Rơi Vào Tay Em

Chương 1

Edit: Thanh

===============

Ngồi trên máy bay nhìn mây ngoài cửa sổ, Khương Từ nhớ lại mười tám năm ngắn ngủi trước đó của mình.

Cô đã không còn ký ức gì về những chuyện trước năm ba tuổi, những ký ức thật sự được bắt đầu sau ba tuổi.

Trong ký ức của cô, cô sống với bố mẹ trong một căn hầm rất nhỏ, quanh năm không có ánh sáng mặt trời, tối tăm và ẩm thấp, nên khi còn nhỏ cô thường bị bệnh mẩn ngứa khắp người.

Từ khi còn rất nhỏ, cô đã biết tự chăm sóc mình, ba mẹ đi làm, cô ở nhà một mình đọc sách làm bài tập, đói bụng thì trèo lên ghế tự nấu ăn.

Cô năm tuổi đã biết dùng bình gas, món đầu tiên học được chính là mì nước lọc.

Cô không nhớ mình đã ăn bao nhiêu bát mì nước lọc, cô chỉ nhớ từ khi cô bắt đầu có ký ức, ba mẹ đã không ngừng cãi nhau.

Mỗi lần hai người họ cãi nhau cô đều sợ hãi trốn vào một góc, nhìn ba mẹ đập phá nhà cửa thành một đống hỗn độn. Chờ đến khi hai người họ ngừng cãi nhau, cô lại hiểu chuyện đi nhặt lên từng thứ một.

Mùa hè năm năm tuổi đó, lúc ăn tối, mẹ cô bỗng nhiên làm ầm ĩ chỉ vì một chuyện nhỏ.

Ba cô nhấc bàn, bất ngờ nổi điên túm tóc mẹ, tàn nhẫn tát bà hai cái.

Cô bị dọa đến bật khóc, chạy tới bảo vệ mẹ. Ba cô đẩy cô ra rồi bắt đầu đánh mẹ cô đến chết.

Cô che trên người mẹ, ba cô liền đánh cả cô.

Trong ký ức cô, lần đó mẹ không hề kêu lên một tiếng đau đớn nào, bà ấy chỉ xoay người ôm chặt cô vào lòng.

Không biết qua bao lâu, ba cô cuối cùng cũng đánh đủ, ông ấy lấy tiền và chìa khóa rồi đóng sầm cửa ra ngoài, cả đêm không quay lại.

Đêm hôm đó, cô bị mẹ đuổi về phòng nhỏ của mình ngủ.

Nhưng cô không ngủ được, nằm trên chiếc giường nhỏ, qua cánh cửa khép hờ, cô thấy mẹ ngồi trên chiếc ghế âm thầm khóc nức nở.

Mãi cho đến sau nửa đêm, cuối cùng mẹ cũng không rơi nước mắt nữa, bà ấy đứng dậy, lấy vali bắt đầu thu dọn đồ đạc.

Vào thời khắc ấy, dù còn nhỏ nhưng cô lại nhạy cảm ý thức được mình sắp mất đi thứ gì.

Cô vội vàng đứng dậy khỏi giường, mang dép lê bước ra cửa.

Cô luống cuống đứng ở cửa, nhìn mẹ thu dọn đồ đạc, nhịn không được nhỏ giọng hỏi: “Mẹ, mẹ muốn đi sao?”

Cô nhìn mẹ, nước mắt không kìm được chảy xuống, cô khóc hỏi: “Mẹ, con có thể đi với mẹ không?”

Cô không biết lúc đó mẹ có do dự không, cô chỉ nhớ lúc đó mẹ dùng ánh mắt đau khổ nhìn cô rất lâu. Nhưng cuối cùng bà không nói gì, như đã hạ quyết tâm bỏ cô lại, bà xách hành lý lên, đi nhanh ra ngoài không quay đầu lại.

Khi đó cô còn quá nhỏ, không thể khống chế được sự sợ hãi của mình, nhìn thấy mẹ bỏ đi, cô vừa khóc vừa chạy theo, không ngừng gọi: “Mẹ, mẹ ơi ——”

Cô đã từng vô cùng nghi ngờ liệu việc mình sinh ra có khiến cuộc sống của mẹ cô vất vả hơn không, có phải do cô không đủ hiểu chuyện không, có phải cô giống như một thứ vướng víu kìm kẹp mẹ, nên mẹ mới không cần cô không.

Cô vừa khóc vừa đuổi theo, nhưng bước chân của mẹ càng lúc càng nhanh, từ đầu đến cuối không hề ngoảnh lại.

Ra đến bên ngoài, trời đang mưa rất lớn, mẹ vẫy một chiếc taxi rồi ngồi vào.

Cô đuổi theo phía sau xe, chạy trong màn mưa to, ngay cả dép cũng rơi mất, cô khóc lóc đau khổ, chạy gãy chân nhưng vẫn không thể đuổi kịp chiếc xe đó.

Cuối cùng cô cũng dừng lại, ngồi xổm trên mặt đật ôm cánh tay khóc lớn.

Cuối cùng, dì hàng xóm đi làm về muộn nhìn thấy cô rồi dẫn cô về lại căn hầm nhỏ kia.

Từ đó về sau, cuộc sống của cô đã không còn mẹ.

Cô sống với ba, tính tình ba cô nắng mưa thất thường, cô chỉ có thể hiểu chuyện hơn nữa, chuẩn bị đồ ăn trước khi ba đi làm về, giúp ông ấy giặt quần áo, lúc ông ấy uống say sẽ trốn vào phòng, co ro trong chăn run rẩy vì sợ.

Mãi cho đến năm bảy tuổi, lúc ba cô làm việc đã xảy ra tai nạn, lúc làm việc trên cao đã ngã từ tầng mười ba xuống, qua đời tại chỗ.

Lúc giáo viên nói với cô, cô đang ngồi trên ghế, đầu óc mơ hồ, một lúc lâu cũng không thể hiểu được chữ “chết” có nghĩ gì.

Cô được giáo viên đưa đến bệnh viện, khi nhìn thấy ba mình được phủ một tấm vải trắng trong nhà xác, cô cuối cùng cũng bắt đầu khóc không kiểm soát.

Cô nhìn thấy ba mình nằm đó với khuôn mặt xanh xao, đôi mắt vĩnh viễn nhắm nghiền.

Đó là lần đầu tiên trong đời cô trực tiếp đối diện với cái chết, mặc dù cô không có tình cảm sâu sắc với ba mình, thậm chí chưa từng nhận được tình yêu thương từ ông nhưng cô vẫn không kìm được nước mắt.

Cô không biết tại sao mình lại khóc, là vì mất ba, hay vì nhận ra được mình đã hoàn toàn biến thành một đứa trẻ mồ côi?

Giáo viên giúp cô liên lạc với mẹ, nhưng lúc tìm được số và gọi đi thì số đó đã không còn liên lạc được.

Ngay khi cô nghĩ mình sẽ trở thành trẻ mồ côi và bị gửi đến cô nhi viện, cuối cùng cô đã gặp được bà nội mình.

Bà nội từ Dung Thành xa xôi chạy đến nhận xác đứa con bất hiếu, sau đó đón đứa cháu gái duy nhất, hai bà cháu cùng về quê sống.

Những năm tháng hai bà cháu sống nương tựa lẫn nhau là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời Khương Từ.

Bà nội vô cùng tốt với cô, luôn cười dịu dàng, mỗi ngày đều dậy sớm giúp cô tết tóc, dắt cô qua con đường lầy lội ở quê, đưa cô đến trường.

Mỗi ngày tan học, cô luôn có thể nhìn thấy bà mang theo bánh chưng đậu nành cô thích ăn, ngồi đợi cô trên bờ ruộng.

Trên đường về nhà, cô một tay nắm tay bà nội, một tay cầm bánh chưng do bà nội làm, vừa ăn vừa vui vẻ chia sẻ những chuyện thú vị trong trường với bà.

Có khi bà nội có lẽ nghe không hiểu cô nói gì, nhưng bà luôn cười, sẽ kiên nhẫn lắng nghe cô đọc bài, sẽ khen cô đọc rất có cảm xúc. Trong kỳ thi cuối kỳ, cô đã đứng nhất toàn trường, lúc cầm giấy khen về cho bà, bà nội sẽ cẩn thận giúp cô đóng khung giấy khen lại và treo lên tường.

Nhưng thật ra bà nội không có bất cứ yêu cầu gì với cô, lúc cô nói với bà sau này cô muốn kiếm được thật nhiều tiền để bà sống một cuộc sống tốt hơn, bà lại chỉ cười dịu dàng, nói mong muốn lớn nhất của bà là chỉ hi vọng cô luôn vui vẻ.

Điều kiện kinh tế của bà cũng không dư dả, phần lớn số tiền đều dùng cho việc học của cô.

Nhưng cho dù vậy, mỗi lần đến sinh nhật cô, bà luôn đưa cô lên tỉnh ăn một bữa thật ngon, mua cho cô một chiếc váy mới, mua cho cô một chiếc bánh sinh nhật thật đẹp.

Về đến nhà, cô ngồi trong sân với bà, trên bàn nhỏ đặt bánh kem, cắm nến, bà nội hát chúc mừng sinh nhật cô, cô ngồi xổm trên mặt đất, chắp tay trước ngực nhắm mắt lại, khóe môi cong cong ước một điều ước trong ngày sinh nhật.

Khi đó, cô khờ dại cho rằng mình có thể mãi mãi sống chung với bà.

Cho đến năm cô vào tiểu học, cô gặp được người mẹ đã biến mất khỏi cuộc đời mình trong một thời gian dài.

Bảy năm trôi qua, cô đã cảm thấy vô cùng xa lạ với người mẹ này.

Lúc mẹ cô ôm cô rơi nước mắt, cơ thể cô theo bản năng muốn chạy trốn.

Lúc mẹ cô muốn đón cô lên thành phố sống, cô không chút suy nghĩ đã từ chối.

Nhưng mẹ cũng không cần sự đồng ý của cô, bà ấy vẫn có quyền giám hộ với cô.

Bà nội cũng khuyên cô đi với mẹ, nói cô không thể ở nông thôn mãi được, ở thành phố có nền giáo dục tốt hơn, chỉ có đến thành phố cô mới có thể nhận được sự giáo dục tốt hơn, sau này mới có thể trở nên nổi bật, chân chính thoát khỏi cuộc sống nghèo khó như bây giờ.

Nhưng cho dù bà nội nói thế nào cô cũng không nỡ rời xa bà.

Vào lúc đó, cô thậm chí cảm thấy ước mơ và tiền đồ đã không còn quan trọng nữa rồi, cô chỉ muốn mãi ở bên cạnh bà. Nghèo khó cũng không sao, ít nhất chỉ khi ở bên cạnh bà nội, cô mới có thể khẳng định trên đời này vẫn còn người thích cô.

Cô sẽ không bị đánh chửi, cũng sẽ không bị vứt bỏ. Ở bên cạnh bà, cô có thể mãi mãi yên tâm.

Thế nhưng mẹ vẫn khăng khăng muốn dẫn cô đi, thậm chí còn muốn lên tòa tranh quyền nuôi cô.

Đêm đó cô đã cãi nhau với mẹ, chất vấn tại sao bà lại muốn giành lại cô sau khi đã bỏ rơi cô.

Vẻ mặt của cô lúc đó hẳn là rất lạnh lùng, cô nói với mẹ rằng mình không phải là con chó hay con mèo, cho dù có bị ném đi bao nhiêu lần thì cuối cùng cũng sẽ quay về vẫy đuôi với chủ.

Cô đã trưởng thành rồi, sẽ không còn cẩn thận cầu xin lòng thương xót như khi còn nhỏ nữa.

Những lời này của cô có lẽ khiến mẹ cảm thấy đau lòng, lần đầu tiên bà ấy khóc trước mặt cô. Có lẽ bà ấy cũng có nỗi khổ tâm của riêng mình, bà ấy nói với cô, năm đó sau khi bỏ rơi cô bà ấy cũng rất đau khổ, nhưng lúc đó bà ấy ngay cả bản thân cũng không thể nuôi nổi, lại mang theo cô thì hai mẹ con chỉ càng sa vào vũng lầy.

Cho nên mấy năm nay bà ấy vẫn luôn cố gắng kiếm tiền, chính là muốn mau chóng tích góp đủ tiền trở lại đón cô.

Cô không biết được những lời này của bà ấy là thật hay giả.

Có lẽ là thật.

Những giọt nước mắt và sự đau khổ của bà ấy nhìn không giống giả.

Nhưng như thế thì sao?

Cô một thân một mình trải qua rất nhiều khoảng thời gian cô đơn và tăm tối. Trong suốt hai năm sống với ba, ngày nào cô cũng sống trong sợ hãi.

Cô sợ ba không vui sẽ đánh mình nên cố gắng làm tốt mọi việc ở nhà. Giặt sạch sẽ quần áo của ba, quét dọn nhà cửa không còn một hạt bụi, đi học nấu ăn với dì hàng xóm, gắp tất cả thịt vào chén của ba.

Sau khi làm xong hết việc nhà, cô còn đi nhặt ve chai, kéo theo một chiếc túi dệt màu xám bẩn thỉu, lục tung mọi thùng rác trên đường.

Nhưng thường sau khi cô làm hai tay bẩn cũng không nhặt được gì cả.

Thỉnh thoảng nhặt được một chiếc ve chai, chưa kịp vui mừng thì đã bị những người nhặt rác già bên cạnh giật lấy.

Cô không dám giành với người già, mỗi lần bị giật đều buông tay, rụt vai trốn qua bên cạnh, sợ người khác đánh mình.

Vì luôn bị cướp nên cô phải đi bộ một quãng đường dài mỗi ngày mới có thể gom đủ một bao ve chai nhỏ.

Ngày qua ngày, sau khi làm việc nhà xong cô đều ra ngoài nhặt ve chai, đợi sau khi gom đủ một bao ve chai mới kéo đến vựa ve chai bán.

Khi nhận được tờ 5 nhân dân tệ mỏng, cô cẩn thận cầm nó trên tay mang về nhà, chờ đến tối ba về, cô sẽ đưa số tiền mà cô đã vất vả nhặt ve chai đổi được cho ba như dâng sự trung thành của mình.

Cô không mong chờ ba có thể khen mình, chỉ mong ba cô nể tình cô hiểu chuyện, đừng đánh cô, cũng đừng vứt bỏ cô.

Khi còn nhỏ, cô giống như một con chim sợ cành cong đã phải chịu nhiều đau khổ, luôn cố gắng lấy lòng mọi người để đổi lấy một chút không gian sống.

Còn nhớ mùa đông năm sáu tuổi đó, lúc cô đang giúp ba nấu nước nóng, vì tay bị lạnh cứng, khi bưng bình nước đã sơ ý làm đổ nước nóng lên đùi.

Mặc dù là mùa đông nhưng quần áo trên người cô vẫn mỏng manh, nước sôi xuyên qua lớp quần mỏng tạt vào da, cô hét lên đau đớn nhưng ba cô từ phòng khách lao vào tát thẳng vào mặt cô.

Ông ta mắng cô vì đã làm phiền ông ta xem cá độ, nhìn thấy đống bừa bộn dưới đất lại mắng cô ngu ngốc.

Cô không dám tiếp tục phát ra tiếng, cắn chặt môi dưới chịu đựng đau đớn ngồi xổm xuống thu dọn đồ.

Sau khi lau sàn nhà, cô cố gắng chịu đựng cơn đau dữ dội ở đùi đun lại ấm nước để pha trà cho ba.

Sau khi về phòng, cô nhịn đau cẩn thận từng li từng tí cởi qu@n xuống, thấy da đùi đã đỏ ửng và nhăn nheo vì nước nóng. Cô cố kìm nước mắt, mặc quần đi ra ngoài, vốn dĩ cô muốn xin ba dẫn cô đến bệnh viện, nhưng nhìn thấy ông ta lại cá độ bóng đá thua tiền, cầm gạt tàn thô bạo ném về phía tivi.

Cô bị dọa sợ không dám lên tiếng, càng không dám nhắc tới chuyện nhờ ông ta dẫn cô đến bệnh viện nữa.

Cô không nhớ rõ vết bỏng sau bao lâu thì lành, chỉ nhớ nó rất đau rất đau, đau đến nỗi không đêm nào cô ngủ được, cả người ướt đẫm mồ hôi lạnh, cũng không dám khóc, chỉ biết cắn chặt góc chăn.

Sau này, quá trình lành vết thương rất ngứa, lúc đó ở Nam Thành lại thường hay mưa, khi vết thương ngứa ngáy, dường như có hàng ngàn con kiến đang chui vào vết thương của cô.

Cho nên đến bây giờ, cô vẫn rất sợ trời mưa, luôn cảm thấy khi trời mưa, vết sẹo trên chân sẽ lại bắt đầu đau.

Cô không muốn nói với mẹ về nỗi cô đơn và sợ hãi trong quá khứ. Đã từng có khoảng thời gian một năm, mỗi ngày cô đều mong đợi mẹ sẽ quay lại đón mình, mong đợi mẹ sẽ trở về dẫn cô đi cùng.

Cô đến ngày cô bị phỏng, khi cô trốn trên giường khóc vì đau, khi cô lặng lẽ lấy kem đánh răng bôi lên vết thương của mình, khi cô đau đến mức không dám kêu lên, khi cô nhìn thấy vết sẹo xấu xí để lại sau khi vết thương lành, lúc đó sự nhớ nhung của cô với mẹ cũng dần phai nhạt.

Cô bắt đầu hiểu được trên đời này sẽ không còn ai đến cứu mình.

Bây giờ cô cảm thấy rất xa lạ với mẹ, dù năm đó bà ấy có nỗi khổ tâm riêng nên mới bỏ lại cô, nhưng cô rất khó đứng ở lập trường của bà ấy để tìm hiểu.

Giống như cô sẽ không nói cho mẹ cô biết nỗi đau mà cô đã trải qua, cô không cần sự đau lòng và áy náy của bà ấy, cho nên cũng không yêu cầu sự tha thứ và thông cảm của bà ấy.

Cô bình tĩnh nói với mẹ, cô sẽ không đi theo bà ấy lên thành phố, cô chỉ muốn ở bên cạnh bà nội.

Cô nói xong liền chuẩn bị rời đi nhưng mẹ lại gọi cô lại. Có lẽ bà ấy nhận ra tình thân không thể đả động cô nên bắt đầu nói chuyện hiện thực.

Bà ấy tàn nhẫn nói cho cô biết, nếu cứ ở trong ngôi làng nghèo nàn và lạc hậu này, cả đời cô cũng đừng mong trở nên xuất sắc.

Bà ấy nói: “Cho dù con cảm thấy không sao cả, sẵn sàng làm một người nghèo bình thường, vậy còn bà nội con thì sao? Bà ấy lớn tuổi rồi sẽ bị bệnh, con có biết bây giờ muốn chữa bệnh phải tốn bao nhiêu tiền không? Con có biết một người bình thường muốn tìm bác sĩ giỏi để khám bệnh khó cỡ nào không? Con có biết tiền quan trọng thế nào không? Người có tiền ngay cả ung thư cũng có thể chữa khỏi, tìm bệnh viện tốt nhất, bác sĩ giỏi nhất, y tá tốt nhất toàn thế giới, cho dù bị bệnh cũng có thể giảm bớt đau đớn ở mức độ lớn nhất.”

“Người nghèo thì sao? Bệnh không trị khỏi, bệnh nhẹ thì kéo dài, bệnh nặng thì cũng chỉ có thể về nhà nằm chờ chết.”

“Tiểu Từ, đây thật sự là điều con muốn sao? Con có thể không cần quan tâm chính mình, nhưng đến khi bà con già yếu, chỉ có thể nằm ở nhà chờ chết, con sẽ thật sự không hối hận về lựa chọn hôm nay của mình sao?”

“Tiểu Từ, con đi với mẹ, bây giờ mẹ đã có ít tiền tiết kiệm, có thể cho con sự giáo dục tốt nhất, con muốn học gì cũng được, mẹ có thể giúp con nhanh chóng thực hiện ước mơ của mình. Tiểu Từ, con tin tưởng mẹ, đi với mẹ con sẽ tránh được rất nhiều con đường sai lầm.

Khương Từ thừa nhận, đến cuối cùng mẹ đã thật sự làm cô dao động.

Cô không quan tâm chính mình, cô chịu bao nhiêu khó khăn, đi bao nhiêu con đường sai lầm cô cũng không quan tâm, nhưng cô quan tâm đ ến bà nội.

Bà nội năm nay đã bảy mươi lăm tuổi, sức khỏe cũng dần xuất hiện một vài vấn đề.

Cô thật sự sợ nếu sau này bà thật sự bị bệnh, khi cô ấy không đủ khả năng chi trả tiền chữa bệnh cho bà, lúc đó cô sẽ tự trách mình và hối hận cỡ nào về quyết định của ngày hôm nay.

Vào lúc đó cô mới hiểu ra một đạo lý, con người rất cần tiền, cần rất nhiều rất nhiều tiền.

Tiền không dung tục, vào thời khắc nguy cấp, chỉ có tiền mới cứu được mạng người.

Sau khi cân nhắc lợi hại, cô cố gắng thương lượng với mẹ muốn đưa bà đi cùng.

Nhưng mẹ cô lập tức từ chối, nghiêm khắc nói: “Không thể! Năm đó ba con đối xử với mẹ thế nào chắc con vẫn còn nhớ. Con bảo mẹ hiếu kính dẫn bà ấy theo bên cạnh, mẹ cũng không phải chúa cứu thế, mẹ làm không được.”

Sau hai ngày giằng co, cuối cùng cô vẫn chọn thỏa hiệp, thu dọn đồ đạc đi theo mẹ lên tỉnh.

Cô đã hứa với bà nội, mỗi tuần sau khi tan học cô sẽ về với bà. Bà nội vui vẻ đồng ý, dặn cô ở trường phải chăm chỉ học tập, không cần lo lắng cho bà ấy.

Lên đến tỉnh, cô mới thật sự hiểu được cuộc sống của mẹ, hóa ra mẹ cô không có công việc gì nghiêm túc, mấy năm nay bà ấy làm rất nhiều việc, nào là làm công xưởng, làm gái gội đầu, bán rượu ở quán bar, kỹ thuật viên mát xa. Nhưng dường như mẹ cô không thích hợp đi làm, việc nào cũng không làm được lâu.

Nhưng bà ấy xinh đẹp, cũng rất giỏi chuyện yêu đương. Sau khi rời khỏi ba không lâu bà ấy đã quen bạn trai mới, lúc đó bà mới đến Thâm Thành, gội đầu trong tiệm tóc, lúc đầu bà ấy chen chúc trong ký túc xá nhân viên cùng với những cô gái khác trong tiệm tóc, sau đó ông chủ tiệm cắt tóc nhìn trúng bà ấy, hai người nhanh chóng chính thức qua lại, nhờ vậy bà ấy được chuyển đến ngôi nhà rộng rãi của ông chủ, hoàn cảnh sinh hoạt được cải thiện rất nhiều.

Nhưng hai người tiệc vui chóng tàn, ông chủ tiệm cắt tóc bị bạn bè dẫn đến Macao đánh bài, trong vòng một đêm đã thua sạch tài sản, còn nợ nần chồng chất.

Mẹ cô cũng không còn làm theo cảm tính như lúc trẻ, thậm chí khi người đàn ông đó nghèo đến mức kết hôn cũng không mua được một bộ quần áo mới cho bà, sinh con cũng không có tiền đưa bà đến bệnh viện, lúc đó bà cảm thấy không sao cả, bà yêu người đàn ông đó, dù thế nào cũng muốn đi theo ông ta.

Nói về ngày cô được sinh ra, mẹ cô đã mô tả nó thế này: “Trong tầng hầm chỉ có một ngọn đèn sợi đốt mờ mờ, không khí sặc mùi máu, ga trải giường và chăn dưới người đều thấm đẫm máu, mẹ đau đớn nhéo lòng bàn tay mình, sợ mình sẽ ngất đi rồi không tỉnh lại được nữa.”

“Lúc đó mẹ gọi tên ba con, muốn ông ta đến giúp mẹ, nhưng ông ta lại bị dáng vẻ sinh con của mẹ dọa sợ, chạy ra ngoài không quay đầu lại.”

“Mẹ đã sinh con một mình trong căn phòng tối tăm ẩm thấp đó. Mẹ đau đến muốn chết đi cũng không dám khóc, sợ không còn sức để sinh con ra. Cho đến khi nghe thấy tiếng khóc của con mẹ mới thở phào nhẹ nhõm.”

“Lúc cho con bú, cơ thể mẹ bị biến dạng, ở nhà lúc nào cũng nhếch nhác, chẳng hiểu sao lúc đó con cứ khóc như ăn không đủ no. Mỗi ngày mẹ ở trong tầng hầm mấy mét vuông kia, không phải bận rộn dọn dẹp nhà cửa thì chính là đang bận cho con ăn, thay tã cho con, ngày nào mẹ cũng ôm con, cõng con, hai mươi bốn giờ cũng không dám chợp mắt, nhưng ba con lại trách mẹ không thể ra ngoài làm việc kiếm tiền.”

“Một đêm, lúc mẹ đang cho con bú, ba con đi làm về nhìn thấy mẹ thì chán ghét cau mày, ông ta chê mẹ không biết ăn mặc như những người phụ nữ khác, nói ngực mẹ thật ghê tởm như hai quả bóng xì hơi, treo lủng lẳng trên thắt lưng.”

Nói đến đây, mẹ cô bỗng nhiên bật khóc. Cô cũng khóc, sau khi gặp lại đây là lần đầu tiên cô chủ động ôm lấy mẹ.

Vào thời khắc ấy cô đột nhiên cảm giác được tất cả chuyện không thể tha thứ đều có thể tha thứ.

Dù cô có oán hận mẹ bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng khi đối mặt với nỗi đau sinh nở, điều đó trở nên không đáng nhắc tới.

Mẹ nói với cô, từ lúc đó bà ấy dần lạnh nhạt với cô. Bà biết ông ta tìm phụ nữ bên ngoài, vì bà không nỡ cô còn nhỏ bên bà ấy vẫn luôn âm thầm chịu đựng, cho đến khi ba cô bắt đầu cờ bạc, hai người bắt đầu cãi nhau thường xuyên.

Ba cô cờ bạc mười lần thua chín lần, dần dần tính tình càng ngày càng mất kiểm soát, thường xuyên về nhà trong tình trạng say xỉn, mẹ nói với ông ta vài câu là ông ta liền ỷ mình to lớn mà bắt đầu đấm đá mẹ.

Cuộc sống như vậy đã kéo dài suốt năm năm kể từ khi cô được sinh ra.

Cuối cùng vào năm cô năm tuổi, mẹ đã nhẫn tâm bỏ cô đi, rời khỏi lồng giam kia mà không quay đầu nhìn lại.

Sau khi rời khỏi ba, mẹ hoàn toàn biến thành một người khác, bà vẫn yêu đương, nhưng không còn tin tưởng vào đàn ông, càng không đồng cảm với đàn ông.

Sau khi chủ tiệm cắt tóc thua sạch gia sản, mắc một khoản nợ khổng lồ, ngày hôm đó mẹ cô đã thu dọn đồ đạc bỏ đi không ngoảnh lại.

Bà không ngại người khác mắng mình thấy tiền sáng mắt, không có tiền thì phủi mông bỏ đi. Bà cũng không quan tâm mình bị mắng là gái đi3m, dù bà chẳng có được gì.

Bà chỉ biết rằng trước đây bà đã đối xử tệ với bản thân mình, kể từ bây giờ bà phải đối xử tốt với bản thân mỗi ngày.

Sau khi rời khỏi Thâm Thành, mẹ cô chuyển đến Hạ Thành.

Bà được giới thiệu đến một cửa hàng mát-xa học việc, hàng ngày ngồi xổm dưới đất bóp chân cho người khác.

Vì xinh đẹp nên bà luôn bị những ông già béo ú lợi dụng, bà ngày càng chán chường nên chưa đầy hai tháng đã từ chức.

Sau đó bà nghe nói bàn rượu ở quán bar có hoa hồng nhiều, vì muốn kiếm tiền, bà ấy liền lao vào quán bar.

Vì để bán rượu, bà dần dần luyện thành ngàn ly không say. Lại nhờ có gương mặt xinh đẹp nên bà dần có chút tiếng tăm, có không ít khách nghe tên đến uống rượu với bà, chiếu cố chuyện làm ăn của bà.

Vì bán rượu, bà nhanh chóng kiếm được rất nhiều tiền, cũng là vào lúc đó, bà quen người bạn trai thứ hai sau khi rời khỏi ba cô.

Đó là một người đàn ông trung niên làm ăn, theo lời mẹ nói, ông ta có hơi keo kiệt, nhưng cũng coi như thấy qua việc đời, trong một năm ở cùng ông ta, mặc dù người đó không tiêu một đồng nào cho bà, nhưng bà vẫn học được một chút kỹ năng làm ăn của ông ta.

Sau này người đàn ông trung niên thích mấy cô gái trẻ hơn, rất nhanh đã chia tay với mẹ cô.

Nhưng mẹ cô không đau buồn chút nào, bà bắt đầu nghĩ đến việc mở một cửa hàng, dùng những kỹ năng học được từ bạn trai cũ, bà đã lấy hết tiền tiết kiệm và đầu tư một quán bar.

Vốn dĩ bà ấy cho rằng mình coi như hiểu rõ quán bar, hiện tại trong phương diện kinh doanh cũng có chút hiểu biết thông thường, hẳn là có thể mở.

Nhưng nhiều việc nhìn thì dễ nhưng làm thì khó, do chưa có kinh nghiệm, lại lựa chọn địa điểm không tốt, quán bar đã tuyên bố đóng cửa trong vòng hai tháng sau khi khai trương.

Sau khi quán đóng cửa, tiền tiết kiệm của mẹ cũng hoàn toàn trôi theo dòng nước.

Bà đánh phải tìm việc làm lần nữa, lại bắt đầu tiết kiệm lại từ đầu.

Lúc đó bà có chút chán nản, chán ánh đèn rực rỡ của các quán bar xa hoa truỵ lạc, nên khi tìm việc mới, bà đã chọn đến nhà máy làm một số việc đơn giản.

Lúc bà an phận làm công nhân trong nhà máy thì chàng phó giám đốc trẻ tuổi của nhà máy đã thích bà, mỗi ngày đều đưa đón bà, mời bà đi xem phim, ăn tối dưới ánh nến, luôn chuẩn bị bất ngờ cho bà.

Lúc đó mẹ cũng chỉ mới ngoài ba mươi, chưa từng được người đàn ông nào đối xử như vậy, bà nhanh chóng rung động, rơi vào bể tình cùng người đó.

Cho dù hai người đã chia tay rất lâu nhưng khi nhắc đến người đó, mẹ cũng không có bất cứ lời oán giận nào. Mẹ nói đó là một người rất tốt, trong thời gian yêu người đó mẹ đã nhận được sự tôn trọng chưa bao giờ có được. Mặc dù ông ấy là một người phong lưu, cũng đã nói rõ sẽ không cưới bà, nhưng trong suốt thời gian yêu nhau, bên cạnh người đó không bao giờ có người phụ nữ thứ hai.

Ông ấy đối xử với bà vô cùng tốt, thỉnh thoảng sẽ tạo ra những bất ngờ lãng mạn cho bà, sẽ đưa bà ra nước ngoài du lịch, đưa bà đến các buổi hòa nhạc, ngắm nhìn những phong cảnh ở nước ngoài mà bà chưa từng thấy trước đây.

Lúc nhắc đến ông ấy, mẹ nói thế này: “Hai năm ở bên cạnh ông ấy, mẹ cảm giác như mình đang sống trong một thế giới khác. Mẹ mới phát hiện ra rằng trên đời này có rất nhiều điều tươi đẹp. Mẹ cảm thấy mình rất ngu ngốc khi nhớ lại mẹ đã từng nhốt mình trong căn hầm tối tăm đó nhiều năm như vậy.”

“Mãi cho đến hai năm trước, bọn mẹ chia tay. Ông ấy để nhà lại cho mẹ, còn cho mẹ một tấm chi phiếu hai triệu.”

Khương Từ hỏi: “Mẹ có nhận không?”

Chu Vân trả lời cô: “Sao lại không nhận?”

“Mẹ dùng số tiền đó đầu tư mở quán cà phê, không ngờ thời cơ xoay chuyển, sau nửa năm kinh doanh, mẹ bắt đầu có lợi nhuận. Thế là mẹ đầu tư nhiều dự án hơn, đương nhiên dự án có lời có lỗ, cho đến năm nay, lợi nhuận của mẹ đã ổn định nên mẹ vội vàng quay về Dung Thành đón con.”

Vốn dĩ mẹ cô muốn đưa cô đến Bắc Thành học, nhưng Bắc Thành quá xa, cô không nỡ xa bà nội, dù nói thế nào cũng không chịu đi.

Mẹ cố gắng một thời gian dài nhưng không hiệu quả, vì vậy cuối cùng bà đã thỏa hiệp và đồng ý cho cô ở lại Dung Thành.

Thời gian cô học ở Dung Thành, mẹ cô không phải lúc nào cũng ở bên cạnh cô, bà có cuộc sống của riêng mình, trong ấn tượng của Khương Từ, mẹ cô dường như lúc nào cũng đang yêu đương, chỉ là những người đàn ông bên cạnh bà luôn thay đổi, từ đầu đến cuối không ổn định.

Mãi cho đến năm cô học lớp mười một, mẹ cô quen với một người đàn ông.

Cô đã từng thấy mẹ hẹn hò với rất nhiều bạn trai, nhưng chưa bao giờ thấy mẹ vội vàng như lúc này, dường như thực sự muốn bắt lấy đối phương.

Mãi cho đến khi cô xem tin tức trên TV cô mới phát hiện ra bạn trai mới của mẹ cô thực sự là giám đốc của tập đoàn Thẩm thị.

Cô kiểm tra thông tin của đối phương, phát hiện đối phương năm mươi ba tuổi, hơn mẹ cô tận mười tuổi.

Mẹ cô không để ý chút nào, bà thẳng thắn nói với cô: “Sức hấp dẫn của một người đàn ông không nằm ở tuổi tác. Huống hồ dựa vào điều kiện của mẹ, có thể tiếp xúc với một người đàn ông có thân phận như chú Thẩm của con đã là giấc mơ mà phụ nữ nằm mơ cũng không mơ tới được. Mẹ có thể gặp được thì nhất định phải tóm chặt lấy, nếu bỏ qua cơ hội lần này thì sẽ không còn nữa.”

Cô nhìn mẹ, không hiểu hỏi: “Cơ hội gì?”

Mẹ yên lặng nhìn rồi trả lời cô: “Cơ hội vượt qua giai cấp.”

Cô càng lúc càng khó hiểu, nhìn thấy mẹ như vậy, cô cảm thấy đột nhiên trở nên xa lạ.

Mẹ nói với cô: “Tiểu Từ, con không hiểu. Con không biết người bình thường tích góp tài sản khó khăn thế nào, mẹ cố gắng nhiều năm như vậy cũng chỉ có thể ăn no mặc ấm. Nhưng cuộc sống như vậy khiến mẹ không có cảm giác an toàn, con hiểu không?”

Khương Từ không hiểu.

Cô không hiểu được thế giới của người lớn, cô cảm thấy quá phức tạp, phức tạp đến mức làm cô muốn trốn chạy.

Nửa năm sau khi mối quan hệ của mẹ và chú Thẩm ổn định, mẹ đột nhiên nói muốn đưa cô đến Bắc Thành học.

Cô vô cùng kinh ngạc, nói với mẹ: “Con sắp lên lớp mười hai rồi.”

Mẹ nói: “Chính là vì sắp mười hai rồi nên mẹ mới muốn dẫn con đến Bắc Thành.”

“Mẹ đã hỏi giáo viên của con, Dung Thành và Bắc Thành sử dụng chung một bộ sách giáo khoa, con đến đó học vẫn sẽ theo kịp tiến độ thôi, đợi năm sau thi đại học xong rồi quay về.”

Khương Từ không muốn đi, nói: “Không đến Bắc Thành con cũng có thể thi đậu đại học tốt.”

Mẹ nói: “Năng lực của giáo viên ở Bắc Thành và Dung Thành cách nhau một trời một vực, lớp mười hai là một năm quan trọng, con có biết học hành tử tế sẽ giúp con nhiều như thế nào trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm sau không?”

“Nhưng mà…”

“Được rồi, không nói nữa.” Mẹ không cho thương lượng, từ chối cô, nói: “Thủ tục chuyển trường mẹ đã làm xong, trường học bên kia chú Thẩm cũng đã sắp xếp xong xuôi cho con rồi, chờ qua mùa hè này, khai giảng trực tiếp đi học là được.”

Khương Từ cứ như vậy bị tước đi cơ hội đưa ra lựa chọn của riêng mình, theo mẹ lên máy bay đến Bắc Thành.

Cô sững sờ nhìn mây ngoài cabin, hồi tưởng lại cuộc đời mười tám năm ngắn ngủi của mình, trong lòng cô cảm thấy có chút trống rỗng.

Cô bỗng nhiên rất nhớ bà nội, không biết bà ở nhà có tốt không? Cô rất muốn trở lại mấy năm trước, trở lại những ngày tháng cô và bà nội sống nương tựa nhau trong thôn.

Năm năm đó vẫn là khoảng thời gian vui vẻ và hạnh phúc nhất trong mười tám năm cuộc đời của cô.

*

Chuyến bay dài hai tiếng cuối cùng cũng kết thúc, sau khi xuống máy bay, cô theo mẹ đi lấy hành lý.

Trong lúc chờ hành lý đến, mẹ cô liên tục dặn cô: “Hôm nay là sinh nhật chú Thẩm con, trong nhà sẽ có rất nhiều người thân và bạn bè, chút nữa con phải lễ phép biết không? Đừng lúc nào cũng xụ mặt.”

Khương Từ vốn dĩ không muốn đến Bắc Thành.

Giờ phút này lại nghe mẹ dặn dò như vậy, cảm xúc của cô không khỏi có chút sa sút, nhẹ giọng đáp, “Con biết rồi.”
Bình Luận (0)
Comment