Tế Điên Hòa Thượng

Chương 44

Dụ Thang Nhị đến huyện nha hoàn án

Hai công sai bái thỉnh Tế Thiền sư

Triệu Phụng Minh hỏi Tế Điên về công dụng của đôi giày. Tế Điên đáp:

- Đôi giày này là vị dẫn thuốc, cần phải phối hợp với nhiều vị thuốc nữa, ta biên cho một cái toa, các ngươi theo toa mà kiếm sẵn cho ta.

Gia nhân đem văn phòng tứ bảo lại. Tế Điên viết toa xong đưa cho nhị viên ngoại, dặn gia nhân chiếu theo đó kiếm tìm và lấy bao gói đôi giày lại cho cẩn thận. Tế Điên bảo Triệu Phước:

- Ngươi lấy bao đồ này theo ta đi kiếm thuốc dẫn, không có vị thuốc này là không xong đâu nhé.

Triệu Phước theo Tế Điên ra cổng, Tế Điên dặn mấy câu tức thì Triệu Phước đi ngay, còn lại một mình Tế Điên vừa đi vừa hát sơn ca:

Được tiêu dao hãy cứ tiêu dao,

Người được tiêu dao sướng biết bao!

Giàu sang phước quả nhân đời trước,

Nghèo khó vụng tu chớ trách nào!

Lắm mưu thần chước quỷ,

Khó lọt lưới trời xanh,

Khuyên anh mê muội khéo vượt nhanh,

Mặc ý tiêu dao chân chính hảo,

Trong quán rượu đầy tràn,

Lòng sầu quét sạch ngang,

Trăng sang hoa cười thêm hứng khởi,

Ưu tư nào biết suốt thiên can.

Ca xong cũng vừa ra khỏi cửa Tây.

Tế Điên thấy có một người đang vác một bao đồ đi phía trước. Mấy người đi trên đường phố đều trách anh ta:

- Thang Nhị, anh đi đâu vậy? Sao không cho chúng tôi biết để tiễn đưa anh, có việc gì gấp thế?

- Tôi được tin nhà phải về gấp, chừng trở lại chúng ta gặp nhau nhé!

Bị mọi người trách cứ, anh ta cứ một mạch đi thẳng. Tế Điên thấy vậy thầm nghĩ: "Phải bắt người này lại mới xong vụ án được!". Nghĩ rồi bèn theo miết người ấy cho đến bên ngoài cửa thành. Người ta không ngớt ngoái lại, chỉ cần thấy có Hòa thượng. Tế Điên càng theo sát gần hơn. Người ấy bèn để bao đồ xuống đất, ngồi lên trên, trong bụng nghĩ thầm: "Cái ông Hòa thượng này đi theo mình chi vậy cà? Mình có quen biết ổng đâu, để coi ổng tới làm gì cho biết?".

- Tế Điên tới rồi cũng ngồi xuống đất, chong mặt về phía anh ta, mắt không chớp nháy. người ấy nổi giận mới nói:

- Này Hòa thượng, ông dòm tôi chi dữ vậy?

Tế Điên cười hà hà, hỏi: Chú họ gì?

- Tôi họ Thang, ông hỏi tôi chi vậy?

- Chú khai chú họ Thang, Hòa thượng ta biết ngay chú tên gì rồi hè.

- Tôi tên gì?

- Chú tên Thang Du Lạp (sáp chảy ra).

Người ấy đột nhiên đổi giọng, nói:

- Này Hòa thượng, tôi với ông đâu có quen mà sao ông mở miệng ra là chọc tức tôi vậy.

Nói rồi vùng vằng vác bao đồ lên đi tiếp. Tế Điên cũng lục đục đi theo. Đi được hơn một dặm, Tế Điên kêu:

- Thang Du Lạp, chờ ta đi với!

Thang Nhị nghe kêu nói thầm: "Cái ông Hòa thượng này đáng ghét, mình không quen biết ổng mà ổng cứ theo chọc tức mình hoài!".

Đi tới trước không xa gặp một thị trấn nhỏ, có buôn bán đồ lặt vặt, cũng có bán rượu. Thang Nhị nghĩ thầm: "Mình vô quán rượu lai rai hai bầu rượu tránh mặt ông ấy cho rồi. Ông ta là Hòa thượng kiếc làm gì có tiền mà vô quán. Chờ ông ấy đi qua rồi mình tiếp tục lên đường để khỏi nghe ổng kêu Thang Du Lạp, Thang Du Lạp mãi".

Nghĩ rồi bèn bước vào quán rượu, ngồi vào bàn hỏi:

- Này phổ ky, tiệm anh có bán rượu và cơm không?

- Ở đây chúng tôi có bán rượu, tàu hủ khô, há cảo mà thôi. Anh muốn ăn cơm thì ở cách vách đây có bán, tôi cho anh mượn một cái mâm rồi anh tự đi muôn lấy.

Thang Nhị cầm lấy cái mâm và nói:

- Phổ ky, anh coi chừng bao đồ giùm tôi nhé!

- Không hề gì mà, anh cứ đi mua đi!

Thang Nhị vừa cầm cái mâm đi ra khỏi quán thì thấy Tế Điên vén rèm bước vào quán rượu. Thang Nhị trong bụng lấy làm tiếc: "Phải chi mình biết ông ấy tới quán, mình không vô đây làm chi!". Đã lỡ cầm lấy cái mâm rồi chả lẽ không ăn uống, bèn đến tiệm cách vách mua một mâm cơm rau. Trở vào quán xem lại thấy bao đồ của mình lót dưới đít Hòa thượng. Thang Nhị thấy rồi không thèm hỏi tới Hòa thượng, lại kêu phổ ky hỏi:

- Hồi nãy tôi nhờ chú coi giùm bao đồ, bây giờ nó ở đâu?

Phổ ky dòm lại thấy Hòa thượng đang ngồi trên bao đồ bèn đến nói:

- Này Hòa thượng, ông đừng ngồi trên bao đồ của người ta, trả cho người ta đi.

- Bao đồ hả, của chú trả cho chú ấy, cái này tôi lượm được thì là của tôi, sao lại phải đưa?

- Đi vô nhà người ta mà lượm cái gì?

Nói rồi cầm bao đồ đưa cho Thang Nhị. Thang Nhị ngồi đối diện với Hòa thượng, mỗi người kêu hai bầu rượu. Phổ ky nói:

- Có há cảo nóng đấy, hai vị có ăn không?

Tế Điên nói: Ăn được hả?

Phổ ky đi xuống một lát trở lên nói:

- Há cảo nóng ngon lắm, hai vị cần bao nhiêu?

Tế Điên hỏi: Có nóng không?

- Mới ra lò mà làm sao không nóng?

- Nóng hử? Ta sợ phỏng miệng lắm. Đợi nguội một chút rồi nói cho ta biết.

Thang Nhị nói: Cho tôi 10 cái.

Tế Điên thấy Thang Nhị kêu cũng kêu:

- Tôi cũng lấy 10 cái.

Phổ ky chất bánh đem đến hai đĩa, mỗi người một đĩa. Thang Nhị đợi tới trưa mà chưa ăn. Tế Điên cầm cái bánh bẻ ra khạc vào đó một miếng đàm rồi bỏ vào miệng nhai tóp tép. Thang Nhị thấy vậy kêu:

- Phổ ky dọn đi, tôi buồn nôn bắt chết đây!

Phổ ky nói:

- Đại sư phó, thôi đừng chơi dơ nữa, ông ăn như vậy ai mà ăn cho được, gớm bắt chết đi ấy.

- Thôi ta không ăn nữa, bảo anh ấy ăn đi.

Thang Nhị vừa mới ăn, Tế Điên bèn cởi giày cỏ ra, lấy bánh nóng nhồi lại trét ở trong giày. Cái nóng xông mùi mồ hôi lên nồng nặc. Thang Nhị tức giận quăng đôi đũa xuống bàn không ăn nữa. Tế Điên cũng cầm đôi đũa ném lên bàn, nói:

- Chú không ăn, ta lại ăn hay sao?

Phổ ky đến tính tiền, bảo:

- Hai vị ăn hết 168 văn.

Thang Nhị đem theo có hơn 600 tiền, vừa định móc tiền, bên kia Tế Điên hô: "Án sắc lịnh hích!", thò tay vào lưng lôi ra một xâu hơn 600 tiền. Thang Nhị thấy Hòa thượng lôi ra một xâu tiền, trong bụng nói thầm: "Xâu tiền này là của mình mà!". Thò tay mò vào lưng quả nhiên không thấy đâu hết. Trong bụng buồn bực nghĩ: "Lạ thật, tiền trong lưng cửa mình tại sao lại chạy qua lưng của Hòa thượng?". Không nén được, thở dài một cái. Tế Điên cầm xâu tiền lên hỏi:

- Xâu tiền này của chú phải không?

- Này Hòa thượng, tiền đó có thể là của tôi, nhưng tôi không cầm đâu, ông cứ cầm đi.

- Không phải vậy đâu, tiền ấy là của ta lượm được. Hồi nãy mới bước vào quán, ta thấy xâu tiền nằm trên đất, ta mới lượm lên cất. Nếu là của chú thì trả lại chú, ta không cần đâu!

Nói rồi cầm xâu tiền đưa ra. Thang Nhị cầm xâu tiền nói:

- Hòa thượng, ông lại là người tốt. Nếu ông không đùa dơ, tôi thiệt tình mời ông uống với tôi ít bầu rượu.

- Nếu ta không đùa dơ, chú mời ta uống hả?

- Có hề gì đâu, ta mời ông mà. Này phổ ky, đem lại cho ta 20 bầu rượu.

Thang Nhị thấy Hòa thượng tu một hơi hết một bầu, ba cái bánh một miếng, hai cái bánh một miếng. Ăn uống một lát hết sạch. Tính ra hơn một điếu tiền, mới đưa mình đưa mình hơn 600 mà móc lại hết phân nửa rồi, bèn nói:

- Này Hòa thượng, chắc tôi không đủ tiền rồi, hôm nay chúng ta tính riêng nhé. Ông ăn ông trả, tôi ăn tôi trả. Ăn uống cùng bàn mà của ai nấy trả nhé.

- Chú muốn chơi riêng à? Được, hôm nay cả phần chú ăn ta cũng trả luôn. Ta đâu để làm phiền chú. Ta nói thiệt mà, ta trả là ta trả, chú đừng có tính riêng.

Thang Nhị cảm thấy mình làm như vậy không phải. Tế Điên lại nói:

- Ta nói thiệt mà, ta trả là ta trả, chú tính gộp chung đi.

Phổ ky đem hai tờ thiệp tính chung là hai điếu 280 văn. Tế Điên nói:

- Để ra trả, ta nói thiệt mà! Chú đừng thấy ta mặc áo rách như vậy mà khi ta không tiền.

- Thôi, để tôi trả cho!

- Ừ, chú muốn trả thì trả đi! Ta cũng thiệt tình lắm.

Thang Nhị không cách nào khác, đành lui cui mở bao đồ lấy tiền ra trả. Trả rồi bụng tức anh ách. Tế Điên vác bao đồ Thang Nhị lên vai bước đi. Thang Nhị kêu:

- Này Hòa thượng, ông ăn của tôi hết hai điếu tiền rồi còn muốn giựt bao đồ của tôi nữa hả?

- Đâu phải mà, gặt người có lòng, ta chẳng lẽ ăn không, ta vác giùm chú đó mà.

Nghe nói thế, Thang Nhị nghĩ bụng: "Hòa thượng này coi vậy mà cũng có lương tâm, mình nghĩ bậy bạ thiệt!". Nghĩ rồi bước ra khỏi quán rượu. Thang Nhị ngoái đầu thấy vậy, hỏi:

- Hòa thượng ơi, ông đi về Đông chi vậy?

- Ta ở Đông Xuyên, chú ở Tây xuyên, ta theo chú qua hướng Tây làm gì?

- Thôi, ông đưa bao đồ lại cho tôi.

- Bao đồ của chú cầm cho tôi rồi mà.

- Hòa thượng ơi, ông muốn cướp của tôi hả?

- Chẳng những ta muốn cướp của chú mà còn muốn đánh chú nữa là đằng khác.

Tế Điên lấy tay chỉ một cái, miệng niệm chơn ngôn: "Án ma ni bát mê hồng. Án sắc lịnh hích!". Thang Nhị bắt rùng mình, mơ mơ hồ hồ. Tế Điên đi tới tống cho Thang Nhị một thoi bể mũi máu tuôn xối xả, rồi lấy bao đồ quệt thành dấu máu, đoạn dẫn Thang Nhị trở vào thành. Về đến gần cổng thành có người quen Thang Nhị hỏi:

- Thang Nhị ca, chuyện gì vậy?

Tế Điên nói:

- Các người đừng xía vô, đây là việc tham tài hại mạng đó.

Mấy người kia nghe nói thất kinh không dám hỏi nữa. Tế Điên kéo Thang Nhị thẳng đến huyện Côn Sơn. Tới huyện nha, Tế Điên đi tuốt vô trong kêu lớn:

- Âm thiên đại lão gia ơi, Hòa thượng ta bị Oan uổng lắm!

Có người đứng bên nói:

- Hòa thượng đừng nên nói bậy bạ, làm gì có âm thiên đại lão gia ở đây?

Tế Điên nói:

- Người ta ham tiền hại mạng, gây án mạng mà!

Nói rồi đi tuốt vào công đường. Quan huyện đã cho đưa bọn Triệu thị xuống, dòm ra thấy một vị Hòa thượng vác trên vai một bao đồ, mặt đầy bùn đất máu me lem luốc. Thang Nhị mơ mơ hồ hồ quỳ trước công đường, còn Hòa thượng đứng sững một bên. Quan huyện nói:

- Này Hòa thượng, sao thấy bản huyện mà không chịu quỳ? Có điều chi oan uổng hãy trình ra đi!

- Hòa thượng ta chỉ vì ở trong chùa bị chúng tăng khi dễ, sư phụ ta bảo ta đi hoa duyên về sửa một một cái chùa, tô lợp xong hết, đang chuẩn bị khai quang. Nào ngờ gặp nữa tháng mưa dầm sụp lỡ hết, đâu thể hóa duyên được nữa được. Ở huyện Côn Sơn này, sư phụ ta có hai khoảnh đất, bảo ta đi bán đem tiền về lợp chùa. Ta đem theo một hỏa công đạo, đất bán xong đem bạc về. Đi nữa đường, anh hỏa công đạo xin phép ta đi đồng, Hòa thượng ta đi trước đợi ở ngã ba đường. Đợi cả hai tiếng đồng hồ mà không thấy anh ta đâu, chỉ thấy anh này vác bao đồ của ta đi tới. Chắc chắn là anh này tham tài hại mạng hỏa công đạo của ta rồi!

Quan huyện cầm thủ xích vỗ lên bàn cái bốp, hỏi:

- Ngươi tên là gì? Tại sao tham tài hại mạng hỏa công đạo của người ta?

Chừng đó Thang Nhị tỉnh lại thấy mình đang ở trước công đường, bèn đem các sự việc vừa xảy ra thuật lại. Quan huyện nói:

- Này Hòa thượng, cái bao ông vác là của Thang Nhị mà.

- Ta cũng không cần cãi lý với chú ấy làm chị Để Hòa thượng ta kê ra một tờ giấy, nếu chú ấy nói đúng đồ vật trong bao, mà tờ giấy ta kê sai là ta vu cáo không thật, lão gia cứ bắt ta trị tội. Còn như tờ giấy ta kê ra đúng mà chú ấy nói không đúng, thì là chú ấy ham tài hại mạng người.

Quan huyện nghe nói có lý, bèn bảo Hòa thượng viết ra giấy. Viết xong trình lên quan huyện xem. Chữ viết rất đẹp đẽ, rõ ràng là: Lụa hoa đỏ: hai xấp, vải trắng: hai xấp, năm thước lụa hoa vàng, một khối bạc 200 lượng lớn nhỏ 37 miếng, tiền hai điếu, quần áo cũ một bộ, một đôi giày một đinh ở đế. Quan huyện mới hỏi đến Thang Nhị. Ngờ đâu từ người này lòi ra việc mưu đoạt gia sản ám hại liệt phụ trinh tiết liên quan đến Triệu Ngọc Trinh.
Bình Luận (0)
Comment