Phù Dung Trì

Chương 84

Phần VIII: Đường tới hạnh phúc không còn gập ghềnh

Có ai biết được một lần chia ly sẽ là ba trăm ngày dằng dạc. Sa Đà vẫn bình yên trong cát và gió. Cuộc sống thong dong tự tại, mặt trời mọc lặn đúng giờ. Sự êm đềm này khiến không ít người quên mất đất nước đang chìm trong khói lửa chiến tranh...

Những mẫu cáo thị dán từ tháng Bảy năm ngoái đa phần đã bị gió thổi rách hoặc tróc keo. May mắn lắm mới sót lại một tờ nguyên vẹn nằm khuất ở ngách tường. Nét mực hơi mờ nhưng vẫn đọc được, nội dung đại khái là yêu cầu mỗi nhân khẩu nộp năm mươi văn tiền thuế chiến tranh, cả vùng tuyển chọn bốn trăm thanh niên khỏe mạnh đi tòng quân. Sa Đà đất rộng người thưa, quá nửa diện tích là sa mạc hoang sơ vắng vẻ. Nhờ áp dụng mức thuế thấp nhất cùng quân số ít nhất nên không tạo ra áp lực cho dân chúng, họ vẫn sống thoải mái hơn nhiều nơi khác. Những bô lão chiết khăn nâu gật gù cười, triều đình này tốt lắm, trong lúc khó khăn chật vật, hoàng quyền lung lay vẫn đối đãi người dân công bằng.

Chỗ nổi tiếng duy nhất ở cái xứ khỉ ho cò gáy này là phủ Hòa An, mặc dù vương gia đời này đã đổi nhưng bảng hiệu còn giữ nguyên. Nhắc đến Hòa An vương, ở Sa Đà lưu truyền nhiều sự tích thú vị. Nghe nói ông là hoàng tử con vua, tại chốn cung nghiêm không tham hoàng quyền mà tình nguyện đến nơi xa xôi dựng phủ làm nhà, thương dân như con, cải tạo ốc đảo, đào kênh dẫn nước, biến một Sa Đà nghèo nàn trở nên sung túc như bây giờ. Còn nữa, chuyện tình giữa vương gia và vương phi khiến nhiều người ngưỡng mộ, nghe nói cả đời ông chỉ cưới một người vợ, sinh sáu con trai con gái, gia đình trong ấm ngoài êm. Sau khi vương phi qua đời, ông ở vậy nuôi các con khôn lớn, gìn giữ tấm chân tình với người vợ quá cố, trở thành truyền kỳ trong nhân gian!

Tất nhiên, những mẫu chuyện này đã được đánh bóng ít nhiều, trở nên lý tưởng hóa. Người ta chỉ thấy bề ngoài tốt đẹp mà không nhìn rõ uẩn khúc bên trong. Xét cho cùng, giai thoại đều là những bức tranh cắt ghép khéo léo mà thôi. Có điều ai cũng phải thừa nhận, uy vọng Hòa An vương ở Sa Đà rất cao, hiếm có vị vương nào được lòng dân đất phong như vậy!

Chiến tranh kéo dài một năm, rất nhiều chuyện đã xảy ra, thăng trầm như sắc ố vàng trên pho sử mỗi triều đại. Hòa An phủ bốn bề yên tĩnh. Những con ve sầu ngủ hè trên lá trúc, bầy ong vo ve tìm nhụy hoa hút mật, chuông gió đong đưa sợi lông vũ màu hồng. Chậu thủy tinh đặt bên bệ cửa, một đôi cá kiếm thổi bọt khí lim dim, thỉnh thoảng bị giật mình vì cái lưỡi dài ở đâu thọc vào bể nước.

- Nha Nha, không được uống nước trong chậu cá!

Tương Tư vỗ đầu con chó, lần thứ ba rót thêm nước vào. Cứ đến mùa hè là đôi cá kiếm gặp nguy cơ chết cạn. Trong phòng ngập tràn ánh sáng, sàn trải thảm nhung vừa mịn lại mềm. Những tấm rèm đã được thay mới, lụa Bình Mai nổi tiếng Khương La, đặc biệt dệt ra bức tranh hoa hướng dương bao quanh đàn vịt. Giữa phòng có chiếc nôi đưa, cậu nhóc kháu khỉnh ham chơi không chịu ngủ, bàn tay nhỏ cầm cái trống bỏi hưng phấn ném.

Nha Nha như anh bảo mẫu vô cùng nhẫn nại, bắt đầu lon ton đi nhặt đồ chơi: Cái trống vừa bị ném, chuồn chuồn lá tre gãy cánh nằm cạnh một con bù nhìn rơm đứt đầu, mặt nạ chú hề đã vỡ làm đôi, kế bên là quả cầu mây bị móp và mấy thứ linh tinh nhìn không rõ là bộ phận của đồ vật gì... Nha Nha không phân biệt tốt xấu, đều tha trở về, sau đó nghiêm trang đứng một bên nhìn từng món bị ném đi lần nữa. Ôi, nghề nghiệp của chó bảo mẫu thật vất vả!

- Tiểu Long Nhi, đồ chơi không phải chơi như vậy!

Bạn nhỏ nghe tiếng mẹ gọi, cười khanh khách nhìn qua. Tương Tư ngồi xuống cạnh nôi, giơ trống bỏi lắc lắc, từng tiếng thùng thùng vui tai.

- Làm giống mẹ này, xem mẹ chơi này...

Long Nhi nhìn mẹ làm mẫu, đôi mắt đen láy mở to, tỏ vẻ thích thú. Tương Tư trả cái trống về tay cậu nhóc, mỉm cười khuyến khích nó học theo. Thằng bé nắm chặt món đồ chơi, chớp mắt hai cái, sau đó cười ha ha ném đi. Lần này ném rất mạnh, văng ra ngoài cửa. Cậu nhóc thấy thế vô cùng đắc ý, tự vỗ tay khen ngợi. Nha Nha rời vị trí canh gác, đủng đỉnh chạy đi nhặt.

Tương Tư chống trán bất lực trước trình độ phá hoại của con trai. Đồ chơi cho dù mang hình dạng màu sắc gì cũng chỉ có một công dụng duy nhất. Tiểu Long Nhi ném mỏi tay, phải bổ sung năng lượng để ném tiếp. Cậu bé ngồi trong nôi ê a tìm mẹ. Tương Tư quá quen với những ám chỉ của con, nàng bế nó lên giường, kéo xuống một góc màn. Tiểu Long Nhi nằm trong lòng mẹ tham lam uống sữa, một tay nghịch ngợm nắm tóc mẹ, hoặc là kéo áo mẹ. Tương Tư trìu mến vỗ về con trai, sờ sờ “cái răng” trên đầu bé. So với lúc mới sinh, chiếc sừng đã dài hơn một chút, trơn bóng như bạch ngọc, nhìn rất đáng yêu. Gần đây Tương Tư đã khám phá ra một điều thú vị, mỗi khi sừng nhỏ bị sờ là cậu nhóc không gượng được cơn buồn ngủ, nhanh chóng ôm mẹ thiếp đi. Với cái tính hiếu động ham chơi của bé, đây là cách tốt nhất giúp nó ngủ đúng giờ.

Tiểu Long Nhi bú no, tay mẹ sờ sừng nhỏ rất dễ chịu, dần dần híp hàng mi thiu thiu đánh giấc. Tương Tư nhẹ nhàng đặt cậu bé trở về nôi, dịu dàng đung đưa cho đến khi cảm giác hơi thở của con đã sâu và ổn định. Nàng đứng dậy vỗ đầu Nha Nha, con chó hiểu ý nằm phủ phục một bên, chốc chốc lại giơ chân trước khều cái nôi, đảm bảo tốc độ không nhanh không chậm. Nha Nha là chó bảo mẫu yêu nghề!

Tương Tư an tâm thấy Long Nhi ngủ say, tranh thủ thời gian rảnh rỗi làm chút việc riêng tư. Nàng mở cái rương nhỏ trên bàn trang điểm, bên trong là một xấp thư có mới có cũ, khoảng chừng mười bức. Nhìn nét chữ rồng phượng đề ngoài bìa thư, nàng bắt đầu giở ra đọc lại...

“Mười hai tháng Chín, năm Thái Minh thứ mười bảy,

Ta đang hành quân về Lỗ châu, ban đêm cắm trại ở gần một thôn nhỏ. Khuya hôm ấy nhà đầu thôn có nương tử sinh con, tướng công của nàng cầm đèn chạy đi tìm thầy thuốc, nghe nói bị khó sinh mất máu. Trong đoàn có sẵn năm quân y, ta lệnh một người đi cứu chữa. Rạng sáng hôm sau, trước khi nhổ trại thì nghe tin nương tử kia sinh được bé gái, mẹ tròn con vuông.

Lúc ấy tự nhiên ta nhớ nàng và Tiểu Long Nhi da diết, bèn hạ lệnh ôm đứa bé tới gặp. Dưới ánh mắt khó hiểu của quan tướng, ta đặt cho đứa nhỏ một cái tên, người nhà nhận tên rồi quỳ tạ ơn. Em bé mới sinh rất yếu ớt, nay Tiểu Long Nhi tròn một tháng chắc là kháu khỉnh đáng yêu lắm! Nó có ngoan không? Có ăn khỏe không? Có khóc đêm không? Có khiến nàng mệt không? Long Nhi còn quá nhỏ chắc sẽ không nhớ cha đâu nhỉ?

Mấy vị mama ta đem tới đều là người giàu kinh nghiệm. Nàng cố gắng nghe lời họ ở cữ cho tốt, nghe thái y bảo phụ nữ sau sinh không bảo dưỡng đầy đủ sẽ mắc bệnh về già. Nàng còn phải sống với trẫm cả đời, không cho phép đổ bệnh!

Việc quân vận rất bận, thư gửi đi cũng không an toàn, nói nhiều lại khiến nàng lo lắng. Sau này mỗi tháng ta chỉ gửi một bức, nàng đừng hồi âm, kẻo ta đọc xong lại không kiềm lòng được lén trốn về! Kỷ luật trong quân rất nghiêm, làm hoàng đế cũng không trái được đâu!

Kèn lệnh khởi hành, ta phải đi ngay đây, sắp tới sẽ là mấy ngày đường dài hàng trăm dặm. Mỗi cành cây ngọn cỏ đều làm ta nhớ nàng, tâm trạng lúc này giống như câu thơ:

‘Trên lưng ngựa người đi tâm ở lại

Gánh tương tư lại thêm gánh sơn hà”

.

.

Ngày mười tháng Mười Một, năm Thái Minh thứ mười bảy,

Ta chạy suốt ba ngày đêm trở về kinh thành, mẫu hậu bệnh nặng. Lúc về ta mới biết sức khỏe bà đã suy kiệt từ lâu, không muốn con cháu lo lắng nên lệnh Thái y giữ bí mật. Bà nằm ở đó, tóc mai điểm bạc, anh khí trong đôi mắt vẫn le lói như mười bảy năm về trước. Ta hối hận quá, nàng vẫn chưa gặp mẫu hậu lần nào, giá như nàng được thấy bà thì chắc chắn sẽ yêu quý bà.

Mẹ hỏi con dâu và cháu nội của mẹ có khỏe hay không. Ta nói hai người đều tốt lắm, bà thở dài vì chưa kịp ôm cháu đích tôn. Ta kể cho mẹ Tiểu Long Nhi đáng yêu thế nào, thần kỳ thế nào. Bà gật đầu cười rạng rỡ, nói rằng thằng bé là thần long ông trời phái xuống, hoàn toàn không giống như lời đồn. Nàng yên tâm rồi nhé, mẫu hậu cũng rất thương Long Nhi.

Tối hôm ấy ta trò chuyện với mẹ rất lâu. Bà kể lại nhiều tiếc nuối thời trẻ, còn nhắc đến Hòa An vương. Chắc nàng không biết đâu, mẫu hậu ta và phụ vương của nàng từng có một đoạn tình duyên dang dở. Phải chăng đây là nhân quả, để ta với nàng tiếp tục ở bên nhau?

Bà mất lúc rạng sáng mùng sáu, ra đi rất thanh thản. Mẫu hậu không đặc biệt dặn dò gì, chỉ gửi lại một chiếc vòng tặng Tiểu Long Nhi, ta đã kèm vào phong thư. Vòng tay không có giá trị gì lớn nhưng mang ý nghĩa gia tộc, nhớ không lầm thì đại ca nàng cũng có một cái. Chu Lạc gia truyền thừa tất cả ba món bảo vật bình an. Vòng tay này ngày trước thuộc về Thái tử Ca Thần, nay dành cho Tiểu Long Nhi, hy vọng có thể bảo vệ thằng bé an ổn lớn lên!

Tang lễ của mẫu hậu tổ chức long trọng ba ngày, bởi vì chiến sự nên vừa xong là ta phải rời đi. Lúc ra khỏi cổng thành quay lưng nhìn về hướng Tây, Sa Đà ở bên đó, nàng và con cũng ở bên đó, ta phải kiềm nén lắm mới không đi hướng ngược lại. Hiện giờ lòng ta rất buồn, nặng trình trịch. Trên thế giới này chỉ còn lại nàng và Long Nhi là người thân của ta, vì hai người ta phải nhanh chóng đánh tan quân Đại Thế, ném chúng ta khỏi bờ cõi Khương La, đón nàng và hoàng nhi về cung.

Hai mẹ con ở nhà phải tự chăm sóc nhau nhé! Trời trở lạnh rồi, sức đề kháng của trẻ nhỏ rất yếu, cẩn thận đừng bị cảm. Vài hôm trước trong quân có một tiểu tướng săn được con bạch hổ, bộ lông rất đẹp, chờ ta trở về sẽ tặng nàng làm áo choàng, dư ra một ít may mũ lông cho thằng bé.

Muộn rồi, ta dừng bút ở đây nhé. Hy vọng năm mới tình hình ngoài này sẽ đình chiến, để ta trở về thăm hai mẹ con.

Lời cuối cùng ta muốn nói là: Ta rất nhớ nàng!

.

.

Ba mươi tháng Chạp năm Thái Minh thứ mười bảy,

Ở doanh trại nghe thấy tiếng pháo, không biết Hòa An phủ đã đốt pháo chưa? Thái y nói thính giác của em bé không như người lớn, nàng cẩn thận kẻo Long Nhi giật mình.

Hai mẹ con ở nhà vẫn khỏe chứ? Thằng bé lớn thế nào rồi? Bốn tháng hình như biết ê a rồi nhỉ? Tiếng “mẹ” hơi khó nói, nàng dạy con gọi “cha” trước đi, chờ ta trở về sẽ dạy nó gọi mẹ.

Con mình hơi khác con người ta, nàng cẩn thận đừng để người ngoài trông thấy thằng bé, có đi đâu phải đội mũ vào. Chu Học Lễ đã báo cáo với ta, “cái răng” nhỏ trên đầu Long Nhi sẽ từ từ dài ra, đến một độ tuổi nào đó thì dừng lại. Nàng đừng quá lo lắng, cũng đừng nghĩ ngợi lung tung. Lâm Kỳ là đứa trẻ đặc biệt, nó còn là hoàng nhi của trẫm, tương lai là quân chủ Khương La. Trẫm sẽ không cho phép bất cứ ai hay thứ gì làm tổn thương đến nó, lời đồn cũng không được! Cho nên, Tiểu Long Nhi đích thực là một chú rồng nhỏ, nàng không được gọi con là tê giác đâu đấy!

Được rồi, không phải đang trách ta chỉ quan tâm đứa nhỏ mà bỏ quên mẹ đứa nhỏ đó chứ? Dù ta không nói nàng cũng biết ta nhớ nàng như thế nào mà... Nhớ đến mức mấy đêm liền đều mơ thấy mộng xuân... E hèm... Có phải nàng cũng có giấc mơ giống vậy hay không? Chắc thế rồi, lần sau không được phép chống cự, khiến ta suốt đêm chỉ đuổi theo mà chẳng xơ múi được gì... Haizzz... Nàng vừa mắng ta vô lại đó à?

Năm mới phải ở trên chiến trường, không riêng gì ta mà còn có tất cả binh tướng. Họ là quân đội của Khương La, chinh chiến xa nhà để bảo vệ người thân phía sau, gìn giữ từng mảnh đất quê hương. Sự thương nhớ chỉ làm họ thêm mong mỏi chiến thắng, thêm mong mỏi ngày về. Trong doanh mở đại tiệc, múa hát linh đình, hiếm có dịp để mọi người thả lỏng một đêm. Nàng yên tâm, ta không động vào vũ nữ, cũng không để ý quân kỹ, ta vì nàng thủ tiết. (Haha)

Ngoài này nhộn nhịp nhưng vẫn thấy cô đơn kì lạ. Lúc nhớ con ta lại theo thói quen đẽo ngựa gỗ, hiện tại được hai trăm mười sáu con rồi, chờ lúc trở về sẽ tặng Long Nhi một đội kị binh!

Gửi lời hỏi thăm của ta đến các ca ca tẩu tẩu của nàng nhé. Chúc mọi người năm mới an lành.

.

.

Ngày mười tháng Tám năm Thái Minh thứ mười tám,

Chắc nàng cũng nghe tin rồi. Tề vương tạo phản, đem sáu Quận Đông Hoang cắt đất xưng đế, từ chối tiếp viện cho Khương La. Đừng lo lắng quá, phải tin tưởng trẫm, chiến sự này dài và khó khăn hơn dự tính nhưng trẫm vẫn biết mình đang làm gì. Đại trượng phu sinh ra để đội trời đạp đất, cả giang sơn và mỹ nhân trẫm đều muốn có, giang sơn chỉ một, mỹ nhân cũng thế!

Có phải nàng nghĩ đến Tịch Tề hay không? Cho dù chuyện gì xảy ra thì trẫm vẫn tin tưởng Hòa An phủ. Nếu Tịch Tề phản bội, trẫm sẽ không giận cá chém thớt lên người khác. Những điều nàng được nghe, được biết chưa hẳn là sự thật. Trẫm hứa với nàng cho dù Tứ ca nàng tội lớn tầy trời cũng phải đem hắn về kinh xét xử, sẽ không để hắn lặng lẽ bỏ mạng nơi đất khách quê người. Việc trẫm thân chinh vẫn là bí mật, Phong và Tiểu Mai vẫn phải cầm cự ở kinh thành, thiếu hai người này ở cạnh nàng khiến ta rất lo. Có một số chuyện trong thư không thể nói rõ, nàng phải ghi nhớ, nàng và Long Nhi là điểm yếu trí mệnh của ta. Khương La mất bao nhiêu thành trì cũng không quan trọng nhưng nếu nàng và hoàng nhi xảy ra chuyện gì, ta sẽ gục ngã...

Ta rất nhớ em, Tương Tư. Những chuyện xảy ra gần đây càng làm ta mong mỏi được ôm hai mẹ con. Xin em hãy vững lòng, hãy tin tưởng ta vô điều kiện. Kể từ bây giờ hãy an ổn sống trong vương phủ, chú ý những người xung quanh, cảnh giác với tất cả cho dù là người thân trong gia đình, nếu có thể hãy để ám vệ bên cạnh nàng xuất đầu lộ diện. Phải nhớ, đừng rời mắt khỏi Lâm Kỳ!”

Đọc xong lá thư vừa gửi đến sáng nay, Tương Tư hít sâu, cẩn thận đóng rương gỗ lại. Cảm giác yêu xa không bao giờ tách rời với nổi nhớ nhung và bất an thường trực. Nàng trở về bên nôi, vuốt ve gò má bầu bĩnh của Tiểu Long Nhi. Hình như thằng bé nằm mơ được uống sữa, miệng liên tục mút mút. Tương Tư bật cười, ghé vào trong nôi hôn lên cái mũi nhỏ xíu. Nàng thì thầm với con:

- Lâm Kỳ ngoan... Con có biết không, cha con là một hoàng đế vĩ đại. Ngài cũng là một người cha tốt!

Trong giấc mơ, Tiểu Long Nhi ư ư đáp lại, cánh tay nhỏ khẽ vẫy, không phải đang mơ ném đồ chơi đó chứ?

Buổi chiều, Thán Khúc và Lệ Hà tới thăm. Cậu nhóc ngủ trưa đầy đủ nên rất có tinh thần, cười khanh khách chơi đùa với cậu mợ. Thán Khúc nhìn vợ cẩn thận bế tiểu hoàng tử, do dự một lúc mới mở lời hỏi Tương Tư:

- Lục muội, sáng nay nghe nói bệ hạ lại gửi thư về, muội đã xem chưa?

Tương Tư rời mắt khỏi con trai, nhìn anh cả cười buồn:

- Đại ca, giữa huynh muội chúng ta không cần úp úp mở mở như vậy. Muội đọc thư rồi, bệ hạ có nhắc đến Tứ ca nhưng không nói cụ thể. Ngài chỉ hứa cho dù huynh ấy làm nên chuyện tầy trời gì cũng đem về kinh xét xử, sẽ không tùy tiện giết...

Tương Tư khó khăn nói chữ “giết”, mím chặt môi, lại quyết tâm nói tiếp:

- Muội tin tưởng Tứ ca nhưng cũng tin tưởng hoàng thượng, nhất định sẽ không để bất cứ chuyện gì ngăn cách muội và chàng... Về phần Tứ ca... Chốn quan quyền không lúc nào không tranh đấu, huynh ấy bị hại hay bản thân làm sai còn phải chờ điều tra cụ thể. Có muội và Long Nhi ở đây, hoàng thượng sẽ bảo vệ Tứ ca... Ít nhất là cho đến khi chiến tranh kết thúc!

Thán Khúc gật đầu thở dài, nắm tay Tương Tư trịnh trọng nói:

- Đại ca vô năng, không thể lo lắng cho các em chu toàn. Từ khi phụ vương qua đời, có nhiều việc huynh không quán xuyến tốt. Tịch Tề và Vĩnh Lạc ở bên ngoài, phấn đấu vì công danh sự nghiệp, huynh cũng không giúp đỡ bao nhiêu. Có chăng thì khuyên nhủ hai đứa nó, bảo vệ vương phủ này để ít nhất khi các em sa cơ lỡ bước còn có nhà mà về! Trước khi mất phụ vương đã trăn trối với ta: “Làm anh cả, khoan dung các em là đúng nhưng tuyệt đối đừng bao che dung túng!” Nếu Tịch Tề phạm sai lầm... Nó đáng chịu sự trừng phạt, ta sẽ không mù quáng bảo vệ nó!

Tương Tư cảm động nhìn anh cả, mạnh mẽ gật đầu:

- Cảm ơn đại ca! Nếu mọi chuyện thực sự nghiêm trọng... Muội sẽ cầu xin hoàng thượng cho huynh ấy một con đường sống.

- Không, không! Hòa An phủ không dính líu hoàng quyền. Tương lai muội sẽ vào cung, trở thành phi tần. Tuy huynh biết tình cảm giữa muội và hoàng thượng rất sâu nặng nhưng ai đoán trước tương lai có thay đổi hay không? Quân tâm sẽ mãi còn bên muội nếu nó không bị những thứ khác pha lẫn. Hay nhớ lời ca ca dạy, từ bây giờ muội chỉ là nữ nhân của bệ hạ, suy nghĩ cho bệ hạ, đứng về phía ngài ấy, những thân phận khác đều không quan trọng! Một khi đã quyết định đi con đường này, cuộc đời muội chỉ thuộc về hoàng thượng, ấm lạnh do ngài ấy ban cho!

Tương Tư nén nước mắt nghe anh trai dạy dỗ. Xưa nay phi tần vào cung, nhà mẹ đẻ nào cũng mong dựa hơi con gái để thăng tiến. Có mấy ai được như các anh của nàng, bỏ qua quyền lợi, chỉ cầu nàng hạnh phúc. Họ không mong chờ nàng làm gì cho gia đình này, chỉ hy vọng nàng gìn giữ bản thân, mạnh mẽ đứng vững trước tất cả sóng gió. Xưa nay đế vương bạc tình, hoàng tộc máu lạnh, nàng phải may mắn cỡ nào mới được sinh ra trong gia đình như vậy.

Hình như Tiểu Long Nhi cùng mẹ tâm linh tương thông, thằng bé cũng mếu máo chực khóc. Lệ Hà bối rối trả tiểu hoàng tử cho Tương Tư. Hai mẹ con xinh đẹp như tranh, ở cùng một chỗ khiến người người ước ao. Vương gia vương phi không vội trở về, ở lại ăn tối với hai mẹ con. Thán Khúc không có gì giấu giếm, kể hết tất cả cho nàng. Thông qua Ngô Hà Huy hắn cũng biết ít chuyện.

Mùa đông hàng năm, lương thực vùng Tây Bắc phải tiến cống về kinh, bình thường luôn có đoàn hộ tống đi theo đường truyền thống mất khoảng hai tháng. Năm trước đó Tịch Tề dâng sớ mở ra con đường tắt chỉ tốn hai mươi chín ngày, tiết kiệm rất nhiều sức người sức của. Hoàng thượng xem xong ưng chuẩn. Lần đầu tiên triển khai, không ngờ tất cả lương thực đều bị cướp, kẻ cướp có vẻ hiểu rất rõ đường đi nước bước của đoàn xe lương, lựa chọn địa phương hoàn hảo nhất để ra tay. Tịch Tề bị tra ra đang qua lại với một gả sĩ phu họ Minh, người này vừa khéo chính là Minh Tứ lai lịch không rõ, đã đi theo Tề vương nhiều năm.

Tất nhiên bao nhiêu đây không thể kết tội Tịch Tề. Hắn chỉ bị đình chỉ công tác, chờ điều tra làm rõ. Không ngờ năm hạn đem tới nhiều tai ương, địa chấn rồi vỡ đê, dịch bệnh rồi ngoại xâm. Ngô Hà Huy bận túi bụi không thể không giao việc cho Tịch Tề phụ trách. Lẽ ra vụ việc đã không bị phanh phui nếu Khương La không thất bại thảm hại ở trận Yên Giang.

Đại Thế tiến công quá nhanh vào nội địa Khương La, họ không thèm chờ viện binh, cũng không chờ lương thực tiếp tế. Chuyện này thật kì lạ. Trận Yên Giang là kết quả nhiều ngày bàn bạc của hoàng thượng và ban tham mưu. Tin tưởng rằng Đại Thế háo thắng, chỉ cần chặt đứt cánh quân chi viện, kiên trì giao tranh nhiều ngày thì địch sẽ cạn kiệt quân lương mà thất thủ. Đúng theo kế hoạch, quân chi viện bị đánh tan tát nhưng đến lúc mở ra xe lương thì chỉ thấy rơm rạ. Đại Thế treo đầu dê bán thịt chó, vốn dĩ không có ý chi viện. Trong lúc Khương La ngỡ ngàng chưa hiểu ra sao thì quân chủ lực của địch đã cầm cự được thêm mười lăm ngày, cuối cùng Yên Giang thất thủ, Khương La mất thêm một tòa thành quan trọng.

Câu hỏi bấy giờ là tại sao. Tại sao Đại Thế không chi viện, tại sao họ biết kế hoạch của Khương La và quan trọng là lương thực ở đâu ra để nuôi ngần ấy quân binh suốt mười lăm ngày. Hoàng đế nổi giận, lôi tất cả người có liên quan ra hỏi tội, cuối cùng điều tra được nguồn gốc số lương thực kia. Ai cũng biết Tịch Tề là người giỏi kiếm tiền, đầu óc lại thông minh nhanh nhạy. Hắn luôn đầu tư một ít trang viên nhà cửa ở nhiều nơi, kiếm lời nhờ bất động sản tăng giá, sẵn tiện lưu lại một chỗ ở để có đi đâu cũng không cần lo lắng. Những ngôi nhà này không xa hoa lộng lẫy nhưng diện tích khá lớn, là chỗ lý tưởng để cất giấu số lương thực đánh cắp mà thần không hay quỷ không biết. Cứ như vậy mỗi nơi một ít, vừa khéo cho Đại Thế đi tới đâu cũng không lo cái ăn.

Lúc bị điều tra ra Tịch Tề liên tục kêu oan nhưng không thể đưa ra bằng chứng minh oan. Xâu chuỗi tất cả những sự kiện lại, ai là người đề xuất con đường mới, ai là người nắm rõ nhất hành trình đoàn xe lương đi từ Tây Bắc, ai là người biết chính xác vị trí những tòa trang viên do Tịch Tề sở hữu? Câu trả lời là bản thân hắn!

Trùng trùng những bằng chứng đưa Tịch Tề vào tội danh không thể chối cãi. Hoàng thượng hạ lệnh nhốt hắn vào thiên lao, chờ ngày xét xử.

Tương Tư nghe Thán Khúc kể hết, trái tim đập nhanh, hình như nàng phát hiện manh mối nào đó...

- Đại ca, mua nhà đều phải có khế ước, Tứ ca thường cất những khế ước này ở đâu?

Thán Khúc ngẫm nghĩ rồi đáp:

- Ở trong thư phòng Tề Nghi viện! Trước đây hắn có mời thợ mộc đến đóng một cái tủ gỗ, đặc biệt làm thêm ngăn khóa hai lớp rất bí mật. Bình thường hắn cất giữ những vật quan trọng ở nhà, sợ mang bên người sẽ bị mất!

Tương Tư cúi đầu suy nghĩ. Nàng vẫn luôn thắc mắc trong lòng vì sao chén canh yến mạch ngày đó lại có độc, ai muốn hãm hại con trai nàng. Giờ xảy ra chuyện của Tứ ca, hình như manh mối càng rõ ràng. Thảo nào Ca Dương nhắc nhở nàng đề phòng người trong phủ, kể cả người thân... Tương Tư ôm Long Nhi mỉm cười. Thì ra hắn vẫn tin tưởng Tịch Tề, trước tiên nghi ngờ trong vương phủ có kẻ tai mắt, nàng không thể trách lầm hắn!

- Đại ca, tối nay huynh đến Tề Nghi viện một chuyến, kiểm tra ngăn khóa đó có bị ai động đến hay không!

Thán Khúc nghe vậy hơi giật mình.

- Ý muội là...?

Tương Tư gật đầu, quay sang nói với vương phi:

- Đại tẩu, muội nghi ngờ trong phủ có kẻ hai lòng. Sau này tẩu để ý một chút, xem có hạ nhân nào hành vi kì lạ hay không...

Lệ Hà cũng thấy bàng hoàng. Bao nhiêu năm nay trong phủ vẫn yên bình hòa thuận, nay xảy ra chuyện ngoài ý muốn khiến nàng vô cùng bất an.

Sau giờ cơm chiều, Thán Khúc lập tức đến Tề Nghi viện. Tòa nhà này nằm ở hướng Nam, hàng tháng vẫn có người đến quét dọn dù chủ nhân không ở. Chừng nửa giờ sau Tương Tư nhận được tin ngăn khóa kia vẫn bình thường, không có dấu vết bị cạy mở. Là nàng đoán sai hay do đối phương quá cẩn thận?

Tương Tư dỗ Long Nhi ngủ, buổi tối thằng bé không nằm nôi mà ngủ trên giường với mẹ. Thấy con trai đã thở sâu, nàng gọi Nha Nha đến canh chừng rồi đi ra tiền viện. Con chó nghiêm túc đứng bên giường, mỗi lần Long Nhi đưa chân ra khỏi đệm nó sẽ lấy mõm đẩy “củ cải trắng” trở về vị trí. Bảo mẫu rất tận tâm!

Tương Tư ngồi xuống ghế chủ vị ở tiền sảnh, đưa mắt nhìn căn phòng không một bóng người. Từ tháng Giêng năm ngoái, sau khi nàng có thai, người hầu hạ bên cạnh chỉ có một mình Tiểu Mai. Tiểu Mai rời đi, vương phi phái đến hai nô tì thành thật lo lắng sinh hoạt hàng ngày. Sáng nay Tương Tư đã đuổi hai nàng ấy đi, chỉ cho quét dọn bên ngoài, không được bước vào nội viện hay đến gần con trai nàng nữa. Thành thật hay không thành thật bây giờ rất khó nói!

Tương Tư nghiêm chỉnh ngồi nhìn căn phòng vắng tanh, đột nhiên cao giọng gọi:

- Tất cả xuất hiện đi!

Nàng vừa dứt lời, trước mặt hiện ra ba bóng đen. Sau tiếng huýt sáo lại có thêm bốn người tới, cuối cùng là năm người. Xem ra đây là ba tổ bảo vệ bên cạnh, vòng giữa và vòng ngoài. Ca Dương để lại cho nàng mười hai người, đây không phải con số nhỏ. Tương Tư lại bắt đầu lo lắng, như vậy bên cạnh hắn còn lại bao nhiêu? Nàng nhìn những ám vệ một thân đen thui từ đầu tới chân, người nào cũng giống hệt người nào, thì ra đây là ám vệ trong truyền thuyết!

Ám vệ bình thường nhìn rất đáng sợ, ánh mắt sắc lẹm, sát khí tỏa ra. Lúc đứng trước mặt chủ tử họ nghiêm trang cúi đầu, thể hiện lòng trung thành, không đến mức dọa người. Tương Tư bình tĩnh mỉm cười, nhìn một vòng mười hai người sẽ cùng sống chết với mẹ con các nàng, cho dù chuyện gì xảy ra.

- Trong số các vị, ai là người ở bên cạnh ta?

Một gã có vẻ là thủ lĩnh đứng ra nói:

- Thưa chủ nhân, Thập Nhất, Thập Nhị, Thập Tam là ba ám vệ cận thân của người và tiểu chủ!

Tương Tư gật đầu nhìn Thập Nhất Nhị Tam, rồi nhìn một vòng những người còn lại.

- Mọi người là ám vệ của hoàng thượng nhưng không thể đi theo hoàng thượng chắc trong lòng không mấy dễ chịu. Ngài để các vị ở lại bên ta chứng tỏ hai mẹ con ta là đối tượng quan trọng cần bảo vệ. Các người trung thành với ta cũng như trung thành với hoàng thượng!

Mười hai người trịnh trọng một lời: “Thuộc hạ rõ!”

- Tình hình ở Hòa An phủ chắc các vị cũng hiểu. Kể từ bây giờ phải đề cao cảnh giác hơn. Mẹ con ta đều là phụ nữ trẻ em chân yếu tay mềm, phải trông chờ vào mọi người. Hiện tại ta nghi ngờ quanh phủ có nội gián, từ sự kiện hạ độc lần trước vẫn chưa tra ra, ta muốn các vị chú ý giám sát một người...

Nàng hơi ngừng lại, ánh mắt kiên định có chút ngoan độc hiếm thấy:

- Nhị phu nhân Khanh Ca!

Đối với những lời này, ám vệ không tỏ vẻ gì, lệnh là lệnh, chỉ cần làm theo, không cần thắc mắc.

- Để tránh đánh rắn động rừng, mọi việc vẫn làm trong bí mật. Ngoài ra ta muốn tra lại chuyện Nhị phu nhân trước kia bệnh chết như thế nào! Còn về phần Nhị gia...

Tương Tư thở dài, nàng rất hiểu Chí Tĩnh, với tính nết hời hợt nóng nảy của huynh ấy chắc chắn không phát hiện vợ mình có gì bất thường. Nàng không nhớ rõ Nhị tẩu ngày xưa là người như thế nào, chỉ biết thân thể nàng ấy luôn luôn yếu ớt, cuối cùng không chịu nổi bệnh tật mà qua đời. Nhị ca có tình nghĩa với nàng, mấy năm sau mới động lòng với Khanh Ca rồi xin phụ vương cưới nàng làm vợ kế. Tuy vị Nhị tẩu này không biết nói nhưng cư xử lễ độ, là người cẩn thận khéo léo. Chỉ trong thời gian ngắn, nàng ấy đã nắm được trái tim Nhị ca. Ánh mắt Nhị ca nhìn Nhị tẩu Tương Tư có thể hiểu, đó là yêu thương chân thành, dịu dàng và trân trọng. Cho đến nay, tuy Khanh Ca không thể sinh con nhưng huynh ấy vẫn không oán trách, chỉ nghĩ bản thân vô năng, không có cách nào chữa trị cho nàng. Nếu như Nhị tẩu thực sự là người giống Tương Tư suy đoán, vậy thì khổ nhất chính là Nhị ca!

Về phần tại sao lại là Nhị tẩu, Tương Tư không mất nhiều công sức để phát hiện. Nàng chỉ có ba người chị dâu, Lệ Hà là con nhà trâm anh, phụ thân chị ấy có giao tình sâu sắc với Hòa An vương khi còn trẻ. Thương Miễu là tiểu thư xuất thân võ môn. Giống như các anh trai trong nhà, từ nhỏ nàng đã biết cưỡi ngựa bắn cung, kiếm pháp rất tuyệt, hầu như không có đối thủ. Từ khi bại dưới tay Tam ca Vĩnh Lạc, Thương Miễu bám riết không rời đòi tỉ thí với hắn. Vĩnh Lạc thấy vậy nói đùa: “Muốn đánh với ta, tiểu thư chỉ cần gả vào Hòa An phủ thì có thể đánh mỗi ngày!” Cho nên, hôn sự của họ là do bà mối nhà gái đem sính lễ qua hỏi rể! Vĩnh Lạc mất hết mặt mũi với đám bằng hữu nhưng vẫn vui vẻ thành thân, ai bảo hắn thương con gái người ta!

Lai lịch hai chị dâu đều rất rõ ràng, gia đình cũng quen biết với nhau. Duy có mỗi nhị tẩu Khanh Ca là không cha không mẹ, người phương xa đến. Nàng ấy cùng Nha Nha đều được Tịch Tề “nhặt” về, mới đầu chỉ làm quản sự nho nhỏ ở phòng bếp. Qua nhiều năm, Khanh Ca từ thân phận thấp kém leo lên địa vị Nhị phu nhân, nói rằng không có chút thủ đoạn nào thì hơi khó tin! Bởi vì không thể nói, người khác sẽ không cố hỏi chị ấy những chuyện riêng tư, chị ấy cũng không vì thế để lộ sơ hở gì. Tất cả đều hoàn hảo!

Tương Tư nghĩ tới đây càng thấy lòng nặng trĩu. Chí Tĩnh từng mất một người vợ, khó khăn lắm mới tìm được người phụ nữ huynh ấy yêu. Trong số các anh em, mệnh của Nhị ca lận đận hơn ai hết! Tương Tư quyết định phải tìm cơ hội nói chuyện với Chí Tĩnh một lần, thăm dò thử xem. Nàng hy vọng bản thân mình chỉ đa đoan đa nghi!

Tương Tư cho ám vệ giải tán, trở về phòng ngủ ôm Tiểu Long Nhi. Thằng bé càng lớn càng giống cha nó, nhất là đôi mày kiếm vừa đậm vừa sắc, rất khí phách! Sau này trong nhà sẽ có một Ca Dương phiên bản thu nhỏ, đáng yêu làm sao!

- Long Nhi của mẹ, mẹ con mình nhất định phải bình an đợi cha trở về. Chúng ta sẽ bảo vệ tốt bản thân, không để cha vừa bận việc nước lại phân tâm lo lắng việc nhà. Long Nhi và mẹ sẽ làm hậu phương vững chắc, ở sau lưng cha con, đánh bại tất cả kẻ thù!

Tương Tư hôn một cái thật oách lên gò má bầu bĩnh của thằng bé. Nha Nha ở bên cạnh gừ gừ phản đối, nó lo cậu chủ nhỏ bị đánh thức. Chó bảo mẫu thật tận tâm mà!
Bình Luận (0)
Comment