Sương Khói Giai Nhân

Chương 1

Bình sinh Doãn Lễ chưa từng nghĩ rằng một cảnh tượng huyền ảo thần tiên nhường ấy sẽ xuất hiện trước mắt mình, kể cả hồi còn ở trong hoàng cung nguy nga lộng lẫy cũng chưa từng.

Đầu xuân, gió mát hây hây, sắc hoa dập dìu, mặc dù đã là giữa trưa, nhưng sương mù trong núi mãi chưa tan.

Khe suối uốn lượn quanh cây lê, như một bức tranh thủy mặc vẽ bởi nét bút mảnh, thanh đạm, tao nhã.

Một bóng xanh bích nhạt buông xuống từ cây lê, xoay một vòng trên mặt đất, hóa thành hình người.

Nàng mặc lớp váy nhạt màu mềm mại như sương khói, eo thắt dây lưng hoa văn mây, dưới nếp xếp tay áo lụa là cổ tay trắng muốt, mái tóc đen mượt như suối, hai bên cài đôi trâm màu ngà trong suốt, cặp mắt màu xanh lam, mặt mày như vẽ, đeo trang sức chạm trổ hoa văn, khẽ nở nụ cười.

Nàng nô đùa ở khe suối nơi trăm hoa đua nở, lúc ngước mắt mới giật mình phát hiện nơi đây không chỉ có một mình mình.

Doãn Lễ đứng bên kia suối, nhìn nàng uyển chuyển vượt suối đến trước mặt mình, cẩn trọng đánh giá hắn.

“Chàng nhìn thấy ta?” Âm thanh như dung mạo, tựa hoàng oanh, ngọc vỡ.[1]

“Hai mắt của tại hạ rất tốt, sao lại không thấy cô nương được?” Doãn Lễ khó hiểu.

“Thật thú vị, chàng lại nhìn thấy ta.” Nữ tử mỉm cười.

Doãn Lễ vừa định đáp lời, yết hầu bỗng nóng rực, không khỏi ho khan, ngũ tạng bị ảnh hưởng nên đau nhức.

Đây là di chứng của độc dược năm xưa, cho dù được cận vệ trung thành cứu sống, may mắn được thần y cứu chữa, cũng không thể khôi phục sức khỏe như lúc trước, cuối cùng sẽ dần suy yếu.

Khi Doãn Lễ đang ho khan khó ngừng, nàng kia chợt đưa tay lên bả vai hắn, ánh mắt linh hoạt dao động nói: “Đây là chứng bệnh cũ, thân thể của chàng bị rút cạn rồi, có cố cũng vô dụng.”

“Nhưng đừng lo.” Nữ tử giơ hai ngón tay điểm đại huyệt của Doãn Lễ, sau đó dùng sức vỗ lên ngực hắn một cái thật mạnh. Chỉ chớp mắt Doãn Lễ đã cảm thấy nhẹ nhõm, khí đen giữa hai chân mày tiêu tan, thoải mái hơn rất nhiều.

“Cô nương không phải người tộc ta, cớ gì lại cứu ta?” Giọng của Doãn Lễ không hề có vẻ yếu ớt, tiếng nói dịu dàng như vọng về từ năm xưa, có điều nay lại hòa lẫn với sự từng trải và tang thương của thời gian, không còn trong trẻo nữa.

“Chàng đã nhìn thấy ta, vậy chàng và ta có duyên với nhau.” Nữ tử cười khẽ, quay người đi.

“Xin hỏi cô nương là?” Doãn Lễ không biết vì sao bỗng nhiên hôm nay mình lại nói nhiều hơn bình thường.

Nữ tử ngoái đầu: “Ta là yêu tinh, không sợ ta ăn chàng sao?”

Ánh mắt màu xanh mê hoặc hồn phách con người, hai tay để móng dài như vuốt ưng giơ lên uy hiếp.

Doãn Lễ không sợ, vén áo bào, ngồi xuống đất: “Nếu yêu hướng thiện, không khác con người, nếu người độc ác, không xứng làm người.”

“Lần đầu tiên trong trăm năm nay nghe thấy tư tưởng như vậy, ta thích.” Nữ tử quay lại, ngồi xuống cạnh Doãn Lễ.

“Chàng là người đầu tiên thấy ta, cũng là người đầu tiên cười với ta.” Nữ tử nhìn Doãn Lễ, trầm ngâm rồi hỏi: “Chàng tên là gì?”

“Vân Ly.” Doãn Lễ giấu tên thật, chỉ vì không muốn dấy lên phong ba.

“Là Vân trong mây mù, Ly trong biệt ly sao?” Nữ tử liếc mắt.

“Phải.” Doãn Lễ gật đầu.

“Tên của chàng không may mắn, ngụ ý chia lìa, không tốt không tốt.” Thần sắc nữ tử nghiêm túc, càng có vẻ đáng yêu.

Doãn Lễ cười: “Vậy tên của nàng là gì?”

Nữ tử cầm tay Doãn Lễ, viết trong lòng bàn tay hắn: ‘Lê Huân’.

“Lê Huân?” Doãn Lễ đoán thử.

Nữ tử thỏa mãn, vui mừng gật đầu.

“Vì sao không trực tiếp nói ra?”

“Không ai biết tên của yêu, cũng không ai dám, lâu dần, ta chỉ nhớ cách viết, nhưng lại quên gọi như thế nào rồi.”

Ánh mặt trời chiếu lên gương mặt trông nghiêng của nữ tử, lúc này Doãn Lễ dường như cảm giác được sự tịch mịch của nàng.

“Lê Huân, màu trắng thuần khiết nhất thế gian, sương khói ấm áp lượn lờ, tên này nghe rất êm tai.”

“Cảm ơn chàng.” Nữ tử cười rất vui sướng, nhưng hình như nhớ ra điều gì, vội vàng đứng lên.

“Vân Ly, hôm nay ta cứu chàng, chàng phải báo đáp. Hai ngày sau, chàng đến đây, mang cho ta một bó hoa thơm nức được không?” Thực ra nữ tử không cần hắn báo đáp, chẳng qua muốn gặp lại hắn nên viện cớ mà thôi.

“Được.” Doãn Lễ vốn ngày ngày rảnh rỗi, lập tức đồng ý.

“Chàng đáp ứng rồi thì không được đổi ý, nếu chàng không đến, ta sẽ ăn thịt chàng.” Nét cười của nữ tử muốn giấu cũng không giấu được, chớp mắt đã biến mất.

***

Hai ngày sau, Doãn Lễ quả thực cầm một bó hoa lan vào khe suối khúc khuỷu trong núi, nữ tử kia chưa đến, Doãn Lễ bèn đứng dưới tàng cây lẳng lặng chờ.

Hai mắt bỗng tối đen, mắt Doãn Lễ bị bịt kín, mùi hoa thanh tân thoảng qua.

Khóe miệng Doãn Lễ cong lên: “Lê Huân, nàng đã đến rồi.”

“Chơi không vui, chàng vừa đoán đã trúng.” Lê Huân bỏ hai tay ra, đi đến trước mặt Doãn Lễ.

Doãn Lễ đưa bó U Lan cho nàng, Lê Huân ngửi nói: “Sao hoa này lại không có mùi.”

“Đây là hoa U Lan, mùi hương thanh khiết có thể tẩy cả dơ bẩn, giữa chốn tăm tối vẫn ngát mùi hương, sao lại không có mùi được.” Doãn Lễ cũng lại gần, ngửi thấy mùi hoa tỏa ra bốn phía, rõ ràng thơm ngào ngạt.

Nhìn bộ dạng của Doãn Lễ, Lê Huân không nhịn được bật cười: “Chẳng lẽ chàng không biết yêu không có cảm giác ư?”

“Không có cảm giác?”

“Không nhận ra sự vật, không có cảm giác gì, ngay cả nhìn cũng chỉ thấy một màu tối tăm.” Lê Huân cầm bó hoa lan, đặt trước mũi hít nhè nhẹ, con mắt màu xanh nhìn về phía Doãn Lễ: “Đây là bi ai của yêu.”

“Ta vốn tưởng rằng yêu tộc tu luyện, trăm độc bất xâm, đáng ra nên trường mệnh vạn năm.” Doãn Lễ than tiếc, nữ tử tinh nghịch như thế nhưng lại không cảm giác được gì trên cõi đời này.

“Bởi thế nên ta mới muốn trở thành người, cảm nhận những điều ta chưa từng trải nghiệm.” Lê Huân khát khao.

“Cuộc sống của con người có lẽ cũng chẳng tốt đẹp đến thế.” Doãn Lễ đã từng trải qua sự đắng cay của thế gian, không muốn nàng biết được nỗi bất lực và thống khổ của con người.

“Nhưng mà, chưa từng biết chẳng phải còn nhàm chán hơn sao.” Cặp mắt xanh sẫm sáng rực lên như sao như lửa, Lê Huân dang hai tay, chân xoay tròn, mở miệng: “Ta muốn được ngửi mùi hoa, cảm nhận được mùi vị, thấy ánh mặt trời.”

Gió nhẹ mơn trớn mái tóc dài của nàng, làn váy lay động, cánh hoa tung bay, Doãn Lễ nhìn Lê Huân như vậy, trong lòng không hiểu sao cảm thấy thương xót.

“Sao nàng không tới thăm nhân gian, nếu thế gian không tốt đẹp ấm áp như nàng đã nghĩ, vậy nàng có thể trở về, lại tu luyện.” Doãn Lễ gợi ý cho Lê Huân.

Lê Huân dừng bước chân xoay tròn, ngừng lại nhìn Doãn Lễ hỏi: “Thật sự có thể chứ, ta có thể tới nhân gian?”

“Có gì là không thể, chẳng lẽ nàng không ra khỏi dãy núi này được sao?”

“Có thể ra ngoài, nhưng mà…” Cặp mắt xanh lam linh động của Lê Huân đảo qua, nói tiếp: “Chàng có thể cho ta mượn một giọt máu không?”

“Nhấc tay chi lao.” Doãn Lễ nhặt một hòn đá cứng lên, rạch giữa lòng bàn tay, máu đỏ tươi nhỏ xuống theo đường chỉ tay.

Lê Huân chớp mắt đã tới bên, lấy tay hứng máu, máu tươi đỏ như mực đặc thấm vào làn da của Lê Huân, sau đó nàng làm lành vết thương của Doãn lễ.

Nàng nhìn hai tay của mình, nắm lại rồi buông ra, nở nụ cười lộ hàm răng trắng tinh, sáng lạn như ráng mây trời.

“Máu tươi của nhân loại thần kỳ thật, chẳng trách lại có loại yêu chuyên hút máu người.” Lê Huân thì thào tự nói, nàng vui vẻ cầm tay Doãn Lễ hỏi: “Có phải cơ thể ta trở nên chân thật hơn không?”

Doãn Lễ còn chưa hiểu rõ, cầm lại bàn tay của Lê Huân, nhiệt độ hơi man mát không còn là hư ảo nữa.

“Như vậy sẽ không chỉ mình chàng nhìn thấy ta nữa, cảm ơn chàng, Vân Ly.” Lê Huân ôm chầm lấy Doãn Lễ như một đứa bé vui vẻ, để mặt mình cọ cọ lên mặt Doãn lễ.

Doãn Lễ không biết vì sao bản thân không đẩy Lê Huân ra, thân thể cứng đờ, trong lòng nghĩ tính cách nàng chỉ như một đứa trẻ.

Đến cuối hoàng hôn, Doãn Lễ dẫn Lê Huân về nhà, đối mặt với mọi thứ mới mẻ, Lê Huân đều cảm thấy vô cùng hứng thú.

Đình viện vùng sông nước Giang Nam, những mảnh ngói sứ đã phủ bụi hiện ra đường cong dịu dàng tao nhã, cánh cửa sổ vách ngăn nhìn xuyên thấu, chạm trổ hoa chim trùng điệp, giữa hành lang gấp khúc buộc mành lụa, hải đường nở rộ, hạc xanh bài trí, sân nhà vuông vắn, sào trúc dựng thẳng, thật ứng với câu nhã thi ‘nhất cầm kỉ thượng nhàn, sổ trúc song ngoại bích’.[2]

Mặc dù không trang hoàng hoa lệ, nhưng khí khái tĩnh lặng và tao nhã này người ngoài muốn học theo cũng không được.

“Gia, đây là?” A Tấn thân là tổng quản, thấy nữ tử đi theo Tống Lễ mà suýt chút nữa rớt cả cằm.

“Đây là người ta đưa về, ngươi không cần hoảng hốt.” Doãn Lễ vỗ vai A Tấn, dí dỏm đùa.

Hiếm khi thấy Doãn Lễ nói giỡn thoải mái như vậy, nghĩ rằng vị cô nương này chắc chắn có chỗ hơn người, A Tấn cũng tỏ thái độ cung kính.

“Lê Huân, đây là A Tấn, về sau nàng có cần gì, đến hỏi y là được.” Doãn Lễ giới thiệu cho Lê Huân.

“A Tấn, ta tên là Lê Huân, về sau chúng ta sẽ là bằng hữu.” Lê Huân cười ngọt ngào, ấm áp như gió xuân, khiến A Tấn cảm thấy dễ chịu, nhưng cũng không dám quên quy củ, kính cẩn đáp: “Tiểu thư Lê Huân là bằng hữu của gia, là chủ tử, A Tấn là người hầu, tôn ti khác biệt, A Tấn sao có thể trở thành bằng hữu của tiểu thư.”

Lê Huân không hiểu lễ nghi của con người, chỉ có thể kéo tay áo Doãn Lễ hỏi: “Vân Ly, chủ tử là gì, người hầu là gì?”

Doãn Lễ không giải thích cho Lê Huân, quay sang nói với A Tấn: “Ngươi cứ thuận theo nàng đi, nàng không phải loại người bị vấy bẩn chốn nhân gian, không hiểu mấy chuyện này.”

Nghe Doãn Lễ nói vậy, A Tấn cũng không chối từ nữa, y thấy nữ tử này không giống tiểu thư được nuông chiều trong bốn bức tường, cũng không giống các vị phi tần hay đấu đá trong cung, vừa nhìn đã khiến người ta cảm thấy thân thiết và đơn giản, không rành thế sự, chẳng trách gia lại đưa nàng về nhà, ở chung với một nữ tử tốt như vậy khiến cho tâm tưởng con người ta cũng có thể trở nên trong sáng nhàn nhã hơn.

Vậy là kết thúc ngày đầu tiên Lê Huân tới nhân gian, ngày đến trăng tan, Doãn Lễ muôn thuở như một dậy từ sớm tinh mơ, đi dạo hai vòng quanh đình viện, ăn xong bữa sáng, không thấy Lê Huân, cho rằng tiểu cô nương ra ngoài chơi đùa, bèn an vị dưới một tàng cây, pha một ấm trà xanh, tay cầm sách cổ, chăm chú đọc.

Một cơn gió ấm thổi qua, lật trang sách, đưa mùi hoa, một chiếc lá rơi xuống vai Doãn Lễ, hắn không để tâm tới, nhưng chỉ một chốc sau lại có ba chiếc lá rơi xuống chính giữa trang giấy, Doãn Lễ phất lá cây đi, thầm nghĩ giờ không phải mùa thu, sao lá cây lại rụng nhiều vậy.

Ngẩng đầu lên, chợt trông thấy một nữ tử ngồi trên thân cây cũng đang nhìn hắn, hai bên đối diện nhau đều mang theo ý cười, nữ tử mặc quần áo sắc vàng nhạt nhảy xuống, cầm lá cây trong tay đặt lên bàn, nhìn nam tử nhạt như gió mát kia nói: “Cuộc sống của chàng không khỏi quá tiên phong đạo cốt rồi, e rằng thần tiên trên trời cũng chẳng thanh nhàn như chàng.”

Doãn Lễ cầm chén sứ, khẽ thổi nước trà xanh, hỏi: “Sao nàng không ra ngoài chơi?”

Lê Huân ngồi xuống, đoan trang cầm một chiếc chén sứ khác: “Vốn định đi cùng chàng, nhưng chàng rất lười, đến xuất môn cũng không muốn.”

“Bất luận cái đẹp hay cái xấu ta hầu như đã xem hết, trải nghiệm hết rồi, không cần xuất môn nữa.” Doãn Lễ nhấp ngụm trà, quả nhiên ngọt mà không gắt, cực phẩm trong các loại trà.

Lê Huân không tranh luận, hai tay chống cằm, con mắt xanh lam nhìn cây cổ thụ bên bàn đá, cẩn thận đánh giá: “Cây lê này có phải đã lâu rồi không trổ hoa không?”

“Từ lúc ta tới đã không thấy ra hoa.” Doãn Lễ nhìn sách, đáp.

“Chắc chắn dưới gốc cây chôn thứ gì đó, mới khiến rễ cây không thể hấp thu khí đất, không thể nở hoa.” Lê Huân khẳng định.

Doãn Lễ đặt sách xuống nhìn tán cây: “Sao nàng lại biết?”

Lê Huân không đáp lời Doãn Lễ, hai ngón tay cách không chỉ vào phần rễ cây lộ thiên, ánh sáng xanh nhạt hiện lên giữa lòng bàn tay, năm ngón tay khẽ móc lên, một cái bình dính bùn đất chợt chui ra khỏi mặt đất.

“Bởi vì, đây là sự thật.” Lê Huân đắc ý nói với Doãn Lễ.

Hóa ra dưới tàng cây có chôn một cái bình, Doãn Lễ tiến lên xem xét, Lê Huân bóc lớp giấy dầu bọc kín bên ngoài, bỗng thấy một phong thư không đề tên.

Doãn Lễ chưa kịp ngăn cản, Lê Huân đã mở thư ra, trên trang giấy hơi ố vàng chỉ viết hai câu. Một câu là ‘Bình sinh chưa từng tương tư, vừa mới hiểu tương tư, đã quay quắt vì tương tư’,[3] một câu khác là ‘tình kiếp cả đời, chỉ mong người gỡ’.

Doãn Lễ thấy thế khó tránh khỏi thương cảm, xúc động khẽ niệm: “Bình sinh chưa từng tương tư, vừa mới hiểu tương tư, đã quay quắt vì tương tư.”

“Ý là sao?” Lê Huân nghiêng đầu nhìn Doãn Lễ.

“Ta vốn không biết thế nào là tương tư, nay vừa biết, đã bị nỗi khổ tương tư giày vò.” Doãn lễ lắc đầu, thở dài: “Đáng sợ nhất là tương tư.”

“Tương tư là thú dữ lũ lớn hay sao? Ai cũng sợ nó ư?” Lê Huân giải thích sai lời Doãn Lễ, quả thực là trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nhưng lời này lại khiến Doãn Lễ khuây khỏa: “Đúng vậy, tương tư rất đáng sợ, cho nên tuyệt đối không được đụng phải tương tư.”

Lê Huân nửa hiểu nửa không, nhìn cái bình: “Bình này đựng Lê Hoa Nhưỡng, chắc đã được người ta chôn từ rất lâu rồi, chuyện hôm nay chớ để ngày mai, ta mở nó ra nhé, ta còn chưa bao giờ uống rượu Lê Hoa Nhưỡng.”

“Thế e là không tốt.” Doãn lễ biết vật này gửi gắm nỗi tương tư, sao có thể đụng vào.

“Người kia chắc chắn không chờ được người mình muốn chờ nên mới chôn thư và bình rượu ở đây, hôm nay đào được lên coi là duyên phận, cớ gì phải cô phụ?”

“Nàng không nếm được mùi vị, chỉ mình ta thưởng thức được rượu ủ đã trăm năm hoặc ngàn năm trước, chẳng phải phí hoài rồi.” Doãn Lễ cảm thấy Lê Huân nói cũng có lý, nhưng Lê Huân không có vị giác, tự rót tự uống khó tránh khỏi cô đơn.

Lê Huân ngẫm nghĩ rồi đáp: “Cũng phải, chi bằng cứ cất đi đã, chờ sau này ta thành người sẽ cùng chàng uống.”

Hai người nhất trí, Doãn Lễ gọi người hầu, để bình rượu vào nơi mát mẻ.

[1] Hoàng oanh, ngọc vỡ: Hình dung âm thanh trong trẻo.

[2] Câu thơ khen ngợi nghệ thuật làm cửa sổ của vườn nhà cổ điển vùng Tô Châu.

[3] Nguyên văn là: “Bình sinh bất hội tương tư, tài hội tương tư, tiện hại tương tư.” Trích trong “Thiềm cung khúc – Xuân Tình”.
Bình Luận (0)
Comment