Thanh Bình Nhạc (Đam Mỹ)

Chương 31

Ký Thanh sửa soạn xong đi ra thì chẳng thấy ai, ngoài sân cũng không có bóng người luyện tập, cậu bèn theo tiếng trò chuyện đi tới sát vách, phát hiện mới sáng sớm mà trên bàn cờ của Lý Ý Lan và hòa thượng đã hạ một nửa giang sơn rồi.

Cậu xuất thân thường dân, tâm tính chưa trưởng thành, chẳng hiểu được lạc thú của cái món đánh cờ này, phản ứng đầu tiên chính là nghĩ “Rảnh ghê ha”.

Hòa thượng có rảnh hay không thì cậu chẳng rõ, nhưng Lục ca của cậu thì quả thật là bận vắt chân lên cổ, mỗi ngày phần lớn thời gian đều mặt ủ mày chau, rất hiếm khi như bây giờ, rõ ràng đang vắt óc nghĩ nước đi tiếp theo, thế nhưng thân thể là toát lên sự thả lỏng thoải mái.

Lý Ý Lan nghe thấy Ký Thanh đi ra, song hắn không quay đầu lại nhìn, chỉ điềm nhiên khoanh chân, hai ngón chụm lại buông thõng trên giường tháp, quân cờ bởi vì chẳng biết hạ ở đâu nên cứ bị hắn vân vê mãi, tay trái thì chống cắm nên lưng hơi cong một chút, chiếc áo đen sẫm mặc trên người làm nổi lên khớp xương, khiến thân hình hắn nom vẫn rất cao lớn.

Tri Tân ngồi đối diện hắn, hai tay đan vào nhau, lòng bàn tay ngửa lên trên, ngồi chờ hắn như vậy đã được một lúc rồi.

Lý Ý Lan chẳng tìm được cách gỡ, chỉ đành cười xòa, bỏ quân cờ vào trong hộp: “Ta thua rồi, thua hơi nhanh nhỉ, khiến đại sư chê cười rồi.”

Tri Tân: “Đâu thể nói như thế, mỗi người một chuyên môn riêng, nếu ta so công phu với Lý huynh thì có khi còn thua nhanh hơn ấy chứ, lần này vốn là ta có lợi thế sẵn, sao mà chê cười được.”

Lý Ý Lan nhủ thầm đó là vì đại sư rộng lượng, trên đời này chẳng bao giờ thiếu kẻ cậy tài khinh người, tuy nhiên Tri Tân đã khiêm tốn như vậy rồi thì hắn cũng chẳng cần xấu hổ vì thua kém làm gì, bèn thoải mái hỏi: “Tài nghệ của ta cũng chỉ đến thế thôi, đại sư còn đánh tiếp không?”

Tri Tân cầm quân cờ lên, vui vẻ đáp: “Thừa thắng xông lên là việc vui trong đời, đánh tiếp một ván nữa đi.”

Có lúc thắng thua quan trọng, có lúc tâm tình mới quan trọng, người này không tự ti vớ vẩn vì khuyết điểm, hắn thoải mái nhận thua được thì Tri Tân tất nhiên cũng chẳng sợ thắng, lúc mà không cần cố kỵ gì thì thật ra thế nào cũng đều được cả.

Hai người bày cờ xong, nhanh chóng bắt đầu một ván mới.

Có lẽ là vì không muốn đánh thức người còn đang ngủ nên bọn họ trò chuyện rất nhỏ, Ký Thanh ở ngoài cửa nghe không rõ, song cậu có thể nhận ra sự vui vẻ của Lục ca nhà mình, phát hiện ấy khiến Ký Thanh bất chợt thay đổi chủ ý.

Cậu vốn định gọi Lý Ý Lan đi ăn cơm, nhưng nếu đánh cờ vui hơn ăn cơm, vậy thì cứ để huynh ấy đánh tiếp đi.

Bản thân Ký Thanh cũng đói bụng rồi nên bèn quay đầu chạy mất, nhắc tới ăn cơm thì bao giờ cậu cũng tích cực số một, cậu ăn được nửa bát cháo hoa thì Vương Cẩm Quan mới tiến vào, nàng ăn cơm lặng lẽ và nhanh chóng, cũng không có sở thích đặc biệt gì, thời điểm Ngô Kim ngáp ngắn ngáp dài tiến vào cũng là lúc nàng đặt bát xuống đi ra ngoài.

Kể từ ngày bị thương, Giang Thu Bình làm gì cũng chậm chạp, ngoại trừ Vương đạo sĩ còn đang say giấc nồng thì y là người đến trễ nhất, y không thấy Lý Ý Lan đâu, hỏi mới biết hắn đang chơi cờ, thế là bèn hào hứng gắp một ít dưa muối vào bát cháo rồi bưng bát chạy đi hóng hớt.

Y là đại tài tử Lê Xương, luôn tràn đầy hứng thú đối với cầm kỳ thư họa, trong đó kỳ là món y thích nhất. Nhưng từ hồi đến Nhiêu Lâm, Giang Thu Bình bận đến nỗi bàn cờ tròn méo ra sao cũng quên sạch, giờ nghe đến đánh cờ là y lập tức hứng chí chạy tới ngay.

Trương Triều thì bản tính mẹ già, không yên tâm để y đi trên hành lang kết băng nên cũng ton tót chạy theo.

Ngô Kim có phần lưỡng lự, hết ngó bên ngoài lại ngó bánh bao xíu mại, sau rồi nhớ là mình có xem cũng chả hiểu, cho nên quyết định ở lại đánh chén ngon lành.

Giang Thu Bình đi đến phòng Tri Tân, chẳng mấy chốc sau y liền nhìn Lý Ý Lan bằng ánh mắt chỉ tiếc rèn sắt không thành thép.

Lý Ý Lan cảm nhận được oán khí của y, biết mình ngồi đánh cũng như không nên liền nhường chỗ cho y luôn, còn mình thì ngồi xuống bên cạnh Tri Tân.

Giang Thu Bình mừng ra mặt, đặt bát xuống chuẩn bị đánh một ván ra trò với Tri Tân, song đáng tiếc trời không chiều lòng người, mới đánh được nửa ván thì tiếng trống minh oan đã vang rền từng hồi, mọi người bấy giờ mới nhớ ra hôm nay là ngày sửa lại án oan sai cho Sử Viêm.

Việc này Lý Ý Lan giao cho quận trưởng làm, theo lý mà nói thì bọn họ không cần phải xuất hiện, nhưng một canh giờ sau, có nha dịch chạy tới hậu viện bẩm rằng Sử Viêm đang ở ngoài nha môn không chịu đi, cứ nằng nặc đòi được diện kiến đề hình quan.

Phạm nh….. Không, người này lúc ở trong tù từng phải chịu tra tốn tàn khốc, đã chẳng còn ra hình người nữa rồi, nghe đám nha sai nói là thấy hắn đáng thương nên không nỡ đánh hắn, Sử Viêm đầm đìa nước mắt víu lấy Thạch Cảm Đương[1], dân chúng dồn dập xin tha cho hắn, Tạ Tài khó xử một hồi, cuối cùng vẫn cho người đến báo.

Lúc đó Lý Ý Lan đã kết thúc thời gian nửa khắc phù sinh nhàn rỗi của mình, đang ở trong đại sảnh thương nghị cùng những người khác về việc thẩm vấn Mã Trọng và Chu Nhuỵ, hắn nghe tin báo thì bảo mọi người cứ tiếp tục, còn mình thì mang Ký Thanh đi vào trong viện.

Chẳng mấy chốc sau, Sử Viêm được dẫn vào.

Để tránh cho dân chúng chê trách quan phủ, trước khi thăng đường Tạ Tài đã gọi thợ cắt tóc đến chỉnh trang cho Sử Viêm, năng lực hồi phục của con người thật đáng kinh ngạc, sau mấy ngày được ăn no ngủ kỹ, nét tàn tạ của hắn đã mất đi phân nửa, có điều vẫn gầy gò suy yếu đến nỗi tưởng như chỉ một cơn gió cũng có thể quật ngã hắn.

Lại lần nữa nhìn thấy ánh mặt trời, cảm xúc mừng rỡ của Sử Viêm còn chưa ổn định thì nước mắt đã tuôn trào như mưa, hắn tập tễnh dừng ở cách bàn đá ba thước, sau đó quỳ phịch xuống dất, dập đầu thật mạnh, kích động nói không thành câu, cứ luôn miệng nỉ non “Đội ơn đại nhân”.

Cho tới bây giờ Sử Viêm vẫn thảng thốt ngỡ mình đang nằm mơ, hắn cảm giác quá đỗi không chân thực, nhưng câu nói ngày ấy vẫn cứ văng vẳng trong đầu hắn từ lúc thăng đường tới giờ.

“……Đây có thể là cơ hội duy nhất trong đời để ngươi chứng minh sự trong sạch của mình……”

Hắn nói thật, sau đó lấy lại được sự trong sạch, nhưng trước đó hắn cũng nói thật, nhưng chỉ đổi lấy một trận đòn đau, mà hắn còn chẳng biết nguyên do vì đâu.

Sử Viêm quỳ rạp trên mặt đất, oan tình qua đi, oan ức kéo tới, nghĩ tới hơn phân nửa cuộc đời mình đã phí hoái cho việc trốn chạy, hắn cầm lòng không đặng mà khóc òa.

Tiếng khóc của hắn rấm rứt, nghèn nghẹn khó nghe tựa như một con dao lâu ngày không mài nay được tuốt ra, nhưng Lý Ý Lan lại cảm thấy thanh âm ấy sắc bén quá đỗi, đâm thẳng vào trong trái tim mình.

Sử Viêm vốn dĩ trong sạch, trả lại thanh danh cho hắn là việc phải lẽ, nhưng oan danh đã gột rửa, còn nỗi vô vọng và khổ sở bao nhiêu năm qua mà Sử Viêm phải chịu đựng thì nên tính thế nào đây?

Trong pháp luật chưa từng có phép tính như vậy, ví dụ như phán sai bao nhiêu năm thì nên bồi thường bao nhiêu tiền, Lý Ý Lan nhất thời chìm vào mờ mịt, không biết nên nói gì với người này, hay còn có thể làm những gì cho hắn.

Tri Tân đứng ở nơi ngày thường hay cho chim sẻ ăn, nhìn thấy Lý Ý Lan dời bước khỏi chỗ Sử Viêm đang quỳ lạy, đi tới gần đỡ hắn dậy, sau đó nói với hắn một câu.

Ngữ điệu hiền từ ấy được gió Đông đưa tới, khiến cho Tri Tân ngơ ngẩn trong một phút giây, tâm sinh ra ảo giác như bị nóng cháy.

“Hãy lau nước mắt, rồi trở về nhà đi.”

Câu nói này y đã từng nghe, đó là chuyện rất nhiều năm về trước, y chẳng có nhà để về, sư phụ liền mang y về Từ Bi tự, kể từ đó y trở thành một hòa thượng.

Tri Tân không ngờ là sau bao nhiêu năm, sẽ có người dùng một câu tương tự để đả động y lần thứ hai, song cảm giác mà hắn mang đến khác với sư phụ.

Y sờ lên trái tin đang đập rộn ràng chẳng rõ lý do của mình, thu lại ánh mắt đang nhìn gương mặt Lý Ý Lan, trong một thoáng chốc ấy, lần đầu tiên y để ý thấy rằng Lý Ý Lan rất anh tuấn.

Sử Viêm đi chưa được hai khắc thì Mã Trọng của Tùng Bách trai được đưa đến.

Công đường vừa thẩm tra Sử Viêm và Vu sư gia không lâu trước đó, gậy nện xuống đất dội vang như sấm rền, tuy nhiên Mã Trọng đã qua tuổi thất tuần, tai hơi nghễnh ngãng cho nên không bị dọa, lão chọn một chỗ đặt chân, run rẩy quỳ xuống đất.

Sau khi quỳ xuống, lão không nhìn lên trước đường mà liếc xuống mé chếch phía dưới, đôi mắt chất chứa sự trân trọng và tiếc thương.

Nơi lão nhìn tới, con diều chim ưng được làm để tham dự hội diều Nhậm Dương năm nay đang được nửa gấp nửa dỡ xếp chồng ở đằng đó, lộ ra vài vết gỉ sét tựa như có dụng ý sẵn.

Tạ Tài là chủ thẩm, nhưng nhìn quanh một vòng xong thì ông ta rúm ró đến độ chỉ muốn đằng hắng một tiếng.

Thế trận của bồi thẩm đoàn khiến ông ta có chút áp lực, Lý Ý Lan và tẩu phu nhân của hắn ngồi ở bên trái, Giang Thu Bình và Trương Triều ở bên phải, Ngô Kim và Ký Thanh thì ở dưới công đường, lần lượt đứng hai bên trái phải trước mặt Mã Trọng, giờ phút này sáu cặp mắt đều trực tiếp hoặc gián tiếp nhìn vào Mã Trọng.

Trước khi thăng đường Lý Ý Lan đã dặn ông ta chủ yếu đặt ra câu hỏi về vấn đề nào, Tạ Tài gõ kinh đường mộc đánh “Cốp” một tiếng, tuy biết rõ những vẫn nói: “Kẻ dưới đường là ai, hãy xưng tên ra.”

Mã Trọng thành thật khai báo như đã nói từ trước.

Tạ Tài hỏi tiếp: “Mã Trọng, ngươi có biết hôm nay bản quan gọi ngươi đến đây là vì cớ gì không?”

Mã Trọng quỳ mọp dưới đất, hé mắt lên nhìn ông ta: “Bẩm đại nhân, lão không biết ạ.”

Tạ Tài đột nhiên gõ kinh đường mộc quát lớn: “Biết hay không thì trong lòng ngươi tự rõ! Bản quan đã phá được trò che mắt ngươi dùng để khiến bạch cốt hiện trên diều, bây giờ bằng chứng rành rành ngay trước mắt, ngươi còn muốn chống chế sao?”

Mã Trọng bị khí thế của ông ta dọa cho run lẩy bẩy: “Thưa đại, đại nhân, oan cho lão quá! Lão nào biết chi đâu, làm gì có bằng chứng, có phép che mắt gì chứ.”

Tạ Tài đứng lên, phất tay áo chỉ vào vết gỉ kia, hằm hằm nói: “Ngươi làm ra diều, đồ trên diều chằng lẽ là người khác bỏ lên chắc?”

Mã Trọng nhìn theo hướng tay ông ta chỉ, trông thấy dấu vết mà Vương Kính Nguyên dùng nước kiềm làm hiện ra, lão lắp bắp thưa: “Ý đại nhân nói là, là cái này sao? Đây, đây không phải lúc diều rơi xuống đất, quệt phải bùn sao?”

Vương Cẩm Quan và Lý Ý Lan liếc nhau, khe khẽ lắc đầu.

Không phải ông lão này, trạng thái và biểu hiện của lão rất tự nhiên, không hề có cảm giác giả tạo không ăn khớp.

Nếu không phải Mã Trọng, Lý Ý Lan đứng lên, tiến đến ghé vào tai Tạ Tài thì thầm mấy câu gì đó nom như thể một tên thuộc quan, Tạ đại nhân lập tức thay đổi sắc mặt, làm bộ suy tư chốc lát rồi bảo: “Bùn? Ừm…… Lời ngươi nói cũng không phải vô lý, thế này đi, ngươi đi về trước, chờ bản quan kiểm chứng rồi lại hỏi ngươi sau.”

Đáng thương cho lão già Mã Trọng, chưa kịp phản ứng gì thì đã được Ký Thanh đỡ dậy, vỗ vỗ lên cánh tay lão rồi đưa lão ra khỏi nha môn.

Lát sau đến lượt Chu Nhụy bị dẫn vào, Tạ Tài chỉ đổi câu “Ngươi làm ra diều” thành “Ngươi là người thân duy nhất của Chu Trụ Lương”, vẫn dùng cách cũ trá thẩm Chu Nhụy một hồi, kết quả nhận được đúng như dự liệu, giống trường hợp của Mã Trọng.

Như vậy về manh mối vụ án con diều, bọn họ chỉ còn có thể đặt hi vọng vào Lưu Kiều và La Lục Tử, đối với hai người kia, Lý Ý Lan đã đóng đại ấn của Đề Hình ty, gửi một phong thư băng qua bốn trăm dặm giao cho huyện lệnh Nhậm Dương, bảo đối phương sau khi nhận được thư này thì lập tức đưa người tới đây trong vòng ba ngày.

Về phần Lữ Xuyên, hắn đã đi một ngày rưỡi rồi, Lý Ý Lan ước tính thời gian, cảm thấy bên kia nhanh nhất cũng phải một ngày rưỡi nữa mới có tin tức được, liền dồn tâm lực sang đám thích khách trong ngục và Xuân Ý các.

Song hắn không biết rằng, lúc này tại cứ điểm Phù Giang, Lữ Xuyên đã nhận được tin từ thượng cấp của Khoái Tai môn.

Giờ Mùi khắc ba, phường tre đan.

Trùng hợp thay, hôm nay không chỉ Lý Ý Lan và Tri Tân đánh cờ, mà trước khi thông báo được đưa đến, Lữ Xuyên và lão đường sứ kia cũng đang đánh cờ.

Trình độ đánh cờ Lữ Xuyên cũng ngang cỡ Lý Ý Lan, nhưng hắn giỏi giả bộ hơn Lý Ý Lan, hạ một quân ít nhất cũng mất một nén nhang, đường sứ mời hắn thì hắn là khách, cho nên không vạch trần thực lực của hắn. Vì vậy một ván cờ kéo dài từ sáng sớm đến quá giờ Ngọ, cuối cùng bị cắt ngang khi có một người trung niên ăn vận khỏe khoắn tiến vào.

Người này hẳn là đặc sứ cấp trên, nom khác hẳn những kẻ hôm qua Lữ Xuyên tiếp xúc, nhất cử nhất động đều tỏa ra sức mạnh tựa như hổ như báo.

Lữ Xuyên để ý đến hai mắt và cánh tay gã đầu tiên, tiếp đó sự chú ý liền bị lời nói của đối phương hấp dẫn.

“Đường sứ, đây là thư mà chưởng giáo gửi cho ngài.”

Tim Lữ Xuyên nảy thịch một cái, Doãn Xuyên và Phù Giang cách nhau hơn chín trăm dặm, mạng lưới tình báo của Khoái Tai môn thần tốc đến mức nào mà có thể trao thư qua lại chỉ trong vòng một ngày!

Tuy nhiên trọng điểm không phải cái này, Lữ Xuyên đứng dậy, quan sát chiếc ống trúc trong tay đường sứ.

Lúng túng bởi ánh nhìn sáng quắc của hắn, đường sứ cười nói: “Các hạ cứ yên tâm, để ta xem trước cái đã.”

Lữ Xuyên nghĩ lão cũng chẳng chạy được nên bèn ngồi trở xuống, thấy đường sứ móc ra một cuộn giấy từ trong ống, cùng với một…..

Hắn nheo mắt tập trung quan sát, nhận ra đó là một hạt màu đen to chừng móng tay, nỗi nghi ngờ lập tức dấy lên: Hỏa dược? Hỏa khí? Hay là…….

Nhưng chẳng kịp nghĩ xong thì đường sứ đã cất lời: “Ý của chưởng giáo là, có vay có trả vay tiếp chẳng khó. Các vị có câu hỏi dành cho chúng ta, vậy thì cũng phải trả lời câu hỏi của chúng ta, các hạ, xin hãy nhìn kỹ đây.”

Nói rồi lão liền giơ cái hạt màu đen kia ra cho Lữ Xuyên xem rồi hất tay, ném nó vào chậu than sưởi bên cạnh.

Sau đó một đóa hoa sen tỏa sắc đỏ nhanh chóng mọc ra từ trong than lửa, cánh hoa trùng điệp, nhụy vàng cuống xanh, đung đưa lay động giữa lửa than và tro bụi.

Lữ Xuyên mới hoa mắt cái mà đã hiện ra một đóa sen đỏ cực kỳ sống động, hắn bỗng dâng lên cảnh giác, hoài nghi đây là một thoáng ảo giác, liền lao tới nhanh như tên bắn, vươn tay vào chậu than lửa chụp lấy hoa sen.

Chuyện lạ xảy ra trong giây phút ấy.

Khoảnh khắc tay Lữ Xuyên chạm tới hoa sen, cành hoa không bẻ tự gãy, đầu và đuôi lần lượt rơi vào chậu than, chỉ chớp mắt đã hòa thành một thể với bụi than, mà Lữ Xuyên cảm giác lòng bàn tay mình nóng đến kinh người, hẳn mở tay ra, nhìn thấy một vết cháy màu đen.

“Đây chính là câu hỏi mà chưởng giáo của chúng ta đặt ra, làm thế nào mà hạt sen có thể nở hoa trong lửa? Nếu các hạ giải được câu hỏi này thì xin hãy đốt chín phát pháo trên đường cái Nhiêu Lâm, đến lúc đó Khoái Tai môn ắt sẽ có người trực sẵn ở điểm nổ pháo chờ đáp án.”

******

★Chú thích:

[1]Thạch Cảm Đương: có nghĩa là đá (thạch) dám (cảm) gánh vác trách nhiệm (đương) bảo vệ và che chở. Nó là một tấm bia đá nhỏ, thường được đặt trước cửa nhà, hoặc đặt trước đầu ngõ, đầu phố, trên bia có khắc ba chữ “thạch cảm đương” hoặc khắc năm chữ “Thái Sơn thạch cảm đương”, dùng để trấn áp những điều không may, trừ bỏ tà khí. Theo truyền thuyết thì ngày xưa ở núi Thái Sơn có một vị đạo sĩ tên Thạch Cảm Đương, ông nhờ tài giỏi đã đánh đuổi được yêu quái chuyên quấy nhiễu các khuê nữ, nên người ta mới dùng tên ông khắc vào đá để trấn yêu, trừ tà.
Bình Luận (0)
Comment