là phản xạ có điều kiện, nàng dùng tốc độ nhanh nhất có thể quay trở về gian phòng nhỏ của mình đóng sầm cửa lại.

Nàng vừa nhanh chóng mặc bộ quần áo mùa đông, vừa nghĩ bây giờ là mấy giờ? Ông chủ đã trở về, vậy mà mi vẫn còn say giấc nồng, gan cũng to thật.

Nàng chật vật nhanh chóng chỉnh đốn lại trang phục bản thân, vội vàng đi ra ngoài, bước chân có phần chột dạ đi đến phòng ngoài.

Dận Chân đang ngồi trước bàn, tay cầm bút lông đang sao chép cuốn kinh, bên cạnh là một chồng công văn đã xử lý xong. Làn khói nhẹ nhàng lượn lờ bay lên từ lò hương chạm rỗng bên cạnh, tịch mịch mà uyển chuyển. Khuôn mặt chàng lúc ẩn lúc hiện trong làn khói mỏng manh. Trong phòng thoang thoảng mùi đàn hương, hôm nay trong góc phòng có thêm mấy lò sưởi, cả căn phòng yên tĩnh mà ấm áp.

Vân Yên nhìn sắc trời ngoài cửa sổ, đã là buổi chiều, chẳng trách cảm nhận được rõ ràng tiếng bụng đói đến vậy.

Nàng đứng nguyên tại chỗ không dám nhúc nhích, Dận Chân không ngẩng đầu mở miệng nói:

- Có sức để mài mực không? Trên lò sưởi là cuả ngươi.

Vân Yên nghiêng đầu nhìn hộp cơm được giữ ấm trên lò sưởi được đặt bên cạnh góc chiếc bàn nhỏ khác. Nàng mím môi cung kính cúi đầu tạ ơn.

- Nô tài tạ ơn Tứ gia!

Vân Yên bước đến mở hộp cơm ra, bên trong đều là những món ăn tinh xảo mà trước đây nàng chưa từng thấy bao giờ trong bữa cơm của hạ nhân, hai tay nâng mép hộp cơm, nhíu mày hơi do dự.

- Sau này ngươi sẽ ăn cùng ta.

Dận Chân liếc nhìn hộp cơm của Vân Yên, cúi đầu tiếp tục viết chữ.

Vân Yên ngẩng đầu lên trợn tròn mắt, nhẹ giọng trả lời:

- Vâng, Tứ gia.

Yên lặng lấy cơm ra, bắt đầu ăn. Khi ăn nàng rất giống một con vật nhỏ, cái miệng nho nhỏ, ăn cũng rất yên tĩnh. Nàng ăn thức ăn tinh xảo mà lại có cảm giác như mình có thể chết bất cứ lúc nào. Thức ăn hoàng gia dành cho những người cao quý chậm rãi thưởng thức, sao có thể dành cho loại người như nàng ăn như vịt để lót dạ chống đói? Cảm giác đói cồn cào biến mất, Vân Yên nhanh chóng thu dọn hộp cơm, tới chái phía tây cất. Ngẫm nghĩ vẫn nên đun canh gừng như hôm qua, nàng đổ một ít nước nóng và dùng xà phòng thơm rửa sạch tay, mới quay lại phòng.

Nàng cúi đầu khẽ khàng đi tới gần Dận Chân đang ngồi bên bàn, cầm thỏi mực lên, bắt đầu nhẹ nhàng mài mực, hơi thở nhẹ nhàng mỏng manh. Nàng không quên ý tứ câu nói của chàng, ăn no xong thì mài mực.

Lông mi của chàng khẽ động rồi lặng lại, dáng người cao ngất vẫn cầm bút viết, ánh mắt tập trung mà trầm tĩnh. Trên bàn là cuốn Kim Cương Kinh Vân Yên đã tìm ra.

Mùi hương nhàn nhạt của mực vấn quanh mũi, trên mặt giấy Tuyên Thành từng con chữ thanh thoát tinh tế xuất hiện dưới ngòi bút —— Này Tu-bồ-đề. Ý ông thể nào. Có thể do thân tướng mà thấy Như Lai chăng. Bạch Thế Tông, không thể nào. Không thể do nơi thân tướng mà thấy Như Lai. Vì sao. Vì khi Như Lai nói thân tướng, tức không phải thân tướng. Đức phật bảo Ngài Tu-bồ-đề. Hễ có hình tướng là giả dối. Nếu thấy các tướng không phải là tướng. Tức thấy Như Lai.

Người xưa nói: Thấy chữ như thấy người. Nét chữ mạch lạc trên giấy Tuyên Thành cũng giống như đường nét khuôn mặt của người đàn ông này. Lý trí nhưng gợi cảm. Chàng, không hề giống với bất cứ người nào.

Vân Yên nghiêng nửa đầu vừa nhẹ nhàng mài mực, vừa lẳng lặng nhìn con chữ chàng viết ra. Cây bút của chàng dường như có ma lực, trong làn hương ấm áp xinh đẹp, từng con chữ như một câu thần chú huyền bí đầy mê hoặc, giữa những hàng chữ mang theo những âm hưởng cổ xưa nhịp nhàng và hài hòa.

Nàng đưa cho chàng một chén sứ bên trong có thêm nước nóng. Lấy một cái lò sưởi khác đến bên Dận Chân rồi quỳ xuống, nhẹ nhàng vén vạt áo chàng lên, nâng hai chân chàng, đặt lò sưởi dưới đáy giày rồi để chàng giẫm lên. Đứng lên tiếp tục nhẹ nhàng mài mực.

Không nói lời nào, thậm chí không trao đổi ánh mắt, trong căn phòng chỉ có tiếng hô hấp nhẹ nhàng. Tuyết tung bay ngoài cửa sổ. Năm tháng tĩnh lặng.

Thời gian cứ trôi qua như vậy, Dận Chân theo quy luật mỗi ngày vào triều, xử lý công vụ, sao chép kinh văn. Tuy nhiên trong quy củ hoàng thất, dù có sủng hạnh, nhưng để đề phòng người bên gối hành thích, không bao giờ được cùng phòng với phi tử phúc tấn. Nhưng Dận Chân trong mùa đông này dường như đã im lặng đến khác thường, vào ban ngày chỉ thỉnh thoảng đến nhà chính trong hậu viện ngồi một lúc, phần lớn thời gian đều tĩnh lặng trong tòa viện này. Khi quyển Kim Cương Kinh được sao xong, cũng là ngày trừ tịch (giao thừa) của năm Khang Hi thứ ba mươi tám đến.

Tứ gia là người có cảm giác tồn tại rất manh mẽ, mà Vân Yên lại là người không hề có cảm giác tồn tại. Những ngày tháng trong viện này, Vân Yên giống như hình với bóng, ba bước không rời chỗ ngồi của chàng, mi thanh mục tú.

Trừ tịch năm Khang Hi thứ ba mươi tám, hao gầy đến lạ thường. Ở chỗ Na Lạp thị, Vân Yên mới biết nguyên nhân chàng hao gầy là do ——

Mẫu phi của Thập Tam Hoàng tử qua đời, được Khang Hi truy phong Mẫn Phi.

Tứ Bối Lặc gia từ nhỏ đã được Hiếu Ý Hoàng hậu dưỡng dục, cảm tình sâu nặng. Khi chàng mười một tuổi thì hoàng hậu từ trần, người yêu thương chàng nhất không phải là mẹ đẻ của chàng và Thập Tứ a ca là Đức Phi, mà là mẫu phi của Thập Tam a ca Mẫn Phi. Bởi vậy, tình cảm của Tứ a ca và Thập Tam a ca sâu nặng như cùng một mẹ. Mùa đông này, Mẫn Phi dịu dàng hiền từ bệnh nặng không qua khỏi. Thập Tam hoàng tử Dận Tường giữ đạo hiếu ba năm.

Vân Yên lẳng lặng ngồi yên tháp bên ngoài thư phòng, vừa tiêu hóa tin tức mới biết được từ chỗ Na Lạp thị, vừa thắt một kết Trung Quốc (2) màu đỏ rực rỡ thật to.

Người xưa thắt kết là để ghi nhớ.

Tứ Nghi Đường vào năm Khang Hi thứ ba mươi tám, chỉ mong kết Trung Quốc đỏ rực có thể mang lại ấm áp cho viện chủ tử và cho cả phủ này.

(1) Trích từ bài thơ Vô Đề của Gia Cát Lượn, bản dịch của nhà thơ Tú Sót: “Mộng dài ai sớm tỉnh, Đời ta ta biết ta.”

(2) Kết Trung Quốc
Bình Luận (0)
Comment