TRÌ THƯỢNG (Bạch Cư Dị) Tiểu oa sanh tiểu đỉnh,
Thâu thái bạch liên hồi.
Bất giải tàng tung tích,
Phù bình nhất đạo khai.
Dịch thơ:
Thuyền con cô bé nhẹ bơi
Hái về sen trắng xinh tươi nõn nà
Khó mà che dấu thân ngà
Giữa ao bèo nổi mở ra lối về
(Hải Đà phỏng dịch)
Phần IX: Minh Châu quận chúa
Ngô Hà Huy đã lên chức Thái học sĩ, cùng với địa vị cao, tật càm ràm của hắn cũng tăng theo. Năm Thái Minh thứ sáu, mật thám đưa tin Tề vương nuôi tư binh vượt quá số quy định, xây dựng căn cứ bí mật trên núi cao. Hoàng đế đọc thư cười một tiếng, vo thành bóng ném. Tiểu Ninh Tử tập tễnh nhặt lên thiêu hủy. Ngô Hà Huy bắt đầu phân tích và thống kê:
- Với tốc độ phát triển hiện tại, Tề vương cần thêm một năm rưỡi mới trở thành mối họa. Dựa trên hàm số quân lương mà thần phát minh, trung bình cộng lương thực bình quân đầu người bé hơn trung bình cộng quân lương tiêu chuẩn. Đem hai vế bình phương rồi chia cho diện tích đất ở Đông Hoang thì...
- Được rồi, được rồi... Ngươi nói luôn kết quả đi! – Chu Lạc Ca Dương sắp hết kiên nhẫn
- Kết quả chính là... Phương trình có nghiệm âm!
-...
Tiểu Ninh Tử nhìn Thái học sĩ với ánh mắt hâm mộ. Ngài thật là quả cảm, anh dũng, gan dạ, bất khuất,... Dám giỡn mặt với long nhan!!! Ngô Hà Huy thích bị ngược đãi. Sau lần bị đày ra ải đảo làm việc hai tháng hắn vẫn chưa bỏ thói dài dòng lạc đề. Hoàng thượng nói là “thị sát dân tình” nhưng cái đảo đó bé xíu, có chừng sáu hộ ngư dân không tới ba chục người. Những ngư dân này không biết chữ, sống biệt lập với đất liền. Khi bảo “triều đình Khương La”, họ hỏi “Khương La phải nướng hay hầm?” Ngô Hà Huy thật là hết cách, tiền và lệnh bài không có giá trị, đành phải theo dân ra biển đánh cá để xin cái ăn... Lúc thuyền lớn tới đón hắn về, hắn gầy như que củi ôm chân Đô Thư Doanh khóc nức nở.
Ánh mắt này của hoàng đế nhìn rất quen, giống hệt cái nhìn trước khi ra lệnh “thị sát dân tình”. Ngô Hà Huy toát mồ hôi, lập tức ngoan ngoãn trình bày:
- Nghiệm âm... Nghiệm âm tức là lương thực trong vùng bị thiếu hụt, trồng ra không đủ nuôi binh. Tề vương nhất định sẽ nghĩ cách vơ vét lúa gạo từ nơi khác. Chúng ta dựa vào điểm này điều tra con đường vận chuyển ở các địa phương, rất có thể tìm ra bằng chứng...
Ca Dương hừ một tiếng, quen tay ném viên ngọc to bằng trái đào vào rổ lưới. Thư phòng của hắn rất giống một sân chơi, bên này đặt một giỏ phi tiêu, trên tường dán hình Tiểu Ninh Tử. Mỗi lần hắn rảnh tay phóng “viu” một cái là Ninh thái giám sẽ ôm đầu kêu oai oái. Bên kia có giá gỗ treo một rổ lưới, trong lưới lỉnh kỉnh các loại ngọc thạch. Xa xa còn có tấm thảm lớn xanh rì như cỏ. Trên thảm khoét mấy lỗ nhỏ vừa bằng quả banh, Ca Dương thích dùng chày gỗ đánh banh, quả bóng lăn nhẹ, nếu rơi trúng lỗ thì thắng. Trên trần nhà còn treo rất nhiều vòng tròn kim loại, sở thích hàng ngày của hoàng thượng là xếp chim giấy, phóng qua phóng lại. Tiểu Ninh Tử chạy tới chạy lui, tận tụy làm công việc nhặt chim, nhặt banh, nhặt phi tiêu... Bây giờ mà tổ chức cuộc thi chạy đường dài vượt chướng ngại vật thế nào Ninh thái giám cũng giành hạng nhất! Ngô Hà Huy rất không đồng tình với tác phong vừa làm vừa chơi của bệ hạ, không dưới hai trăm lần nhắc nhở. Kết quả rất nhiều chim giấy bay vào mặt hắn...
Đối với Ninh Tử, Hà Huy hay là Đô Thư Doanh, chuyện này là ngày thường ở huyện. Chỉ tội cho mấy lão triều thần có việc khẩn báo cáo, chưa đọc hết sớ đã tức sùi bọt mép. Danh tiếng của bệ hạ vì chuyện này bị ảnh hưởng ít nhiều, gã nho sĩ chán sống nào đó đã viết một bài Trường hận ca:
“Than ôi cảnh nước mất nhà tan
Chúa thượng không màng đến giang san
Ném banh bắt bóng quên nghiệp sáng
Tấu chương tin khẩn ném dưới sàn
Đắng lòng kẻ sĩ buồn lai láng
Quên nước lơ dân đáng phê phán
Mất mặt không xứng làm hảo hán
Khương La vạn dặm phải lầm than...”
Sau khi đọc bài “Trường hận ca”, hoàng đế vỗ đùi cái đét:
“Hay! Thủ pháp rất tốt! Trẫm bổ sung thêm hai câu:
Văn chương con chó kẹp dưới háng
Vứt ra ngoài đường cho xe cán!”
Ngô Hà Huy nhíu mày nhắc nhở:
- Hoàng thượng, xin gìn giữ sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc!
Trở lại chuyện Tề vương hôm đó.
Ngô Thái học sĩ trình bày một bài luận văn dài sáu cuộn giấy, kết cấu chặt chẽ, miêu tả sống động, tự sự lôi cuốn, biểu cảm chân thật... Tới khi hoàng thượng ghi bàn thắng thứ một trăm linh ba hắn mới nói xong. Chu Lạc Ca Dương gật đầu tán thưởng:
- Bút lực ngày một tăng, thế cuối cùng bốn thầy trò có thỉnh được kinh không?
-...
Mãi đến xế chiều, Ngô Hà Huy đem theo giao phó của bệ hạ ra khỏi thư phòng. Trong này Ca Dương nói với Tiểu Ninh Tử:
- Ngày mai bảo Ti thải phường may một cái gối ôm, treo lên chỗ đó!
- Tuân lệnh...
- Tìm một bức chân dung Tề vương trong thư khố, cắt ra dán lên gối cho trẫm!
- Vâng ạ...
- Làm thêm một đôi bao tay dày!
- Đã rõ... Nhưng... Hoàng thượng có trò chơi mới ạ?
- Ừ, từ giờ ta không phóng tiêu nữa, chuyển quá đấm cái gối đó!
- Ôi~~~ bệ hạ anh minh, ngài là vầng thái dương chói lóa, sưởi ấm trái tim thần, soi sáng cuộc đời thần!
***
Hòa An phủ, nửa đêm canh ba.
Niệm Nhất và Tương Tư bị phạt chép Gia huấn, suốt ba ngày còn chưa chép xong. Bọn trẻ không khỏi cảm thán đầu óc tỉ mỉ của bà nội, ngay cả chuyện nhổ nước bọt cũng có luật lệ chi tiết. Chiếu theo Gia huấn này, một ngày bọn nó phạm ít nhất hai mươi lỗi... Hai đứa chép tới tối, ăn cơm rồi chép tới đi ngủ. Niệm Nhất mỏi tay mỏi chân không thèm về phòng nửa, nằm luôn với tiểu cô.
Đang say giấc nồng, ngoài cửa sổ có tiếng động lạ làm Tương Tư thức giấc. Con bé là chúa sợ ma, lay lay Niệm Nhất gọi dậy. Niệm Nhất là chúa thích ma, nó từng mơ ước kết bạn với ma mà tới giờ chưa gặp. Hai đứa trẻ mở cửa sổ thò đầu ra ngoài. Vốn dĩ phòng sát vách có Tô mama nhưng bà ấy tuổi cao thường ngủ say, ầm ĩ một chút sẽ không thức.
Niệm Nhất mắt hau háu tìm trong bóng tối, nhìn thấy một người rón rén từ nóc nhà nhảy xuống. Ma! Cuối cùng ta đã thấy ma ca ca, ma tỷ tỷ! Niệm Nhất co chân chạy ra ngoài, Tương Tư không dám ở một mình cũng bám theo nó. Hai đứa trẻ như chơi trò mạo hiểm, mò mẫm theo dõi con ma. “Con ma” kia ngồi chồm chỗm, đào đất dưới gốc mai. Tương Tư trốn sau vách tường nhìn lén, trạng thái này là sợ mà vẫn tò mò. Niệm Nhất thì sung sướng chạy tới ôm cổ ma bằng hữu
- Ma đại ca! Huynh có nhận đồ đệ không? Ta theo huynh đi nhát người được không?
“Con ma” bị tập kích sau lưng, giật mình té chỏng vó.
- Tiểu Niệm!!! Con làm cái gì thế? Hù chết tứ thúc rồi!
- Tứ thúc!!??
Hai đứa nhỏ không ngờ mình lại gặp nhân vật bỏ nhà đi đã lâu này.
- Thúc làm gì ở đây vậy? Phòng của ông nội bên kia mà...
Tịch Tề bịt miệng thằng bé, mờ ám bảo:
- Nhỏ giọng thôi, chú trở về lấy một vật, đừng để ông nội biết, chú lấy rồi đi ngay!
Niệm Nhất chớp chớp mắt, lóe ra tia sáng giảo hoạt. Nó cười cười bảo:
- Thúc thúc... Đi chơi một mình không vui đâu nha, phải dẫn Niệm Niệm theo nha...
- Thúc không đi chơi mà đi kiếm tiền! Tiểu Niệm ngoan, cùng cô cô về phòng ngủ đi...
Niệm Nhất là ai chứ? Nó vốn không phải đứa trẻ biết nghe lời!
- Thúc không dẫn con đi, bây giờ con la lên cho mọi người biết!
- Ấy ấy, tiểu tổ tông, con tha cho thúc đi mà T__T
- Không tha, không tha, thúc phải dẫn Niệm Niệm đi...
Tương Tư yên lặng đứng nhìn, tới khi phát hiện hai chú cháu này đang bàn chuyện bỏ trốn, con bé mới khóc òa:
- Đừng đi... Đừng bỏ Tư nhi mà... Huhuhuhuh...
Tịch Tề toát mồ hôi, trời ơi cái miệng nhỏ này mới là tai họa!!! Hắn không còn nào cách khác đành phải xuống nước, kiểu này để phụ vương biết, rất khó nói hắn còn chân mà chạy không...
- Ôi... Muội muội ngoan, muội muội cưng... Đừng khóc, đừng khóc mà... Tứ ca đem muội đi chơi, có được không?
- Đem cả Niệm Niệm nữa!!! Không con sẽ mách ông nội!
Trời ạ, hắn bị hai tiểu gia hỏa này nắm được cái đuôi, không thể không khuất phục
- Rồi rồi, đem hết, đem hết, đưa cả hai cùng đi!
Tịch Tề nghiến răng nghiến lợi lấy hổ phù chôn dưới gốc mai bỏ vài túi vải bên hông. Hắn nhìn hai đứa nhỏ mặt mày hớn hở cứ như sắp phát tài to, thở dài một tiếng. Thôi, phóng lao thì phải theo lao, trước tiên đem hai đứa ra khỏi phủ đã! Đêm nay về nhà không có xem hoàng đạo, ai mà biết gặp phải đại hạn? Thật ra Tịch Tề cần xem luôn tử vi cả năm, bởi vì cái hạn này rất rất dài, tất cả tai họa còn nằm phía sau...