Tư Quốc là một quốc gia thái bình thịnh thế nằm ở hướng đông nam, khí hậu bốn mùa ôn hòa dễ chịu, đất đai trù phú, mưa thuận gió hòa, danh thắng khắp nơi, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và thương nghiệp. Tư Quốc tuy không thiện chiến như Kỳ Quốc, không giàu có bằng Hoàng Quốc, lãnh thổ không rộng bằng Minh Quốc nhưng lại là quốc gia có nhiều nhân sĩ tài hoa bậc nhất. Bách tính trăm họ Tư Quốc hiền lành chất phác,yêu chuộng văn thơ, chú trọng tri thức cùng lễ nghĩa, mến mộ tài năng, chiêu hiền đãi sĩ nổi tiếng khắp nơi trong thiên hạ.
Tư Quốc thanh bình trải qua chín triều đại hoàng đế nhưng nhờ có trời cao phù hộ nên chưa từng trải qua những cuộc nội chiến hay binh biến khói lửa. Tân đế Triệu Huấn Nghiệp trước khi chính thức bước lên ngôi vị cửu ngũ chí tôn đã đích thân thống lĩnh mười hai vạn đại quân sát cánh cùng với những tâm phúc thân tín nghênh chiến với mười lăm vạn hùng quân tinh nhuệ của Kỳ Quốc, không những bảo vệ lãnh thổ Tư Quốc toàn vẹn không mất đi một phân mà còn mở rộng lãnh thổ thêm hai trăm dặm về hướng bắc; đánh dấu một mốc son hoàng kim trong lịch sử, tạo nên một triều đại hưng quốc hùng cường mới cho dân tộc.
***
Kinh thành Tư Quốc sáng nay dường như ồn ào náo nhiệt không kém gì đại lễ đăng cơ của Tân Đế cách đây sáu tháng.
Chủ đề buôn chuyện của lê dân bách tính lần này không hỏi cũng biết đó chính là về “ Chiếu Chỉ Ban Hôn “ của tân đế vừa được long trọng dán trên tấm bảng lớn bằng gỗ Bồng Lai đặt ở trước cánh cổng đại môn của Cấm Thành; bố cáo với toàn dân thiên hạ về hôn sự của bốn vị quan tam phẩm chức cao vọng trọng, trẻ tuổi tài tuấn bậc nhất của triều đình, được toàn thể lê dân bách tính Tư Quốc yêu thương, sùng bái và ngưỡng mộ, chính là: Lại bộ thị lang Hàn Tử Nghi, Ngự sử Mạc Thanh Tích, Đại tướng quân Phó Thương Duyệt và Lễ bộ thị lang Lâm Nghiệp Châu.
Phải biết rằng danh tiếng của bốn vị đại nhân vật này không chỉ được dân chúng ở chốn kinh thành ca ngợi tán thưởng mà còn được truyền tụng rộng rãi khắp cả Tư Quốc thậm chí còn lan truyền sang những quốc gia lân cận khác. Cả bốn vị quan nhân không chỉ có gia thế hiển hách, nếu không là đích tử thì cũng là trưởng tử của bốn trong sáu dòng họ trâm anh phế phiệt lừng lẫy trăm năm mà điều quan trọng nhất còn nằm ở phương diện tài hoa vượt trội cùng với diện mạo ngọc thụ lâm phong, tuấn lãng xuất trần của cả bốn người họ.
Bốn vị quan gia này khi kết hợp cùng với mỹ đại tài tử Kiều Vũ Trung sẽ tạo thành tổ hợp “ Ngũ Cẩm Thần “: Trung – Nghi – Tích – Duyệt – Châu danh trấn thiên hạ.
“ Ngũ Cẩm Thần “ tuấn mỹ vô song, tài hoa xuất chúng; là trân châu, là bảo ngọc được bách tính Tư Quốc nâng niu, trân quý cùng ngưỡng mộ như vậy lại có tới bốn người được tân đế ban hôn. Những tưởng trai anh hùng sẽ sánh duyên cùng gái thuyền quyên, quần chúng nhân dân chốn kinh thành chưa kịp quen với cảm giác nửa vui nửa buồn, nửa mừng nửa tiếc khi bốn vị Cẩm Thần sắp trở thành những nam tử yên bề gia thất lại được một phen choáng váng rụng rời khi đọc đến mỹ danh của bốn vị tiểu thư danh môn khuê các diễm phúc vạn phần khi được đích thân tân đế ngự bút tứ hôn kia chính là: Tần Ngọc nhị tiểu thư, thứ nữ của Tần Thái Phó; Diệp Doanh đại tiểu thư, trưởng nữ của Diệp Thái Sử; Sở Vân ngũ tiểu thư, thứ nữ nhà Sở Thái Thú và Tống tam tiểu thư, thứ nữ nhà Tống Thái Úy. Là bốn trong năm vị “ Ngũ Mỹ Đồ “ “ vang danh “ khắp kinh thành.
Bách tính trăm họ của Tư Quốc yêu chuộng cái đẹp, ngưỡng mộ tài hoa, tôn kính hiền tài nên đã hao tốn không biết bao nhiêu là tâm tư, vận dụng hết tài học uyên bác mới tìm ra được những mỹ danh để dành tặng, để ca ngợi tán dương những nhân sĩ tài hoa phong nhã cùng những tiểu thư danh môn khuê các kiều diễm, đoan trang. Nếu như mỹ danh “ Ngũ Cẩm Thần “ dành tặng cho năm người nam tử có diện mạo lẫn khí chất tuấn lãng xuất trần tựa thần quân tái thế cùng với tài hoa xuất chúng; nếu như mỹ danh “ Ngũ Đại Kim Hoa “ dành tặng những vị danh môn đại tiểu thư lá ngọc cành vàng, sắc nước hương trời, khiêm cung hữu lễ, tinh thông lục nghệ ( cầm, kỳ, thi, họa, vũ, công dung ngôn hạnh) … thì cái mỹ danh “ Ngũ Mỹ Đồ “ được dùng để chỉ bốn vị tiểu thư cùng một vị công chúa Hoa Quốc, là tổ hợp những nữ nhân có sắc không hương, có dung mạo không có nội hàm, là những yểu nhân không tài năng, không tiền đồ, không giá trị sống trong lãnh thổ Tư Quốc.
Sau khi cảm giác rụng rời choáng váng qua đi, lê dân bách tính chốn kinh thành lại đồng loạt thở ra một hơi thật dài, người nào người nấy buồn bã lắc đầu biểu hiện cho sự bất lực, vẻ mặt người nào người nấy đều ai oán lẫn xót xa tiếc thương cho mối nhân duyên của “ bốn đóa hoa nhài thanh khiết không vướng bụi trần “ lại bị tân đế vì chưa tinh tường tin tức về những danh môn khuê nữ con nhà quan lại trong kinh thành nên mới vô tình thuận tay cắm vào “ bốn bãi phân trâu “ to đùng như vậy aaaa.
“ Haizzzzz …!!! “
"" Đáng tiếc!... Đáng tiếc! "