Sau Khi Làm Vô Thường Bán Thời Gian Thì Tui "Hot"

Chương 7

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chuyển ngữ: Dú

Chương 7: Quỷ đói cũng có thể làm quỷ sai

Trình Hải Đông ở lại nhà Lan Hà đến tối thì Lan Hà mới đứng dậy tiễn anh ta xuống nhà.

"À đúng rồi, anh nói chú hay, lần trước sau khi gặp phải mấy thứ "bẩn" kia, khi về anh bèn lên miếu xin bùa bình an, cũng không biết có phải tại tác dụng tâm lý không mà đến tối ngủ ngon hơn nhiều." Trình Hải Đông nói xong, còn đưa bùa ra cho anh xem.

Lan Hà hỏi: "Vậy à? Thế thì tốt."

Trình Hải Đông lầu bầu: "Chú đừng có qua quýt với anh, sao chú không tin anh chứ?"

Lan Hà đáp: "Không phải em không tin mà là nghĩ anh đừng nghĩ đâu đâu suốt ngày nữa, càng nghĩ tinh thần càng bất ổn. Hơn nữa, anh có thể đi chùa Giác Tuệ, nơi đó khá nổi tiếng. Nếu là mua thì chi bằng mua ở nơi có tên tuổi lâu đời, sẽ an tâm hơn."

Ban đầu anh cũng chỉ nghe hơi nồi chõ chùa Giác Tuệ cực kì nổi tiếng, nhưng qua trải nghiệm lần trước mới biết chùa này cũng có tiếng ở chỗ âm sai, đành đề cử cho Trình Hải Đông.

Trình Hải Đông ngẫm lại: "Cũng được, lần sau anh đi chùa Giác Tuệ."

Đến dưới chung cư, Trình Hải Đông bảo anh đừng tiễn nữa.

"Lái xe cẩn thận nhé." Lan Hà đứng ở cửa dặn đôi câu, lúc chuẩn bị quay về thì Ứng Thiều cũng về.

Ứng Thiều còn dẫn theo hai sư huynh đệ, trong tay hoặc xách hoặc ôm đồ cúng nhang đèn.

Ánh mắt Lan Hà lưu luyến trên con gà quay của họ, thấy Ứng Thiều nhìn mình bèn khẽ cười: "Đều là lừa đảo cả à?"

Ứng Thiếu: "... Phải."

Các sư đệ: Goát đờ hợi!

...

Vừa vào cửa, các sư đệ Ứng Thiều phàn nàn: "Anh nói cái gì thế, sao tự xưng là lừa đảo?"

Ứng Thiều bình tĩnh đáp: "Vậy hai đứa muốn anh mày phải trả lời sao, nói cho hàng xóm không tin ma quỷ rằng chúng ta là cổ sư? Nhưng anh ta chưa chắc đã biết cổ sư, vậy nói chúng ta là "Người cung cấp dịch vụ tôn giáo hộ gia đình" à?"

Sư đệ: "..."

Gia, gia gì cơ?

Đậu xanh, người học đại học có khác, chẳng lần nào cãi nổi sư huynh Ứng Thiều, thậm chí chỉ hiểu được nửa câu gã nói.

Ứng Thiều ậm ừ, ba người bắt đầu bày đồ cúng, "Sư huynh, dạo này hình như Bắc Kinh ngày một loạn. Cơ hội để trở nên xuất chúng mà sư phụ bảo là hiện giờ sao?"

"Anh mày cũng muốn lắm, ngặt nỗi Bắc Kinh người tài hết lớp này đến lớp khác, ngay cả đến sư phụ cũng chưa chắc đã có thể... Thôi, kiếm đủ phí sinh hoạt hẵng nói sau." Ứng Thiều cẩn thận xem xét không sai lầm gì nữa bèn chỉ đạo các sư đệ cùng hát "Bài dâng hương", đồng thời chuẩn bị quay video để chủ thuê xem.

Vì kiếm tiền mà thời nay phạm vi nghề nghiệp của mọi người ngày càng trải rộng. Ngày xưa nuôi cổ quỷ đâu cần phải an hồn. Họ nhận việc này là để trấn an linh hồn người đã khuất, nhắn nhủ lời của con cháu, hi vọng tổ tiên của chủ thuê sống tốt, cũng phù hộ con cháu.

Làm một lần ba trăm tệ, làm mãi thành quen.

Ứng Thiều mở miệng cất tiếng hát: "Một nén hương thơm đến tám phương, quỷ sai Thành Hoàng đến dẫn đường..."

Kiểu chú ngữ này dù có linh hay không thì nghe cũng siêu đỉnh, hở tí là bảo quỷ sai dẫn đường, thần tiên làm việc cho mình các kiểu.

Ứng Thiều vừa mới hát một câu thì đã thấy Kim Tàm cổ trong ngực hơi ngọ nguậy như đang dự báo điều gì đó, thoáng cái căn phòng đã nổi gió âm.

"Hả?"

Sư đệ ngó dáo dác, biểu cảm căng thẳng. Cửa sổ không mở, gió lạnh đâu ra.

Ngay sau đó, một bóng trắng đi xuyên tường, trên đầu đội mũ cao viết dòng "Đến cũng đến rồi", chưa kể nửa gương mặt bị khẩu trang che mất, cổ tay quấn dây xích, bên hông dắt cây quạt – Đúng là cách ăn mặc của quỷ Vô Thường. Người đó vừa mở miệng đã hỏi: "Kẻ nào gọi quỷ sai?"

Cả ba: "......"

Họ ngu người luôn rồi, làm sao họ... có thể đưa âm sai tới thật?!

Đó chỉ là lời hát ba xạo cả, đến nay vẫn chưa bao giờ gọi được ai tới, làm gì có chuyện âm sai có thể nhàn nhã cả ngày mà nhận lời của mấy người làm nghề không tiếng tăm này đâu.

Vả lại mới chỉ hát đúng một câu! Trình độ kiểu quái thế này? Đừng nói là sư phụ, ngay cả sư phụ của sư phụ cũng chẳng làm được ấy chứ!

Chỉ thấy vị Vô Thường nọ sải bước đến chỗ bàn thờ của họ hết sức tự nhiên và thành thạo. Bởi vì Ứng Thiều có hơi túng thiếu nên con gà quay này chỉ có một nửa. Anh vừa ăn vừa hỏi: "Cần giúp vụ gì? Gửi thư cho vong hồn à?"

"Phải, phải... Làm phiền ngài rồi..." Bây giờ Ứng Thiều vẫn chưa liên tưởng đến cảnh mình gặp trước đó, chỉ thấy khó tin thôi.

Còn sư đệ gã thì nhỏ giọng hỏi: "Bộ chả phải chúng ta mời âm sai của Thành Hoàng hả anh?"

Thành Hoàng ở mỗi vùng cũng giống như chủ tịch thành phố vậy. Hễ có việc gì là báo trước cho bộ máy Thành Hoàng rồi mới báo dần lên các âm ty phía trên.

Thôi thì hình dung như này, kiểu như họ chỉ muốn mời cảnh sát đồn thôi, kết quả người bên tổ trọng án đến mẹ nó luôn!

Mũ của người tổ trọng án viết "Đến cũng đến rồi", song cả bọn chưa gặp âm sai được mấy bận, nào dám mở miệng hỏi vụ này, lỡ chọc giận người ta thì sao.

Lan Hà cũng nghe được, bèn ra vẻ ngại ngùng: "À... ta chưa nghe gì cả."

Cả ba: "..."

Lúc này, Kim Tàm cổ vẫn nhúc nhích truyền tin. Ứng Thiểu cảm nhận, giờ mới ngộ ra: "Có phải lần trước ngài đã... cứu tôi?"

Lan Hà đáp mập mờ: "Chắc vậy, ta không nhớ."

Anh nói xong, mắt vẫn nhìn trân trân Kushikatsu họ mua ngoài về.

Ứng Thiều: "..."

Đúng là không thèm giấu ánh mắt.

Đối mặt với ân nhân cứu mạng kiêm âm sai, một kẻ ăn cơm âm phủ như Ứng Thiều dĩ nhiên lẹ tay bưng Kushikatsu: "Món này... ngài muốn thử không? Cả hương khói nữa..."

Lan Hà cóc thèm nhìn hương khói. Chưa kể bây giờ anh muốn Kushikatsu mình ao ước đã lâu hơn thì thân là một hồn sống, anh không có hứng ăn hương khói lắm.

Thứ quỷ thần ăn khác với con người. Trong "Tử bất ngữ" đã từng nói, "Tất cả ẩm thực, ngửi mà không nuốt. Đồ nóng bị ngửi, nguội đi nhanh chóng."

Lúc quỷ thần ăn cơm, thứ cho vào thật ra là "khí" như tinh khí, nhiệt khí, chứ không ăn thật. Mà sau khi tinh túy bị hưởng dụng rồi, tất nhiên món ăn sẽ mất mùi, mất chất, nhạt như nước ốc. Nóng, cũng sẽ nguội ngắt.

Cả bọn chứng kiến Vô Thường đại nhân chè chén no nê, viết thư gửi đến âm phủ rồi đi mất dạng.

"Khoan đã, không biết tôn tính đại danh của đại nhân là?" Ứng Thiều sốt sắng hỏi.

Nghệ danh ở giới diễn xuất của Lan Hà chưa nổi, huống chi là âm phủ. Anh nghĩ đến xưng hô Nghiêm Tam gọi bèn đáp qua loa: "Gọi anh Đến đi."

Sau khi Vô Thường đi, cả ba nhìn nhau cả buổi mới thực sự cảm nhận được ban nãy họ đã gọi được âm sai tới!

Ứng Thiều xuất video ra, chỉ thấy mặc dù không có hoa rụng nhưng trong video, họ hát một câu xong là nói chuyện với không khí. Sự hưng phấn của Ứng Thiều bỗng chốc hạ xuống: "Chúng mày nói coi nếu ông chủ nhìn thấy có chấp nhận không?"

Sư đệ: "..."

Đương nhiên... là không!

Cho dù họ có mời âm sai thật nhưng xét thấy quay không ổn nên chỉ còn nước quay lại lần nữa nộp cho ông chủ.

Ứng Thiều nhìn xiên nướng. Gã mới chỉ nghe nói món ăn bị quỷ thần hưởng dụng xong sẽ mất mùi vị, song chưa bao giờ kinh qua chuyện thật nên không khỏi cầm một cái xiên lên...

"Sao?" Các sư đệ cũng nhìn hắn đăm đăm mà hỏi. Đằng nào thì đây cũng là bữa khuya của cả bọn.

Ứng Thiều nếm: "Ừm... Đúng là không có mùi vị nào nữa, hơi giống mì căn... Mì căn, bỏ thêm tí bột thì là Ai Cập với muối rồi chúng ta nướng mì căn mà ăn đi. Đừng để phí."

Sư đệ: "..."

...

Ứng Thiều ăn uống xong xuôi bèn đi ra ngoài vứt rác, vừa khéo gặp hàng xóm cũng xách một túi rác đi ra, cả hai gật đầu cười với nhai.

Dù Lan Hà hưởng dụng bằng hồn nhưng vẫn có cảm giác trong miệng hãy còn vương mùi, đoạn thỏa mãn chùi miệng.

"Ăn bữa khuya à?" Ứng Thiều mỉm cười hỏi.

"Ừ." Lan Hà nhìn túi rác của gã, "Anh cũng vậy hả?"

Ứng Thiều ợ một cái: "Ăn mì căn nướng."

Lan Hà: "... À."

Gì cơ, mì căn nướng đâu ra? Sao ban nãy anh chưa được ăn nhỉ?

Lan Hà gấp xong đống trâu ngựa giấy cho Lão Bạch, đúng lúc y rảnh bèn tự tay đến lấy.

"Thêm tí tiền tiêu nữa đi! Sắp mười tám tháng tư rồi, có thêm trâu ngựa, ta muốn lên núi Diệu Cảm!" Lão Bạch giục.

"Lên làm gì, tham gia hội chùa à?" Lan Hà lấy làm khó hiểu.

Lão Bạch kinh hãi nhìn anh, "Đi nịnh hót chớ!"

Hai thần nữ có hương khói nghi ngút nhất dân gian: Phương Nam là Mẫu Tổ, phương Bắc là Bích Hà Nguyên Quân(1). Một người là thần biển, một người là thần núi. Lan Hà là người phía Nam nên không hiểu những mối quan hệ ở đây.

Rốt cuộc Bích Hà Nguyên Quân là ai? Bà tu đạo ở Thái Sơn, được người ta xưng tụng là Thiên Tiên Ngọc Nữ của Đông Nhạc Thái Sơn – Bích Hà Nguyên Quân, cũng được gọi là Thái Sơn nương nương, đồng thời là lãnh đạo trực tiếp của Phủ quân Thái Sơn, con gái của Đông Nhạc Đại Đế chủ quản địa phủ.

Nói theo một cách khác, bà là con gái của ông sếp chức cao nhất của lão Bạch. Người khác có thể không để ý tới nhưng đến sinh nhật bà, các âm sai đương nhiên phải tặng quà – Còn như Nghiêm Tam thì chắc chắn không cần tặng. Mà cũng chẳng cần chạy đến Thái Sơn, vậy sẽ rất phiền phức, trong khu vực hoặc chỗ xung quanh mình có miếu thì cúng vái là được.

Hành cung Thái Sơn cung phụng Bích Hà Nguyên Quân nằm rải rác khắp nơi, con số lên tới hàng nghìn hàng vạn. Chỉ riêng ở Bắc Kinh thôi, trong "ba núi bốn đỉnh" toàn là miếu thờ của bà. Sở dĩ gọi "đỉnh" là dựa theo cách nói "Miếu Bích Hà" trên "đỉnh" núi Thái Sơn.

Ngoài năm đỉnh trên thì còn đỉnh thứ sáu – Đỉnh Vàng núi Diệu Cảm do Hoàng đế ngự phong. Xưa kia hương khói cường thịnh, thậm chí còn hấp dẫn rất nhiều người ngoài tới dâng hương.

Đám trâu giấy ngựa giấy lão Bạch bảo Lan Hà gấp cho, một là dùng để chở quà lên núi, hai là chính chúng cũng xem như một phần quà.

"Tôi giúp anh tặng cùng." Lan Hà chủ động mở lời. Trước kia trong cảm nhận của anh, núi Diệu Cảm chỉ là một thắng cảnh dân tộc, đồ ăn chay khá nổi tiếng mà thôi.

"Ủa, chả phải cậu rất không muốn làm việc bên ngoài hả, sao giờ lại sẵn lòng rồi?" Lão Bạch thốt ra câu này với giọng nghe rất lạ, song vẫn nhận lời ngay, "Vậy đi thôi, bây giờ đủ số người rồi."

...

Núi Diệu Cảm.

Nơi đây có độ cao hơn 1000 m so với mặt biển, thời xưa khi vẫn chưa sửa đường, leo núi dâng hương rất vất vả. Đi từ Bắc Kinh đến chân núi phải mất cả nửa ngày trời, đường núi gập ghềnh lại tốn thêm một ngày nữa mới leo lên được.

Bây giờ dương gian đã cho tu sửa lại đường xong xuôi, thành thử tiện cho âm phủ. Đằng nào bao nhiêu cầu đường ở âm phủ toàn dùng ké dương gian cả.

Lão Bạch xách đèn lồng đỏ, một đại đội trâu ngựa giấy chở hàng hóa đầy ắp đi đằng trước, Lan Hà xách đèn lồng đi đằng sau. Nếu là người yếu bóng vía thì có lẽ sẽ nhìn thấy hai ngọn đèn nhỏ lấp lóe giữa đêm khuya.

Âm binh qua đường trong truyền thuyết dân gian chính là như vậy.

Lan Hà đã đến Bắc Kinh mấy năm mà chưa lên núi Diệu Cảm bao giờ, nghe bảo hiện giờ nơi đây sẽ tổ chức hội chùa. Lần này, anh tới "chạy việc" một chuyến.

Đường buổi đêm đen như mực, cũng chẳng có côn trùng kêu hay chim muông hót.

Trong cái bóng đêm đen ngòm và im phăng phắc này, bỗng dưng có tiếng khóc ré của trẻ con cất lên: "Oa... Oa..."

Tần số tiếng khóc của trẻ con vốn đã cao, giờ còn là đêm hôm khuya khoắt trên núi hoang vu chẳng bóng người, bất thình thình nghe tiếng khóc của trẻ con làm da đầu người ta run lên.

"... Sao, sao lại có trẻ con?"

"Cậu đi ngó xem." Lão Bạch làm biếng.

Nói thật, tiếng khóc này rất đáng sợ. Lan Hà nao núng, cho dù anh vẫn thường hay gặp quỷ, năng lực chấp nhận đã cao hơn người khác.

"Không đi được không? Tôi có cảm giác đi qua đó sẽ bị hù dọa, phim kinh dị toàn thế." Những gì Lan Hà tôi luyện suốt chừng ấy năm là nếu không cần thiết thì đừng nhìn, cũng đừng rước chuyện vào người.

Lão Bạch: "Hù dọa? Cậu là một Vô Thường, cậu có tư cách sợ không?"

Lan Hà: "...... Tôi không."

Chưa gì đã mất quyền sợ rồi, Lan Hà đành phải xách đèn lồng đi đến nơi truyền ra âm thanh. Anh cất vài bước về phía bụi cỏ, giơ đèn lồng chiếu xuống.

Chỉ thấy một đứa trẻ trần truồng mặc mỗi cái yếm đương ngồi khóc lã chã dưới đất, trên đầu còn có một vết thương. Bên cạnh lại là dốc, chắc là ngã xuống.

Nghe tiếng khóc ré đáng sợ thật đấy, song đứa bé không đáng sợ lắm. Lan Hà bình tĩnh lại, "Con cái nhà ai đây?"

Lão Bạch nhìn rồi đáp: "À đúng rồi, có lẽ là từ miếu đấy. Ngoài quán xuyến việc thiện ác trong nhân gian ra thì Thái Sơn nương nương còn quản lí việc sinh đẻ, trong miếu có không ít trẻ con."

Y biết hơn nửa là Lan Hà không biết gì nên giải thích thêm. Nương nương thiện tâm, một vài hồn trẻ con sẽ được bà thu nhận, tặng cho tín đồ nuôi nấng.

"Này nhóc, bé có ổn không?" Lan Hà bước tới toan ôm đứa trẻ lên.

Lão Bạch dặn: "Cẩn thận, mấy đứa trẻ này nhát như cáy. Lần trước ta thè lưỡi mà chúng khóc sưng cả mặt..."

Giọng nhỏ đi dần, Lan Hà đã ôm bé con lên một cách khá là thuần thục. Bố mẹ anh đều là giáo viên tiểu học, cô anh là giáo viên mầm non, tạm xem là gia truyền, coi như cũng thạo việc chăm trẻ.

Bé con cởi truồng nằm trong lòng Lan Hà chẳng tỏ vẻ sợ sệt gì, thậm chí bé còn rúc vào lòng anh, bàn tay nho nhỏ duỗi ra, kéo khẩu trang Lan Hà xuống.

Lan Hà tháo khẩu trang xuống, vì là một đứa trẻ nên anh không bận tâm lắm.

Bé con nhìn thấy mặt Lan Hà thì càng thích anh hơn.

"Để chú thổi cho nhé, không đau nữa." Lan Hà thừa thế thổi vết thương cho bé. Ban đầu anh còn định bảo đi tiêm nữa cơ, song ngẫm lại ai cũng là hồn cả... Bèn thôi.

"Blè." Lão Bạch lại thè lưỡi.

Lan Hà: "..."

Anh biết vì sao trẻ con không thích anh không? Lưỡi anh dài sắp chạm ngực rồi kìa.

Lan Hà đeo khẩu trang vào, ôm bé con tiếp tục đi lên núi, còn lấy lá cỏ làm châu chấu cho bé. Bé con được anh dỗ dành nên rất ngoan.

Đến trước miếu Phổ Tế trên đỉnh núi thì hai người bắt gặp một cô gái mặc áo vạt ngắn và váy đang đứng đếm đám trẻ cởi truồng bên cạnh, miệng lẩm nhẩm đầy âu lo: "Một đứa nữa đâu? Một đứa nữa đâu?"

"Âm ty Thái Sơn có quà đến..." Lão Bạch cất cao giọng, đoạn gọi cô gái kia, "Cô Hồ, cô xem có phải miếu các cô thiếu một đứa trẻ không? Nó chạy đến giữa sườn núi bị bọn ta nhặt được."

Nhiều đứa trẻ như này, dĩ nhiên không thể đâu đâu cũng do nương nương chăm bẵm. Quà đưa tới cũng không thể do nương nương đích thân xuống miếu nhận được. Một cái miếu thờ to đến nhường này đương nhiên phải có người hầu.

Cô gái kia ngước đầu lên, hàng lông mày lá liễu kết hợp với đôi mắt xếch trông cực kì xinh đẹp. Vào khảnh khắc chị trông thấy đứa trẻ trong tay Lan Hà bèn mừng rỡ, chỉ là lúc chị cười tươi, mắt càng hẹp hơn, miệng cũng toét hơn, trông có hơi cứng ngắc và quỷ dị, "Nguy hiểm thật nguy hiểm thật, ta cứ tưởng là mất một đứa rồi chứ."

Chị vừa bước vừa đánh eo đến trước mặt Lan Hà, "Cảm ơn chú em âm sai nhé." Nhác thấy gương mặt của bé con, chị nổi giận, "Vết thương trên mặt e là sẽ để lại sẹo."

Chị vươn tay muốn đón đứa trẻ.

Bé mập rất thích Lan Hà, níu vạt áo anh mãi không chịu thả.

Lan Hà thấy chị Hồ vươn tay ra, móng tay dài sắc bèn né người, "Này chị đẹp, móng tay chị dài quá, không hợp để ôm trẻ đâu!"

Chị Hồ sửng sốt.

Lão Bạch vội nói: "Cậu cứ đưa cho cô ấy đi, cô ấy có chừng mực."

Lan Hà trù trừ đưa bé con ra, "Tôi nghĩ tốt nhất là chị nên cắt móng tay đi, dài vậy gãi cũng bất tiện."

Chẳng hiểu sao mà chị Hồ lại cười khanh khách.

Nếu nói đến khuôn mặt của chị Hồ thì thực sự rất đẹp và thanh tú, ngặt nỗi mỗi khi chị cười, vẻ đẹp nó bèn nhuốm vẻ kì dị.

Chị vừa cười một cái là Lan Hà chưa bao giờ trải nghiệm việc này tóc gáy dựng đứng, không khỏi lùi về sau một bước, bị lão Bạch đỡ lưng.

Lan Hà nhận được lời ám chỉ của y: Có nhớ cậu có tư cách sợ không?

... Tôi không, tôi không có tư cách để sợ.

Mình là người đại diện cho âm ty đến xã giao. Lan Hà lẩm bẩm, đoạn cười gượng: "Mà thôi, tiên nữ không ngứa đâu nhỉ?"

Chị Hồ cười sằng sặc, cười run cả người, may là trông bé mập chẳng bị móng tay chị cào phải. Chị ôm bé mập vừa đi vừa nói: "Ngốc thế thì chắc là Vô Thường sống rồi... Vất vả cậu rồi, để ta đi tìm gì đó ăn cho."

Chị Hồ đi mất dạng, lão Bạch quạu: "Sau này không được tùy tiện bảo người khác cắt móng tay nữa, móng tay giống như một phần hồn vậy. Bình thường Hồ gia dễ nổi nóng lắm đấy, xem như hôm nay cậu giúp cô ấy một phen nên mới không mắng nhiếc cậu. Chứ như lúc thường ta đến nào có cơm mà ăn, đừng tưởng cô ấy tốt bụng."

"Tôi biết là móng tay rất quan trọng, nhưng cũng không cho nói hả?" Lan Hà đã từng nghe đủ loại truyền thuyết, rằng dùng tóc và móng tay của kẻ khác có thể làm phép.

Lão Bạch: "Cậu biết Ma Cô(2) không? Ngày xưa cô ta xuống nhân gian, một người tên là Thái Kinh nhìn thấy bèn nghĩ bụng, Ồ, bàn tay cô gái này đẹp thật. Nếu có thể gãi lưng cho mình thì tốt quá. Thế mà chỉ nghĩ đoạn đã ngã giữa phố, mắt chảy máu ròng ròng."

Đó là hình phạt của Ma Cô. Kẻ đó không nói ra, mới chỉ nghĩ thầm trong lòng.

Lan Hà không ngờ lại nghiêm trọng đến mức đó, "Thôi được rồi, tại tôi không để ý... Lát nữa sẽ xin lỗi chị ấy."

Chị Hồ đi chuẩn bị đồ ăn xong xuôi bèn dẫn lão Bạch và Lan Hà hưởng dụng. Cả ba đi qua miếu Phổ Tế, Lan Hà bèn thấy nơi đây vẫn có điện Quan Âm, "Ơ, tôi nói sai hai người đừng trách nhé. Sao ở đây còn cung phụng cả tượng Bồ Tát?"

"Miếu Phổ Tế vốn chỉ lấy nương nương làm chính, nhưng cũng có cả thần linh Phật giáo, Nho giáo, tục thần trong dân gian. Tại dân chúng có nhu cầu mà." Chị Hồ cười nhạt, "Quan Âm trong cung điện này là Quan Âm Độ Hải(3), hồi trước vốn là Quan Âm Tống Tử(4). Chẳng phải xưa kia có một khoảng thời gian khởi xướng kế hoạch hóa gia đình sao, thế là bị quản lý khu thắng cảnh đổi."

Lan Hà: "......"

... Thôi được, đằng nào cũng chẳng đổi Bích Hà nương nương được.

Vả lại sinh đẻ cũng chỉ là một trong những lĩnh vực quán xuyến chính của Bích Hà Nguyên Quân, không giống Quan Âm Tống Tử chỉ tặng con.

Đến một nơi nọ, anh bèn thấy sáu món ăn bày trên bàn cùng một bầu rượu.

Chị Hồ nói: "Không còn cơm chay nữa. Đây là món người phàm cúng, hai người ăn đi."

Lan Hà nhìn một cái là nước bọt tiết ra điên cuồng.

Chị Hồ thoạt trông cũng là một nhà ẩm thực, "Con cá quế này được cứa lát hoa mẫu đơn, ướp xong thì tẩm trứng gà chiên lên, đảm bảo dưới lớp da giòn rụm là thịt thà mềm tan, ngon miệng dậy hương. Nhìn con vịt hấp lò này đi, nấu thêm cải thảo, hít sốt vịt vào. Ưm..."

"Được rồi được rồi, ăn mau lên." Lão Bạch lười nghe chị nói nhiều.

Lão Bạch vừa mở lời cái là Lan Hà hít thức ăn nhanh như một cơn gió.

Một diễn viên đã lâu chưa được ăn no, ăn một bữa no là đủ chắc? Dĩ nhiên là không!

Cái gì gọi là thơm nức mà không ngấy? Cái gì gọi là giòn rụm ngon miệng? Ngay cả cải thảo cũng thấm nước canh đậm vị, dù Lan Hà chỉ hít thức ăn nhưng chẳng hề ảnh hưởng tới mùi vị, đó là một cảm giác vô dùng diệu kì. Sườn non vào miệng làm anh sướng muốn bay lên trời.

Sự thật cũng đúng là như vậy. Lão Bạch và chị Hồ tận mắt chứng kiến anh ăn bao nhiêu, người cao lên bấy nhiêu, à thật ra là hồn bay cao lên bấy nhiêu... Cả người nằm sấp xuống, tay cầm khẩu trang, hít lấy hít để.

Lão Bạch nhìn mà sững sờ. Y nói chứ sao lần này Lan Hà lại tích cực ra ngoài đến thế!

Chị Hồ cũng ngơ ngác hỏi: "Chả phải sau khi quỷ đói được siêu độ thì phải đủ tư cách mới đậu lên làm quỷ sai ư?"

Lão Bạch: "..."

Lan Hà chống bàn nằm nhoài ra một lúc mới dần ngồi xuống lại, nơi răng má vẫn còn thơm phưng phức.

Chị Hồ ngạc nhiên: "Ăn nhiều vậy à."

Lão Bạch cũng tặc lưỡi lấy làm lạ, nhưng không tiện nói: Kẻ đói hơn cả quỷ đói là diễn viên.

Lan Hà nở nụ cười ngại ngùng, lại quay về làm một chàng thanh niên xinh trai, đôi mắt màu nâu toát lên sự xấu hổ, "Tôi xin lỗi, nhất thời cầm lòng không đậu."

Chị Hồ bị anh nhìn một cái, "Không sao không sao, cứ ăn đi thôi."

Lão Bạch nói: "Thằng nhóc này của bọn ta còn trẻ quá, mỗi tí này đã no. Nếu hỏi đồ cúng ở đâu là tốt nhất thì ta nghĩ vẫn là ở chùa Giác Tuệ. Dù đó chỉ là đồ chay, nhưng hương vị thì... ăn một lần nhớ ba năm."

Lan Hà vừa nghe đã rục rịch, song anh nghĩ hòa thượng ở chùa Giác Tuệ không dễ lừa như Ứng Thiều, "Lão Bạch à... Lần sau anh đi thì dẫn tôi ăn cùng với?"

Lão Bạch liếc xéo anh: "Cậu xem việc đi Vô Thường là cái gì, một phương tiện để ăn uống no say à?"

Lan Hà: "Tôi cảm thấy Vô Thường là một nghề rất cao cả, giúp đỡ làm việc chính nghĩa ở cả hai giới âm dương. Nhất là âm ty Thái Sơn có tiền bối như anh quả là nâng cao trật tự âm phủ."

Lão Bạch nghe mà sướng rơn, dù thừa biết Lan Hà chỉ đang tâng bốc thôi: "Cậu bớt đội mũ cao* cho ta cái..."

Lan Hà: "..."

Lão Bạch: "..."

Lão Bạch mặt tỉnh bơ đỡ mũ mình, "Thành thật hơn đi."

(*Đội mũ cao cũng đồng nghĩa với xu nịnh. Ý ở đây là lão Bạch bảo Lan Hà bớt xu nịnh ổng đi, cơ mà chính ổng lại đang đội mũ cao aka xu nịnh rồi.)

Lan Hà nói với cả hai: "Chị Hồ, lão Bạch, tôi mời hai người ăn chút gì nhé."

Vì là tặng quà nên Lan Hà gửi hết số nén hương đã làm ra. Lúc anh lấy ra không đếm số lượng, số còn lại cất tiệt, có lẽ chia chác chút đỉnh cũng chẳng đáng kể.

Chị Hồ chỉ bật cười. Vừa xúc động một cái là khóe miệng anh đào chúm chím lại toác ra gần như đến mang tai, bèn lật đật lấy khăn che: "Đừng trách ta nói thẳng chứ chính cậu còn rặt vẻ ba năm chẳng được ăn hạt cơm nào thì có thể có đồ gì ngon lành chia sẻ với bọn ta?"

Lão Bạch nuốt nước miếng theo phản xạ: "Cô không nên nói vậy..."

*Chú thích:

(1) Bích Hà Nguyên Quân:

b8d6ed9f53871d3b62ba3ce84318d6af.jpg

(2) Ma Cô là tiên nữ thời xưa. Truyền thuyết liên quan đến bà thì nhiều. Thần tiên truyện của Cát Hồng cho rằng, bà là em gái của Vương Phương Bình, dung nhan tựa thiếu nữ mười tám, mười chín, y phục đẹp đẽ, rực rỡ, ưa nhìn, tu tại núi Cô Dư (sơn) ở phía đông nam Mâu Châu, thời Đông Hán từng giáng xuống nhà Thái Kinh, nói rằng mình đã ba lần thấy biển Đông biến thành ruộng dâu. Cũng có thuyết cho rằng, Ma Cô họ Lê, tự là Quỳnh Tiên, là cung nữ đời Đường được xuất cung, đã tu tiên đắc đạo tại một trong 36 động của Đạo giáo. Dân gian thời xưa xem Ma Cô là tượng trương cho điềm cát tường và sự trường thọ.

647743dbf4885913a7ca7af2123e2447.jpg

(2) Quan Âm Độ Hải là Quan Âm bảo vệ và phổ độ biển khổ trong 16 La Hán. Bà đứng trên cánh sen trôi nổi giữa biển rộng cuộn sóng.

b8214a9e94a58b814c0dbe9db78e13ea.jpg

(4) Quan Âm Tống Tử: Bồ tát Quan Âm Tống Tử thị hiện trên đời để ban cho những người cầu xin con trai sẽ có được đứa con trai hiếu thảo, người cầu xin con gái sẽ có người con gái ngoan hiền. Không những thế, Bồ tát Quan Âm Tống Tử còn cảm hóa ma nữ bảo vệ sự an toàn cho những người phụ nữ trong khi sinh và sau khi sinh được mẹ tròn con vuông.

0773bec56f68a8f455f59b45d6b9d537.jpg

(5) Kushikatsu:

bca25ca6a5160f9d1b11f3eeebb0e1e6.jpg

(6) Mì căn nướng:

afb83417289df62361ed4da716d76956.jpg

(7) Cá quế cứa lát hoa mẫu đơn:

aef08a087b46d5ee247c773da1069b9d.jpg
Bình Luận (0)
Comment