Song Nữ Hiệp Hồng Y

Chương 48

Thanh Lam không hãi sợ chút nào, vội rút kiếm ra khỏi bao, nhanh như sao sa phi thẳng lên. Khi lên tới trên nóc điện thì chàng lại trông thấy thiếu nữ áo đỏ đã đi đến mái hiên. Đột nhiên trên nóc đại điện có một bóng người màu xám nhảy lên theo. Chàng nhận ra người đó là một lão hòa thượng tay cầm thiền trượng. Ông sư ấy với chàng cũng nhảy lên một lúc. Hai người cũng lên tới trên sườn nhà, chỉ còn cách bảy tám trượng nữa là tới cái bóng ma nọ, thì cái bóng ma ấy bỗng cất tiếng cười the thé, phất tay áo rộng, rồi đột nhiên tung mình nhảy lên, chỉ chớp nhoáng một cái, người đó nhanh như chim cắt nhảy xuống chỗ trước mặt chàng với lão hòa thượng rồi.

Kình lực ở tay áo người đó phát ra, nhằm chàng với lão hòa thượng lấn át tới, áp lực mạnh không thể tưởng tượng được, bắt buộc chàng với lão hòa thượng lại phải xuống bên dưới.

- Hừ, hừ!

- Hà hà!

Hai tiếng cười khác nhau lần lượt nổi lên, tiếng cười bao hàm đầy vẻ uất hận, còn tiếng cười sau thì có vẻ đắc chí.

Hai tiếng cười đó vừa dứt, lại có tiếng nói dõng dạc vọng tới:

- Người... có... bi... hoan... ly... hợp. Trăng... có... mờ... tỏ... tròn...

khuyết...

Tiếp theo đó, lại có tiếng người quát lớn:

- Then sắt tự gãy, cửa đá tự mở! Hà, hà, hà!

Thanh Lam vừa xuống dưới tới mặt đất, nghe thấy tiếng nói ấy, chàng sực nghĩ vừa rồi người nhảy tới trước mặt mình rõ ràng chả là quái nhân tóc dài bị chùa Thiếu Lâm cấm cố bốn mươi năm được mình thả ra. Hồi nãy, nhờ có y ra tay chống đỡ chưởng lực của người gầy và cao ở trên nóc nhà, mình với lão hòa thượng mới thoát hiểm.

Tuy vậy dư phong của chưởng lực của hai người cũng đủ đẩy cho chàng với lão hòa thượng phải rớt xuống mặt đất. Như vậy, đủ thấy kình lực của hai người ấy mạnh biết bao. Chàng liền nghĩ thầm:

"Người gầy gò và cao ấy là ai? Quái nhân bị cấm cố ở dưới thạch thất là ai? Sao hai người lại có công lực mạnh như thế? Còn thiếu nữ áo đỏ nữa, không những thân pháp rất nhanh mà võ công cũng ngang với mình...".

Chàng tài cao gan lớn, nghĩ như vậy xong, lòng hiếu kỳ thúc đẩy, chàng vội tung mình nhảy lên lần nữa, nhưng bỗng có tiếng người khác khàn khàn khuyên bảo chàng rằng:

- Tiểu thí chủ, không nên!

Đồng thời tay của chàng cũng bị người ấy nắm chặt. Chàng giật mình kinh hãi, vội quay đầu lại nhìn, mới hay đó chính là lão hòa thượng mặc áo xám, vừa rồi cũng bị kình phong của quái nhân với người nọ đẩy rớt xuống cùng một lúc với mình.

Chàng thấy mặt lão hòa thượng nhợt nhạt, và bằng một giọng rầu rĩ nói tiếp:

- Có lẽ người định đến quấy nhiễu bổn chùa là chúng đấy! Hà, tai kiếp!... Đây là tai kiếp của chùa Thiếu Lâm...

Thanh Lam ngạc nhiên vô cùng, nhưng nghe giọng nói của lão hòa thượng thì hình như ông ta biết rõ lai lịch của hai người ở trên kia, nên chàng vội hỏi:

- Lão sư phụ có biết hai người ở trên đó là ai không?

Hình như lão hòa thượng không nghe thấy chàng hỏi, chỉ ngửng mặt lên trời mà lẩm bẩm khấn thầm:

- Đệ tử Đại Giác nghiệp tội thâm trọng nên mới để cho hai tên ma đầu đến quấy nhiễu như vậy. Mong Phật Tổ từ bi bảo hộ cho chùa Thiếu Lâm để được tai qua nạn khỏi, còn bao nhiêu tội lỗi đệ tử xin gánh vác hết.

Khấn xong, ông ta đột nhiên tỏ vẻ cương quyết quay đầu lại vừa cười vừa đáp:

- Tiểu thí chủ đêm đến chùa Thiếu Lâm này có việc gì thế? Bần tăng thấy mặt tiểu thí chủ rất đứng đắn, chắc không phải là đồng đảng của bọn ác độc kia. Câu chuyện ngày hôm nay là kiếp vận của bổn chùa, hai tên ma đầu trên kia chỉ cần có một tên xuất hiện cùng một lúc như thế này. Bần tăng đã hứa với Phật Tổ, dù có phải nhảy vào đống lửa cũng là nhiệm vụ phải gánh vác của bần tăng. Còn tiểu thí chủ là người ngoại cuộc, không nên giáp mặt hai tên ma đầu này làm chi, vì thấy chúng chỉ có mang họa vào thân thôi!

Thanh Lam thấy lão hòa thượng rất hiền từ, sắc mặt lại rất bóng bẩy, dù đang lâm nguy như vậy mà mặt cũng không tỏ vẻ gì là hãi sợ hết.

Thấy vẻ mặt và khí độ lão hòa thượng như vậy, Thanh Lam bỗng tỏ vẻ kính ngưỡng vội đáp:

- Lão sư phụ khỏi lo âu. Tiểu sinh là Giang Thanh Lam có liên quan rất mật thiết với chùa Thiếu Lâm...

Đại Giác đại sư cúi đầu xuống niệm Phật hiệu rồi xua tay nói tiếp:

- Lúc này không phải lúc chuyện trò, bần tăng đang bận đuổi theo ma đầu để lấy lại di báu của tổ sư, còn tiểu thí chủ thì không nên lên trên đó làm chi.

Nói xong, ông ta lại chống cây thiền trượng xuống đất, rồi tung mình nhảy luôn lên trên nóc điện.

Nghe thấy lão hòa thượng nói, Thanh Lam mới biết hai người ở trên nóc điện là hai tên ma đầu rất lợi hại, chỉ nội một tên xuất hiện cũng đủ làm cho chùa Thiếu Lâm tan vỡ rồi.

Trong hai người đó, quái nhân tóc dài mình thả ra quả là một tên hung ác...

Nghĩ tới đó, chàng ăn năn hết sức, lại thấy thân pháp của Đại Giác đại sư nhảy lên trên nóc nhà như vậy, chàng biết công lực của ông ta cũng không hơn được mình, nên chàng vội tung mình nhảy lên theo.

Khi lên tới nóc nhà chàng chỉ thấy có độc một mình Đại Giác đại sư đang đứng ở đấy thôi, còn cái bóng đen cao gầy, quái nhân tóc dài, cùng thiếu nữ áo đỏ biến đi đâu mất. Chàng đưa mắt nhìn bốn xung quanh cũng không thấy hình bóng của một người nào hết. Bỗng có một cái bóng xám ở dưới đất nhảy lên trên nóc nhà và tiến thẳng về phía mình. Khi người đó đến gần, chàng đã nhận ra là lão hòa thượng Đại Trí thiền sư mà mình đã gặp ở trên Tàng Kinh Các hồi nãy. Đại Trí thiền sư đi tới trước mặt Đại Giác đại sư rồi nói:

- Đại sư huynh, tiểu đệ bất tài...

Đại Giác đại sư thở dài một tiếng, vội đỡ lời:

- Sư đệ, câu chuyện đêm nay thực khiến cho ngu huynh cũng không ngờ. Hiện giờ báu vật của bổn chùa đã mất, tung tích của hai tên ma đầu lại biến mất. Bây giờ chùa Thiếu Lâm chúng ta hiện đang lâm vào cảnh rất nguy nan. Sư đệ hãy theo ngu huynh xuống bên dưới đã, rồi chúng ta hãy nói chuyện sau.

Nói xong, ông ta lại vái chào Thanh Lam và hỏi:

- Chẳng hay tiểu thí chủ có thì giờ xuống dưới đại điện nói chuyện với bần tăng chốc lát hay không?

Thanh Lam nghe nói rất ngạc nhiên, bụng bảo dạ rằng:

"Vật báu của chùa Thiếu Lâm bị mất trộm thì cứ việc đi tìm kiếm, vả lại kẻ địch đã đi xa rồi, sao ông ta còn bảo là chùa Thiếu Lâm đang lâm nguy như vậy?".

Tuy nghĩ thế, chàng vẫn theo hai lão hòa thượng mà nhảy xuống bên dưới. Một lát sau, ba người cùng vào phòng của người chưởng môn. Đại Giác đại sư mời chàng ngồi xuống, rồi Đại Trí thiền sư liền lên tiếng nói với Đại Giác đại sư rằng:

- Thưa đại sư huynh, vị tiểu thí chủ này còn có hai người bạn đang ngồi chờ ngoài kia, vậy có nên cho mời hai người đó vào không?

Đại Giác đại sư gật đầu đáp:

- Sư đệ đi bảo Đại Tuệ sư đệ mau dẫn các đệ tử lục soát khắp nơi một lượt, và điểm xem số người bị thương và bị chết, rồi tới đây báo cáo.

Một lát sau, Đại Trí đã dẫn vợ chồng Văn Úy vào. Đại Giác đại sư mở mắt ra, khẽ niệm Phật hiệu, rồi hỏi Thanh Lam rằng:

- Xin thứ lỗi lão tăng hỏi như thế này cũng hơi không phải một chút! Chẳng hay các vị thí chủ quý tính danh là gì? Sư thừa tôn phái như thế nào?

Thanh Lam vội đứng dậy đáp:

- Tiểu sinh là Giang Thanh Lam, môn hạ của phái Không Động, còn hai vị này là đôi vợ chồng. Anh ấy là bạn chí thân của tiểu sinh, họ Thôi tên là Văn Úy. Kể ra anh bạn họ Thôi đây còn là đệ tử tục gia của quý chùa nữa.

Đại Giác đại sư trợn to đôi mắt lên nhìn vợ chồng Văn Úy rồi hỏi lại:

- Lão tăng không biết danh hiệu của quý tôn sư xưng hô như thế nào.

Văn Úy vội đỡ lời:

- Ngu phu phụ được Hoành Pháp lão sư phụ mở lòng từ bi cho làm đệ tử ký danh.

- Thế ra hai vị thí chủ là môn hạ của sư thúc ở Ngũ Đài Sơn đấy? Lão tăng thật thất kính.

Văn Úy cùng Hồng Tiếu hai người liền đứng dậy chào hai vị sư huynh.

Đúng lúc đó, bỗng có một hòa thượng áo xám vội vàng chạy vào, mồ hôi nhễ nhại, mồm thở hồng hộc, chắc có việc gì rất quan trọng vừa xảy ra.

Thanh Lam đã nhận ra người này chính là Đại Tuệ hòa thượng.

Vừa trông thấy bọn Thanh Lam, Đại Tuệ đã biến sắc mặt, Thanh Lam cũng tức giận khôn tả.

Đại Giác đại sư thấy vậy vội hỏi:

- Đại Tuệ sư đệ, ba vị thí chủ này không phải là người ngoài, có chuyện gì sư đệ cứ nói ra đi.

Đại Tuệ hòa thượng liền chắp tay vái chào, đáp:

- Tiểu đệ thừa lệnh đi khám xét khắp nơi, nhưng không thấy bóng hình kẻ địch nào hết, ở trên Đại Hùng bảo điện tám đệ tử luân phiên bị giết chết, người nào cũng bị chưởng lực chấn động mà chết.

Vấn đề nghiêm trọng nhất là cửa đá ở đường hầm đã có người phá hủy, phòng giam giữ Nhất Quái từ bốn mươi năm nay đã...

Đại Trí thiền sư nghe nói xong liền biến sắc mặt, vội hỏi lại:

- Sư đệ bảo phòng cấm cố đã bị phá hủy ư?

Đại Tuệ hòa thượng có vẻ hậm hực, đưa mắt liếc nhìn bọn Thanh Lam rồi gật đầu đáp:

- Sư huynh nói rất đúng. Then sắt ở cửa phòng giam đã bị người ta chặt gẫy, nên Nhất Quái mới thoát thân được.

Đại Trí thiền sư nghe nói rùng mình một cái, vội đứng dậy nói với Đại Giác đại sư rằng:

- Đại sư huynh, việc...

Đại Giác đại sư rất trấn tĩnh, chỉ thở dài một tiếng và đáp:

- Việc này ngu huynh đã biết rõ lắm rồi, đó là tai kiếp của chùa chúng ta, không sao tránh thoát được. Chỉ mong đức Phật Tổ từ bi sẽ phù hộ cho chúng ta thôi.

Vì nhất thời tức khí, Thanh Lam chặt gẫy cái then sắt thả quái nhân tóc dài đó ra, trong lòng đã ân hận. Bây giờ lại nghe thấy lão hòa thượng nói để cho Lâu Nhất Quái ra khỏi nhà giam như thế sẽ quan trọng như thế nào, chàng càng không yên thêm, vội đứng dậy hỏi:

- Thưa lão thiền sư, chẳng hay Lâu Nhất Quái là hạng người như thế nào, đại sư có thể cho tiểu sinh biết rõ lai lịch và nguyên nhân giam cầm y không? Vì nhất thời hiểu lầm, tiểu sinh đã chặt gẫy then sắt nên mới có sự lầm lỡ như vậy và cũng không ngờ sự việc lại quan trọng như thế. Thật tiểu sinh rất lấy làm ân hận.

Đại Trí thiền sư trợn tròn mắt lên, kinh hãi hỏi lại:

- Giang thí chủ, chính thí chủ đã thả Lâu Nhất Quái ra đấy à?

Đại Giác đại sư xua tay, xen lời nói:

- Việc gì cũng có số trời hết! Giang thí chủ không nên rầu rĩ như thế. Có lẽ đó là tiên sư đã định đoạt trước, nhờ thí chủ buông thả lão quái ra đấy thôi.

Nói tới đó, ông ta ngừng lại giây lát rồi mới nói tiếp:

- Nói đến chuyện Nhất Quái có lẽ hai vị sư đệ cũng không biết rõ. Năm mươi năm trước đây, Nhất Quái nổi danh ngang với Lão Tàn, vì vậy trên giang hồ mới có câu "Nam Quái, Bắc Tàn". Võ công của hai người không những ngang nhau mà cũng là cao thủ hãn hữu trong võ lâm. Nhất là Phách Thiên chưởng của lão quái, oai lực mạnh đến nỗi không ai có thể chống đỡ nổi. Vì vậy, người ta đặt cho y một biệt hiệu là Nhất Chưởng Khí Thiên nghĩa là y chỉ cần đánh một chưởng cũng có thể mở cửa trời, đủ thấy công lực của y lợi hại như thế nào. Lúc ấy lão tăng mới có ngoài hai mươi thôi.

Bọn Thanh Lam ba người đều nghe đến ngẩn người ra, cả Đại Trí, Đại Tuệ cũng đều yên lặng lắng tai nghe.

Đại Giác đại sư lại nói tiếp:

- Có một hôm, Nhất Quái đột nhiên tới bổn chùa đòi thử thách với Dịch Cân Kinh thần công của tổ sư truyền lại xem có chống đỡ nổi một chưởng của y không.

Lúc bấy giờ, tôn sư đang bế quan tham thiền, còn sư thúc thì lại đến chủ trì chùa Thất Bảo ở Ngũ Đài nên trong chùa không có ai địch nổi y. Y cũng không làm khó dễ gì hết, chỉ cười ha hả rồi bỏ đi thôi.

Đại Trí thiền sư xen lời nói:

- Thưa đại sư huynh, việc này tiểu đệ hãy còn nhớ. Hôm ấy trước khi bỏ đi, y còn đánh một chưởng, cái lầu chuông xây bằng gỗ ở trước điện đã bị chưởng phong của y đánh đổ sụp. Sau này mới xây lại và xây bằng đá.

Đại Giác đại sư gật đầu đáp:

- Phải, lầu chuông của bổn chùa tái xây bằng đá từ hồi đó thực.

Sau đó không thấy Nhất Quái tới nữa, nhưng cũng vì thế mà y càng trở nên hung ác hơn trước. Y cho phái Thiếu Lâm là Thái Sơn Bắc Đẩu của võ lâm như vậy mà cũng không có cao thủ nào địch nổi y. Ba năm sau, ngày đại điển khai quan của tiên sư, sư thúc cũng ở Ngũ Đài về tới, không hiểu tại sao Nhất Quái lại hay tin nên y lại quay trở lại.

Đại Tuệ hòa thượng xen lời:

- Hôm đó chính là ngày tiểu đệ quy y cửa Phật.

Đại Giác đại sư gật đầu đáp:

- Phải, từ đó đến giờ đã được bốn mươi năm. Đối tượng chủ yếu của Nhất Quái tất nhiên là tiên sư. Y không bao giờ quên Dịch Cân Kinh của tiên sư để lại, liệu xem có địch nổi Phách Thiên chưởng của y không. Lúc ấy người ra tay đấu với y lại là sư thúc.

Hồng Tiếu trợn to đôi mắt lên hỏi:

- Ủa! Thế ra sư phụ tôi ra tay đấu với y trước đấy!

Đại Giác đại sư mỉm cười, tiếp:

- Lúc ấy Nhất Quái không chịu so tài với sư thúc. Y bảo chỉ có tiên sư thì may ra mới chống đỡ được chưởng cua y thôi, còn sư thúc thì chỉ chống đỡ nổi nửa chưởng của y là cùng, nên y không muốn tốn nhiều thì giờ vô ích. Sư thúc liền hỏi lại y, nếu sư thúc chống đỡ nổi ba chưởng của y thì sao? Nhất Quái nghe sư thúc nói như thế liền cười ha hả và trả lời đại ý nếu sư thúc chống đỡ nổi được một chưởng của y thì từ đó trở đi, y sẽ mai danh ẩn tích, rút lui ra khỏi giang hồ liền. Thế là cuộc thách đố ấy đã khiến cho y phải bị giam giữ hơn bốn chục năm liền.

Hồng Tiếu hớn hở hỏi tiếp:

- Thế ra sư phụ của tiểu muội đã thắng được Nhất Quái đấy à?

Đại Giác đại sư không trả lời, chỉ nói tiếp:

- Sự thực Nhất Quái đã tính nhầm. Năm xưa, khi sư tổ Đàm Tôn đại sư lên chầu Phật thì lúc ấy tiên sư hãy còn ít tuổi, đã được cử làm chủ trì của bổn chùa. Vì công việc quá bận rộn, nên đã sao nhãng sự luyện tập võ công. Tuy về sau đã chịu khó tu luyện, bế quan ba năm, nhưng lúc ấy về môn Dịch Cân Kinh thần công thì tiên sư vẫn còn chưa tinh thuần bằng sư thúc. Nhất Quái cùng sư thúc đấu xong ba chưởng mà hai người vẫn không phân thắng bại. Tuy vậy, như thể kể cũng là Nhất Quái đã bị thua rồi. Y vẫn cứ tin tưởng là công lực của tiên sư còn cao siêu hơn sư thúc, nên y tự động tiến vào thạch thất. Tiên sư liền đánh một chiếc gậy sắt làm then và đã nói với Nhất Quái rằng:

"Khi nào then sắt tự gẫy, cửa đá tự mở, thì y mới được ra khỏi thạch thất ấy". Bây giờ y đã thoát thân rồi, y muốn coi chùa Thiếu Lâm chúng ta là địch hay bạn thì tùy ở y.

Hồng Tiếu quay đầu lại, vừa cười vừa nói với Văn Úy rằng:

- Thôi lang! Thảo nào y cứ lẩm bẩm nói hai câu ấy mãi. Thế ra đó là lời nói của sư bá đã dặn bảo y.

Đại Giác đại sư lại nói tiếp:

- Sự thật, lúc bấy giờ Nhất Quái muốn cố ý tỏ ra là mình đàng hoàng, tự động vào trong thạch thất cho chúng ta giam giữ. Chắc y thế nào cũng cho thạch thất này tầm thường như những thạch thất khác, vậy làm sao mà giam giữ nổi y. Vì theo lời hứa mà y tạm thời đi vào trong thạch thất để tỏ ra mình là người có tín nghĩa, còn về sau này thì y muốn đi lúc nào mà chả được. Nhưng y có ngờ đâu thạch thất ấy lại là thạch thất thiên nhiên, bảo đao bảo kiếm thường của các người trên giang hồ thì đừng có hòng phá nổi. Ngay cả cái then sắt cũng mới đúc, dù cho Phách Thiên chưởng của y có lợi hại đến đâu cũng khó mà phá nổi. Vì thế mà y bị giam giữ bốn mươi năm liền. Nhưng theo sự ước đoán của lão tăng thì dù Giang thí chủ không tình cờ chặt gẫy cái then sắt ấy, thì năm năm sau y cũng có thể tự phá nổi thạch thất mà ra. Tuy tiên sư nói, sau khi y ra khỏi thạch thất, muốn coi Thiếu Lâm là địch hay là bạn thì tùy ở nơi y, nhưng lão tăng nhận thấy y bị giam giữ bấy nhiêu năm nay, tính nết thể nào cũng dịu hơn trước, chắc y không đến nỗi thù hằn chùa Thiếu Lâm chúng ta như trước nữa đâu. Tuy họa phúc khó mà phỏng đoán trước được, nhưng dù sao tính nết của y cũng không còn hung ác như trước, nên lão tăng chắc chùa Thiếu Lâm chúng ta không đến nỗi bị hủy diệt đâu. Lão tăng chỉ lo âu một người khác đến phá phách bổn chùa thôi.

Đại Tuệ hòa thượng liếc mắt nhìn Hồng Tiếu một cái và hỏi:

- Theo lời đại sư huynh vừa nói thì người đó có phải là thiếu nữ áo đỏ không?

Lão sư thở dài và trả lời bằng mấy cái lắc đầu. Đại Tuệ lo âu không thể tả, vội hỏi tiếp:

- Chẳng lẽ còn có người lợi hại hơn Nhất Quái hay sao?

Đại Giác đại sư rầu rĩ đáp:

- Hai tháng trước đây, bổn chùa đã được Côn Luân lão thần tiên sai người đem trả cho cuốn Dịch Cân Kinh, nhưng lại có người đến ăn trộm liền, và không ngờ người đó lại chính là y.

Nói tới đó, ông ta thở dài một tiếng mới nói tiếp:

- Nếu quả thực là y, có lẽ khắp thiên hạ chỉ có một mình Côn Luân lão thần tiên mới có thể lấy lại được cuốn chân kinh ấy thôi.

Ngay cả sư thúc chúng ta cũng không làm gì nổi người ấy.

Đại Trí thiền sư hồ nghi hết sức, vội hỏi:

- Đại sư huynh, y là ai mà cả sư thúc chúng ta cũng không địch nổi thế?

Đại Giác đại sư khẽ đáp:

- Thiên Lý Cô Hành Khách đấy?

- Thiên Lý Cô Hành Khách ư?

Đại Trí, Đại Tuệ nghe thấy Đại Giác nói như thế đều giật mình kinh hãi, đồng thanh la lên như trên và hỏi tiếp:

- Là y ư? Thế đại sư huynh đã gặp mặt y chưa?

Đại Giác chậm rãi nói tiếp:

- Nói ra thì thực là nguy hiểm. Lúc ấy hai vị hiền đệ vừa đi khỏi, ngu huynh còn ở lại trên Tổ sư điện, bỗng thấy một cái bóng đỏ nhanh như điện chớp tiến thẳng lên trên điện. Chờ đến khi ngu huynh lên tới trên đó thì Giang thí chủ cũng vừa tới nơi. Ngờ đâu trên nóc nhà đã xuất hiện một cái bóng người vừa gầy vừa cao, đang giơ chưởng lên tấn công. Thì cùng lúc ấy lại có một cái bóng người khác nhảy tới trước mặt Giang thí chủ và cũng giơ chưởng ra chống chưởng thế của người gầy và cao kia. Kình lực của hai người mạnh không thể tưởng tượng được, thực là bình sinh ngu huynh chưa hề thấy ai lại có chưởng lực hùng mạnh đến thế. Dư sức của hai luồng chưởng lực còn đẩy lui nổi ngu huynh với Giang thí chủ rớt xuống dưới điện, rồi người gầy và cao kia ngâm luôn hai câu:

"Người có lúc bi, hoan, ly, hợp; trăng có khi mờ, tỏ, tròn, khuyết". Như vậy không phải là Thiên Lý Cô Hành Khách thì còn ai vào đó nữa? Còn người chống đỡ chưởng của y chính là Nhất Chưởng Khai Thiên Lâu Nhất Quái đã bị giam giữ trong thạch thất. Lúc ấy ngu huynh thấy chuyện này ly kỳ qua, nhưng bây giờ nghĩ ra mới hay Nhất Quái đã đền ơn Giang thí chủ. Vì vậy y mới đột nhiên xuất hiện, chống đỡ hộ cho Giang thí chủ một chưởng ấy.

Lúc này Thanh Lam mới tỉnh ngộ, vội hỏi lại:

- Tiểu bối trẻ người non dạ, ngu si ngốc nghếch, nên không biết Thiên Lý Cô Hành Khách mà đại sư vừa nói đó là ai?

Đại Giác đại sư đáp:

- Cũng là câu chuyện vào hồi mấy chục năm về trước. Chuyện này lão tăng đã nghe tiên sư kể cho hay, lai lịch của Thiên Lý Cô Hành Khách bí mật lắm, không ai hay biết hết. Ngay cả đến thân hình và mặt mũi y cũng vậy, không ai thấy qua. Chỉ biết y ẩn cư trong một u cốc tại núi Cửu Hoa, nhưng vào năm nào, tháng nào bắt đầu ẩn cư ở đó thì không ai hay biết. Y tự nhận u cốc đó là Trường Hận Cốc. U cốc ấy gồ ghề khó đi, nghe nói vì y đã gặp phải một việc gì rất đau lòng nên mới tới u cốc ấy để ẩn cư, và quyết không gặp một người nào cả. Sau bỗng có người đồn, người ở trong u cốc đó là một tuyệt thế kỳ nhân của võ lâm, võ công cao khôn lường, nên đã có người mạo hiểm lần mò vào đó để yêu cầu y truyền thụ võ công cho, và cũng có một số võ sĩ có võ công khá cao siêu và một danh y đến yết kiến, nhưng bất cứ người nào cũng vậy, dù cao siêu đến đâu hoặc bất cứ là ban ngày hay ban đêm, hễ người nào cứ vào trong Trường Hận Cốc là không hiểu tại sao tự nhiên mất hẳn hơi sức đề kháng và rút cục bị ném ra ngoài sơn cốc, không những không có hơi sức trả đũa mà cả người đó hình dáng như thế nào cũng không trông thấy hết. Người nào cũng vậy, chỉ văng vẳng nghe thấy người đó ngâm hai câu:

"Người có lúc bi hoan, ly hợp; trăng có khi mờ tỏ, tròn khuyết".

Kể từ đó trở đi, tin đồn càng thần bí thêm, lại vì không biết tên họ của y mà thấy y cứ ngâm hai câu ấy hoài nên căn cứ vào hai câu ấy, người ta đoán chắc người này thể nào cũng gặp phải việc gì rất đau lòng, nên mới đặt cho y một biệt hiệu là Thiên Lý Cô Hành Khách.
Bình Luận (0)
Comment