Nghe Dương Phàm nói, Diệp Vũ hơi chần chừ, chăm chú nhìn hắn, đôi mắt tam giác lấp lánh. Các tướng dưới trướng Diệp Vũ thấy chủ soái như vậy, không tự chủ được mà đặt tay lên kiếm bên hông, vừa thấy động tác của họ, mấy vệ sĩ Thiên Kỵ mặc áo bó đóng giả làm tùy tùng lập tức không chút do dự rút bội đao.
Leng cheng một hồi, lập tức bầu không khí lạnh ngắt, những tướng lĩnh kia cũng chấn động, theo bản năng cũng rút binh khí. Trong soái trướng loang loáng ánh đao ánh kiếm, đằng đằng sát khí.
Đôi mắt sắc bén của Dương Phàm vẫn đóng đinh trên người Diệp Vũ, đến mức y không dám nhìn thẳng lại. Đột nhiên hắn cười ha hả, trừng mắt với mấy nam tử áo bó:
- Các ngươi làm cái gì vậy? Chẳng lẽ các ngươi nghĩ Diệp Tướng quân sẽ tạo phản sao? Thu bội đao lại ngay cho ta, lui sang một bên!
Mấy nam tử áo bó hung hăng trừng trừng nhìn những tướng lĩnh kia một cái rồi lần lượt rút sang một bên.
Tâm tư Diệp Vũ xoay vần cả trăm vòng, cuối cùng thở dài một tiếng nặng nề, quay lại, vung tay phẫn nộ quát thủ hạ:
- Các ngươi làm cái gì hả? Dám động dao động thương với khâm sai cơ đấy? Cả ngày ngồi xổm trong mẫu ruộng ba phân kia mà nhìn trời mà tự đại trời đất bao la lão tử lớn nhất hả? Một đám khốn kiếp, ngay cả Vương pháp cũng không biết sợ rồi!
Diệp Vũ chửi bới một hồi, các tướng lĩnh vâng vâng dạ dạ, thu hồi binh khí, lần lượt lui sang một bên.
Thực ra Diệp Vũ cũng có một chút liên quan tới Tạ Thái thú, nhưng lội cũng không sâu.
Hiện giờ Phủ quân đã dần suy vi, tuy Diệp Đô úy vẫn giữ chức Chiết Xung Đô úy, nhưng tướng sĩ thủ hạ càng ngày càng ít, binh mã một phủ có hạn ngạch là tám trăm người, nhưng lúc này ngay cả bốn trăm người cũng không đủ, vì nông dân không có ruộng, hoặc đi tha hương hoặc thành tá điền cho người khác. Không có ruộng tức là không có nghĩa vụ đi binh dịch.
Những nhân tài phục vụ trong quân ngũ đã biến mất cùng với sự tan vỡ cùng chế độ quân điền. Từ Bắc Ngụy tới nay, tuy chế độ quân điền đã thể hiện được tác dụng tốt, nhưng cũng chỉ trong một khoảng thời gian cụ thể trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Lúc ấy, người còn ít, đất còn hoang vu, có thể quan thụ quân điền. Bây giờ thiên hạ đã ổn định, nhân khẩu đông hơn, quỹ đất đã thiếu thốn nghiêm trọng.
Hơn nữa, tuy quân điền hạn chế việc mua bán đất đai và chiếm ruộng quá hạn nhưng nông dân chỉ có ít ruộng, năng lực kinh tế còn yếu, chỉ cần gặp chút thiên tai đã chịu không nổi, ngoại trừ bán đất ra cũng chẳng còn cách nào. Cường hào địa chủ thôn tính đất đai là chuyện tất nhiên, vì vậy, chính sách thực thi từ thời Bắc Ngụy không bao lâu sau đã hỏng.
Từ đó về sau, Bắc Tề, Bắc Chu, Tùy, Đường các triều đại thay đổi liên tục, nhân khẩu ít dần, đất đai hoang vu, cho nên chính sách khi mới kiến quốc vẫn có thể thực hiện được, nhưng không ngoài dự tính, thiên hạ vừa ổn định, nhân khẩu lại gia tăng, khiếm khuyết của chế độ này lập tức hiển hiện rõ ràng.
Hiện giờ điền chế ở nhiều địa khu chỉ còn là trên danh nghĩa, chuyện hủy bỏ điền chế chỉ còn là sớm hay muộn. Diệp Vũ ở trong Phủ quân, đương nhiên hiểu rất rõ tình hình Phủ quân, chính y cũng không biết đến khi nào thì Phủ quân này sẽ bị xóa sổ, đến lúc đó, mình nên đi đâu? Vì thế đã chẳng buồn quan tâm đến việc thao diễn binh mã Phủ quân từ lâu, được chăng hay chớ, có cơ hội thì kiếm thêm chút tiền.
Ví dụ như trước đó vài ngày, người Phu Châu tới mua một trăm ngàn thạch lương thảo cần người vận chuyển, nếu mướn năm ba dân công chắc chắn hiệu suất sẽ không được nhanh. Diệp Trường sử tìm y và hai Phủ Đô úy khác, để bọn họ giúp đỡ thu mua và vận chuyển, mới nhanh được như vậy.
Bọn họ làm việc hiệu suất và thể lực đương nhiên hơn nhiều người bình thường, lính của họ vốn là dân, vì chiến tranh mới phải làm lính, đi một chuyến Phu châu, chỉ cần không mặc quân phục, ai mà biết là binh hay dân? Đương nhiên bọn họ thu lời lớn.
Tuy bọn họ làm vậy là vi phạm quân kỷ, nhwgn dù sao cũng không phải cùng Tạ Thái thú làm bậy, triều đình cũng biết tình hình khổ sở của Phủ quân hiện giờ, tuy có phải chịu tội, xử phạt cũng sẽ không quá nặng, nhưng nếu dám liều đối kháng với khâm sai, tính chất sẽ khác hoàn toàn.
Nghĩ đến đây, Diệp Vũ đã quyết định, trầm giọng ra lệnh cho thân binh:
- Lấy binh phù lệnh tiễn tới đây!
Tuy ngoài mặt Dương Phàm vẫn rất bình tĩnh, nhưng thực ra một thân một mình vào quân doanh hắn cũng sợ Đô úy và Tạ Thái thú cấu kết quá sâu, tới lúc chó cùng rứt giậu, cho nên thanh sắc đều mãnh liệt, cố ý làm ra vẻ không sợ hãi, muốn dùng thế mà chấn trụ y, để y đừng có nổi dị tâm.
Thời đại này, Thổ Phiên, Đột Quyết giúp quan tướng phản bội trong triều chạy trốn là chuyện bình thường. Không nói đến đám tham quan ô lại không trung quân không ái quốc, ngay cả Anh Quốc công đương triều Từ Kính Nghiệp, quyết chí thề khôi phục Lý Đường, sau khi binh bại không phải trốn tới nước khác đối đầu với Đại Đường sao?
Bây giờ, thấy Diệp Vũ đã khuất phục, hắn mới buông lỏng.
*******
Duyên Châu sở hữu tổng cộng mười ba phủ binh mã, trong đó có ba phủ trú đóng xung quanh bên ngoài gần Duyên Châu, theo địa danh thì có Phủ quân Phu Thi, Phủ quân Kim Minh, Phủ quân Phong Lâm, trong đó Phủ quân Phu Thi cách thành Duyên Châu gần nhất, cũng là nơi Dương Phàm đến, cũng có tên là Phủ châu Duyên Châu.
Hai phủ còn lại hắn cũng phái người đi. Trong hai phủ đó, căn cứ vào tin tức trước đó, quan hệ giữa quan trường và quan quân của Phủ Phong Lâm là mật thiết nhất, hai nhà còn có quan hệ thân thích. Vì còn có sứ mạng quan trọng khác, Dương Phàm đến phủ Phu Thi là gần nhất, còn phủ Phong Lâm hắn giao cho Cổ Trúc Đình.
Cổ Trúc Đình cải trang nam nhi, dẫn theo vài tên tùy tùng tới Phủ Phong Lâm. Khi người của Dương Phàm giương cung bạt kiếm hết sức căng thẳng với người của Diệp Vũ ở trong soái trướng thì Cổ Trúc Đình mới tới ngoài cửa phủ Phong Lâm. Chiết Xung Đô úy của Phủ quân Phong Lâm là Lâm Lộc vội vàng mời đoàn người vào trong soái trướng hỏi han, nàng vẫn nói nhăng nói cuội kéo dài thời gian.
Lâm Lộc này là em rể của Tạ Thái thú. Vì bợ đỡ được Ngụy Vương Võ Thừa Tự, Tạ Thái thú như cá vượt long môn, thành quan lớn hiển quý, cả nhà gà chó đều lên trời, rời khỏi Chấn Châu Phủ hoang vắng nghèo đói. Em rể của Tạ Thái thú vốn là một tiểu quan ở một huyện xa của Chấn Châu cũng theo đại cữu ca đi làm quan.
Tuy thời Đường có chế độ thân thích không làm quan cùng nhau, nhưng còn chưa hoàn thiện. Tới giữa Đại Đường, triều đình mới quy định ông cháu, cha con, anh em họ, chú cháu không được làm quan cùng một bộ trong triều, trong một ti, nhưng cũng chỉ áp dụng trong Kinh thành, ở địa phương vẫn không tuân theo luật lệ này. Hiện giờ triều đình cũng chưa làm nghiêm, không phải Nhị Trương cùng làm ở một nha môn sao?
Tạ Thái thú và Lâm Đô úy vừa không ở cùng nha môn, lại một văn một võ chẳng quan hệ gì tới nhau, lại là quan lại địa phương, chẳng bị chế độ thân thuộc tránh làm quan cùng nhau hạn chế. Cổ Trúc Đình biết mối quan hệ giữa Lâm Đô úy và Tạ Thái thú, hẳn y cũng tham gia nhiều vào những việc của họ Tạ, rất có thể chính là đồng bọn của lão, sao có thể không phá lệ mà cẩn thận.
Nàng vẫn cực kỳ cẩn thận, nói lảm nhảm hỏi lung tung một hồi vẫn không vào việc chính, tới tận khi một gã vệ sĩ áo bó bước tới sau lưng nàng khẽ thì thầm vài câu, nàng mời nhẹ nhàng gật đầu, đột nhiên đứng dậy, dáng vẻ cười cợt cũng đột nhiên nghiêm nghị hẳn:
- Lâm Đô úy, Trương Phụng thần tuần phủ Duyên Châu, tra án Thứ sử Duyên Châu Tạ Vũ Bân đã làm nhiều việc phi pháp, đã quyết đem lão ra công lý! Ta phụng mệnh Khâm sai, tới đây tiếp quản quân doanh, mời Lâm Đô úy lập tức giao ra binh phù lệnh tiễn!
Lâm Lộc nghe vậy mà chấn động, vừa rồi thấy Cổ Trúc Đình còn úp mở xuề xòa, nói chuyện đông chuyện tây, y đã thầm đề phòng, lặng lẽ bày mưu cho thân binh mai phục xung quanh soái trướng. Lúc này, đối phương đã nói rõ ý đồ đến, không ngờ lại là vì đại cữu ca.
Y cũng đã tham dự quá sâu vào vũng nước đục của Tạ Thái thú, đương nhiên biết cả nhà mình đã phạm phải tội gì. Đây là tội mất đầu đấy.
Lâm Lộc âm trầm đứng lên âm u hỏi:
- Việc này không hợp quy củ! Tạ Thứ sử thân là Thái thú một phương, nếu có tội cũng là Ngự sử buộc tội, Hình bộ hỏi cung, sao phải chờ cấm quân đến bắt? Trương Phụng thần chỉ tuần phủ đi thăm Kỳ Lão các nơi, từ khi nào lại có quyền tra xét quan lớn địa phương?
Ánh mắt Cổ Trúc Đình đanh lại, lạnh giọng hỏi:
- Ngươi muốn chống đối?
Vốn Lâm Lộc chỉ là một tiểu quan tít Chấn Châu xa xôi, vốn chẳng sợ gì Vương pháp Hoàng quyền, bây giờ một bước lên làm Tướng quân, ở phủ Duyên Châu này coi trời bằng vung tự do tự tại, lại to gan lớn mất, sao lại sợ sự đe dọa của nàng. Y chỉ cười lạnh:
- Lâm mỗ không dám mạo phạm quốc pháp. Chỉ là các ngươi…
Đột nhiên y lùi lại vài bước, vọt tới giữa mấy tướng lĩnh giáp trụ đầy đủ, chỉ Cổ Trúc Đình, lạnh lùng nói:
- Bọn họ là kẻ xấu, giả mạo khâm sai muốn làm loạn. Bắt tất cả lại cho ta, ai dám cãi lại…
Lâm Lộc còn đang chỉ tay hét lớn, tiếng “giết” còn chưa ra được tới miệng, Cổ Trúc Đình cười lạnh một tiếng, thân hình chợt lóe lên, đã quỷ mị tới gần. Quả Nghị Đô úy Trần Xung Vân đứng trên cùng hoảng sợ, theo phản xạ, hoành đao trên tay bổ tới nàng. Nàng khẽ cong eo, chân hơi dậm, nhẹ nhàng lướt sang bên cạnh.
Trần Xung Vân chém hụt một đao, Binh tào sở Tử Tề do do dự dự giơ đao tiến lên. Còn chưa kịp đâm ra, Cổ Trúc Đình đã quay một vòng, y chỉ cảm thấy hoa mắt chóng mặt, bóng người lóe lên, chóp mũi vẫn còn vương một mùi hương dễ chịu, nàng đã xuất hiện sau lưng.
Lâm Lộc không ngờ thân thủ vị khâm sai này lại nhanh đến vậy, vội vàng bắt lấy một gã Biệt Tương bên cạnh kéo ra trước mặt đỡ đòn. Thân hình Cổ Trúc Đình chỉ khẽ động thân một chút, rất nhanh đã lướt về ngồi xuống ghế dựa, chậm rãi bưng chén nước, thản nhiên nói:
- Lượng xuất tinh tiết!
Nàng nhìn sang Lâm Lộc, y vẫn giữ tên Biệt Tướng trước mặt làm lá chắn, cổ họng chỉ lộ ra một nửa, nhưng máu tươi đang điên cuồng phun ra. Dòng máu tươi ấm nóng phun đầy măt một viên Biệt tướng phía trước, dọa cho y cũng sợ ngây người, tư thế bị lôi kéo cứng lại không dám nhúc nhích.
Quá nhanh!
Thân pháp quá nhanh. Ra tay quá nhanh. Quá nhanh…
Chẳng biết nàng vừa dùng đao hay dùng kiếm, chỉ thấy lúc này nàng vẫn đang bưng một chén nước bằng sứ trắng nõn như ngọc, trong tay chẳng có nổi binh khí nào, cả người chẳng bắn một giọt máu nào. Bàn tay đẹp như hoa lan kia, thực khó có thể tin, nó vừa giết người.
Lâm Lộc trợn trừng hai mắt hoảng sợ nhìn nàng, ngón tay vẫn còn đang chỉ về phía nàng, cổ khẽ run lên tách tách, đột nhiên cả người mềm nhũn ngã xuống đất.
Đằng trước, Trần Xung Vân vẫn đang nguyên mã bộ chém hụt, còn chưa kịp rút đao về. Binh Tào sở Tử Tề vẫn giữ nguyên tư thế đâm ra một đao, cùng với Trần Xung Vân một trái một phải như hai La Hán hàng long phục hổ, chỉ là long không thấy, hổ cũng không thấy, chỉ thấy hai người như một đôi tượng đất trừng mắt giương nanh múa vuốt.