Tarot Lá Bài Để Ngỏ

Chương 42

Hôm quần áo của Kỳ Vân nồng nặc mùi son phấn, Hình Chí Cương rất muốn nín thở, cự tuyệt thứ không khí ngào ngạt ô nhiễm này, nhưng không được, gã bắt buộc phải duy trì nhịp thở đều đặn, mới tránh đột ngột gây ra tiếng động lớn. Khoang mũi và thói quen tư duy của gã như đã bắt tay với nhau, đều tự động coi mấy thứ phấn son hay nước hoa là ô uế bẩn thỉu, đàn bà dùng những thứ ấy để quyến rũ đàn ông, đồng thời cũng làm bẩn chính mình. Gã chứng kiến quá nhiều ả gái bao khóe mắt nhem nhuốc màu kẻ mắt đen, son môi dính cả lên răng, hễ cười là như khát máu, hương nước hoa và mùi men rượu trộn lẫn vào nhau, càng khiến người ta buồn nôn.

Gã cho rằng mình ở trong khoang thuyền hẳn là rất an toàn, phòng của Kỳ Vân nằm sát trong cùng, ngoài nhân viên trang điểm và vú nuôi đi cùng, bình thường đều không ai lui tới. Hơn nữa cô ta vốn nổi tiếng vì tính khí khác người, đồ đạc nếu chưa qua cho phép thì cấm có ai được động đến, bằng không cô ta sẽ chửi bới làm loạn lên, cáo bệnh không diễn nữa. Đương nhiên, Kỳ Vân tự hủy hoại thanh danh như vậy là có cái lý của cô ta, cũng bởi đang có một kẻ tên Hình Chí Cương xuất hiện khuấy đảo từ cuộc sống cho đến tính nết của cô ta, thật đúng là số mệnh trêu ngươi.

“Lát nữa sẽ có cảnh quay, quay xong thuyền sẽ về ngay nên em sẽ cố tình đóng hỏng mấy lần, để bọn họ quây cả lại quanh em, lúc đó Húc Tử sẽ dẫn anh ra đuôi thuyền, xuống con thuyền nhỏ hẹn đến đón anh. Rõ cả chưa?”

Chỉ riêng câu này, Kỳ Vân đã lải nhải với gã không dưới mười lần, giống như sợ gã quên mất, lại càng giống như từ biệt sớm, có rất nhiều điều muốn nói song đều không sao thốt nổi ra miệng, đành đánh trống lảng sang chuyện khác.

Húc Tử theo đoàn làm phim lên thuyền với danh nghĩa trợ lý dựng cảnh, đương nhiên cũng là nhờ Kỳ Vân lo lót quan hệ, nói gã là người em họ xa cô ta phải chăm sóc, người khác cũng không tiện nói gì. Lòng tin của Kỳ Vân đối với Húc Tử bắt nguồn từ mối giao thiệp ngắn ngủi ở Bách Lạc Môn trước đây. Trong ấn tượng của cô thì tay người Quảng Đông thấp bé nhanh nhẹn này rất kiệm lời, nhưng khi mấy vũ nữ ngồi buôn chuyện cười ngặt nghẽo với nhau, gã cũng ngồi bên cạnh tủm tỉm, không oang oang mà hết sức lặng lẽ, khiến cô ta vừa nhìn đã nhận ra sự cực đoan và cứng cỏi trong bản tính của gã.

Con người này, một khi đã hạ quyết tâm làm chuyện gì thì nhất định sẽ làm được.

Hoa lục bình kể về một cô thiên kim tiểu thư do Kỳ Vân thủ vai, vì muốn chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân ép buộc mà đứng trên thuyền lời qua tiếng lại với người cha, cuối cùng uất ức đến nỗi cắn răng liều mình nhảy xuống biển để thể hiện quyết tâm. Diễn viên đóng thế cảnh nhảy xuống biển vốn cũng đi theo, nhưng vì say sóng nên nằm liệt không dậy nổi. Đạo diễn Phùng Cương tức tối giậm chân bình bịch, đúng lúc bắt gặp Húc Tử đang ngồi tít trong góc sắp xếp hòm đạo cụ, bèn vẫy tay gọi gã lại.

“Cậu tên gì?”

“Điền Húc Tử.”

“Có biết bơi không?”

“Tôi biết bơi từ nhỏ.”

Phùng Cương mừng thầm, vội chỉ lan can bảo vệ trên boong thuyền, nói: “Cậu ra đứng chỗ kia rồi nhảy xuống biển được không, có sợ không? Ở dưới có ca nô trực sẵn, sẽ kéo cậu lên ngay.”

Húc Tử sững ra giây lát, vô thức gật đầu, nhưng đã bị Kỳ Vân lôi lại phía sau, đoạn cô ta trừng mắt hùng hổ mắng Phùng Cương: “Làm gì thế? Anh nghĩ lạ thật đấy nhỉ, lại gọi em họ tôi đi đóng thế, đến lúc xảy ra chuyện thì lấy ai chịu trách nhiệm hả? Không được!”

“Không được thì cảnh này không quay nổi đâu, chúng ta cũng không thể xong việc mà về.” Phùng Cương ỷ mình là đạo diễn nổi tiếng, cũng chẳng buồn nể nang Kỳ Vân, mặt mày tức thì sa sầm.

“Nực cười, người các anh thuê gặp vấn đề, liên quan gì đến tôi?”

Không khí thoắt chốc trở nên căng thẳng, trông hai vị máu mặt giương cung bạt kiếm, mọi người xung quanh không ai dám lên tiếng khuyên can, chỉ vờ như không trông thấy, cắm cúi tìm việc mà làm.

“Không sao, tôi đóng được.” Một câu nói của Húc Tử miễn cưỡng hóa giải tình thế khó xử.

Nhưng Hình Chí Cương ở trong khoang thuyền như ngồi trên đống lửa.

Dù thuyền viên và người chạy việc trên du thuyền đều đã lẳng lặng rời khỏi vị trí đi tới boong thuyền xem minh tinh nổi tiếng đóng phim, nhưng quả tim của Hình Chí Cương vẫn đang lơ lửng ngay trên cổ họng. Gã mặc áo sơ mi cùng áo len nhẹ nhàng, cuộn áo khoác nỉ, bọc trong túi chống nước để tiện đổi thuyền xong còn mặc. Ngoài ra còn có một chiếc ba lô bằng da bò, là hàng nhập từ Mỹ, quà sinh nhật chị Yến tặng gã. Mới đầu gã từng chê món đồ này vừa to lại chẳng ra hình thù, giống như của đám cao bồi miền viễn Tây mang đi khai hoang, hơn nữa bình thường gã cũng không hề hợp với com lê giày da, nên càng chẳng coi nó ra gì, nhưng chị Yến chỉ cười nói: “Chưa biết chừng sớm muộn cũng có ngày dùng đến thì sao?” Nghĩ đến đây, gã không khỏi đầm đìa mồ hôi lạnh, thì ra người phụ nữ đó kể từ ngày đầu quen biết đã nhìn thấu số mệnh gã nên mới âm thầm thu xếp mọi việc. Hiện giờ trong ba lô đang đựng thức ăn đóng hộp, một bình nước ngọt, hai bộ quần áo thay đổi, và một xấp tiền mặt được bao bọc tầng tầng lớp lớp.

Sau khi chuẩn bị xong xuôi, gã ngồi trên giường của Kỳ Vân hít một hơi thật sâu, đợi Húc Tử tới đón ra. Có một loạt các việc cần tay thủ hạ này giúp gã hoàn thành, ví dụ như đem chiếc hòm đựng quần áo có gã trốn bên trong chuyển tới đuôi thuyền, sau đó dùng ròng rọc thả xuống thuyền tiếp ứng, trả tiền cho đám người trên thuyền ấy xong là mọi chuyện đâu vào đấy. Nếu có thể, gã thậm chí còn hy vọng Húc Tử cùng gã sang Nhật, một mình lên đênh vượt biển quả thực quá đỗi cô đơn, gã không biết liệu mình có phải trải qua cả phần đời còn lại nơi đất khách quê người không nữa. Nhưng nếu bên cạnh có một người quen bầu bạn, tâm trạng sẽ có thể được an ủi rất nhiều, dù cho chỉ là một tên oắt con trước giờ mình không thèm để mắt đến.

Giở đồng hồ ra xem, thấy kim giờ đã chỉ đến số ba, gã biết sắp đến thời điểm hành động, bèn mở nắp hòm, bỏ ba lô và áo khoác vào một góc, rồi mới khom người chui vào trong, khó nhọc đóng nắp hòm lại, thoắt chốc gã đã chìm nghỉm trong bóng tối.

Chẳng bao lâu sau, Hình Chí Cương nghe tiếng cửa khoang mở ra, tiếp đó, hòm hơi rung lắc nhẹ, có vẻ đai da đã được cài vào.

“Húc Tử?” Gã không yên tâm, lên tiếng.

“Suỵt...”

Bên ngoài vọng vào một tiếng ra hiệu im lặng, khiến gã căng thẳng đến độ cổ họng khô rát, song cũng vô thức làm theo.

Trước nay chưa từng có con đường nào khiến Hình Chí Cương cảm thấy dài dằng dặc như vậy. Bởi gã đang nằm, và chỉ có thể nghe thấy tiếng ken két ma sát giữa đáy hòm và sàn tàu, tiếp đó đáy hòm bắt đầu nóng lên. Tuy không thể nhìn rõ động tĩnh bên ngoài, nhưng gã cảm thấy bản thân đang cùng chiếc hòm dịch chuyển theo một hướng nào đấy, gã nghe những âm thanh hỗn độn này mà muốn đinh tai nhức óc, thậm chí trong đó còn xen lẫn cả tiếng thở hổn hển khó nhọc.

Hình Chí Cương phát hiện, chiếc hòm cứ di chuyển được khoảng một đến hai phút lại phải dừng lại một lần, như thể người kéo hòm sợ khả năng chịu đựng của nó có hạn, còn chưa đến đích thì đã tan tành. Thế nên gã cố duỗi thẳng người hết cỡ, một Tay sờ vào món đồ cứng ngắc trong túi quần – là một chiếc bật lửa, cầm chặt nó trong lòng bàn tay.

Mỗi lần chiếc hòm dừng nghỉ, gã đều nhẩm đếm, đếm đến ba mươi sáu lần thì cuối cùng hòm cũng dừng hẳn. Gã đoán đã đến duôi thuyền, việc tiếp theo cần làm là đem hòm thả xuống bàn giao cho thuyền tiếp ứng, cũng là đem tính mạng gã giao cho một đất nước xa lạ. Gã có cảm giác bi thương, cảm thấy mình hoàn toàn bị thao túng, nhưng lại không biết thổ lộ với ai.

“Ông chủ Hình, đến nơi rồi.”

Không đúng! Giọng nói này, hoàn toàn không đúng!

Gã vừa định giãy giụa thì cả người đã bị dội ngược lên không, đập trúng nóc hòm.

Sao lại có thể bay vút lên thế này? Một giây sau, gã mới nhận ra mình đang rơi xuống, chiếc hòm nhất định đã bị đẩy khỏi thuyền chứ không phải thả bằng ròng rọc gì hết!

Nỗi tuyệt vọng hối hả bò lên trái tim gã như loài bò sát, gã sắp cùng chiếc hòm này trở thành oan hồn dưới đáy biển rồi. Đang nghĩ vậy thì người gã đã rơi trở xuống đáy hòm, tiếng sóng lớn ầm ầm dọa gã muốn khóc thét.

Bình tĩnh!

Gã một mặt răn đe bản thân, một mặt thử duỗi người ra, định giơ tay móc lấy chiếc ba lô bên cạnh chân, vì trong đó có một con dao găm Thụy Sĩ, có thể dùng vào thời khắc then chốt. Nhưng dù là tay hay chân thì giờ cũng chẳng dùng được nữa. Thứ duy nhất có trong tay gã hiện giờ, chỉ là một chiếc bật lửa!

Gã đành đánh lửa, gí vào khe hở ở miệng hòm, trong hòm lập tức có mùi cháy khét, chiếc hòm đang liên tục tròng trành trên sóng biển, gã chỉ cầu khẩn để nó đừng chìm quá nhanh, đồng thời cũng hối hận đã buộc quanh bụng năm thỏi vàng nặng trình trịch, số vàng này hiện giờ hoàn toàn có thể lấy mạng gã!

Có lẽ là ông trời có mắt, trong khi nước không ngừng ngấm vào đáy hòm, gã bỗng nghe thấy “phựt” một tiếng, một dây đai da buộc hòm đã đứt! Gã cả mừng, vội giơ lửa đốt dây còn lại, cũng mau chóng thỏa nguyện. Thế rồi gã mở nắp hòm ra, cả người bấy giờ mới thực sự chìm trong nước. Cũng may trong thời khắc then chốt gã túm được chiếc ba lô kia, nó nổi lềnh bềnh trên mặt nước như kỳ tích, chẳng khác nào một vòng tay dịu dàng khiến gã không màng tất thảy muốn lao vào.

Sau khi thoát khỏi chiếc hòm, phản ứng đầu tiên của Hình Chí Cương là ngẩng đầu nhìn du thuyền, đuôi thuyền vẫn cao vút, vì đang trong tình trạng thả neo, động cơ cũng tắt hết nên trông càng giống một con mãnh thú đang say ngủ.

Gã đành bơi về phía nó, nhưng lại loáng thoáng nghe thấy một tràng tiếng động ập đến như sóng dữ, loáng thoáng nghe ra tiếng người huyên náo hô hào “Nhanh! Nhanh lên!” “Vẫn còn người kìa.” Gã không khỏi sốt ruột, lo người ở đầu mũi thuyền sẽ vì tìm ai đó mà chạy lại đuôi thuyền, nghĩ đi nghĩ lại, đành bơi ra đoạn giữa, định leo lên chiếc phao cứu sinh móc bên mạn thuyền, rồi trở lên thuyền.

Đúng vào lúc này, gã cảm thấy chân mình bị thứ gì đó quấn chặt, mới đầu còn tưởng là thủy tảo, ra sức đạp đạp mấy cái vẫn không ăn thua, trái lại càng bị thít chặt hơn, một sức hút bí ẩn và mạnh mẽ kéo tuột gã xuống nước, gã vùng vẫy giãy giụa, định lấy con dao Thụy Sĩ trong ba lô ra, chặt đứt thứ quẩn chân bên dưới. Song sức mạnh thần bí kia lại nhảy lên lưng gã, nhanh như chớp thít lấy cổ họng gã.

“Tạm biệt, ông chủ Hình.”

Trước lúc lâm chung, Hình Chí Cương còn nghe bên tai tiếng nói nhỏ nhẹ, âm trầm mà sầu muộn của Húc Tử, tuy ý thức đã theo cơ thể chìm vào làn nước biển ố vàng, nhưng tay gã vẫn túm chặt chiếc ba lô, tựa hồ túm chặt lấy tay chị Yến.

“Cứu anh...” Gã rú lên lời cuối cùng với âm hồn chị Yến.

Bình Luận (0)
Comment