Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 106

Tháng ngày thắm thoát trôi đi, trăng khuyết lại đầy. Khang Hi năm ấy đã là một thiếu niên tuấn tú mười lăm tuổi. Ngài nghe theo lời của người áo đen hôm nào ở Văn Uyên Các hằng ngày chỉ chuyên tâm đọc sách thánh hiền, còn chuyện quốc gia đại sự ngài nghiễm nhiên để mặc cho nhóm tam mệnh đại thần toàn quyền phụ trách. Ngay cả Phủ Viễn tướng quân dạo ấy cũng ít nhúng tay vào việc chính sự. Quốc nội vì vậy hết sức thái bình, không còn những vụ choảng nhau đến kinh thiên động địa long trời lở đất giữa hai đoàn thiết giáp quân và đoàn tinh binh áo đỏ nữa.

Có một hôm Khang Hi triệu Sách Ngạch Đồ vào cung bảo mời cho ngài hai vị sự phó, một vị người tỉnh Hà Nam tên gọi Thanh Bàn còn một vị tên Ngụy Duệ Giới. Hai vị học sĩ này ngày ngày giảng giải kinh sư cho ngài nghe ở Doanh đài. Thêm vào đó Khang Hi còn mời cả thi giảng học sĩ Cao Sĩ Kỳ để giảng giải về Tống học. Hoàng đế là người hiếu học, rất trọng Hán văn, ngày ngày giảng luận với các vị học sĩ không biết mệt. Khi về cung ngài lại còn giảng lại cho bọn cung nhân nghe. Bọn này từ bé đã vô học thành thử nghe mà chẳng hiểu rõ được ý nghĩa cao diệu, nhưng may được người thái giám tin cậy của Khang Hi là Ung công công chỉ dẫn thêm cho nên họ cũng dần dần hiểu biết thêm ra.

Khang Hi theo Thi Độc học sĩ học thuộc nào kinh nào sử, chứ tuyệt nhiên không động tới một sớ tâu nào. Khắp triều văn võ bá quan thấy thế ai nấy cũng đều lấy làm quái lạ.

Phụ thân của Sách Ngạch Đồ là Sách Ni, một trong những vị đại thần chuyên lo phụ chính ngó thấy Khang Hi không màng chính sự nữa thì lo lắng khuyên rằng:

- Hoàng thượng à, hiện thời ngài cứ để mặc cho tam mệnh đại thần lên điện Thái Hòa tác oai tác quái, nếu không giải quyết chúng sớm, không lên kế hoạch trừ khử bọn chúng e là họa sẽ đến trước mắt đó.

Nhưng Khang Hi cặp nhãn quan không rời khỏi cuốn Đạo Đức Kinh, thờ ơ trả lời:

- Việc liên quan đến tình cảm nội bộ trong triều đình đại Thanh ta, mà trẫm lại là vua của một nước, làm sao có thể nhẫn tâm ra tay đây? Vả lại tam mệnh đại thần bọn họ dù tốt dù xấu cũng là người mình mà, nay tương tàn lẫn nhau, để bọn loạn đảng có dịp dựng cờ khởi nghĩa thì thật uổng phí bấy nhiêu công lao lập quốc của Thái Tổ từ trước đến nay. Trẫm biết rõ tai họa sẽ đến trong một sớm một chiều thế nhưng muốn đợi Ngao tông đường ra tay trước, sau đó vì nghĩa ra quân thảo phạt mới là danh chính ngôn thuận.

Sách Ni nghe đáp vậy tức thì lia mắt sang Dương Tiêu Phong và Mộc Đình Quý. Với ánh nhìn khó hiểu, Sách Ni ý chừng muốn hỏi nguyên do tại làm sao hoàng thuợng lại trở thành bất cần thế này? Song chỉ bắt gặp cái so vai của Dương Tiêu Phong lẫn Mộc Đình Quý, Sách Ni liền cả gan nói:

- Nhưng hoàng thượng à, con người không ai là không sợ chết cả, tuy nhiên mọi người nguyện dùng cái chết để phụng sự cho ngài. Hoàng thượng sao có thể vì mấy kẻ tiểu nhân bỉ ổi hèn hạ xấu xa đó mà bỏ mặc đại cuộc để chúng phương hại bá tánh, làm điều đại ác chứ?

Sách Ni chưa thốt hết câu thì từ đằng cửa Ung công công trên tay cầm một lá thư hối hả chạy vào dường như có việc cấp báo.

Vì thấy Sách Ni ở đó nên Ung công công quỳ xuống làm động tác tham kiến xong không nói gì. Khang Hi hiểu ý bèn nhướng mày hỏi Sách Ni thời thần hiện tại là canh mấy rồi?

Sách Ni biết hoàng đế đuổi khéo, bực dọc tâu rằng:

- Hoàng thượng nếu vẫn không nghe lời hạ thần khuyên nhủ thì hạ thần không thể ở lại bên cạnh để bó tay chịu chết đâu, xin phép được cáo từ!

Nói xong quay phắt mình rời đi. Khang Hi nhìn theo Sách Ni, chờ cho lão thần phụ chính đó khuất bóng hẳn rồi mới bảo Ung công công khép cửa thư phòng lại trước khi trình tấu.

---oo0oo---

Lại nói tới Ngao Bái năm đó binh mã gần như nắm đủ cả trong tay rồi tuy nhiên tuổi già sức yếu không còn muốn cầm quân viễn chinh nữa. Thêm vào đó ở biên giới hiện thời chiến loạn, Chuẫn Cát Nhĩ có ý định muốn bành trướng lãnh thổ Hãn quốc, xua binh xâm chiếm đất đai Trung Nguyên. Ngao Bái hay tin bèn tìm thêm người có đảm lực để tiếp tay gã chỉ huy một số nhân mã trong quân đội Bát Kỳ.

Vào một đêm tối trời ở Ngao tông phủ thiết đãi tiệc thọ, hai vị cố mệnh đại thần và nhiều vị quan từ tam phẩm trở lên cũng đang có mặt tại đó.

- Cạn ly! – Có tiếng cười nói - Từ nay những gì ba người chúng ta nói ra đó cũng như là thánh chỉ rồi đó!

Người mới vừa xuất khẩu ngữ chính là Át Tất Long, gã nói vậy với hàm ý ám chỉ rằng lời của tam mệnh đại thần phán ra cũng giống như là lệnh vua ban ra vậy, là tất yếu, ai không nghe theo thì chỉ có đường chết thôi.

Tô Khắc Táp Cáp ngồi cạnh Át Tất Long nghe bằng hữu của gã tự ví mình là chân mạng thiên tử tức thì bật cười đắc chí, gã đang tít mắt thì thốt nhiên chững lại, chả là từ ngoài cửa vọng vào tiến của quản gia:

- Ngao đại nhân đến!

Ngao Bái tà tà bước vào đại sảnh một cách oai vệ, an tọa ở trên ghế thượng. Cửu Dương cùng các vị quan đứng dậy làm lễ chào sau đó đồng loạt phân làm hai hàng ngồi xuống, tổng binh, phó tướng, tham tướng của các doanh, nhân số khá đông đảo. Cửu Dương liếc mắt nhìn quanh thêm một lần, nghĩ bụng tiệc thọ lần này thiết đãi khoảng hơn trăm người song ngoại trừ Ngao Bái ra thì không ai tin tưởng vào năng lực của chàng cả. Mặc dầu năm xưa khi ở Giang Nam chàng lăn lộn trong chốn lục lâm, phóng khoáng hành hiệp giang hồ, cướp giàu giúp nghèo gây ra vô số vụ án lớn. Hơn thế võ công của chàng lại cao cường, huynh đệ dưới tay cũng rất đông, quan phủ không làm gì được…

Trong lúc Cửu Dương bận hồi tưởng chuyện quá khứ thì Ngao Bái phẩy tay bảo đám a hoàn trong phủ dọn tiệc lên trên bàn. Mùi rượu hảo hạng hòa quyện cùng mùi thức ăn thơm nức mũi. Từ trong chính sảnh tiếng cười nói xen lẫn tiếng cụng ly chan chát vang lên, một bầu không khí rất ư náo nhiệt.

Ngao Bái lúc này về danh nghĩa chẳng khác nào Đại Hãn, nghĩa là người thống soái tối cao của quân chủ lực Bát Kỳ Mãn Châu, nhưng trên thực tế cũng chỉ đứng đầu và ra lệnh cho một kỳ của gã chỉ huy mà thôi. Bởi vì binh lính dưới tay gã nhiều quá, gã không thể nào một thân một mình có thể quản thúc hết được. Át Tất Long và Tô Khắc Táp Cáp niên thọ cũng cao, ngại chuyện tòng quân đánh giặc lắm. Tình hình đó đã làm cho quân Mãn Châu có phần rối loạn, nhưng vẫn chưa suy yếu, và họ đòi hỏi nhu cầu tập quyền đặc biệt là tập quyền về quân sự mà trong đó cốt lõi là tìm ra một vài người có thể đứng ra giành quyền kiểm soát các kỳ. Để đáp ứng yêu cầu phát triển của quân đội lúc bấy giờ, Ngao Bái đề bạt Cửu Dương.

Chờ cho tới khi tiệc thọ gần tàn, Ngao Bái mới lên tiếng nói muốn tìm người giúp mình đứng ra lãnh đạo binh sĩ.

Rồi chẳng biết có phải Ngao Bái muốn thử lòng thử dạ hay chăng mà lại hỏi Cửu Dương là:

- Lí Tài, ngươi cùng bản quan thượng triều bao năm, hằng ngày đối đầu với tên Phủ Viễn tướng quân ở trên đại điện, đối với hắn ngươi có nhận xét thế nào?

Cửu Dương sau một thoáng khẽ nhíu mày suy nghĩ thì vòng tay kính cẩn đáp:

- Dạ bẩm đại nhân, hạ quan đối với người này chỉ có một lời, đó chính là tri kỷ tri bỉ.

Ngao Bái hỏi:

- Dương Tiêu Phong hắn lúc nào cũng hô hào giương ngọn cờ vì đại nghĩa dân tộc, tuyên bố Trung Nguyên Mãn Hán một nhà, ở trong lòng của ngươi có xem hắn là anh hùng hảo hán hay không?

Cửu Dương chưa trả lời, Ngao Bái lại nói:

- Lí Tài ngươi cứ thành thật nói cho thẳng thắn ra đi, bất luận ngươi nói sao bản quan cũng không trách ngươi!

Cửu Dương nói:

- Tạ ơn đại nhân!

Nói đoạn đáp lời:

- Hạ quan nhận thấy Dương Tiêu Phong hắn quả đúng là một người mưu kế xảo quyệt, có tham vọng làm đế vương, nhưng mai này nhỡ mà mưu đồ của hắn được thành công rồi hắn sẽ trở nên rất độc ác, nhẫn tâm, chuyên làm những việc hại dân hại nước.

Và trong khi Ngao Bái giơ tay vuốt bộ râu dài gật gù, Cửu Dương nói thêm:

- Nhìn lại triều đình của các thời đại, khi nào có chánh sự hữu bại, hôn quân thống trị thì bá tánh mới nổi cờ khởi nghĩa mà thôi. Nay bá tánh đang sống trong cuộc đời an vui lạc nghiệp, hắn lại đi khắp nơi dán bản phao tin rằng đại nhân ngài chuyên môn ăn hối lộ, khiến cho thiên hạ lầm than, âu cũng chỉ là cái cớ, hắn muốn người đời có ác cảm với ngài. Nhưng thật tình ra thì hiện giờ hoàng triều đại Thanh quốc lịch trường thành, Ngao đại nhân ngài tuy không phải là hoàng đế nhưng ở trong triều ai cũng xem ngài như là thánh thượng hiền minh, vì chúng sinh mang lại quốc thái dân an, như vậy mà hắn còn đòi lật đổ triều đình cũng đủ thấy dã tâm của hắn to lớn tới mức nào rồi...

Cửu Dương còn nói rất nhiều nữa, chủ yếu là đề cao năng lực và uy nghi của nhóm tam mệnh đại thần, đồng thời cũng dùng toàn lời lẽ quá khích chỉ trích Dương Tiêu Phong, bảo Dương Tiêu Phong là một người có hành động ấu trĩ không nghĩ tới sự an nguy của bá tánh, của quốc gia, có tư tưởng bảo thủ và cố chấp ngoan cố như vậy thật đáng bị khinh bỉ, đúng là một kẻ bất trung bất nghĩa…

Ngao Bái nghe Cửu Dương ca ngợi mình lên chín tần mây xanh, cảm giác rất vui sướng trong lòng, tiếp tục hỏi nữa:

- Lí Tài, những gì ngươi nói đó bản quan nghe qua cũng phải. Vậy để ta hỏi ngươi lời này nữa xem sao, ngươi nghĩ sao về những người Hán lại tự nguyện đi làm việc cho người Mãn?

Cửu Dương nói:

- Dạ bẩm đại nhân, hạ quan cho rằng ai là chân mạng thiên tử thì đã được trời cao ấn định sẵn rồi, thiên nhượng nhân quy, tuyệt đối không nên phân biệt ai là người Hán ai là người Mãn. Hơn nữa nếu ai dám cả gan giương lá cờ người Hán lên, dùng lý do đó mong lật đổ triều đình đại Thanh ta, hạ quan thề chết cũng sẽ một lòng trung thành với đại nhân. Có trời đất minh chứng, tuyệt đối chỉ có lòng thành này, giang san thiên hạ muôn đời thuộc về gia tộc Ái Tân Giác La, đời đời kiếp kiếp, thiên thu vạn tuế!

Ngao Bái nói:

- Nhưng Lí Tài này, theo như những gì bản quan quan sát thì từ khi Thái Tổ hoàng đế nhập quan, lấy được trung thổ, làm cho tổ tiên của Thanh trị phát dịch phục, không lẽ ngươi cam lòng sao?

Cửu Dương thưa:

- Dạ bẩm đại nhân, người Mãn nhập quan trăm năm, không những không bài xích người Hán mà còn hấp thụ văn hóa người Hán, cổ lệ Mãn Hán thông hôn. Người Mãn và người Hán nay cũng giống như người trong một nhà rồi. Hơn nữa trước đó tiên hoàng anh minh quảng trị thiên hạ, nâng đỡ đời sống dân chúng làm cho tứ hải thanh bình, bá tánh an cư lạc nghiệp thì đã giỏi hơn Minh triều người Hán rồi, không những là gấp một ngàn lần. Hạ quan theo đại nhân bấy lâu, đối với hùng tài vĩ lực của đại nhân hạ quan thật khâm phục sát đất. Hạ quan chỉ quyết tâm đi theo ngài mà thôi, để đem lại hạnh phúc cho bá tánh, đấy mới chính là cái phước của hạ quan!

- Tốt, tốt! – Ngao Bái nghe Cửu Dương đối đáp đâu đó rất trơn tru mạch lạc, lên tiếng tán dương, gã vỗ tay khen ngợi rồi nói – Lí Tài ngươi nói rất hay!

- Tạ ơn đại nhân!

Át Tất Long ngồi cạnh Ngao Bái cũng cao hứng tươi cười:

- Lí Tài ngươi rất thông minh sáng suốt, thốt toàn điều chí lý. Ta ước chi bọn ngu xuẩn theo phe tên Phủ Viễn tướng quân cũng hiểu biết rõ đạo lý như ngươi thì đó mới là phúc đức của lê dân!

Đến phút này Ngao Bái mới cho mọi người biết ý định muốn chọn Cửu Dương làm người phụ giúp gã một tay chỉ huy quân đội thượng tam kỳ, tất nhiên không ai lên tiếng phản đối cả.

Cửu Dương cả mừng rời khỏi bàn tiệc ra giữa sảnh quỳ xuống vòng tay cảm tạ rồi nói:

- Cám ơn các vị đại nhân đã ủng hộ cho. Hạ quan tự hỏi có tài đức gì mà dẫn dắt trận đánh này, nhưng sau khi may mắn được làm quan, rồi có cơ hội tiếp xúc với các vị đại nhân, hạ quan mới biết được là hạ quan nên phò trợ cho ai, cho nên mới quyết định tiếp nhận chức vị này. Tương lai hy vọng các vị chỉ dạy dùm. Tuy rằng hạ quan đảm nhiệm chức vụ thống lĩnh quân đội thượng tam kỳ nhưng nói đếm kinh nghiệm lâm trận thì các vị hơn hẳn hạ quan, là đại lão sư của hạ quan, mai sau hạ quan có làm việc gì sai quấy xin các vị tận tình chỉ dạy dùm cho.

Tô Khắc Táp Cáp nghe Cửu Dương ăn nói lịch sự khiêm tốn vậy mỉm cười nói:

- Lí Tài ngươi khỏi cần phải lo, Ngao đại nhân và chúng tôi giao phó trách nhiệm này cho ngươi thì đương nhiên tin chắc ngươi có tài cán hơn người khác rồi. Thế nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào bản lĩnh của ngươi, và tuyệt đối tin vào nhãn quan của Ngao đại nhân.

Át Tất Long cũng nói:

- Bổn quan cũng thật rất vui khi thấy ngươi gánh vác trách nhiệm này.

Cửu Dương nói:

- Hạ quan quyết sẽ không làm phụ lòng của các vị đại nhân.

Khi này có nhiều vị quan khác xúm lại chỗ Cửu Dương đang quỳ mỗi người khen một câu, nào là văn thông võ lượt, nào là võ nghệ phi phàm, nhất định sẽ chỉ đạo được binh mã. Họ nói sẽ tận lòng tương trợ cho chàng, đồng tâm chịu cực cùng với chàng phò trợ Ngao Bái hối thống thiên hạ…

Chung cục Ngao Bái sai a hoàn rót rượu ra chén cho tất cả mọi người rồi nói:

- Các vị nói đúng lắm, để bản quan mời mọi người một ly, từ giờ phút này trở đi bản quan giao sư đoàn tượng tam kỳ cho Lí Tài đây để hắn cùng với ta chủ trì việc huấn luyện binh sĩ, cùng mưu đồ nghiệp bá, tương lai thành công bản quan sẽ có thưởng lớn cho tất cả.

Ngao Bái nói xong ngửa mặt lên trời cười một tràng dài.

Cửu Dương tai nghe mà như mở cờ trong bụng, ruột nở ra từng khúc, song chàng chưa kịp nói gì Ngao Bái đã tiếp lời:

- Với nhãn quan tinh tường của ta, Lí Tài ngươi chắc chắn có thể giúp ta huấn luyện được một đạo nghĩa quân có tiền đồ nhất, sau này đoạt được thiên hạ rồi, với công đức tài cán của ngươi ít nhất cũng phải làm đến chức vị thừa tướng, tay nắm quyền binh dưới một người nhưng trên hàng vạn người.

Cửu Dương mặt mày tươi hơn hớn, cung tay xá một cái, ngoài mặt tỏ vẻ xúc động nhưng trong lòng không cần nghe Ngao Bái nói câu đó thì cũng đã biết địa vị của chàng từ giờ phút này đã được đặt nền móng xuống. Rốt cuộc sự nghiệp của chàng cũng đạt đến được một giai đoạn phát triển hoàn toàn mới, mong ước đã hé lộ ánh sáng. Tuy vậy kế hoạch vẫn còn rất gian nan trùng trùng nhưng đây chính là sự thách thức trên con đường số mệnh.

Lại nói tiếp chuyện Ung công công có việc cần trình lên Khang Hi.

Ung công công hai tay dâng bức thư lên trao Khang Hi, nhỏ giọng nói:

- Dạ bẩm hoàng thượng, vừa nãy có báo cáo rằng đã bắt được tin Át Tất Long sẽ tới gặp người Anh ở bến tàu Thiên Tân vào tối ngày mai…

Mộc Đình Quý quay sang Dương Tiêu Phong hạ giọng nói:

- Quả đúng là hắn ta liệu việc thần sầu, đã đến lúc Phủ Viễn tướng quân ngài phái phó tướng mai lặc chương kinh đi đến Thiên Tân giúp hoàng thượng ra tay thu phục tên ác đảng đó rồi đó.

Khang Hi cũng gật đầu đồng ý, Dương Tiêu Phong lắc đầu nói:

- Không đâu hoàng thượng, chuyện này liên hệ trọng đại, thay vì để Tô Khất đi làm thì nên để thần đích thân dẫn quân tới đó bắt người.

- Như vậy cũng được – Khang Hi nói - Ái khanh cứ làm theo ý của khanh đi.

Dương Tiêu Phong vòng tay lĩnh chỉ, rồi nhìn Ung công công nói:

- Ban lệnh của ta, vào canh ba bảo nhân mã tập trung ở ngoại thành.

- Còn chuyện kinh thư ở Hồi tộc thế nào rồi? – Khang Hi lại hỏi.

Ung công công thưa:

- Dạ bẩm hoàng thượng, bồ câu đưa tin báo là Tân Nguyên cách cách và song Lộ Phi nương đang vạch kế hoạch, chắc cũng sắp sửa lấy được rồi.

Khang Hi khi này tuổi tác còn trẻ, tính khí nóng nảy, không nhịn được nói ngay:

- Lúc ấy hy vọng Ngao Bái sẽ để Cửu Dương xuất chinh.

Nói đoạn ngài nhớ lại những gương mặt đểu cáng của nhóm tam mệnh đại thần mỗi lúc thượng triều, mím môi thêm lời:

- Đến lúc đó trẫm thật muốn dũng sĩ phe ta ngầm phục trong bữa tiệc tiễn đưa sẽ thừa cơ ám sát lão ấy, sau đó trẫm mới đưa quân vào trong phủ đệ yêu cầu lão hoàn trả hổ phù. Hành động trước khống chế được người, hành động sau sẽ bị người khống chế!

- Hoàng thượng xin đừng nóng lòng – Dương Tiêu Phong nghe hoàng đế nói vậy vội lên tiếng can thiệp - Muôn sự cứ theo tính toán đi.

Trong lúc thốt lời khuyên Khang Hi vậy Dương Tiêu Phong thầm nghĩ về phần Ngao Bái hãy còn nghĩ có kẻ đã ngã theo chiều gió rồi, bị vinh hoa phú quý và hư danh làm cho mờ mắt rồi nên lão không có chút phòng hờ nào, tốt thật!

---oo0oo---

Tối hôm sau Dương Tiêu Phong dẫn binh mã đến Thiên Tân bắt người.

Cũng nói là đã từ lâu lắm rồi Khang Hi biết tỏng chuyện Át Tất Long ỷ lại vào quyền hành và danh tiếng của Ngao Bái mà chuyên nhận hối lộ, danh sách tham nhũng của gã kể dài không hết. Khoảng thời gian gần đây gã còn tự ý vận chuyển châu báo và đồ cổ quý giá ở trong cấm cung ra ngoài thành buôn bán cho bọn thương gia người Anh. Khang Hi biết ngài chỉ cần tìm ra chứng cớ là có thể buộc tội Át Tất Long, khử trừ đi cái đinh trong mắt này nhưng sự việc nào có dễ dàng như vậy. Khang Hi mấy lần nghe mật thám tâu là Át Tất Long khi thì buôn lậu đồ cổ ở lò gốm Dương Chi, khi thì ở một kho gạo nào đó, cớ nhưng lần nào sai người cầm quân đến bắt cũng bị trễ nải một bước.

Lần này Khang Hi nghe theo lời của một người, sai Tô Khất bí mật đến kỹ viện trứ danh nhất kinh thành mà giới quyền quý yêu thích và thường lui tới triệu Hà Tam Cô nhập cung. Kể từ sau khi Hà Tử Lăng qua đời, Hà Tam Cô trở thành ca kĩ nổi tiếng bật nhất kinh thành Bắc Kinh. Hà Tam Cô được coi như là kỹ nữ xinh đẹp nhất, mặt hoa da phấn ít ai bì kịp.

Nửa năm trước Át Tất Long đến kỹ viện chơi bời, vô tình thấy Hà Tam Cô gảy đàn cho một vị khách. Gã thấy người con gái này nhan sắc kiều diễm lại đàn giỏi hát hay, không ngớt khen thưởng, quyến luyến mãi không muốn rời lấy một khắc. Gã không tiếc vung ra hàng vạn ngân lượng để mua đồ trang sức đắc tiền tặng nàng, chủ yếu muốn nàng ngoài gã thì không hầu hạ cho ai nữa. Át Tất Long mê mẩn Hà Tam Cô đến quên cả lối về vì nàng đặc biệt sở hữu một làng da trắng trẻo mịn màng như ngọc. Át Tất Long lúc nào cũng tỏ ra cưng quý làn da quý báu đó của nàng. Gã mua tặng nàng nào là màn trướng nào là bình phong, tất thảy đều kết những viên ngọc nho nhỏ vào. Cứ mỗi khi gió thổi lướt ngang màn trướng lại lay động, khiến ngọc ngà va chạm vào nhau rổn rảng nghe thật vui tai. Ngoài ra những đài gương, những thành giường của nàng đều cẩn bạch ngọc. Quần áo, nhất là những nơi tà áo gấm u quần của nàng luôn luôn có khâu những phiến ngọc quý vào. Át Tất Long hễ có đồ ngọc là đều đưa tới để bày biện tại phòng nàng, có lần tặng nàng một cây ngọc trai cao bằng người đứng, tạt tượng nàng đang gảy đàn tì bà. Trên cành cây kiểng cũng treo đủ các loại đồ chơi bằng châu ngọc.

---oo0oo---

Có một đêm Hà Tam Cô đang ở trên lầu trang điểm, Tô Khất đến nhưng không mời nàng xuống được. Tô Khất bèn đi vào hậu hoa viên đứng dưới cửa sổ của nàng vờ nâng ống sáo lên thổi. Đúng lúc đó bên ngoài kỹ viện đồng thời có một tràng âm thanh vi vút nổi lên. Hà Tam Cô nghe được âm điệu du dương động lòng người đó thì sung sướng không bút nào tả xiết. Đôi môi mỹ nữ xinh thắm hé mở như đoá hoa anh đào nở độ đầu xuân, nàng hối hả mở cửa sổ ra tìm, mắt vọng đông ngó tây, tâm hoang ý loạn.

Khi thấy người thổi sáo chính là Tô Khất nàng thất vọng ra mặt, tuy vậy cũng sai một hầu gái xuống mời Tô Khất lên lầu hỏi chuyện. Tô Khất chuyện trò dăm ba câu, thấy vị cô nương này xinh thì quả tình rất xinh, chỉ cần một cái liếc nhìn cũng đủ để cho nàng thu hết hồn vía rồi nhưng thái độ tựa hồ có chút cao ngạo, tuy sống ở kỹ viện song thần thái tỏ ra cực kỳ cao quý, ánh mắt ngạo nghễ hướng về mình.

Hà Tam Cô nhìn chăm chăm ống sáo vàng quen thuộc trong tay Tô Khất hỏi người mới vừa thổi sáo ngoài sân là ai? Tô Khất nói “chính tại hạ.” Hà Tam Cô quả quyết “ người đó không phải là công tử!” Tô Khất nói “thật tình thì người cô nương muốn tìm đang ở trong cung.” Hà Tam Cô liền nói “tiểu nữ muốn gặp hắn!” Tô Khất bấy giờ mới bắt đầu nói điều kiện, bảo với Hà Tam Cô rằng sau khi sự việc tỏ tường, Át Tất Long bị tống giam vô ngục rồi hoàng thượng hứa sẽ phong nàng làm phi. Hà Tam Cô khi này chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, ngay tức khắc thẳng thừng từ chối.

Ở phía sau Tô Khất tên nô bọc vừa nhìn thấy nữ nhân này đối với chủ tử vô lễ quá, mang vẻ mặt hàn băng lạnh lẽo ngó chừng chủ nhân y thì sắc mặt lập tức trầm xuống, tiến nhanh lên một bước. Tô Khất vươn một tay ngăn trở động tác của nô bọc của mình, vì hôm nay có việc cần nhờ người ta, vì thế phải tận lực hòa hoãn một ít, nếu không phải vạn bất đắc dĩ thì không thể nổi lên xung đột được.

Quả nhiên Tô Khất đã đoán trúng, Hà Tam Cô tiếp lời, nói nàng không cần vinh hoa phú quý hay danh phận phi tử gì mà nàng chỉ vì một người cái gì nàng cũng chịu làm cho hắn.

---oo0oo---

Hà Tam Cô hứa là làm, nội trong vòng một tuần sau khi gặp Tô Khất nàng lân la thăm dò Át Tất Long, biết ngay được chuyến mua bán phỉ thúy cho thương gia người Anh lần này của gã, rồi lại bí mật viết thư bồ câu báo cho Tô Khất ngày, giờ, địa điểm của mối làm ăn trái phép này.

Ung công công nhận được tin liền tâu lên Khang Hi, hoàng đế tức thì sai Dương Tiêu Phong điều động một đoàn binh tới bắt ngay tại trận. Khang Hi trong tay nắm rõ chứng cớ, Át Tất Long chạy tội không khỏi đành ở trong đại lao trông chờ Ngao Bái đến cứu nhưng thật lâu chỉ có sự im hơi lặng tiếng. Át Tất Long trong khoảng thời gian bị giam giữ trở bệnh tim mà chết. Khang Hi sau đó muốn lấy lòng dân đã miễn tru di gia tộc, chỉ dùng gia sản tịch thu được của Át Tất Long bảo Mộc Đình Quý đem phân phối cho dân chúng ở chiến trường Tây Bắc Tân Cương.

Ánh nắng xuyên qua rèm cửa, chiếu vào màn gấm, khiến cho thư phòng trở nên bớt chói rất nhiều.

Khang Hi hoàng đế im lìm đứng trước long án, mắt nhìn nhang khói nghi ngút trên bàn thờ tổ tông mà lòng cảm thấy buồn bã. Ngài nhớ năm xưa khắp triều văn võ bá quan ai nấy đều dâng sớ khen nội tổ của ngài là một người phụ nữ hiền đức, vì cả đời bà chuyên tâm làm những việc thiện. Bà không những đã nhiều lần xuất quỹ cứu nạn Hoàng Hà, còn xây trại trẻ mồ côi, mở kho phát gạo... Ai cũng bảo bà chẳng khác nào thánh mẫu hiền lương.

Khang Hi lại nghĩ đến lúc bà lâm bệnh qua đời lòng đau như dao cắt, đã bao năm trôi qua, quan tài của bà cũng được chôn cất xong lâu rồi thế mà ngài vẫn chưa vơi bớt mối thương cảm.

Ngài nhớ như in lời dặn dò của bà trước khi xuôi tay nhắm mắt. Bà gọi Dương Tiêu Phong đến bảo rằng “Phủ Viễn tướng quân à, ai gia thật tình mong muốn lúc ai gia đi rồi hoàng thượng sẽ có văn võ nhị tướng, ở bên cạnh đồng tâm phò trợ cho ngài, chứ không muốn tái diễn sự biến Huyền Vũ Môn…”

Nghĩ tới đây mắt lại ngân ngấn lệ, Khang Hi không khỏi buông tiếng thở dài não nuột, xong nhìn xuống chiếc phong bìa màu vàng nhạt mà ngài đang cầm trong lòng bàn tay.

---oo0oo---

Mấy canh giờ trước đó ở trong điện Thái Hòa khung cảnh có hơi im ả. Sân tảo triều vẫn đứng hai hàng bá quan văn võ như thường lệ nhưng thiếu bóng dáng của nhóm tam mệnh đại thần. “Ngao Bái vắng mặt,” Khang Hi trong lòng không khỏi mừng thầm, ngài tự nhủ chắc lão đang ở trong phủ giận ngài đến tím ruột tím gan vì chuyện cáo lão hồi hương của Tô Khắc Táp Cáp.

Chả là sau khi Át Tất Long bị giam giữ thì Tô Khắc Táp Cáp chính là mục tiêu tiếp theo được Khang Hi “để ý” tới. Khang Hi do đó mới trong một đêm khuya bỗng nhiên sai người truyền triệu họ Tô nhập cung.

Tô Khắc Táp Cáp bấy giờ hãy còn ngái ngủ, theo chân thái giám nhập cung mà chẳng biết chuyện gì sắp sửa xảy ra với mình, tới khi nghe Khang Hi hạ lệnh cho đi tu bổ lại bờ đê thì gã mới bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị.

Khang Hi nói:

- Tháng trước Hoàng Hà lại dâng nước lũ, trẫm nhận được tin mức độ thiệt hại ở vùng Thanh Hải rất lớn, hiện tại có nhiều người đói khát, đê vỡ, họ buộc phải ăn rễ cây để tiếp tục sinh tồn... Trẫm muốn khanh đến đó tìm cách cứu lũ.

Tô Khắc Táp Cáp nghe vậy vờ tỏ vẻ quan tâm, hỏi tình hình thiên tai ra sao. Khang Hi nói:

- Từ Mạnh Tân đến Đồng Quả Thương đã bị vỡ đến bảy tám chỗ, rất nhiều địa phương đang chìm trong biển nước...

Tô Khắc Táp Cáp nghe xong lại vờ cuống quýt gãi đầu làm ra vẻ nóng ruột lo âu lắm, bảo dân chúng đã khốn đốn nay gặp phải chuyện này càng khổ sở hơn.

Khang Hi gật đầu nói:

- Vậy khanh đồng ý đi giúp họ cứu chữa Hoàng Hà chứ?

Đến lúc này Tô Khắc Táp Cáp mới lộ nguyên hình là một kẻ chỉ biết nghĩ tới bản thân mình. Gã tự bảo lòng vốn dĩ đang ở kinh thành sống một cuộc sống rất ư là khoan khoái, rất ư là thư thái như thế này, hơn nữa tuổi tác cũng đã già rồi, nghĩ tới cái cảnh "nhân sinh kỷ hà" thì làm sao lại muốn đi tới một nơi xa xôi hẻo lánh như vậy để đắp đê khoanh vùng chứ, bèn nói:

- Khởi bẩm hoàng thượng, hạ thần bây giờ niên thọ cao quá rồi, lại nữa mới vừa bị nhiễm bệnh phong hàn chưa dứt khỏi, khởi mong hoàng thượng... điều người khác đi...

Khang Hi không nghe lời tâu, lạnh lùng nhìn Tô Khắc Táp Cáp liếc mắt một cái, không hài lòng hừ lạnh. Nhưng Tô Khắc Táp Cáp ỷ mình là cố mệnh đại thần, âm thầm cười nhạo, trong lòng chẳng chút sợ hãi, tự khen mình cẩn thận, đối đáp đâu ra dó, chứ nếu không thì mai này cũng biến thành con ma chết trôi sông Hoàng Hà rồi.

Khang Hi không thay đổi ý định, vẫn một mực hạ lệnh cho Tô Khắc Táp Cáp cùng với một vị quan khác là Mã Tề đi lo công việc cứu lũ. Tô Khắc Táp Cáp tức tối nhưng không cãi nữa, chỉ cố nuốt cơn giận vào bụng.

Cuối cùng Tô Khắc Táp Cáp không nhận lệnh, bái chào ra về, sáng hôm sau vì muốn ra oai nên bịa cớ niên thọ đã cao, viết một lá thư hăm dọa từ chức. Gã tưởng Khang Hi không dám nhận. Nào ngờ Khang Hi ung dung nhận thư cáo lão, tước bỏ binh quyền một cách hợp lý. Tô Khắc Táp Cáp nghe tin uất ức đến sinh bệnh hết một tuần, sau cùng cũng thu dọn hành lý và mang gia quyến về quê dưỡng lão.

Một buổi sáng đẹp trời Tô phủ có báo cáo là nước sông Hoàng Hà đang trên đà rút dần xuống, chỉ có phía bắc Hoàng Hà là thế nước vẫn còn mạnh. Tô Khắc Táp Cáp bèn hạ lệnh khởi hành ngay. Trước khi đi gã tới Ngao tông phủ cáo biệt Ngao Bái, tri phủ và đám quan lại địa phương, xong đặt hành lý vào mười cỗ xe lớn. Tô Khắc Táp Cáp mang theo tất cả số ngọc ngà châu báo lấy trộm được từ trong cung cấm với lại số tiền ăn hối lộ của mấy mươi năm qua. Gã đưa gia quyến bước ra khỏi cửa.

Tô Khắc Táp Cáp hồi còn làm quan đã lạm dụng chức quyền, bắt ép dân chúng nộp tiền thuế nộp quà lễ, gây nên nhiều thù hằn, nên lúc gã vừa ra khỏi cổng thành hướng đến Vân Nam thì có một đám người bám theo.

Những người này vốn dĩ chẳng phải lục lâm thảo khấu gì, chỉ là bần cùng sinh đạo tặc mà thôi. Họ tích cực đuổi theo với ý định muốn bao vây Tô Khắc Táp Cáp để cướp ngâng lượng, mặt khác cũng sẵn tiện trả thù xưa luôn. Họ theo đường mòn bọc lên một ngọn đèo, binh khí lăm lăm trong tay chờ sẵn tại đó có ý đợi đoàn xe ngựa của Tô Khắc Táp Cáp đi qua.

Đợi gần quá trưa vẫn chưa thấy người, tên thủ lĩnh đành dẫn thuộc hạ đánh ngựa tới quán ăn nhỏ ven đường hỏi tiểu nhị:

- Ngươi có nhìn thấy mấy cỗ xe lớn chạy qua đây không?

Tiểu nhị thấy người thanh niên này diện mạo dữ dằn, bên hông đeo thanh trường kiếm to đùng thì hoảng vía gật đầu lia lịa đáp:

- Tiểu nhân thấy rất rõ ạ. Lúc ngựa chạy qua, tên khốn phu xe còn vung roi lên dọa, mắng tiểu nhân là tiểu tạp chủng, tiểu khốn...

Tên thủ lĩnh cười nói:

- Lát nữa sẽ bắt chúng quay trở lại đây kêu ngươi là tiểu tổ tông, tiểu thái gia.

Tên thủ lĩnh dứt lời hất đầu cho thuộc hạ của mình phi ngựa bủa sang hai hướng, chặn đầu Tô Khắc Táp Cáp. Cả đàn ngựa tung vó phi nhanh, cát bụi nổi lên mù mịt. Đuổi chừng năm sáu dặm đã thấy một đoàn cỗ xe ở phía trước, lại gần hơn thì nhìn rõ những người đang áp tải mấy cỗ xe đó chính là hạ nhân của Tô Khắc Táp Cáp.

Tên thủ lĩnh tức tốc thúc ngựa vượt tới chặn đầu đám người này rồi khoác tay một cái. Phía sau thuộc hạ của y cũng xua ngựa lại đứng chặn giữa đường bọc Tô Khắc Táp Cáp vào tròng.

Tên thủ lĩnh to tiếng kêu vị cố mệnh đại thần xuống xe, nói:

- Ông chắc không nhớ ra tôi là ai đâu nhỉ?

Tô Khắc Táp Cáp chỉ quen với việc bắt nạt người ta chứ không quen với cảnh hạ mình cúi mặt thế này. Thế nên bụng dạ tức sôi, máu nóng nổi lên tới trên đỉnh đầu tuy nhiên gã vẫn khôn ngoan dĩ hòa vi quý nói:

- Bổn quan... à không...ta thật tình không biết ngươi là ai.

- Vậy để tôi nhắc cho ông nhớ - Tên thủ lĩnh ánh mắt long lên sòng sọc, gằn giọng nói - Tôi chính là chồng của thiếu phụ bán bánh nướng ở cổng thành. Năm ngoái ông xuất thành, phải lòng thê tử của tôi, giữa thanh thiên bạch nhân sai binh lính đến cướp người, cưỡng bức thê tử của tôi xong thả cổ đi về. Thê tử của tôi vì nhục nhã quá đã về nhà treo cổ tự vẫn. Tên hạ lưu ông đã nhớ ra chưa?

Tô Khắc Táp Cáp nghe người đối diện bảo vậy tức khắc cảm thấy một luồng âm phong len lỏi qua đầu, bất giác co vai rùng mình. Lại nữa những người còn lại cũng đồng loạt chỉ tội gã, gã vội quỳ mọp xuống đất, tự xưng mình là “tiểu nhân,” và liên tục nói câu xin họ thứ lỗi.

- Tốt! – Tên thủ lĩnh nói – Mấy câu khẩn cầu này không sai, tên quan lại gian ác ngươi lớn tiếng thêm một chút nữa nào!

Tô Khắc Táp Cáp lại dập đầu xuống đất vái lia vái lịa.

Tên thủ lĩnh nhảy phóc xuống ngựa, vẫn chưa cho Tô Khắc Táp Cáp rời khỏi. Khí định thần nhàn rồi ra một mệnh lệnh bảo thuộc hạ cướp lấy hết chín cỗ xe ngựa có chứa tài sản của tên tham quan. Tô Khắc Táp Cáp không còn bộ dạng hay hình tượng gì đáng sợ nữa, chẳng dám phản đối hay là kêu than gì nữa, chỉ có hai bên má giàn giụa nước mắt và không ngừng lên tiếng kêu xin tha mạng cho mình. Thanh âm khẩn khoản này đã sớm kinh động đến toàn bộ người thân của gã ngồi trong cỗ xe đằng kia, họ nghe được gã cầu từng tiếng một đến thảm hại. Tô đại nhân oai nghiêm ngày hôm nào của họ lúc này nghe lời như một con chó nhỏ.

- Tiểu nhân bây giờ trong mình chỉ có bấy nhiêu ngâng lượng – Giọng Tô Khắc Táp Cáp run run – Nay xin biếu hết cho các vị đây, chỉ mong được để ta toàn mạng rời khỏi...

- Được thôi – Tên thủ lĩnh xen lời, rồi không để cho họ Tô vui mừng quá một giây vội vã bổ sung - Nhưng mà tên đê tiện ngươi phải để thêm một thứ khác lại nữa đã...

Nói đoạn vung kiếm lên chặt thẳng một nhát xuống hạ bộ của Tô Khắc Táp Cáp.
Bình Luận (0)
Comment