Sau hai lần xuất thủ khắc chế những vị kỳ thủ tiếng tăm lừng lẫy của võ lâm, tiếng tăm của Lệnh Thế Kiệt bỗng chốc trở thành đề tài trên đầu môi chót lưỡi của mọi người. Trên giang hồ cả hắc đạo lẫn bạch đạo đều nhắc đến Thế Kiệt như một Kiếm Vương đã tái sinh trở lại. Và tất nhiên, chuyện họ kháo với nhau nhiều nhất chính là cuộc truy tầm những pho tượng kim thân La Hán của chàng. Vô hình trung cái danh Quỷ Kiếm Khách được thiên hạ gắn cho Thế Kiệt không biết từ lúc nào mà giờ đây nó đã trở thành một cái tên vang dội khắp võ lâm Trung Nguyên.
Bóng trăng lưỡi liềm chênh chếch, hất vầng sáng vàng nhàn nhạt xuống đỉnh Tung Sơn, phủ lên tòa cổ tự Thiếu Lâm một không gian tĩnh mịch êm ả. Trong không gian đó, tòa cổ tự Thiếu Lâm quả là chốn thâm nghiêm, vừa cổ kính vừa uy nghi và hoang vắng. Bất chợt sự im lặng uy nghi đó bỗng chốc bị phá vỡ bởi những tiếng khánh chuông thúc giục rộn rã vì một sự biến nào đó vừa mới xảy ra trong khuôn viên Thiếu Lâm cổ tự.
Như đã có sự chuẩn bị từ trước, năm mươi vị hộ tăng với võ phục gọn gàng, tay cầm trường côn từ trong Đại Hồng Bảo Điện ào ào lướt ra.
Tàn Hồn Ma Đao Nguyên Thiên Phục đứng trước thềm Bảo Hồng Đại Điện. Dung diện của y rất trang trọng và khẩn trương. Những vị võ tăng hộ đường đứng thành hình cánh cung án ngữ trước mặt Tàn Hồn Ma Đao Nguyên Thiên Phục.
Từ trong Đại Hồng Bảo Điện, Huệ Giác đại sư cùng bốn vị thiền sư bước ra. Huệ Giác đi trước, bốn người kia đi phía sau, nhưng chỉ lướt mặt nhìn qua phong thái của họ có thể đoán đó là những cao thủ hộ đường của cổ tự Thiếu Lâm.
Huệ Giác đại sư dừng bộ trước hàng cao thủ hộ tăng rồi ôm quyền xá Nguyên Thiên Phục:
- Thí chủ quá vãng Thiếu Lâm cổ tự trong đêm hôm khuya như thế này chắc có chuyện hệ trọng?
Nguyên Thiên Phục chìa ngọn Tàn Hồn Ma Đao có quấn vải lụa đỏ đến trước:
- Đại sư nhận ra vật gì trên tay tại hạ chứ?
Huệ Giác đại sư nhìn cây ma đao. Đôi chân mày bạc phếch của vị cao tăng thoạt nhíu hẳn lại. Lão tăng nghĩ ngợi một lúc rồi ngập ngừng nói:
- Tàn Hồn Ma Đao.
Lão ngẩng lên nhìn Thiên Phục:
- Chẳng lẽ thí chủ là Nguyên Thiên Phục?
- Đã lâu rồi tại hạ không quá vãng cổ tự Thiếu Lâm.
Huệ Giác đại sư như nhận ra kẻ đứng trước mặt mình là ai, liền ôm quyền xá:
- Nguyên Thiên Phục thí chủ.
Lão tăng Thiếu Lâm hứng khởi hẳn lên, quay lại nói với năm mươi vị cao thủ hộ tăng:
- Chư tăng có thể lui được rồi.
Năm mươi vị cao thủ hộ tăng đồng loạt rút vào Đại Hồng Bảo Điện, chẳng mấy chốc trả lại cho không gian Thiếu Lâm sự trang nhã uy nghi lúc ban đầu.
Huệ Giác đại sư mời Nguyên Thiên Phục vào trong gian cốc liêu dựng sau tòa Đại Hồng Bảo Điện. Hai người vừa yên vị thì một vị sãi nhỏ bưng trà đến hầu.
Phương trượng đại sư rót trà vào hai cái chén:
- Lão nạp mời thí chủ!
- Đa tạ đại sư.
Y nhấp một ngụm trà rồi đặt chén xuống.
Huệ Giác đại sư nhìn Thiên Phục hỏi:
- Nguyên thí chủ đến Thiếu Lâm là vì hai pho kim thân La Hán?
Nguyên Thiên Phục gật đầu:
- Thiếu Lâm cũng vì hai pho kim thân La Hán đó mà canh giới nghiêm mật như vậy chăng?
- A di đà phật! Không giấu gì thí chủ. Trên giang hồ vừa mới xuất hiện Quỷ Kiếm Khách và người này đang tiến hành truy nguyên mười hai pho kim thân La Hán. Nhất định y sẽ đến tòa cổ tự để lấy hai pho tượng của Thiếu Lâm.
Huệ Giác đại sư lắc đầu:
- Lão nạp nghe đâu kiếm thuật của người này đã đạt đến cảnh giới siêu hóa, giết người trong chớp mắt và vô cùng tàn nhẫn. Y đã khắc chế Khoái Kiếm Giang Mão và cả Đông Độc Âu Dung Thừa, nên buộc phải cảnh giới nghiêm mật như vậy.
- Nếu y đến Thiếu Lâm, đại sư sẽ đối phó ra sao?
Huệ Giác đại sư lưỡng lự:
- A di đà phật! Lão nạp cũng chưa biết đối phó như thế nào. Nhưng để bảo vệ hai pho tượng kim thân La Hán thì Thiếu Lâm không nệ gian khổ, nguy hiểm.
Thiên Phục bưng chén trà.
Y nhìn chăm chăm vào chén trà như ngỡ đâu trong chén trà có thứ gì đó. Huệ Giác đại sư hỏi:
- Thí chủ đến Thiếu Lâm lần này để hỗ trợ lão nạp?
Thiên Phục nhấp một ngụm trà rồi ngẩng mặt lên nhìn:
- Tại hạ chẳng giúp gì được cho đại sư.
- Thế thí chủ từ phương xa đến Thiếu Lâm chỉ để viếng cảnh cổ tự thôi à?
Thiên Phục lắc đầu:
- Không biết đại sư còn nhớ chuyện cũ không?
Huệ Giác đại sư buông một tiếng thở dài rồi gật đầu:
- A di đà phật! Lão không thể nào quên chuyện ngày đó. Ngày đó nếu không có thí chủ ra tay thì lão nạp đã không thể minh oan được với các chư tăng Thiếu Lâm, để bây giờ đảm trách chức vị phương trượng trụ trì.
Thiên Phục đặt chén trà xuống bàn:
- Vì sao đại sư lại bị Oan?
- A di đà phật! ...
Huệ Giác thở dài nói:
- Chỉ vì háo danh mà sư đệ đánh cắp Ngọc Trượng, rồi đổ tội lên đầu lão nạp. Khốn khổ lúc bấy giờ lão nạp quá nặng tình sư môn, nghĩ nghĩa đồng liêu nên suýt bị các chư tăng hiểu lầm.
Thiên Phục nhếch môi.
Huệ Giác nhìn Thiên Phục nói tiếp:
- Nếu không có thí chủ ra tay thì giờ đây gã sư đệ của lão nạp đã đường đường là phương trượng Thiếu Lâm, còn lão nạp thì sớm về chầu phật tổ bên Thiên Trúc.
Thiên Phục nhếch môi nhìn Huệ Giác đại sư:
- Qua chuyện đó, đại sư có suy nghĩ gì không?
- Thiền trượng là báu vật cũng là uy quyền của Thiếu Lâm, những thứ đó rất dễ khiến lòng tham của con người trỗi dậy mà quên bẵng nhân nghĩa.
- Đa tạ đại sư đã chỉ giáo. Nếu như bây giờ tại hạ nói hai pho kim thân La Hán kia cũng là thứ báu vật lụy phiền thì đại sư sẽ tính như thế nào?
Huệ Giác đại sư cau mày:
- Thiên Phục thí chủ hỏi lão nạp câu đó có dụng ý gì không?
Thiên Phục gật đầu:
- Có.
- A di đà phật! ... Lão nạp mong được thí chủ chỉ giáo cho cách xử thế đối với hai pho kim thân La Hán.
Thiên Phục bưng chén trà nhấp một ngụm nhỏ rồi đặt xuống bàn. Y nhìn Huệ Giác nói:
- Quỷ Kiếm Khách Lệnh Thế Kiệt sẽ đến đây để thu hồi hai pho tượng kim thân La Hán, nếu như lão đại sư vì báu vật hơn vì tòa cổ tự uy nghi này thì nhất định máu sẽ loang đỏ Đại Hồng Bảo Điện và cả Tung Sơn. Tại hạ quả là không muốn máu nhuộm Tung Sơn Thiếu Lâm Tự.
- A di đà phật! Thiện tai... thiện tai. Lão nạp vô cùng cảm kích tâm ý thiện tâm của thí chủ. Thiếu Lâm đã nợ thí chủ quá nhiều, biết lấy gì để đền đáp.
Thiên Phục khoát tay:
- Xin lão đại sư đừng khách sáo.
Y thở ra nói tiếp:
- Đại sư xem trọng Thiếu Lâm tự hơn hai pho kim thân La Hán chứ?
- A di đà phật! Thí chủ không nói ra, lão nạp khó có thể suy xét xem cái nào trọng hơn.
Nhưng bây giờ đã được thí chủ gợi ý tất nhiên lão nạp phải đặt Thiếu Lâm lên trên hai pho kim thân La Hán rồi.
Thiên Phục mỉm cười. Lần đầu tiên dung diện Nguyên Thiên Phục mất đi cái vẻ lạnh nhạt, băng giá của một người vô tâm vô tình. Y bưng chén trà uống cạn rồi từ tốn đứng lên.
Huệ Giác đại sư thấy Thiên Phục đứng lên, liền hỏi:
- Nguyên thí chủ định đi ngay à?
- Những gì tại hạ muốn nói đã nói hết với đại sư rồi. Giờ thì phải cáo biệt đại sư.
Thiên Phục ôm quyền:
- Tại hạ mong có cơ hội sẽ quay trở lại tòa Thiếu Lâm cổ tự để cùng được đại sư đàm đạo và chỉ giáo.
- A di đà phật! Thí chủ khách sáo quá. Lão nạp được thí chủ chỉ giáo thì đúng hơn.
- Hy vọng Thiếu Lâm Tung Sơn vẫn mãi mãi là chốn bình yên của võ lâm.
Xá Giác Huệ đại sư, Thiên Phục nói:
- Cáo từ.
- A di đà phật! Lão nạp sẽ tiễn thí chủ.
- Đa tạ đại sư. Tại hạ tự dấn thân đến thì tự dấn thân đi, không dám làm phiền đến bậc cao tăng.
- A di đà phật! Nếu có cơ hội lão nạp thỉnh mời thí chủ đến Thiếu Lâm tọa đàm một vài hôm.
- Thế nào tại hạ cũng sẽ quay trở lại Thiếu Lâm để tọa đàm với bậc cao tăng hiền sĩ.
Thiên Phục nói xong trở bộ bước ra ngoài tiểu xá. Y nhìn lên vầng trăng khuyết buông một tiếng thở ra rồi mới dụng khinh thuật thượng thừa thoát đi.
Huệ Giác đại sư nhìn theo Thiên Phục. Một lúc sau lão tăng Thiếu Lâm ngẩng mặt nhìn tòa Đại Hồng Bảo Điện. Những gì Thiên Phục nói giờ đây lão mới nghiệm ra cái lẽ của một người biết xử thế.
Huệ Giác đại sư chắp tay sau lưng thả bước lên tòa Đại Hồng Bảo Điện.
Một lúc sau tiếng đại hồng chung nổi lên ba hồi, vang xa lồng lộng trong không gian tĩnh lặng của tòa Tung Sơn.
Huệ Giác đại sư ngồi trên bồ đoàn ngay chính diện Đại Hồng Bảo Điện. Hai bên lão tăng là bốn vị bồ tát hộ đường tam bảo là Chánh Tịnh đại sư, Chánh Giác đại sư, Chánh Ngã đại sư và Chánh Tâm đại sư. Dọc theo hai bên Đại Hồng Bảo Điện là hai hàng tăng nhân với vẻ mặt thâm trầm đang chờ nghe chỉ huấn của phương trượng Huệ Giác.
Huệ Giác đại sư trang trọng nói:
- Phật tổ có dạy tất cả mọi sự vật trên thế gian này đều vô thường, chỉ đưa con người lẩn quẩn trong vòng luân hồi. Chính sự vô thường đó làm ra sự Oan trái mà muốn giải thoát thì phải biết nghiệm ra cái đạo mà Phật tổ đã dạy để có thể siêu thoát đến cõi niết bàn tránh được vòng luân hồi khổ lụy.
Huệ Giác ngưng lời.
Tất cả chư tăng đồng loạt xướng lên:
- A di đà phật!
Chờ cho tiếng xướng của các chư tăng hoàn toàn im lặng, Huệ Giác mới trang trọng nói tiếp:
- Chính vì lẽ đạo mà Phật tổ đã dạy, hôm nay lão nạp cho vời tất cả các chư tăng đến đây để trịnh trọng nói với các người. Kể từ hôm nay chúng ta là những tăng nhân thoát vòng tục lụy, nên tất cả những vật báu trên đời này đều là vô thường. Ai cần thì cứ cho, kể cả cái mạng của lão nạp.
- A di đà phật!
Huệ Giác nhìn lướt qua một lượt tất cả những tăng nhân đang có mặt tại Đại Hồng Bảo Điện:
- A di đà phật! Các vị huynh đệ không cần thiết phải ngày đêm cực nhọc canh gác, mà bây giờ hãy chuyên tâm vào giới hạnh của một tu sĩ tìm lẽ đạo nơi chốn niết bàn. Những lời lão nạp nói ra là tâm huyết, mong các vị theo đó mà hành xử.
Huệ Giác vừa dứt lời thì tất cả những chư tăng hộ đường đồng loạt xướng lên:
- A di đà phật...
Tiếng xướng của các vị tăng nhân còn đọng lại trong tòa Đại Hồng Bảo Điện thì một giọng nói trong trẻo cất lên. Giọng nói thật trong của nữ nhân nhưng âm vực lại có uy lực lấn áp tiếng xướng âm của các vị hộ tăng Thiếu Lâm.
Ai lại có nội lực thâm hậu kỳ tuyệt như vậy? Người đó chẳng ai khác mà chính là chủ nhân Ma Cung Tiêu Thái Ngọc. Vẫn với dáng vẻ của một kiều nữ giai nhân trong bộ xiêm y bằng lụa mỏng tanh, có thể thấy được tất cả những đường nét mà tạo hóa đã ban tặng riêng cho nàng.
Tiêu Thái Ngọc từ ngoài cửa Đại Hồng Bảo Điện bước vào, cũng với những bước đi uyển chuyển như vũ công đang biểu diễn khúc Nghê Thường. Nàng vừa xuất hiện vừa nói:
- Đại sư nói rất hay, rất đúng. Đã là những bậc thiền tu, để thoát vòng tục lụy thì đâu cần tranh danh đoạt lợi như lũ người phàm tục chốn giang hồ.
Thấy Tiêu Thái Ngọc thong dong bước vào, tứ vị hộ tăng Bồ Tát toan đứng lên nhưng Huệ Giác đại sư đã kịp ngăn họ lại. Lão tăng tay lần xâu bồ đề, mắt hướng về phía Tiêu Thái Ngọc, nhưng rồi ánh mắt của vị cao tăng nhanh chóng cụp xuống bởi nhận ra trang phục của vị chủ nhân Ma Cung quá mỏng.
Huệ Giác đại sư buột miệng niệm phật hiệu:
- A di đà phật!
Tiêu Thái Ngọc thả những gót sen bước đến đối mặt với vị cao tăng Thiếu Lâm. Nàng trịnh trọng ôm quyền xá Huệ Giác đại sư và tứ vị Bồ Tát rồi ôn nhu nói:
- Nghe những lời tâm huyết của đại sư, tôi vô cùng cảm kích và khâm phục. Nếu đúng như những gì mà đại sư đã phán truyền thì Thiếu Lâm đúng là vì sao Bắc Đẩu của võ lâm Trung Nguyên.
Đại sư Huệ Giác không nhìn lên mà đáp lời nàng:
- A di đà phật! Nữ thí chủ đừng quá khách sáo như vậy. Nữ thí chủ cứ nói ra mục đích đến Thiếu Lâm tự lần này.
- Đại sư đã thẳng thắn thì Thái Ngọc này cũng chẳng nên giấu mục đích đến Thiếu Lâm lần này nữa.
Nàng chấp tay sau lưng. Tư thế của nàng đúng thật là khêu gợi, buộc đại sư Huệ Giác phải cau mày.
Thái Ngọc như đọc được ý niệm trong tâm tưởng vị cao tăng Thiếu Lâm, miệng khẽ điểm một nụ cười mỉm rồi nói:
- Tôi đến Thiếu Lâm lần này để thỉnh nhờ các vị cao tăng tạm cho mượn hai pho kim thân La Hán.
- Thí chủ không nói ra nhưng bần tăng cũng có thể đoán được.
- Đại sư đã đoán được ý của Thái Ngọc này, vậy mạn phép hỏi đại sư có thể cho mượn được hay không? Hay những lời nói vừa rồi của bậc cao tăng Thiếu Lâm ví như gió thoảng mây bay?
- A di đà phật! Nữ thí chủ sao lại nghĩ như vậy chứ? Những gì lão nạp đã nói thì phải giữ đại ngôn, đó là giáo điều của nhà Phật.
Thái Ngọc nghe xong lời nói của Huệ Giác đại sư, liền ôm quyền xá một cái:
- Thái Ngọc này thật hồ đồ, lời nói tùy tiện, mong đại sư miễn thứ.
- A di đà phật! Phật môn không nệ trách những tiểu tiết của chúng sinh.
- Thái Ngọc này cũng nghĩ như đại sư.
Huệ Giác đại sư buông một tiếng thở dài:
- A di đà phật! Lão nạp không hề khách sáo với nữ thí chủ. Trong Thiếu Lâm tự nữ thí chủ có thể mượn bất cứ thứ gì, kể cả pho bí thư Phật gia là Dịch Cân Kinh, nhưng riêng hai pho kim thân La Hán thì khó cho lão nạp.
Thái Ngọc cau mày:
- Tại sao lại khó cho đại sư?
- Hai pho kim thân La Hán kia, lão nạp đã có dụng ý trao nó lại cho Quỷ Kiếm Khách, truyền nhân của Giang Kỳ, chủ nhân thanh Quỷ Kiếm Đoạn Hồn.
- Nguyên nhân nào buộc đại sư phải trao hai pho tượng kim thân La Hán cho Lệnh Thế Kiệt?
- A di đà phật! Quỷ Kiếm Khách Lệnh Thế Kiệt có cùng mục đích như nữ thí chủ, mà lão nạp thì lại không muốn cả đỉnh Tung Sơn Thiếu Lâm nhuộm máu tanh giang hồ.
Thái Ngọc mỉm cười rồi nói:
- Thì ra là vậy. Tôi đã hiểu ý cao tăng. Tôi lần này cũng không ngoài mục đích như Quỷ Kiếm Khách Lệnh Thế Kiệt, nhưng lại có khác một chút.
- A di đà phật! Nữ thí chủ chỉ giáo cho lão tăng.
Thái Ngọc từ tốn nhìn Huệ Giác đại sư, ôn nhu nói:
- Nếu Quỷ Kiếm Khách Lệnh Thế Kiệt vì mục đích tư lợi truy tầm hai pho tượng kim thân La Hán nên có thể rưới máu Tung Sơn Thiếu Lâm nhưng Thái Ngọc này thì khác y.
Đến Thiếu Lâm lần này để mượn hai pho tượng kim thân La Hán của các vị cao tăng, là có ý muốn dụng chúng để tống tiễn Quỷ Kiếm Khách khỏi giang hồ, đặng võ lâm tránh một cái họa sát nhân tử kiếm.
Nàng liếc trộm Huệ Giác đại sư để quan sát dung diện của vị cao tăng có thay đổi gì không sau câu giải bày của mình. Thái Ngọc nói tiếp:
- Đại sư và các vị cao tăng Thiếu Lâm hẳn lấy chữ từ bi hỷ xả là phương châm tu học để giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, thì ắt cũng phải thương lấy những sinh linh đang trầm kha trong bể khổ tục lụy. Một người sống thì có thể có một người được giải thoát theo con đường tu đạo của đại sư, chính vì lẽ đó mà Thái Ngọc này mới nói ra dụng ý của mình.
Huệ Giác đại sư thoạt sa sầm mặt, rồi từ từ ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt Tiêu Thái Ngọc:
- Ma Cung vốn lấy chữ ác làm phương cách hành sự, sao hôm nay nữ thí chủ lại nói như một vị bồ tát cứu độ thế nhân. Lão nạp nghe quả là lạ tai vô cùng.
- Đại sư chỉ giáo rất đúng, nhưng thử hỏi đại sư cái gì là thiện, cái gì là ác? Cái lẽ chính và tà cũng khó phân minh lắm đó. Nếu đại sư cho Ma Cung của tôi là ác thì đã có bao giờ cao tăng nghe Ma Cung mở sát giới chưa? Hay sự bí hiểm, thoát ly trần thế của Ma Cung khiến cho thiên hạ gắn cho Thái Ngọc này là ma đầu?
Những lời của Thái Ngọc thốt ra khiến vị cao tăng Thiếu Lâm phải băn khoăn, bối rối, cặp chân mày của Huệ Giác thoạt nhíu lại và cái nhíu mày của vị tăng không qua được cặp mắt tinh tường của Tiêu Thái Ngọc.
Nàng mỉm cười nghĩ thầm:
- "Lão sư già còn nghĩ ngợi gì nữa mà chưa chịu trao hai pho kim thân La Hán cho bổn nương?
Huệ Giác đại sư suy nghĩ một lúc rồi hỏi lại Thái Ngọc:
- Lão nạp trao hai pho tượng kim thân La Hán đó cho nữ thí chủ, đến khi Quỷ Kiếm Khách đến đây lão biết lấy gì để trao cho y?
- Lão tăng cứ nói với y là y đã đến chậm hơn Thái Ngọc này một bước rồi.
Nàng vừa nói vừa tháo miếng tín phù đeo bên mình chìa đến trước:
- Đây là tấm tín phù của Ma Cung, đại sư cứ giữ lấy, và có thể dùng nó để minh chứng với Lệnh Thế Kiệt.
Huệ Giác đại sư buông một tiếng thở dài thườn thượt. Trong tâm vị cao tăng Thiếu Lâm quả là khó xử vô cùng. Lão tăng không ngờ Tiêu Thái Ngọc lại xuất hiện đúng lúc ngay sau lời phát ngôn đại nguyện của lão.
Huệ Giác đại sư lần xâu bồ đề liên tục rồi từ từ ngẩng mặt lên trần Đại Hồng Bảo Điện:
- Đây có lẽ là ý trời.
Đại sư Huệ Giác nhìn lại Thái Ngọc:
- Nữ thí chủ đã vì chúng sinh thì lão nạp cũng sẽ vì thí chủ lần hội kiến này.
Nói dứt lời, Huệ Giác đại sư nhìn vị sãi nhỏ đứng hầu bên cạnh, ôn tồn nói:
- Giác Giới, đi lấy hai pho kim thân La Hán cho sư phụ.
- A di đà phật! Đệ tử tuân lệnh sư phụ.
Giác Giới vừa nói vừa sụp lạy Huệ Giác đại sư rồi đứng lên bước thẳng ra cửa Đại Hồng Bảo Điện. Huệ Giác đại sư vốn rất cẩn thận, nên cất kỹ hai pho kim thân La Hán, chỉ có mỗi mình người và đệ tử Giác Giới biết chỗ. Cho Giác Giới biết chỗ cất giấu hai pho kim thân La Hán, Huệ Giác đã có dụng ý. Nếu như có cuộc huyết sát Thiếu Lâm thì cũng chẳng ai có thể ngờ được Giác Giới biết chỗ cất giấu hai pho kim thân La Hán, và cũng chẳng một ai nỡ xuống tay hành xử một chú sãi nhỏ không hề biết võ công.
Giác Giới đi rồi, Huệ Giác đại sư mới nhìn lại Tiêu Thái Ngọc:
- Lão nạp mạn phép hỏi nữ thí chủ.
Thái Ngọc từ tốn nói:
- Xin đại sư chỉ giáo.
- Nữ thí chủ sẽ dùng phương cách chi để đối phó Quỷ Kiếm Khách Lệnh Thế Kiệt?
- Đại sư đã hỏi thì Tiêu Thái Ngọc này không dám giấu diếm. Lệnh Thế Kiệt vì những pho kim thân La Hán, nên nhất định sẽ phải đến Ma Cung. Ma Cung sẽ đón gã bằng trận đồ thiên la địa võng.
Huệ Giác đại sư thở dài một tiếng:
- Chúng sinh quả là trầm kha trong vòng lợi danh.
Thái Ngọc khẽ điểm một nụ cười mỉm sau câu nói của đại sư Huệ Giác.
Đại sư Huệ Giác nhìn qua nàng ôn tồn nói:
- Thí chủ đã nhọc công đến Thiếu Lâm, lão nạp không có đại yến tiếp đón, chỉ mời nữ thí chủ chung trà mọn của Phật gia.
Thái Ngọc ôm quyền xá Huệ Giác:
- Đa tạ cao tăng. Thái Ngọc này được dùng chung trà của Phật môn chẳng khác nào được uống ngọc bôi của hoàng đế.
- A di đà phật! Nữ thí chủ quá khách sáo.
Huệ Giác ra dấu cho Chánh Tịnh ngồi phía sau:
- Sư đệ hãy rót trà mời thí chủ giúp sư huynh.
- A di đà phật!
Chánh Tịnh quay lại hành đại lễ trước kim thân Phật tổ rồi bưng bình trà thủy thần.
Chánh Tịnh áp đôi bản thủ to bè quanh bình trà thủy thần bằng đất nung đỏ au. Bình trà thủy thần từ từ nóng dần lên cho đến khi trà trong bình sôi ùng ục, bốc khói tỏa mùi thơm dìu dịu.
Chánh Tịnh rót trà ra chén, trịnh trọng đặt xuống phía trước mặt Tiêu Thái Ngọc.
Thái Ngọc đâu bỏ qua những hành động của lão tăng Chánh Tịnh, nàng bưng chén trà nhìn Chánh Tịnh, từ tốn nói:
- Thái Ngọc này có nghe nói về tuyệt công Hỏa Diệm Chưởng của Phật gia, hôm nay chính mắt thấy vừa khâm phục vừa kính trọng. Mong rằng một ngày nào đó được thụ huấn tuyệt công Hỏa Diệm Chưởng của cao tăng.
Chánh Tịnh chấp tay trước ngực nói:
- Nữ thí chủ quá khách sáo đấy thôi, Hỏa Diệm Chưởng của bần tăng sao có thể gọi là tuyệt công. Nó chỉ hữu dụng để nung nóng trà đặng thỉnh khách thập phương.
Chánh Tịnh nói xong lui về chỗ cũ.
Thái Ngọc nhấp một ngụm trà rồi đặt xuống trước mặt mình. Nàng khẽ gật đầu nói:
- Trà của Phật môn quả là khác hẳn với những thứ trà ngoài chốn phàm trần. Đại sư đừng nói Thái Ngọc khách sáo, nói lời ngọc lời hoa chỉ để tâng bốc, mà đúng là trà của Phật gia không đâu có được. Ngay cả Trảm Mã Trà của hoàng thượng dùng để tiễn tướng quân xông trận cũng không thể sánh bằng.
Những lời khen tặng của Thái Ngọc khiến cho các vị cao tăng Thiếu Lâm vô cùng hứng khởi, nhưng sự hứng khởi đó chưa được bao lâu thì Lệnh Thế Kiệt xuất hiện. Trên tay ẩm xác chú sãi Giác Giới, còn bộ lam y thư sinh thì nhuộm đỏ máu.
Sự xuất hiện của Lệnh Thế Kiệt khiến cho không gian trong Đại Hồng Bảo Điện căng thẳng cực độc. Tiêu Thái Ngọc nhìn chàng như muốn đóng đinh vào mặt Thế Kiệt.
Huệ Giác đại sư bật đứng lên khi thấy cái xác Giác Giới trên tay Thế Kiệt.
Lão đại sư rít lên:
- Quỷ Kiếm Khách...