*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.“Huynh trưởng thì ngược lại chẳng thay đổi gì cả.” Hư Nhâm cười nhìn Bùi Ngọc Vận.
“Vẫn không giống Tiểu Cầm lắm.” Bùi Ngọc Vận sờ mặt mình, lại nhìn Hư Nhâm nói.
Trước khi xuất gia, Hư Nhâm có tục danh là Bùi Ngọc Cầm, chính là anh em sinh đôi với Bùi Ngọc Vận.
Khi hai người sinh ra, được một thầy tướng số cách đó mười dặm xem mệnh, nói rằng hai huynh đệ bọn họ phúc khí quá lớn, tên bình thường áp không nổi, liền lấy tên con gái. Song phúc khí của cái tên này hai huynh đệ chẳng được hưởng mà vận khí còn không tốt lắm, sơn tặc đến cướp thôn, hai huynh đệ họ được cha mẹ giấu dưới gầm giường mới miễn cưỡng tránh được một kiếp.
Sau này, hai người Bùi Ngọc Cầm và Bùi Ngọc Vận bắt đầu những ngày tháng gian lao kiếm ăn ngoài đường.
Năm mười hai tuổi, hai huynh đệ gặp một đạo sĩ và một hòa thượng trên đường.
Đạo sĩ nói với Bùi Ngọc Cầm rằng muốn dẫn hắn đi tu hành, hòa thượng thì nói với Bùi Ngọc Vận rằng hắn có tuệ căn, muốn giúp hắn xuất gia.
Hai huynh đệ đều chẳng quan tâm lắm, kết quả khi trở về nói chuyện với nhau, mới phát hiện thì ra cả hai đều gặp chuyện như vậy.
Làm hòa thượng, hai huynh đệ đương nhiên không muốn.
Còn làm đạo sĩ, hai huynh đệ suy nghĩ, chắc chẳng khác thầy tướng số là bao, có thể xem xét một chút. Bùi Ngọc Vận là anh trai, xung phong thay em mình đi thăm dò thử xem tên đạo sĩ kia rốt cuộc có trò gì thần thông? Kết quả sau nửa đêm Bùi Ngọc Vận mới trở về, cả người đều là máu, kiệt sức kéo tay Bùi Ngọc Cầm bảo hắn trốn đi.
Thì ra tên đạo sĩ đó đúng là đạo sĩ thật, nhưng lại là người tâm thuật bất chính, là kẻ chuyên lôi kéo người khác vào Ma đạo, lần này hắn ra ngoài hoàn toàn là vì người mới trong tổ chức chết quá nhanh, không thể không ra ngoài tìm người bổ sung. Hai huynh đệ Bùi Ngọc Cầm và Bùi Ngọc Vận Thiên đình[1] đầy đặn, tướng mạo không tầm thường, vừa nhìn là biết thiên phú không thấp, cho nên đạo sĩ nọ mới nảy ra ý định muốn mang Bùi Ngọc Cầm về.
Nào ngờ, Bùi Ngọc Vận hơn nửa đêm bám theo hắn, thấy đạo sĩ nọ đang lột da một thiếu nữ trẻ, khiến Bùi Ngọc Vận bị dọa chết khiếp.
“Đệ đệ, tên đạo sĩ kia sắp đuổi kịp rồi, ta chạy theo đường tắt đến đây.” Bùi Ngọc Vận không kịp nói nhiều với Bùi Ngọc Cầm. Chợt nhớ ban ngày vị hòa thượng kia khi gặp hắn có tặng một chuỗi phật châu, vội lấy nó từ trong người ra rồi nhét vào tay Bùi Ngọc Cầm, dặn đệ đệ giấu kỹ, sau đó chủ động chạy ra ngoài, rời đi cùng đạo sĩ kia, còn Bùi Ngọc Cầm thì cầm theo chuỗi phật châu kia, gặp được hòa thượng nọ.
Sau khi bước vào con đường tu hành, Hư Nhâm mới biết tên đạo sĩ lúc ấy chắc hẳn cũng là tu sĩ. Hắn nói chuyện của huynh trưởng cho sư phụ, nhưng sư phụ ngoài việc tính cho hắn một quẻ xem cát hung thế nào thì hoàn toàn bất lực. Hư Nhâm chỉ có thể cố gắng tu hành, hi vọng sớm có thể cứu huynh trưởng về.
Chẳng ngờ vài năm sau, Bùi Ngọc Vận lại chủ động tìm đến.
Thời điểm đó, Hư Nhâm mới chỉ đến kỳ Trúc Cơ, mà Bùi Ngọc Vận đã đến kỳ Kim Đan.
Không biết bọn Ma tu đó dùng biện pháp gì mà lại có thể đẩy tu vi của huynh trưởng đến kỳ Kim Đan, huynh trưởng chẳng chịu nói gì với hắn, nhưng lại rất vui vì Hư Nhâm có thể trở thành đệ tử của Đoạn Trần tự, ít ra cũng không cần phân tâm vì chuyện khác.
Hư Nhâm biết từ nhỏ Bùi Ngọc Vận đã thông minh hơn mình nhiều, song vẫn hi vọng Bùi Ngọc Vận có thể đổi sang con đường khác đơn giản hơn, nhưng lũ Ma tu kia vô cùng càn rỡ, Bùi Ngọc Vận phải trải qua vô vàn gian khổ mới có thể trốn đi gặp Hư Nhâm.
Chẳng biết đã qua bao lâu, Hư Nhâm rốt cuộc cũng đến thời điểm kết Anh trọng yếu, khi hắn nghe tin huynh trưởng của mình tự bạo Nguyên Anh kéo những tên Ma tu trong tổ chức kia cùng đồng quy vu tận thì tâm ma nhập thể, đừng nói đến thành Anh, ngay cả Kim Đan cũng sắp nát vụn.
Vài năm nữa lại trôi qua, huynh trưởng truyền tin cho hắn, nói một mảnh Nguyên Thần của hắn đã bám được vào người một tên ma ốm, chỉ cần điều dưỡng mấy năm là có thể đến tìm hắn, bấy giờ Hư Nhâm mới cởi bỏ được tâm ma, thuận lợi kết Anh.
Hư Nhâm cũng từ chối lời mời của Thượng giới, vẫn ở lại Đoạn Trần tự, đợi huynh trưởng của mình đến.
Trước kia huynh trưởng đã cứu hắn một mạng, hôm nay cũng nên đến lượt hắn bảo vệ huynh trưởng.
Hiện giờ đã mấy chục năm trôi qua, huynh trưởng cuối cùng cũng điều dưỡng được một thân thể khỏe mạnh, khí tức vô cùng đoan chính, không còn chút bóng dáng Ma tu, Hư Nhâm nhìn Bùi Ngọc Vận lúc này, rốt cuộc cũng có thể yên tâm. Hắn vẫn chưa làm được gì cho huynh trưởng, từ giờ tận tâm chỉ bảo huynh trưởng cũng coi như an ủi hắn phần nào.
Hai huynh đệ nhiều năm không gặp, sau khi vui vẻ trò chuyện cùng nhau, không khí cũng dần trở nên hòa hợp.
“Huynh trưởng tu luyện lại lần nữa, nghị lực vượt xa bình thường, sau này nhất định sẽ thành danh.” Hiện giờ Hư Nhâm đã luyện được mắt nhìn người rất tốt, hắn chưa từng gặp ai có Phật tính thâm hậu như huynh trưởng. Cho dù từ nhỏ lớn lên trong Ma đạo, nhưng trên người không dính chút mùi máu nào, đúng là không thể ngờ được. Trước kia đi theo Ma đạo huynh trưởng vẫn có thể kết thành Nguyên Anh, hôm nay quay về Chính đạo, tiền đồ sau này nhất định không thể đong đếm được!
“Cũng tạm thôi.” Bùi Ngọc Vận cũng chẳng kích động, dù gì cũng là người đã mấy trăm tuổi rồi, đương nhiên sẽ không giống người trẻ tuổi vừa được khen là vui mừng lộ hết ra mặt. Song hiện giờ đệ đệ đã là trưởng lão của Đoạn Trần tự rồi, hắn cũng rất mừng cho em mình.
“Phải rồi, cái tên Hư Tĩnh sư đệ của đệ rốt cuộc là sao thế hả, cứ kỳ quặc thế nào ấy?” Bùi Ngọc Vận lơ đãng hỏi.
“Mấy năm gần đây Hư Tĩnh sư đệ có hơi cố chấp một chút.” Trước khi đến đây Hư Nhâm đã nhận được tin của Huệ Minh và Huệ Giác, hiển nhiên là biết Bùi Ngọc Vận đang hỏi chuyện gì.
“Hư Tĩnh sư đệ từng có đồ nhi, thiên tư phi phàm, khắp tông môn đều coi trọng hắn, hi vọng hắn có thể đến tu hành ở Hoa Nghiêm tông. Hắn cũng không phụ sự kỳ vọng, chẳng bao lâu đã nhận được lời mời của Hoa Nghiêm tông. Nhưng khi hắn đi đến Hoa Nghiêm tông thì một nữ Ma tu lại xuất hiện dẫn hắn đi, thì ra đệ tử kia và nữ Ma tu đã cấu kết với nhau từ lâu. Cuối cùng đệ tử kia rơi vào Ma đạo, nghe nói hiện giờ đã trở thành một Ma Phật có chút danh tiếng.”
“Rất giống một thoại bản cố sự mà trước đây chúng ta từng nghe qua nhỉ.” Bùi Ngọc Vận cười ha ha, “Không ngờ loại chuyện này lại có thể xảy ra được đấy?”
Hư Nhâm cười bất đắc dĩ nhìn huynh trưởng của mình, cảm thấy mấy năm nay huynh trưởng vẫn có chút thay đổi.
Ít ra là dễ cười hơn.
“Nếu huynh trưởng có quen biết với Văn An thì ta có thể đi nói giúp một tiếng.” Với địa vị hiện giờ, Hư Nhâm muốn thu bao nhiêu đồ đệ thì cũng chẳng ai dám quản.
“Không cần đâu.” Bùi Ngọc Vận khoát tay nói, “Người ta đã che giấu tu vi để đến đây, chắc quả thật là chỉ muốn dự giảng thôi.”
“Che giấu tu vi? Huynh trưởng, huynh có thể nói rõ hơn không?” Hư Nhâm nghe được từ mấu chốt, bèn vội vàng hỏi.
“Ầy, ta hơi mệt rồi.” Bùi Ngọc Vận lười biếng duỗi eo, “Tiểu Cầm, đệ về trước đi, ta muốn đi ngủ.”
“……..Được rồi, huynh trưởng ngủ ngon nhé.” Hư Nhâm thấy Bùi Ngọc Vận mệt thật, không khỏi nhớ lại chuyện trước kia.
Hình như từ lúc hắn bắt đầu có ký ức, huynh trưởng chẳng có lúc nào là không mệt cả!
“Hắn hẳn là không có ác ý đâu, đệ yên tâm đi.” Giọng nói của Bùi Ngọc Vận từ phía sau truyền đến.
Hư Nhâm gật đầu, nếu huynh trưởng đã nói thế thì hắn cũng an tâm.
Gần đây, Giảng Kinh đường của Đoạn Trần tự nghênh đón hai đệ tử đặc biệt.
Một người được Hư Nhâm chân nhân chính thức nhận làm đệ tử, một người thì lại bị Hư Tĩnh trưởng lão tước đoạt tư cách đệ tử, chỉ được dự giảng.
Nhưng quan trọng nhất là…………….
Giữa một đám đầu trọc, hai tu sĩ không cạo đầu này đúng là trông như hạc giữa bầy gà!
Bùi Ngọc Vận bị mấy người này nhìn chằm chằm vào tóc, nhất thời cảm thấy như thể đầu mình cũng trọc lóc luôn.
Tuy Tạ Chinh Hồng rất muốn cạo đầu để khiến mình không quá nổi bật, nhưng nghĩ đến lời hăm dọa lúc trước của tiền bối, hiện giờ cả hai đang chiến tranh lạnh, hắn không dám làm gì chọc tức tiền bối nữa, đành phải giữ nguyên một đầu tóc dài.
Thầy chủ giảng của Giảng Kinh Đường là một lão hòa thượng Trúc Cơ viên mãn rất cao tuổi, đầu trụi lủi, râu thì lại cả bó to, trông rất có phong phạm.
Ông lật ra một quyển kinh thư, bắt đầu nói về Ngũ Vị Bách Pháp[2] cơ bản nhất.
Trong luận điển của Đại Tiểu Thừa, đều lấy Ngũ Vị pháp gồm Tâm, Tâm Sở, Sắc, Bất Tương Ưng Hành, Vô Vi để giảng giải và quản lý chung tất cả mọi quy phạm của pháp. Pháp lý của Tiểu Thừa chia làm năm vị và tám mươi tư pháp[3], pháp lý Đại Thừa thì chia nhiều hơn, gồm năm vị một trăm pháp. Phật pháp sở dĩ khó học, phần lớn nguyên nhân là bởi số lượng danh từ về Pháp Tướng có tới hơn vạn, khi ứng dụng thì lại có cách giải thích khác, do đó nên có vẻ vô cùng khó khăn. Mà nếu có thể hiểu rõ Ngũ Vị Bách Pháp thì cũng hiểu được ý nghĩa của tất cả các pháp cơ bản.
Khi Tạ Chinh Hồng học về những danh từ Pháp Tướng này, hơn phân nửa là gặp lúc niệm kinh, nếu không hiểu thì phải tự tìm tòi, hệ thống giải thích trên chợ có rất ít, hơn nữa giải thích cũng không hoàn toàn đầy đủ, cho thêm quá nhiều yếu tố chủ quan. Thế nhưng vị giảng sư này thì không giống thế, điều này có ý nghĩa gì thì nói dựa theo ý nghĩa đó mà nói, không hề có chút yếu tố chủ quan nào. Tuy rằng nghe vô cùng nhàm chán chẳng có gì hay, nhưng lại vừa đúng những thứ Tạ Chinh Hồng đang thiếu sót, vậy nên hắn nghe giảng cực kỳ chăm chú.
Tạ Chinh Hồng thì chăm chú, còn Bùi Ngọc Vận thì hoàn toàn ngược lại.
Suốt cả buổi học hắn ngủ gục thì không nói, nhưng khi hắn không thẳng người được nữa thì dựa luôn vào vai Tạ Chinh Hồng.
“Tiểu hòa thượng, ngươi tránh ra cho ta!” Văn Xuân Tương lớn tiếng ra lệnh.
Tạ Chinh Hồng theo bản năng đứng lên, Bùi Ngọc Vận liền chúi đầu xuống, mơ màng ngẩng đầu nhìn Tạ Chinh Hồng, sau đó lại tiếp tục ngủ.
“Văn đạo hữu, có chuyện gì sao?” Lão hòa thượng thấy Tạ Chinh Hồng tự dưng đứng lên, bèn hỏi.
“Không có gì, là bần tăng thất lễ.” Tạ Chinh Hồng cúi đầu nói, ngồi lại chỗ cũ.
Lão hòa thượng không nói gì thêm, tiếp tục giảng giải về vài danh từ Pháp Tướng nữa.
Nhưng biểu hiện của Tạ Chinh Hồng, những người phía sau đều thấy hết, rõ ràng bởi vì tránh Bùi Ngọc Vận nên hắn mới làm thế.
Tên này bị ngốc hả? Hiện giờ Bùi Ngọc Vận là đệ tử của Hư Nhâm trưởng lão đó, bối phận cao như vậy, nịnh bợ còn chẳng kịp ấy chứ, còn trốn làm cái gì?
Chẳng lẽ là do ghen tị!
Mọi người ngẫm lại, cảm thấy khả năng này rất cao.
Dù sao hai người bọn họ đều cùng thông qua bài kiểm tra, nhưng một người trở thành học sinh dự giảng, một người trở thành đệ tử của chân nhân, chênh lệch đâu chỉ là mười vạn tám ngàn dặm thôi đâu?
Tạ Chinh Hồng ngồi xuống, trên mặt mang theo vẻ vui sướng không dễ nhận ra.
“Tiền bối, ngài rốt cuộc cũng chịu để ý đến ta.”
Văn Xuân Tương hừ lạnh một tiếng, thấy bộ dáng vui vẻ của Tạ Chinh Hồng, cơn giận trong lòng liền tiêu tan một cách thần kỳ.
Khí Vận hương thì sao chứ, Quý Hiết thì sao chứ?
Đợi đến khi y khôi phục rồi thì chẳng còn vấn đề gì hết.
Người bình thường muốn chọc phải phiền toái như vậy cũng không được đâu.
Trái tim Văn Xuân Tương đã bất giác lệch hoàn toàn luôn rồi.
******
★Chú thích:
[1]Thiên đình: là vùng giữa trán con người. Theo Nhân tướng học, Thiên đình còn được gọi là cung Quan lộc, chủ quản vận sự nghiệp và vận làm quan của một người. Vầng trán cao, đầy đặn, khí sắc sáng sủa, không có sẹo hoặc nốt ruồi xấu, tức là có căn cơ tiên thiên tốt, bẩm sinh đã tràn trề sinh lực, thông minh hơn người, tuổi còn trẻ đã được trưởng bối hoặc cấp trên tán thưởng, cất nhắc.
[2]Ngũ Vị Bách Pháp: Tông Duy Thức phân chia hết thảy tồn tại ra làm năm pháp là: Tâm (心), Tâm Sở (心所), Sắc (色), Bất Tương Ưng Hành (不相應行), và Vô Vi (無爲). Thêm vào đó Tâm thì được chia thành tám pháp, Tâm Sở năm mươi mốt pháp, Sắc mười một pháp, Bất Tương Ưng Hành hai mươi tư pháp và Vô Vi sáu pháp, như vậy tất cả cộng lại thành một trăm loại nên được gọi là Ngũ Vị Bách Pháp (Năm Vị Trăm Pháp).
[3]Năm vị và tám mươi tư pháp: Tông Thành Thực chia Pháp tướng thành năm vị và tám mươi tư pháp khác với năm vị bảy mươi lăm pháp của tông Câu xá và năm vị một trăm pháp của tông Duy Thức. Năm vị tám mươi tư pháp gồm:
1. Sắc pháp: Có mười bốn pháp, gồm năm căn, năm cảnh và bốn đại.
2. Tâm pháp: Tức tâm vương.
3. Tâm sở pháp: Có bốn mươi chín pháp, như yếm, hân, miên…
4. Phi sắc phi tâm pháp: Gồm mười bảy pháp, như lão, phàm phu, vô tác…
5. Vô vi pháp: Gồm ba pháp, giống với ba pháp vô vi của tông Câu xá.