*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.Tủ lớn sơn đen gỗ Sưa[1]. Cao chừng mười thước rưỡi, rộng hơn ba mươi thước, vừa tròn trăm ngăn.
Tạ Hoàn Hồi cầm một cái cân tiểu ly, lúi húi cân vụn thuốc rồi trải lên giấy, sau đó thuần thục gói lại, lờ đi vẻ mặt ngạc nhiên của Trần Yên: “Sáu, bảy năm rồi chưa thay mới. Mấy năm rày mỗi khi trời nồm đều bị ẩm, nếu không mau thay, sớm muộn cả thuốc nấu cũng hỏng mất. Ngươi cứ chiếu theo hình dáng cái cũ mà làm”.
Quả nhiên không phải chuyện nhỏ. Chàng khẽ ngẩng đầu tính toán, tủ lớn như vậy, cộng thêm một trăm ngăn tủ nữa, lượng gỗ cần thiết, mấu nối, điêu khắc trên sơn, nếu muốn làm chắc chắn, ít cũng phải mất đến hai, ba tháng.
“Tạ đại phu, ngài định khi nào thì thay?”.
Tạ Hoàn Hồi vẫn không ngẩng đầu, hắn nắm một nắm thuốc cho vào cối giã đồng, giã vụn thành bột, đổ vào giấy, gói lại, làm liền tù tì không ngừng: “Cuối năm”.
Hiện giờ còn non nửa năm nữa mới đến tháng giêng. Trần Yên rầu rĩ không thôi, ngưng một lát, chàng mới ngập ngừng hỏi: “Đại phu, ngài không phải gấp lắm sao?”
“Ngươi cứ lo làm đi là được, lo ta gấp hay không à!” Tạ Hoàn Hồi nóng nảy hất mặt, tặng cho chàng một ánh mắt dữ tợn rồi đập bàn mắng: “Tiền đặt cọc ngươi nhận rồi, còn lắm mồm như thế làm gì….”
Trần Yên xấu hổ ngậm miệng.
“Nhân lúc này y quán đang rảnh rang, mau về nhà thu dọn đi! Thước đo dụng cụ mang qua đây đo đạc cho kỹ!” Tạ Hoàn Hồi như bận rộn lắm, hắn nhíu mày phẩy tay đuổi chàng. Được một lát, lại gọi chàng lại: “Cần mấy thứ gỗ Sưa, gỗ Tử Đàn, gỗ Xạ Hương[2] gì đó thì cứ nói với ta, đợi lát nữa ta viết giấy giúp ngươi, xong rồi thì mang đến hàng gỗ đặt hàng đi!”
Trần Yên hơi ngẩn ra, nghe Tạ Hoàn Hồi nói muốn viết hộ mình, chàng biết hắn thông cảm mình viết chữ không tiện, trong lòng bất giác ấm lên, vội vàng đáp tiếng, sau đó trở về nhà bên lấy dụng cụ đo.
Chẳng bao lâu chàng đã mang đồ qua, lúc đứng góc đại môn, thoáng thấy vị đại phu nọ đang nằm sấp trên quầy hàng, không nghiền thuốc, cũng chẳng cân đong, không rõ đang làm gì. Chàng thấy hơi tò mò, liền chậm chạp bước vào núp bên cửa, áp sát tường, lặng lẽ nhìn vào trong.
Tạ Hoàn Hồi đang đờ ra trước nghiên đá nhà hắn.
Lát sau, hắn xắn tay mài ra nửa nghiên mực, nhấc bút lông, nhưng lại lấy tay trái cầm bút, cùi chỏ hắn chậm rãi di chuyển trên mặt giấy, hắn viết vài chữ, tức thì cau chặt lông mày, sau đó hắn chuyển bút sang tay phải, phác vài nét, sau đó lại đổi sang tay trái, cứ thế lặp đi lặp lại nhiều lần.
Cũng không biết đã đổi tay bao nhiêu lần nhưng vẻ mặt Tạ Hoàn Hồi càng lúc càng nóng nảy, hắn viết chẳng đến mấy khắc nhưng cơn tức giận đã bắt đầu trồi dậy, cắn răng, hắn giận dữ nắm chặt cây bút bằng tay trái, không đổi nữa, chỉ cố gắng vung vẩy múa bút, uyển chuyển lướt trên giấy. Làm xong, hắn ném bút lên bàn, vẻ mặt tái mét, hắn đứng sau bàn gỗ, bộ dáng chán nản không thôi.
Trần Yên bối rối nhìn hồi lâu, nhất thời không biết nên nói gì. Ngay lúc trông thấy Tạ Hoàn Hồi dùng tay trái viết chữ, yết hầu chàng như đâm phải vật cứng ngắc, trái tim đập loạn, hai má căng lên. Chàng cúi đầu, cố ý giậm mạnh chân, để tiếng động phát ra bên ngưỡng cửa, bước vào nhà.
Tạ Hoàn Hồi bất chợt thấy chàng đi vào, vội vàng đẩy tờ giấy trước mặt vào trong góc rồi lấy một xấp giấy khác đè lên, ánh mắt hắn lẩn tránh Trần Yên, cũng không nhìn lại trang giấy đó nữa.
Trần Yên chần chứ giây lát rồi ngước nhìn tủ gỗ nói: “Tôi mang thước đo đến rồi đây, giờ phải có đồ kê mới với tới nóc tủ”.
“Chờ đấy”. Tạ Hoàn Hồi đảo mắt khắp phòng nhưng không thấy cái nào phù hợp, hắn liền quay người vào trong buồng tìm kiếm.
Thấy hắn vào phòng rồi, dường như đi thẳng vào đầu nhà bên kia, một lát không còn nghe thấy tiếng động gì nữa, Trần Yên lặng lẽ nhìn rèm trúc ngăn phòng rồi đặt đồ trên tay xuống, nhẹ nhàng đi tới bên tủ, khẽ khàng rút trang giấy nọ dưới đáy tập giấy ra, chăm chú nhìn. Chàng ngây người.
Trang giấy chia làm hai bên. Bên Trái viết một hàng chữ “Tả” xiêu vẹo, bên phải lại viết một hàng chữ “Hữu” chỉnh tề ngay ngắn.
Nhìn ra được phía bên trái cố gắng mô phỏng nét bút bên phải, tuy thế nhưng thua kém thấy rõ, đến cuối cùng trên trang giấy không còn viết hai chữ “Tả”, “Hữu” nữa mà dùng tay trái viết một chữ “Xấu”, rồi lại một chữ “Xấu”, rồi thêm một chứ “Xấu” nữa, nửa trang giấy to dày đặc chữ “Xấu” kết thành một mặt giấy kín, lem nhem mực tàu như đang bị trút giận. Cuối trang còn có hẳn vẻ một bộ mặt quỷ sứ đang nhe răng múa vuốt, đại để biểu thị cho cơn giận.
Trần Yên động đậy khóe miệng, suýt chút nữa thì bật cười
Ngay thời khắc nước sôi lửa bỏng đó, vị đại phu nọ đã sắp trở ra, bước chân gần như đã tới sau rèm cửa. Chàng vội vàng đè xấp giấy lại, bày ra, trải phẳng.
Tạ Hoàn Hồi đúng lúc vén rèm đi ra, tay hắn cầm một chiếc ghế đẩu chắc chắn, hắn đặt nó trước tủ, đang định nói: “Dùng cái này đi”, chợt ngước mắt thấy bờ môi đã nhếch nửa của Trần Yên, tựa như đang chịu đựng cái gì đó khổ sở lắm, mặt quay đi không dám nhìn hắn.
“Ngươi sao vậy?”. Đại phu nhăn mày, quét chàng một lần từ trên xuống dưới. Không ngờ hắn vừa nói xong, Trần Yên chợt ho lên mấy tiếng, nửa bên mặt đã đỏ bừng, chàng vừa ho vừa gắng gượng dời mắt về bức tường, tựa như thứ vôi trắng ấy cũng có thể biến ra thành năm màu bảy sắc vậy. Tạ Hoàn Hồi nổi giận: “Trời nắng nóng, không gió không cát, ngươi ho cái gì! … Mà ngươi nhìn tường làm gì, ngươi nhìn nó thì nó nở được hoa chắc?”
Trần Yên gắng gượng nhịn cười, ấn xuống khóe môi đã bất giác cong lên, cổ họng run rẩy không thôi. Chàng cuống quít xua tay với Tạ Hoàn Hồi, cúi đầu nhìn chằm chằm cái ghế: “Không có, không có. Tôi, khụ, tôi đi đo tủ đây”.
“Kỳ kỳ quái quái!” Tạ Hoàn Hồi miệng còn mắng nhiếc, bực bội giũ một mớ thuốc đã gói xong trên tủ ra, lưu loạt gom lại, vun bên bàn.
Mới làm quen tay, sau lưng lại vang lên tiếng cười.
Huyệt thái dương hắn đập mạnh, vậy là hắn dứt khoát quẳng luôn thuốc qua một bên rồi một mực quay người, hai tay chống hông, ánh mắt bừng giận nhìn kẻ cứ rấm rích cười bò trước tủ gỗ kia. Hắn lạnh lùng mỉa mai: “Trần sư phụ, ngài đo tủ hóa ra cũng vui vẻ như vậy? Ngài xem ngài thích chưa kìa…”
Trần Yên lặng lẽ ho một tiếng, chậm rãi đáp: “Cái tủ này thú vị lắm. Bên ngoài sắc sơn lạnh lùng, tưởng như rất đáng sợ, nhưng mở ngăn kéo ra mới biết chất gỗ tinh tế, lại có mấy phần đáng yêu”.
Cái thứ vớ vẩn gì vậy. Tạ Hoàn Hồi khó hiểu liếc chàng, hừ một tiếng rất ư lạnh lùng rồi thì không thèm để ý đến chàng nữa, hắn quay ra lo chuyện của mình. Trần Yên vẫn vừa cười thầm vừa tiếp tục đo đạc tủ gỗ. Nhưng chưa qua một chung trà, đại phu nọ chợt dừng tay, đôi lông mày dần cau lại, quay đầu nhìn chàng hồi lâu, rồi hỏi một câu: “Này, thứ ngươi vừa nói… thật là cái tủ sao?”
Trần Yên khẽ cười: “Đúng thật là cái tủ”.
—-
Người sống trong ngõ Nam Kha những lúc trà dư tửu hậu có một thói quen là … xem mụ Thập đầu ngõ bẻ ngón tay. Bẻ một cái là có chuyện kỳ lạ xảy ra.
Ngày đó, mụ Thập há mồm ngáp một cái, tay bắt con chấy giơ ra trước mặt rồi cư nhiên bẻ một phát những hai ngón tay. Dân cư thổn thức xong, đều vỗ tay tán tụng tuyệt cú. Bởi vì trong ngõ quả thật có hai chuyện kỳ.
Chuyện đầu tiên là, Tạ đại phu của Hồi Xuân thảo đường thế mà lại đến thăm nhà gã thợ mộc tàn tật cách vách.
Chuyện thứ hai là, Tạ đại phu thế mà lại đến thăm không chỉ một lần.
Bà con trong ngõ trắng trợn bàn tán. Rảnh rang liền mồm miệng không dứt, đều do họ tự suy diễn mà ra nên không khỏi thêm mắm dặm muối đôi ba điều, người ta nói vị Trần sư phụ nọ tính tình kiệm lời, mà Tạ đại phu vừa khéo lại là người một ngày không mắng ai liền không yên thân, may thay gặp đúng người không biết đường mắng trả, đúng với ý ngài ta. Quả thật là một người nguyện đánh một người nguyện đòn.
Lại nghe phong phanh được chuyện Trần thợ mộc nhận mối làm ăn của Tạ đại phu, bà con càng được hồi cảm khái, đoán rằng chuyến đến nhà bái phỏng này chắc là để thám thính tình hình. Mua nhà nào không chọn lựa. Nếu có chỗ không bằng lòng, Tạ đại phu phỏng chừng sẽ mắng cho đẫy ngày. Vị Trần sư phụ kia cũng đáng thương thật.
Lời truyền ngôn này đúng một nửa mà sai cũng một nửa. Đúng chính là Tạ đại phu quả thật khoái mắng người, sai thì là hắn đến nhà Trần thợ mộc vì một lẽ khác.
—-
Kỳ thực, chuyện Tạ Hoàn Hồi yêu thích nhất khi ở nhà chàng không phải là mắng người, mà là đạp dăm bào.
Sang thu, chân vẫn mang guốc Hải Đường[3] của những ngày đầu hè, vén nửa đoạn áo lên rồi mạnh dạn đạp xuống, dăm bào dưới chân chốc thì gãy vụn, vâng lên những tiếc “soạt soạt” giòn giã vui tai.
Trần Yên nhìn thấy mà nửa bất lực nửa cười xòa. Có những khi, vị đại phu nọ tính tình hệt như một tên nhóc. Mỗi lần đạp lên dăm bào trong sân, đợi khi tiếng vang lắng xuống, Tạ Hoàn Hồi đều đoan trang khom người, vân vê vụn bào, bộ dáng cực kỳ nghiêm túc nói: “…. Mấy cái này đạp vụn rồi, mang đi đốt lò thuốc được đấy”.
“Ngài thích thì cứ lấy mà dùng”. Chàng nghe Tạ Hoàn Hồi nói vậy thì vội vàng tiếp lời. Chàng nợ ơn người ta há đâu chỉ một lần, từng món nợ một đều phải báo đáp nên chút dăm bào đó có là gì.
Tạ Hoàn Hồi không trả lời, hắn quả thật cầm một cái ki nhỏ hốt hết toàn bộ dăm bào trong sân.
Nhưng hắn dọn đám mạt gỗ này chưa tới hai ngày, giữa trưa, Trần Yên đang tạm dừng công việc nghỉ ngơi, hắn chợt bưng một thực hạp bằng gỗ Trẩu[4]đến, đặt trước mặt Trần Yên rồi hời hợt nói: “Đã dùng dăm bào nhà ngươi đốt lò thì cũng phải để cho ngươi một phần… Ăn đi”.
Trần Yên ngẩn người. Mở nắp hạp sơn đỏ ra, một luồng hơi nóng tỏa ra mùi thơm nức mũi, mấy miếng bánh ngọt[5] nặn trông ngốc nghếch bị đáng thương xếp xuống đáy hộp, màu sắc trắng mịn giòn xốp thọt lỏm trong hộp sơn đen trông như một bầy cừu non sống động. Tạ Hoàn Hồi bị chàng đở ra nhìn thì mặt mũi sầm lại, “Bộp” một tiếng, hắn đập ống đũa lên mặt bàn, giận dữ trừng mắt với chàng rồi bỏ đi đạp dăm bào. Chàng cúi đầu, vũng nước đọng trong lòng dập dờn lay động, bất giác chàng lặng lẽ mỉm cười, tay gắp lên một miếng bánh mới hấp bỏ vào miệng.
Cắn miếng đầu, chàng bỗng dừng lại.
Bột mỳ dùng làm vỏ bánh không có vị thường thấy, mà tựa như được rưới qua bằng nước cam thảo rồi cho thêm mật ong, chẳng là để lấp đi vị đắng trong nhân bánh. Nhưng chàng vẫn nếm ra được vài phần vị thuốc.
Đũa trong tay chàng khẽ run.
Trần Yên ngừng lại hồi lâu, bên tai vẫn vang lên tiếng đạp dăm bào, “rộp rộp” vui tai, lòng chàng như bị ai đó giấu vào trong bào gỗ, từng tiếng vang lên là từng nhịp tim đang giục giã. Chàng hạ mắt, bờ môi lướt nhẹ trên miếng bánh, cứ thế chàng đã ăn hết sạch.
Tạ Hoàn Hồi vẫn đang quét dọn dăm bào mới đạp, thấy chàng đã ăn sạch sẽ, liền nhanh nhẹn thu hết hộp cơm ống đũa lại gọn gàng, hắn cũng không hỏi chàng ăn có ngon không, thu dọn xong liền trở về y quán. Từ đó về sau, mỗi lần Trần Yên nghỉ ngơi, hoặc giữa trưa, hoặc sẩm tối, Tạ Hoàn Hồi đều mang vài món qua cho chàng ăn, có bánh dày gói lá trúc[6], bánh canh[7] chế thêm nước táo và sữa dê, có lúc hắn còn bưng đến bát cháo mạch nha[8] thơm nức nóng hôi hổi, đồ ăn được trộn với thuốc thang, mang đến chỗ Trần Yên, uy hiếp chàng không được phép bỏ thừa, mất công hắn phải dọn lại.
Tay nghề của Tạ Hoàn Hồi không phải quá tốt. Có những khi bột nhào không đủ nóng, nhào bột lại sơ sài, luôn làm ra những món trông méo mó, ngố tàu, béo múp, có vài cái dính thành một nhúm, màu sắc kỳ quái cũng là chuyện thường thấy khiến Trần Yên thiếu chút thì bật cười. Nhưng chàng bưng trong tay lại không nỡ lòng ăn vào bụng, nửa ngày mới ăn hết.
Mỗi ngày chàng bào gỗ, đánh bóng, thường giữ lại cho Tạ Hoàn Hồi một đống dăm bào, để hắn đạp sướng chân. Chàng vừa ăn, người nọ vừa đạp. Hạ qua thu tới. Chàng dần dần ăn càng chậm lại, Tạ Hoàn Hồi cũng dường như ngày càng đạp chậm hơn, hai người cách nhau nửa sân vườn, ngươi một câu, ta một câu, từ tốn trò chuyện.
Rõ ràng thuốc thật đắng nhưng biết bao lần chàng muốn hỏi, bên trong có phải đã được rót mật hay không.
Có cho mật hay không chàng không biết, nhưng thuốc cho vào chàng lại rõ mồn một. Người nọ da mỏng, chàng vẫn không nói trắng ra.
Bỗng một chiều hoàng hôn bóng tà, chàng chợt níu lại hộp cơm sơn đỏ mà Tạ Hoàn Hồi đang định nhấc lên, ấn nó trở lại mặt bàn, nghiêm túc nhìn vào đôi mắt hắn: “Đại phu, tủ thuốc là tôi làm thuê cho ngài, đống dăm bào đó đương nhiên cũng là của ngài rồi. Tôi cũng không thể tiếp tục ăn không điểm tâm ngài làm được nữa.”
Ánh mắt Tạ Hoàn Hồi khẽ đổi, tựa như không ngờ tới chuyện này.
Thái độ của Trần Yên cũng cứng rắn như động tác của chàng vậy. Vị đại phu nọ đành tránh mắt ra một chút, vẻ mặt hắn được bóng chiều dương dát lên một lớp vàng mỏng manh, trông không rõ thần tình, rất lâu sau, chàng chỉ thấy bờ môi hắn chợt động: “….Đã thế, ta thuê thêm ngươi làm một việc, thù lao bằng chút điểm tâm này được rồi. Nói trước, ta không trả bằng tiền”.
Tiền công chàng nhất định không nhận: “Ngài muốn làm thêm đồ gỗ khác ngoài tủ?”
“Ta không cần đồ gỗ”. Tạ Hoàn Hồi nhàn nhạt nhìn hắn, trầm giọng nói: “Ta cần một cái siêu thuốc sống”.
… Siêu thuốc sống. Dùng người sống thử thuốc.
Trần Yên còn đang mù mờ, một khắc sau, trái tim chàng chợt nhảy lên như hoàng đàn gõ trống Hạt[9], “Thịch” một tiếng thật vang, giống như có người ở trong não chàng tát chàng một cái vang dội vô cùng. Chàng bị tát đến mức hai tai ông ông, cả người cũng bừng tỉnh.
Ba chữ ngày nhẹ như con gió thổi, đẩy dong thuyền nước, thuận lí thành chương. Chàng rốt cuộc đoán ra ý tứ của Tạ Hoàn Hồi.
Trần Yên không thốt thêm được lời nào nữa.
Cái gọi là “Siêu thuốc sống”, bất quá chỉ là cách mượn lời “đổi thang mà không đổi thuốc” mà thôi, tuy vậy thang này còn được sắc đến mức lẽ thẳng khí hùng. Đã làm khó cho Tạ Hoàn Hồi rồi, dù rẽ ngang rẽ dọc, hắn vẫn đưa ra được một lí do quang minh chính đại đến vậy. Thật là danh chính ngôn thuận. Chàng cười khổ, vậy mà lại không thể không tiếp tục giả vờ, cùng hắn hí tiếp một đoạn kịch này.
—–
Chủ nhà có lời muốn nói:
Tớ đang rầu rĩ lắm ~T_T~
Sự thật là tớ mới dịch truyện không lâu nên trình độ vừa gà vừa kém. Lúc mới bắt đầu dịch văn hiện đại tớ còn cảm thấy tạm chấp nhận được. Nhưng khi dịch văn cổ trang, tớ thấy khó khăn cực kỳ. Không thể nào dịch cho ra câu hoàn chỉnh, câu văn thì lủng củng ngớ ngẩn. Mỗi lần đọc lại chương đã làm xong lại thấy khó nuốt. Đến nỗi tớ chẳng muốn đọc lại nữa OTL…
Tóm lại tớ thực sự là một con gà…
Thế nên nếu các bạn đọc mà cảm thấy ngứa mắt ở đâu, hãy góp ý cho tớ nhé. Tớ sẽ cố gắng để chỉnh sửa cho tốt nhất. #^_^#
Ngoài ra, bộ này 3 chương đầu tớ dùng bản trên Baidu, các chương sau dùng bản trên Tấn Giang nên nếu bạn nào đã đọc raw từ trước thì đừng ngạc nhiên nhé (*¯︶¯*)
—-
Chú thích:
[1] Cây sưa: là cây gỗ nhỡ, rụng lá theo mùa, cao từ 6-12m (cũng có thể cao tới 15m), sinh trưởng trung bình. Thân cây dạng hợp trục, dáng phân tán. Vỏ thân cây màu vàng nâu hay xám, nứt dọc. Cành non màu xanh, có lông mịn thưa. Lá mọc cách, cấu tạo lá dạng kép lông chim lẻ, mỗi là kép có từ 9-17 lá chét đính so-le trên cuống chính.
Gỗ Sưa cho mùi thơm quyến rũ thoảng nhẹ kiểu hương trầm. Thời phong kiến vua chúa dùng gỗ trắc thối để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa là hương liệu vừa là dược liệu.(wiki)
[2] Gỗ sưa
Gỗ Tử Đàn
Gỗ Xạ Hương
[3] Guốc làm bằng gỗ Hải Đường, hay gỗ cây lê.
[4] Thực hạp: Hộp khay đựng thức ăn
[5] Bánh ngọt: Nguyên văn: 粉糕: Bánh chỉ chung làm từ bộp nếp.
[6] Nguyên văn 箬叶包的青玉糍粑
[7] Nguyên là 汤饼. Bánh canh là cách gọi cũ của mỳ thời Trung Quốc xưa.
[8] Nguyên văn 醴酪粥: là loại cháo mạch hạnh nhận cho thêm đường mạch nha. Cho đến thời Tùy Đường, đây vẫn là món ăn chủ yếu trong lễ Hàn Thực của người Trung Quốc.
[9] Trống Hạt: Một loại nhạc cụ có xuất xứ từ dân tộc thiểu số TQ, có người nói rằng nó bắt đầu từ dân tộc Hạt (biệt chỉ Hung Nô thời xưa), nên mới gọi là Trống Hạt. Hai mặt trống được bọc bằng da cừu đực, ở giữa thon nhỏ.