Sông Đông Êm Đềm

Chương 86

Trước khi cuộc chính biến tháng hai bùng nổ, lữ đoàn đầu tiên của một sư đoàn bộ binh nằm trong lực lượng dự bị của Mặt trận Tây Nam đã bị điều khỏi mặt trận cùng với Trung đoàn Cô- dắc sông Đông số 27 phối thuộc với nó. Mục đích là chuyển tới những vùng quanh kinh đô để đàn áp các vụ rối loạn mới chớm nở. Lữ đoàn nầy được về hậu phương, được phát quân trang mùa đông mới, ăn uống phè phỡn một ngày một đêm, rồi ngay hôm sau đã bị tống lên những toa xe lửa để đưa đi. Nhưng các sự kiện đã xảy ra nhanh hơn các trung đoàn hành quân về hướng Minsk; ngay hôm lên đường đã truyền lan những tin dồn dập nói rằng hoàng đế đã ký tuyên cáo thoái vị tại Tổng hành dinh.

Lữ đoàn tiến quân đến giữa đường thì quay trở lại. Trung đoàn 27 được lệnh xuống tàu ở ga Razgol. Các đường ray đều đầy những đoàn tàu. Một số lính bộ binh đi lại trên sân ga, họ đeo những băng đạn trên áo ca- pốt, súng trường mới toanh chế tạo tinh xảo, kiểu Nga nhưng làm ở Anh. Trong đám bộ binh đó, nhiều người có vẻ hồi hộp xao xuyến. Họ ngại ngùng đưa mắt nhìn đơn vị Cô- dắc tập hợp thành từng đại đội.

Một ngày ảm đạm sắp trôi qua. Nước róc rách chảy xuống từ trên mái các ngôi nhà trong ga những vũng nước trên các tuyến đường loang lổ váng dầu phản chiếu bầu trời xám xịt với những đám mây lổm ngổm như đàn cừu. Các đầu máy dồn toa rúc còi, tiếng còi âm thầm, nghe như kiệt sức. Trung đoàn tập hợp sau dãy nhà kho trong đội hình trên ngựa chờ lão lữ đoàn trưởng. Chân ngựa ướt đăm đến túm lông phía trên móng bốc hơi mù mịt. Những con quạ chẳng sợ gì cả, đến đậu ngay phía sau đội hình, vừa bới vừa mổ những đống phân ngựa lổn nhổn vàng vàng.

Lão lữ đoàn trưởng cưỡi một con ngựa huyền có chiều cao tiêu chuẩn, tới gần đơn vị Cô- dắc, có viên trung đoàn trưởng đi theo. Lão ghìm cương đưa mắt nhìn các đại đội trưởng. Lão bắt đầu nói, bàn tay không đeo găng của lão cứ như xua ra những lời âm thầm, không chút tin tưởng:

"Hỡi anh em đồng hương? Thuận theo ý dân, Hoàng đế Nicolai đệ nhị trị vì đến nay thì… è- è- è… thoái vị. Quyền bính được chuyển cho Uỷ ban lâm thời của Duma Quốc gia. Quân đội, trong đó có anh em, phải bình tĩnh chịu đựng… è- è- è… cái tin đó… Nghĩa vụ của người dân Cô- dắc là bảo vệ Tổ quốc chống lại những sự mưu hại của các kẻ thù… è- è- è… có thể nói là các kẻ thù bên ngoài. Chúng ta sẽ không dính dáng vào những vụ rối loạn đã bắt đầu nổ ra, chúng ta hãy để cho bên dân sự chọn lấy con đường tổ chức chính phủ mới.

Chúng ta phải đứng ngoài, không can dự vào việc đó! Đối với con nhà binh thì chiến tranh và chính trị là hai chuyện không dung hợp với nhau… Trong những ngày mà mọi cơ sở đều… è- è- è… bị lay chuyển ghê gớm như thế nầy… è- è- è… chúng ta phải cứng rắn như…

Lão lữ đoàn trưởng nầy vốn là một viên tướng già bất tài, suốt đời sống với lính tráng, không quen nói ở chỗ đông người, nên luống cuống mãi moi óc không ra một hình ảnh làm thí dụ. Trên khuôn mặt bóng nhãy của lão, hai hàng lông mày đưa lên đưa xuống một cách đau khổ trong cơn cấm khẩu đột ngột. Các đại đội vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

- è- è- è… như gang thép. Là dân Cô- dắc nhiệm vụ nhà binh của anh em kêu gọi anh em phục tùng các quan trên. Chúng ta sẽ vẫn chiến đấu chống quân giặc một cách dũng cảm, vinh quang, cũng như trước kia, còn trên kia… - Viên tướng uể oải đưa chéo tay về phía sau - ta cứ để Duma Quốc gia quyết định vận mệnh của nước nhà. Chúng ta hãy chấm đứt chiến tranh đã, rồi đến lúc ấy sẽ có thể tham dự vào đời sống trong nước, còn bây giờ thì è- è- è… không thể được. Chúng ta không thể giao phó quân đội cho ai được Không thể có chính trị trong quân đội!

° ° °

Vài hôm sau, cũng tại ga nầy, người ta làm lễ tuyên thệ trung thành với chính phủ lâm thời, người ta đi dự những cuộc mít tinh, tụ tập thành những nhóm đồng hương rất lớn, nhưng vẫn xa lánh những người lính bộ binh đóng đầy sân ga. Sau đó người ta bàn tán rất lâu về những bài diễn văn được nghe, cố đoán mò một cách thiếu tin tưởng những từ ngữ người ta thấy là đáng nghi. Nhưng không biết vì sao trong tất cả mọi người đều tự nhiên hình thành một niềm tin có được tư do thì tức là sẽ chấm dứt được chiến tranh. Niềm tin ấy đã mọc rễ sâu trong lòng binh sĩ, đến nỗi bọn sĩ quan không tài nào nói lại được mà chúng thì chỉ muốn nhồi vào đầu óc mọi người một điều là nước Nga phải chiến đấu đến cùng.

Sau cuộc chính biến bùng nổi, tinh thần hoảng loạn đã xâm chiếm các phần tử lớp trên trong quân đội, rồi sau cũng phản ánh cả trong các tầng lớp dưới. Sư đoàn bộ tựa như quên bẵng cái chuyện hiện có một lữ đoàn điều đến giữa đường thì bị nghẽn. Từ hôm xuống xe, lữ đoàn đã chén sạch tám ngày lương thực được cấp, vì thế bọ lính kéo đàn kéo lũ đến các làng lân cận, ngoài chợ bát đầu có rượu bán ở những chò nào đó, và trong những ngày ấy chẳng ai lấy làm lạ khi thấy những tên say nhè đeo lon hạ sĩ quan và sĩ quan.

Bị cuộc chuyển quân làm xa rời các công việc mà họ thường phải làm hàng ngày, bọn Cô- dắc mệt mỏi chán ngán trong các toa xe có sưởi ấm, và chỉ chờ ngày được về vùng sông Đông (có tin đồn những tên bị gọi khoá hai sẽ được phục viên, và người ta đã tin như thế trong một thời gian rất lâu), họ chểnh mảng không chịu chăm sóc ngựa, ngày ngày thất thểu ngoài bãi chợ, họ bán tống bán táng những thứ thường dùng mang từ mặt trận về: chăn Đức, lưỡi lê, cưa, áo ca- pôt, balô da, thuốc lá…

Lệnh quay trở về mặt trận đã được đón bằng những lời kêu ca phàn nàn công khai. Đại đội hai từ chối không chịu lên đường, lính Cô- dắc không để cho nối đầu máy vào các toa xe, nhưng viên trung đoàn trưởng doạ tước vũ khí, vì thế tinh thần phản đối đã giảm dần, lắng đi. Đoàn tàu nhà binh chuyển bánh ra mặt trận.

- Thế là nghĩa lý ra sao hở anh em? Tự do chỉ là tự do, còn chiến tranh thì như thế là lại phải đổ máu à?

- Cái lối đè nén áp bức cũ lại ngóc đầu rồi đấy!

- Vậy cho cái lão vua ấy về vườn thì được tích sự gì?

- Đối với chúng ta thì điều gì hồi có lão là tốt, bây giờ cũng vẫn thích hợp…

- Vẫn chỉ là một cái quần, có điều là mặt trước xoay thành mặt sau thôi.

- Đúng thế đấy!

- Không biết đến bao giờ mới hết tội hết nợ?

- Đã hơn hai năm khẩu súng không rời tay rồi! - Đó là những lời bàn ra tán vào trên các toa xe.

Khi đoàn tầu chạy đến một ga đầu mối bọn lính Cô- dắc đều nhảy hết trên các toa xe xuống như đã hẹn nhau từ trước, rồi không kể gì đến những lời khuyên bảo và đe doạ của viên trung đoàn trưởng, họ mở luôn một cuộc mít tinh. Viên chỉ huy và người xếp ga đã già chạy rối lên trong biển áo ca- pôt xám xịt của binh sĩ Cô- dắc, cố dỗ họ giải tán trở về các toa xe và để cho các tuyến đường được thông nhưng vô hiệu quả. Bọn Cô- dắc căng thẳng tinh thần chú ý nghe từ đầu đến cuối lời phát biểu của một hạ sĩ đại đội ba. Sau anh ta đến lượt Mangiulov, một anh chàng nhỏ bé, nhưng người rất cân đối.

Môi Mangiulov tái nhợt, miệng méo xệch, nom đến là hung dữ, những lời căm hờn bật ra một cách khó khăn:

- Anh em đồng hương ạ? Không thể để như thế nầy được nữa? Một lần nữa, họ lại muốn lôi chúng ta vào cảnh sống khổ sống nhục. Họ muốn lừa dối chúng ta! Một khi cách mạng đã bùng nổ và tự do đã đem lại cho toàn dân, thì tức là phải chấm dứt chiến tranh, nhân dân cũng như chúng ta nào có muốn chiến tranh làm gì? Tôi nói có đúng không hử? Có thật như thế không hử?

- Đúng đấy!

- Chiến tranh thì kẹp mẹ nó xuống dưới đuôi con ngựa cái ấy!

- Tất cả chúng ta đều ngấy chiến tranh lắm rồi!

- Quần sắp bục ra đến nơi… còn chiến tranh cái gì?!

- Chúng ta khô- ô- ông muốn chiến tranh nữa!

- Về nhà thôi!

- Tháo đầu máy ra! Nào Fedot, lại đây một tay!

- Anh em đồng hương ơi? Hượm đã nào! Anh em đồng hương ơi? Anh em ơi! Ma quỉ đã ám vào mồm miệng, ruột gan, tâm hồn anh em rồi! Anh em ơi? - Mangiulov gào lên, cố át những tiếng la thét của hàng ngàn con người - Hượm đã nào! Đừng động đến đầu máy làm gì! Chúng ta chẳng cần gì đến nó, còn cái chuyện có lừa dối hay không thì… cứ để quan lớn trung đoàn trưởng tuyên đọc cho chúng ta nghe văn kiện chính thức cho biết đơn vị thật có bị gọi ra mặt trận hay chỉ là họ tự tiện làm liều thôi.

Viên trung đoàn trưởng như điên như cuồng, không tự chủ được nữa. Môi run bần bật lão đọc to cho mọi người nghe bức điện điều trung đoàn trở về mặt trận mà lão đã nhận được ở sư đoàn bộ. Mãi lúc ấy trung đoàn mới chịu lên các toa xe.

Có sáu gã Cô- dắc người thôn Tatarsky thuộc trung đoàn 27 cùng ngồi trên một toa xe có sưởi ấm: Petro Melekhov, Nicolai Kosevoi chú ruột của Miska Kosevoi, Anikey, Fedot Bodovskov, Merkulov, một gã mặt mũi hao hao như dân Di- gan, có bộ râu đen xoăn tít và hai con mắt màu nâu nhạt lúc nào cũng long xòng xọc; Maxim Grianov, láng giềng nhà Korsunov, một gã phóng đãng, vui nhộn. Trước chiến tranh Maxim đã dành được khắp trấn cái danh tiếng chẳng có gì vẻ vang là một thằng ăn cắp ngựa gan liều tướng quân. "Thằng Merkulov mới trông thì cứ tưởng nó vừa dắt ngựa nhà người ta đi, vì của đáng tội nom nó hệt như một thằng Di- gan, nhưng… nhưng nó có lấy gì của người khác đâu. Còn cậu Maxim cậu thì thoáng thấy cái đuôi con ngựa là đã ngứa ngáy chân tay rồi?" - Bọn Cô- dắc luôn luôn chế Grianov như thế.

Maxim đỏ mặt, nheo hai con mắt xanh da trời như màu hoa đay, pha trò một cách thô bỉ để chống chế: "Bà cụ thằng Merkulov đã ngủ với một gã Di- gan, có lẽ bà cụ nhà mình đã ghen, nếu không mình làm sao mà… cầu Chúa chứng giám cho…"

Gió thổi thông thống qua toa xe. Những con ngựa được đắp áo và buộc bên những máng ăn làm vội vã. Giữa toa có một đống củi đốt trên đám đất giá băng. Khói bốc lên mù mịt từ củi ướt cứ bị hút ra khe cửa. Bọn lính Cô- dắc ngồi quanh đống lửa trên những chiếc yên ngựa. Họ hong những dải băng quấn chân ẩm ướt hôi khắm vì mồ hôi. Fedot Bodovskov hơ lửa hai bàn chân cong cong, một nụ cười thoả mãn ẩn hiện trên bộ mặt có hai gò má nhọn hoắt như mặt dân Kalmys, Grianov dùng chỉ sáp khâu quàng khâu quáy cái đế ủng bị tuột chỉ. Hắn vừa lúi húi khâu vừa kể bằng một giọng khàn đặc vì khói, không biết hắn định kể cho ai nghe:

- Hồi còn nhỏ, mùa đông mình thường leo lên chỗ nằm trên bếp lò cho bà mình mò mẫm bới tóc bắt chấy cho mình (những năm ấy cụ đã hơn trăm tuổi rồi!). Cụ thường nói: "Cháu yêu của bà, thằng Maxim yêu quý của bà! Xưa kia các cụ sinh sống có khuôn phép và chẳng phải chịu một tai ương hoạn nạn nào cả. Nhưng cháu yêu của bà ơi, cháu sẽ phải sống tới một thời mà cháu sẽ thấy khắp mặt đất chăng đầy dây thép, thấy những con chim mỏ sắt bay trên trời xanh, bổ nhào xuống mổ người ta như những con quạ trắng mổ quả dưa bở ấy. Con người sẽ chết như rạ về các bệnh dịch tả, dịch hạch, sẽ phải chịu đói kém, anh em sẽ đánh lẫn nhau, con sẽ chống lại bố… Những người còn sống sót thì cũng chẳng khác gì những sợi cỏ sau một đám cháy". Thật chăng là như thế, - Maxim nín lặng một lát rồi nói tiếp - Những điều cụ nói đến nay đã sờ sờ trước mắt. Người ta đã nghĩ ra điện tín, dây thép đấy chứ còn gì nữa. Còn những con chim sắt là máy bay. Nó đưa anh em mình về với ông bà ông vải có phải ít đâu? Rồi sẽ còn có nạn đói. So với những năm trước, số thóc nhà mình gieo chỉ còn một nửa, mà nhà nào cũng đều như thế. Trong các trấn chỉ còn độc người già và trẻ con, nếu chẳng may mất mùa thì đói ngay chứ gì?

- Nhưng còn cái chuyện anh em đánh lẫn nhau thì có lẽ là nói bậy đấy, - Petro Melekhov vừa cời lại củi trong đống lửa vừa hỏi.

- Chờ đấy mà xem, nhân dân rồi cũng sẽ đi đến cái cảnh ấy thôi.

- Không lập được một chính quyền sẽ loạn cho mà xem - Fedot Bodovskov nói xen vào.

- Rồi sẽ còn phải đi trấn áp cái bọn quỷ sứ.

Đầu tiên cậu hãy nếm cho hết những cái khổ vì bọn Đức đã, - Miska bật cười và nói.

- Không sao, chúng ta sẽ còn choảng nhau…

Anikey vờ làm vẻ sợ hãi, hắn nhăn bộ mặt nhẵn thín như mặt đàn bà, kêu lên:

- Lạy Đức mẹ lắm lông chân của chúng con, sẽ vẫn còn cái chuyện "choảng nhau" ấy đến bạo giờ nữa mới thôi?

Cho đến khi cái thằng tín đồ phái Skopet 1như cậu mọc lông mới thôi, - Miska cho luôn Anikey một câu.

Những tên lính ngồi quanh đống lửa cùng phá lên cười Petro sặc khói, ho một thôi một hồi, rồi nhìn Anikey bằng cặp mắt ràn rụa nước mắt và chỉ chỉ ngón tay về phía hắn.

- Lông lá là một thứ ngu xuẩn…, - Anikey ngượng quá, lắp bắp:

- Nó mọc cả ở những chỗ chẳng cần mọc làm gì… Nhưng Miska ạ, cậu đã anh em như thế cũng chẳng được gì đâu.

- Thôi, như thế đủ rồi? Anh em mình chịu đựng quá quắt lắm rồi! - Maxim bất thần phát khùng. - Chúng ta ở đây thì chịu khổ sở, chết vì chấy rận, trong khi đó thì vợ con ở nhà túng thiếu đói khổ, như thế thì còn nghĩa lý ra sao nữa? Cắt thịt ra cũng chẳng còn máu mà chảy nữa đâu.

- Có gì mà cậu lên cơn phẫn nộ như thế hử? - Petro nhai nhai một món râu vàng như màu lúa chín, hỏi giọng vẻ nhạo báng.

- Có gì thì đã hai năm rõ mười rồi, - Merkulov cố giấu nét cười sau bộ râu xoăn tít như râu một gã Di- gan, trả lời thay Maxim. - Rõ ràng là những thằng Cô- dắc chúng ta đang ăn không ngồi rồi đến chán ngấy, đang nhớ nhà… Ta hãy tưởng tượng cảnh một anh chàng chăn gia súc xua bò ngựa ra đồng ăn cỏ. Trong khi sương mai chưa bị nắng hút khô thì bò ngựa chẳng sao cả, vẫn ăn cỏ như thường, nhưng đến khi mặt trời lên cao bằng cây sồi, mòng bắt đầu vo ve bay đến cắn gia súc, thế là… - Merkulov đưa mắt cho bọn Cô- dắc một cách tinh quái, rồi quay về phía Petro nói tiếp - Đến lúc ấy thì thưa ngài quản, cả đàn bắt đầu phát điên phát cuồng. Mà chính ngài cũng biết đấy! Hẳn là ngài cũng chẳng xuất thân từ gia dình quan lại hay trí thức gì? Chính ngài cũng đã từng xoắn đuôi bò để nghịch chứ gì… Thường chỉ cần có một con bò cái tơ vắt đuôi lên lưng, rống lên một tiếng, và làm thêm cái trò gì nữa, thế là cả đàn lồng lên chạy theo ngay. Và anh chàng chăn gia súc chỉ còn cách chạy theo: "ái chà chà! ái chà chà…" Nhưng đến lúc ấy thì còn làm gì được nữa? Cả đàn lao đi ào ào như nước vỡ bờ, chẳng kém gì hồi chúng ta tràn vào địa trận của quân Đức ở gần Netvilska. Đến lúc như thế thì thử hỏi còn có gì ngăn cản nổi?

- Cậu nói loanh quanh như thế rồi định đi đến đâu vậy?

Merkulov không trả lời ngay. Hắn cuốn chòm râu vào quanh một ngón tay, giật một cái thật mạnh, rồi nói bằng giọng thiết thực, không cười nữa:

- Chúng ta đánh nhau đến nay đã là năm thứ ba rồi… có phải thế không? Chúng ta đã bị lôi cổ vào trong các chiến hào đã đến năm thứ ba rồi. Để làm gì và vì sao thế? - Chẳng ai có thể hiểu được… Điều mà mình muốn nói là không bao lâu nữa sẽ có một anh chàng Grianov hay Melekhov nào đó chuồn khỏi mặt trận, rồi toàn trung đoàn sẽ theo anh ta, và toàn thể quân đội sẽ làm theo trung đoàn đó…

- Thế là sạch sành sanh!

- Cả cậu cũng theo…

- Theo hẳn đi chứ! Mình có mù đâu, mình nhìn thấy rõ ràng lắm chứ: tất cả đều đang treo trên đầu sợi tóc. Trong lúc nầy chỉ cần có một người hô lên: "xéo đi!" thế là tất cả sẽ sụp đổ như chiếc áo choàng cũ tụt khỏi vai. Đến năm thứ ba thì đối với chúng ta mặt trời đã cao bằng cây sồi rồi.

- Vừa vừa chứ cậu? - Bodovskov khuyên. - Khéo không Petro… không biết Petro đã là "ngài quản" rồi à?

- Đối với anh em từ xưa mình đã động tới ai đâu, - Petro đỏ mặt tía tai.

- Cậu chớ vội nóng! Mình nói đùa đấy thôi. - Bodovskov luống cuống ngọ nguậy những ngón chân sần sùi trên hai bàn chân không đi ủng, rồi đứng dậy, đi lệt sệt về phía dãy máng ngựa.

Trong một góc toa, những gã Cô- dắc thuộc những thôn khác thì thào bàn tán với nhau bên những hòm đựng rơm nén. Trong số đó chỉ có hai anh chàng là người thôn Karginsky: Fadeev và Kargin, còn tám gã kia là dân những thôn, những trấn khác.

Một lát sau nhóm nầy bắt đầu hát. Alimov, một gã vùng sông Tria cất giọng hát một điệu nhảy, nhưng một gã khác đã vỗ ngay vào lưng gã, gầm lên, giọng như người bị cảm:

- Thôi đi!

- Nầy các cậu mồ côi mồ cút kia ơi, lại ngồi quanh lửa cho ấm? - Miska mời.

Mọi người cho thêm củi vào đống lửa (những thanh củi nầy là di tích của một hàng rào bị phá ở một ga xép). Quanh đống lửa tiếng hát vang lên vui vẻ hơn:

Con ngựa chiến sẵn yên cương trang bị

Hí cạnh giáo đường, có lẽ nó chờ ai.

Bà mẹ già dắt cháu thơ đứng khóc,

Vợ trẻ tràn trề dòng lệ chua cay.

Từ trong cửa nơi thánh đường tôn kính

Chàng bước ra, giáp trụ hiên ngang,

Thế là từ nay chàng Cô- dắc lên đàng.

Trong toa xe bên, một chiếc accordeon hai dây phím kéo phù phù cái hộp da xếp, chơi bài "người đàn bà Cô- dắc". Sàn gỗ đấy, ủng nhà binh phát đấy, tha hồ mà dận văng mạng. Có một anh chàng gào lên, giọng đến là khó nghe:

Nói sao hết nỗi niềm cay đắng,

Vòng của nhà vua

Siết lên cổ nhân dân Cô- dắc

Chặt như vậy, thở sao cho đặng

Fugachev khắp sông Dông rong ruổi

Kêu gọi hạ du, vùng khố rách áo ôm

"Hỡi các ataman, hỡi anh em Cô- dắc!

Một giọng thứ hai kể lể liến thoắng, át cả giọng thứ nhất, không biết anh chàng nầy hát mà cao một cách khó tưởng tượng.

Thờ vua ta trung thành

Để vợ nhà ta nhớ

Kiếm được nhân tình, thế là quên vợ.

Còn nhà vua… ta tráng cho lớp thiếc

Nào ta đổ! Nầy thì xèo!

Huhu Hu Hu Ha!

Ha ha- hu hô hu ha- ha.

Bọn Cô- dắc bên toa nầy đã ngừng tiếng hát một lúc lâu rồi. Họ lắng nghe những tiếng ồn ào vui nhộn hồn nhiên từ toa bên kia vọng sang. Họ nháy mắt với nhau, mỉm cười đồng tình. Petro Melekhov không nhịn được nữa, cũng phá lên cười.

- Chà, chúng nó bị quỷ dữ nhập vào hay sao thế?

Hai con mắt nâu, lấm tấm những tia vàng óng của Merkulov lấp loáng những ánh rất vui. Hắn nhảy chồm dậy, chờ đúng nhịp rồi khẽ đập rất nhanh mũi ủng xuống sàn, nghe như tiếng trống rung và bất thình lình ngồi sụp xuống, nhẹ nhàng xoay tròn, nhảy điệu pri- xi- at- ca" người nhún nhún uyển chuyển. Tất cả đều luân phiên nhảy, cố vận động mạnh cho người nóng lên. Chiếc accordeon ở toa xe kia đã câm bặt từ bao giờ, thay vào đó đã có những giọng khàn khàn chửi nhau rất tục tằn. Nhưng bên nầy vẫn cứ nhảy chết thôi, làm cho những con ngựa cũng có vẻ lo lắng sợ hãi. Mọi người chỉ thôi nhảy khi Anikey hăng say đến không tự kiềm chế được nữa, muốn nhảy một bước đặc biệt phức tạp, nên ngã phệt ngay vào đống lửa. Mọi người phá lên cười, lôi Anikey dậy, châm mẩu nến soi mãi khoảng bị cháy dưới mông chiếc quần đi ngựa còn mới toanh và đoạn gấu áo bông hơi bị xém.

- Cậu tụt quần ra thôi? - Merkulov thương hại khuyên Anikey.

- Cái thằng Di- gan nầy, mày điên à? Thế thì mình mặc bằng gì?

Merkulov bèn lục một lát trong cái túi yên rồi lấy ra một cái áo lót đàn bà bằng vải thô. Mọi người thổi cho lửa cháy to thêm.

Merkulov cầm hai bên vai cái áo rất hẹp, ngửa người ra sau, cười như nắc nẻ nói:

- Thì đây? Hà! Hà? Mình đã tháu được nó trong trấn, trên một dãy hàng rào… Định làm vải bọc chân… Hà! Thôi chẳng xé nó ra nữa, cậu lấy mà mặc.

Anikey chửi rầm lên nhưng mọi người vẫn bắt hắn mặc cho kỳ được Bọn Cô- dắc phá lên cười, tiếng cười nghe khoái trá và to đến nỗi trong cửa các toa bên có những gã tò mò thò đầu ra, quát lên trong đêm tối, giọng đầy vẻ ghen tị:

- Các cậu bên ấy làm sao thế?

- Cái bọn ngựa đực chết tiết nầy!

- Có gì mà họ phởn thế nhỉ?

- Bọn nhân tình của những mụ dở người nầy, chúng mày tìm được mẩu sắt vụn đấy à?

Tầu vừa đến ga, mọi người lôi luôn gã accordeon ở toa trên xuống. Từ những toa khác cũng có những gã mò tới làm toa xe chật như nêm. Họ xô đẩy nhau, làm nát cả cái máng ngựa ăn, họ dồn những con ngựa vào sát thành xe, còn lại ở giữa toa một khoảng trống nhỏ. Anikey nghênh ngáo đứng giữa. Chiếc áo dài lót xem ra là của một người đàn bà rất cao lớn, vì thế quá dài đối với hắn và cứ làm vướng chân hắn. Song những tiếng hò hét và tiếng cười rộ đã làm hắn hào hứng nhảy múa tới kiệt sức mới thôi.

Trong khi đó các tinh tú trên trời đang buồn thảm đổ nước mắt quanh chòm sao Belorussia đẫm máu. Bầu trời đêm đen kịt, mung lung, mù mịt, mở hoác ra như một vực thẳm. Gió thổi là là mặt đất thấm đẫm mùi lá rụng đắng hắc, mùi đất sét ẩm chua loét như rỉ sắt, mùi tuyết tháng ba…

--- ------ ------ ------ -------

1 Một giáo phái hồi thế kỷ thứ 18, những người theo giáo phái nầy đều bị hoạn (ND).
Bình Luận (0)
Comment