Phù Dung Trì

Chương 88

Phần XVIII: Đường tới hạnh phúc không còn gập ghềnh

Nghe lời bà chủ hiệu giày, hai vợ chồng Ca Dương đưa con trai đến miếu Thần Rồng. Miếu này nhìn ngoài thì nhỏ nhưng bước vào mới biết, nó rộng lớn không kém gì chùa Phổ Kỳ nổi tiếng trong kinh thành. Khác ở chỗ, chùa kia phát triển phồn thịnh, tín đồ khắp nơi đổ về, cúng điếu quanh năm; Còn miếu này hoang sơ vắng vẻ, hình như đã lâu không quét dọn sửa sang. Nói cũng phải, cả thị trấn bị chiến tranh quét qua, miếu chỉ sập cổng, không đổ nát là may, còn ai quan tâm thờ phụng nữa.

Ca Dương nhíu mày nhìn bên trong âm u, do dự một lúc mới thận trọng bước vào. Miếu Thần Rồng hơi giống hành cung Bách Thượng, được xây vây quanh một cây bồ đề cổ thụ. Tường có đoạn bằng đất nung trét vữa, có đoạn bằng đá tản xếp chồng lên nhau, kiến trúc ô hợp. Đợi một chút cho thị giác thích nghi, ta sẽ thấy trong miếu không tối lắm, càng vào sâu lại càng sáng. Bởi vì quá yên tĩnh nên mỗi bước chân sẽ phát ra âm thanh lớn, Tiểu Long Nhi không ý thức được điều này, cứ “bíp bíp” chạy khắp hơn, tất cả thần linh đều bị nhóc đánh thức.

Ngôi miếu tồn tại lâu đời, xây theo lối kiến trúc cổ, bao gồm phòng trung tâm và các gian phụ cận phân nhánh, phòng này dẫn đến phòng kia, phòng kia lại có cửa nhỏ ra phòng khác. Miếu chỉ thờ duy nhất Thần Rồng nhưng Rồng có rất nhiều loại. Ca Dương thán phục nhìn những bức tường chạm trỗ tuyệt đẹp, đếm không xuể rốt cuộc có bao nhiêu con rồng đang cuộn vào nhau. Hắn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trên đất Khương La có một chỗ độc đáo như vậy mà hoàng đế là hắn chưa từng biết!

Tương Tư cũng say mê ngắm nhìn, nơi này tựa như quyển gia phả ghi chép cả họ hàng Long tộc, đã vậy còn rất thứ tự lớp lang, sắp xếp thống nhất rõ ràng. Phòng trung tâm đặt một tấm bia đá ghi là “Tổ long”. Tổ tiên họ rồng thì ra rất khác biệt. Nó không có sừng cũng không có chân, mình dẹp giống con cá trạch, da trơn, đầu nhỏ, lưỡi chẻ không khác rắn nước là bao. Sau đó Tổ long tiến hóa, bắt đầu có vảy và râu, hình thù rõ ràng hơn. Ở gian phòng kế tiếp, nòi giống mọc chân nhưng chân hơi nhỏ, không có tác dụng lớn. Càng vào sâu thì Long tộc càng phát triển, những bức tường chi chít hình ảnh, sống động như thật. Ở những gian phòng cuối cùng, rồng đều rất đẹp, những chiếc chân khỏe khoắn và móng vuốt sắt bén, những cặp sừng vĩ đại và hàm răng dữ tợn. Có lẽ đây chính là giai đoạn Long tộc cường thịnh nhất...

Ca Dương nghiên cứu nhập tâm, đến khi tỉnh táo lại thì chẳng thấy vợ và con trai đâu hết. Hắn giật mình tìm một vòng, phát hiện hai người ở phòng bên cạnh, đang ngây ngốc cùng nhìn một bức tranh. Tiểu Long Nhi quá bé, cậu nhóc cố gắng ngửa đầu lên, nét mặt trẻ con nghiêm túc. Còn Tương Tư thì ngơ ngác như bị hút hồn, ánh mắt mê ly. Ca Dương đi qua ôm hai người, lo lắng hỏi:

- Hai mẹ con làm sao vậy? Nhìn gì mà nhập tâm thế?

Hắn cũng trông lên bức tường đối diện, nó không khác gì những bức tường còn lại nhưng con rồng này đặc biệt to, đứng một mình có vẻ cô độc, không giống những con rồng khác đều cuộn vào nhau. Rồng trên tường uốn tấm thân khổng lồ, chiều dài của nó bao phủ cả mảng tường lớn. Khác với những người họ hàng, con rồng này có vảy hình lục giác, móng vuốt cong quắp lại, cái đầu nhiều gai góc. Nổi bật nhất là đôi sừng đồ sộ của nó, hình dáng như sừng tuần lộc, kết cấu đẹp đẽ như một chiếc vươn miện lộng lẫy.

Khó mà nhận xét về bề ngoài của con rồng này. Nó trông rất đáng sợ, những món vũ khí trời sinh gắn trên cơ thể kia luôn có sức đe dọa lớn. Nhưng nó cũng rất đẹp, một vẻ đẹp vương giả quyền uy khiến người ta không dám lộ liễu ngắm nhìn. Ca Dương bật cười, không ngờ hai mẹ con Long Nhi lại bị thu hút vì một bức phù điêu như thế, sức sáng tạo của người thợ điêu khắc đáng ngưỡng mộ vậy sao?

- Nhìn đủ chưa? Khi nào thì về?

Tương Tư nghe giọng nói quen thuộc bên tai, mơ màng quay sang bảo:

- Nó trông quen quá... Thiếp nghĩ... Đã nhìn thấy ở đâu đó rồi!

Ca Dương phì cười, đưa tay véo gò má nàng, yêu chiều đáp:

- Ừ ừ, nàng đã thấy rồi, chắc là thấy trong mơ.

Rồi hắn cúi đầu hỏi Long Nhi:

- Vậy còn con? Tại sao thích ngắm con rồng này?

Cu cậu giương đôi mắt sáng lấp lánh nhìn cha, hai bàn tay lung tung mô tả mà không đủ từ ngữ biểu đạt.

- Vì... Nó to như vầy... Thật là uy vũ...

Sau đó còn sờ cái sừng nhỏ trên đầu, tủi thân bảo:

- Sừng thật là đẹp, con không có sừng đẹp...

Ca Dương triều mến bế bổng thằng bé lên, ra vẻ thấu tình đạt lý mà phân tích:

- Sừng đẹp vô dụng thôi! Con nhìn xem, cái sừng đồ sộ như vậy chắc chắn rất nặng, đeo trên đầu không thoải mái, dễ bị trẹo cổ! Phải nho nhỏ dễ thương như của Long Nhi mới thích!

Cậu nhóc suy ngẫm, cảm thấy cha nói rất đúng, liền nhe răng sữa cười hơ hớ, về sau không bao giờ thất vọng vì sừng nhỏ của mình nữa! Khi cả nhà rời khỏi miếu Thần, Tương Tư lưu luyến quay lại nhìn bức tường ấy vài lần, nàng thực sự cho rằng mình đã thấy con rồng kia ở đâu đó. Thậm chí còn mơ hồ nhớ ra, những chiếc vảy lục giác có màu trắng kim lấp lánh, sờ vào vừa trơn vừa lạnh... Không lẽ đây là ảo giác, ảo giác cũng chân thật vậy sao?

Lúc họ ra khỏi trấn Cổ Miếu thì hoàng hôn sắp sửa buông xuống, Ca Dương không muốn về doanh vội, tiếp tục đưa hai mẹ con lên đồi ngắm mặt trời lặn. Người Khương La vẫn cho rằng Đề Lô là một nơi “khỉ ho cò gáy”, núi non hiểm trở, sỏi đá cằn khô. Chỉ những người sống lâu nơi này mới hiểu, vẻ đẹp của Đề Lô là cái đẹp yên tĩnh như tranh thủy mạc. Tứ bề đá núi bao vây, che giấu những thung lũng thơ mộng và thác nước vang rền.

Địa điểm Ca Dương lựa chọn không phải chỗ cao nhất nhưng có tầm nhìn lý tưởng, gần như bao quát mọi cảnh sắc thiên nhiên. Trên đồi có mõm đá bằng phẳng, dưới đất lác đác những bông hoa dại, điểm xuyến hương sắc cho tấm vải lụa dệt từ cỏ xanh. Không gian thoáng đãng, gió mát trong lành. Tiểu Bạch thong dong nhai cỏ, mắt ngựa khinh thường nhìn con chó điên giống như tám trăm năm mới được xổ chuồng. Nha Nha le cái lưỡi dài chạy qua chạy lại, lăn lộn quay cuồng, hì hục đào hố, bộ lông dính lá cây và đất cát rối tinh rối mù.

Tiểu Bạch khịt mũi, đung đưa chiếc đuôi, hàm răng trệu trạo thưởng thức cỏ non vừa thơm vừa ngọt. Nó cúi đầu chuẩn bị hái đám cỏ mới, không ngờ bắt gặp Tiểu Long Nhi đứng ngay dưới chân. Cậu nhóc giơ cao bó hoa dại, tha thiết nhìn con ngựa. Tiểu Bạch khó xử ngoẹo đầu, nó không nỡ từ chối món quà của cậu chủ nhỏ, đành phải đau khổ há mồm cắn. Chẳng hiểu vì sao con người cứ thích hoa hòe, riêng giống ngựa nhà nó cực kì ghét loại này, bởi vì mùi vị lạ, ăn không ngon...

Bạn nhỏ Long Nhi vui mừng sưu tầm một bó hoa khác, hoàn toàn không hiểu vẻ mặt cam chịu của con ngựa. Nha Nha ham chơi nhưng không bao giờ đi quá xa Long Nhi, mỗi lần nó đào được “kho báu” gì đấy đều tha trở về giao nộp cho cậu chủ. Cứ như vậy, thằng bé chơi với chó và ngựa, trong khi quý phụ huynh đang bận nói chuyện ân ái, không rảnh quan tâm.

Ca Dương ôm Tương Tư ngồi trên mõm đá cao, phóng tầm mắt nhìn ra non xanh nước biếc. Ánh tịch dương đổ dầu hạt điều lên những dãy núi, mặt trời dần khuất về phía trời Tây. Gió mát mang theo mùi hương đồng nội, thổi hai mái tóc bay bay, lúc đan xen vào nhau, lúc lại tách rời ra. Tương Tư dựa vào vòm ngực vững chãi, cằm hơi nâng lên, rèm mi khép nhẹ đón ngọn gió không bao giờ lặng. Nàng thấy hạnh phúc và bình yên, ngay cả hít thở cũng nghe vị ngọt...

- Còn hai tháng nữa!

Ca Dương vén mái tóc mềm, trầm giọng nói. Tương Tư mở mắt, vùi mặt vào hõm vai hắn hỏi:

- Hai tháng gì cơ?

- Hai tháng là hết hạn ba năm...

Hắn cười khẽ, hôn phớt qua vầng trán trơn mịn.

- Đừng nói với ta em đã quên rồi nhé? Hẹn ước ba năm, sau khi mãn tang phải gả cho trẫm, đưa tiểu hoàng tử về kinh thành. Trẫm đã cho em ba năm tự do, sau này nhất định phải nhốt em trong hoàng cung, giam giữ thật kỹ, không bao giờ được rời xa nữa...

Tương Tư đảo mắt, ở đâu có cái lý lẽ man rợ thế? Chưa gì đã đòi “bắt nhốt”, liệu nàng có nên suy nghĩ cẩn thận lần nữa không?

- Hừ, ai thèm gả cho ngài? Một lời cầu hôn cũng không có, sính lễ cũng chưa đưa...

Tương Tư bĩu môi, Ca Dương lập tức ăn cái miệng nhỏ, tay hắn ghì chặt chiếc cổ mảnh mai, tham lam ngấu nghiến. Đợi khi nàng đã nằm trong lòng thở hổn hển, hoàn toàn rơi vào thế hạ phong, hắn mới ngang ngược tuyên bố:

- Kiếp này em chỉ có thể là của ta, thuộc về ta, cho nên cầu hôn gì đó đều dư thừa. Trẫm chỉ “đòi hôn”, không muốn “cầu”, em dám không gả?

Tương Tư đỏ mặt trốn, chịu không nổi độ vô sỉ của bệ hạ. Ca Dương lại giữ cằm nàng, buộc nàng không rời mắt khỏi hắn:

- Còn về sính lễ... Trẫm đem mạng giao cho em không được sao? Cho em tất cả cuộc sống còn lại, bao gồm linh hồn và thể xác. Trẫm không có gì cả, chỉ có một ngai vàng, một tòa cung điện, một vương quốc, như vậy em đã hài lòng chưa?

Tương Tư nghe tim đập thình thịch, hai gò má đỏ bừng sắp chảy ra máu. Nàng biết, đây là lời thổ lộ của hắn, đáng tin hơn bất kì hứa hẹn nào. Nhưng hắn đột ngột nói ra khi nàng chưa kịp chuẩn bị, bên cạnh ngọt ngào còn có ít nhiều bối rối. Nàng làm đà điểu trốn vào ngực hắn, tham lam hít mùi hương cơ thể thân thuộc, chỉ mong hương thơm này dây hết vào người mình, cả đời không phai...

- Bệ hạ tốt với thần thiếp như vậy, thần thiếp phải lấy gì báo đáp đây?

Ca Dương áp má lên đỉnh đầu nàng, cười trầm:

- Tất nhiên phải lấy thân báo đáp rồi. Yêu cầu của trẫm không cao, không cần nàng phải gánh trọng trách mẫu nghi thiên hạ, không cần nàng quản lý hậu cung, cũng không cần nàng giúp trẫm cân bằng các thế lực. Ái phi chỉ việc ngoan ngoãn sống trong cung, ăn no ngủ kỹ, rảnh rỗi thì sinh thêm em trai em gái chơi với Tiểu Long Nhi...

Tương Tư bật cười đánh vào ngực hắn:

- Bệ hạ xem thiếp là heo sao?

- Nếu nàng thích coi mình là heo... Vậy thì trẫm nuôi heo này không giết lấy thịt, chỉ muốn gieo giống, như vậy được không?

- Vô sỉ!

- Haha...

Bạn nhỏ Long Nhi chơi mệt, lúc này đang nằm trên bụng Nha Nha khó hiểu nhìn cha mẹ, thấy hai người chụm đầu vào một chỗ thì thầm, một lát ôm ôm, một hồi thơm thơm. Long Nhi mút ngón tay, cảm thấy bụng rất đói, từ hôm qua đến giờ mẹ đã bỏ bê nó hai lần!?

Trời sụp tối cả nhà mới trở về doanh. Tiểu Long Nhi nằm vắt trên vai cha. Ca Dương ôm con trai ngủ gật, dọc đường gặp ai cũng không cho hành lễ, ra hiệu im lặng. Mấy tốp lính tuần tra ngơ ngác một bên đứng nhìn, vô cùng hiếu kỳ không biết “con nhà ai” dám nằm trên vai hoàng thượng đánh giấc thế kia.

Trước cửa lều có một đám người đứng đợi sẵn, trông vẻ mặt Phan tướng quân và Dương Viễn hầu chắc là có chuyện gấp phải báo cáo. Ca Dương trộm nửa ngày rong chơi, hiện tại không thể lười biếng được nữa. Hắn thở dài chuyền thằng bé cho Tương Tư. Cu cậu dựa “Thái Sơn” ngủ ngon như vậy, trong giấc nồng cáu kỉnh không chịu buông tay. Chúng tướng đứng đó có khoảng năm người, bọn họ là quan võ quanh năm đóng ở biên thùy, tính tình khô khan tẻ nhạt, không giống bọn quan văn quần là áo lụa trong kinh, chuyên nghe ngóng hóng chuyện, trời sinh có cái mũi nhạy bén, đánh hơi ra tất cả manh mối. Tuy nhiên, gặp phải tình huống như lúc này, quan võ cũng phải bộc phát tinh thần bà tám, trợn mắt há họng nhìn hoàng đế cẩn thận gỡ tay đứa trẻ kia, dịu dàng nói với nó:

- Ngoan, để mẹ ôm vào ngủ nhé! Ngày mai cha sẽ đẽo cho con thật nhiều ngựa gỗ...

Ôi chao, bệ hạ vừa gọi đứa trẻ là gì, lại tự xưng là gì? Chúng tướng cảm thấy mình chưa già đã mắc bệnh lãng tai! Thế chưa xong, hoàng thượng giao đứa trẻ cho nữ nhân kia lại còn giúp nàng vén tóc, ánh mắt ngài nóng bỏng như thái dương, suýt làm bọn họ cháy rụi!

Tương Tư xấu hổ nhìn Ca Dương chẳng để ý hoàn cảnh gì cả, có bao nhiêu người đang nhìn... Nàng lập tức bế Long Nhi vào lều, ngăn tất cả ánh mắt hau háu bên ngoài. Cửa lều khép kỹ, hoàng đế cười nhẹ quay lại nhìn chúng tướng, phát hiện cả đám vẫn dán mắt theo hướng Tương Tư biến mất, mặt rồng lập tức trầm xuống... Phan Tướng quân không hổ là chủ soái, nhạy bén phát hiện nhiệt độ xung quanh bắt đầu giảm, hắn ho một tiếng, đá tỉnh mất gã ngu ngốc còn lại rồi cười ha ha nói với bệ hạ:

- Hoàng thượng, chúng ta đến phòng chính nói chuyện?

Ca Dương hừ một tiếng, chấp tay sau lưng buồn bực rời đi. Những người khác thấp thỏm bám theo, mỗi lần chân ngài giậm mạnh xuống đất là quả tim yếu ớt lại lỗi một nhịp. Có trời mới biết mãnh tướng Khương La không sợ đổ máu, không sợ chết, không sợ nghìn vạn quân địch, chỉ sợ duy nhất vị hoàng đế tâm tình bất định này. Trong lúc bầu không khí căng thẳng, chẳng biết gã nào không có mắt, ngớ ngẩn nói một câu:

- Chúc mừng bệ hạ có long tử!

Những người còn lại muốn té xỉu, hận không thể trói tên này thành cái bánh giò, ném cho cá ăn! Tư duy đơn giản và quoằn quoèo khác nhau chỗ đó. Khi người khác vắt óc suy đoán, sợ vạch trần “bí mật” của bệ hạ, sợ nói bậy mạo phạm thân phận của hoàng tử thì người này chỉ biết hoàng thượng đã có con trai, vấn đề nối dõi được giải quyết, đây là chuyện đáng chúc mừng! Còn việc từ đâu “lòi” ra đứa con này, thân thế trong sạch hay không, có được hoàng tộc công nhận hay không thì... Cứ để bàn sau!

Kẻ đánh bậy đánh bạ cũng có khi trúng đích. Chỉ thấy bước chân của hoàng đế nhẹ nhàng hơn, khóe miệng cong cong đáp:

- Ừ...

Chúng tướng người nhìn ta, ta nhìn người. Sau đó:

- Cuối cùng Khương La cũng có Đại hoàng tử, chúc mừng bệ hạ!

- Tổ tông phù hộ, tiểu hoàng tử sinh ra đúng lúc! Phen này Khương La nhất định thắng!

- Điện hạ thông minh lanh lợi, quả là chuyện đáng mừng!

- Điện hạ lớn lên giống hoàng thượng y đúc, tương lai con giỏi hơn cha!

- Mừng bệ hạ, mừng long tử!

- Mừng hoàng thượng có long tử!

- Mừng...

Cái bọn dở hơi này! Biết Tiểu Long Nhi mấy tuổi mà nói “sinh đúng lúc”? Thằng nhỏ ngủ gà ngủ gật, còn chưa nói lời nào đã bảo “thông minh lanh lợi”. Trẻ con hai tuổi ngũ quan chưa rõ ràng, làm sao biết nó giống cha hay giống mẹ? Ca Dương buồn cười nghe thuộc hạ nhao nhao loạn cả lên, không có tức giận, chỉ có hả hê đắc ý. Tuy đã trễ hai năm nhưng bây giờ được nghe triều thần chúc tụng, hoàng đế cảm tưởng như con trai vừa chào đời, người nối nghiệp, tiếp tục chí hướng của ngài vừa xuất thế! Nụ cười nhàn nhạt treo trên khóe miệng Ca Dương nhiều ngày sau đó vẫn không tan.

Lúc này Tương Tư đang ở trong lều dỗ con ngủ. Hạnh Hoa vào báo có người xin cầu kiến. Tương Tư nhìn thấy Tiểu Mai mà xúc động suýt khóc. Từ nhỏ đến lớn, nàng chưa từng cách xa Tiểu Mai lâu như vậy, tính ra đã hơn hai năm. Tiểu Mai cũng rơi lệ, quỳ xuống ôm chân Quận chúa. Chủ tớ tái ngộ chưa kịp thăm hỏi, chỉ biết nhìn nhau khóc.

Tương Tư sờ gò má Tiểu Mai, xót xa hỏi:

- Sao tỷ gầy thế này? Bị bệnh à?

Tiểu Mai kéo tay Tương Tư, lắc đầu nói:

- Nô tì không sao! Chỉ là... Sư phụ trọng thương, hiện giờ vẫn đang điều dưỡng. Nô tì nghe lính trong doanh bàn tán xôn xao, đoán là Quận chúa đã tới nên đến cầu kiến.

Tương Tư không quan tâm trong doanh có lời đồn gì, nàng tiếp tục hỏi về Phong:

- Sư phụ tỷ? Hắn thế nào?

Tiểu Mai ngẩng đầu nhìn nàng, khóe mắt nhòe lệ:

- Hắn bảo hộ hoàng thượng thất bại, ngã xuống vực sâu, còn phải nhờ hoàng thượng ra tay ứng cứu. Hiện giờ vết thương đã ổn nhưng tinh thần sa sút...

Tiểu Mai tha thiết nắm tay Tương Tư cầu xin:

- Quận chúa, Quận chúa, người giúp nô tì một việc được không? Giúp nô tì hỏi hoàng thượng... Rốt cuộc sư phụ có thân phận gì? Hắn mãi canh cánh trong lòng nhưng hoàng thượng không chịu tiết lộ. Hắn khổ sở, hắn hoang mang... Nô tì nhìn thấy không đành lòng!

- Là sao...?

Tương Tư kinh ngạc, nàng nhớ không lầm thì sư phụ của Tiểu Mai cũng là ám vệ, mật danh “Phong”, cùng với Lôi và Trì là ba ám vệ cận thân mà Ca Dương hết sức tín nhiệm. Ngoài thân phận ám vệ, chẳng lẽ Phong còn có thân phận khác?

- Tiểu Mai tỷ, hoàng thượng không muốn nói tức là thời điểm chưa tới. Chúng ta phải tin vào dụng ý của ngài, trước mắt tỷ với sư phụ tỷ hãy yên tâm điều dưỡng. Ta sẽ thăm dò ý tứ của bệ hạ một chút. Việc này ta chỉ có thể giúp như vậy!

Tiểu Mai gật đầu, biết là không thể đòi hỏi gì hơn. Nàng kể cho Tương Tư những chuyện xảy ra gần đây. Ca Dương đã liều lĩnh cứu Phong như thế nào, rồi hai người đều bị thương ra sao. Còn có chuyện xảy ra trong hoàng cung, Triệu Phi Liên bị xử lý, các phi tử đều đến Hoàng lăng tận hiếu. Nay Hoàng quý phi đã ngã, trừ Hiền phi ra thì chỉ còn mấy Ngự nữ thân phận thấp nhất, tương lai có thể bị biếm thành cung nữ.

Tương Tư cẩn thận nghe từng việc, không ngờ trong lúc nàng ở Sa Đà nuôi con thì bên ngoài đã biến hóa nghiêng trời lệch đất đến vậy. Vẫn là Ca Dương bảo vệ mẹ con nàng quá tốt, bình an sống qua ngày, không biết nhân gian lan tràn khỏi lửa.

Tương Tư còn dẫn Tiểu Mai đi thăm Long Nhi. Khi nàng mang thai tất cả mọi việc đều do Tiểu Mai lo liệu, thằng bé chưa chào đời thì Tiểu Mai đã nhận lệnh đến kinh thành, bỏ lỡ thời khắc quan trọng.

- Tiểu điện hạ thật khả ái!

Tương Tư làm mẹ, cũng thích nghe người khác khen con mình. Nàng vuốt ve khuôn mặt nhỏ ngủ say, yêu chiều đáp:

- Nó nghịch ngợm lắm, vừa ham chơi vừa bướng bỉnh! Cũng chỉ có Nha Nha mới chịu nổi!

Tiểu Mai cúi đầu nhìn Nha Nha. Con chó vẫn nhớ nàng, nó thân thiết liếm liếm tay nàng, dường như đã quên mất mối hận thùng tắm! Tiểu Mai lại nhìn Tương Tư, thấy gò má nàng hồng hào, thân thể tròn trịa, đôi mắt nhu hòa, cả người đều tỏa ra ánh sáng hạnh phúc...

- Quận chúa, người phải sống thật vui vẻ, thật mãn nguyện nhé!

Tiểu Mai thầm thì nói. Tương Tư sửng sốt ngẩng đầu, nhìn thấy ánh mắt thân thiết và chân thành kia.

- Ừ, ta sẽ! Tỷ cũng vậy! Chúng ta đều sẽ hạnh phúc!

Nói rồi nàng mỉm cười, nắm tay Tiểu Mai mà cười.

Ngồi chơi một lúc, Tiểu Mai tính cáo từ ra về nhưng bất chợt trông thấy vòng tay của Long Nhi. Lúc nãy tay bé giấu trong chăn, khi nó trở mình thì cái chăn rơi ra, để lộ sợi dây bình an. Tiểu Mai tưởng mình nhìn lầm, cúi đầu quan sát lần nữa. Đến lúc xác định rõ, nàng thấy tim đập thình thịch, giọng nói hơi run hỏi:

- Quận chúa, cái vòng này ở đâu mà có?

Tương Tư khó hiểu nhìn nàng:

- Hả? Vòng ấy hả? Là Thái hậu nương nương trước khi mất để lại cho Long Nhi. Bệ hạ bảo nó thuộc về Thái tử Ca Thần, là một món đồ gia truyền của dòng họ, mang ý nghĩa bình an...

Tương Tư nghiêng đầu hồi tưởng. Năm ngoái Ca Dương gửi thư về, trong thư kèm theo sợi dây này. Tuy dây hơi cũ nhưng kiểu tết độc đáo. Nàng đeo cho Long Nhi, hy vọng thằng bé lớn lên khỏe mạnh, không bệnh không tai.

Tiểu Mai lục lọi trong túi áo, cũng lấy ra một sợi dây giống hệt. Đây là chiếc vòng cổ mà sư phụ đưa cho nàng cất giữ, tất cả manh mối về thân phận của hắn đều ở trong này. Tiểu Mai đem hai vật so sánh, cùng một kiểu dáng, cùng một chất liệu, móc khóa bằng đồng cùng kích cỡ. Tương Tư quan sát hành động kì lạ của nàng, bỗng nhớ ra vài năm trước đây, Tiểu Mai có nhờ nàng viết thư hỏi Hòa An Vương. Bảo vật bình an gồm ba cái, vòng tay Long Nhi đang đeo, vòng chân Niệm Nhất đang giữ, còn vòng cổ... Chẳng phải là cái mà Tiểu Mai cầm trong tay sao?

Từng manh mối lần lượt xâu chuỗi lại, trong đầu hai người đã đưa ra kết luận nhưng không dám nói. Việc này quá hệ trọng, dính líu tới bí mật hoàng tộc, trừ khi bệ hạ công bố, không ai có thể truyền ra ngoài.

- Tiểu Mai tỷ, trước mắt đừng suy nghĩ nhiều. Ta nhất định sẽ hỏi hoàng thượng, việc này nói không chừng là một việc tốt...

Tiểu Mai hoang mang nhìn Tương Tư, nắm tay siết chặt.

- Thật là một việc tốt sao...?

Nàng không biết, cũng không dám tưởng tượng. Sư phụ là ám vệ, nàng cũng là ám vệ, ở bên nhau như lẽ đương nhiên. Thế nhưng... Khi thân phận hắn thay đổi, nàng vẫn chỉ là một nô tì, làm sao với tới hoàng thân quốc thích cao quý được chứ?

Tiểu Mai như người mất hồn trở về lều của mình, ngồi xuống giường nhìn người đã ngủ say. Lẽ ra nàng phải sớm phát hiện, khuôn mặt Phong giống bệ hạ bảy phần, nhờ nét tương tự này mà lúc dịch dung đạt được hiệu quả cao nhất. Sư phụ đóng giả hoàng đế hai năm chưa có ai nghi ngờ...

Tiểu Mai vuốt ve nửa bên mặt hao gầy rồi cởi giày bò lên giường. Nàng ôm chặt lấy hắn, thầm nói:

- Mặc kệ sư phụ là ai, từ đâu đến. Chàng đã là nam nhân của ta, ta phải đòi chàng chịu trách nhiệm! Ở đời làm gì có chuyện ăn xong quỵt nợ chứ! HỪ!

Phong bị ôm chặt hơi bí thở, hắn nằm mơ thấy con bạch tuộc quấn lấy mình, đòi bắt mình về thủy cung của nó. Trong giấc mơ võ nghệ của Phong đều mất hết, chẳng còn cách nào khác là bị mấy cái xúc tu trói lôi đi...

Ca Dương xong việc trở về thì đã khuya lắm rồi. Hắn nghĩ Tương Tư và con trai đều ngủ nên nhón chân nhẹ nhàng, không ngờ nàng vẫn chong đèn ngồi bên giường chờ đợi. Ánh sáng rất nhỏ nhưng sưởi ẩm cả cõi lòng, Ca Dương ôm nàng từ phía sau hỏi khẽ:

- Chờ ta?

Tương Tư dịu dàng đáp:

- Dạ, thiếp hầu bệ hạ tắm rửa...

- Sau đó sẽ hầu ngủ chứ?

Nàng cúi đầu đáp nhỏ:

- Vâng...

Tiếng “vâng” này làm Ca Dương thở hổn hển, bụng dạ ngứa râm ran. Sau đó trình tự bị cắt xén, trực tiếp nhảy vào giai đoạn sau.

Trăng lên cao, đêm yên tĩnh, thỉnh thoảng có tiếng quạ kêu và tiếng trống canh dồn. Hai người nằm nhoài trên giường, quấn vào nhau tận hưởng cảm giác say đắm còn sót lại. Người ta vẫn nói đàn ông sau khi thỏa mãn rất dễ hứa hẹn, dễ đồng ý. Tương Tư gối trên ngực hắn, ngón tay mê hoặc vẽ những vòng tròn. Ca Dương nhắm mắt dõi theo ngón tay nàng, yết hầu liên tục trượt lên trượt xuống...

- Bệ hạ~~

- Uhm?

- Thần thiếp muốn biết một chuyện, ngài phải nói thật đấy!

- Chuyện gì...?

- Thân phận của Phong.

Ca Dương chầm chậm mở mắt, trong mắt ngập ý cười.

- Nàng dùng mỹ nhân kế với trẫm?

- Vậy thì sao? Có hiệu nghiệm không?

Hắn trở mình, đem Tương Tư áp xuống giường, cánh tay xấu xa nắm bắp chân nàng kéo mở, sau đó hàm hồ đáp:

- Có, luôn luôn có... Nhưng mà phải trả tiền trước mới bàn điều kiện!

Một lúc lâu sau đó nữa, khi sức vẽ vòng tròn cũng hết sạch, Tương Tư mới nghe hắn nói:

- Nàng có biết vở kịch “Mai Hoa nương tử ở Châu Kinh” không? Đó là một câu chuyện xưa về Mai Hoa nương tử, Thủy Sinh tú tài và Mã Đố quan viên ngoại. Cách đây rất lâu, phụ hoàng đã cấm các đoàn kịch trình diễn vở tuồng này. Nguyên nhân là vì năm ấy có một người chết sau khi xem nó. Người kia là Hoàng quý phi.

Ca Dương ngừng một chút, hoài niệm chuyện cũ, sau đó ôm nàng kể tiếp:

- Sinh thời mẫu hậu có ba con trai. Thái tử Ca Thần, trẫm và Bát hoàng tử. Đệ đệ không có tên vì sinh ra liền chết mà nguyên nhân cái chết có liên quan tới Hoàng quý phi. Sùng Nghi đế yêu bà ấy, vì bà ấy có khuôn mặt gần giống người vợ đầu tiên của ông. Mẫu hậu là vợ kế, không phải nguyên Thái tử phi. Bởi vì yêu nên phụ hoàng luôn che chở dung túng, khiến mẫu hậu ôm hận suốt đời. Bà đã mất một đứa con, làm sao có thể nhìn hung thủ giết con bà nhởn nhơ sống được chứ! Mẫu hậu thân là công chúa Phượng Triều, gả sang hoàng cung Khương La, cả đời bà giỏi nhất là tranh đấu. Bà là người chiến thắng cuối cùng khi ngồi lên ngôi vị Thái hậu, còn Hoàng quý phi không đủ thông minh, nên bị thích khách trà trộn trong gánh hát sát hại, ném thi thể xuống cái giếng khô. Năm ấy con trai Hoàng quý phi mới ba tuổi, là Thất hoàng tử, phụ hoàng đặt cho nó cái tên rất hay, gọi là Chu Lạc Thành Vũ.

Tương Tư im lặng nằm nghe, tới đây thì nàng đoán được rồi. Phong – Vũ, thảo nào như thế! Thì ra hoàng tộc còn sót một vị vương gia!

- Đứa trẻ là vô tội nhưng khi đó mẫu hậu chìm trong thù hận, không muốn buông tha nó. Nếu Hoàng quý phi không chết, rất có khả năng đứa trẻ kia mới là hoàng đế đời kế tiếp mà không phải Ca Thần hay là trẫm. Thái tử là một người nhân hậu, không nỡ nhìn thấy kết cục bi thảm này. Huynh ấy đánh tráo đứa bé, đem Thành Vũ thực sự giấu đi, giấu vào Mật Bảo Các, từ đó nuôi nấng như ám vệ...

Câu chuyện dài dừng lại ở đây, cả hai người đều im lặng. Tương Tư khẽ khàng vuốt ve ngực hắn, hai đời hoàng đế, cả Vĩnh Khang và Ca Dương đều có một tuổi thơ không dễ dàng.

- Bệ hạ dự tính thế nào? Chuyện này có nên tiếp tục giấu kín không? Dù sao đi nữa Thành Vũ vương gia cũng là huyết mạch của tiên hoàng, làm như vậy sẽ khiến ông ấy ở dưới suối vàng không yên... Sinh thời tiên đế rất yêu Qúy phi mà!

- Trẫm đã có quyết định, chiếu chỉ cũng viết xong, chờ khi đại quân khải hoàn trở về sẽ được công bố. Lúc trước Ca Thần cũng rất yêu mến Thất đệ, nhiều lần huynh ấy nói với ta sau lên ngôi sẽ tìm cơ hội tốt trả lại thân phận cho Thành Vũ...

- Phải. Bệ hạ đừng vì chuyện này lấn cấn trong lòng. Ân oán đời trước kết thúc ở đời trước. Thái tử sáng suốt mới lưu lại cho chàng một người anh em tốt, chắc chắn tốt hơn Tề vương, Cận vương...

Ca Dương nghe nàng nói, không khỏi mỉm cười dụi mặt vào tóc nàng:

- Em đang khuyên giải cho trẫm sao? Tập làm người tri kỉ bên gối à?

Tương Tư phì cười đẩy đầu hắn ra xa:

- Cần gì tập? Chẳng lẽ em không phải tri kỷ của ngài?

- Uhm, nếu là tri kỉ thì làm việc “tri kỉ” nên làm đi...

Tiếp theo đó lại là cái quá trình nhàm chán~~~ Tương Tư phát hiện Ca Dương bây giờ rất xấu, luôn tìm sơ hở trong lời nói của nàng để trục lợi!

Sáng hôm sau thư nhà gửi đến, nàng vui mừng mở ra xem. Khi đến được Đề Lô nàng đã viết thư báo an cho đại ca, tới bây giờ mới nhận được hồi đáp. Vốn đang vui vẻ, sau khi đọc xong sắc mặt nàng liền kém.

Trong thư viết: Nhị tẩu sinh bé gái bụ bẫm, ngày thứ hai ôm đứa trẻ bỏ trốn, đến nay chưa rõ tung tích.
Bình Luận (0)
Comment