Phần XI: Lỡ nhau một kiếp
Lúc biết tin Chu Lạc Phong soán vị, ta và phu nhân đã sớm bỏ chạy đến một nơi rất xa. Cẩn gia hầu như tan đàn xẻ nghé, ôm theo một số tiền bạc của cải rời khỏi kinh thành. Nhà họ Cẩn trên dưới có tám chi, tính luôn các bác các chú, ta không biết bọn họ đã đi đâu, chỉ cần an toàn rời khỏi Khương La thì tốt rồi. Phu nhân ngồi trong xe vẫn ôm khăn tay khóc thút thít, thật là làm khó bà ấy, một tiểu thư nhà quan từ bé chưa từng trải qua hoạn nạn, lần này chắc bị dọa chết khiếp rồi. Tiểu Ngọc đang khuyên nhủ mẹ nó, con bé thấy vậy mà rất tỉnh táo và kiên cường. Thật là đứa nhỏ ngoan!
- Mẫu thân, bây giờ khóc lóc cũng không thể thay đổi được gì, quan trọng là cả nhà chúng ta đã tránh được kiếp nạn, đại ca nhị ca vẫn đang đợi ở Nam Đô, vài ngày nữa mọi người sum họp rồi sẽ bàn tính lại! Mẹ phải cố gắng lên, vẫn còn chúng con đây mà!
Thiếu Hoa hơi nguôi ngoai, khàn giọng bảo Tiểu Ngọc:
- Đều do mẹ không tốt, con và A Bảo đã đính ước rồi, bây giờ nhà mình ra thế này, chuyện chung thân đại sự mẹ không làm chủ được! Rồi còn ông ngoại con không biết ra sao, tuy ông ấy chỉ là một quan Đô đốc nho nhỏ nhưng mẹ rất lo, lỡ như bị chúng ta liên lụy...
Bà vừa dứt lời, bầu không khí trong xe liền trở nên nặng nề. Cho dù ta đã lo liệu từ sớm nhưng không thể chu toàn tất cả. Cẩn gia lặng lẽ dọn đi vào nửa đêm, không hề tiết lộ tin tức cho ai. Bên nhà nhạc phụ cũng vậy, ông ấy không phải quan lớn thường vào triều nhưng mang tiếng gả con gái cho Hầu phủ, ít nhiều sẽ bị truy xét tới. Chỉ hy vọng Chu Lạc Phong đừng quá tuyệt tình, chừa cho bọn họ một con đường sống. Ta ngồi trước xe đánh ngựa, không ai có thể tưởng tượng Hầu gia Cẩn Thiện sẽ có ngày đội nón rơm mặc áo rách mang theo gia quyến vượt biên. Bản thân ta cũng cảm thấy số mệnh trêu người...
- Lão gia, thiếp vẫn không hiểu tạo ra mọi chuyện ra nông nổi này... Bệ hạ... Bệ hạ vừa mới băng hà thôi mà... Làm cách nào Chu Lạc Phong có thể khuynh đảo hoàng triều như vậy?
Thiếu Hoa quen miệng vẫn gọi tiên hoàng là “bệ hạ”, có lẽ trong suy nghĩ của bà ấy bệ hạ giống như bức tượng đá cổ xưa không bao giờ đổ ngã trước mưa bão... Nhà họ Cẩn có một quy tắc bất thành văn: Đàn bà không được hỏi việc nước. Ta cũng không trách bà ấy, có lẽ ta nên nói rõ cho cả Tiểu Ngọc hiểu, để bọn họ không mịt mù chẳng biết thế sự. Hai con ngựa song song chạy đều, ta hạ vành nón thấp xuống, quất roi hai cái rồi mới nhàn nhạt đáp:
- Ở đời này, quanh co khó hiểu nhất chính là lòng vua. Bà nghĩ hoàng thượng là người như thế nào? Một cơ nghiệp đồ sộ dường này, ngài không thể chỉ lo xây mà không tính người thừa kế.
- Lão gia, thiếp thân ngu muội, vẫn không hiểu ý ông!
- Haizzz... Đã bao giờ bệ hạ làm việc gì mà chưa suy nghĩ đâu? Tân đế lên ngôi năm ngày đã bị lật đổ, bà không thấy chuyện này là cả một âm mưu được suy tính kĩ càng sao? Trên đời này có thứ âm mưu dương mưu nào qua mắt được bệ hạ, trừ khi bệ hạ thao túng cho nó hình thành, thậm chí giúp đỡ cho nó tiến triển...
- Ý ông là...
Thiếu Hoa nghe xong ngỡ ngàng, không dám tin vào tai mình. Tiểu Ngọc thông minh rất nhanh đã hiểu.
- Cha, nói vậy tiên đế là muốn Chu Lạc gia lên thay dòng họ Hạ Hầu? Sao vô lý như vậy? Tân đế vốn là Thái tử, là con ruột của tiên đế, ngôi cha để lại cho con là điều rất đỗi bình thường. Vì sao bệ hạ muốn nhường nó cho người khác, bạc đãi chính con cháu của mình?
- Con gái, ta đã nói lòng vua khúc khuỷu, con có nghĩ cũng đừng nghĩ, thâm tâm bệ hạ suy tính gì chỉ có ngài mới biết! Hạ Hầu Vĩnh Bình có phải cốt nhục của bệ hạ hay không, chuyện này không chỉ nói là được!
Tiểu Ngọc đưa tay bưng miệng, khó lòng tiếp nhận những sự thật kinh trời động đất này. Bản thân ta cũng mịt mờ không rõ, Hạ Hầu Vĩnh Bình có phải con ruột của bệ hạ? Ta luôn linh cảm bệ hạ đối với Thái tử rất nhạt nhẽo, năm thái tử ra đời cũng là năm Dung phi nương nương mất, điều này có quan hệ gì không?
Ta đưa hai mẹ con Cẩn Ngọc đến Nam Đô, gặp được Cẩn Du Cẩn Tiêu, vậy là cả nhà ta đã bình an sum họp. May mắn hai đứa con trai này không theo nghiệp cha, nếu không lại vướng vào cái vòng quan quyền lẩn quẩn. Đó là năm Tân Niên thứ nhất, Chu Lạc Phong lên ngôi, Cẩn gia lưu lạc tha phương, rời bỏ Khương La đi nơi khác làm ăn sinh sống. Ta và phu nhân ở lại vùng Giang Vân thuộc Mạn quốc, về sau các con đều dựng vợ gả chồng chỗ này, không ai biết chúng ta lai lịch ra sao.
Ta sống đến năm bảy mươi tám tuổi, vui vầy con cháu một nhà, cuộc đời không có gì để tiếc nuối. Khi ta chết, linh hồn ta vẫn nhớ quê hương mà lênh đênh trở về lần cuối. Ta đi vào hoàng thành như xưa mà đã khác xưa, cung vàng điện ngọc không còn bóng dáng Hạ Hầu gia, thực sự đã tẩy sạch sẽ chẳng lưu dấu vết. Bệ hạ, nghiệp lớn một tay ngài xây rồi một tay ngài phá đổ, có phải rất hài lòng không?
Hồn ta trôi dạt vô định, cuối cùng bị một tiếng hát xa xăm thu hút, đi đến Phù Dung Trì. Cái đầm này bây giờ gọi là U Trì, năm đó Chu Lạc Phong thanh tẩy triều đình, vùi xác không ít người xuống đáy đầm. Bùn ở đây rất thích hợp cho việc phân hủy xác, chỉ bốc mùi khủng khiếp trong vài tháng, sau đó hoa cỏ trong hồ càng thêm xinh đẹp. Ta đi đến U Trì, lòng thầm nghĩ sẽ được gặp vài tên bạn già từng kề vai sát cánh năm xưa. Nhưng ngoài dự đoán, U Trì rất tĩnh lặng, không có oan hồn lây lất, không có ma cô quỷ dạ... Rất bình yên... Ta khó hiểu nhìn ngắm sen trong hồ, chẳng lẽ Chu Lạc Phong đã mời đạo sĩ pháp sư gì đó về trừ tà?
Tiếng hát lạ lùng lại vang lên, bấy giờ ta mới nhìn rõ một cô gái rất quen mắt đang ôm cổ cầm, trôi bồng bềnh giữa biển hoa mà hát:
“Phải chi ta chưa bao giờ gặp, sẽ chưa bao giờ thương, cũng chưa bao giờ nhớ... Phải chi người không khoác long bào, không giang sơn gấm vóc, không mỹ nhân giai lệ trùng phùng...Kiếp làm hoa lặng thầm đợi cánh bướm. Bướm bay gần rồi bay xa, nhưng chưa từng ghé lại...Kiếp làm hoa vẫn nhớ hoài cánh bướm. Bướm bay cao bay thấp, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy ta...Kiếp làm hoa cứ phải đợi cánh bướm... Đến khi hoa tàn, đến khi lá héo, đến khi cành khô... Bướm chưa đến một lần...” Ta thực sự bàng hoàng. Chính là nàng! Nàng vẫn luôn ở đây!
Tuy không còn nhớ rõ khuôn mặt nhưng ta biết Dung phi thích vận áo hồng. Nàng ở trong hậu cung thâm sâu, ta rất ít cơ hội nhìn thấy. Chỉ đôi lần bệ hạ vô tình nhắc tới, đặc biệt là khi ngài ấy say. Dung phi chết trẻ, linh hồn nàng vẫn mang diện mạo ngày xưa, xuân sắc mặn nồng, là một tuyệt thế giai nhân!
t
r u y e n c u a t u i n e t - Cẩn đại nhân, ông đến đây làm gì?
Phù Dung rời tay khỏi dây đàn, nhẹ nhàng đáp xuống bên bờ hồ. Nếu tóc nàng không bồng bềnh bay bay, thân thể hơi nhạt màu thì ta sẽ nghĩ nàng vẫn đang sống.
- Ta... Dung phi nương nương... Sao...
Ta chẳng biết phải nói gì với nàng. Nàng ở đây lâu năm, cũng đã thấy hết thế sự đổi thay, chẳng có chuyện gì phải nói nữa.
- Cẩn đại nhân có cần ta giúp không?
Ta nhíu mà không hiểu, nàng lại cười nhẹ nhàng:
- Ông vẫn lưu luyến trần thế, không đành lòng buông xuống kiếp này, phải vậy không? Ta có thể giúp ông rời đi, chỉ cần đưa tay ra...
Ta kinh ngạc nhìn xuống bàn tay nàng. Có trăm điều nghi ngờ muốn hỏi.
- Nương nương có ý gì? Ta không lưu luyến gì hết, ta chỉ muốn thăm chốn cũ trước khi rời đi thôi!
- À...
Phù Dung gật đầu thu tay lại, vẫn là nét cười dịu dàng chỉ thuộc về một cô gái hiền hậu và chung tình.
- Có lẽ ông không biết. Tôi vẫn luôn canh giữ nơi này. Tôi đưa tất cả bọn họ về nơi thuộc về mình, bao gồm các hoàng hậu của chàng, bao gồm các triều thần tận trung vì chàng... Tôi nhìn Chu Lạc Phong xóa tên một triều đại, thật lòng không biết vui hay buồn...
- Vậy còn bệ hạ? Nương nương cũng đưa tiễn bệ hạ sao?
Phù Dung rũ mắt xuống
- Không. Tôi trốn trong búp sen, không có gặp ngài ấy.
- Vì sao?
Ta ngơ ngác nhìn nàng, nếu nàng vẫn ở đây thì lẽ ra phải thấy. Thấy những năm cuối đời bệ hạ rất đau khổ và ân hận, thấy việc ngài làm vì nàng, thấy ngài phá hủy tất cả giang san giao cho Chu Lạc Phong. Bệ hạ mù quáng điên cuồng như vậy, chẳng phải vì yêu Dung phi nương nương hay sao? Ta nhìn kĩ khuôn mặt tái nhợt của nàng, đây là biểu hiện của người chết vì ngạt nước. Váy áo nàng hơi ướt, đi đến đây cũng lưu vệt nước dưới chân...
- Nương nương... Vẫn còn hận bệ hạ?
Phù Dung mở to mắt nhìn ta, không lắc đầu, cũng không gật đầu
- Tôi không biết. Có lẽ đã quên, cũng có thể còn ủy khuất. Nghiệp chướng của Vĩnh Khang rất nặng, nếu cứ tiếp tục như vậy chàng sẽ phải chịu nhiều hình phạt dưới âm ti. Tôi ở đây để hóa giải chúng, tôi đưa những hoàng hậu đoản mệnh bị chàng giết đi về cõi âm mà không lưu lại oán thù. Tôi dẫn những trung thần bị chàng phản bội đến một cuộc sống mới. Nhưng vào lúc chàng có thể nhìn thấy tôi... Tôi lại không dám gặp. Sau này tôi phát hiện mình bị giam cầm ở Phù Dung Trì, không thể vượt qua tường thành hoàng cung. Có lẽ tôi sẽ mãi mãi tồn tại hư vô, trả giá cho những gì mình làm...
- Nói như vậy, thực ra nương nương vẫn yêu bệ hạ. Vì lo lắng cho ngài nên thay ngài dàn xếp, không phải sao?
Phù Dung quay lưng đi, nhón chân bay trở về biển hoa của nàng.
- Tôi không biết và cũng không muốn biết. Bây giờ tôi chỉ là một vu hồn hút linh khí hoa sen tồn tại. Vĩnh Khang đã đi rồi, chúng tôi sẽ không bao giờ gặp lại. Chuyện cũ không cần nghĩ nữa... Đều là dĩ vãng...
Ta há miệng muốn gọi nàng lại nhưng phát hiện trên đầu tỏa ra vầng sáng. Ta không còn thời gian nữa, phải đi cho hết con đường thuộc về mình. Lúc ta bị cuốn vào vòng sáng thần thánh, ta nhớ lại tất cả chuyện cũ diễn ra trong kiếp này... Bệ hạ và Dung phi, bọn họ đều đáng thương như nhau, có lẽ giống như lời bài hát, thà không gặp, không quen thì sẽ không đau khổ!