Cùng lúc đó, tại Biện Kinh, kinh đô mới của Đại Kim quốc, một bầu không khí bi ai đang bao trùm toàn bộ kinh thành, chẳng khác gì khúc Bi Thán Vãn Ca của Thiết Ngâm Du Thi Nhân đang len lỏi vào trong từng ngõ ngách.
Dân chúng vạn hộ, nhà nào nhà nấy đều treo cờ đen, để tang như trong nhà có người vừa mới mất.
Khi tiếng tù và, kèn trống báo hiệu chiếc kiệu tang đi qua con phố, dân chúng ùa cả ra hai bên lề lạy lục, tiếng khóc than cộng hưởng lại, náo loạn tới cả cách đó trăm dặm còn nghe thấy.
Người nằm trong xe tang không ai khác, chính là đại tướng quân Hoàn Thừa Ngạn.
Sau cái chết của Hồ Sa Hổ một tháng trước cùng với sự việc Tuyên Tông sợ hãi tháo chạy khỏi Yên Kinh khi quân của Mộc Hoa Lê còn chưa qua được Vạn Lý Trường Thành, quyền hành bắt đầu được thâu tóm vào tay Trang Hiến thái tử Hoàn Thủ Trung.
Hồ Sa Hổ có thể là kẻ độc đoán, chuyên quyền, nhưng với bách tính y vẫn còn quan tâm, trưng dụng quân sĩ vẫn tăng thù lao, giảm nhẹ tô thuế.
Thủ Trung tiếm quyền rồi, muốn xây dựng một đài thông thiên bên ao vua mới đào ở kinh đô mới cho hắn thưởng mãn, lập tức thông qua Lục Kháng Vương Ô Cổ Kinh tăng sưu thuế gấp năm lần.
Khi đó trong quần thần chỉ có mỗi đại tướng quân Hoàn Thừa Ngạn và Thái úy Vương Diệu là dám phản đối.
Thủ Trung luôn coi hai người họ là cái gai trong mắt.
Hoàn Thừa Ngạn vốn kể từ khi người con duy nhất là Hoàn Thừa Lân đi tu võ miền viễn Bắc đã bị chính Hồ Sa Hổ đuổi về Liêu Dương, không còn tham dự triều chính.
Tuy nhiên, sau khi Hồ Sa Hổ tử trận, trong triều đình chẳng có võ tướng nào có thâm niên, nên lại mời Thừa Ngạn trở về lĩnh chức thống soái.
Thừa Ngạn tới Biện Kinh được một tuần thì đột nhiên bị một nhóm thích khách đột nhập vào tư gia, ám sát.
Trước đó, Lục Kháng Vương Ô Cổ Kinh, cánh tay phải của Thủ Trung, đã qua nhà Thừa Ngạn để xin mượn vài thân binh bắt kẻ trộm trong kinh thành, khiến canh phòng trong tư gia lỏng lẻo.
Ngay sau khi thích khách rời đi, Thượng thư bộ Lại Toàn Tuân, cũng là cánh tay trái của Thủ Trung, lập tức phát hiện ra sự tình, dũng cảm cùng năm kỵ binh đi bắt thích khách, đòi lại công lý cho Thừa Ngạn.
Ngay trong đêm, bọn họ bắt được ba kẻ, đều là thợ săn sơn dương vừa nhập thành Biện Kinh từ hôm qua.
Mặc cho ba người này ra sức kêu oan, Toàn Tuân cho chém đầu bọn họ ngay trong đêm, đem bêu giữa Biện Kinh để công chúng biết rằng kẻ ác đã bị trừng trị.
Đêm hôm đó, một tia sét đánh xuống tổ vật trong ngôi đền thờ lớn nhất Biện Kinh.
Dân chúng nửa kinh hãi, nửa hiếu kì mò ra xem thì thấy trên thân tổ vật khắc hai dòng chữ:
"Hoàn tướng đán thị tử,
Hoàn gia nhất định diệt."
Tức là:
"Hoàn tướng quân mà chết
Hoàn gia chắc chắn bại."
Thừa Ngạn đã mất, người con trai duy nhất là Thừa Lân lại bặt vô âm tín suốt vài năm qua, không biết sống chết ra sao, coi như chi tộc Hoàn Thừa tận diệt.
Kim Tuyên Tông biết tin, vô cùng thương tiếc, lập tức hạ chiếu an táng Thừa Ngạn cẩn thận, lại ban bố chọn ngày hôm nay là quốc tang, đủ để biết cả vua cả dân trọng vọng Hoàn đại tướng tới nhường nào.
Trong khi cả thành Biện Kinh đang bận rộn phát tang, Lục Kháng Vương Ô Cổ Kinh đã có mặt ở phủ thái tử.
Ngồi trong biệt phòng của thái tử chỉ bao gồm Kinh và thái tử Thủ Trung, không có người thứ ba.
Lục Kháng Vương Ô Cổ Kinh chính tông dòng dõi Ô Cổ gia, là hoàng kim thế gia, bao đời đều công huân võ thần, dù không cùng họ vua nhưng sau khi Kim Hải Lăng Vương giết vua Hi Tông tranh ngôi, Ô Cổ gia được phong lên hàng Vương thất, tới khi Kim Thế Tông giành lại được triều đình thì thế lực đã lớn, đành phải để chúng lộng quyền, với ba trấn Hà Đông, Hà Bắc, Phủ Viễn được cắt phong thì làm vua làm chúa, một tay che trời, vơ vét quốc khố, đã có thời gian dù không phô trương nhưng tư sản còn giàu có hơn kho bạc triều đình.
Tới đời Ô Cổ Kinh thì nhờ đút lót, chia bè kéo cánh mà lên được cả chức Tả Thừa tướng, lại phải vua Tuyên Tông nhu nhược, không biết áp chế, nên không còn coi vua ra gì.
Khác với Ô Cổ Kinh ăn mặc thường ngày rất biết tiết chế, Thủ Trung ánh mắt tinh quái, thần sắc nhanh nhẹn, bước ra ngoài không bao giờ không diện áo bào, mũ mão, đeo vòng hạt trân châu muôn vạn sắc màu, nhìn từ cách xa một dặm vẫn biết là y.
Thủ Trung liên hồ gõ tay xuống mặt bàn làm từ gỗ lim nghìn tuổi, liến thoắng hỏi, "Giờ Thừa Ngạn chết rồi, hẳn hoàng thượng sẽ phải triệu tập triều chính để đề bạt thống soái mới.
Chúng ta nói gì hoàng thượng cũng sẽ nghe, chỉ sợ bọn Vương Diệu chống đối thôi.
Ngươi hãy nghĩ cho ta một cái tên có thể đề bạt.
Không rõ tiểu đệ của ngươi Ô Cổ Tạc hay Chiếu Kỵ Tướng Quân Toàn Thạch có thể đảm đương?" Hai người này đều là thân tín, vây cánh của Thủ Trung, nếu nắm đại binh thì tranh binh quyền là điều dễ dàng.
Ô Cổ Kinh xua tay.
"Thái tử chớ nôn nóng.
Ô Cổ Tạc hay Toàn Thạch đều không đủ uy tín.
Nay trong triều vẫn còn Vương Diệu và Lý gia còn nhiều ảnh hưởng, tất bọn họ sẽ ra sức phản đối.
Ta phải đề bạt một ai đó có danh như không có nanh."
"Ngươi có nhân vật nào trong đầu?" Thái tử hỏi.
"Thừa tướng Truật Hổ Cao Kỳ là phù hợp nhất."
Thủ Trung giật mình.
"Truật Hổ Cao Kỳ là kẻ trung dung, ta đã phủ dụ nhiều lần không về bên phe ta, sao lại tiến cử người ấy?"
Ô Cổ Kinh nói, "Chính vì vậy mới dễ tiến cử.
Cao Kỳ vốn danh vọng cao, nhưng trước hoàn toàn có thể tranh binh quyền lại không làm, chỉ chăm chăm làm việc thuế khóa thủy lợi, ấy là kẻ không có đại chí.
Cao Kỳ ra trận mà thắng thì ta cứ để hắn cầm quân, mà bại thì ta cũng lấy lại binh quyền, miễn sao quyền hành không rơi vào tay bọn Vương Diệu là đại cuộc vẫn nằm trong tay thái tử."
Thủ Trung thấy có lý, bèn y lời tâu mà làm.
Quả nhiên, hôm sau vua Tuyên Tông triệu tập quần thần khẩn cấp tại nghị điện.
Kiến trúc của nghị điện Biện Kinh được thiết kế theo phong cách truyền thống Trung Nguyên, lợp mái ngói đỏ, cột trụ làm từ tuyết tùng nghìn tuổi, đủ rộng để chứa hàng trăm quan viên.
Bên ngoài cung điện là một thủy hồ nhân tạo do hàng trăm nhân công đào lên, xung quanh trồng toàn những loài thảo mộc quý hiếm, mô phỏng lại chất thanh tịnh, quý phái của Yên Kinh.
Vì muốn kinh đô mới xa hoa như kinh đô cũ nên Trang Hiến thái tử Thủ Trung đã cho đào con hồ đó.
Vua mới khỏi ốm dậy, sắc mặt còn tiều tụy, ngồi trên long ỷ còn run rẩy liên hồi.
Vua mới hỏi, "Kẻ địch hung hãn đã ở bên kia Trường Thành, nay ta cần một vị tướng tài ba có thể thống lĩnh đại quân.
Các hiền khanh ở đây đều tài giỏi, liệu có ai có thể khai sáng cho trẫm?"
Ô Cổ Kinh lập tức bước ra.
"Thần có ý kiến."
"Lục Kháng Vương cứ nói," vua đáp.
Ô Cổ Kinh đáp, "Thừa tướng Truật Hổ Cao Kỳ đã đọc tới năm chục đầu sách binh pháp khác nhau, lại thuộc làu trên dưới mười trận pháp, trong thiên hạ không ai không nghe danh là kẻ học rộng.
Nếu Truật Thừa tướng lãnh binh thì nhất định biên cương sẽ giữ được, bệ hạ cứ kê gối ngủ ngon."
"Muôn tâu bệ hạ," một kẻ khác cũng đứng ra.
Người này tên Giản Túc, giữ chức Gián Nghị Đại Phu.
"Ý kiến của Lục Kháng Vương rất đúng.
Thần cũng tiến cứ Truật thừa tướng."
Thế rồi cả chục vị quan khác cũng lập tức hưởng ứng đồng tình.
Trong triều mười vị quan thì bảy vị là người của thái tử, những lời tâu đồng thanh lấn át cả tiếng vua, vua sao mà không nghe cho được!
"Truật thừa tướng, ý của khanh thế nào?" Vua mới nhìn về phía Cao Kỳ.
Cao Kỳ chưa kịp đáp thì Thái tử Thủ Trung đã tiến lại gần, vái một vái trước mặt Cao Kỳ đầy cung kính.
Thường ngày Thủ Trung đều cao ngạo, hôm nay lại nhún nhường như vậy, các quan trong triều đều thấy Truật Thừa tướng đáng kính nể thế nào!
Thủ Trung mới nói, "Danh tiếng của Truật Thừa tướng không phải tự nhiên mà có.
Trong ba đại tướng nước Kim là Truật thừa tướng, Hồ Sa Hổ, và Hoàn Thừa Ngạn, thì Thừa tướng chính là vị học thuộc nhiều đầu sách binh pháp nhất.
Nay hai vị kia đã không may ra đi, chỉ có Thừa tướng mới xứng đáng lĩnh trọng trách này."
Ai mà lại dám phản đối chứ? Trước giờ ngồi uống trà đàm đạo binh trận với Hồ Sa Hổ, hễ họ Hồ bày trận không giống binh pháp là Cao Kỳ lại lên tiếng chỉ trích, đại ý lần nào cũng là đi ngược lại với sách vở, đi ngược lại với lý thuyết đã được chứng minh, rồi chỉ ra những điểm cần sửa đổi cho đúng với những điều được dạy.
Hồ Sa Hổ lần nào cũng tức tối mà nói, "Thừa tướng ra trận cứ mở sách ra mà đọc!" Ai nấy đều cho là Hồ Sa Hổ đố kị với tài năng của Truật Hổ Cao Kỳ mà thôi.
Truật Hổ Cao Kỳ trước giờ tuy chưa cầm quân ngoài sa trường lần nào, nhưng vô cùng tự tin về khả năng của mình.
Nay đã được tín nhiệm, không có lí do gì để y từ chối.
"Nếu bệ hạ và Thái tử không chê lão thần già cả, thì thần xin được góp sức bảo vệ giang sơn."
Vua thấy không có lý do gì để không trao binh quyền cho họ Truật, toan hạ vương lệnh thì một giọng đanh thép văng vẳng vang lên từ trong quần thần.
"Thần có ý kiến phản đối!" Toàn bộ viên quan đều quay lại nhìn chủ nhân của giọng nói đầy nội lực xuất phát từ một lão quan nhân vận trường bào như Tống quốc nam phương, tóc trắng như mây, dáng người quắc thước, thanh tao khí phái, dù đã già nhưng đôi mắt vẫn mẫn tiệp, sáng như sao trời.
Người đó chính là Thái úy Vương Diệu..