Cầm Nhi đến phòng Chu Thiên Hiền thấy cửa vẫn đóng, bên trong tĩnh lặng không muốn tiếng động, tin rằng vị Chu công tử còn say chưa tỉnh, bụng cười thầm :
- “Ai bảo tửu lượng ít mà uống vào cho lắm?”
Nghĩ thế, hắn không muốn làm kinh động đến vị công tử đang say rượu, lẳng lặng quay lại báo với chủ nhân.
Mai Quân Bích cười nói :
- Bây giờ đã khuya, ngày mai còn phải hành trình. Ngươi hãy về ngủ đi, nhưng nhớ rằng không được nói với ai về chuyện vừa xảy ra.
Cầm Nhi cúi mình “Dạ” một tiếng rồi trở về phòng.
Sáng hôm sau, Mai Quân Bích vừa thức dậy nhảy xuống giường đã thấy Cầm Nhi vội vã chạy vào nói :
- Chủ nhân! Vị Chu công tử đã bỏ đi mất rồi, còn thanh toán hết tiền phòng cho chúng ta nữa! Vì thấy chủ nhân còn ngủ nên bảo đừng đánh thức.
Mai Quân Bích hỏi :
- Chu đại ca có dặn lại gì không?
Cầm Nhi đáp :
- Chu công tử bảo rằng vì có việc gấp nên đi trước một bước, dọc đường sẽ gặp lại chúng ta sau.
Mai Quân Bích nhíu mày nghĩ bụng :
- Vị Chu đại ca này bất chợt đến rồi bất chợt đi, giống như thần long thấy đầu mà chẳng thấy đuôi... xem ra đây là nhân vật rất huyền bí, chẳng phải là một vị thư sinh bình thường đâu!
Rửa mặt điểm tâm xong, bốn người lại tiếp tục hành trình.
Ra khỏi Ninh Hương, đoàn kỵ mã tiến theo hướng tây.
Cách trấn mới năm bảy dặm đã thấy bắt đầu hoang vu, thỉnh thoảng mới gặp một vài xóm nhỏ.
Qua khỏi An Bắc thì hầu như không còn dân cư nữa, dọc đường chỉ thấy núi non trùng điệp, sơn đạo ngược lên núi cao.
Mới giờ thân mà đã mờ tối, sơn đạo chìm trong sương không còn phân biệt được phương hướng nữa.
Bốn người kể cả Mai Quân Bích chưa ai từng đi xa, thấy trời đã tối mà chẳng có thôn hương quán xá gì, trong lòng đều thắc thỏm không yên.
Mây đen chợt ùn ùn kéo đến, chừng như sắp đổ mưa!
Mai Quân Bích rất lo lắng, vừa ra roi giục ngựa vừa đưa mắt nhìn quanh mong tìm được mái nhà nào đó trú tạm.
Nhưng giữa chốn hoang sơn núi thẳm này, đến một túp lều của người đi săn cũng không có, biết lấy nơi nào để trú thân?
Chợt Thượng Quan Yến phóng ngựa đuổi kịp chàng, trỏ roi lên sườn núi trước mặt nói :
- Bích ca! Có nhà kia kìa!
Mai Quân Bích nhìn lên, “À” một tiếng nói :
- Chắc đó là một tòa miếu!
Rồi quay lại gọi :
- Chúng ta đi nhanh thôi! Sắp có chỗ trú mưa rồi!
Cầm Nhi và Kiếm Nhi nghe nói, phấn khởi giục ngựa phóng nhanh.
Không lâu, quả nhiên thấy một tòa miếu viện thấp thoáng trong rừng.
Bốn người mừng rơn tế ngựa phi thẳng tới.
Đến gần nhìn lại mới nhận ra ngôi miếu đã hoang tàn, tường thành tróc lở từng mảnh lớn, chánh điện cũng hoang tàn gần như đổ nát, cảnh tượng trông thật tiêu điều.
Hiển nhiên ngôi miếu đã bỏ phế từ lâu không người hương khói.
Bốn người xuống ngựa buộc ngoài tường miếu vượt qua miếu viện cỏ ngập đến thất lưng vào thẳng đại điện.
Lúc ấy mưa cũng vừa trút xuống.
Bên trong miếu còn hoang tàn hơn. Đại điện tuy cột xà vẫn còn nhưng mái đã đổ nát cả, Phật tượng lớn nhỏ chất thành đống, cái nào cũng sứt đầu gãy tay mất hết vẻ trang nghiêm vốn có, trông thật thảm hại!
Mưa rơi xuống mỗi lúc một dày.
Mai Quân Bích căng mắt nhìn trong bóng tối, thấy bên góc trái đại điện vẫn còn một mảng mái có thể tránh mưa liền kéo mọi người tới đó.
Chẳng quản gì từng đống ngói gạch đổ nát, bụi bặm ngập cả bàn chân, bốn người ùn sang góc trái điện.
Cầm Nhi dọn dẹp một chỗ tương đối bằng phẳng trên đài cúng, quét sơ bụi bặm làm chỗ cho công tử và Thượng Quan Yến ngồi tạm.
Vì tường điện đã sụp đổ hết nên mưa tạt vào từ bốn phía, khoảng khô ráo bị thu hẹp lại dần.
Bốn người phải tụm lại với nhau cho đỡ mưa, tuy vậy Cầm Nhi và Kiếm Nhi cũng ướt gần hết.
Trời tối om ngửa bàn tay không thấy.
Sau chừng nửa canh giờ thì ngớt mưa, hai tên thư đồng mò tìm trong đống đổ nát được một ít cửa ngõ mục nát còn khô ráo nhóm lên một bếp lửa đun cho công tử ấm trà, xong lấy lương khô ra ăn tạm.
Ăn xong thì trăng vừa lên, có thể thấy được cảnh vật.
Ngôi miếu dưới ánh trăng trông càng thê lương.
Vì chỗ khô ráo trên bệ cũng quá nhỏ nên Cầm Nhi và Kiếm Nhi đi sâu vào mong tìm một nơi nào đó ngả lưng.
Hậu điện còn hoang tàn hơn cả tiền điện, đã hoàn toàn đổ nát không có lấy một thước đất nào khô ráo.
Cuối cùng họ cũng tìm được một nơi khô ráo ở bên dưới gác chuông.
Kiếm Nhi thích thú nói :
- Cầm Nhi! Trong tình cảnh này mà có được nơi đặt lưng khô ráo thế này thì còn mong gì hơn nữa? Chỉ sợ cả công tử và Thượng Quan cô nương cũng không bằng!
Tuy tường xung quanh gác chuông đã xiêu vẹo vỡ lở từng mảng, chuông không còn nữa, nhưng giữa trần còn một đám khô ráo, đủ chỗ cho hai người nằm.
Cầm Nhi gật đầu đáp :
- Phật thần còn giữ được cho chúng ta một nơi thế này nghỉ đêm đã là diễm phúc lắm rồi!
Kiếm Nhi nhìn lên, thấy cầu thang tuy đã gần như mục nát mất hết cả tay vịn, nhiều bậc đã rơi rụng mất nhưng trên lầu vẫn còn giữ được hình thù liền nói :
- Cầm Nhi! Chúng ta lên lầu xem, có thể tốt hơn ở đây nữa!
Cầm Nhi đã dọn được một chỗ khá sạch sẽ, nghe nói đưa mắt nhìn lên lầu với dáng e ngại, lắc đầu đáp :
- Ta thấy trên đó mục nát cả rồi, chỉ sợ ngủ đến nửa đêm sập một cái thì đến gãy cổ mất!
Nói xong ngồi dựa vào tường nhắm mắt lại.
Ánh trăng chiếu xuống sáng ngời. Ngôi miếu hoang tàn chìm trong thúc tĩnh, chỉ thỉnh thoảng phát ra tiếng chuột ăn đêm chạy rúc rích.
Cầm Nhi và Kiếm Nhi nằm xuống, vì cả ngày đi đường mệt nên chẳng bao lâu đã ngủ thiếp đi.
Đột nhiên Kiếm Nhi mơ màng cảm thấy có âm thanh gì đó trên lầu chuông, sực tỉnh lắng nghe, nhưng một lúc vẫn không cò gì khác thường.
Hắn tự cười thầm :
- Mình nửa mơ nửa tỉnh nên trông gà hóa cuốc, chẳng qua chỉ là tiếng gió thổi vào vòm lá xào xạc mà thôi, nào có gì đâu?
Nghĩ đoạn nhắm mắt ngủ tiếp.
Nhưng một lúc sau lại có tiếng động, lần này nghe rõ phát ra từ trên lầu.
Hơn nữa, Kiếm Nhi còn đoán định được rằng vật gì đó đập vào sàn gỗ, tuy không lớn nhưng nghe rất rõ.
Tiếp đó giống như có tiếng bước chân rất khẽ.
Hắn liền dùng khuỷu tay thúc vào người Cầm Nhi.
Tên này dụi mắt, cất giọng ngái ngủ hỏi :
- Cái gì thế?
Kiếm Nhi nói khẽ vào tai hắn :
- Trên lầu có tiếng động!
Cầm Nhi bực bội càu nhàu :
- Thôi đừng giở trò huyễn hoặc người ta nữa!
Rồi nhắm mắt nằm xoay lưng lại.
Hình như vật gì đó trên lầu nghe có tiếng người nên lặng đi.
Kiếm Nhi tính vẫn còn trẻ con, tin rằng đó là quỷ hiện để ám mình nên sợ run lên, cơn buồn ngủ bay mất.
Khi người ta càng sợ lại càng cố nhìn vào điều đáng sợ đó.
Kiếm Nhi căng mắt nhìn quanh, thấy những đống hoang tàn đổ nát giống như vô số bóng ma thấp thoáng dưới ánh trăng.
Quả là cảnh tượng rùng rợn đáng sợ!
Trên lầu, vì không nghe tiếng người nói bên dưới nữa lại vang lên mỗi lúc một nhiều!
Hình như tiếng chân bước về phía cầu thang.
Kiếm Nhi khắp người nổi gai không dám thở, tuy không muốn nhìn nhưng lại đưa mắt liếc về phía có tiếng động phát ra.
Một bóng đen hiện ra ở đầu cầu thang nhưng lại rụt vào ngay.
Lát sau lại thò ra hai bóng đen khác thập thò lâu hơn.
Rốt cuộc là vật gì vậy chứ?
Kiếm Nhi chú mục nhìn kỹ, bỗng sợ run lên, dùng khuỷu tay hích mạnh vào sườn Cầm Nhi hai cái.
Cầm Nhi đang ngủ ngon bị đánh thức định la toáng lên nhưng bị Kiếm Nhi dùng bàn tay lạnh ngắt bịt lấy miệng, nói nhỏ vào tai :
- Cầm Nhi! Có ma! Xem kìa!
Cầm Nhi vừa tức vừa thấy buồn cười, nhưng cũng nhìn theo hướng tay chỉ của Kiếm Nhi.
Nhưng vừa trông thấy bóng ma, hắn cũng sợ run lên, cơn buồn ngủ lập tức biến đi mất!
Nguyên là ở trên đầu cầu thang thòng xuống hai chân nhỏ nhắn mang giày hoa của nữ nhân, chao qua chao lại như trẻ con giỡn nước!
Đúng là quỷ hiện thật rồi!
Cầm Nhi thấy toàn thân lạnh toát, không dám thở trố mắt nhìn.
Nhưng một lúc sau, hắn trấn tĩnh lại tự nhủ :
- “Chúng ta ở đây có hai người, còn ngươi chỉ là một nữ nhân. Dù là người hay quỷ cũng phải đánh một trận!”
Nghĩ thế, dũng khí tăng thêm một chút, tay sờ vào chuôi đoản kiếm, mắt không rời bóng ma.
Đôi chân tụt xuống theo cầu thang rất chậm, lộ ra một nửa người bên dưới...
Thế nhưng điều khác thường là bóng ma đó không đi mà chờn vờn như cánh bướm, thoắt lên thoắt xuống, tuy muốn loạn lên nhưng rất lâu mới tụt xuống được vài tấc.
Cầm Nhi kéo áo Kiếm Nhi ra hiệu.
Cả hai bất thần quát to một tiếng rút phất kiếm ra phi thân lên đỉnh cầu thang đồng thời chém phạt vào đôi chân ma quái đó!
- Bịch! Bịch!
Hai thanh đoản kiếm rõ ràng chém trúng đôi chân nhưng chỉ nghe phát ra tiếng bình bịch như chém vào bị bông.
Không có máu chảy, đôi chân không bị đứt mà chỉ chao đi, từ đó tỏa ra một luồng khói ngũ sắc!
Làn khói lan tỏa rất nhanh, phủ khắp phòng.
Cầm Nhi và Kiếm Nhi công một chiêu không thành, đành đáp mình xuống đất.
Cùng lúc đó, chúng ngửi thấy một mùi hương dìu dịu, trong lòng bỗng chấn động, biết là có dị vội phong bế hô hấp và huyệt đạo nhưng đã thấy đầu óc quay cuồng, mắt tối sầm lại.
- Keng! Keng!
Hai thanh kiếm tiếp nhau rơi xuống, hai tên thư đồng cũng ngất đi đổ nhào xuống chân cầu thang.
Mai Quân Bích trong đại điện võ công thâm hậu, vì thế các giác quan đều rất thính nhạy.
Chàng nghe rõ tiếng quát của hai tên thư đồng, sau đó là tiếng hai thanh kiếm rơi xuống đất, trong lòng rung động nghĩ thầm :
- “Chẳng lẽ chúng gặp địch nhân?”
Nhưng lắng tai nghe tiếp thì không còn âm thanh nào nữa.
Với thân thủ của Cầm Nhi và Kiếm Nhi thì địch nhân dù võ công cao cường đến đâu muốn khống chế được chúng không phải là chuyện dễ, huống chi chỉ trong thoáng chốc mà đã mất đi khả năng kháng cự?
Rốt cuộc thì chuyện gì đã xảy ra?
Trong lòng đầy nghi hoặc, chàng đứng lên cất tiếng gọi :
- Kiếm Nhi!
- Cầm Nhi!
...
Nhưng gọi liền mấy tiếng vẫn không nghe tiếng trả lời.
Hỏng rồi! Nhất định hai tên thư đồng đã gặp chuyện bất trắc...
Chàng quay lại, thấy Thượng Quan Yến vẫn ngồi ôm đầu gối ngủ ngon nên không nỡ đánh thức, băng mình lao ra phía sau miếu.
Đến cửa tháp chuông, mới thoạt nhìn vào đã thấy hai tên thư đồng nằm bất tỉnh dưới chân cầu thang, hai thanh đoản kiếm nằm cách đó vài bước.
Mai Quân Bích tức giận nghĩ thầm :
- “Hừ! Không biết lại có tặc nhân nào dám khiêu chiến với mình rồi!”
Chàng quan sát trong phòng một lúc mới bước vào đến bên hai tên thư đồng dùng chiết phiến điểm mấy cái.
Nhưng hai tên vẫn không hề nhúc nhích.
Như vậy là Cầm Nhi và Kiếm Nhi không phải bị điểm huyệt đạo.
Mai Quân Bích cúi xuống xem xét, chợt ngửi thấy có mùi khác thường từ y phục hai người tỏa ra.
Vừa ngửi thấy mùi hương, Mai Quân Bích đã thấy đầu óc quay cuồng, kinh hãi nhảy lùi lại phong bế hô hấp và huyệt đạo, vận nội lực mức hương khí vừa hít vào thở hết ra.
Thấy trong người đã bình thường lại, chàng ra sân dùng bàn tay vục một ít nước mưa phà lên mặt hai tên thư đồng nhưng chúng vẫn không tỉnh.
Không còn cách nào khác, Mai Quân Bích nhặt hai thanh kiếm giắt vào lưng rồi mỗi tay cắp một tên quay về đại điện.
Vừa trở về chỗ cũ, chàng bỗng dựng đứng ngay ra!
Nguyên là không còn Thượng Quan Yến ở đó nữa!
Vừa rồi nàng ngủ ngon như thế, mới sau chốc lát đã đi đâu được chứ?
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu :
- Nguy rồi! Mình đã trúng kế điệu hổ ly sơn của tặc nhân mất rồi! Nếu Yến muội xảy ra chuyện gì thì tội của mình để đâu cho hết?
Bất chợt ánh mắt chàng bắt gặp một mảnh giấy đặt ngay ngắn chỗ Thượng Quan Yến vừa ngồi ngủ gật.
Trên mảnh giấy còn đè một viên đá, chứng tỏ người để lại đã cẩn thận đề phòng sợ gió cuốn bay mất.
Mai Quân Bích liền đặt Cầm Nhi và Kiếm Nhi nằm xuống cầm mảnh giấy lên xem, thấy viết rằng :
“Thiếu nữ này tư chất căn cơ rất tốt, bổn trang xin thu dụng”.
Bên dưới còn có hàng chữ nhỏ :
“Ca Lạc sơn trang kính báo”.
Mai Quân Bích nhìn thấy mảnh giấy đến xuất thần, miệng lẩm bẩm :
- “Ca Lạc sơn trang”...
Ca Lạc sơn trang ở đâu? Họ nhận ra tư chất căn cơ rất tốt từ lúc nào? Thu dụng cô ấy làm gì?
Rõ ràng là hành động bắt cóc còn mượn danh “thu dụng”!
Tại sao trước đây không đến trực diện thương lượng với Võ lão anh hùng mà bây giờ đến bắt cóc thế này?
Mai Quân Bích miệng thầm kêu khổ!
Chàng thật mang trọng tội với Yến muội, và sau này biết ăn nói với Võ lão anh hùng thế nào đây?
Đột nhiên một ý nghĩ nảy sinh trong đầu chàng :
- Hỏng sự! Ca Lạc sơn trang nhất định có liên quan đến việc Võ lão anh hùng mất tích!
Không ngờ chàng khổ công truy tìm chúng, chúng lại lên đến đây bắt người, thật là họa vô đơn chí!
Đột nhiên chàng tung mình nhảy lên nóc điện quét ánh mắt sáng quắc nhìn khắp xung quanh.
Quanh miếu đều là rừng bạt ngàn, tùng bách chen nhau san sát, đâu có thấy nhân ảnh nào?
Đừng nói một vài người mà cho dù cả trăm người mai phục xung quanh cũng khó mà phát hiện được!
Mai Quân Bích nhíu chặt đôi mày kiếm, uất ức hú lên một tiếng như long gầm hổ rống chấn động cả sơn khu!
Chưa chịu cam tâm, chàng băng mình phi thân vào rừng, lướt trên các ngọn cây tìm quanh một lúc.
Ngoài tiếng chim muông sợ hãi chạy trốn, trong rừng tuyệt nhiên không một bóng người.
Cuối cùng chàng thất vọng quay về miếu điện.
Trong lòng vô cùng buồn bã, chằng ngồi bó gối trầm ngâm suy nghĩ.
Đây là lần đầu tiên đạp nhập vào giang hồ, thế mà chỉ mới vài ngày đã phát sinh bao nhiêu chuyện phiền phức!
Chàng nhớ lại trước khi hạ sơn, sư phụ Linh Chi Thượng Nhân đã dặn chàng thay mình hành đạo mười năm để tu tích ngoại công.
Lão nhân gia còn căn dặn võ học mà chàng học được là Hàng Ma Pháp Tạng của Phật môn, trong đó có các chi Hàng Long Phục Hổ uy lực vô thượng.
Tuy biết rằng thiên ngoại hữu thiên, nhân thượng hữu nhân nhưng đối với bọn ma đầu, võ học đó có thể đối phó được.
Thế mà bây giờ chưa giao thủ đã để mất người...
Việc Thiết Bối Thương Cù Võ Công Vọng mất tích còn có thể biện bạch rằng lúc đó mình không có mặt tại hiện trường, nhưng đến chuyện Yến muội thì ở ngay bên cạnh mà vẫn bị bắt đi, ngay cả hình dáng của đối phương thế nào cũng không biết!
Chẳng những thế mà bây giờ còn hai tên thư đồng còn bị hôn mê, đối phương còn ngông cuồng tới mức để lại mảnh giấy...
Thế mới biết trong giang hồ thật lắm phong ba, mỗi bước đều có thể gặp tai họa khó lường!
Mai Quân Bích nghiến răng tự nhủ :
- “Nếu mình không đạp bằng cả Ca Lạc sơn trang thì chỉ uổng công mười năm khổ luyện ở tuyệt đỉnh Thiên Thai mà thôi! Sau này còn nói gì tới chuyện hành đạo giang hồ nữa?”
Càng nghĩ càng tức, mặt đỏ bừng, đăm đăm nhìn vào góc điện.
Hai tên thư đồng vẫn nằm bất tỉnh.
Mai Quân Bích nhấp một ngụm trà đã nguội ngắt, trong lòng có phần bình tĩnh lại.
Chàng nghĩ rằng địch nhân đã lưu lại địa chỉ, dù sao cũng hơn phải đi tìm kiểu hú họa bịt mắt dê.
Bây giờ có vội cũng chẳng ích gì, cứ chờ cho hai tên thư đồng tỉnh lại sẽ định liệu kế sách.
Quyết định xong, chàng gạt bỏ mọi ý nghĩ ngồi nhắm mắt dưỡng thần.
Không biết qua bao lâu, chợt nghe Kiếm Nhi tỉnh dậy la lên :
- Có ma!
Mai Quân Bích mở mắt ra thấy Kiếm Nhi đã ngồi dậy đang đưa tay dụi mắt, thần tình rất sợ hãi.
Cầm Nhi cũng cựa mình :
Mai Quân Bích nhẹ giọng hỏi :
- Kiếm Nhi! Ngươi tỉnh rồi ư?
Cầm Nhi nghe tiếng chủ nhân liền mở mắt ra ngồi nhỏm dậy.
Khi tỉnh hẳn, thấy mình ngồi trong đại điện bên cạnh công tử, chúng đều ngạc nhiên “Á” lên một tiếng.
Cầm Nhi trân trân nhìn Mai Tam công tử, ngờ vực hỏi :
- Công tử! Có phải chúng ta vừa gặp ma không?
Mai Quân Bích liền hiểu ngay chúng đã gặp phải chuyện gì, trầm ngâm nói :
- Chúng ta đều bị kẻ địch đánh lừa. Hắn giả thần mạo quỷ để đánh lừa hướng chú ý của chúng ta, dùng mê hương làm các ngươi mê đi thu hút ta tới đó để hắn có cơ hội đến bắt Thượng Quan cô nương...
Hai tên thạch động trố mắt kêu lên :
- Thế nào? Thượng Quan cô nương bị bắt đi rồi sao?
Bấy giờ chúng mới nhận ra không còn Thượng Quan Yến ở đó nữa.
Mai Quân Bích gật đầu, kể lại biến cố vừa xảy ra.
Kiếm Nhi nói :
- Bọn tặc đó thật to gan, dám để lại cả địa chỉ...
Cầm Nhi tiếp lời :
- Đã biết Thượng Quan cô nương ở đâu thì còn lo gì không tìm được? Chắc rằng Ca Lạc sơn trang đó cách đây không xa lắm đâu.
Mai Quân Bích gật đầu nói :
- Bây giờ đã sắp sáng rồi. Các ngươi vừa trúng phải mê dược, nguyên khí tất bị hao tổn.
Hãy vận công điều tức một hồi, chờ trời sáng chúng ta sẽ tìm xung quanh xem có phát hiện được gì không?
Hai tên thư đồng quả thật thấy đầu óc vẫn còn choáng váng liền theo lời ngồi bàn tọa hành công.
Phương đông đã bắt đầu ửng hồng.
Chờ trời sáng hẳn, Mai Quân Bích bảo hai tên thư đồng thu công ra suối rửa mặt, ăn tạm lương khô rồi thu xếp hành lý lên ngựa rời khỏi hoang miếu.
Ba người chia nhau tìm trong khu vực lân cận chừng hai canh giờ nhưng không phát hiện được gì, cuối cùng tụ tập nhau lại đi xuống núi.
Ở dưới núi có một xóm nhỏ chừng mười hộ dân cư, có vả như là một xóm của người thợ săn.
Mai Quân Bích phóng ngựa đi trước, tới căn nhà mái tranh vách đất đầu xóm thì ghìm cương nhảy xuống ngựa.
Cầm Nhi cũng nhảy xuống buộc ngựa bên cổng rồi tiến đến gõ mấy tiếng vào cánh cửa chèn bằng mấy tấm gỗ sơ sài.
“Kẹt” một tiếng, cửa mở ra, trong cửa xuất hiện một lão nhân chừng năm mươi tuổi, tóc hoa râm, áo gai quần bố.
Lão nhân thấy ba người ánh mắt tỏ ra hoang mang hỏi :
- Có phải khách quan bị lạc đường không?
Mai Quân Bích buộc ngựa tiến vào sân chắp tay cười đáp :
- Lão trượng xin thứ lỗi vì đã làm phiền. Bọn tiểu sinh không phải lạc đường, chỉ là đi đường lâu quá nên muốn xin vào quý phủ nghỉ chân một lúc.
Lão nhân liền gật đầu đáp :
- Mời vào đi!
Rồi đứng tránh sang bên cửa nhường đường cho khách.
Ba người được mời ngồi xuống một bộ bàn ghế mộc kê giữa nhà.
Lão nhân sai con dâu pha trà, còn mình ngôi xuống đối diện với Mai Quân Bích.
Lát sau trà được mang lên.
Mai Quân Bích nhấp một ngụm xong, bắt đầu hỏi chuyện sinh hoạt làm ăn rồi mới hỏi tới chính đề là Ca Lạc sơn trang ở đâu?
Lão nhân suy nghĩ một lúc, lắc đầu đáp :
- Lão phu rất ít khi ra khỏi xóm này nên chưa từng nghe nói đến Ca Lạc sơn trang.
Công tử hãy đi về hướng nam chừng bốn năm mươi dặm có một trấn lớn gọi là Ngũ Phong trại. Ở đó nhiều khách thương, dân cư đông đúc, tất sẽ có người biết.
Mai Quân Bích không biết làm gì hơn, chỉ đành chuyện văn một lúc rồi chuẩn bị hành trình.
Cầm Nhi lấy ra một đỉnh bạc nói rằng gởi lại tiền trà nhưng lão nhân nhất định từ chối không chịu nhận.
Mai Quân Bích đành cảm tạ rồi cùng hai thư đồng từ biệt lên đường, theo lời lão nhân phi ngựa về hướng nam.
Sơn lộ rất khó đi, mất hơn một canh giờ mới tới được Ngũ Phong trại.
Thực ra đó chỉ là một tiểu trấn vùng sơn cước với chưa đầy một trăm hộ dân cư mà thôi, không thể gọi là một trấn lớn.
Tuy vậy trên các phố bày bán khá nhiều vật phẩm đặc biệt là lâm sản, vì thế khách thương cũng khá tấp nập.
Ba chủ tớ Mai Quân Bích vừa vào trấn đã làm mọi người chú ý ngay.
Trong những tiểu trấn vùng hẻo lánh này ít khi gặp những trang công tử hào hoa khí phái như vậy.
Hơn nữa Mai Quân Bích quá tao nhã tuấn tú, lại có thêm hai lên thư đồng ôm đàn ôm kiếm đi theo, đương nhiên phải là bậc cự phú tài hoa khác thường, vì thế mọi ánh mắt đều đổ dồn vào chàng.
Mai Quân Bích đứng lại ghé vào một quán trà nhỏ bên đường giải khát, với ý định dò hỏi xem Ca Lạc sơn trang ở đâu.
Chủ quán là một trung niên hán tứ lắm lời, luôn miệng ba hoa thiên địa nhưng rốt cuộc cũng chẳng biết Ca Lạc sơn trang ở đâu cả.
Mai Quân Bích ngán ngẩm đứng lên.
Chàng ghé hỏi thăm mấy nơi nữa nhưng người lạ đều trả lời không biết.
Cuối cùng tới một nhà bán tạp phẩm.
Mai Quân Bích đã trở nên thất vọng không tin là sẽ có kết quả gì khả quan hơn, nhưng vừa nghe hỏi đến Ca Lạc sơn trang, tên tiểu ky đã tỏ ra sốt sắng :
- Có! Tiểu nhân có biết! Ca Lạc sơn trang cách đây không xa lắm đâu!
Mai Quân Bích cả mừng, liền chắp tay hỏi :
- Xin lão ca chỉ giúp đi tới đó thế nào?
Tên tiểu ky thấy vị công tử quý phái như vậy mà chắp tay chào mừng thì cuống lên chắp tay vái liền mấy vái mới trả lời :
- Tiểu nhân xin chỉ ngay! Xin chỉ ngay!
Nói thì “chỉ ngay” nhưng miệng vẫn còn thao thao bất tuyệt :
- Công tử gia chắc là người thân thích gì đó với chủ nhân Ca Lạc sơn trang chứ gì? Nghe nói Lão trang chủ trước đây đã có thời làm quan nữa kia đấy! Sau này mới cáo lão về quê, tìm nơi thanh sơn thủy tú kiến lập sơn trang mỹ lệ đó để vui hưởng tuổi già...
Hắn dừng một lúc rồi tiếp tục tuôn ra :
- Vị đại cô nương của Trang chủ trưởng thành ở phương Bắc, rất thích ăn bún miến, cứ mỗi lần gia nhân đi mua thực phẩm đều tới tiểu quán này, vừa ngon vừa thuận tiện, lâu dần thành quen. Tiểu nhân hỏi chuyện, họ mới cho biết là người của Ca Lạc sơn trang...
Mai Quân Bích thấy tên tiểu ky nói liền thoáng hồi lâu mà còn chưa trả lời vào vấn đề, chờ hắn hơi ngớt miệng mới chen hỏi :
- Lão ca! Hãy nói xem Ca Lạc sơn trang ở đâu?
Tên tiểu ky “Dạ” một tiếng, đưa tay lau bọt bắn ra hai bên mép, trả lời :
- Thực ra tiểu nhân còn chưa tới đó bao giờ. Nhưng cứ theo lời những người hay đến mua thực phẩm thì chừng như ở phía Tây nam dãy núi này.
Kiếm Nhi muốn hỏi nữa nhưng Mai Quân Bích biết rằng đối phương đã nói hết, có hỏi cũng không thêm được điều gì.
Nhưng dù sao thì đã biết hướng tây nam thì lo gì tìm không được?
Chàng cảm ơn tên tiểu ky rồi suất lãnh hai tên thư đồng rời khỏi Ngũ Phong trại nhằm hướng Tây nam tiến phát.