Thanh Vân Đài

Chương 47

Tắm cho Thanh Duy rất mất thời gian. Trời đương rét căm mà nàng còn đang bệnh, phải đốt chậu than sưởi ấm phòng mới dám cởi đồ cho nàng.

Giang Từ Chu kiên nhẫn đợi phòng ấm lên mới ôm Thanh Duy đi vào. Y không ở bên cạnh khi nàng tắm, mà giao Thanh Duy cho Lưu Phương và Trú Vân rồi rời đi.

Trong phòng tắm nước chảy róc rách, ánh chiều tà dưới khe cửa nhạt dần, cho tới khi bầu trời tối hẳn, trong phòng tắm mới cất tiếng: “Xong rồi ạ.”

Giang Từ Chu cầm khăn tới đón, Thanh Duy đã mặc đồ trong, y quấn khăn tắm quanh người nàng rồi trở ôm về giường.

Tóc nàng vẫn còn ướt, Giang Từ Chu tháo khăn ra để nàng tựa vào lòng mình, nhẹ nhàng lau khô cho nàng.

Y xuất thân cành vàng lá ngọc, cả cuộc đời chưa từng chăm sóc ai, gần đây mới bắt đầu học, nhưng cũng không thấy có gì khó.

Tóc Thanh Duy rất nhiều, vừa dày vừa mượt, dân gian có câu tóc xanh như suối, có lẽ là để miêu tả nàng.

Nhưng những ngày qua nàng gầy sọp hẳn đi, ngoài một bát cháo trắng mỗi ngày, thái y không cho phép đút nàng ăn nhiều, cũng đút rất ít nước, nói sợ bệnh nhân bị nghẹn. Giang Từ Chu lo nếu cứ như vậy nàng sẽ không chịu nổi mất, nên mỗi khi đêm về không còn người ngoài, y rất muốn gọi nàng là Tiểu Dã, muốn đánh thức nàng dậy.

Lau khô tóc xong, Giang Từ Chu để Thanh Duy ngồi dựa vào thành giường, khẽ gọi: “Tiểu Dã?”

Thanh Duy không phản ứng.

Thế là Giang Từ Chu múc một chậu nước, nhẹ nhàng nói: “Không biết chiếc bình sứ nhỏ của nàng đựng gì, ta lo vết bớt này để lâu mà không rửa thì có hại cho da mặt, nên sáng nay thái y tới, ta đã mời ông ấy xem cho.”

Y cầm lấy một lọ nhỏ trên kệ đồ, đổ thuốc bột vào nước, nhúng ướt khăn rồi nhẹ nhàng lau sạch cho nàng, cười bảo: “Thái y này là người chăm sóc ta mấy năm qua, kín miệng lắm, nàng yên tâm, ông ấy sẽ không tiết lộ bí mật của nàng.”

Trong nhà chỉ thắp một ngọn đèn, rèm giường rũ xuống, trên giường mờ mờ ánh sáng.

Gương mặt sạch sẽ của Thanh Duy dần xuất hiện ở nơi ánh đèn không soi tới, Giang Từ Chu im lặng nhìn, nụ cười dần tắt.

Thực ra lần đầu y gặp nàng không phải là cái lần nàng đụng đổ rượu của y ở ngoài Đông Lai Thuận.

Giang Từ Chu nhớ lại dáng vẻ của Thanh Duy hồi mười ba mười bốn tuổi, gọn gàng sạch sẽ, cũng như lúc này đây, đã mấy năm trôi qua mà nàng chẳng hề thay đổi.

Lúc bấy giờ là mùa thu năm Chiêu Hóa thứ mười hai, Tiển Khâm đài vừa sửa bản vẽ, y nhận lệnh đến núi Thần Dương mời Ôn Thiên rời núi.

Nhắc đến việc đặt vị trí Tiển Khâm đài, kể ra cũng hơi tùy tiện.

Tướng quân Nhạc Xung đã hy sinh trong trận sông Trường Độ vốn là dân thường, ban đầu là thủ lĩnh sơn tặc. Trong triều đại Hàm Hòa, ông không nỡ nhìn dân chúng loạn lạc ly tán, vậy là dẫn theo thuộc hạ quy phục quân đội triều đình. Năm Hàm Hòa thứ mười bảy, mười ba bộ tộc Thương Nỗ xâm lăng, sĩ tử nhảy sông Thương Lãng khuyên can, Nhạc Xung xin đi ngăn địch ở bên ngoài sông Trường Độ Cật Bắc, cuối cùng dùng máu thịt giữ được non sông.

Đó là lý do vì sao lại sửa Tiển Khâm đài vào năm Chiêu Hóa thứ mười hai, nếu đã chọn hai chữ “Tiển Khâm” để tưởng nhớ những sĩ tử trầm mình xuống sông, thế thì địa điểm được chọn chính là núi Bách Dương – nơi Nhạc thị chào đời.

Ban đầu Tiển Khâm đài không phải đài cao, mà vốn dĩ gọi là đền thờ Tiển Khâm. Trong triều đại Chiêu Hóa, quốc lực ngày một dồi dào,  mạnh mẽ, hàng trăm phế tích đang chờ đợi sửa chữa, sửa một ngôi đền thôi mà, cũng chẳng phải xây cung điện lầu gác, nên triều đình mới không phái Ôn Thiên đến núi Bách Dương.

Song không lâu sau, Chiêu Hóa đế lại đổi ý.

Từ thuở xa xưa, quan văn chết vì can vua, quan võ chết vì đánh giặc, đền thờ Tiển Khâm mang hàm nghĩa sâu xa, Chiêu Hóa đế hy vọng đời sau có thể kế thừa di nguyện của người đi trước, quyết định dựng thêm một tầng nữa ở thiết kế ban đầu, đổi đền thờ Tiển Khâm thành Tiển Khâm đài, hạ lệnh phải hoàn thành trước mồng chín tháng Bảy năm sau, tới lúc ấy sẽ chọn những học trò trên khắp cả nước để lên đài.

Vì có lời sĩ tử đăng đài, việc thi công Tiển Khâm đài lập tức mang ý nghĩa phi thường, không dám giao cho những thợ mộc ban đầu, triều đình muốn mời một thợ giỏi khác, vậy là Chiêu Hóa đế đã giao việc này cho Tiểu Chiêu vương – người mà xưa nay ông kỳ vọng rất nhiều.

Năm ấy Tạ Dung Dữ chỉ vừa tròn mười bảy, nhìn bản vẽ bộ Công vừa đổi, người đầu tiên y nghĩ đến chính là Ôn Thiên.

Khi ấy Ôn Thiên đang xây dựng hành cung ở Trung Châu, Tạ Dung Dữ đích thân viết thư gửi ông, nhưng mãi lâu vẫn chẳng nhận được hồi âm, về sau phái người đi nghe ngóng mới biết, mấy hôm trước Ôn Thiên đã đột ngột xin nghỉ, quay về nhà cũ ở Thần Dương.

Từ kinh thành đến Lăng Xuyên tất sẽ đi ngang qua Thần Dương, thế là Tạ Dung Dữ gửi bái thiếp đến thần Dương, nhanh chóng dẫn người lên đường.

Nhà của Ôn Thiên nằm tại trấn nhỏ ở ngoại ô Thần Dương, là nơi Ôn thị chào đời, trong trấn có rất nhiều người hành nghề thợ mộc, trấn dựa lưng vào núi, hòa một thể với núi xanh, vô cùng hùng vĩ.

Thị vệ chỉ lên căn nhà ở sườn núi, nơi có dòng suối chảy ngang trước cửa, nói với Tạ Dung Dữ: “Bẩm điện hạ, chính là nơi này.”

Nghe thấy tiếng gõ cửa, Ôn Thiên đích thân đi ra mở cửa. Ông đã nhận được bái thiếp của Tạ Dung Dữ từ trước, vẫn luôn đợi y đến, vừa thấy y, lập tức biết ngay thân phận của y.

Mời người vào nhà ngồi xuống, Ôn Thiên chà xát hai tay đứng giữa nhà, mấy lần mở miệng nhưng rồi lại nuốt xuống.

Tạ Dung Dữ khiêm tốn nói; “Nếu Ôn tiên sinh có chuyện gì khó xử thì cứ nói thẳng với vãn bối, không chừng vãn bối có thể giúp một tay.”

“Cũng không phải khó xử gì.” Ôn Thiên do dự, “Có chuyện này hẳn điện hạ chưa biết, vợ nhà tôi mới qua đời bốn tháng trước vì bệnh, trước đó Ôn mỗ xin nghỉ ở Trung Châu cũng là vì chuyện này, bây giờ về nhà thủ tang chưa đến một tháng, thực sự không tiện rời đi.”

Tạ Dung Dữ ngạc nhiên: “Hóa ra có chuyện như vậy.”

“Phải ạ.” Ôn Thiên ngượng ngùng, “Vợ nhà tôi đổ bệnh từ năm ngoái, sợ tôi ở xa bận tâm nên bảo con gái giấu tôi. Nửa năm trước bệnh tình của bà ấy ngày một nặng, con gái mới khẩn cấp viết thư cho tôi. Chỉ là hành cung Trung Châu xây ở trong núi, đường khó đi, thư từ tới chậm, đến lúc tôi về thì bà nhà tôi đã qua đời từ lâu.”

Tạ Dung Dữ nghe thế, đứng dậy bái lễ Ôn Thiên, áy náy nói: “Không biết Ôn tiên sinh mất vợ, lại còn lỗ mãng viếng thăm, lỗi vãn bối đường đột. Nếu đã vậy, vãn bối xin phép không làm phiền nữa, hôm nay quay về dịch trạm, vãn bối sẽ nhanh chóng báo lên Quan gia, xin chọn một thợ mộc khác cho Tiển Khâm đài. Dẫu sao người cũng đã mất, người còn sống vẫn cần phải sống, mong Ôn tiên sinh nén bi thương.”

“Không, điện hạ hiểu lầm rồi.” Ôn Thiên thấy Tạ Dung Dữ cáo từ, vội vàng ngăn lại, “Điện hạ hiểu lầm ý của Ôn mỗ rồi. Có chuyện này chắc điện hạ không biết, vợ nhà tôi chính là con gái của Nhạc Xung, Nhạc thị Hồng Anh. Như điện hạ nói đấy, người mất cũng đã mất rồi, Ôn mỗ còn sống, có thể dốc hết sức làm chuyện gì đó vì bà ấy là giấc mộng mà Ôn mỗ khó cầu. Nếu Tiển Khâm đài được dựng để tưởng nhớ các tướng sĩ đã mất bên sông Trường Độ, vậy Ôn mỗ sẵn sàng tham dự.”

Ôn Thiên nhìn ra sau nhà, dừng bước nói: “Nhưng Ôn mỗ chỉ lo Tiểu Dã buồn.”

Tạ Dung Dữ nghe hai chữ “Tiểu Dã” thì ngạc nhiên hỏi: “Ý Ôn tiên sinh là lệnh thiên kim?”

“Vân, chính là con gái nhà tôi.” Ôn Thiên nói, “Sau khi bà nhà tôi qua đời, con bé cùng sư phụ nó an táng cho bà ấy, một mình ở nhà đợi tôi ba tháng thì tôi mới về. Lúc ấy nó nói với tôi, nó chỉ có một yêu cầu duy nhất, những năm qua tôi bận bịu bên ngoài, chẳng mấy khi ở cùng vợ, cho nên muốn tôi thủ tang vợ ba tháng, mà lúc này vẫn chưa hết ba tháng… Thưa điện hạ, thực chẳng giấu gì, từ lâu khi hay tin triều đình muốn đổi đền thờ Tiển Khâm thành Tiển Khâm đài, Ôn mỗ đã muốn tự tiến cử mình, lúc đó Ôn mỗ cũng đã nói chuyện này với con gái, nhưng trông con bé có vẻ rất thất vọng, không hiểu cho quyết định của Ôn mỗ.”

Tạ Dung Dữ nghĩ ngợi, nói: “Hay là dời kỳ hạn công trình lùi thêm hai tháng nữa?”

“Không được!” Ôn Thiên quả quyết, “Đài dựng ở sườn núi, vốn đã chẳng dễ xây, cộng thêm núi Bách Dương vào Hạ lại càng mưa liên miên, đào mương thế nào, ngăn lũ ra sao, đều phải đo đạc lại lần nữa, thời hạn xây dựng đã rất cấp bách, nếu còn lùi nữa, chắc chắn sẽ không kịp.”

Đương lúc khó xử, một học trò bỗng từ sân sau chạy vào nhà, nói với Ôn Thiên: “Không xong rồi thầy ơi, Tiểu Dã nghe nói người của triều đình đến mời ngài nên đã thu dọn tay nải, bảo là muốn bỏ nhà ra đi!”

Ôn Thiên biến sắc, vội nói với Tạ Dung Dữ: “Tôi xin phép được đi xem thế nào.”

Tiểu Chiêu vương cành vàng lá ngọc đã bao giờ gặp chuyện như thế, y cảm thấy cha con hai người họ tranh chấp là do mình, nên ngồi trong nhà mà chẳng khác gì ngồi trên bàn chông.

Chốc lát sau, quả nhiên ở sân sau vọng tới tiếng cãi vả của hai cha con…

“Con đi tìm sư phụ con? Ngư Thất ở tận sâu trong rừng, con đi một mình có biết nguy hiểm lắm không!”

“Vẫn còn tốt hơn là sống ở đây! Mẹ đi rồi, cha còn muốn đi xây nhà cao cửa rộng cho người ta, nhà không còn là nhà, con ở lại làm gì!”

Thị vệ bên cạnh lên tiếng: “Điện hạ?”

Tạ Dung Dữ lập tức đứng dậy, đi ra sau nhà.

Lúc bấy giờ mới qua ngọ, nắng thu nhạt nhòa chiếu rọi, Tạ Dung Dữ đi tới cửa, thấy chiếc bóng cô đơn của Ôn Thiên đứng trong sân, sau cửa có một cô nương mười ba mười bốn tuổi xoay lưng đứng thẳng, nàng mặc áo trắng thủ hiếu, tóc dài tựa thác được buộc thành đuôi ngựa, vóc dáng rõ nhỏ bé nhưng lại đeo một thanh kiếm lớn vô cùng.

“Con đi đi! Nếu mà đi thì đừng có về nữa!” Ôn Thiên tức giận.

Tiểu Dã có chấp niệm, ông cũng có chấp niệm của mình, ông đã bỏ lỡ lần cuối gặp Hồng Anh, trong lòng hối hận đau đớn không thôi, trong lòng ông, Tiển Khâm đài là xây vì Hồng Anh.

Nhưng con gái không chịu hiểu cho ông.

Thanh Duy xoay mặt đi, giọng ráo hoảnh: “Con cũng không định về.”

“Được. Từ nay trở đi…” Ôn Thiên vừa tức vừa buồn, “Từ nay trở đi, con không cần nhận ta làm cha nữa, từ nay trở đi, con không còn mang họ Ôn nữa!”

Thanh Duy nghe vậy thì quay phắt người lại, giơ tay áo lên lau mắt, bước đi thẳng mà chẳng hề ngoái đầu.

Học trò thấy thế toan đuổi theo, nhưng bị Ôn Thiên gọi về: “Để nó đi, không cần phải theo!”

Học trò có thể không đi, nhưng Tạ Dung Dữ không thể không đi, y cảm thấy chuyện này là do mình nên rất áy náy, bèn đuổi theo ra cửa gọi Thanh Duy: “Cô nương!”

Nhà họ Ôn xây trên sườn núi, Thanh Duy đi rất nhanh, chỉ chốc lát đó thôi đã sắp đến cây đa già dưới núi.

Giữa khoảng rừng xanh thẳm, nàng ngoái đầu nhìn lại.

Chàng trai gọi nàng rất tuấn tú, nhưng nàng không quen y, nên ánh mắt nàng không dừng ở y mà sượt qua y, nhìn lên ngọn núi sau lưng y.

Song, ánh mắt của Tạ Dung Dữ lại dừng trên người Ôn Tiểu Dã.

Đấy là một tiểu cô nương vô cùng xinh đẹp, mặt mày trong sáng, thêm một nét đâm thừa, giảm một nét lại thiếu.

Gió núi rì rào, lùa vào mái tóc xanh của nàng, nâng tà váy trắng bay bay.

Tạ Dung Dữ muốn nói gì đó với nàng, nhưng vào khoảnh khắc ấy, y trông thấy ánh mắt nàng nhìn ngọn núi, là ánh mắt trống trải đầy đơn côi, và cũng kiên cường đến đau đớn.

Bỗng y hiểu ra, sau khi mẹ qua đời, tự tay tiểu cô nương này đã an táng cho mẹ, rồi một mình chịu tang trong buồn bã cô độc, đợi cha về ròng rã ba tháng trời.

Mọi câu nói vừa đến bên môi đã lập tức biến mất, Tạ Dung Dữ cảm thấy, nếu chưa từng đích thân trải qua đau thương thì mọi lời khuyên đều thừa thãi.

Chỉ là kể từ khi ấy, ánh mắt đó của Ôn Tiểu Dã đã in dấu trong lòng Tạ Dung Dữ, kể cả về sau Ôn Thiên có khuyên y: “Tiểu Dã nó nhìn bướng bỉnh thế thôi, chứ thực ra con bé rất hiểu chuyện, đợi Tiển Khâm đài xây xong, chắc chắn nó sẽ vui lắm cho xem, kiểu gì cũng đến ngắm.” Tạ Dung Dữ không tài nào quên nổi.

Nhưng rồi rất lâu về sau, khi Tiển Khâm đài đổ sập, y vùi thân dưới đài, trong lòng chỉ nghĩ có một điều, tốt nhất tiểu cô nương đó chớ nên tới làm gì, mà giả như… nàng ấy đến thật, ta đành phải nói với người khác rằng, ta có thấy nàng, và nàng đã chết rồi…
Bình Luận (0)
Comment