Ở Rể (Chuế Tế)

Chương 45

- Bán không được…

Phương đông chưa sáng, Nhiếp Vân Trúc đã ngồi trước bậc thang tiểu lâu nâng cằm buồn rầu nói:

- Mấy hôm trước muội đã đi gặp quản sự của các tửu lâu lân cận theo lời công tử, nhưng họ nói thứ này trước nay chưa thấy ai ăn, giá lại quá cao nên không đồng ý cho gửi bán ở quầy.

Khả năng sản xuất trong thời đại này vẫn chưa nhiều, các loại thực phẩm như gạo, mì thuộc về dạng nhu yếu phẩm nên giá cả tương đối rẻ, còn những thứ như thịt trứng thì có phần quý hơn.

Dựa theo tỉ lệ thì cái bánh rán giá hai văn tiền tương ứng với một đồng nhân dân tệ, hột vịt muối giá mười văn thì tương đương với năm đồng. Mà trứng muối bán theo đề nghị của Ninh Nghị là hai mươi văn một quả, vậy nên nó gần như là hàng xa xỉ rồi.

Trong cái thời đại mà những nhà khá giả chỉ thỉnh thoảng mới ăn thịt ăn trứng thì thứ đồ này dĩ nhiên là khó bán.

Đương nhiên thành Giang Ninh vẫn còn rất nhiều người giàu. Đơn cử như ở thanh lâu, muốn một cô nương thì vào cửa phải trả ba quan, tức là ba lạng bạc - ba ngàn văn tiền, ca múa đàn hát ba quan, lên giường lại mất thêm ba quan nữa, vậy một lần mất tổng cộng chín quan tiền, tương đương với bốn ngàn năm trăm đồng. Cô nương nào bán thân có giá cao hơn thì cũng là ngoại lệ hiếm hoi, còn với mấy người không bán thân như Nguyên Cẩm Nhi, Lục Thái Thái, Ỷ Lan hay là Nhiếp Vân Trúc trước đây thì càng cao hơn nữa. Thực ra điều này không có hạn định gì, nhưng nếu một đám người nguyện chi tiền mà ngươi vẫn keo kiệt thì làm gì có cửa, sau này cũng chẳng ai thèm quan tâm. Tỷ như nhóm huynh đệ của Tô Đàn Nhi mỗi lần vung tay là hàng chục lạng bạc, điều này đối với gia đình bình thường là một khoản kếch sù, nhưng nếu muốn ăn chơi xa hoa, đua đòi theo mấy nhóm bạn xấu thì cũng chỉ xem như chuyện vặt.

Kẻ bỏ ra chín ngàn văn tiền tìm cô nương chưa chắc đã chịu ăn trứng muối hai mươi văn ven đường, nhưng ít ra điều nàychứng minh, sức mua Giang Ninh vẫn luôn có.

Muốn bán giá hai mươi văn thì phải tìm đến những chốn xa hoa, trà lâu tửu quán nổi tiếng để nhờ bọn họ bán giúp. Nhưng dù sao đây cũng là một thứ đồ mới, bạn nhờ tôi bán trứng với giá hai mươi văn một quả, còn tôi thì chẳng phải nhà từ thiện. Trước đây Nhiếp Vân Trúc tài nghệ hơn người, lại xinh đẹp nên được gọi là tài nữ, nhưng mấy bản lĩnh đó chẳng giúp gì được trong việc làm ăn nên chuyện gửi bán một quả trứng hai mươi văn liền không thành. Thậm chí có hai tên quản sự tửu lâu cơ bản còn chưa nói chuyện, thấy nàng xinh đẹp lại đi bán bánh rán bỗng muốn động tay động chân, nàng đành lập tức bỏ đi.

Chuyện này đối với Nhiếp Vân Trúc - một người mong muốn thoát khỏi thân phận ngày trước, cố gắng nỗ lực kiếm tiền mưu sinh như bao người khác – là một sự đả kích lớn. Được cái tính cách nàng khá cứng cỏi, đổi lại là người khác sợ sẽ nghỉ bán, nhưng nàng thì chưa hề nghĩ tới những điều như vậy.

Ninh Nghị một đường chạy tới mồ hôi đầm đìa, trên tay cầm đồng bạc đùa nghịch, cười nói:

- Mới đây, ta vừa đánh cuộc với người ta, bảo rằng chỉ cần một tháng trứng muối sẽ bắt đầu bán được.

- Bán được?

- Ừ, mỗi ngày ít ra phải bán được hai mươi, ba mươi quả.

- ...Hả.

Nhiếp Vân Trúc suy nghĩ một chút rồi bật cười

- Muội sẽ cố bán được ba mươi quả, chắc là có thể gửi đến Kim Phong lâu một ít.

Hiển nhiên Nhiếp Vân Trúc phải do dự một lúc mới nói ra câu này. Việc nàng đang nghĩ tới không hề giống với Ninh Nghị. Theo như nàng thấy thì Ninh Nghị là người tốt, một đại tài tử đặc biệt thú vị và hài hước, nhưng có lẽ không hợp với việc buôn bán. Hiện tại y phát minh ra trứng muối nên nhờ mình hỗ trợ bán hẳn để khoa trương, âu cũng là việc bình thường, nếu mình không bán được nhiều thì y sẽ mất mặt.

Thật ra, không phải thực sự hết cách thì nàng cũng chẳng cân nhắc tới Kim Phong lâu làm gì. Tuy tú bà trước đây tuân thủ khế ước không bức bách gì nàng, nhưng cũng chẳng phải người lương thiện. Nợ ân tình không phải là việc hay, nhưng dù sao thì việc dựa vào mối quan hệ này cũng là biện pháp duy nhất nàng nghĩ ra.

Ninh Nghị nghe nàng nhắc đến Kim Phong lâu thì hơi ngớ người, sau mới hiểu.

- Không cần làm vậy.

Gã lắc đầu rồi chỉ vào cái xe đẩy nhỏ kia.

- Trưa nay thu quán sớm một chút, cái xe đẩy này phải trang trí thêm, chứ để đơn giản như hiện tại thì không bán nổi hai mươi văn đâu.

- Trang trí?

- Ừ… Là tùy ý bài trí thêm vài thứ.

Nhiếp Vân Trúc gật đầu, ánh mắt mê man tỏ vẻ đã hiểu…

Tới giữa trưa thì nghỉ dạy, Ninh Nghị tạt qua chợ ăn cơm rồi mua đủ thứ màu sơn, bút lông, bàn chải lớn nhỏ tới chỗ Nhiếp Vân Trúc. Lúc này nàng mới hiểu gã định làm gì. Buổi chiều, sau khi chùi rửa sạch sẽ chiếc xe, Ninh Nghị dùng phấn phác họa đường nét cơ giản, ước lượng một lát rồi ngồi xuống ghế đẩu bắt đầu vẽ.

Lúc này Nhiếp Vân Trúc cũng không biết giúp gì, đành ngồi xổm một bên nhìn xem.

Khi nàng trở về phòng thì gặp Hồ Đào, nàng ấy hỏi:

- Ninh công tử muốn vẽ tranh lên cái xe bán trứng muối à?

- Có vẻ là vậy.

- Nhưng mà, dùng sơn sao vẽ đẹp được…

- Có rất nhiều loại sơn, chưa hẳn tất cả đều dùng để vẽ tranh … Ninh công tử….. chắc cũng có học qua mấy thứ này…

Thật ra Nhiếp Vân Trúc vẫn hơi lo lắng, cầm kì thi họa vốn là những thứ phong nhã. Ninh Nghị vẽ đẹp hay không tạm chưa nói đến, nhưng với danh tiếng của gã hiện tại, chỉ vì bán trứng muối mà vẽ tranh lên xe đẩy, nếu để người khác biết được chỉ sợ sẽ chuốc lấy phê phán. Vẽ càng đẹp, phong thanh ra ngoài lại càng nguy hiểm.

Trái lại, tâm tình Hồ Đào cũng không tốt, nàng gần đây luôn vì tiểu thư mà lo lắng. Từ đêm Nguyên Tiêu, khi biết tiểu thư qua lại với đệ nhất tài tử Ninh Nghị mà y lại có thực tài thì lo lắng của nàng càng tăng thêm. Tất nhiên nàng muốn sớm được kết hôn cùng Nhị Ngưu, nhưng tiểu thư vẫn chưa có nơi nương tựa làm nàng chưa thể yên lòng. Giờ đây tiểu thư tựa hồ có hảo cảm với người này, nhưng chuyện này là thế nào chứ, chẳng lẽ nói với tiểu thư rằng: Không gả được.

Thân phận đối phương là người ở rể, tiểu thư yêu y căn bản không có kết quả. Tài hoa người đó càng cao sợ sẽ làm tiểu thư càng say mê, không còn yêu được ai khác. Bối cảnh Tô gia to lớn, giả như thê tử của đối phương biết được mà tìm đến tận cửa thì mình biết phải làm sao, càng nghĩ nàng thấy lo.

Suốt thời gian vẽ tranh, Ninh Nghị gọi Nhiếp Vân Trúc qua một lần để hỏi ý nàng về tên của quán nhỏ, nên gọi là Nhiếp Ký hay vẫn để Trúc Ký. Nhiếp Vân Trúc nghĩ một lúc rồi chọn Trúc Ký.

Chạng vạng tối, ánh tà dương nghiêng nghiêng ráng lên khúc sông Tần Hoài uốn lượn, việc trang trí lại xe đẩy cũng hoàn thành. Nhiếp Vân Trúc đi qua nhìn thì có chút trợn mắt há mồm. Phong cách bức tranh này nàng chưa từng thấy qua.

Không phải vẽ xấu mà ngược lại là quá đẹp, quá lạ lùng. Bức tranh trên xe có cấu trúc lập thể.(1)

Thời nay đã có màu vẽ nên tất nhiên cũng có các kiểu vẽ khác nhau, hoặc tinh tế tỉ mỉ hoặc thô ráp. Thế nhưng chiếc xe đẩy trước mắt tuyệt đối là thứ độc nhất trong thời đại. Kỳ thật bức tranh này cũng khá đơn giản, nhưng mấy thân trúc tượng trưng cho một góc rừng sau cơn mưa, ẩn giữa mảng sương mù là hình ảnh quả trứng muối nghiêng tách thành bốn miếng trông vô cùng sống động. Bốn chữ“ Trúc Ký trứng muối” nổi rõ trên đó, vẽ theo lối lập thể.

Đối với Ninh Nghị, đây chỉ là thủ pháp đơn giản. Khống chế tỉ lệ mỗi bộ phận của tranh vẽ không cân đối nhằm tạo hiệu ứng khi nhìn vào rừng trúc. Năm chữ “Trúc Ký trứng muối” này phối hợp với bóng đổ tạo nên cảm giác như đang lơ lửng phiêu bồng giữa đám sương mù. Có điều bức tranh trứng muối này chỉ mới tạm được, nhất thời không thể phối màu hoàn toàn phù hợp nên đành cố làm tương đối thôi. Cũng vì hỗn hợp sơn hơi nhạt nên Ninh Nghị chăm chút tô đậm màu đen vào viền ngoài bức tranh, tạo sự xung khắc cùng cảm giác lập thể rõ nét hơn. Nếu đẩy xe nhỏ này ra đường tuyệt đối có thể thu hút ánh mắt mọi người ngay trước nhất, hơn nữa nó không hề giống phong cách đương đại nên người ta sẽ nghĩ đây là chiêu bài của thương nhân chứ không phải là do bậc tài từ nào đó vẽ.

Tuy điều kiện có hạn, nhưng nhìn dáng vẻ kinh ngạc của đối phương đã đủ làm Ninh Nghị thỏa mãn. Nghĩ tới gu âm nhạc của Ninh Nghị cũng khá cổ quái, Nhiếp Vân Trúc nói:

- Lập Hằng với tranh vẽ lại như thế… Ưm, kỳ quái y chang. Phong cách này xưa giờ Vân Trúc chưa từng thấy qua, quả thực giống như vách đá mọc trên cái xe vậy...

Loại tranh này nếu theo phong cách tả thực thì sự trùng kích vào thị giác rất kém, hoàn toàn khác so với việc thưởng thức âm nhạc. Lúc này Nhiếp Vân muốn đưa tay ra sờ thử, Ninh Nghị thấy vậy mới cười gọi nàng, sau đó chỉ lên tấm vải che phía trên. - Sơn chưa khô, không được chạm vào. Chất liệu tấm vải che cũng nên thay đổi, để mai ta đi mua cái khác. Mấy ngày tiếp theo vẫn chưa khô nên cũng không buôn bán gì được… À.. Chúng ta còn cần chuẩn bị một ít đồ vật, chén đĩa đẹp, các loại gia vị tương cà, giấm, đậu hũ, đồ ăn kèm..., nhìn qua phải thật bắt mắt. Ừm, Đây là bước thứ nhất…

Ninh Nghị tính toán.

- Làm xong việc này rồi mới giải quyết tới mấy cái tửu lâu lì lợm kia..

Mấy buổi chiều sau đó, công việc từng bước được tiến hành. Chén đĩa xinh xắn, các loại tương liệu, đồ ăn kèm phối hợp.... Ninh Nghị chiều nào cũng ghé qua đây làm Nhiếp Vân Trúc thấy rất vui. Chỉ duy nhất Hồ Đào là không thích, tối đến than phiền một phen:

- Tiểu thư mua những vật kia có đáng không...

Ninh Nghị chọn những chén đĩa rất đẹp, nhưng trong mắt người thường thì không có bao nhiêu tác dụng, giá cả lại cao, dù một nửa là do Ninh Nghị trả tiền, coi như góp vốn, nhưng với Hồ Đào thì cũng chẳng có nghĩa lí gì.

- Tiền trong nhà không còn nhiều, nhưng tích góp tiêu dùng thì vẫn trụ được một khoảng thời gian. Vậy nhưng tên Ninh Nghị kia tiêu tiền bậy bạ, tiểu thư không khước từ mà còn làm theo, Ninh công tử có thể không cần để ý đến lãng phí tiền, nhưng tiều thư thì sao, chẳng lẽ chút tiền phòng thân cuối cùng cũng tiêu hết.

- Hồ Đào biết Ninh công tử có tài học cao siêu, đây là điều không thể chối cãi, nhưng hắn không hiểu buôn bán đâu, chúng ta chỉ mở một cái quán nhỏ thì cần gì chú ý nhiều như vậy. Tiểu thư à, tỷ không thể hồ đồ cùng hắn được. Chúng ta làm liều không hay đâu…

- Ninh công tử là người có thực tài, huynh ấy đã tự tin như vậy thì ta cũng tin tưởng, chưa đến bước cuối cùng, sao muội biết huynh ấy không được?

Kỳ thực trong lòng Nhiếp Vân Trúc vẫn chưa thấu hiểu, nhưng nàng vẫn nói với Hồ Đào như vậy.

- Người có tài học tiểu thư gặp còn ít sao?

Hồ Đào phản bác,

- Tài học là tài học, làm ăn là làm ăn, những người có tài học cũng bài bạc như thường, cuối cùng không đáng một đồng. Tuy Hồ Đào không hiểu nhưng đã thấy quá nhiều rồi, trên đường bao nhiêu hàng quán như vậy đều mang bộ dáng thế này, căn bản không giống với mấy thanh lâu tửu quán kia. Tiểu thư à, Ninh công tử ở rể nhà thương nhân, nghe nói thê tử của hắn là một quản sự rất lợi hại của Tô gia, chẳng qua do không nuốt trôi được cơn giận này nên muốn lấy tiểu thư làm thí nghiệm…

- Câm miệng!

Ánh mắt Nhiếp Vân Trúc nghiêm lại, cắt đứt lời nói của nàng.

Hồ Đào mím môi đứng đằng kia, nước mắt từ khóe mi lăn xuống, khẽ cắn răng nói:

- Tiểu thư cũng biết, người không thể gả cho Ninh công tử được, nếu như được thì Hồ Đào đã chẳng có ý kiến...

Nói xong câu này cả gian phòng chìm vào yên lặng, Nhiếp Vân Trúc ngồi dựa vào thành giường, ánh mắt thoáng xao xuyến. Một hồi lâu sau, nàng dùng sức nhắm mắt lại:

- Ta biết mà…

Rồi lại mở ra, khẽ cười…

- Hồ Đào, muội cũng đi ngủ đi, không còn sớm nữa...

***************

-----------------------------

Lập thể: nhiều hướng, không gian ba chiều.
Bình Luận (0)
Comment