Hai mươi tám
Nhưng mà cái sự khen ngợi, khoe khéo con dâu tương lai ấy của bà Nhan lại gây ra một chút phiền phức nho nhỏ cho Cần Thư.
Ở cái thời đại giàu sang phú quý phong lưu này, đi lại ăn mặc hay nơi ở đều có thể trở thành mục đích theo đuổi sự tao nhã lịch sự phong cách ngời ngời. Nên sau khi bà Nhan tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ, giới thiệu ba món rau dưa muối tương kia ra mắt, đã khiến cho toàn bộ nữ giới quý tộc ở kinh thành bị chinh phục và rung động.
Muốn ăn món ăn tao nhã đó, phải biết xin xỏ một cách tao nhã. Các nữ quyến có mối quan hệ thân thiết thì ngỏ lời nghe ngóng những sở thích của Đường Cần Thư, rồi tự tay chấp bút viết thư xin được tặng một vài, kèm theo đó là dâng tặng cô những cuốn tạp lục truyền kỳ chuyện lạ ở huyện phủ các nơi.
Thật ra đâu có cần như thế? Đường Cần Thư cũng không để ý mấy chuyện này lắm, nhưng cô cũng biết, phàm là con gái thế gia đều có kiểu cách điệu bộ ra vẻ như vậy với những chuyện được coi là thanh cao tao nhã - tại vì thứ mà khiến họ cảm thấy vinh dự, phải là chính chủ nhân công thức nấu ăn đó tự tay viết ra tặng mình kia. Thế nên cô cũng ráng mà kiên nhẫn viết thư trả lời kèm theo mấy tờ công thức nấu ăn.
Một tờ, hai tờ, không sao cả. Mười tờ, tám tờ, thôi thì vẫn còn chịu được. Cơ mà chờ đến tờ thứ bốn mươi lăm không khác gì "chép phạt", cô bắt đầu hết chịu nổi.
Một tờ công thức nấu ăn chỉ có vài trăm chữ. Nhưng mà chép đi chép lại như chép phạt như thế thì cũng khiến người ta phát khùng lên đó. Lại đúng dịp tháng chạp cuối năm, kết toán nha môn vẫy gọi, ngày ngày kiểm tra sổ sách tính toán nhập kho đã khiến cho cổ tay sắp liệt tới nơi, lại còn phải "chép phạt" công thức nấu ăn thế, cô sắp phát điên tới nơi rồi.
Cô bắt đầu nghiêm túc nghĩ xem có nên tìm thợ thủ công để khắc bản in giúp mình không, mặc dù là thợ khắc bia đá thôi, nhưng tạm chấp nhận vậy, chỉ cần có một bản in thô sơ để cô có thể tự in ra nhiều bản là được.
Cơ mà huyện Đào Nguyên không có thợ lành nghề khắc bản in. Cô thử tự khắc, càng là không làm được.
Đang định chấp nhận cái ý tưởng ngu xuẩn này thất bại mà lủi thủi về viết tay, Nhan Cẩn Dung lại chạy đến hớn ha hớn hở đưa tặng cô một con dấu gã tự tay khắc lấy.
Con dấu của Phù Dung công tử đó, cực kỳ hiếm cực kỳ quý. Tiếc là không có nguyên liệu đá tốt, chỉ có thể dùng các miếng gỗ lập phương nhỏ... Nhưng con dấu vẫn được trang trí thiết kế rất khéo léo tinh vi, mặt gỗ được khắc sắc nét mịn màng, vừa có mỹ cảm thẩm mỹ vừa đạt mỹ cảm thư pháp.
Ấn trên giấy rồi ngắm nghía hồi lâu, bỗng cô nghĩ ra, thật ra mình cũng biết làm mà. Mặc dù không làm được chất lượng đẹp đẽ như thế mà thôi.
Điêu khắc nguyên một bảng to để in nguyên tờ thì khó, nhưng khắc con dấu thì dễ mà. Mỗi con dấu là một chữ, chỉ có vài trăm chữ mà thôi, khắc xong xếp hàng chỉnh tề rồi sử dụng phương pháp dập văn bia để in vài trăm tờ hướng dẫn nấu ăn là được đúng không? Nếu quy định sẵn kích thước con dấu, thợ mộc bình thường cũng cắt sẵn khối gỗ được đúng không?
Trước giờ cô vẫn luôn là người thích bắt tay vào tự làm. Cứ để ý việc chỉ mỗi chuyện nấu ăn ra sao nguyên liệu thế nào, cô cũng phải mày mò tìm ra cách chế biến làm sao để đạt được sắc hương vị ở mức độ cao nhất, là đủ biết óc sáng tạo và cần cù của cô rất mạnh.
Thế nên cho dù đang là kỳ kết toán cuối năm bận tối mặt tối mũi đi nữa, cô vẫn chạy tới nhờ thợ mộc cưa sẵn chuẩn bị sẵn nguyên liệu mình cần, đủ để xếp đầy một trang giấy. Chờ hết đợt bận rộn sổ sách xong xuôi, cô mới hào hứng vô cùng mà bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, bắt chước cách khắc con dấu dập chữ lên giấy. Để có thể tối ưu hóa, cô còn thử dùng nhiều nguyên liệu khác nhau, cuối cùng mới chọn phương thức dùng miếng trúc ở giữa các hàng con dấu để cố định các chữ, rồi lúc ấy mới hớn hở mang ra nhờ các đồng liêu của mình hỗ trợ.
Ở triều Đại Yến này, văn nhân hoàn toàn không dễ dàng, nghề nào cũng phải biết, thế nên chỉ khắc con dấu thôi vẫn còn dễ lắm. Mấy đồng nghiệp thân thiết với nhau thì chia mỗi người một phần năm cái tám cái về khắc chữ. Riêng Nhan Cẩn Dung nhận thầu ba mươi lăm con dấu, chỉ mất hai hôm là mấy trăm con dấu đã làm xong. Sau đó chữ nào vào chỗ đó, cố định bằng thẻ trúc, rồi dùng phương pháp dập văn bia, chỉ trong chốc lát là đã in được một tờ.
Nhan Cẩn Dung bấy nay vẫn chưa biết cô bận bịu mấy hôm nay để làm cái gì, chỉ coi như là đứng ngoài xem náo nhiệt. Chờ đến lúc thành quả xuất hiện, gã mới phì cười ha hả không ngớt.
Quả thực là... Khắp tờ giấy là vô vàn con chữ méo mó không đều, kiểu dáng lộn xộn, tuy ban đầu quy định chỉ dùng thể chữ khải nhưng cuối cùng thể chữ gì cũng có, kích thước cũng lớn nhỏ không giống nhau. Đấy quả thực là...
... Quả thực là kinh khủng!
Bỗng gã đứng phắt dậy, mặt tái mét sợ hãi!
"Biểu ca?" Đường Cần Thư bị gã dọa cho giật bắn mình.
"Cái... cái... cái này... muội học ở đâu ra thế?" Nhan Cẩn Dung tóm lấy tay áo cô lắp bắp hỏi.
Đường Cần Thư nghe vậy càng thêm ngơ ngác. "Muội tự nghĩ ra. Tại vì... tại vì muội lười chép công thức nấu ăn mà!"
Nhan Cẩn Dung hít sâu một hơi, vẻ mặt tái mét cuối cùng cũng trở lại hồng hào, rồi nhìn biểu muội nhà mình không biết nói sao.
Nghĩ ra! Hẳn là tự nghĩ ra! Cô có biết cô vừa nghĩ ra một thứ quý giá cực kỳ hữu ích và có thể để lại công tích muôn đời không hả!!!
Cả người gã bắt đầu nổi da gà dựng tóc gáy.
Ở triều Đại Yến này, bản khắc in sách đã tồn tại từ rất lâu, nhưng bản khắc in sách cực kỳ đắt tiền và khó chế tạo, riêng việc đào tạo thợ mới đã không dễ dàng. Cả một bản khắc chỉ cần hỏng một chữ thôi là vứt bỏ phải làm mới. Thế nên cho tới giờ đa phần sách bán đều là chép tay, và giá sách vẫn cực kỳ cao khiến người thường khó lòng mua được.
Văn Chiêu đế vẫn luôn mong muốn phổ cập giáo dục trong dân chúng, nhưng vì sách vẫn là tài sản quý hiếm đắt tiền nên không có cách nào thực sự phổ cập cả.
Nhưng giờ đây, nhìn cái bản in từ con dấu như chơi đồ hàng lắp ghép kia, gã nhận ra nó tốt gấp trăm ngàn lần so với bản khắc in hiện giờ. Bản in từ con dấu này cực kỳ linh hoạt. Gã có thể gỡ toàn bộ các con dấu ra rồi sắp xếp lại thứ tự khác nếu muốn. Nếu hỏng một chư chỉ cần gỡ ra rồi khắc lại bổ sung vào là đủ. Chỉ cần chuẩn bị đủ nhiều số chữ, là có thể thoải mái xếp cùng nhau in thành hàng loạt cuốn sách Tứ thư Ngũ kinh Du ký Tạp đàm, hay là Hướng dẫn làm nông, Hướng dẫn thủ công...
Mỗi người một cuốn sách, đó không còn là vấn đề xa xôi không bao giờ đạt tới.
(Tứ thư Ngũ kinh, các tác phẩm kinh điển "ắt phải học ắt phải hiểu" của Nho giáo thời xưa. Tứ thư bao gồm Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử. Ngũ kinh bao gồm Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.)
"Đây chính là Phương pháp in ấn Đường thị." Sau khi cơn kích động khiến cho Đường Cần Thư lo lắng đã qua, cuối cùng Nhan Cẩn Dung cũng bình tĩnh tỉnh táo lại mà nói.
Đường Cần Thư cuối cùng cũng sực hiểu, rồi nhẹ nhàng a một tiếng. "Đúng nha, về sau các thông báo thông cáo không cần phải chép tay nữa, xếp con dấu rồi in ấn ra là tiết kiệm được bao nhiêu công sức rồi."
Nhan Cẩn Dung ngẩn người, hồi lâu sau mới bật cười.
Cô ấy giỏi giang là thế, khéo léo là thế, thông minh là thế, ấy nhưng suy nghĩ vẫn luôn hướng về thực tế, cuộc sống hàng ngày mà thôi.
"Không chỉ có vậy." Giọng gã mềm mại hơn, thấp thoáng đôi chút tự hào lẫn âu yếm.
Phân nửa mùa đông năm đó, hai người họ dùng để cải thiện cách in bằng con dấu, đồng thời mặc sức tưởng tượng tương lai xán lạn của nó. Thế nên mùa đông dường như bớt lạnh lẽo hơn và trở nên nhiệt tình hơn.
Vốn định gửi cho bà Nhan xử lý, vì trong mớ đồ cưới của hồi môn của bà có một cửa hàng in ấn bán sách, thậm chí có khá nhiều thợ thủ công chuyên khắc bản in. Có thợ có kinh nghiệm khắc bản in sách có lẽ sẽ hoàn thiện được hơn.
"Không được." Nhan Cẩn Dung tỉnh táo lại. "Để trong dân chúng không được. Thứ này nếu thành công nhân rộng ra sẽ mang lại lợi ích cực kỳ to lớn. Mẹ ta chắc chắn không đủ quyền thế để gìn giữ nó."
Đường Cần Thư gật đầu rồi nhíu mày. "Hơn nữa giai đoạn đầu sẽ phải bỏ vốn rất lớn... vì ý tưởng này vẫn chưa hoàn thiện chu đáo..."
Nhan Cẩn Dung nghĩ nghĩ rồi cười. "Nhưng sau này nó có thể sẽ giúp kiếm lại rất nhiều rất nhiều tiền, đồng thời sẽ góp phần đào tạo rất nhiều rất nhiều người tài. Ừ, thế là đủ rồi."
Giờ đây, người ngồi trên long tọa của triều Đại Yến là Văn Chiêu đế, còn gọi là bà chủ tập đoàn Mộ Dung.
Văn Chiêu đế ấy à, đối với vụ làm ăn có thể kiếm ra nhiều tiền, lại còn đào tạo nuôi dưỡng được nhân tài thế này, đảm bảo sẽ cực kỳ hứng thú.
"Thế nên..." Đường Cần Thư ngập ngừng. "Là muội... gửi bản mật tấu lên ư?" Cô hơi luống cuống không chắc chắn.
Nữ lại đúng là có quyền trực tiếp gửi mật tấu cho nữ đế. Thế nhưng trước nay cực ít người làm như thế. Bởi vì nếu ai dám lấy mấy chuyện vu vơ lặt vặt như lông gà vỏ tỏi mà dâng mật tấu lên ấy à... hậu quả thông thường sẽ được gửi đến miền xa xôi biên cương nghèo khó để giáo hóa văn minh, vĩnh viễn không được sử dụng nữa.
Nhưng không có cách nào khác, cho dù thuyết phục Huyện lệnh đại nhân gửi bản tấu chương lên đi nữa e là sẽ bị om kỹ khiến Hoàng thượng sẽ vĩnh viễn không đọc được nó, ai bảo bọn họ chỉ là một đám quan cấp thấp bé mọn như hạt vừng...
Cơ mà hai người họ còn trẻ lắm, bầu máu nóng trong tim còn đang bừng bừng nhiệt huyết. Cái có thể trở thành sự nghiệp vĩ đại để lại công ích cho đời muôn vàn năm sau như thế này quả thực họ không cách nào ngồi yên nhìn nó bị làm ngơ rồi nhạt nhòa biến mất, hoặc là rơi vào trong tay những kẻ quan chức nhà giàu trở thành công cụ kiếm lời đút túi cá nhân.
Phần nửa còn lại của mùa đông họ cùng nhau bàn luận tham khảo sửa sang lại, mãi tới đầu xuân mới viết xong bản mật tấu hoàn chỉnh. Cuối cùng phương pháp in ấn này được đặt tên là "In ấn Đào Nguyên", tất cả những ai đã tham gia khắc con dấu trước nay đều được liệt kê tên tuổi trong đó, ngay cả Huyện lệnh Huyện thừa ham vui tham gia khắc vài con dấu để khoe khoang cũng được đặc biệt xếp tên ở ngay đầu danh sách tham gia.
Sau đó, bản mật tấu cùng với chiếc hộp chứa toàn bộ con dấu và thẻ trúc để cố định, được đưa cho trạm dịch gửi về kinh thành.
"Không biết liệu mình có bị phạt lưu đày không nhỉ?" Đường Cần Thư thở dài.
"Không sao, đó là chủ ý của ta kia mà." Nhan Cẩn Dung an ủi cô. "Nếu có lưu đày thì sẽ lưu đày cùng nhau."
... Này anh đang an ủi tôi thật đấy à?
Cơ mà dường như hoàn toàn không có chút hối hận nào trong lòng họ. Cuối cùng họ cũng đã thực hiện một việc cực kỳ trọng đại. Về sau khi già đi cũng có thể khoe khoang ít nhiều với con cháu nhỉ.
Nụ cười của cô vừa tự tin, vừa tự hào kiêu ngạo.
***
Yêu đương ăn uống mỹ mãn xong xuôi rồi thì cũng phải làm chính sự chứ, hehe.
Còn có hơn chục chương nữa thôi là lá la...