[Quyển 3] Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện - Tình Nhi Nữ

Chương 42



Sách Ngạch Đồ đi đi lại lại trên hành lang trước cửa phòng ngủ của Hiếu Trang, nét mặt lộ vẻ đợi mong và sốt ruột.

Đã hơn một tháng trôi qua, đối với chàng như mười năm biền biệt.

Mỗi ngày chàng ở trong phủ của mình cứ trông ngóng tin tức, bỏ bê cả việc trong quân cơ xứ.

Hằng trăm câu hỏi cứ nảy sinh trong đầu óc tưởng tượng của chàng.

Sách Ngạch Đồ không biết chuyện gì đã xảy ra cho Tân Nguyên rồi, tại sao lâu như vậy nàng vẫn chưa về kinh thành?  Nàng là người con gái duy nhất chàng quan tâm trên đời này.

May làm sao sự mong ngóng của chàng cuối cùng cũng xảy đến.

Ánh mắt Sách Ngạch Đồ sáng lên khi chàng thấy Tân Nguyên cùng Tiểu Điệp bước qua cổng hậu viên cung Khôn Ninh, cặp chân mày đang chau lại của chàng tức thì giãn ra.

Trên hành lang lúc bấy giờ ngoài chàng còn có cha chàng, Đông Quốc Duy, Ngạch Đức, Đồ Ngạn Đột, Trương Anh, Não Đại và Mã Tề.

Tân Nguyên vừa đặt chân vào trong sân hậu viên liền thấy thần tình các vị đại nhân căng thẳng, không cần hỏi cũng biết tình trạng Hiếu Trang không mấy khả quan.

- Cách cách, chuyến đi Ngũ Đài Sơn tìm tiên hoàng cực nhọc cho cách cách quá rồi - Não Đại thấy cô cháu gái bèn bước xuống sân tiến lại gần Tân Nguyên, nói - Hôm kia tin tức truyền báo nói chùa Nam Sơn bị cháy làm ta vô cùng lo lắng.

- Cám ơn vương gia quan hoài.

Tân Nguyên cúi đầu nói, cùng Não Đại song bước lên hành lang.

- Xin chào các vị đại nhân – Tân Nguyên gật đầu chào các quan - Bổn cung vừa về tới cổng thành là đến đây ngay.

Không biết tình hình thái hoàng thái hậu ra sao?
Tân Nguyên nói tới đây Ung công công đẩy cửa phòng ngủ của Hiếu Trang bước ra nhìn mọi người, khẽ lắc đầu.

Trương Anh nhìn Tân Nguyên, thở dài:
- Sau ngày cách cách rời kinh kỳ, bệnh tim của thái hoàng thái hậu trở nặng, nhưng ngự y nói vẫn còn cầm cự được cho đến mùa thu năm này.

Trương Anh ngưng lại thở dài thêm một tiếng nữa, tiếp:

- Nếu như hai ngày trước Ngao Bái không sai mấy tên nô bộc của gã mang hai ngàn đồng xu đến cung Khôn Ninh chọc giận người.

Tiểu Điệp nhìn Tân Nguyên thấy hai mắt Tân Nguyên rưng rưng lệ.

Tiểu Điệp nói nhỏ:
- Thái hoàng thái hậu chỉ cần đến lòng trung thành của gã họ Ngao đó chứ nào phải thiếu thốn hai ngàn đồng xu!
Ung công công nhìn Tiểu Điệp, tặc lưỡi:
- Xem ra nha đầu ngươi chưa hay biết ẩn tình bên trong rồi, Ngao Bái sai người đem quà chỉ là hình thức bề ngoài, còn mục đích bên trong chính là…
Ung công công cũng như Trương Anh ngừng nói chuyện để thở một hơi dài thườn thượt, nhưng sau đó không thể nói tiếp được nữa vì đau lòng quá độ.

Ung công công đành lấy trong áo ra một đồng xu mà chính giữa có khắc chữ “Vạn” đưa cho Tân Nguyên xem.

Tân Nguyên giơ đồng xu qua khỏi đầu nàng, nắng chiều chiếu vào đồng xu làm cho chữ “Vạn” sáng lấp lánh.

Tiểu Điệp đưa mắt nhìn đồng xu trên tay Tân Nguyên, nói:
- Ngao Bái tặng thái hoàng thái hậu thông bảo trộn với vàng này để làm gì ạ?  Tại sao thái hoàng thái hậu lại vì nó mà ngã bệnh?
Tân Nguyên đáp:
- Không đơn giản là đồng trộn với vàng mà còn trộn với Phật nữa.

Tiểu Điệp nghe câu trả lời của Tân Nguyên, nhìn đồng xu bằng ánh mắt tức giận, bây giờ thì Tiểu  Điệp đã hiểu vì sao Hiếu Trang bệnh liệt giường.

Tân Nguyên trả đồng xu lại cho Ung công công.

Mã Tề đứng gần đó mắt cũng nổ lửa, răng nghiến trèo trẹo kêu lên:
- Ngao Bái thật là càng ngày càng quá quắt!  
Ngạch Đức đặt tay lên vai Mã Tề, nhưng không làm nguội được cơn giận trong lòng Mã Tề, hai tia lửa trong mắt Mã Tề càng như có thể bốc cháy ra ngoài.

Tân Nguyên nhìn cánh cửa phòng ngủ của Hiếu Trang, nàng đã rõ bệnh tình của Hiếu Trang từ lâu, không phải đợi đến khi Ngao Bái dâng lên “Phật thông bảo” mới trở nặng.

Thật sự thì Hiếu Trang vốn không qua nổi mùa xuân năm nay chứ nói gì đến mùa thu, nhưng mặc dù là việc nằm trong dự đoán, Tân Nguyên vẫn cảm thấy buồn bã.

Tân Nguyên lại nghĩ đến chuyện xảy ra ở Nam Sơn Tự, do Liên Hoa Sát Thủ không thuyết phục được “nàng” theo giúp tam mệnh đại thần nên đã phóng hỏa thiêu hủy cả ngôi chùa, cũng sát hại tất cả các sư thầy.

Sau đó, nàng không nhìn tận mắt cũng biết Ngao Bái đã sai người tới cung Khôn Ninh dâng lên Hiếu Trang loại đồng xu này, ý muốn nói với Hiếu Trang rằng Thuận Trị đã chết cháy trong đám hỏa hoạn ở chùa Nam Sơn rồi, vì nghe nói khi vụ hỏa hoạn xảy ra, ba pho tượng Phật vàng ở trong bảo tự bị đốt chảy thành vàng nước và bị người ta lấy đi.

Tân Nguyên khe khẽ lắc đầu.

Lần này Hiếu Trang xuôi tay về trời, ngạo khí của Ngao Bái và bọn người Tô Khắc Táp Cáp, Át Tất Long sẽ càng khó kiềm chế hơn bao giờ.

Lại nói đến Hiếu Trang bấy giờ đang nằm nhắm mắt trên giường, ngực đắp một tấm chăn nhung thêu hình ba đóa chi thược dược màu tím thẫm.

Khang Hi ngồi trên chiếc ghế chậu cạnh bên giường Hiếu Trang.

Tế Độ, Tô ma ma, các thái giám, cung nữ và ngự y đứng cúi đầu phía sau Khang Hi.

Căn phòng im phăng phắc, một tiếng thở mạnh cũng không có.

Ở cuối giường đặt một đỉnh đồng đang tỏa ra làn khói lờ mờ, thời gian từng giọt tí tách trôi đi.

Chợt tiếng kẻng vang lên báo hiệu giờ Tuất đã qua.

Hiếu Trang mở mắt khẽ nói:
- Hoàng thượng.

Khang Hi đau buồn vô hạn, bỏ ăn bỏ uống, khóc từ ban chiều, hai mắt sưng đỏ như hai quả nhót cầm tay Hiếu Trang, thưa:
- Trẫm ngồi cạnh thái hoàng thái hậu đây.

Hiếu Trang lên tiếng gọi Khang Hi rồi qua một lúc lâu sau mới thì thào nói:
- Hoàng thượng còn nhớ năm năm trước, vì lý do gì mà tiên hoàng đã sai thái giám đánh ngài một trận hay không?
- Vì trẫm không thuộc Đế Phàm của Đường Thái Tông.

- Đế Phàm là gì?
- Là một quyển sách do Đường Thái Tông viết, được xem như là đại cương của các đế vương, những chuyện liên quan đến quốc gia, các triều đại, cách khiến cho một đất nước an nguy hay hưng thịnh cả thảy đều bao gồm trong đó.

- Tại sao khi đó tiên hoàng không kêu những đứa con cháu khác học thuộc Đế Phàm chỉ bảo một mình hoàng thượng đọc Đế Phàm?
Hiếu Trang hỏi tới đâu Khang Hi đáp mạch lạc tới đó, mặc dù nước mắt lưng tròng:

- Vì tiên hoàng bảo tánh tình của trẫm nông nổi, không giống một minh quân, nên người bảo trẫm cần phải siêng học Đế Phàm để tương lai có thể trở thành một vị hoàng đế tốt.

- Bây giờ ngài có thể đọc được chưa?
- Vâng, trẫm đã thuộc làu rồi.

- Vậy để ai gia hỏi hoàng thượng vài câu nhé?
- Vâng ạ.

Hiếu Trang ngừng lại hít một hơi sâu vào lồng ngực, nói:
- Hoàng thượng có thể giải thích với ai gia câu đầu trong Đế Phàm không?
Khang Hi không cần suy nghĩ đáp ngay:
- Câu đầu tiên trong Đế Phàm: “Tư nhị dã đệ vi quốc dụng, văn võ nghị sự, văn học trị an, võ học trị loạn.

”  Câu này ý chỉ khi đất nước đang thái bình thì một vị hoàng đế tốt cần phải biết trọng dụng các quan văn lẫn quan võ.

Hiếu Trang gật đầu:
- Tiếp theo đó Thái Tông đã nói những gì?
Khang Hi nói:
- Tiếp theo là câu: “Trí nhược trường khí, hàng địa thành bại, định hô phong đoan, cực lãng thao thiên hưng vong, huyết hô nhất, đương thử chi tế, tắc quý cam hoa, nhị tiên vương tự.


- Có nghĩa là gì? – Hiểu Trang hỏi.

Khang Hi nói:
- Có nghĩa là khi tổ quốc lâm vào tình thế tồn vong, các chiến sĩ đang chiến đấu trên sa trường có nguy cơ lâm vào cảnh thân vong thì hoàng đế hãy nên cường điệu võ, gác lại văn.

- Còn những hàng tiếp theo hoàng thượng có đọc được hay không?
- Vâng.

Những hàng tiếp theo: “Cập hô hải nhạc ký án, ba trần dĩ thanh, ý thất đức chi dư cảm, phó cửu công chi đại hóa, đương thử chi tế, tắt kinh vát trụ dĩ trọng thi thư.


- Đoạn này có nghĩa là gì?
- Đoạn này có nghĩa là sau khi chiến tranh kết thúc, đến hồi quốc thái dân an, thiên hạ thái bình rồi thì hoàng đế hãy nên đình chỉ chiêu binh mãi võ, trở lại việc đề cao giáo văn.

- Còn gì nữa không?
- Còn đoạn cuối của Đế Phàm: “Thị tri văn võ nhị đồ, xã nhất bất khả, như thời u liệt, các hữu kỳ nghi, võ sĩ nho nhân yên khả phế dã.

”  
Khang Hi nói rồi không đợi Hiếu Trang hỏi, đáp luôn:
- Câu này Thái Tông kết luận một quốc gia hưng thịnh ắt phải có cả võ sĩ lẫn nho nhân, không thể thiếu mất một bên nào.

Hiếu Trang gật đầu tỏ vẻ hài lòng.

Từ khi tỉnh lại Hiếu Trang chỉ đưa mắt trìu mến nhìn Khang Hi, đến bây giờ mới nhìn lên Tế Độ.

Tế Độ đang đứng sau Khang Hi, trong mắt Hiếu Trang chợt ánh lên một tia sợ hãi mông lung khi nhìn Tế Độ.

Hiếu Trang cất tiếng gọi:
- Định Viễn đại tướng quân à.

Tế Độ đáp:
- Có hạ thần.

Hiếu Trang vẫy vẫy tay bảo Tế Độ bước lên một bước, nói:
- Tuy khanh không phải do ai gia sanh ra nhưng từ nhỏ đã xem như con.

Tiên đế lẫn hoàng thượng đều rất mến mộ khanh, ái khanh trí tuệ triết nhân, lại thần thông quảng đại, mạc trắc cao thâm, hành sự vượt ngoài ý nghĩ của thường nhân nên trong triều ai cũng sinh lòng kính nể.

Tế Độ quay sang Khang Hi, nói:
- Đa tạ hoàng thượng coi trọng.

Chàng nói đoạn quay trở lại Hiếu Trang, nói:
- Vì lòng tin của thái hoàng thái hậu, tiên đế và hoàng thượng, hạ thần và các vị chư tướng nhất định tiếp tục tả hữu phụng sự, một lòng phò trợ hoàng thượng tiêu trừ đám gian thần tặc tử, giúp ngài chấn hưng sơn hà xã tắc.

Hiếu Trang nói:
- Năm xưa cha khanh đã từng có lần sáp huyết ăn thề với Não Đại và Sách Ni, hứa rằng sẽ giúp con cháu của Thái Tông bình thiên hạ.


Tế Độ vòng tay cúi đầu cung kính nói:
- Thần có nghe qua, thần cũng sẽ làm như a mã chiếu theo lời thề quan hệ đến tính mạng thân gia huyết tộc.

Hiếu Trang gật đầu, khẽ quay mặt vào vách mùng ho vài tiếng, sau đó nhìn Tế Độ, nói:
- Tiên hoàng bảo hoàng thượng học thuộc Đế Phàm để ngài có thể hoán cốt thay đổi khí chất, còn ai gia, ai gia biết cho dù không có Đế Phàm hoàng thượng cũng sẽ trở thành một vị vua tốt, vì ngài ấy có những hiền thần như khanh, Trương Anh, cha con Sách Ni, và những văn võ tướng lãnh khác ở bên ngoài căn phòng này, đồng tâm phò trợ cho ngài, ai gia tin chắc sau khi ai gia đi rồi trong cung sẽ không tái diễn sự biến Huyền Vũ Môn.

Hiếu Trang dứt lời cố nhìn xem phản ứng trên mặt Tế Độ khi nghe mình nói câu này nhưng Tế Độ vẫn còn cúi đầu.

Nhắc chuyện năm xưa, Đường Cao Tổ Lý Uyên có ba người con trai.

Một là thái tử Lý Kiến Thành, hai là Tấn vương Lý Thế Dân, và ba là Tề vương Lý Nguyên Cát.

Ba huynh đệ gác bỏ tình máu mủ, đã không ngừng bày mưu lập kế sát hại nhau để tranh giành ngai vị.

Cuối cùng Lý Thế Dân trong sự nghiệp quân chính đã tạo lập triều Đường, thống nhất đất nước.

Công lao đóng góp cả đời to lớn không ai sánh nổi, đồng thời trong cuộc Nam chinh Bắc phạt trường kỳ ông cũng chiêu mộ được rất nhiều văn thần võ tướng võ nghệ cao cường.

Vào năm 626, Lý Thế Dân cho người phát động phong trào “sự biến Huyền Vũ Môn,” giết chết anh trưởng để cướp địa vị thái tử.

Ít lâu sau lại được Đường Cao Tổ nhường ngôi báu cho nên nắm luôn việc triều chính, lên ngai vua và đổi niên hiệu thành Trinh Quán, từ đó mở ra thời kỳ hoàng kim của xã hội phong kiến, từ “Trinh Quân chi trị" tới "Khai Nguyên thịnh thế,” đem đến đời sống no ấm cho muôn dân.

Tuy rằng giết anh ruột để cướp ngôi vua nhưng Đường Thái Tông Lý Thế Dân sở dĩ trở thành một bậc đế vương anh minh hiếm hoi trong lịch sử, một mặt là do trước đây đã lập được nhiều chiến công lẫy lừng chưa từng có, mặt khác là do lúc đó ông đủ khả năng kịp thời "nhảy qua lưng ngựa,” dứt võ tu văn, nhanh chóng thiết lập nền chính trị Trinh Quán ngay trên đống đổ nát hoang tàn của cuộc chiến bằng những sách lược vô cùng thông thái khiến cho người đời phải kinh ngạc.

Tế Độ đương nhiên có nghe qua đoạn sử này, cho nên sau khi chàng nghe Hiếu Trang bảo vậy hiểu ngay tâm ý của Hiếu Trang.

Tế Độ thấy buồn trong lòng, và bỗng nhiên có một nỗi bất an xâm chiếm đầu óc chàng.

Tế Độ nghĩ đến lời của Cửu Dương nói với chàng trong thư phòng phủ Định Viễn, Cửu Dương bảo chàng tin người quá độ, không lường hết được "ý Trời" mai này lành dữ ra sao.

Giữa đại gia đình hoàng tộc và những người xung quanh họ từ cổ chí kim đã có một bức tường cao vô hình chia cách…
Tế Độ còn đang suy nghĩ lời của Cửu Dương, Hiếu Trang ho thêm mấy tiếng nữa, sau đó Tế Độ nghe Hiếu Trang nói bằng giọng đứt quãng:
- Muốn nước nhà hưng thịnh! phải có võ sĩ nho nhân! bất khả thiên phế! phải có hiền thần đồng tâm phò thiên tử.

Hiếu Trang dứt lời bàn tay nắm tay Khang Hi rơi xuống giường.

Các thái y chữa trị cho Hiếu Trang vội chạy đến bên giường vây lấy Hiếu Trang để cấp cứu, có người châm cứu, có người bấm vào huyệt nhân trung, có người bắt mạch!   Nửa khắc sau, thái y bắt mạch buông tay Hiếu Trang ra.

Trong phòng lập tức đại loạn, các cung nữ thái giám đều quỳ cả xuống, có người khóc, có người kêu.

Khang Hi và Tế Độ cũng quỳ làm lễ khấu đầu.

Tô ma ma lạy ba lạy xong bước ra ngoài hành lang, dùng ánh mắt đờ đẫn nhìn mọi người đang đứng chờ bên ngoài, khóc mếu nói rằng:
- Thái hoàng thái hậu về trời rồi!
Lập tức bọn cung nữ thái giám bên ngoài cũng đều kêu gào khóc lóc, trong hậu viên càng rối tinh rối mù lên.

Lệ đã vờn quanh mắt Tân Nguyên, tất cả nhạt nhoà trong màn nước mắt.

Tân Nguyên không còn thấy gì nữa cả, chỉ có tiếng khóc của bọn nô bộc trong cung Khôn Ninh đều đặn vang lên bên tai nàng.

Não Đại đứng cạnh Tân Nguyên cũng muốn rơi nước mắt theo bọn nô tài, bỗng Não Đại giật mình nhớ lại mình là người có uy nhất ở nơi này, trong giờ phút này phải nắm giữ tình thế cho yên ổn, Não Đại suy nghĩ vậy đành ép bản thân trấn tĩnh trở lại.

(còn tiếp).


Bình Luận (0)
Comment