Sông Đông Êm Đềm

Chương 111

Nước lũ vừa bắt đầu rút, lớp đất bùn nâu nâu đã lộ trần trên bãi cỏ và bên cạnh những dãy hàng rào quanh các vườn rau. Trên lớp đất đó, lau vụn, những cành cây nhỏ, cỏ, lá cây năm ngoái và đủ các thứ rác rưởi bị làn nước cuốn theo tụ lại thành một đường viền. Những cây liễu trong cánh rừng ngập nước ven sông Đông hơi xanh xanh, hoa liễu rủ xuống từng chùm. Những cái lộc trên các cây tiêu huyền có vẻ sắp bung ra đến nơi. Ở sát cạnh những ngôi nhà trong thôn, những mầm liễu đỏ ngả đầu xuống làn nước vây quanh. Những cái chồi liễu vàng hoe, lồm xồm như những con vịt non chựa mọc đủ lông đã ngoi lên khỏi mặt nước để được ngả nghiêng dưới làn gió.

Lúc trời bình minh, ngỗng trời, nhạn, vịt trời bay từng đàn đến các vườn rau kiếm mồi. Sáng sáng, những con cốc trắng kêu lanh lảnh như tiếng đồng trong những khoảng đất trũng trên đồng cỏ.

Ngay đến giữa trưa vẫn còn có thể thấy những con mòng két ức trắng loá được sóng nước vuốt ve vỗ về trên mặt sông Đông mênh mông bị gió xới xồm lên.

Năm ấy đến là lắm chim mùa. Những lúc vừng đông đỏ rực như rượu nho bắt đầu làm mặt nước tràn lan màu máu, những người Cô- dắc đánh lưới chèo thuyền len lỏi đến các chỗ đặt lưới, nhiều khi nhìn thấy những con thiên nga đang nghỉ ở một chỗ nào đó trên khúc sông được những khu rừng che chở. Nhưng điều làm cho bà con trong thôn cảm thấy lạ lùng nhất là cái tin Khristonhia và ông già Matvey Kasulin kể lại: hôm ấy hai người vào khu rừng cấm để kiếm mỗi người hai cây sồi nhỏ cần cho công việc trong nhà. Trong khi len lỏi qua một khoảng rừng rậm, họ đã làm cho một con dê rừng hoảng sợ nhảy chồm từ dưới khe lên cùng với một con dê con. Con dê gầy guộc có bộ lông màu vàng nâu nâu nhảy ra từ những cái khe mọc đầy cỏ tarta và mận gai. Nó đứng trên một mô đất giương mắt nhìn hai người đẵn gỗ trong vài giây, hai cặp chân thon nhọn thay nhau dẫm xuống đất có vẻ bồn chồn lo sợ, còn con dê con thì cứ đứng sát vào mẹ. Khi nghe thấy tiếng thở phào ngạc nhiên của Khristonhia, nó chạy ngay vào trong đám sồi non. Hai người dân Cô- dắc chỉ loáng thấy trong nháy mắt những cái móng xanh xám, bóng như vỏ ngao và màu lông lạc đà của cái đuôi ngắn cũn.

- Con gì thế nhỉ? - Lão Matvey Kasulin quẳng rìu xuống hỏi.

Với một niềm hân hoan không gì giải thích nổi, Khristonhia gầm lên, vang cả khu rừng thần bí và câm tiếng:

- Con dê chứ còn con gì nữa? Con dê rừng, nom nó sao mà đáng yêu thế! Chúng tôi đã trông thấy những con như thế ở vùng núi Karpat rồi đấy!

- Tội nghiệp, như thế là chiến tranh đã xua chúng nó đến vùng đồng cỏ chúng ta à?

Khristonhia chỉ còn có thể đồng ý.

- Đúng là như thế rồi. Nhưng bố có trông thấy con dê con không nhỉ! Mẹ khỉ. Cái con cho - o - ó đẻ, đẹp đến là đẹp! Y như một đứa con nít ấy.

Suốt đường về, hai người cứ bàn tán mãi về con thú mà chưa từng có ai trông thấy ở Quân khu bao giờ. Cuối cùng lão Matvey có ý nghi ngờ.

- Nầy, sao lại là con dê nhỉ?

- Con dê thật đấy mà. Đích thị đấy, dê hẳn đi chứ lị, không dê thì còn gì nữa?

- Mà có lẽ… Nhưng nếu là dê thì sao lại không có sừng?

- Nhưng tại sao cụ cứ bắt nó phải có sừng?

- Đâu phải là tôi muốn thế. Tôi hỏi là nếu nó thuộc giống dê thì tại sao hình dáng lại không đúng là dê? Anh đã trông thấy con dê nào có sừng bao giờ chưa? Đấy, có thế thôi. Hay có lẽ nó là con cừu rừng chăng?

- Cu Matvey ạ, xem ra cụ lẩm cẩm mất rồi? - Khristonhia phát cáu. Cụ cứ đến nhà Melekhov mà xem. Thằng Griska nhà ấy có cái roi ngựa làm bằng chân dê rừng đấy. Cụ đã chịu chưa nào?

Ngay hôm ấy, lão Matvey đã phải đến nhà Melekhov. Cái cán chiếc roi ngựa của Grigori đích xác được bọc rất khéo bằng da chân dê rừng. Cả cái móng nhỏ xíu ở đầu cũng còn giữ được nguyên vẹn, ngoài ra còn thấy đóng thêm một miếng đồng hình móng ngựa, làm rất tinh xảo.

Đến tuần chay thứ sáu, hôm thứ tư, Miska Kosevoi dậy từ sáng sớm rà soát lại những cái lưới đánh cá thả ở gần khu rừng. Trời mới hửng anh đã ra khỏi nhà. Khí lạnh buổi sáng làm cho mặt đất như rúm ró dưới lớp băng mỏng, bùn cũng rắn lại. Miska mặc áo bông ngắn, đi đôi ủng ngắn mũi nhọn, ống quần đi ngựa rộng lồng vào trong đôi bít tất trắng, chiếc cát- két hất ra sau ngáy. Chiếc mái chèo dài vác trên vai, anh vừa đi vừa hít bầu không khí nặc mùi hơi nước nhạt thếch, ngây ngất vì tiết trời lạnh buốt. Anh xô thuyền ra, đứng trên thuyền đẩy mạnh mái chèo, con thuyền lập tức lướt băng đi.

Miska soát xong rất nhanh những cái lưới. Anh nhặt hết cá trong cái lưới cuối cùng, đặt lưới, sửa lại cánh lưới rồi nhẹ nhàng cho con thuyền rời đi và quyết định hút điếu thuốc. Trời đã hơi sáng ra. Đằng đông như có ai vẩy máu lên bầu trời ảm đạm màu lá cây. Màu máu đỏ phai dần, chảy lan ra trên đường chân trời rồi như phủ thêm một lớp rỉ vàng óng. Miska nhìn theo vài con cốc trắng thẫn thờ vỗ cánh bay, châm thuốc hút. Làn khói thuốc mỏng manh tan dần, bám vào những bụi cây rồi bay tạt sang bên cạnh. Anh nhìn kỹ số cá đánh được thấy có ba con cá quả, một con cá chép chừng tám phun- tơ và một mớ cá nhỏ, bèn nghĩ bụng:

- Phải bán bớt một phần mới được. Mụ lác Lukeska sẽ nhận ngay, mình sẽ đổi lấy lê khô. Bà cụ nhà mình sẽ đem nấu mứt hết.

Miska vừa hút thuốc vừa cho con thuyền lướt vào bến. Có một người đang ngồi bên những dãy hàng rào, chỗ anh cho thuyền vào bờ.

"Không biết ai thế nhỉ?" - Miska nghĩ thầm vừa lái chèo rất khéo cho thuyền tạt vào bờ.

Người ngồi bên dãy hàng rào là "Bồi".

Anh chàng hút một điếu thuốc to tổ bố cuộn bằng giấy báo. Hai con mắt sắc như mắt con chồn hôi long lanh một ánh âm thầm, bộ râu rễ tre xám như màu khói mọc lồm xồm hai bên má.

- Cậu làm gì thế? - Miska hỏi to.

Tiếng anh rền trên mặt nước như quả bóng.

- Cậu cho thuyền lại đây.

- Cậu định câu cá à?

- Mình thì câu với kiếc cái gì?

"Bồi" ho sặc sụa, khạc liền mấy bãi rồi miễn cưỡng đứng dậy.

Chiếc áo ca- pôt không đúng khổ người lõng thõng trên vai anh như cái áo choàng không tay trùm lên một thằng bù nhìn giữ dưa. Cái mũ cát- két tuột vành che cả hai cái tai nhọn hoắt. "Bồi" mới mò về thôn chưa được bao lâu với cái thành tích "bất hảo" là Xích vệ. Khi bọn Cô- dắc hỏi anh đã ở đâu sau khi giải ngũ, "Bồi" chỉ đánh trống lảng, và lái sang những câu chuyện vô tội vạ. Nhưng với Kotliarov và Miska Kosevoi thì "Bồi" thú nhận là đã ruổi rong bốn tháng trời khắp vùng Ukraina trong một đội Xích vệ, rồi bị bọn Gaiđamac bắt làm tù binh nhưng trốn được. Sau đó anh tìm đến chỗ Xivéc, cùng với Xivéc tung hoành một thời gian chung quanh Rostov rồi cuối cùng tự mình ký cho mình tờ giấy phép về nhà chữa bệnh và bồi dưỡng sức khoẻ.

"Bồi" bỏ chiếc mũ cát- két xuống, vuốt mái tóc cứng như lông nhím, vừa đưa mắt nhìn quanh, vừa bước tới chỗ con thuyền và nói giọng khàn khàn:

- Tình hình hỏng bét rồi… hỏng bét cả rồi… Thôi cậu đừng câu kiếc gì nữa? Nếu không câu mãi, câu mãi, rồi cuối cùng cái gì cũng quên mất hết thôi…

- Cậu biết được tin gì mới kể cho mình nghe với!

Miska đưa bàn tay lầy nhầy nặc mùi cá tanh nắm lấy bàn tay nhỏ bé xương xẩu của Bồi, mỉm cười vồn vã. Từ lâu hai người đã chơi thân với nhau.

- Hôm qua Xích vệ vừa bị chúng nó đánh tơi bời ở gần Migulinskaia. Người anh em ạ, bắt đầu gay go rồi đấy! Bị chúng nó vặt lông rồi!

- Đội Xích vệ nào? Từ đâu đến Migulinskaia?

- Họ đang kéo qua trấn, bọn Cô- dắc cho họ một trận không còn mảnh giáp… Tù binh bị giải lốc nhốc về Kargin! Ở đấy toà án quân sự dã chiến đã đang tuyên án lung tung. Hôm nay thôn ta có bắt lính đấy. Cậu xem, từ sáng chuông đã gióng inh ỏi rồi.

Miska buộc thuyền, dốc chỗ cá vào cái túi thường đựng thóc cho ngựa ăn, rồi bước những bước rất dài, mái chèo đưa đi đưa lại theo nhịp bước chân. "Bồi" khép tà áo ca- pôt, vung mạnh hai tay, cố chạy lon ton vượt lên trước Miska, y như một con ngựa non.

- Cậu Kotliarov cho mình biết đấy. Cậu ấy vừa thay phiên cho mình xong. Nhà máy xay chạy ầm ầm suốt đêm, rối tinh rối mù. Thật đấy Kotliarov đã được nghe chính lão chủ nói như thế. Có một thằng sĩ quan nào đó vừa đi ngựa từ Vosenskaia đến gặp lão Sergey Platonovich.

- Làm thế nào bây giờ? - Một vẻ bối rối thoáng hiện trên mặt Miska, khuôn mặt mất vẻ hồng hào nhưng đã trở nên rắn rỏi qua mấy năm chiến tranh. Anh liếc nhìn "Bồi" rồi hỏi lại - Làm thế nào bây giờ đây?

- Phải bỏ thôn mà đi ít lâu thôi.

- Đi đâu?

- Đi Kamenskaia - Nhưng ở đấy cũng là bọn Cô- dắc - Đi về phía bên tả một chút.

- Đi đâu?

- Đi Oblivy!

- Làm thế nào mà đi được?

- Nếu muốn đi thì sẽ đi được! Còn nếu không muốn thì cứ ở lại, mặc mẹ cậu! - "Bồi" bất thần phát khùng lên. - Hết "đi thế nào" lại "đi đâu" mình làm thế quái nào biết được? Quay đầu tứ phía thì sẽ tự tìm ra chỗ mà chui! Mũi đâu mà không biết đánh hơi?

- Cậu đừng có điên khùng lên như thế? Cậu cũng biết đấy, cưỡi con ngựa cuồng thì đi đâu được? Còn Kotliarov thì anh ấy bảo sao?

- Thằng Kotliarov của cậu thì còn phải lay cho nó chuyển mới được - Cậu đừng làm ầm lên như thế… Người đàn bà kia đang nhìn đấy.

Hai người lo lắng liếc nhìn người đàn bà còn trẻ, con dâu lão Apdeit "Vua nói phét" đang đuổi những con bò từ trong sân gia súc ra. Khi đến ngã tư thứ nhất, Miska quay trở lại.

- Cậu đi đâu thế? - "Bồi" ngạc nhiên hỏi.

Miska không quay đầu lại, chỉ khẽ nói.

- Mình nhấc mấy cái lưới lên đã.

- Nhấc lên làm gì?

- Dù sao cũng không để mất được.

- Thế là chúng mình chuồn cả à? - "Bồi" sung sướng nói.

Miska vung mái chèo, nói từ xa:

- Cậu tới nhà Kotliarov đi, mình đem những cái lưới về nhà rồi sẽ đến đấy ngay.

Kotliarov đã kịp báo tin cho mấy chàng Cô- dắc gần gụi nhất biết. Thằng con trai anh đã chạy sang nhà Melekhov kéo Grigori sang.

Khristonhia như tự đánh hơi thấy việc chẳng lành, không cần ai gọi cũng đến. Chẳng mấy chốc Miska đã trở về, cuộc bàn bạc bắt đầu.

Mọi người hấp tấp cướp lời nhau cùng nói một lúc, trong lòng thấp thỏm chờ tiếng chuông báo động.

- Lập tức chuồn ngay thôi! Phải khăn gói lên đường ngay hôm nay mới được? - "Bồi" nóng nảy nói sôi nổi.

- Nhưng cậu cũng phải nói cho mình biết rõ vì sao chúng mình phải đi mới được chứ? - Khristonhia hỏi.

- Lại còn vì sao nữa? Chúng nó sắp bắt lính đến nơi rồi, cậu muốn bị tóm cổ đi hay sao?

- Mình sẽ không đi lính, có thế thôi.

- Chúng nó sẽ lôi cổ cậu đi!

- Đâu có bắt ngay được. Mình không phải là con bò non cho chúng nó xỏ mũi lôi đi đâu!

Kotliarov vừa đuổi được chị vợ mắt lác xệch ra khỏi nhà, anh lầu bầu giọng bực bội:

- Bắt thì chúng nó sẽ bắt đấy… "Bồi" nói đúng đấy. Chỉ có điều là đi đâu bây giờ? Vấn đề gay go là ở chỗ đó.

- Mình cũng đã bảo cậu ấy rồi! - Miska Kosevoi thở dài.

- Nhưng các cậu làm sao thế? Chẳng nhẽ mình cần phải chuồn đi hơn tất cả các cậu hay sao? Mình sẽ đi một mình thôi! Không cần phải đánh hơi thăm dò thăm giếc nữa! Hết "như thế nào" lại "tại làm sao"… Các cậu sẽ bị chúng nó hành hạ cho một trận, rồi còn bị tống vào tù về tội theo Bolsevich nữa là khác! Các cậu tưởng chuyện đùa đấy phỏng? Các cậu thấy đấy, thời buổi đang như thế nầy… ở đây tất cả đều hỏng mẹ nó rồi còn gì!

Grigori cứ tập trung tinh thần xoay xoay trong tay một cái đinh rỉ vặn trên tường xuống, một cơn điên tiết đang âm ỉ trong lòng chàng. Chàng lạnh lùng ngắt lời "Bồi":

- Cậu đừng có vội! Chuyện của cậu không giống chúng mình: chẳng cần nhìn trước, cũng chẳng cần ngó sau, cuốn gói là đi được ngay. Còn bọn mình thì phải suy nghĩ cho chín mới được. Mình còn có vợ và hai đứa con nhỏ… Thuốc súng mình ngửi không phải chỉ như cậu? - Hai con mắt đen láy của Grigori bỗng nhiên nháy nháy, hung dữ hẳn lên. Chàng nhe những cái nanh sát sin sít như một con thú dữ, quát lên - Cậu có thể muốn nói gì cũng được. Vì trước là thằng "Bồi" thì sau cũng vẫn chỉ là thằng "Bồi" mà thôi! Trên vai cậu ngoài cái áo khoác còn có gì nữa đâu…

- Cậu làm gì mà mở mồm quát tháo như vậy hử? Lại giở cái thói sĩ quan ra có phải không? Đừng có thét lác như thế? Thằng nầy thì nhổ vào mặt cho! - "Bồi" cũng quát lên.

Trong cơn phẫn nộ, khuôn mặt lồm xồm lông nhím của "Bồi" nhợt hẳn đi, hai con mắt ti hí và hung hãn của anh long lanh sắc ngọt một cách man rợ, ngay đến đám tóc xám như khói trên đầu cũng tựa như động đậy.

Grigori đã đổ lên đầu "Bồi" toàn bộ niềm tức tối vì sự yên tĩnh của mình bị phá rối, vì niềm xao xuyến mà chàng cảm thấy khi nghe thấy Kotliarov nói rằng các chi đội Xích vệ đã đột nhập vào Quân khu. Những tiếng "Bồi" quát trả đã làm anh chàng hoàn toàn mất tự chủ. Chàng nhảy chồm lên như vừa bị đánh đau, bước tới sát trước mặt "Bồi" lúc nầy đang ngọ nguậy trên chiếc ghế đẩu, và phải vất vả lắm mới giữ nổi bàn tay ngứa ngáy chỉ muốn đánh đấm.

- Câm đi, đồ sâu bọ! Đồ bẩn thỉu tồi tệ! Mày chỉ là một mẩu người! Mày ra lệnh cho ai hử? Xéo ngay, câm ngay! Xéo ngay cho chỗ nầy khỏi vì mày mà thối hoăng lên? Liệu hồn đừng có léo nhéo nữa, nếu không tao cho về với ông bà ông vải bây giờ…

- Thôi đi, Grigori? Sao lại làm như thế? - Miska gạt nắm tay của Grigori ra khỏi cái mũi nhăn nhúm của "Bồi".

- Những cái thói Cô- dắc cũ rích ấy phải vứt bỏ di… Thế mà không biết ngượng à? Đáng xấu hổ lắm, Melekhov ạ! Xấu quá lắm?

"Bồi" đứng dậy, anh húng hắng ho một cách khó chịu, đi ra cửa.

Nhưng vừa đến ngưỡng cửa thì anh chàng không nhịn được nữa, lại quay mặt vào, nhìn thấy nụ cười tức tối của Grigori bèn chọc luôn cho một câu:

- Thế mà cũng tham gia Xích vệ. Đồ hiến binh! Những thằng như thế nầy chúng ta đã từng cho ăn kẹo đạn rồi!

Cả Grigori cũng không nhịn được nữa. Chàng xô "Bồi" ra phòng ngoài, đá vào gót đôi ủng bộ binh mòn vẹt của "Bồi" và doạ bằng một giọng không báo trước một điều gì tốt lành:

- Cút ngay! Tao bẻ gãy cẳng bao giờ!

- Sao lại làm như thế? Sao lại thế, đến là trẻ con.

Kotliarov lắc đầu tỏ ý không đồng tình, anh liếc nhìn Grigori một cách khó chịu.

Miska cắn môi không nói gì cả, có lẽ anh chàng cố ghìm một lời gay gắt chỉ muốn bật ra.

- Nhưng tại sao nó cứ can thiệp vào việc của người khác? Tại sao nó lại sừng sộ như thế? - Grigori không phải là không cảm thấy ngượng nhưng vẫn cố bào chữa.

Khristonhia nhìn chàng có vẻ đồng tình. Grigori bắt gặp cặp mắt đó, mỉm một nụ cười giản dị, ngây thơ như con nít:

- Thiếu chút nữa thì mình cho nó một trận bò lê bò càng! Ở ngoài ấy chỉ thiếu chút nữa… tát cho một cái là đổ máu mồm máu mũi.

- Nào, các cậu thấy thế nào? Cũng cần phải làm gì chứ?

Trước câu hỏi và con mắt nhìn chằm chằm của Miska, Kotliarov miễn cưỡng trả lời.

- Còn sao nữa, Miska? Grigori cậu ấy nói cũng có phần đúng: làm thế nào mà dứt ra để chuồn ngay đi được? Bọn mình còn có gia đình… Mà cậu cũng chờ đã! - Nhận thấy Miska có cử chỉ nóng nảy, anh vội nói - Nhưng có thể cũng chẳng có chuyện gì đâu… làm thế nào mà biết trước được? Chúng nó đánh tan được một chi đội ở gần Setrakov, nhưng các chi đội khác đâu có chui đầu vào cả… Chúng ta hãy chờ ít bữa đã. Cũng nói thêm là mình còn vợ con, quần áo rách tươm cả rồi, bột bánh cũng hết sạch… làm thế nào mà thu xếp để bỏ đi được? Để vợ con ở lại sinh sống bằng gì bây giờ?

Miska tức giận rung rung hai hàng lông mày, nhưng mắt cứ dán xuống cái nền đất:

- Anh không muốn đi à?

- Mình muốn chờ xem sao đã. Lúc nào đi cũng còn kịp, chẳng sợ muộn đâu… Ý anh như thế nào, anh Grigori Pancheleevich, và cậu nữa, Khristonhia?

- Có lẽ như thế… Nán lại ít lâu đã.

Bất ngờ được cả Kotliarov lẫn Khristonhia đều ủng hộ, Grigori phấn khởi hẳn lên:

- Phải, tất nhiên tôi muốn nói cũng là như thế. Chính vì thế mà tôi đã cãi nhau với cậu "Bồi" đấy. Chuyện nầy đâu có giống như kéo nhau đi chặt cây, có phải không? Đâu phải chỉ loáng cái là mọi mặt đều sẵn sàng? Cần phải cân nhắc, đắn đo, tôi muốn nói…

Coong- coong- coong- coong! Những tiếng chuông đổ tù trên gác chuông nhà thờ xuống tràn ngập bãi thôn cùng các phố, các ngõ, ngân vang rất lâu trên làn nước lũ nâu nâu, trên các mũi đá phấn chưa khô, truyền đến khu rừng thì tan vụt ra từng mảnh trước khi lặn hẳn. Rồi lại tiếp luôn một đợt nữa, nhưng lần nầy dồn dập, nghe mà nôn nao xao xuyến; coong - coong - coong - coong!

- Ấy đấy chúng nó gọi tập hợp rồi đấy? - Khristonhia nháy mắt liền mấy cái. - Mình sẽ ra ngay lấy cái thuyền. Men theo bờ bên nầy chuồn thẳng vào rừng. Thế là không còn trông thấy mình đâu nữa?

- Nào, bây giờ thế nào đây? - Miska đứng dậy, vẻ nặng nề như một ông già.

- Chúng mình chưa đi ngay được, - Grigori trả lời thay cho tất cả.

Lông mày của Miska lại rung rung lần nữa. Anh đưa tay lên gạt khỏi trán cái bờm tóc vàng óng rất nặng gồm rất nhiều món loăn xoăn đan vào nhau.

- Thôi tạm biệt… Xem ra con đường của chúng ta đã chia hai ngả rồi!

Kotliarov mỉm cười như xin lỗi:

- Miska ạ, cậu còn trẻ, còn sôi nổi nóng nảy… Cậu tưởng chúng mình sẽ không còn đi với nhau nữa à? Còn cùng đi với nhau chứ? Phải biết hy vọng mới được!

Miska từ biệt rồi bỏ đi… Anh đi qua sân sang sân đập lúa nhà bên cạnh. "Bồi" đang ngồi co ro bên cái rãnh. Tựa như đã biết trước rằng thế nào Miska cũng ra đây. "Bồi" vừa đứng dậy đón Miska vừa hỏi:

- Thế nào!

- Họ từ chối không đi.

- Mình đã biết trước rồi mà. Mấy thằng nhát như cáy… Còn thằng Grigori… thằng bạn của cậu ấy, nó chỉ là một thằng đốn mạt! Nó có yêu ai bao giờ đâu. Nó làm nhục mình, thằng khốn kiếp! Nó lấy làm hãnh diện vì khoẻ hơn mình. Mình không có khẩu súng "nục" nếu không đã bắn chết mẹ… - Giọng "Bồi" thều thào như người ốm.

Miska đi bên cạnh liếc nhìn bộ râu tua tủa như lông nhím của "Bồi" bụng bảo dạ: "Nó có thể giết thật đấy, cái con chồn hôi nầy?".

Hai người đi rảo bước, mỗi tiếng chuông lại quất lên họ như một ngọn roi.

- Tạt qua nhà mình lấy ít thức ăn rồi chuồn thôi? Chúng mình sẽ đi bộ, mình để con ngựa lại. Cậu sẽ không mang gì đi chứ?

- Bao nhiêu gia tài điền sản đều trên người mình cả rồi. - "Bồi" xệch mép. - Cung điện chẳng có, điền sản thì không… còn được nửa tháng tiền lương lại chưa lĩnh. Thôi để cho cái lão bụng phệ Sergey Plantonich nó vớ bở. Thằng cha thấy mình không đến thanh toán tiền công có lẽ sướng rung cả rốn.

Nhà thờ đã ngừng gióng chuông. Không còn một tiếng động nào làm vẩn bầu không khí mơ màng, ngái ngủ của buổi sáng. Vài con gà mái bới tung một đống tro ở bên đường, dăm con bò non tản ra ăn cỏ bên dãy hàng rào. Miska quay đầu lại: bọn đàn ông Cô- dắc đang hối hả ra bãi họp việc làng. Vài người bước ra khỏi nhà, vừa đi vừa cài khuy áo vét- tông hoặc áo quân phục. Một người phi ngựa qua bãi họp. Dân chúng đứng túm tụm bên cạnh trường học, khăn tay và váy đàn bà trắng loá, những cái lưng của bọn đàn ông đứng sát vào nhau thành một đám đen ngòm.

Một người đàn bà quẩy đôi thùng không qua đường được ngay 1 bèn nói giọng bực bội:

- Có đi đi không, tôi lại vượt qua trước bây giờ?

Miska chào, người ấy long lanh cặp mắt tươi cười dưới hai hàng lông mày rất dài và hỏi:

- Đàn ông đàn ang ra họp việc làng cả rồi mà bây giờ hai anh mới ở đâu về thế? Sao anh không ra ngoài ấy, anh Mikhail!

- Ở nhà có chút việc.

Hai người đã về gần tới ngõ nhà Miska. Đã có thể nhìn thấy cái mái căn nhà nhỏ xíu của Miska, cái tổ bạch đầu ông bị gió lay lắt lẻo trên cái tổ có buộc một nhánh anh đào khô. Trên đỉnh ngọn gò, cái cối xay quay thẫn thờ, mảnh vải buồm trên một cái cánh bị gió xé rách đập phần phật, tấm tôn trên cái mái nhọn, cũng kêu lạch phạch.

Mặt trời không chói, nhưng rất ấm. Một làn gió nhẹ mát rượi thổi từ ngoài sông vào. Ngay đầu ngõ là nhà Arkhiv Bogatyrev, một lão già to lớn, theo Cựu giáo, trước kia có đi lính trong một đại đội pháo ngự lâm. Vài người đàn bà đang trát bùn đất sét và quét vôi ngôi nhà tròn rất to để sửa soạn cho lễ Phục sinh. Một người đang nhào bùn với phân bò. Chị chàng sắn váy rất cao, vừa dẫm bùn vừa đi vòng tròn, cặp chân đầy đặn trắng hếu nhấc lên đặt xuống rất khó khăn, trên bắp chân có hai cái vòng đỏ hỏn, đó là vết nịt hằn. Dưới cái váy nhấc cao bằng những đầu ngón tay, hay cái nịt rất to được kéo lên quá đầu gối, ăn hẳn vào trong thịt.

Cô ả vốn là một tay rất làm đỏm, mặt trời còn rất thấp mà đã lấy chiếc khăn bịt đầu chùm kín mặt. Hai người kia là con dâu nhà Arkhiv và đều còn trẻ. Cả hai đứng trên hai cái thang quét vôi phần dưới cái mái lợp lau rất đẹp. Tay áo sắn lên đến khuýu, hai cô ả đưa đi đưa lại hai cái chổi làm bằng sơ vỏ cây bồ đề, vôi bắn lấm tấm cả hai khuôn mặt che kín đến mắt. Cả ba cùng hát rất nhịp nhàng, rất ăn giọng. Maria, người con dâu cả, đã goá chồng, vẫn công khai đến với Miska Kosevoi. Mặt Maria đầy tàn hương, nhưng người rất dễ coi, giọng hát thì trầm và mạnh gần như giọng đàn ông, toàn thôn đều khét tiếng. Maria cất tiếng hát:

Trên đời nầy còn ai đau khổ…

Hai ả kia hát hoà theo, cả ba giọng quyện vào nhau uyển chuyển thành một lời than vãn ngây thơ, đầy đau khổ của một người đàn bà:

Hơn chồng em ngoài bãi sa trường

Tay lắp đạn vào nòng đại bác.

Mà trong lòng canh cánh nhớ thưong…

Miska và "Bồi" đi sát dãy hàng rào lắng nghe tiếng hát chốc chốc lại pha lẫn với tiếng ngựa hí vang ngoài đồng cỏ vọng vào:

Bỗng một hôm phong thư đóng dấu.

Báo tin chàng đã hy sinh.

Ôi chúng giết anh yêu, anh quý,

Bên bụi cây còn lại mình anh…

Maria quay lại nhìn Miska đi qua, cặp mắt xám long lanh một ánh ấm áp dưới chiếc khăn bịt đầu, nụ cười làm bừng sáng cả khuôn mặt lấm tấm những điểm vôi trắng. Maria cất một giọng trầm thắm thiết, phát từ trong ức ra:

Gió thổi rối cả làn tóc đẹp,

Làn tóc xoăn, làn tóc nâu nâu

Nhưng cặp mắt nhỏ màu hạt dẻ

Bị quạ đen mổ mất còn đâu…

Miska mỉm cười âu yếm với Maria. Anh chàng bao giờ cũng như thế đối với phụ nữ. Rồi anh bảo ả Pelageya lấy chồng ở rể đang nhào đất:

- Xắn cao lên một chút, kẻo cách cái hàng rào nhòm thấy thế nào được?

Pelageya nheo mắt trả lời:

- Muốn nhòm thì thế nầy cũng nhòm được rồi.

Maria nghiêng nghiêng người trên cái thang, đưa mắt nhìn quanh rồi kéo dài giọng hỏi:

- Đi đâu thế, anh yêu của em?

- Đi kiếm con cá.

- Thôi đừng đi xa làm gì, vào nhà kho hú hí với nhau nốt buổi sáng đi.

- Đồ mất dạy, bố chồng cô đang đứng kia kìa!

Maria tặc lười một cái, phá lên cười, rồi vẩy cái chổi đẫm nước vôi xuống Miska, làm cái áo vét và chiếc mũ cát- két của anh đều lốm đốm trắng.

- Nầy để "Bồi" lại cho chúng em mượn cái, ít nhất cũng giúp được việc thu dọn nhà cửa? - Ả con dâu út nhe hai hàm răng trắng như đường ra mời, gọi với theo.

Maria khẽ nói không biết câu gì rồi cả ba cùng cười như nắc nẻ.

- Con chó cái, cái của lẳng lơ đĩ thoã! - "Bồi" cau mày rảo bước hơn, nhưng Miska mỉm một nụ cười thẩn thờ, âu yếm, nói chữa lại.

Không lẳng lơ đĩ thoã đâu, yêu đời đấy thôi. Mình ra đi cũng để lại một người yêu. "Tạm biệt em yêu, tha thứ cho anh!". - Miska vừa đọc lại một lời bài ca vừa bước ra cửa hàng rào nhà mình.

--- ------ ------ ------ -------

1 Theo phong tục Cô- dắc, đàn ông sẽ gặp chuyện xúi quẩy nếu bị đàn bà đi cắt ngang đường trước mặt mình (ND)
Bình Luận (0)
Comment