Sông Đông Êm Đềm

Chương 18

Gia đình nhà Korsunov được công nhận là giàu nhất thôn Tatarsky. Mười bốn cặp bò mộng, một đàn ngựa, những con ngựa cái mua tận trại ngựa giống Provansky, mười lăm con bò cái, cơ man nào là gia súc không dùng làm sức kẻo, một đàn cừu hàng mấy trăm con. Cơ ngơi nom cũng rất bề thế: một ngôi nhà chẳng thua gì nhà của lão Mokhov, với sáu gian phòng lơp tôn, nhà xép lơp ngói mới rất đẹp, một khu vườn rộng đến một đê- xi- a- chin rưỡi. Con người ta còn có thể mơ ước gì hơn nữa?

Chính vì thế mà hôm đầu tiên đi hỏi vợ cho con, ông Panteley Prokofievich không khỏi cảm thấy rụt rè và miễn cưỡng, nhưng ông đã cố giấu tâm trạng ấy. Gia đình Korsunov làm gì chẳng kiếm được cho con gái một chàng rể bảnh hơn Grigori. Ông Panteley Prokofievich hiểu như thế lắm. Ông sợ bị từ chối, vì thế đã không muốn đến cầu cạnh một lão già trái tính trái nết như Korsunov.

Nhưng như gỉ ăn sắt, bà Ilinhitna đã làm ông xiêu xiêu dần, và cuối cùng bà đã đánh bại được cái tính ương ngạnh của ông già. Tuy đã ưng thuận sẽ đi nhưng trong thâm tâm ông vẫn nguyền rủa cả Grigori lẫn bà Ilinhitna cũng như tất cả mọi người trên thế gian nầy.

Thế nào cũng còn phải đi lần thứ hai để biết nhà bên kia trả lời như thế nào, và mọi người đều chờ đợi ngày chủ nhật. Trong khi đó, dưới cái mái sơn màu xanh đồng của nhà Korsunov, ý mỗi người lại một khác. Sau khi những người đi dạm hỏi ra về, cô gái đã trả lời khi mẹ hỏi:

- Con yêu Griska, con sẽ chẳng lấy người nào khác đâu!

- Con bé dở hơi nầy, mày kiếm được một thằng chồng chưa cưới như thế đấy, - Người bố khuyên con gái. - Nó chỉ được độc một điểm là đen sì như một thằng Di- gan mà thôi. Con yêu của cha, chẳng nhẽ cha lại đi tìm cho con một thằng chồng chưa cưới như thế hay sao?

Natalia đỏ mặt, nước mắt ròng ròng:

- Con sẽ không lấy ai khác đâu cha ạ… Bằng không con sẽ không đi lấy chồng nữa, cha mẹ cũng đừng để cho ai đến dạm hỏi nữa. Cha mẹ cứ cho con vào nhà tu kín ở Ust- Medvedisky cũng được.

Người cha đành hạ cây chủ bài. Ông đưa ra lý lẽ cuối cùng:

- Nó là một thằng trai gái lung tung, chuyên tằng tịu với những ả vợ lính vắng chồng. Tai tiếng khắp thôn trên xóm dưới rồi đấy.

- Tai tiếng cũng chẳng sao!

- Mày thấy chẳng sao thì tao lại càng nhẹ xác! Câu chuyện đã thế nầy thì cũng như bị người ta cướp không trên tay một bao bột thôi.

Natalia là con gái lớn, được cha nuông, nên không bị ép buộc trong chuyện chồng con. Ngay từ thời kỳ ăn mặn năm ngoái, từ xa lắm, tận ven sông Chútcan, đã có một gia đình Cô- dắc cựu giáo 1 giàu lắm đến đánh mối. Từ vùng sông Khop và sông Tria 2 cũng có những người mối manh tìm đến, nhưng mấy anh chàng muốn làm chú rể ấy đều không vừa mắt Natalia, vì thế các lễ vật dạm hỏi đều chẳng được tích sự gì cả.

Thật ra thì trong thâm tâm Miron Grigorievich cũng thích Grigori với cái tính hiên ngang ngổ ngáo rất là Cô- dắc, cái tinh thần yêu công việc, hay lam hay làm của chàng. Ngay từ hôm Grigori đoạt giải nhất về kỹ thuật đặc biệt trong cuộc đua ngựa, ông đã thấy chàng nổi bật trong số các chàng trai toàn trấn, nhưng ông vẫn thấy như mình sẽ mất thể diện nếu đem con gái gả cho một anh chàng chẳng giàu có gì lắm, lại còn mang tai mang tiếng như Grigori.

- Thằng bé ấy nó chịu thương chịu khó, mặt mũi cũng dễ coi… - Đêm đêm bà vợ lại vuốt ve bàn tay đầy lông đỏ, lấm tấm tàn hương của chồng và rủ rỉ bên tai ông. - Còn con Natalia nhà ta, ông Grigorievich ạ, nó đã mê thằng ấy đến khô héo cả người rồi… Thằng ấy đã chiếm mất hết hồn vía con bé nhà ta rồi.

Miron Grigorievich xoay lưng về phía bộ ngực xương xẩu, lạnh như tiền của vợ, lầu bầu bực bội:

- Có để người ta yên không nào, người gì mà đầy gai như quả ngưu bàng thế? Dù bà có đem nó gả cho thằng Pasa dở người tôi cũng mặc! Đúng là Chúa đã ban cho bà một đầu óc khôn ngoan nhất đời! "Mặt mũi cũng dễ coi!"… - Ông già nhại vợ, - Sao, bà gặt được thóc lúa trên cái mõm của nó đấy chắc?

- Thóc lúa thì đã có chán chê rồi còn gì…

- Nhưng rõ ràng là bà có nghĩ đến cái nhân cách con người của nó đâu! Nếu nó là một thằng đứng đắn một chút thì lại khác. Mà tôi nói thật là cũng ngượng mặt khi đem con gái gả cho cái bọn Thổ nhĩ kỳ ấy. Nếu họ cũng được như nhà ta thì… - Miron Grigorievich kiêu hãnh đến nảy cả người trên giường.

- Nhà ông bà bên ấy cũng chịu thương chịu khó và có của ăn của để đấy chứ… - Bà vợ vừa thủ thỉ vừa cọ người vào cái lưng cánh phản của ông chồng vừa vuốt ve bàn tay của ông, cố làm ông nguôi đi.

- Rõ nỡm chưa, có lui ra không nào? Cứ như là bên phía ấy không có chỗ nằm không bằng. Làm gì mà sờ sờ soạng soạng vào người ta như sờ con bò chửa ấy? Còn chuyện con Natalia thì mặc xác bà. Bà gả nó cho một con bé cạo trọc tôi cũng mặc!

- Có con thì phải biết thương chúng nó chứ! Chúa sẽ cứu giúp chúng nó, cho chúng nó được giàu có… - Bà Lukinhitna vẫn nói khàn khàn bên cái tai đầy lông lá của Miron Grigorievich.

Ông già đạp chân vài cái, nằm sát vào tường, rồi ngáy khò khò, vờ ngủ.

Giữa lúc chẳng ai chờ đợi thì nhà bên kia lại kéo đến. Vừa xong lễ mi- sa họ đã đi một chiếc xe ngựa bốn bánh đến cổng nhà. Bà Ilinhitna đặt chân xuống bục xe, thiếu chút nữa làm chiếc xe lăn kềnh, nhưng ông Panteley Prokofievich lại nhảy phóc từ chỗ ngồi xuống đất, y như con gà trống non. Tuy hai chân ngồi có bị tê, nhưng ông không để lộ ra nét mặt, vẫn hiên ngang khập khiễng đi vào trong nhà.

Miron Grigorievich nhìn ra cửa sổ, "ồ" lên một tiếng:

- Lại nhà họ rồi kìa! Thật là ma dẫn lối quỷ đưa đường!

- Trời ơi là trời, tôi vừa mới nấu nướng xong, chẳng kịp thay cái váy nữa!

- Thế cũng đẹp chán rồi? Chắc hẳn người ta không đến để hỏi bà đâu. Nom cứ như một đám hắc lào trên con ngựa, ai vời đến bà làm gì?

- Cái ông nầy bố mẹ đẻ ra đã tầm bậy tầm bạ, càng già càng điên cuồng rồ dại.

- Thôi thôi, có im đi không nào?

Trong khi nhà trai đi qua sân, bà vợ còn nhìn Miron Grigorievich từ đầu đến chân mà mắng:

- Chẳng biết mặc cái áo sơ- mi cho sạch sẽ một chút, áo rách hở cả lườn ra mà không biết thẹn à? Đúng là bẩn như hủi!

Không sao đâu, rồi bà xem, tôi mặc cái áo sơ- mi nầy họ cũng vẫn nhận ra tôi như thường. Dù tôi có khoác manh chiếu đụp, họ cũng vẫn phải đến hỏi con gái tôi.

- Xin chào ông bà! - Ông Panteley Prokofievich vấp chân vào ngưỡng cửa, cất tiếng chào như gà gáy, nhưng ông chào xong lại thấy tiếng mình vang quá to, nên ông ngượng quá, bèn quay về phía bức hình thánh, làm dấu phép thừa mất một lần.

- Chào ông bà. - Chủ nhà chào lại, nhưng cứ hầm hầm nhìn đám dạm hỏi như một con quỷ dữ.

- Chúa cho một ngày đẹp trời đấy ông bà nhỉ.

- Ơn Chúa, trời đất vẫn thế.

- Như vậy bà con cũng dễ làm ăn một chút.

- Vâng, đúng là như vậy.

- Vâ â- â- ng.

- Hừ- ừ- ừm.

- Thưa ông Miron Grigorievich, hôm nay chúng tôi đến, có nghĩa là, có nghĩa là để hỏi xem bên nhà ta đã bàn định ra sao và hai gia đình chúng ta có thể kết thông gia với nhau hay không…

- Xin mời ông bà vào nhà trong đã. Xin mời ông bà ngồi chơi. - Bà chủ nhà cúi chào mời khách, gấu váy xếp nếp quá dài kéo sệt trên sàn nhà lát gạch.

- Xin ông bà cứ cho tự nhiên.

Bà Ilinhitna vén áo dài ngồi xuống. Vải pô- pơ- lin loạt soạt. Miron Grigorievich tì khuỷu tay lên cái mặt bàn trải tấm khăn vải sơn mới, chẳng nói chẳng rằng. Tấm vải sơn xông lên sặc sụa mùi cao su ướt và không biết còn mùi gì nữa. Từ bốn góc viền hoa, những vị hoàng đế và hoàng hậu Nga đã băng hà nhìn ra với những cặp mắt kênh kiệu, còn ở giữa là hình của những công chúa đội mũ trắng rộng vành và hoàng đế Nicolai Alexandrovich 3 nhọ nhem nhọ thỉu những vết chân ruồi.

Miron Grigorievich phá tan bầu không khí chết lặng:

- Thôi được! Vợ chồng chúng tôi đã quyết định cho con cháu về làm dâu ông bà. Nếu thoả thuận xong xuôi hai nhà sẽ kết thông gia với nhau…

Ông chủ nhà vừa nói đến đây thì không biết từ một nơi bí mật nào trong chiếc áo đoạn ngắn vai bồng, hình như từ sau lưng thì phải, bà Ilinhitna rút ngay ra một cái bánh mì trắng rất dài và đặt lên bàn.

Còn ông Panteley Prokofievich thì không hiểu vì lẽ gì, tự nhiên ông muốn làm dấu phép, nhưng mấy ngón tay chai sần cong cong như cánh kìm vừa hợp lại với nhau để sẵn sàng làm dấu phép và mới giơ lên đến nửa đường thì bỗng nhiên chệch đi: trái với ý muốn của chủ nó, ngón tay cái, móng vừa dài vừa đen, sơ ý một cái luồn ngay vào giữa ngón tay trỏ và ngón tay giữa 4. Thế là cái bộ ba dơ dáng khó coi ấy vội len lén luồn xuống dưới cái tà vểnh lên của chiếc áo trếch- men màu lam, và lôi từ trong đó ra một cái chai dầu đỏ hỏn.

- Thưa ông bà thông gia thân mến, bây giờ chúng ta hãy cầu Chúa và uống hớp rượu, rồi sẽ bàn về các cháu và thoả thuận về chuyện cưới xin…

Ông Panteley Prokofievich hấp háy con mắt ra vẻ cảm động lắm. Ông nhìn mãi bộ mặt lốm đốm tàn hương của ông thông gia rồi đưa bàn tay to bè như cái móng ngựa, trìu mến vỗ vỗ vào đít chai.

Một tiếng đồng hồ sau, hai ông thông gia đã ngồi sát cạnh nhau, thân thiết đến nỗi những món râu xoăn đen như hắc ín của ông Melekhov chạm cả vào những món râu mượt hung hung đỏ của ông Korsunov. Ông Panteley Prokofievich thở ra nặc mùi dưa chuột muối lờm lợm, bắt đầu mặc cả:

- Ông thông gia thân mến của tôi ơi? - Ông bắt đầu nói giọng rầm rì nhưng rất vang. - Ông thông gia thân mến của tôi ơi! - đến đây thì bỗng nhiên ông giật giọng quát lên. - Nầy ông thông gia! - Ông gầm lên, nhe cả mấy cái răng cửa vừa đen vừa cùn. - Ông thách cưới như thế thì vượt mức chịu đựng của tôi nhiều quá đấy? Ông thử ngẫm mà xem, ông thông gia thân mến, ông đã muốn gây khó dễ cho tôi như thế nào: một đôi ủng có đế cao, một nhé, một cái áo lông kiểu sông Đông, hai nhé, hai cái áo dài len, ba nhé, một tấm khăn quàng bằng lụa, bốn nhé. Thế thì đến làm cho tôi phá sản chứ còn gì!

Ông Panteley Prokofievich khoát rộng hai tay, những đường chỉ trên vai bộ quân phục ngự lâm Cô- dắc của ông bục ra, bụi toả mù mịt. Trong khi đó, ông Miron Grigorievich cứ gục đầu, dán mắt xuống tấm vải sơn lênh láng vodka và nước dưa chuột muối. Ông cố đọc dòng chữ ghi trên một hình vẽ cầu kỳ rắc rối: "Các triều hoàng đế toàn Nga". Rồi ông chuyển con mắt xuống dưới một chút: "Hoàng đế Nicolai…" phần dưới dòng chữ bị một miếng vỏ khoai tây che mất. Ông nhìn mãi bức tranh mà tìm chẳng thấy mặt hoàng đế đâu cả. Thì ra một cái vỏ chai vodka uống cạn đã được đặt đúng vào chỗ ấy. Miron Grigorievich lại cung kính hấp háy con mắt, cố nhìn cho rõ bộ quân phục rất sang mà hoàng đế đang mặc cùng với một chiếc thắt lưng trắng, nhưng bộ quân phục cũng đã bị những đám hạt dưa chuột lầy nhầy nhô lên che kín cả. Đứng giữa các vị công chúa nhợt nhạt và giống nhau như lột, hoàng hậu đội một cái mũ rộng vành đang nhìn ông, coi bộ rất dương dương tự đắc. Miron Grigorievich bỗng cảm thấy mình nhục quá, trào cả nước mắt. Ông nghĩ bụng: "Bây giờ thì nom mụ kiêu căng hợm hĩnh quá lắm, cứ như con ngỗng nằm thò cổ trong lồng ra. Nhưng hãy chờ đến khi mụ phải gả chồng cho con gái, lúc ấy là lão sẽ xem mặt mũi mụ ra sao?".

Trong khi ấy ông Panteley Prokofievich vẫn cứ rì rầm bên tai ông như một con ong vò vẽ đen khổng lồ. Miron Grigorievich giương cặp mắt đầy giận dữ lên nhìn ông thông gia tương lai, lắng nghe:

- Nếu chúng tôi phải lo một món dẫn cưới như thế cho con gái ông, mà bây giờ cô ấy cũng là con gái của tôi nữa… nếu chúng tôi phải lo cho con gái ông và con gái tôi một món dẫn cưới như thế… Cả một đôi ủng có đế, lại cả một cái áo lông kiểu sông Đông… thì bên chúng tôi đến phải đem gia súc trong sân nuôi ra mà bán đi thôi…

- Ông tiếc hử? - Miron Grigorievich đấm tay xuống bàn.

- Trong chuyện nầy thì đâu phải là tiếc…

- Ông tiếc hử?

- Hượm đã nào, ông thông gia của tôi ơi…

- Nếu tiếc thì thôi?

Miron Grigorievich xòe bàn tay đẫm mồ hôi gạt trên mặt bàn một cái cốc tách rơi loảng xoảng xuống sàn.

- Cô nhà ta rồi cũng phải có gì mà sống, mà làm ăn chứ?

- Tuỳ ý ông đấy! Đồ dẫn cưới thì phải có cho đủ, nếu không chẳng thông gia thông giếc gì nữa!

- Đến phải đem gia súc đi bán thôi… - Panteley Prokofievich lắc đầu. Chiếc vòng trên tai ông rung theo, mờ mờ ánh bạc.

- Đồ dẫn cưới phải có cho đủ? Con bé nhà tôi cũng có mấy hòm tư trang. Nếu ông thấy nó vừa ý ông thì ông hãy thuận theo ý tôi! Phong tục Cô- dắc cổ truyền của chúng ta vốn như thế rồi. Từ xưa đã như thế, chúng ta phải theo cho đúng thời xưa…

- Tôi xin thuận!

- Ông hãy thuận đi.

- Tôi xin thuận!

- Còn việc làm ăn sau nầy thì mặc xác hai vợ chồng trẻ chúng nó với nhau. Chúng ta đã sống và sẽ còn sống chẳng thua kém gì ai. Thế thì mặc chúng nó, cho chúng nó xây dựng lấy cơ đồ của chúng nó?

Một lần nữa, râu của hai ông thông gia lại đan với nhau thành một cái hàng rào hai màu. Hôn xong, ông Panteley Prokofievich ăn một miếng dưa chuột héo, không có nước, để đánh bạt mùi cái hôn ấy. Rồi xúc động vì nhiều tình cảm hỗn tạp hoà lẫn với nhau, nước mắt nước mũi ông cứ chảy ròng ròng.

Hai bà thông gia cũng ngồi ôm lấy nhau trên cái hòm lớn, bà nọ hét đến điếc tai bà kia. Vodka làm cho mặt bà Ilinhitna đỏ bừng bừng như một đoá anh đào. Nhưng vodka lại làm cho mặt bà thông gia của bà tái xanh như một quả lê rừng mùa đông gặp tiết đại hàn.

- Khắp thế gian nầy không thể tìm đâu ra một đứa như con bé nhà tôi đâu? Nó sẽ vâng lời bà, nó sẽ hiếu thuận với bà, nó sẽ quyết không bao giờ vượt quyền bà đâu. Bà thông gia thân mến của tôi ơi, nó sẽ không nói lại bà nửa lời nào đâu.

- Ối dào, bà bạn thân mến của tôi ạ. - Bà Ilinhitna vội ngắt lời bà kia, tay trái bà áp vào má, còn bàn tay phải thì đỡ khuỷu tay trái - Cái thằng chó đẻ ấy, tôi rầy la nó không biết đã bao nhiêu lần rồi! Tối chủ nhật vừa qua, nó vốc thuốc lá bỏ vào bao, sắp sửa đi chơi, tôi lại bảo nó: "Cái quân nghịch tặc nghịch tử, quân chết tiệt kia, bao giờ mày mới bỏ được cái con ấy hử? Tao đã già như thế nầy rồi mà mầy còn định bôi tro trát trấu vào mặt tao bao nhiêu lâu nữa hử? Thằng Stepan nó sẽ vặn cổ mầy đi, chỉ rắc một cái thôi?"

Mitka đứng trong bếp ghé mắt vào cái kẽ bên trên cánh cửa, nhòm vào phòng trong. Dưới chân Mitka, hai đứa em gái nhỏ của Natalia xì xào với nhau.

Trong gian phòng xa nhất, ở góc nhà, Natalia ngồi trên mép cái lò bằng gạch dùng làm chỗ nằm. Nàng đưa cánh tay áo chật cặng lên lau nước mắt. Một cuộc sống mới đã lù lù tiến tới ngưỡng cửa, nó làm nàng lo sợ, nó làm tình làm tội nàng với bao nhiêu điều không thể biết trước.

Trong nhà đã uống cạn chai vodka thứ ba. Mọi người quyết định cho cô dâu về nhà chú rể vào đợt đầu của lễ Chúa cứu thế.

--- ------ ------ ------ -------

1 Giữa thế kỷ 17, ở Nga có một phong trào tôn giáo do tổng tư tế Avacum lãnh đạo sau đó đã thành lập nhiều giáo phái gộp lại thành một ngành gọi là Cựu giáo (ND).

2 Sông Khop là nhánh bên trái, sông Tria là nhánh bên phải của sông Đông. (Lời chú của bản tiếng Nga).

3 Hoàng để nước Nga thời bấy giờ, đại diện cuối cùng của dòng Romanov trên ngai vàng của nước Nga, bị xử tử tháng 7 - 1918 (ND).

4 Dấu hiệu tượng trưng sự giao cấu, thường dùng thay một lời chửi tục (ND).
Bình Luận (0)
Comment