Phù Dung Trì

Chương 45

Phần XII: Hạ Hầu Chu Lạc, Khang Vĩnh Dương Ca

Năm Thái Minh thứ bảy, Chu Lạc Ca Dương ở tuổi hai mươi tư nắm hoàng quyền trong tay, Khương La trong thịnh ngoài cường, mùa màng xanh tốt, quân binh tinh nhuệ, thần tử cúi đầu trước vua, sĩ tử viết văn thơ ca ngợi ơn đức, phải nói rằng cả nước thay da đổi thịt.

Ở Phượng triều, hoàng đế lúc này sáu mươi hai tuổi sắp không trụ vững. Ở Đại thế, Lỗ Kiến Cao cũng đã quá năm mươi, Thái tử Lỗ Tông Phi hai mươi mốt, nghe nói được dạy dỗ rất tốt, tài đức phi phàm, là hoàng đế kế tiếp không ai nghi ngờ. Các tiểu quốc xung quanh cũng tương tự vậy, chỉ có Thái Minh đế của Khương La là trẻ tuổi hơn hết, tâm kế sâu xa, rất có tài dụng binh, khiến bao nhiêu mưu đồ và cuồng vọng phải tạm thời trì hoãn.

Phượng đế – Phượng Trầm là cậu ruột của Ca Dương, tuy Thái hậu nương nương vẫn khỏe mạnh nhưng quan hệ hai bên khá lạnh nhạt. Chủ yếu do sự kiện Ôn Chính vương tạo phản năm Sùng Nghi cuối cùng. Nhớ năm đó Chu Lạc Ca Dương chém đầu hoàng thúc ngay trên đại điện, lấy quyền điều khiển Ngự Lâm Quân dễ dàng tiến lên ngai vàng. Ải Bình Thành mất Ôn Chính vương, quân đội bị điều đi chỉ còn tầng bảo vệ mỏng, Đại Thế lợi dụng lúc hoàng tộc Khương La tan đàn xẻ nghé, lấy binh vận thần tốc hạ ải Bình Thành, tiến vào sâu trong lãnh thổ.

Trận đánh năm đó mở màn cho năm Thái Minh đầu tiên, đem nhiều tên tuổi đánh lên sáng bóng ví dụ như lão tướng Đô Dư Mân, cũng là ông nội của Đức phi nương nương điên điên khùng khùng kia, Thái học sĩ Ngô Hà Huy trở thành tâm phúc của hoàng thượng, ngay cả Hòa An vương quanh năm ẩn dật Sa Đà cũng có mặt góp công. Bảy năm từ sau trận đánh ấy, Khương La chưa từng động binh lần nữa, công thần thuở xưa cũng thế này thế khác. Lão tướng họ Đô đã về hưu một năm, ngã ngựa trọng thương nên chân trái bị cưa bỏ, nhà họ Đô liền theo ông xuống dốc, ngay cả Đức phi trong cung cũng sống không tốt lắm. May mắn họ vẫn có con trai trưởng là Đô Thư Doanh, vào Hàn Lâm Viện nhiều năm, làm tới chức Thái úy, vẫn thường đi với Ngô Hà Huy, trở thành thần tử được bệ hạ xem trọng. Đô gia bề ngoài vẫn được kính nể nhưng thực chất không còn thanh thế như xưa, bởi lẽ đứa con trưởng này không “biết điều”, chẳng ngu hiếu nghe lời như những đứa khác. Vụ điều tra tham ô năm Thái Minh thứ năm có dính líu tới hai người trong tộc, đều là trưởng bối nhưng cuối cùng vẫn bị Thư Doanh đem tội trạng dâng sớ tấu lên, khiến họ bị cắt chức đày đi khổ sai. Từ đó Đô Thư Doanh có mâu thuẫn với gia đình, bị mẫu thân cầm chày đánh đuổi, nói rằng đoạn tuyệt quan hệ. Hắn chẳng nói chẳng rằng, hôm sau liền dọn đồ rời đi, vào Hàn Lâm Viện ở nhờ, tính tới nay cũng ở nhờ 2 năm rồi... Ca Dương híp mắt cười cười, hứa rằng khi nào hắn lấy vợ thì sẽ cấp một phủ nhỏ trong kinh, cho dựng bản lập môn hộ riêng. Đô gia biết chuyện tức tới hộc máu, ngoài miệng mắng con trai bất hiếu nhưng trong lòng thì tiếc ngẩn tiếc ngơ. Còn ở nhà thì còn nhờ cậy, hắn dọn ra ngoài giống như cắt đứt liên lạc, con át chủ bài chèo chống gia tộc đã mất đi...

Ngoài chuyện nhà họ Đô thì gần đây phủ Hòa An vương cũng rất có tiếng tăm. Quận chúa Minh Châu được sủng ái chẳng khác gì trưởng công chúa, là nhân vật chạm tay sẽ bỏng. Nhiều người khen Chu Lạc Trinh biết tính toán, sau khi lập công không đòi thưởng mà trở về Sa Đà, khiến cho hoàng thượng nhiều năm áy náy, muốn bồi thường cho lớp con cháu, cả nhà hưởng ân vua. Chu Lạc Tịch Tề gia nhập nhóm trọng thần tuổi trẻ tài cao, trở thành bằng hữu tốt của Hà Huy, Thư Doanh. Thế tử Chu Lạc Thán Khúc được ban phong hào “Tự Trinh”, về sau sẽ là Tự Trinh vương. Điều này cũng có nghĩa là tước vị sẽ kéo dài thêm một thế hệ, tới đời con trai hắn vẫn là thân vương. Nhị công tử, Tam công tử rồi Ngũ công tử, ít nhiều ai cũng hưởng sái chút đỉnh, khiến cho hoàng tộc ghen tị đỏ mắt, xem ra hoàng thượng đem phủ Hòa An biến thành mỏ vàng rồi!

Đáng chú ý hơn hết, vinh sủng hơn hết phải nói đến Quận chúa điện hạ. Ra đời thì mẹ mất, cha anh thương xót nuôi nấng chiều chuộng, có ngọc Tu Loan làm vật tùy thân, còn phong hiệu Minh Châu cao quý nhất. Từ năm cô bé lên sáu đã bắt đầu nghỉ đông ở kinh thành. Cứ độ cuối thu là hoàng thượng phái người tới đón nàng đi, quận chúa ở lại hoàng cung đến đầu xuân mới về, có khi còn ăn tết ở đấy luôn. Bệ hạ cưng em họ như con gái, sợ là về sau có trưởng hoàng tử ra đời cũng không sánh bằng. Mấy vị cáo mệnh phu nhân đã bắt đầu rục rịch, tuy quận chúa còn bé xíu nhưng họ đã tính tới năm con bé mười sáu, ai cũng muốn tiên phong đến cửa cầu hôn. Thế gia nào có phúc mà lấy được Minh Châu quận chúa thì khác gì làm rể quý của vua. Khi Chu Lạc Ca Dương nghe được chuyện này không hiểu sao hắn rất tức giận, đem phu nhân Hộ bộ thượng thư giáng xuống bậc lục phẩm, khiến đám đàn bà yêu thích mai mối đó trở nên câm nín, không dám nói bậy bạ nữa... Haizzz, ai có con thì hiểu lòng cha mẹ, xưa nay phụ thân thương yêu ái nữ, không muốn gả đi sớm, cho nên muốn thành rể nhà người ta cũng không dễ dàng!

Năm Thái Minh thứ tám, Khương La và Phượng Triều đặt lại quan hệ ngoại giao, Thái hậu đứng ra hòa giải khiến cho Ca Dương bỏ qua chuyện cũ, lần nữa hòa hảo với cậu ruột. “Chuyện cũ” này chính là chuyện năm đó Phượng Triều cư xử hai mặt, lén lút ủng hộ Đại Thế đánh tới Đề Lô, khiến thất thủ nhanh chóng ở Bình Thành, thương tổn vô số. Chả biết lúc đó Phượng đế kẹt đầu vào cửa kiểu gì lại cùng phe với giặc, âu cũng là tim lạnh nhà đế vương, bà con thân thích gì cũng không bằng danh lợi. Ông ta có tâm cơ riêng, nghĩ rằng nếu phen này Đại Thế chiếm được Khương La thì lão ấy cũng thu về rủng rỉnh. Chỉ tiếc chuyện này không bao giờ xảy ra, bởi vì ông ta có đứa cháu trời đánh, không những làm Đại Thế thua ê răng còn dám tuyên bố chiến tranh lạnh để dằn mặt mình!

Tình hình trong nước ở Phượng triều không tốt lắm, Phượng Trầm ngày càng già, con cái đông đúc loi nhoi, mạnh người nào người nấy xây dựng thế lực, tranh giành đấu đá khiến tuổi già không yên. Lúc này ông ta cần Ca Dương ủng hộ, đàn áp bầy con xuống một chút, sau này ban chiếu truyền ngôi đỡ xảy ra nguy cơ giết vua tiếm quyền.

Vào một ngày đầu hạ năm Thái Minh thứ chín, Ninh công công đi vào chuồng dơi ở phía sau Dụ Kiến cung. Tối qua có hai con vừa bay về tổ. Trong đội ám vệ của hoàng thượng có một nữ sát thủ gọi là A Mị, nàng ta có biệt tài thuần hóa chim chóc, bồ câu sức dẻo dai không cao, bay đường dài và bay đêm rất khó, cho nên họ đổi sang dùng dơi, loại dơi mũi nhỏ cánh to, có thể di chuyển thâu đêm. Người tài dưới trướng bệ hạ rất nhiều, trong tối ngoài sáng đều đáng sợ. Ninh công công kiêu ngạo suy nghĩ, hắn theo điện hạ nhiều năm, biết rất nhiều bí mật tồn tại trong hoàng thành.

Có hai tin không khẩn cấp, một là mật thám đã hoàn thành nhiệm vụ ám sát một đại thần ủng hộ Tề vương, một tin khác là Thập lục hoàng tử Phượng Thể muốn diện kiến bệ hạ. Chuyện Tề vương có tâm cơ đã bị phát hiện từ hai năm trước, cứ nghĩ phen này Khương La sẽ nội chiến không ngờ hoàng thượng lại chọn đường vòng. Thay gì điều quân trực tiếp đánh lên căn cứ bí mật của Tề vương thì Ca Dương lại xài ám chiêu, lần lượt gài mật thám vào, từ từ làm nhiễu loạn nội bộ, giết người nòng cốt, đánh từ bên trong đánh ra. Kết cục dây dưa hai năm Tề vương chưa thể tạo phản mà hoàng thượng cũng không trị được tận gốc. Ngô Hà Huy từng thắc mắc vì sao một người quyết đoán và mạnh tay như bệ hạ lại chọn cách thức tốn nhiều hơi sức như vậy. Khi đó Ca Dương trả lời: “Trẫm hy vọng khi mình còn tại vị sẽ không gieo nhiều đau thương chết chóc, để nàng không oán hận trẫm là kẻ vô tâm vô tình”. “Nàng” ở đây là ai Ngô Hà Huy không dám nghĩ nhiều, hắn nói thầm trong lòng chắc là bệ hạ đã ngộ Phật lý, bắt đầu trở nên từ bi đức độ, cứu rỗi chúng sinh rồi!

Tiểu Ninh Tử đem hai tin mới bẩm báo lên hoàng thượng. Sau giờ thiết triều ngài có thói quen ăn dầm nằm dề trong thư phòng. Ca Dương nghe xong chầm chậm hạ bút xuống, híp mắt hỏi Ninh công công:

– Vậy là Trần Ngộ chết rồi? Tình hình Trần gia thế nào, có tiếp tục đi theo Tề vương không?

- Trần Thừa Hòa là kẻ có đầu óc. Hắn nghe Đô đại nhân nói bóng nói gió một hồi liền hiểu nguyên do cái chết của cha hắn, nô tài nghĩ Trần gia có bất mãn nhưng sẽ không mạo hiểm đi tiếp con đường này...

Ca Dương đưa mắt nhìn chậu sen bên cửa sổ, cười khẽ lắc đầu:

- Ngươi có biết, ở đời này khó lường nhất chính là lòng người. Giết một người thì dễ nhưng khiến họ sống mà phục tùng thì khó. Trần Thừa Hòa bằng mặt không bằng lòng, trước sau gì cũng là mối họa, tru di cửu tộc cũng từ đạo lý này mà ra. Thà rằng giết sạch, bất kể có tội hay vô tội còn hơn lưu lại mầm mống tai ương về sau...

Ca Dương hít vào một hơi, nâng tay xoa xoa thái dương có phần nhức nhối. Hắn không biết mệnh thiên tử hơn người chỗ nào, chỉ biết rằng làm vua na ná như làm cái thùng rác nhận hết tội nghiệt vào người, chỉ mong thiên hạ thái bình. Một kiếp hoàng đế dính bao nhiêu máu, e rằng tầng sâu nhất trong địa ngục cũng chứa không nổi...

- Ngươi điều tra thêm về Trần Thừa Hòa, hắn kết giao với ai, thích đọc sách gì, có năng khiếu gì, thường lui tới đâu, thái độ sống ra sao... Còn nữa, tìm hiểu về nữ nhân xung quanh hắn, thiếp thất trong nhà rồi xuất thân lai lịch của họ. Trẫm muốn nhìn xem họ Trần này có thể “cải tạo” một chút hay không...?

- Nô tài tuân lệnh! Bệ hạ, vậy còn chuyện của Thập lục hoàng tử?

Ca Dương nhướng chân mày, tỏ ra thích thú hỏi:

- Thập lục? Tên gì ấy nhỉ? Phượng Thể à? Hắn thân phận thế nào?

- Theo tin tức từ mật thám, thập lục hoàng tử là con của một trong tứ tần, năm nay hai mươi ba tuổi. Người này bề ngoài khá ưu tú nhưng mà không nổi bật bằng Ngũ hoàng tử Phượng Vận. Nhà mẹ họ Cao, cũng có chút thế lực nhưng không đáng kể. Phượng đế yêu thích nhất là đương kim Thái tử, đối với Phượng Thể chưa từng chú ý. Khi còn nhỏ hắn bái Trang Tự lão sư làm thầy, cũng là đồ đệ cuối cùng của ông ta. Phượng Thể có võ công ở mức khá, miễn cưỡng đỡ được năm chiêu. Ngoài ra mật thám còn phát hiện hắn có tài dụng độc, so với Độc Cô Tinh chỗ chúng ta cũng không kém lắm...

Ca Dương híp híp mắt, cười mặt cáo già, chiếc răng nanh hơi nhọn khẽ cắn xuống môi dưới.

- Mặc dù cửu cửu quyết định truyền ngôi cho Phượng Doãn nhưng trẫm lại không thích ông anh họ này tí nào. Hắn ta không phải người dễ khống chế, sẽ rất phiền phức về sau. Còn Phượng Vận lòng tham quá lớn, không biết an phận, trẫm không thích loại người này. Mấy hoàng tử khác không đủ tài, không có đức, đều không xài được... Nếu Phượng Thể biết cách thông qua ám vệ mà đưa tin đến đây thì tức là hắn có tầm nhìn về thời cuộc, trẫm sẽ thử gặp một lần. Ngươi cứ viết thư trả lời, không cần giúp đỡ gì cả, để Phượng Thể tự mình xoay xở... Cửu cửu trẫm ngày càng già yếu rồi, phải tính gấp chuyện kế vị thôi!

Ninh công công cúi đầu nghĩ thầm, hình như hoàng thượng lại lo chuyện bao đồng rồi. Phượng đế còn sống sờ sờ đó, ông ta muốn chọn đứa con nào không lẽ phải hỏi ý bệ hạ? Hoàng thượng mưu mô nham hiểm, ngài có một thiên hạ rồi còn muốn ngấp nghé đất nhà hàng xóm, cả chuyện vợ chồng con cái người ta cũng muốn quản! Ninh công công to gan phỏng đoán, hay là hoàng thượng muốn biến Phượng Triều thành sân sau cho mình?

- Bây giờ là tháng mấy rồi, vì sao mùa hè lại dài như vậy?

Tiểu Ninh Tử còn đang suy nghĩ miên man thì nghe hoàng thượng nói câu lạc đề. Vào mùa hạ hàng năm, Ca Dương luôn cảm thấy thời gian trôi chậm chạp. Mỗi ngày ngồi ở thư phòng nhìn ra cây sồi già, hắn mong đợi những chiếc lá xanh chuyển mình thay sắc. Khi tán lá bắt đầu vàng ươm, Ca Dương liền sai người đi đón Tư Tư hồi kinh. Nhiều năm như vậy tạo thành một thói quen cố định.

Tiểu Ninh Tử len lén nhìn sắc mặt hoàng thượng, nói câu hợp tình hợp lý:

- Hiện tại chỉ mới giữa tháng tư, còn đang vào hạ, hoàng thượng mong nhớ quận chúa cho nên cảm thấy thời gian qua chậm. Mùa hè năm nay sẽ sớm kết thúc thôi, sau khi đê Phong Hà tu sửa xong thì đến tháng năm, lễ Tịch Điền đầu tháng sáu, phái đoàn sứ giả nhà Mạc rời đi là tới tháng bảy rồi... Hoàng thượng nhiều sự phải lo, bận rộn một phen thì mùa hè đã qua chóng vánh, ngài không cần lo lắng!

Ca Dương nhếch môi nhìn tên nô tài dẻo mồm, cảm thấy hắn nói quá nhiều, cứ như đi guốc trong bụng mình... Mấy tháng sau đó Ca Dương thật sự rất bận, tuy hắn không phải đi đâu quá xa hoàng thành nhưng núi tấu chương mỗi ngày cũng đủ ngập đầu, nghiệm thu đê Phong Hà xong thì chuẩn bị cho lễ Tịch Điền quan trọng hàng năm, lễ hội này hoàng đế phải đích thân xuống ruộng, cày tượng trưng một mẫu đất tốt nhằm cầu phúc cho mùa màng năm sau. Nhà Mạc nằm ở phía Tây Khương La, cách nhau biên ải Đồng Tranh, nơi này là ranh giới quan trọng hàng năm phải chú ý củng cố. Thời đại trước Mạc quốc khá rộng lớn, bằng một nửa diện tích Khương La. Trải qua chiến dịch “Ngự Bắc chế Tây” thời Thiên Vĩnh đế, không những Mạc quốc bị thâu tóm mà cả Trung Lương bên cạnh cũng sáp nhập thành một châu trì, gọi chung là Lương Châu, chịu sự thống trị của chính quốc. Năm Thiên Vĩnh cuối cùng, Hạ Hầu Vĩnh Khang băng hà, tộc Chu Lạc nổi lên soán vị khiến cho tình hình trong nước rối loạn. Ở Âu Hạ, Tây Lương, Tây Chu, Mạc quốc, Trung Lương,... Các tiểu quốc đồng loạt nổi dậy giành chính quyền. Tuy phần lớn đều thất bại nhưng cũng có nhiều quốc gia thành công lấy lại ngọn cờ. Có lẽ vì nhà Mạc và Trung Lương là hai nơi cuối cùng bị Khương La xâm lược, trong những năm Thiên Vĩnh đế tại vị còn chưa đủ xây dựng nền thống trị vững chắc. Lợi dụng sự rối ren năm đó, Mạc lấy lại hơn một nửa đất đai, sau bao nhiêu triều đại Chu Lạc gia nắm quyền, bọn họ vẫn ôm mộng tưởng giành nốt phần còn lại bị Khương La nuốt chửng. Ải Đồng Tranh có địa thế quan trọng, xếp sau ải Bình Thành về độ nguy hiểm, hàng năm vẫn do Thánh Kim vương đóng giữ. Thánh Kim vương là em trai thứ bảy của tiên đế, cũng là Thất hoàng thúc của Ca Dương. Sau khi Ôn Chính bị chém đầu, Hòa An vương, Thánh Kim vương và Thiết Bình vương là ba vương gia thân tộc cuối cùng thuộc về triều đại trước. Ca Dương xem họ như trưởng bối, xưa nay đối đãi rất có tình có nghĩa. Ngoài ba ông vương gia này còn có Tề vương và Cận vương là hai em trai cùng cha khác mẹ với bệ hạ. Khương La tuy rộng lớn nhưng hoàng tộc không đông đúc như người ta vẫn tưởng, năm vương một đế, tất cả chỉ như vậy.

Mùa thu năm Thái Minh thứ chín, lần đầu tiên Mạc quốc đưa sứ thần sang thiết lập quan hệ thân thiết, có lẽ sau nhiều thế kỷ bọn họ cũng hiểu được vùng đất năm xưa thuộc về Mạc đã không còn hy vọng lấy lại. Dân ở đó không còn là người dân của họ, trâu ở đó cũng không phải giống trâu nhà họ, con cháu sinh ra mang huyết thống Khương La, nếu người không còn thì đất cũng mất! Đó là chưa kể vị hoàng đế cao cao trên kia là Chu Lạc Ca Dương, rất nhiều người nói rằng hắn có đôi mắt giống hệt Thiên Vĩnh đế, ngay cả tác phong và hành sự cũng mạnh mẽ như vậy. Đứa con ruột bị bắt cóc kia, Mạc không cố chấp tìm lại nữa, bởi vì nó bị nuôi dạy thành con nhà người rồi!

Ca Dương đối với sứ thần Mạc quốc không quá nhiệt tình cũng không quá thờ ơ, vừa đủ lịch sự của người chủ nhà. Bọn họ đem tới nhiều lễ vật, gồm cả vàng bạc châu báu và mỹ nhân. Nữ nhân Mạc quốc có vẻ đẹp hoang dã và phong trần, khác biệt hoàn toàn so với nét đẹp nhu mì và kín đáo của con gái Khương La. Da họ màu bánh mật, mềm mại và bóng loáng, điệu múa bụng mê hoặc bao nhiêu người. Sứ thần đem tới ba vũ nữ đẹp nhất, người nào người nấy mắt to sáng, tóc đen huyền, dáng cao gầy mảnh khảnh, trang phục lộ liễu khiến cho thần tử Khương La nhìn lác mắt. Hậu cung trong này cũng nổi bão một phen, mấy năm nay bệ hạ quá lạnh nhạt, tuyển tú thì có đủ lý do để trì hoãn, người cũ nhìn ma cũ đến phát chán, rất lâu rồi mới bừng lên khí thế chiến đấu.

Ca Dương ngồi trên ngai vàng nhàn nhã uống rượu, tiếng đàn réo rắt yêu mị bên tai, dưới sảnh là ba con rắn uốn éo, trang phục dệt kim tỏa ra ánh sáng bạc thu hút chú ý của mọi người. Hắn vẫn bình thản ngồi trên cao, quan sát bộ mặt đắc ý của sứ thần, dáng vẻ mất hồn của quân nhân trong triều, rồi cả thái độ câu dẫn rõ ràng từ ba cô vũ nữ... Nhàm chán!

Hắn nhớ hồi chiều lúc thay long bào có nhìn ra ô cửa sổ ở thư phòng. Lâu ngày không để ý không ngờ cây sồi đó đã thay lá vàng, thì ra mùa thu đến rồi. Chờ ít hôm nữa hắn sẽ sai người đón Tư Tư hồi kinh, năm nay con bé tròn chín tuổi, không biết cao thêm bao nhiêu, nặng lên mấy ký, trên mặt đã bớt nét ngây thơ chưa?

Chín tuổi... Ca Dương nhẩm tính, vậy là năm năm nữa phải làm lễ chải tóc, trở thành cô nương rồi! Đến lúc đó có thể gả đi nhưng mà hắn vẫn nghĩ mười bốn tuổi quá nhỏ, tốt nhất là mười sáu mười bảy, khi ấy cơ thể phát triển toàn diện, nếu như mang thai cũng không gặp nguy hiểm gì... Nghĩ tới tên nhóc nào đó có thể lấy được nàng về nhà, Ca Dương không khỏi nghiến răng nghiến lợi. Hắn tốt nhất là vượt qua chỉ tiêu mà Ca Dương đề ra. Bề ngoài cần anh tú dễ nhìn, gia sản phải nhất nhì trong nước, học vấn ngang bậc Trạng Nguyên, võ công vượt qua nhóm ám vệ mới có thể bảo vệ Tư Tư, nhân phẩm tuyệt đối tốt, không được nạp thiếp, không được có thông phòng thì Tư Tư không cần buồn phiền vì chia sẻ nam nhân cùng người khác...

Nếu hoàng tộc ngoại quốc đến cầu thân, hắn không cần nhìn sẽ lập tức từ chối, bởi vì Ca Dương không có ý định cho nàng rời khỏi Khương La. Lấy chồng xa rất bất tiện, bị người ta bắt nạt không có ai bênh vực, đau ốm bệnh tật hắn cũng không thể đến ngay lập tức. Tốt nhất là giữ nàng ở kinh thành, bất cứ lúc nào cũng có thể gặp, tiện cho việc giám sát và bảo vệ... Ca Dương tính tới tính lui, cảm thấy trên đời này không có ai đủ tiêu chuẩn.

Từ nhiều năm trước Tiểu Ninh Tử đã lập một danh sách con cái triều thần, hoàng thượng luôn theo dõi quá trình trưởng thành của mấy đứa bé trai đó, hy vọng tìm được một thiếu niên nổi trội vượt bậc. Tiếc là hắn càng nhìn thì càng cảm giác đám trẻ này mặt búng ra sữa, tay chân yếu ớt, đầu óc non nớt, đến vắt mũi còn không sạch nữa là... Ca Dương từ bỏ ý định này, chuyển sang kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng phò mã. Hắn tính đến Ngô Hà Minh – con trai trưởng của Ngô Hà Huy, thằng bé đó mặt mày xán lạn, có vẻ dễ nuôi dễ dạy. Khi Ngô đại nhân biết được suy tính này, hắn đem theo vợ quỳ ở ngoài phòng, đập đầu một trăm cái mong bệ hạ “tha” cho con trai mình. Có trời mới biết Ngô Hà Huy thà đem con cạo đầu ném vô chùa còn hơn để nó lấy Minh Châu quận chúa. Ai mà biết được một hôm nào quận chúa đại điện hạ bỗng kén ăn thì hoàng thượng sẽ cho là phò mã khiến nàng buồn phiền, quận chúa chải đầu rụng tóc thì phò mã chịu tội không chăm sóc tốt, càng xui xẻo khi quận chúa người ta mang thai, lúc đau đẻ kêu khóc chắc hoàng thượng sẽ đem phò mã đi chém đầu... Ôi trời ơi... Con hắn thà đi tu chứ không dại gì nhảy vô cái chảo dầu này! Có ai hy sinh thân mình làm ơn chạy vào “hốt” cục than nóng này đi! Vợ chồng Ngô đại nhân khóc như chết cha chết mẹ, cuối cùng Ca Dương rủ lòng thương mà tha cho Ngô Hà Minh. Thằng bé Hà Minh ngồi ăn khoai lang, không hề biết nó vừa thoát một kiếp nạn, về sau sẽ sống lâu trăm tuổi.

Ca Dương ngự trên ngai vàng nhíu mày suy tư, sứ thần Mạc quốc lo lắng không biết ba mỹ nữ này có chỗ nào khiến ngài không hài lòng. Ông ta đâu có biết hoàng đế gia đang tính tới chuyện của hồi môn cho quận chúa Khương La. Sứ thần đem tới rất nhiều lụa thổ cẩm dệt thêu tinh xảo, hắn đã nói với Tiểu Ninh Tử giữ lại hai khúc tốt nhất, cả mấy bộ trâm ngọc và nhân sâm cũng chia phần nhiều cho Minh Châu. Sau đó dư lại bao nhiêu thì ban xuống hậu cung, hoàng hậu nương nương cũng quen với chuyện bị xếp hạng sau quận chúa rồi. Một đêm tiệc tùng này hưởng lợi lớn vẫn là đám triều thần, mỹ thực mỹ nhân mỹ tửu cái gì cũng hảo hạng, chỉ cần tan tiệc còn giữ lại hồn là tốt rồi, phải đối phó với phu nhân ở nhà chứ!

Đại điện có một đêm đèn đuốc sáng trưng, múa ca náo nhiệt. Sau khi mọi âm thanh ồn ào lắng xuống, màn đêm lại ngự trị cùng với cơn gió lạnh và màu đen mịt mù của nó. Một đoàn người cầm đèn lồng, nhìn xa xa như con rắn phát sáng, chầm chậm trườn dọc lối đi. Ninh công công cúi đầu hỏi khẽ bệ hạ muốn nghỉ ở đâu. Thông thường ngài sẽ trở về Dụ kiến cung, đôi lúc là Phượng Nghi cung để Thái hậu nương nương không càm ràm chuyện con cái nữa. Từ sau Chiêu hoa Thẩm Tuệ Nhã, bệ hạ cũng không động vào nữ nhân khác, sống gò bó như tu sĩ khiến Kính Sự phòng ngồi chơi xơi nước. Thẩm Chiêu hoa trải qua kinh hoàng tuy không phát điên như Đức phi năm xưa nhưng hoàn toàn im hơi lặng tiếng trong thâm cung. Nghe nói nàng ta bị bệnh nói lắp, sợ chỗ đông người, quanh năm đóng cửa ở yên trong phòng, chỉ có Trung Thu, Nguyên Đán và Nguyên Tiêu mới ra thỉnh an Hoàng hậu. Mấy vị nương nương khác giống như nhận được tín hiệu nào đó, đồng loạt trở nên thành thật, tiết kiệm cho quốc khố không ít tiền vải vóc son phấn. Bọn họ thật xứng đáng được nhận bằng khen!

Ca Dương ngẩng đầu nhìn về phía mái ngói đỏ xa xa, phía sau Kỳ Nam môn là hậu cung của hắn, là đàn bà trên danh nghĩa của hắn. Ca Dương chợt thấy nhạt nhẽo. Niềm vui trên đời này không nhiều, Ca Dương chẳng rõ vì sao mình cứ sống quanh quẩn nơi này, lặp đi lặp lại một loại công việc, mệt thì lăn ra ngủ, đói thì lại ăn, không rõ mỹ thực có hương vị gì và giường rồng êm ái ra sao. Một năm có ba mùa hắn thấy cô độc, chỉ khi trời trở rét và lất phất tuyết rơi mới ấm áp đôi chút. Thật quá lạ!

- Không về nữa, tối nay ngủ ở Phù Dung Đình!

Đoàn người xách đèn chuyển hướng đột ngột, đi về phía đầm sen. Sau Dụ Kiến cung thì U Trì là nơi nghiêm mật thứ hai được Ngự lâm quân cẩn thận bảo vệ. Bỏ lại đám nô tài cung nữ, Ca Dương chỉ đem theo Tiểu Ninh Tử đi qua cây cầu khúc khuỷu dẫn tới tòa kiến trúc ở giữa hồ. Hắn cảm giác mình đang bước trên dòng thời gian mát lạnh, đạp qua năm tháng trở về những ngày xa xôi ấy...

Lưu Hải đứng trên bờ trông ngóng hoàng thượng chầm chậm chèo thuyền đi tới. Ngài ôm theo Dung phi nhảy lên bờ hồ, lúc này Dung phi nương nương được bọc kín trong lớp vải, chỉ có một bàn tay lộ ra. Bàn tay trắng sáp, móng tay vốn hồng hồng bây giờ không thấy huyết sắc, dễ dàng nhận ra da bàn tay hơi nhăn nheo vì ngâm nước nhiều canh giờ.

- Gọi Ngự y, đem khăn bông và than nóng đến đây... Dung phi bị cảm lạnh rồi!

Hạ Hầu Vĩnh Khang nói nhẹ nhàng, giọng điệu tự nhiên bình tĩnh nhưng không hiểu sao hai mắt Lưu Hải thấy cay xè.

- Bệ... Bệ hạ... Nương nương đã...

- Trẫm nói ngươi không nghe rõ sao? Dung phi bị cảm! Lập tức gọi Ngự y đi, bảo bọn nô tài đốt nóng Trúc Uyển viện lên!

Hắn ôm theo Phù Dung xoay người rời đi, trở về tẩm phòng đem nàng cẩn thận đặt xuống giường. Sau khi thay quần áo sạch sẽ và gột rửa lớp bùn bám trên người thì Ngự y vừa tới. Vĩnh Khang hạ rèm giường, bảo bọn họ cách lớp màn bắt mạch cho nàng. Ôn đại phu là người đầu tiên vào xem bệnh, ông đặt ngón tay dò mạch tượng, tích tắc giật mình rụt người lại, kinh hãi kêu lên:

- Hoàng thượng! Hình như nương nương... Nương nương...

- Dung phi làm sao? – Vĩnh Khang chầm chậm hỏi.

- Vi thần... Vi thần không tìm thấy mạch, mạch không đập, lẽ nào là...

- Ngươi muốn nói cái gì? – Sắc mặt hắn âm trầm, ánh mắt như dao nhọn nhìn thẳng Ôn đại phu.

- Hoàng thượng tha mạng, quả thật vi thần không dò được mạch tượng, liệu... Liệu có thể để thần nghe nhịp thở và kiểm tra tròng mắt của Dung phi không?

Vĩnh Khang đột nhiên đùng đùng nổi giận, hắn quơ tất cả ấm tách trên bàn rơi xuống loảng xoảng.

- Khốn khiếp! Ngươi nói vậy là ý gì? Cái gì mà mạch không đập? Dung phi có thể để ngươi mạo phạm nhìn thấy tư nhan của nàng sao?

Ôn đại phu sợ mất mật, chỉ biết dập đầu đến khi trán rách ra. Vĩnh Khang sai người lôi ông ta ra ngoài, lại mời Trần đại phu tiến vào xem bệnh. Hôm ấy tất cả người trong Thái y viện đều trải qua một phen sinh tử, lần lượt bị gọi đi xem bệnh cho Dung phi. Bọn họ thực không hiểu, đây là một bàn tay chết của một người chết, người chết thì còn có bệnh gì? Hoàng thượng khăng khăng nói rằng Dung phi ngâm nước cảm lạnh, đòi bắt mạch, đòi kê toa, chỉ cần ai dám nói mạch không đập, người không thở thì sẽ bị lôi ra ngoài đánh. Cuối cùng có một thư sinh học sự mới vào Thái y viện không lâu, hắn cũng bị gọi đi xem bệnh, sau khi run run sờ lên cổ tay lạnh lẽo của Dung phi thì lấy hết can đảm nói với bệ hạ:

- Muôn tâu thánh thượng, nương nương không có gì đáng ngại, chỉ là... Là... Ngủ quá say cho nên... Tạm thời chưa thể tỉnh lại!

Gã thư sinh toát mồ hôi lạnh, hắn biết nói dối trước mặt rồng là tội khi quân. Tình huống cấp bách này dù có chết cũng phải liều một phen, nếu hoàng thượng muốn nghĩ rằng Dung phi chưa chết thì cứ việc thỏa mãn lòng hoang tưởng của ngài! Quả nhiên sắc mặt Vĩnh Khang từ từ dịu xuống, còn ân cần hỏi han:

- Vậy có phải uống thuốc gì không?

- Tâu... Thuốc không cần uống chỉ có điều... Thân thể nương nương có tính hỏa, phải nằm trên giường băng, không thể chịu nóng, càng lạnh thì càng tốt!

Hoang đường! Thật là hoang đường! Sau khi đám Thái y biết chuyện này đã mắng tên thư sinh kia thậm tệ. Ai mà không biết Dung phi chết rồi, làm gì có chuyện tính hỏa ở đây. Hắn ta khôn ranh, nói khéo để hoàng thượng có lý do giữ gìn thân xác của nương nương. Một lời nói dối trắng trợn mà người nghe thì không chút nghi ngờ, thật ra ở đời này lắm kẻ chọn tin vào điều mình muốn tin, nghe điều muốn nghe, đâu quan tâm là thật hay giả...

Hoàng thượng đem Dung phi cất vào hầm băng trong hoàng cung, thậm chí bài trí không gian trở thành phòng ngủ, bàn ghế chăn gối đều đủ cả. Lưu Hải không dám nói một lời, chỉ lo bịt kín tin tức, phân phó phủ nội vụ tổ chức mai táng cho Dung phi, ít người biết được phía trong cỗ quan tài chỉ có đá tảng. Nghe nói, một vị phi tần nào đó vừa mới chết, trước bài vị cột dải băng đỏ là biểu tượng cho trinh nữ, hóa ra phi tần kia chưa từng được sủng ái! Phủ nội vụ dựa vào quy tắc làm việc, nếu sổ sách Kính Sự phòng không có ghi chép gì thì họ sẽ theo cách cũ, xem Dung phi như hoàng hoa khuê các mà tổ chức hợp lệ. Về sau sử cũ chép lại: “Dung phi họ Sở, xuất thân là công chúa Trung Lương, tự vẫn chết vào tháng Sáu vẫn mang thân trinh nữ.”
Bình Luận (0)
Comment