Quan Trừng

Chương 24

Ngày hôm sau, Trúc Hoằng sư phụ trở thành trụ trì mới của chùa Bàn Nhược, vẫn có người ở vùng ngoại ô lắm mồm phỏng đoán vì sao không phải là Trúc Hàn. Những người này vừa sinh ra đã có “số vất vả”, cả đời tán gẫu không ngừng, sau khi chết cũng muốn làm một con quỷ miệng thối.

A Âm được chuyển đến quán rượu, tỉnh lại đã là giữa trưa. Đêm qua Chướng Nguyệt đưa nàng đến vùng ngoại ô phía Tây thành, nơi sâu vắng vẻ có không ít âm khí và oán khí, bảo nàng sau này có thể đến đây.

A Âm chưa tỉnh táo hoàn toàn, chống tay ngồi trước cửa sổ nhìn cành khô phất phơ trong rừng, một con gió thổi qua mang theo hơi lạnh và mùi bùn đất. Cảm nhận được một ánh mắt khó mà bỏ qua được, nàng quay sang nhìn, mỉm cười.

Cái đầu nhẵn bóng ngẩng lên, gương mặt thiếu niên mãi mãi mang vẻ chân thành mặc tăng y màu chàm đã lâu không thấy, tràng hạt trong tay áo khẽ lay, đó là người trong lòng mà nàng mãi nhớ thương.

Sau này Bắc Tống có Tần Thiếu Du làm “Thước Kiều Tiên”*, A Âm đọc câu thơ “Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng, tiện thắng khước nhân gian vô số” (Gió vàng móc ngọc một khi gặp nhau, hơn hẳn bao lần ở dưới cõi đời) giống như cõi lòng của nàng lúc này.

Tần Thiếu Du tên là Tần Quán, tự Thiếu Dụ, ông từng là học trò và kết hôn với em gái của Tô Thức. Tô Thức từng khen Thiếu Du có tài như Khuất Nguyên, Tống Ngọc. Ông từng làm quan tới chức Quốc sử biên tu, sau bị cách chức.

Nàng mỉm cười ấm áp, tựa như sắc xuân kéo về trong một đêm đông, người ngoài cửa sổ cũng cười theo.

Trong phòng khách, Trúc Hàn bị đè xuống giường, cẩn thận che chở cho người nằm trên, “Trước hoàng hôn ta phải về chùa Tây Minh, A Âm đừng…”

“Đừng thế nào?” Nàng dùng một ngón tay chọc loạn, giọng nói yêu kiều.

Chàng nắm đôi tay nàng, ôm người vào lòng, nhỏ giọng van nài, “A Âm hiểu mà, đừng ép ta nói ra miệng.”

“Chàng không muốn à? Lần trước ở miếu Thành Hoàng không vui hử?”

“…”

“Không nói thì ta sẽ làm.”

“Nói…” Chàng hơi bối rối, giống như một cô gái, tóm chặt cổ áo.

A Âm cười duyên, “Vậy chàng nói lần trước ở miếu Thành Hoàng ta và A Âm rất vui vẻ xem nào. Cứ nói như thế đi.”

Trông thấy tai chàng đỏ rực, miệng mở ra khép lại không biết bao lần nhưng vẫn không thốt ra lời, nàng ra sức dùng biểu cảm gương mặt thúc giục, bàn tay bắt đầu sờ soạng lung tung.

Một thoáng sau cảnh tượng giống như long trời lở đất, chàng xoay người đè bên trên, cúi đầu hôn người không an phận kia. Cái hôn này rất vội vàng, như đang trút cảm xúc ra ngoài lại như có như không cắn cánh môi nàng.

Lúc ấy A Âm không biết rằng tiểu hòa thượng của nàng keo kiệt đến mức nào, lại thích ghen tuông biết bao nhiêu. Nụ hôn này giống như đang trừng phạt lại như đang bày tỏ sự chiếm hữu, xét kỹ thì trong đó còn ẩn chứa tình cảm, phức tạp giống như bây giờ vạt áo quyện vào nhau, phân chia không rõ.

Chướng Nguyệt bưng khay, trong đó đặt một cái đĩa đựng hai con mắt đầy máu, đây là mắt cáo chí âm mà hắn đã bỏ công chạy vào sơn cốc lấy. Nhưng lúc này hắn chỉ đứng ở cửa phòng bởi vì trong căn phòng ấy có giọng nữ khiến tim người khác đập rộn ràng, bình tĩnh lại còn nghe thấy tiếng thở mạnh không thể kìm nén của đàn ông, hắn tất nhiên biết người đó là ai. Hắn lặng lẽ quay người bước xuống lầu, đưa đồ bổ cho Quỷ Sứ đang sắp xếp sổ sách ở dưới lầu, xem như chưa từng đến đây.

***

Lần này, đổi lại là chàng nằm trên đùi nàng, A Âm quyến luyến vuốt ve đầu chàng, chậm rãi mở miệng, “Khi nào tóc chàng mới dài ra? Gần đây chàng có cạo đầu không? Hay là do chàng cạo nhiều quá nên tóc không mọc dài được?… Quan Trừng, đã lâu lắm rồi chàng chưa mặc tăng y màu chàm, sao hôm nay chàng lại mặc?… Chàng đã biết ta thích nhất màu nào rồi sao?”

Tiếng cười của tiểu hòa thượng trầm trầm, chàng vươn tay vuốt cánh môi bị cắn của nàng. Trong đôi mắt chàng ẩn chứa vẻ phức tạp, không hiểu sao lại cảm thấy trong máu nóng rực.

“Sao chàng không trả lời ta?”

Chàng thu lại nụ cười, “Không biết là bao giờ nó mới dài ra, lần cạo trước là vào hôm Tết, chắc là không phải đâu. Tăng phục màu đen giặt chưa khô, vào chùa Bàn Nhược mới mặc áo màu lam, nàng thích nhất là màu xám và xanh lam.”

Chàng giống như đang khoe khoang trí nhớ của mình tốt đến đâu, chậm rãi trả lời. Nàng không nén được ý cười, tay lần xuống dưới vuốt ve mặt chàng.

“Cũng không hẳn là thích, chỉ là thân hạc của ta màu xám và Âm Ma La có thể há miệng phun ra ngọn lửa màu xanh lam nên ta chọn hai màu này. Gần đây chàng toàn mặc màu đen, ta bỗng cảm thấy rất thích.”

“Ta vẫn nhớ đêm Trung Nguyên A Âm mặc áo đỏ. Nàng mặc màu nào cũng đều tuyệt sắc.”

Nàng hơi thẹn thùng, đôi mắt đẹp trách móc, “Hòa thượng, chàng học mấy từ này ở đâu?”

“Hử? Nàng phun ngọn lửa xanh lam cho tiểu tăng nhìn một cái, tiểu tăng sẽ nói cho nàng biết.”

Chàng đã biết cách trêu ghẹo nàng, A Âm giơ tay đánh chàng lại bị sự dịu dàng vô hạn của chàng hóa giải.

Nhưng khoảng thời gian bình yên nhàn nhã như thế rồi cũng sẽ trôi qua, cho dù hai người không muốn thì Trúc Hàn sư phụ vẫn phải về chùa Tây Minh, nàng không ngăn được.

Vào từ cửa sau rồi lại ra từ của sau, chàng chẳng hề quay đầu lại nhìn A Âm. Bước ra khỏi đây, chàng lại là tăng nhân thanh tâm quả dục trong mắt người đời cũng tự kìm chế hơn.

A Âm dựa vào lan can, nhìn bóng hình mình hận không thể khắc vào trong mắt, câu nói A Âm chờ ta cứ quanh quẩn mãi trong đầu.

Lời chàng nói nàng đều nghe, đều tin.

Lúc ấy nàng chỉ cảm thấy núi sống đều đẹp, gió mây rực rỡ, ấy thế mà mùa đông ở Trường An năm đó lại mãi không có tuyết rơi. Hàng đêm sao trời chiếu rọi không trung, cùng vầng trăng tỏa sáng, giống như dù ngày mai không biết mặt trời mọc ở hướng nào thì vẫn là cảnh xuân tươi đẹp. Người yêu nhau luôn chờ đợi và hướng về nhau, dù trời đông giá rét vẫn cảm thấy ấm áp.

Sau khi quay về chùa Tây Minh, tháng Giêng đã qua, bầu không khí ngày Tết cũng hoàn toàn tiêu tán. Vùng ngoại ô lại tổ chức lễ tế trừ tà, mời pháp sư là Trúc Tuyên. A Âm không tự đi tìm chuyện khó chịu nữa, nàng bình yên gối đầu ngủ cạnh người thương, còn chàng cầm bút lông chấm hai màu mực đỏ đen, chú thích trên kinh thư, dáng vẻ chăm chú ấy khiến A Âm không đành lòng ngắt ngang.

Chợt một giọng nam vang lên phá vỡ sự yên tĩnh trong căn phòng, “Sư huynh gửi thư cho ta, trong thư viết thôn Vu Lan lại tổ chứ lễ tế trừ tà.”

“Ừm.” Không biết lời chàng nói có ý gì, A Âm trả lời qua loa.

“Đến nay ta vẫn nhớ những lời nàng nói với ta lần trước, nàng còn nói sẽ kể chuyện xưa cho ta nghe.”

“Ừm…”

“Nhưng nàng lại chưa kể, A Âm lừa ta.”

“Hử?”

“Nàng đã nói sẽ không bao giờ lừa gạt ta, nàng đúng là người xấu.”

“…”

A Âm vội vàng nhổm dậy, đối mặt với chàng, “Chàng nói thế là có ý gì? Tối nay chàng tính lật lại nợ cũ với ta hả?”

Tiểu hòa thượng đặt kinh thư xuống, ánh mắt vô tội, “Có sao?”

Thấy dáng vẻ này của chàng, A Âm chỉ cảm thấy trái tim nhảy lên liên hồi, nàng lặng lẽ cầm kinh thư lên rồi đưa đến trước mặt chàng.

“Chàng xem tiếp đi.”

“A Âm ngoan, nên đi ngủ thôi.”

***

Ngày hôm sau, không biết tin đồn xuất phát từ đâu mà dạo gần đây thành Trường An có lời đồn, trong chùa Tây Minh có tăng nhân phá giới, lén lút yêu đương với phụ nữ, đúng là lý pháp không dung được. Những lời nói bẩn thỉu một truyền mười, mười truyền trăm, không đến nửa ngày đã truyền đến tai trụ trì Thành Trí của chùa Tây Minh.

Ngày nào ông cũng bận rộn dịch Kinh Kim Cương Đỉnh, có tiểu tăng đi ngang qua nhắc đến, lời nói bẩn thỉu cứ thế truyền vào tai ông. Thành Trí không nói gì khác, chỉ âm thầm trách phạt tiểu tăng lắm mồm kia. Lần này trong chùa Tây Minh không có ai muốn nói chuyện với Trúc Hàn, thậm chí có người to gan còn lén lên án trụ trì bất công.

Thành Thiện là sư đệ của Thành Trí, ông đã ở chùa Bàn Nhược suốt mấy chục năm cho đến ngày viên tịch. Thành Trí lĩnh ngộ Phật pháp còn cao thâm hơn, ông lo liệu mọi chuyện trong chùa Tây Minh ở Trường An.

Đêm dài, Trúc Hàn là người cuối cùng rời khỏi đại điện, vì ngồi lâu mà người và lưng chàng đã hơi cứng lại, tay cũng viết đến tê dại. Thành Trí gọi Trúc Hàn đến, nhìn chàng với ánh mắt sâu xa, ông hỏi, “Quan Trừng, con có nhớ câu cuối cùng trong Kinh Kim Cương không?”

Là Kinh Kim Cương chứ không phải Kinh Kim Cương Đỉnh dịch gần đây.

“…” Tất nhiên là chàng biết, Trúc Hàn cung kính trả lời, “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh. Như lộ diệc như điện. Ưng tác như thị quán (Tất cả pháp hữu vi đều giống như mộng, huyễn, bọt bóng, như sương, như chớp lóe, hãy quán chiếu như thế).”

Thành Trí mỉm cười hiền từ, ánh mắt tràn ngập ý tứ sâu xa, ông hiểu rõ nên chạm đến đó thì dừng.

“A Di Đà Phật, con đi nghỉ đi.”

Tiểu hòa thượng ngạc nhiên gật đầu, “Vâng, sư bá.”

Trước khi Thành Thiện viên tịch đã gửi cho Thành Trí một phong thư cuối cùng, trong thư không hề che giấu sự kỳ vọng và niềm lo lắng của mình với Trúc Hàn. Thành Thiện không “cố chấp” như sư đệ, nhưng cũng vì những lời đồn bay đầy trời mà không nhịn được mở miệng, chỉ điểm cho chàng vài câu. Nếu như lần này Trúc Hàn không nghĩ thông thì dù Thích Ca Mâu Ni có chuyển thế cũng không thể ngăn chàng một lòng một dạ muốn làm người bình thường. Nếu như nghĩ thông, không phụ tấm lòng của Thành Thiện thì đúng là không thể tốt hơn. Chỉ cần chàng nhanh lên, dẫu sao Thành Trí cũng hiểu hiện giờ mình đã quá tuổi cổ hi (cổ hi là 70 tuổi), sinh mệnh cũng sắp đi đến đoạn cuối…

Trúc Hàn biết Thành Trí đang nhắc nhở mình, trong câu kinh Phật “phàm hữu sở tướng, giai thị hư vọng” (bất cứ vật gì có hình tướng đều là hư ảo) nghe nhiều đã quen kia ám chỉ với chàng, vạn vật trên thế gian này đều vô thường, tất cả chỉ là giả dối, chớ cố chấp.

Quả thật chàng cũng từng một lòng tu chân nhưng đến nay hai mươi năm tu tập giống như ảo ảnh trong mơ, cuối cùng hóa thành hư vô. Như thế nào là thật, như thế nào là giả, có lẽ là chàng ngu dại, cảm thấy người gối đầu nằm cạnh mình mới là thật.

Tối nay A Âm mãi chưa đến.

Nhưng chuyện này cũng chẳng có gì đáng lo, chàng ngồi trước bàn, sống lưng thẳng tắp, cầm bút hồi lâu, cuối cùng hiểu ra rất nhiều điều, buông bỏ được hoài niệm.

Trong lòng chàng tự khuyên bảo mình, suy nghĩ, nói và làm đều tùy tâm.

Không biết bao lâu sau, bên cạnh truyền đến cảm giác lạnh lẽo, Trúc Hàn ngơ ngắc mở mắt ra, thấy là gương mặt quen thuộc thì mới yên lòng.

Chàng ôm nàng vào lòng, người nàng hơi lạnh, “Sao muộn như vậy nàng mới đến, bên ngoài lạnh lắm… ừm…”

Đôi môi lạnh lẽo dán vào môi chàng, tiểu hòa thượng hơi nhíu mày, được A Âm vuốt giãn ra, nàng ôm eo chàng.

“Âm Ti có một số việc, chàng ngủ tiếp đi.”

“Ừ.”

Mấy ngày sau, đêm nào A Âm cũng đến muộn, có lẽ là gặp phải chuyện gì khó giải quyết. Mỗi buổi tối đen như mực chàng liếc nhìn A Âm đều cảm thấy nàng có vẻ mệt mỏi nhưng A Âm không nói, tiểu hòa thượng cũng không hỏi, chỉ đợi chuyện này qua đi hoặc là đợi đến khi nàng bằng lòng nói ra.

***

Đột Quyết ở phương Bắc xảy ra nội loạn liên tiếp, Thánh nhân quyết định xuất binh, thành Trường An vẫn không có tuyết rơi, trời dần ấm lên. A Âm nhớ rõ hôm ấy là lập xuân, cuối cùng nàng cũng lĩnh xong hình phạt của ngày cuối cùng, thời gian còn sớm, chí ít là sớm hơn thời gian nàng đến chùa Tây Minh dạo gần đây rất nhiều. Các hộ buôn bán trên đường Chu Tước đang thu dọn sạp hàng, mặc dù người nàng mệt mỏi nhưng lòng lại nhẹ nhõm, bước đi không chút lo lắng.

Hôm ấy A Âm giết chết đồng loại Quỷ Câu Hồn, nàng bị tố cáo lên Điện Diêm Vương và bị Âm Ti xét xử. Có vài con quỷ không biết tên đứng ra làm chứng, cũng chỉ vì ngày thường bọn họ kiêng dè hoặc ghen ghét với địa vị của A Âm mà thôi, nhưng không ngờ nàng lại thẳng thắn thừa nhận. A Âm liên tục chịu phạt roi ở Địa Ngục trong bảy ngày, cuối cùng hôm nay cũng kết thúc, bản án bị hủy bỏ.

Trông thấy có người già và trẻ nhỏ bước đi lẫm chẫm, bưng theo cái rổ bán bánh đậu tự làm, nàng bỗng dưng nhớ đến đêm Thượng Nguyên, tiểu hòa thượng cầm đậu nàng cười ngọt ngào, quay lại hôn nàng…

Mỗi khi con người nhớ lại những chuyện xảy ra trước đó, luôn bất tri bất giác nhớ đến một vài điểm đặc biệt, sau đó sẽ buồn bã hoặc chán nản than vãn “ta nên sớm nghĩ ra mới phải”, đây cũng là điềm báo tai họa sắp đến.

Vừa đến lập xuân, sao đã làm bánh đậu ngọt đi bán rồi? Đã thế nàng còn muốn mua, ngu ngốc cho rằng tiểu hòa thượng thích ăn.

Trong chùa Tây Minh có người âm thầm trèo tường, chui vào chính điện.

Bình Luận (0)
Comment