Ngày qua ngày, Dương Phàm và Mã Kiều ở chùa Bạch Mã, một đánh cầu, một luyện võ. Mùa thu dần qua đã có tuyết trắng bồng bềnh rơi.
Vào tết Nguyên Đán, mọi người trong cấm quân đều trở về đoàn tụ với người nhà. Bước sang năm mới rồi, Dương Phàm và Mã Kiều đều chỉ là hòa thượng hữu danh vô thực cũng xin phép Tiết Hoài Nghĩa cho quay lại phường Tu Văn nghỉ ngơi, về nhà Mã Kiều ăn tết.
Đón giao thừa, ăn cơm tất niên, uống rượu hoa tiêu, ăn đủ năm vị cay đắng ngọt bùi, treo câu đối, xem điệu múa được mùa. Đầu năm mới đi “Chúc tết”, đi thăm hỏi bạn bè hàng xóm, qua ba ngày vô cùng náo nhiệt. Sau khi trở lại chùa Bạch Mã lại như cũ khẩn trương luyện tập
Sau tết Nguyên Đán chính là Thượng Nguyên, thời Đường tết Nguyên Tiêu dường như còn quan trọng hơn tết âm lịch. Lúc này, ngay cả Tiết Hoài Nghĩa công việc cũng ngập đầu ngập cổ. Tết Nguyên Tiêu là ngày hội trọng thể trong thành Lạc Dương, ngày đó phải có treo lồng đèn, chả những nhà giàu trong nhân gian cũng chế tạo đèn màu, mà ngay cả quan phủ, nha môn cũng làm đèn màu, cùng dân chúng vui vẻ.
Sự khoa trương đến mức này Tiết Hoài Nghĩa sao có thể cam chịu không bằng người ta. Gã sớm đã bỏ ra một số tiền lớn, thuê nhiều thợ thủ công tay nghề giỏi, chờ qua tết âm lịch, những người này được mời đến chùa Bạch Mã, ở trong hậu viện rộng rãi, chế tác một cái đèn thật to lớn khổng lồ.
Tiết Hoài Nghĩa chỉ có đúng một yêu cầu đối với cây đèn:
- Nó phải lớn nhất, nó phải sáng nhất, áp đảo tất cả các loại đèn màu của mọi người trong thành Lạc Dương.
Những người có tay nghề giỏi này lúc trước đã giúp Tiết Hoài Nghĩa xây dựng cải tạo hậu viện và thiền phòng. Đối với họ muốn chế tác một cây đèn to lớn đẹp đẽ nhất không có gì khó khăn, bọn họ nhanh chóng lên một phương án để thực hiện chế tác.
Vì họ chế tác ngay nơi hậu viện của chùa Bạch Mã, nên cả đám người Dương Phàm lúc rảnh rỗi cũng tò mò đến xem. Nghe nhóm thợ này nói, thân cây đèn này to bằng mười người ôm, cao tới 36m, sau khi làm xong có thể cùng một lúc thắp 9999 ngọn đèn bên trong đốt liền một đêm, chỉ là chi phí cho dầu thắp rất lớn. Một cây đèn khổng lồ như vậy chỉ có kẻ giàu nứt đố đổ vách như hòa thượng Tiết Hoài Nghĩa mới có thể làm ra được.
Tuy nhiên một cây đèn khổng lồ như vậy nếu làm xong, không có biện pháp nào đưa nó từ chùa Bạch Mã ra đường cái mà trưng bày được. Cho nên ở trong chùa khi chế tác, cứ tách ra hai mét mốt làm một tầng. Bởi vậy đám người Dương Phàm không thể nào nhìn thấy nó đồ sộ ra sao.
Thời gian trôi qua thật nhanh, ngày hội Thượng Nguyên mà bọn họ ở tại chùa Bạch Mã gian khổ luyện tập và chờ mong đã tới gần.
Cuối cùng, tết Nguyên Tiêu đã tới, đây là ngày hội long trọng ở Đại Đường. Vào những ngày này, triều đình cho phép bỏ lệnh cấm đi lại ban đêm trong thành, gọi là ngày “Phóng dạ”, ba ngày này phố lớn ngõ nhỏ, quán trà, tửu lầu, ánh đèn rực rỡ, tiếng chiêng trống, pháo rộn rã. Cả trăm dặm đều thắp đèn không dứt, đây đúng là một việc đáng vui mừng.
***
Khi tết Nguyên Tiêu, trong cung cũng có nhiều loại ăn mừng, cho nên ngày đầu tiên chắc sẽ không sắp xếp thi đấu đánh cầu làm hoạt động vui chơi giải trí. Trận đấu sắp tới, mọi người cũng cần thư giãn một chút, cũng cần gặp mặt người thân, bởi vậy đội đánh cầu cấm quân giờ này đều đã đi hết, trở về gia đình cùng người nhà đoàn tụ.
Bên trong chùa Bạch Mã lúc này khói hương nghi ngút, vấn đề là phương trượng và thủ tọa đều nửa đường xuất gia giả làm hòa thượng, cơ bản chả hứng thú gì với việc này. Cũng may bọn họ cũng không quan tâm đến việc này, nếu là gặp gỡ các thí chủ, Tiết Hoài Nghĩa và Dương Phàm hai người này vẫn là những đại hòa thượng, còn có chịu hay không ăn chay niệm phật thì khó có thể mà nói.
Trong cung tổ chức các loại yến tiệc, Tiết Hoài Nghĩa phải vào trong cung đi ăn mừng, gã vốn là đâu có giác ngộ, căn bản cũng không coi Dương Phàm là hòa thượng thật, trước khi vào cung dự tiệc cố ý gọi bọn hắn lại dặn dò, cho bọn hắn trở về nhà cùng người thân đoàn tụ, chỉ có điều đừng quên trận đấu ngày mai là được.
Sở Cuồng Ca bị Lê Đại Ẩn nài ép, lôi kéo cùng gã cởi bỏ áo tăng đi ăn mừng tết Nguyên Tiêu. Dương Phàm và Mã Kiều đã cởi tăng y thay quần áo bình thường vào, trở lại phường Tu Văn. Đầu bọn họ trọc lốc có phần thất lễ, tuy nhiên cũng dễ xử lý, đội trên đầu loại mũ lông da dê của người Hồ là được rồi
Chạng vạng, trời còn chưa tối hẳn, rất nhiều nơi đã thắp đèn dầu. Cửa chính các phường mở rộng, tự nhiên ra vào. Mã Kiều lòng như lửa đốt, Dương Phàm mặc kệ ăn một chút “Bánh bột tằm”, hẹn Giang Húc Ninh cùng đi lên phố xem đèn. Mẹ của Mã Kiều và các chị em cũng muốn đi xem đèn, tuy nhiên mấy người bọn họ đã lớn tuổi chỉ đi xung quanh trong phường, cùng các bạn hàng xóm nói chuyện, cũng không đi quá xa, cho nên Mã Kiều có thể yên tâm mà đi chơi.
Khi hai người đến nhà Giang Húc Ninh, Giang Húc Ninh đã ăn mặc chuẩn bị sẵn sàng, nàng mặc áo mới, vấn tóc kỹ lưỡng, lông mày nhỏ mảnh tinh tế, mặc dù không son phấn gì nhưng ngũ quan rõ ràng là đẹp đẽ, trang điểm rất ít, chỉ có trên môi kia thoa một lớp son, mặt trắng phớn phớt như phấn thật là động lòng người.
Thấy bọn họ đã đến, Diện Phiến Nhi liền vui sướng cùng bọn lên phố. Trên đường cái, những tòa lầu, các phường, màu sắc tiếp nối nhau không ngừng, đèn phường, đèn lầu, đèn hành lang, đèn ở các rạp liên tiếp dài đến cả cây số, dù là nhà dân thường, các cửa hàng hay nhà quan lại quyền quý đều chăng đèn kết hoa, mà ngay cả các, nha môn, trại giam cũng đều trang trí các màu.
Biểu diễn hài kịch trên đường phố, hàng ăn vặt đông như nước. Ngày hội Thượng Nguyên, trai gái đều đi chơi đêm, ba ngày này, thiên kim tiểu thư nhà quyền quý cũng cùng tùy tùng, người hầu đi lại trên phố xem đèn không phân biệt trên dưới, đến nỗi thành Lạc Dương xe cộ đầy đường, đông đúc vô cùng.
Nếu ngày thường mà chen chúc như thế, khó tránh được có người nóng nảy, không kìm được mà chửi bậy, chẳng qua hiện nay là ăn tết, chỗ này phải thật náo nhiệt nên không ai là không kiên nhẫn, mỗi người đều từng bước, từng bước hết nhìn chỗ này, chỗ nọ, chỉ trỏ cười nói. Nếu trước cửa nhà nào treo đèn mới lạ, hình thức đa dạng, lại tinh xảo hấp dẫn thì rất nhiều người đứng lại ngắm nhìn.
Có vài người bán pháo rong dùng con lừa kéo hàng chất hàng như núi rao bán trên đường. Nhiều người đem chậu than đặt ở cửa, bỏ tiền mua ống pháo cho vào chậu châm lửa đốt, lập tức âm thanh “Lốp bốp, đùng đùng, đoàng đoàng” bên tai không dứt.
Trên đường cái rộng rãi còn có một phường tổ chức trò chơi cho thanh niên cường tráng “Móc câu”, móc câu chính là trò kéo co, ở giữa một cái cây làm mốc, các tiểu tử cường tráng hai bên hơn mười người ra sức kéo sợi dây thừng để kéo co, bên cạnh vô số đại cô nương, các cô vợ vẫy khăn lụa nũng nịu hò hét trợ uy.
Cái chỗ náo nhiệt nhất đương nhiên vẫn là trên đường cái. Trung tâm đường cái một cây đèn thật lớn dựng ở đó, chiếu sáng như ban ngày, trên đui đèn to rõ ràng ba chữ “Chùa Bạch Mã”. Dưới đèn có nhiều người vỗ tay hoan hô, ca ngợi, nữ có, nam có, trẻ già đều có, mấy trăm nam nữ cầm tay nhau vây quanh cây đèn vừa múa, vừa hát.
Điệu hát của bọn họ rất đơn giản, từ đầu đến cuối chỉ có hai câu, tuy nhiên bởi vì cái gọi là giậm chân, khom người uốn éo này rất thịnh hành, nhịp điệu với lời hát không ăn nhập với nhau, trò chơi này vốn là một loại hình khá thoải mái. Nếu ngươi không biết nhảy múa cũng đừng lo, chỉ cần cùng cầm tay người khác mà vòng quanh cây đèn kia chuyển động theo tiết tấu tự nhiên, thuận theo tiếng sáo, và tiếng trống Khương (Khương là dân tộc thiểu số thời cổ ở tỉnh Thanh Hải và các tỉnh lân cận, Trung Quốc) cũng có thể nhẩy đấy.
Đương nhiên cũng có những cô nương trẻ tuổi nhảy múa vô cùng đẹp, đều nhịp theo tiếng trống Khương rung động lòng người, các nàng thu vai, ngậm môi, đưa tay sau lưng, thả lỏng đầu gối, xoay eo, nghiêng mình tạo nên những đường cong xinh đẹp trên thân thể, hiện ra một vẻ thướt tha quyến rũ, làm say lòng người, bay mất cả hồn vía.
“Mang hương sắc, so yểu điệu”. Nữ nhân mỗi người một vẻ không diễn tả hết được, ở đây ca hát nhảy múa nhìn không sót cái gì
- Ta cũng nhảy đi!
Mã Kiều nhìn xem trong lòng hứng thú bừng bừng, kìm không được theo sát Dương Phàm và Diện Phiến Nhi nói một tiếng, lại hứng thú chen vào đám người đang ca múa. Những người này vui vẻ tiếp nhận hắn, nhanh buông bàn tay ra cầm chặt lấy tay Mã Kiều cho gã nhập vào hàng.
Ô! Bên trái là một cái tay nhỏ nhắn, bên phải cũng một cái tay nhỏ nhắn mềm mại trơn mướt, đều là tay của các tiểu cô nương!
Cái tên Mã Kiều này cũng thật là khéo chọn, trong đám người nhảy múa này nam có, nữ có, già trẻ đều có, thừa đúng thời cơ chọn lấy hai tiểu cô nương xinh đẹp nhảy đến trước mặt mình thì chen vào giữa.
Dương Phàm lắc đầu cười nói:
- Kiều ca thật đúng là khéo chọn.
Giang Húc Ninh khinh thường không thèm nhìn, nghếch mũi ngọc nhỏ nhắn mà hừ một tiếng nói:
- Ta xem hắn là chó chỉ thích đớp cứt! Ta mua vài cái “Dầu quẩy” để ăn, ngươi có muốn ăn không?
Dương Phàm vừa vỗ tay nhịp theo trống Khương, vừa nhảy bước theo mọi người, trái phải loạng choạng thân mình cười đáp:
- Được!
Giang Húc Ninh lấy từ trong ngực ra một cái khăn tay, mở ra lấy hơn mười đồng, Giang Húc Ninh lấy vài đồng chen chúc vào quầy “Dầu quẩy” chen chúc đến. Lúc này là tết Nguyên Tiêu, “Dầu quẩy” là một đồ ăn vặt, tráng miệng, nó là một đồ ăn ngọt làm từ gạo nếp, Giang Húc Ninh là con gái đương nhiên thích ăn rồi.
Giang Húc Ninh mua bảy, tám cái “Dầu quẩy”, gói trong giấy nhanh chóng quay lại. “Dầu quẩy” vừa mới rán xong, vẫn còn nóng, hai người vừa nhìn ca múa vừa ăn “Dầu quẩy”.
Lúc này, một vài công tử thiếu niên tuấn tú, cũng bắt đầu đi theo dòng người ở trên đường cái hết nhìn cái này đến nhìn cái nọ, cười tươi như hoa. Mấy vị tiểu công tử này ăn mặc màu sắc thanh đạm, áo đơn, cổ tròn, có vạt giao nhau, đầu quấn khăn mềm, đó là khăn của các công tử, cả một đám khôi ngô tuấn tú, đẹp như ngọc.
Vừa mới nhìn thấy mấy vị tiểu công tử này, đám các tiểu cô nương vô cùng ái mộ. Nhưng nhìn kỹ lại mới thấy, có thể nhận ra đây là một đám nữ nhân giả nam trang, các nàng không che dấu được thân phận của mình, mặt mày trang điểm thoa phấn đánh son, mặt mũi quá xinh đẹp.
Những nữ hài tử này tuy mặc trang phục của nam giới nhưng thực ra là một đám con gái, con gái thích chưng diện, cho nên lần áo lót kia không mặc quá dày để khỏi trông mập mạp, cũng bởi vậy mà khuôn mặt nhỏ nhắn vì lạnh mà hơi ửng đỏ lên, tuy nhiên các nàng lại vô cùng hưng phấn, thích thú.
- Ô! Các ngươi mau nhìn kìa, cây đèn kia lớn quá! Không biết nha môn nào làm ra, ta lần đầu tiên trông thấy một cây đèn khổng lồ như vậy! Đi, chúng ta mau qua đó nhìn một cái!
Tiểu mỹ nhân đang nói có khuôn mặt như búp bê vì lạnh mà hai má hơi ửng hồng, giống hai quả táo đỏ đáng yêu. Nàng chính là thị vệ Lan Ích Thanh, mấy vị “thiếu niên công tử” ở bên cạnh nàng dĩ nhiên là Tạ Mộc Văn, Cao Oánh.