Sư Phụ Khổ Quá Rồi

Chương 23

Địa long trở mình là tiết mục đặc sắc của Thục Lăng, lâu lâu lại có một màn, ngày nhóm Tân Tú ra khỏi chậu trời cũng từng được chứng kiến một lần, khi đó trên đường về U Hoàng Sơn với sư phụ, nàng đã chiêm ngưỡng trực quan địa hình giam giữ địa long, trông cực kỳ hung hiểm.

Nhưng vì sao nàng lại không có ý định sang bên đấy thăm dò? Không phải do bên đó nhìn hung hiểm, mà nghe nói chỗ đấy căn bản không có lính gác và cũng chẳng bị cấm vào, các đệ tử thích thì cứ vào thăm quan.

Tân Tú: Xin lỗi nhé, đây không muốn đi.

Mở cửa toang hoang ra đấy thích tới thì tới thích đi thì đi, còn gì hay mà thám hiểm nữa?

Có khi lão nhị chẳng còn biết đi chỗ nào nữa nên nhớ tới chỗ đó. Tân Tú phóng mô-tô đi đón lão nhị mới biết, đi ngắm địa long chỉ là cái cớ thôi, thực tế tên nhãi này muốn lái xe.

Chuyện trẻ ranh muốn lái xe Tân Tú cũng thông cảm được, nhưng kỹ thuật lái xe của lão nhị quá thậm tệ, để hắn lái có khi ngã gãy cả chân, ban đầu hắn đã là đại hiệp cụt tay rồi, gãy thêm chân nữa thì cũng chẳng làm nổi Quá Nhi nữa, vậy nên nàng tuyệt tình từ chối lão nhị, để hắn ngoan ngoãn ngồi sau xe.

“Lần trước đệ vẫn chưa được ngắm kỹ con rồng kia, lần này phải lại gần quan sát mới được.” Có vẻ như lão nhị thực sự rất mong chờ.

Tân Tú không quay đầu lại, nàng hỏi: “Thực ra đệ từng tự đến đây một mình trước rồi đúng không?”

Lão nhị gãi đầu, “Ha ha ha đúng rồi, đệ từng thử nhưng đi hồi lâu vẫn không thấy địa long xuất hiện nên đành quay về. Lão đại, tỷ lái thẳng xe tới tầng mây kia đi, mình nhìn từ trên cao xuống nhất định có thể thấy con rồng đấy.”

Tân Tú cũng muốn thế, nhưng vừa bay đến biển mây dưới Vân Gian Đạo Tràng mô-tô đã tự động giảm tốc, quay lại nhìn bầy chim bay phía sau mô-tô, chúng cũng tự động tránh chỗ này ra, Tân Tú bèn đoán có lẽ trên này đặt lệnh cấm bay.

Lão nhị tỏ ra tiếc nuối: “Tiếc thật, chẳng lẽ mình phải đi bộ vào ư, chắc chắn là chưa đi được đến đích trời đã tối rồi.”

Tân Tú: “Đi bộ á? Đệ coi thường mô-tô của ta quá rồi đấy.”

Chớ vì xe máy bay được mà quên mất nó vốn là phương tiện giao thông đường bộ. Cái mô-tô này của nàng đi được cả trên mặt đất lẫn trên không, sư phụ chế tạo cái bánh xe cực lớn cho xe mô-tô, khiến nó dễ dàng di chuyển trong vùng núi. Lại nói, không thể bay lên không trung thì hơi lơ lửng vẫn được mà, đường bằng thì đi trên mặt đất, trên đường xóc thì làm mô-tô bay lơ lửng.

Lão nhị cũng coi như người đầu tiên biết bản sắc thực sự của mô-tô, hắn hưng phấn ngồi sau, nói liên thanh: “Cái xe này đi trên mặt đất còn thú vị hơn!”

Phía trước chình ình một tảng đá khổng lồ cản đường, Tân Tú thấy thế bèn trực tiếp nhấc đầu xe phi vọt lên, lão nhị mê tít cảm giác phóng xe cực kỳ kích thích bèn xúi nàng chở mình vào mấy con đường gập ghềnh, họ như đang chơi trò Riot thực tế ảo, thỉnh thoảng quẹo một cái, chốc chốc lại phi lên trên, cả đường chiếc xe mô-tô cứ vậy lao thẳng vào dãy núi hiểm trở.

Bởi tầng mây bên trên quá nặng nề nên phía dưới quanh năm mặt trời không chiếu tới, u ám tột cùng, giống như một nơi vĩnh viễn ẩm ướt, ảm đạm, mù mịt. Hơn nữa núi bên đây không xanh um tươi tốt như ngoài kia, hầu như chỉ có vách đá trần trụi, lâu lâu mới có mấy bụi cỏ dại hé ra từ trong khe đá nhưng thậm chí còn chẳng mang sắc xanh.

Chốn ngột ngạt thế này mới thực là nhà giam.

Tân Tú không biết gì về con địa long bị nhốt ở nơi này, lão nhị biết nhiều hơn nàng một ít, trên đường đi thấy chán chán bèn kể cho nàng nghe: “Đã là chuyện từ rất lâu về trước rồi, nghe nói con địa long này từng tạo ra lũ lụt, nó để nước ven sông các thôn xóm dâng lên càn quét hết ruộng nương, khiến mưa to liên miên mấy tháng không ngừng, dẫn tới nhiều nơi bị lũ lụt nhấn chìm, nó còn ăn thịt nhiều người lắm.”

“Nghe nói năm đó rất nhiều tu sĩ giới tu tiên đều muốn bắt nó, nhưng chỉ có tổ sư gia thành công. Bắt thì bắt được nhưng giết nó lại không chết, hết cách nên ngài đành nhốt nó vào đây.”

“Sư phụ nói nó là nghiệt long, khác với rồng mang điềm lành ngày xưa mình hay nghe, nghiệt long bẩm sinh đã thích ăn thịt người. Đại tỷ à, tỷ nói xem mấy con rồng mang điềm lành ở đâu đây nhỉ?”

Tân Tú: “Sau này đệ tu tiên đến cảnh giới nào đó, có thể chu du khắp nơi thì nhất định sẽ tìm thấy rồng mang điềm lành thôi, thế giới này chắc chẳng đến mức chỉ còn một con rồng này đâu.”

Lão nhị: “Đúng thế, nhất định đệ sẽ tìm được, đệ còn muốn nuôi rồng nữa, tốt nhất là nuôi hai con!”

“Thứ ruồi bọ như ngươi, nói năng to gan lắm.” Giọng nói như tiếng sấm rền vang lên trên đầu họ.

Trong tiếng vang ầm ầm, một cái đầu lâu khổng lồ ngóc lên từ trong dãy núi, tiến sát lại gần họ. Đôi mắt đục ngầu, đỏ rực như đèn lồng hằn học nhìn họ chòng chọc. Không ngờ địa long lại ở gần tới vậy, mà mới nãy nó nằm trong chốn núi non trùng điệp, đá phủ đầy rêu, thân con rồng sắc tím đen cũng như dung hợp thành một bộ phận của dãy núi thẳm, khiến hai người Tân Tú hoàn toàn không nhận ra sự tồn tại của nó.

Lão nhị gan to bằng trời không sợ con địa long đột nhiên ngóc ra này chút nào, thậm chí hắn còn nói lại: “Ngươi mới nói năng to gan, ngươi ăn cái gì đấy, thối quá!”

Mỗi khi địa long nói chuyện cái có một luồng gió tanh tưởi ập tới, mùi cực kỳ khó ngửi.

Địa long phát giận vì câu này của lão nhị bèn há miệng cắn về phía hai người Tân Tú, răng rắc một tiếng, đớp sạch mảng đất xung quanh mô tô.

Tân Tú ngầm hiểu, nếu các sư huynh sư tỷ nói nơi đây có thể ra vào thoải mái thì có nghĩa là không có gì nguy hiểm cả, nhưng khi miệng rồng khổng lồ vụt tới, tim nàng vẫn đập rộn lên. Ba giây sau mở mắt ra, họ vẫn ngồi trên mô-tô ở nguyên chỗ cũ, chẳng qua xung quanh thiếu mất một mảng đất.

Giống như nàng đã suy đoán, cú cắn này của địa long căn bản không thể khiến họ bị thương.

Họ và địa long quả thực như ở hai thế giới khác nhau, chỉ có thể trông thấy nhau mà không chạm vào được. Thảo nào tổ sư gia dám cho các đệ tử vào đây chơi thoải mái, ngài ta coi đây là quầy triển lãm địa long chắc luôn.

Lão nhị thấy thế càng hưng phấn: “Rồng, ngươi cố ý dọa nạt chúng ta đấy à, ha ha ha ha ngươi cũng chẳng dọa nổi!”

Địa long thấy hai đứa không có vẻ gì là sợ tè ra quần, tức đến nỗi vểnh đuôi rồng vụt vào người Tân Tú và lão nhị. Đuôi rồng quất vun vút qua cơ thể họ, đập ầm ầm xuống đất khiến đá vỡ vụn.

“Ghê tởm, đám ruồi bọ ghê tởm bọn mi!” Địa long nói không lại lão nhị bèn nổi điên lăn lộn khắp nơi, khiến núi non rung chuyển ầm ầm.

Lão nhị chỉ lên trời, gào to: “Rồng, nghe nói mày đã ăn nhiều người lắm rồi, có thật thế không?”

Địa long cựa quậy loạn trên dãy núi, hết cười quái dị lại mắng chửi: “Ăn! Ăn thịt người! Ta muốn ăn thịt người!”

Lão nhị: “…”

Hắn đứng hẳn lên yên mô-tô, chống tay lên vai Tân Tú và cúi đầu hỏi nàng: “Lão đại, có phải con địa long này thần kinh hơi bất thường không?”

Tân Tú phân tích một cách đầy lý trí: “Ắt vậy, nó bị giam lâu thế rồi mà, bị giam lâu dễ phát sinh vấn đề về mặt tâm lý lắm.”

Hai người nhìn con địa long nổi điên một hồi, thấy nó điên điên xong lại chui vào nằm trong dãy núi không động đậy nữa.

“Haiz, đúng là chán thật, thảo nào các sư huynh sư tỷ đều không thích tới đây.” Lão nhị hơi thất vọng, sau khi ngắm xong con rồng không được đẹp lắm này họ bèn quay xe, trở về.

Lão nhị yên tĩnh chưa được bao lâu đã nói tiếp: “Trước kia đệ cũng từng bị giam như thế, cảm giác bị giam khó chịu lắm.”

Tân Tú: “Hả? Sao lại vậy?”

Lão nhị: “Đệ cũng chẳng biết tại sao, họ nói đệ làm sai chuyện gì đó, dù đệ chẳng hiểu lắm nhưng họ nói vậy thì cứ coi là thế đi.”

“Đệ thấy con rồng này bị giam ở đây cũng chán lắm, thôi thì thỉnh thoảng đệ đến thăm nó cũng được.”

Tân Tú: “Đệ chắc chắn mình không đến để chọc nó tức điên lên đấy chứ?” Tính lão nhị thích gì nói nấy, xưa nay không quan tâm gì đến hoàn cảnh mà luôn hành động theo ý thích của bản thân, ai mà hơi nóng tính là trăm phần trăm bị hắn mỉa đến tức chết.

Lão nhị thề thốt: “Đệ chỉ muốn hỏi quê nó ở đâu, có huynh đệ tỷ muội rồng gì không thôi mà!”

Sau đấy đệ mò tới tận diệt hang ổ người ta à? Tân Tú gần như đã tưởng tượng ra được cảnh lão nhị đi trộm trứng rồng.

“Xuống xe xuống xe, đệ thích làm gì ta cũng kệ, đừng có quậy đến mức mạng cũng đi tong là được.”

Sau khi đưa tiễn lão nhị chỉ biết nghĩ đến việc triệu hoán thần long, lão tam lại tới nữa.

“Đại tỷ, lần trước tỷ chẳng bảo mặc váy lái mô-tô không tiện, muốn mặc quần ư? Muội đi hỏi sư huynh, sư huynh bảo Cận Sắc sư tỷ nuôi tằm nhả tơ, chúng ta có thể tới nhờ Cận Sắc sư tỷ làm quần áo giúp.”

Tân Tú: Không hổ là lão tam, vẫn còn nhớ việc này, con bé tuyệt quá đi mất.

Nàng đã thấy mặc váy lái mô-tô bất tiện từ lâu rồi, nhất là mỗi khi bị gió lùa, váy cứ tốc lên trên khiến chân lạnh buốt, nàng đã thử ngồi hơi chếch đi để lái mô-tô rồi nhưng vẫn thấy khó chịu.

Tân Tú chưa từng gặp Cận Sắc sư tỷ, nàng chở lão tam, hai đứa cầm bản đồ sư huynh lão tam chuẩn bị rồi mò tới Tang Viên* của Cận Sắc sư tỷ. Toàn bộ đỉnh núi ấy chỉ trồng độc có cây dâu, trên sườn núi là từng nấc từng nấc ruộng bậc thang nhuốm sắc rực rỡ.

(*) Tang Viên: vườn dâu.

“Đây không phải là ruộng bậc thang, ấy là hồ nhuộm, vải vóc dệt ra đều được nhuộm ở bên kia.” Một vị phụ nhân mỹ mạo bước ra từ trong rừng dâu, nàng ta cắp rổ, mái tóc đen dài được búi lên, gài thêm hai chiếc trâm mộc, trang phục giản dị mà gọn gàng.

Sau khi hai người Tân Tú nói ý định mình đến đây, vị phụ nhân nọ cười cười, dẫn họ vào trong khu vườn phía trước. Trong vườn có không ít người, có phụ nhân tầm ba bốn mươi tuổi, cũng có những bà cụ già nua, nhìn qua còn tưởng đây là tiệm vải tầm thường ở trần gian, duy chỉ có một thiếu nữ tầm tuổi dậy thì, nàng ấy mặc một bộ y phục rực rỡ ngồi đó thêu thùa, mấy chục cây châm bên người nàng tung bay lên xuống, nhanh chóng thêu ra hoa văn tinh xảo mỹ lệ.

“Cận Sắc sư phụ, khách tới rồi ạ.”

Hóa ra vị thiếu nữ trông trẻ trung nhất mới là chủ nhân Cận Sắc của nơi đây.

“Cận Sắc sư tỷ, chỗ tỷ đông người thật đấy.” Tân Tú trò chuyện chẳng chút ngại ngùng.

Không ngờ Cận Sắc sư tỷ lại là nữ tử khá rụt rè, nàng ấy ăn nói rất nhỏ nhẹ, “Đây là mấy vị phụ nhân ta dẫn về trong mấy lần ra ngoài gần đây, phần lớn các nàng đã không thể chịu nổi chốn cũ nữa nên ta dẫn họ về chỗ mình, ít ra cũng yên ổn sống hết đời người trong ngọn núi này, thuận tiện giúp ta vài việc.”

“Các muội muốn làm y phục ư? Nói cho ta biết các muội muốn y phục thế nào đi, chờ làm xong ta sẽ gọi các muội tới lấy, coi như quà nhập môn ta tặng các muội.”

Tân Tú đành than thở dân chúng ở Thục Lăng thật quá chất phác, sau đó bèn đưa ra kiểu dáng y phục mình cần. Muốn mặc đồ da tất nhiên là đùa thôi, nhưng xin một chiếc quần rộng rãi thoải mái cũng không phải là không thể.

“Đây là y phục kiểu gì thế?” Cận Sắc sư tỷ còn chưa từng thấy kiểu y phục như thế bao giờ nên có vẻ hơi tò mò.

Tân Tú bèn vẽ hẳn ra cho nàng ấy xem, đây là nghề của nàng rồi, trước tiên nàng vẽ người mẫu, sau đó vẽ nguyên bộ đồ trên thân người mẫu, vẽ hẳn mấy bộ. Cận Sắc sư tỷ xem xét một hồi, bình luận: “Nhìn hơi kỳ lạ nhưng cũng dễ làm thôi. Chẳng qua trông bình thường quá, các muội còn trẻ, mặc đồ thế này có phần hơi giản dị, hay là làm quần váy nhé?”

Tân Tú đành phải thảo luận một phen về ưu điểm của trang phục thời hiện đại với vị bậc thầy may vá giới tu tiên này, cũng định nhờ sư tỷ làm nội y giúp.

Bất ngờ là sư tỷ rất hứng thú với đồ nội y, bảo nàng vẽ mấy bộ cho nàng ấy xem.

“Mặc dù bộ này cũng không tệ chút nào, nhưng lại không đẹp bằng bộ đầu tiên.”

Dưới cuộc trưng cầu ý kiến hết sức dịu dàng của sư tỷ, Tân Tú – người vẽ hết bộ này đến bộ khác – có ảo giác mình lại quay về cái thời người làm công đau khổ. Nhất là câu “bộ đầu tiên vẫn đẹp nhất” càng khiến nàng bất giác giật mình thon thót. Đã bỏ việc lâu rồi sao vẫn còn xì-trét thế nhỉ?

Cận Sắc sư tỷ cầm một chồng bản thiết kế thời trang tỏ ý muốn nghiên cứu một hồi, sau đó tự thân tiễn họ ra ngoài.

Hai người bay được nửa đường lại gặp mấy người Thải Tinh sư huynh.

“Các sư huynh đang vội vã đi đâu thế ạ?”

Thải Tinh vẫy tay với nàng: “Hai vị sư muội mau tới đây, chúng ta tới bên Vân Trung Đình đi, nghe nói Đào Tuấn sư huynh trở về rồi, còn mang một thứ rất thú vị về.”

Đào Tuấn sư huynh không phải vị sư huynh ra ngoài nhiều năm chưa về mà họ mới nhắc đến hôm qua trong lúc hóng chuyện ư? Tân Tú nổi hứng lái mô-tô theo chân các sư huynh, “Sư huynh mang thứ gì hay về vậy ạ?”

Thải Tinh: “Hình như là một loại sinh vật rất kỳ dị, mũi cao mắt sâu, hai mắt xanh lét, lông vàng.”

Tân Tú im lặng.

Mũi cao mắt sâu, hai mắt xanh lét, tóc* vàng… Chẳng lẽ vị sư huynh này bắt người nước ngoài về?!

(*) Lông và tóc dùng chung một từ.

Lời tác giả:

# không phải người nước ngoài #
Bình Luận (0)
Comment