Thánh Kiếm Đoạt Hồn

Chương 20

Bốn tên Lệnh Chủ cúi gập mình:

– Chúng đệ tử xin tuân lệnh.

Tam Cung Chủ nói:

– Các ngươi hãy ở lại đây nghe theo hiệu lệnh của Quách hộ pháp, sau khi trừ được Nghiêm Hữu Tam rồi thì Bạch Kỳ Lệnh Chủ do người thay thế.

Chúng nhân cung kính vòng tay cúi mặt.

Tam Cung Chủ không nói rõ, nhưng bằng vào cách sắp xếp của họ. Giang Hàn Thanh biết ngay rằng chúng sẽ cho người giả mạo Nghiêm Hữu Tam khống chế thế lực Tây Tần.

Tam Cung Chủ nói tiếp:

– Còn có Vô Trần lão ni và Thanh Lương Tự Giác Thắng. Cũng nhân cơ hội này mà thanh toán họ luôn, riêng Giác Minh hòa thượng thì cứ để lão ta.... tạm sống. Tự nhiên câu chuyện oán thù này lão sẽ nhắm vào bọn Lưu Hương Cốc và tự nhiên sau đó đám Nga My và Thiếu Lâm sẽ phái người tìm đón trả món nợ máu đó.

Ban đầu nghe Tam Cung Chủ bảo để cho Giác Minh hòa thượng tạm sống, Giang Hàn Thanh chưa biết dụng ý như thế nào, nhưng câu nói cuối cùng này, hắn hiểu ngay rằng đó lại là một âm mưu ném đá dấu tay nhằm giá họa cho Lưu Hương Cốc.

Chính vì những âm mưu đó mà làm cho Giang Hàn Thanh bắt đầu cảm thấy ghê gớm bọn lãnh đạo Ngũ Phượng Môn, quả chúng ra một kế hoạch hành động không những tàn ác mà còn vô cùng lợi hại. Một khi họ hành động là dấy lên cả toàn thể võ lâm...

Tam Cung Chủ cười gằn và hỏi lại:

– Các người hiểu ý ta muốn nói đấy chứ?

Có lẽ không lạ gì âm mưu cố hữu của phe mình, nhưng Quách hộ pháp vẫn hỏi cho rõ rệt:

– Có phải Tam Cung Chủ muốn cho họ làm trước một cuộc tương tàn...

Tam Cung Chủ cười hăng hắc:

– Loại bớt địch thủ mà không tốn một chút công, đó là một trong các mục tiêu thượng sách.

Quách hộ pháp cúi đầu:

– Xin Tam Cung Chủ yên lòng, thuộc hạ sẽ nguyện hết sức mình cho công việc mau thành tựu.

Tam Cung Chủ gật đầu:

– Đại Cung Chủ luôn luôn bảo rằng Quách hộ pháp là con người túc trí đa mưu, có Quách hộ pháp thay mặt xử lý công việc thì bản môn vững vàng.

Ai cũng biết đó là một câu nói vuốt ve nhưng ai cũng muốn được vuốt ve như thế, chính vị Quách hộ pháp cũng từng đem cách ấy để vuốt ve những kẻ dưới tay và rất tự hào mình là con người có nhiều thủ đoạn điều khiển, nhưng chính khi mình được cấp trên vuốt ve lại không tả cũng vẫn cảm nghe lỗ mũi phồng lên...

Tam Cung Chủ sau khi “Hỏi” xong người thuộc hạ cao cấp của mình thì chầm chậm đứng lên bước ra phía trước.

Bốn tên thị tỳ lập tức trương bốn ngọn đèn hoa gấm nghiêm trang hộ tống...

Quách hộ pháp suất lãnh bốn “Lệnh Chủ” đưa ra tận cửa, khúm núm cúi đầu bái biệt.

Giang Hàn Thanh cảm thấy sự tình diễn biến cực kỳ nghiêm trọng, hắn cảm nhận con người Tam Cung Chủ quả nhiên lợi hại, cô ả đích thân tự thay thế lão già họ Cách để đảm nhận phần tổng đàn chủ miệt Giang Nam, tự nhiên thủ đoạn sẽ hơn gấp lão già họ Cách cả mười lần...

Hắn rắp tâm theo dõi, nhưng bây giờ thì đang kẹt người của Thanh Kỳ Lệnh Chủ, nên đành phải ẩn nhẫn đợi chờ...

Trong cuộc hội hôm nay của Ngũ Phượng Môn, Giang Hàn Thanh nhận thấy gồm có hai mục tiêu quan trọng:

Thứ nhất, dùng phương thức “Mượn tay địch để hại địch” làm cho Nga My và Thiếu Lâm khởi sự tranh chấp đi đến tận sát với Lưu Hương Cốc.

Thứ hai, khống chế tứ đại thế gia của võ lâm là Nam Giang, Bắc Lý, Đông Hứa và Tây Tần, gom bốn thế lực này về tay Ngũ Phượng Môn.

Trong hành động, họ lại chia ra làm hai phần, phần tập thể dồn khả năng cả hai việc:

Thứ nhất, tìm mọi cách tiêu trừ “Hồng Liễm Phán Quan” Nghiêm Hữu Tam, nhiên hậu cho người giả mạo xâm nhập Thái Bình Bảo.

Thứ hai, đối phó Tử Trúc Am Vô Trần Sư Thái và Thanh Lương Tự Giác Thắng đại sư.

Về bộ phận phụ trách, họ chia ra từng cánh một:

Thứ nhất, Tử Kỳ Lệnh chủ đối phó Vạn Vật Sơn Trang.

Thứ hai, Bạch Kỳ Lệnh Chủ đối phó Thái Bình Bảo.

Thứ ba, Thanh Kỳ Lệnh Chủ đối phó Bắc Lý Gia.

Và thứ tư, Hắc Kỳ Lệnh Chủ đối phó Kim Lăng Giang Phủ.

Riêng về Thanh Kỳ Lệnh Chủ còn có hai nhiệm vụ có thể nó phụ trách:

một là điều tra lai lịch của Đổng Nhược Băng và hai là thuyết phục hắn đầu nhập Ngũ Phượng Môn.

Giang Hàn Thanh còn đang phân tích chợt nghe Quách hộ pháp quay lại hỏi Thanh Kỳ Lệnh Chủ :

– Lục Hương Chủ có biết Nghiêm Hữu Tam hiện trú ngụ Ở đâu không nhỉ?

Thanh Kỳ Lệnh Chủ nói:

– Lúc tại hạ dời khỏi Kim Lăng thì lão ta đang trú tại Thịnh Ký khách điếm.

Quách hộ pháp nói:

– Vậy xin Hương Chủ hạ thư hẹn lão ta tới Đại Phong Thọ mặt tây sườn núi Đại Mao Phong để mình sắp đặt kế hoạch đối phó ngay.

Thanh Kỳ Lệnh Chủ cúi mình tuân lệnh, quay lại nói chung:

– Cho tất cả các môn hạ ra ngơi nghỉ.

Bốn vị Lệnh Chủ ứng tiếng và mỗi người cùng lấy ra một lá cờ nhỏ phất lên...

Tất cả thuộc hạ của Tứ Lệnh Kỳ cúi đầu im lặng lui ra.

Giang Hàn Thanh theo họ ra ngoài, khi ra khỏi cửa, hắn làm bộ đau bụng đi vào bụi rậm...

Chuyện tiểu tiện, đại tiện sau một cuộc hội kéo dài là một chuyện tự nhiên nên không một ai để ý, Giang Hàn Thanh lần ra tới ven rừng lấy khăn bao mặt mặt thi triển khinh công một mạch thẳng về hướng Kim Lăng.

Vừa về đến Giang Phủ, Giang Hàn Thanh đến chỗ vắng người lột mặt nạ xuống và đi thẳng vào đại sảnh.

Thấy Giang Hàn Thanh mặc áo xanh đi vào, Giang Thành lấy làm lạ bước tới thi lễ:

– Nhị công tử mới về.

Giang Hàn Thanh thấp giọng:

– Ngươi đến vời Đỗ tổng quản nói ta có chuyện gấp cần bàn.

Dặn xong Giang Hàn Thanh đi thẳng qua đông viện.

Thay đồ quần áo xong thì nghe tiếng Tiểu Quyên:

– Nhị công tử, có Đỗ tổng quản xin ra mắt.

Giang Hàn Thanh nói:

– Hãy mời tổng quản ngồi, ta sẽ ra ngay.

Vừa thấy Giang Hàn Thanh, Quản Thiên Phát đứng lên:

– Chắc nhị công tử đã tìm ra manh mối?...

Giang Hàn Thanh lắc đầu:

– Chuyện này dài lắm, tìm đại ca tôi rồi mình nói chuyện luôn.

Quản Thiên Phát nói:

– Đại công tử đã đi khỏi rồi.

Giang Hàn Thanh sửng sốt:

– Đại ca tôi đi đâu?

Quản Thiên Phát nói:

– Hồi tối hôm qua bên Trấn Giang có người sang nói Vạn tổng tiêu đầu của Trấn Viễn tiêu cục cho mời công tử sang thương lượng chuyện trọng yếu nên đại công tử vội đi ngay.

Giang Hàn Thanh rúng động:

– Vạn Trấn Sơn là người của bọn địch giả mạo kia mà?

Quản Thiên Phát nói:

– Tại hạ đã nói với đại công tử về chuyện ấy. Đúng ra nếu có cơ hội thì mình cũng nên lột mặt nạ của chúng.

Nói đến đó, Quản Thiên Phát khẽ liếc về phía Tiểu Quyên. Giang Hàn Thanh hội ý vẫy tay:

– Tiểu Quyên hãy ra ngoài.

Tiểu Quyên tuân lệnh lui ra.

Quản Thiên Phát hạ thấp giọng:

– Mấy ngày trước đây, tại hạ có viết thư cầu viện, sư phụ đã cho sư huynh tôi là Tào Vĩnh Thái sang nhân tiện đại công tử đi Trấn Giang nên tại hạ thông báo cho nhị sư huynh lén theo đại công tử để đề phòng tiếp ứng...

Là một kẻ thông minh, Giang Hàn Thanh nhận ngay ra hậu ý của Quản Thiên Phát nên vội hỏi:

– Có phải Quản huynh cảm thấy đại ca tôi có chỗ khả nghi?

Quản Thiên Phát trầm ngâm:

– Cũng không phải thế... nhưng tôi thấy nếu để một mình đại công tử sang Trấn Giang thì sợ có điều bất tiện nên muốn nhị sư huynh tôi theo để ngầm yểm trợ thôi....

Rồi như để cho vấn đề loãng đi, Quản Thiên Phát hỏi qua chuyện khác:

– Trong ba ngày qua, nhị công tử mới về chẳng hay đã gặp chuyện gì khác lạ?

Giang Hàn Thanh thuật lại những chuyện mình gặp phải và Quản Thiên Phát có vẻ trầm ngâm:

– Cứ theo những hành động liên tiếp của Ngũ Phượng Môn, chúng ta có thể nói những âm mưu của họ không thể được xem thường, chỉ có điều khó là tứ đại thế gia trong võ lâm từ trước đến nay đối xử liên lạc với nhau quá hời hợt, chứ giá như hợp sức hợp lòng lại được thì tuy thế địch có mạnh cũng không phải là đáng sợ.

Giang Hàn Thanh gật đầu:

– Đó chính là mối lo ngại nhất của tiểu đệ, vì thế muốn gấp về đây để cùng Quản huynh và đại ca thương lượng.

Quản Thiên Phát làm thinh không nói.

Giang Hàn Thanh cũng lặng người. Hai người cứ im lặng một lúc thật lâu rồi Quản Thiên Phát vụt cười:

– Nếu nhị công tử muốn làm như thế Tô Tần thì ngay bây giờ vẫn có cơ hội tốt.

Giang Hàn Thanh nhướng mắt:

– Vừa rồi Quản huynh đã nói chuyện liên lạc giữa tứ đại thế gia quá hời hợt, bây giờ lại bảo rằng có cơ hội “Hợp tung” thì nghĩa làm sao?

Quản Thiên Phát nói:

– Mấy ngày trước đây tôi có nghe nói Hồng Liễm Phán Quan Nghiêm Hữu Tam đến Kim Lăng và trú ngụ tại Thịnh Ký khách điếm. Người này tuy chỉ là tổng quản của Thái Bình Bảo, nhưng thật sự danh vọng trong võ lâm cao lắm, có thể nói còn cao hơn Thái Bình bảo chủ Tần Nhân Khanh gấp mấy lần, chính vì lẽ đó mà bọn Ngũ Phượng Môn muốn triệt hạ gấp ông ta.

Giang Hàn Thanh khẽ cau mày....

Hắn thấy Quản Thiên Phát nói hình như quá đáng, lẽ nào Nghiêm Hữu Tam mà danh khí lại còn cao hơn Thái Bình Bảo chủ?...

Quản Thiên Phát nói tiếp:

– Chúng ta muốn đối kháng với Ngũ Phượng Môn, hay hơn hết là phải được Nghiêm Hữu Tam ra mặt để liên hợp với Bắc Lý và Đông Hứa, nếu cả bốn nhà hợp lại được thì không ngại lắm khi cần đương đầu với kẻ địch.

Giang Hàn Thanh gục gật:

– Đành là lý đúng như thế, nhưng...

Quản Thiên Phát vụt kề sát tai Giang Hàn Thanh nói nhỏ thật lâu và họ Giang gật đầu liên tiếp tỏ vẻ tán thành:

– Kế sách của Quản huynh hay lắm...

Vào khoảng giữa trưa ngày hôm sau, trước cửa Thịnh Ký khách điếm xuất hiện một gã thư sinh tay phe phẩy cây quạt giấy....

Hắn thong dong bước vào khách điếm và hỏi ngay mấy tên tiểu nhị đứng ngoài:

– Khách điếm còn có phòng tốt không nhỉ?

Bọn tiểu nhị đón khách:

– Có, có... phòng rất sạch sẽ. Xin mời công tử vào trong.

Vừa nói, hắn vừa xum xoe đi trước dẫn đường.

Người thiếu niên thư sinh chậm rãi theo sau và hỏi:

– Tiểu nhị, ở đây gồm có bao nhiêu gian nhỉ?

Tên tiểu nhị đáp:

– Thưa tệ điếm gồm cả thảy ba gian, mỗi gian đều có nhiều phòng.

Người thiếu niên thư sinh nói:

– Như vậy thì tốt tính ta ưa thanh tịnh để dễ đọc sách, vậy thì thu xếp phòng phía gian sau chót cho ta.

Tên tiểu nhị ngập ngừng:

– Kính thưa công tử, phía sau đã có một vị khách quan bao rồi.

Người thiếu niên thư sinh cau mày:

– Cả gia quyến của họ đều ở nữa à?

Tên tiểu nhị đáp:

– Thưa không, chỉ có một lão quan nhân và một người thiếu nữ.

Người thiếu niên thư sinh gặn lại:

– Có hai người sao lại bao cả một gian nhiều phòng như thế?

Tên tiểu nhị nói:

– Chỉ có hai người nhưng thuộc hạ của ông ta nhiều lắm, bọn họ không muốn cho những người khác ở chung gian.

Và hắn cười mơn nói:

– Xin công tử vui lòng lên gian giữa ở trên lầu, ở đó cũng thanh tịnh lắm.

Ngay khi ấy, chợt nghe phía sau có tiếng bước chân thật nhẹ, thật nhẹ, gã thiếu niên thư sinh thấy thấy hai tên đại hán áo xanh xăng xái đi vô, hình như không để ý đến tên thiếu niên thư sinh nên không thấy nhìn tới hắn.

Khi hai người ấy qua khỏi, gã tiểu nhị nói nhanh:

– Đấy, họ là thuộc hạ của vị quan nhân ấy đấy. Họ về là tiểu nhân phải bận việc rồi....

Gã thiếu niên công tử theo chân tên tiểu nhị lên lầu của gian giữa lựa mãi mới có một phòng vừa ý.

Phòng này có cửa sổ quay xuống sân lộ thiên của gian sau, đứng nơi đó thấy những người ngụ trong phòng của gian ấy ra vào.

Như cố làm tăng giá trị của gian phòng, tên tiểu nhị nói:

– Phòng này của một vị khách văn nhân vừa mới trả hồi sáng nay, giá mà công tử đến sớm hơn cũng sẽ không có được.

Hắn lăng xăng đi mang trà lại cho người thiếu niên thư sinh rồi lật đật khép cửa bước ra.

Gã thiếu niên thư sinh dòm nơi cửa sổ ngó xuống hành lang gian phòng phía sau.

Thấy nơi đó thật là lý tưởng cho những ai muốn yên tịnh.

Một cái sân lộ thiên ngăn cách gian này với những gian trước khác, thật là phân biệt nơi sân và giải hành lang có rất nhiều chậu kiểng, có cả những hòn giả sơn và những hồ nước nuôi cá lội tung tăng...

Hai tên đại hán áo xanh khi nãy hối hả đi vào, họ trao đổi với nhau những câu thì thầm mà sắc diện khá là quan trọng...

Họ đi qua đi lại chầm chậm trong hành lang như đang đợi người nào....

Gã thiếu niên thư sinh bỏ vào ngồi nơi bàn trong phòng hắn, hưởng chén trà nhắp từng hớp một, dáng điệu của hắn cũng hình như đang đợi....

Trời đã xế chiều, khoảng đường trước khách điếm chợt vang vó ngựa.

Bốn con tuấn mã vừa đến ngang khách điếm là dừng ngay.

Một lão già mặt đỏ với vóc người cao lớn và một gã đại hán trạc khoảng ba mươi nhảy xuống ngựa với hai tên thuộc hạ đi vào.

Dường như đó là một “khách sộp” cho nên khi thấy lão già mặt đỏ đi vào là từ quản lý đến những tên tiểu nhị đều cúi gập mình cung kính.

Hình như đang bận rộn lắm, nhưng lão già mặt đỏ cũng vẫy tay tươi cười với họ rồi hối hả đi thẳng ra gian sau.

Hai tên tiểu nhị khúm núm theo sau, coi có vẻ rất kính trọng lão già mặt đỏ...

Vừa tới sân lộ thiên, chợt có người từ thang lầu nhảy xuống từng bước một, hắn có vẻ lính quýnh thụt lùi vừa la luôn miệng:

– Quỷ... có quỷ...

Hắn vì sợ quá nên quên mất chuyện để ý, hắn thụt lùi mãi cho đến khi vấp vào ngạch cửa té nhào vào mình lão già mặt đỏ.

Lão già mặt đỏ đưa tay đỡ lấy hắn và mỉm cười thông cảm:

– Có chuyện chi mà hoảng hốt thế ông bạn?

Người ấy như hoảng hồn, hắn đứng ngay lại mắt ngó láo liên...

Tên tiểu nhị nhìn kỹ thấy người ấy chính là gã thiếu niên thư sinh mới tới mướn phòng...

Và bây giờ tên tiểu nhị mới gượng cười:

– Công tử, có chuyện chi thế?

Tên thiếu niên thư sinh hoàn toàn bình tĩnh, hắn nhìn lão già mặt đỏ áy náy vòng tay:

– Xin lỗi, nhất thời sơ hốt, xin lão lượng thứ cho.

Lão già mặt đỏ đáp lễ:

– Không dám, chẳng hay chuyện gì đã xảy ra?

Gã thiếu niên thư sinh ngượng ngập:

– Không, không có gì, có thể tiểu sinh hoa mắt... nhưng quả thật tiểu sinh ngó thấy....

Lão già mặt đỏ chớp mắt ngời ngời:

– Công tử thấy ai?

Vẻ sợ sệt lại thoáng qua mặt của gã thiếu niên thư sinh, hắn hơi ngập ngừng:

– Có lẽ lão trượng không tin, nhưng thật sự vãn sinh thấy không phải là... người.

Người trung niên mặc áo lam đứng gần lão già mặt đỏ cau mày hỏi:

– Không phải người chứ thấy cái giống gì?

Gã thiếu niên thư sinh càng ngập ngừng hơn nữa:

– Một bóng trắng... chắc là... là quỷ vô thường!

Tên tiểu nhị hình như rất “Kỵ” cái tiếng mà tên thiếu niên thư sinh vừa nói nhưng hắn không dám xẳng xớm mà chỉ cười mơn:

– Công tử nói đùa đấy chứ? Ban ngày ban mặt mà làm gì có quỷ? Vả lại, ở nơi này từ trước đến nay không ai thấy điều chi lạ cả!

Lão già mặt đỏ khoát tay về phía tên tiểu nhị và ôn tồn hỏi gã thư sinh:

– Công tử thấy người ấy ở đâu?

Mắt gã thư sinh áo trắng lại láo liên:

– Vãn sinh thấy.... thấy....

Hắn không nói hết câu mà mắt cứ nhìn ngược lên mái ngói....

Lão già mặt đỏ hỏi dồn:

– Thấy ở nơi nào?

Hắn chỉ tay lên nóc nhà, ngay gian nhà mà lão già trú ngụ:

– Một bóng trắng lom khom trên đó nhưng rồi chỉ trong nháy mắt lại biến đi đâu mất.

Lão già mặt đỏ đổi sắc, lão quay qua gã đại hán áo lam ngầm ra hiệu, gã đại hán áo lam xuất lãnh mấy tên thuộc hạ đi thẳng vào nhà.

Lão già mặt đỏ quay lại mỉm cười với gã thiếu niên thư sinh:

– Cũng có thể công tử bị hoa mắt, mà cũng có thể là bọn tiểu đạo giang hồ nhân cơ hội lão phu không có ở nhà đến đây làm chuyện dòm ngó. Nếu công tử không còn sợ thì hãy cùng lão phu vào nhà xem thử xem sao?

Gã thiếu niên thư sinh nở nụ cười tươi nói:

– Vãn sinh chỉ vì nhất thời hoảng hốt, chứ bây giờ đã có đông người thì không sợ nữa....

Quay qua phía tên tiểu nhị lão già mặt đỏ nói:

– Không có chuyện gì đáng làm, hai người hãy lui ra và nhớ đừng làm kinh động đến người khác nhé.

Hai tên tiểu nhị vâng dạ lui ra.

Lão già mặt đỏ thân thiện dắt tay gã thư sinh đi vào trong và sau khi an tọa, lão hỏi:

– Chẳng hay công tử quý tính đại danh?

Gã thiếu niên thư sinh đáp:

– Vãn sinh tên là Hàn Thiếu Sơn.

Lão già mặt đỏ tự giới thiệu:

– Lão phu tên là Nghiêm Hữu Tam.

Hàn Thiếu Sơn khẽ nghiêng mình:

– Vãn sinh cửu ngưỡng.

Những tiếng “Mộ danh đã từ lâu” vốn là một câu khách sáo thông thường, thêm vào đó vẻ mặt của Hàn Thiếu Sơn lại không tỏ vẻ gì đặc biệt, càng làm cho Nghiêm Hữu Tam nghi ngờ có lẽ gã này quả thật là một con mọt sách chứ chưa từng nghe biết chuyện võ lâm.

Vì cho dù không phải người trong võ lâm, nhưng cả dọc giải từ phương tây dẫn đến Kim Lăng, có mấy ai mà không nghe đến danh của “Hồng Liễm Phán Quan”?

Hai người song song đi vào hậu viên. Hàn Thiếu Sơn thấy dọc giải hành lang và nhất là phía sau toàn là hoa cảnh, hơi hương đập vào mũi ngạt ngào đúng là một nơi lý tưởng cho khách văn nhân.

Hắn mỉm cười nói khẽ:

– Giữa vùng thị tứ tấp nập như thế mà lại được một cảnh đẹp cực kỳ u nhã thật là hiếm có, thảo nào lão trượng lại chẳng bao cả gian.

Nghiêm Hữu Tam cười:

– Lão phu bình sinh rất ưa thanh tịch, nhất là chuyến này đi còn có...

Ông nói chưa dứt thì gã đại hán áo lam đã xăm xăm bước vào, nhưng khi thấy có mặt Hàn Thiếu Sơn, hắn lại đứng lặng thinh không nói....

Nghiêm Hữu Tam quay qua nói:

– Tú Hiệp đã xem xét xong chưa?

Người trung niên áo lam liếc nhanh về phía Hàn Thiếu Sơn... đáp khẽ:

– Điệt nhi đã tra soát nhưng không thấy dấu vết khả nghi.

Thấy tia mắt không bằng lòng của người cháu về sự có mặt của Hàn Thiếu Sơn, Nghiêm Hữu Tam vội mỉm cười:

– Tú Hiệp, đây là lão đệ Hàn Thiếu Sơn.

Và quay qua Tú Hiệp, Nghiêm Hữu Tam nói luôn:

– Còn đây là cháu của lão phu, tên gọi Nghiêm Tú Hiệp.

Hàn Thiếu Sơn đứng dậy vòng tay:

– Xin kính chào Nghiêm thiếu hiệp.

Nghiêm Tú Hiệp vòng tay lãnh đạm:

– Không dám, kính chào Hàn tiên sinh.

Nghiêm Hữu Tam mỉm cười hỏi Nghiêm Tú Hiệp:

– Họ đã về đủ cả rồi chứ?

Nghiêm Tú Hiệp đáp:

– Vâng, đã về đủ cả.

Nghiêm Hữu Tam hỏi luôn:

– Không biết rõ sào huyệt của chúng à?

Nghiêm Tú Hiệp ngập ngừng:

– Chưa.... rõ.

Nghiêm Hữu Tam cau mày:

– Hừ xem chừng chúng ta phải chịu thế à?

Thấy câu chuyện đến lúc phải cáo từ, Hàn Thiếu Sơn đứng dậy:

– Lão trượng có việc, vãn sinh xin phép cáo từ.

Nghiêm Hữu Tam khoát tay mỉm cười:

– Không, không có chi quan trọng, gặp nhau nơi đây kể cũng là duyên ngộ, lão phu thành thật xem công tử như là bạn đấy mà.

Vừa nói, ông ta vừa ngầm đưa mắt ra hiệu cho Nghiêm Tú Hiệp.

Nghiêm Tú Hiệp lật đật vòng tay lui trở vào trong.

Hàn Thiếu Sơn ngồi xuống:

– Lão trượng đã có lòng đãi ngộ, vãn sinh vô cùng cảm kích.

Ngay lúc đó, bên trong có một tên thuộc hạ dâng trà.

Nghiêm Hữu Tam trao một chén tận tay Hàn Thiếu Sơn và cười hỏi:

– Chẳng hay quý phủ của công tử ở nơi nào?

Hàn Thiếu Sơn đáp:

– Thưa, tại Trấn Giang.

Nghiêm Hữu Tam hỏi tiếp:

– Chẳng hay công tử đến Kim Lăng này có chuyện chi?

Hàn Thiếu Sơn đáp:

– Vãn sinh đến đây viếng bạn, chẳng hay lão trượng...

Nghiêm Hữu Tam nói:

– Lão phu đến Kim Lăng là vì có chút tư sư.....

Thấy đối phương không nói hết lời, Hàn Thiếu Sơn hỏi gióng:

– Vãn sinh có chút chuyện thỉnh giáo, nhưng không biết nên chăng?

Nghiêm Hữu Tam mỉm cười:

– Xin Hàn công tử cứ nói thẳng.

Hàn Thiếu Sơn nói:

– Đúng ra là không nên đường đột nhưng vì thịnh tình của lão trượng, nên vãn sinh đoán chừng lão trượng đang có một tâm sư....

Nghiêm Hữu Tam chớp mắt:

– Hàn công tử quả cao minh...

Ông ta khẽ hắt một hơi và nói tiếp:

– Thật không dấu chi, lão phu là người từng ngang dọc giang hồ, không dè đến Kim Lăng lần này lại phải bị một vố khá nặng...

Hàn Thiếu Sơn gục gặc đầu:

– À... thì ra lão trượng là bậc lão hiệp giang hồ... vãn sinh vô cùng thất kính nhưng chẳng hay lão trượng đang gặp phải chuyện chi ở tại Kim Lăng?

Nghiêm Hữu Tam cười gằn trong bụng, ông ta cảm thấy những nghi ngờ về gã thư sinh này quả không sai và bây giờ hắn bắt đầu để lô.....

Tuy vậy, ngoài mặt ông vẫn tươi cười:

– Hàn công tử tuy không phải người trong giới võ lâm, nhưng chắc cũng đã có nghe qua về tứ đại thế gia là Đông Hứa, Tây Tần, Nam Giang, Bắc Lý chứ?

Hàn Thiếu Sơn gật đầu:

– Vâng, vâng, vãn sinh có nghe một quyền sư vốn là xá đệ của vãn sinh kể qua về tứ đại thế gia của võ lâm hiện tại.

Nghiêm Hữu Tam nói:

– Lão phu chính là tổng quản của Thái Bình Bảo, lần này đến Kim Lăng là vì chuyện có bọn hái hoa đại đạo hoành hành và cùng đi lại có người con gái của lão bảo chủ Tần cô nương, nhưng khi đến đây mấy ngày, lão phu phải có chuyện đi khỏi thì ở tại đây Tần cô nương mất tích.

Hàn Thiếu Sơn kinh ngạc:

– Giữa thành Kim Lăng này mà cũng có chuyện mất tích nữa ư?

Nghiêm Hữu Tam nói:

– Cứ theo điều tra của lão phu trong mấy ngày qua thì đã có thể Tần cô nương bị cướp bắt cóc.

Hàn Thiếu Sơn nhướng mắt:

– Đúng rồi.... rất có thể bọn cướp nào đó bắt người để buộc khổ chủ chuộc tiền, đúng là bọn vô vương vô pháp, tàn ác vô cùng.

Hắn liếc Nghiêm Hữu Tam như muốn nói gì nữa nhưng rồi lại làm thinh.

Là con người từng trải, tự nhiên Nghiêm Hữu Tam thấy ngay chuyện đó, ông ta hỏi lại:

– Hàn công tử ở tại Trần Giang, cùng với Kim Lăng vốn là phụ cận, lão phu có chuyện muốn cầu hỏi.

Hàn Thiếu Sơn nói:

– Không dám, chẳng hay lão trượng muốn biết chuyện chi?

Nghiêm Hữu Tam nói:

– Cứ theo lão phu nghe thì gần đây có một bọn cướp thường xuất hiện tại Kim Lăng và có lẽ với tình thế ở Kim Lăng này công tử cũng không lạ lùng gì cho lắm nên lão phu muốn hỏi thăm công tử đã có nghe qua chuyện này hay chăng?

Hai mắt của Nghiêm Hữu Tam xoáy thẳng vào mặt Hàn Thiếu Sơn, như một luồng điện lạnh khi hỏi câu hỏi đó, nhưng gã thư sinh này bằng một thái độ như không:

– Vì không từng cùng giới giang hồ qua lại, cho nên chưa từng nghe chuyện đó, chỉ có điều....

Hắn ngập ngừng không nói cạn.

Nghiêm Hữu Tam tấn tới:

– Hình như Hàn công tử chưa nói hết lời?

Hàn Thiếu Sơn hơi do dự:

– Lão trượng đã hỏi thì vãn sinh phải thật tình, chỉ có điều đây là chuyện nghe dọc đường dọc xá, nên không chắc là có dính líu với chuyện Tần cô nương mất tích hay không?

Rồi, Nghiêm Hữu Tam thấy câu chuyện đã vào đề, đúng là hắn đến đây gặp mình là một chuyện có sắp đặt chứ không phải tình cờ mà chuyện ma quỷ lúc nãy chỉ là khơi mào cho có cớ...

Ông ta hỏi tới:

– Chẳng hay Hàn công tử đã nghe thấy chuyện chi?

Hàn Thiếu Sơn đáp:

– Tối hôm qua khi tạm nghỉ tại Câu Dung, vãn sinh trộm nghe phòng sát bên có ba người bàn bạc, thật tình vãn sinh không có ý nghe lén chuyện của người, nhưng vì nội dung có nhiều điều lạ lắm nên vãn sinh đành phải bỏ cái ý của con người tốt để trộm nghe, họ có đề cập chuyện Tần cô nương, nhưng vãn sinh cũng chỉ nghe được câu chuyện có dính dáng đến một cô gái họ Tần, chứ không làm sao nghe cả được đầu đuôi.

Nghiêm Hữu Tam cố gắng hỏi lại:

– Nhưng chẳng hay họ nói như thế nào?

Hàn Thiếu Sơn thoáng hơi suy nghĩ như để nhớ lại cho chắc rồi mới nói:

– Vãn sinh nghe hình như họ nói bắt Tần cô nương là cốt để đối phó với.... Hồng Liễm Phán Quan nào đó, hình như họ nói phải giết cho được người ấy để thu toàn sự nghiệp của ông ta.

Nghe nói đến đây, Nghiêm Hữu Tam vụt ngửa mặt bật cười ha hả.

Hàn Thiếu Sơn ngạc nhiên:

– Thưa lão trượng, chẳng hay có phải vãn bối đã nói sai?

Nghiêm Hữu Tam ngưng cười và nói thật chậm:

– Chẳng hay Hàn Thiếu Sơn có biết Hồng Liễm Phán Quan ấy là ai không nhỉ?

Hàn Thiếu Sơn lắc đầu:

– Thật tình vãn sinh ngoài những bạn đồng sinh ra thì không có được một bằng hữu giang hồ nào cả vì thế những nhân vật dù có tiếng, vãn sinh cũng chưa được nghe qua.

Nghiêm Hữu Tam cười:

– Hồng Liễm Phán Quan vốn là ngoại hiệu mà bằng hữu giang hồ tặng cho chính lão phu.

Hàn Thiếu Sơn lật đật vòng tay:

– Vãn sinh đã hồ đồ thất ngôn, xin lão trượng lượng thứ cho.

Nghiêm Hữu Tam chiếu đôi mắt ngời ngời:

– Lão phu cũng cần xem thử bọn cướp này to gan lớn mật đến mức nào.

Ông ta nói chưa dứt lời thì bên ngoài có tên tiểu nhị mang vào một phong thư:

– Có thư của lão quan nhân, và người trao thư bảo phải dâng tận tay cho quan nhân đây.

Nghiêm Tú Hiệp bước ra:

– Hãy trao đây.

Gã tiểu nhị cung kính dâng lên.

Bên ngoài phong bì chỉ vỏn vẹn:

“Nghiêm Hữu Tam tổng quản chiết khán” chứ không có ghi tên người gởi.

Nghiêm Tú Hiệp trao lên cho Nghiêm Hữu Tam, ông ta hỏi tên tiểu nhị:

– Người trao thư này như thế nào?

Tên tiểu nhị đáp:

– Đó là một vị mặc áo màu tro xám, hắn trao cho quản lý của chúng tôi và chỉ nói:

“Phải trao tận tay cho Nghiêm tổng quản rồi hắn vội vàng lên ngựa bỏ đi.

Nghiêm Hữu Tam hỏi:

– Người ấy khoảng bao nhiêu tuổi?

Tên tiểu nhị đáp:

– Độ chừng chỉ khoảng ba mươi.

Nghiêm Hữu Tam hỏi luôn:

– Người ấy nói giọng tỉnh nào?

Tên tiểu nhị đáp:

– Vì hắn nói quá nhỏ với quản lý và chỉ nói một câu ngắn gọn nên tiểu nhân không rõ.

Nghiêm Hữu Tam khoát tay ra hiệu, Nghiêm Tú Hiệp lấy một đĩnh bạc trao cho tên tiểu nhị và nói:

– Tốt lắm, ngươi hãy lui ra.

Tên tiểu nhị lãnh bạc, khúm núm vái chào.

Thấy Nghiêm Hữu Tam cầm phong thư mà không xé ra xem, Hàn Thiếu Sơn vội đứng lên:

– Lão trượng đang bận chuyện, vãn sinh xin phép cáo từ.

Thấy chuyện cáo thối của đối phương là hữu lý, Nghiêm Hữu Tam mỉm cười:

– Vâng, xin công tử về phòng nghỉ ngơi, chúng ta cùng ngụ chung một khách điếm, lão phu rất mong được hầu chuyện cùng nhau thường hơn nữa.

Hàn Thiếu Sơn vái chào và thong thả đi ra....
Bình Luận (0)
Comment