Thích Khách - Thẩm Nhạn

Chương 1

Anh hùng xế chiều, quá nửa chết tại mỹ nhân.

Hoài lão gia tử sõng soài trên chăn gấm, áo quần xốc xếch, nửa thân trần truồng, ánh mắt kinh sợ, nếp nhăn dúm dó, tựa một con sói già sẩy chân trượt ngã trên con đường thường đi. Trên yết hầu có một lỗ nhỏ rất sâu, da dẻ bong tróc, rỉ máu li ti.

Ả đào hầu hạ lão đêm nay đã mất tích, cửa ra vào mở toang, gió lùa vào, song gỗ dán giấy đung đưa qua lại, tiếng nghe phạch phạch.

Hoài lão gia tử Hoài Vô Nhai là tôn sư của cả một thế hệ, sinh ra trong dân gian, chưa đầy bốn mươi tuổi đã quát tháo giang hồ. Khi xưa, thầy bói phán lão lệ khí quá nặng, không có con trai, thiên sát cô tinh, quả nhiên không đến ba mươi đã tang vợ, dưới gối chỉ có một đứa con gái, ốm yếu nhiều bệnh, nuôi chưa tròn hai mươi tuổi đã qua đời. Sau khi con gái chết, Hoài Vô Nhai giao lại gia nghiệp khổng lồ cho đồ đệ, ẩn cư núi rừng, thu học trò rộng rãi, thanh niên tài tuấn trên giang hồ ngày nay có đến nửa số là môn đệ của lão. Không có người thân ruột thịt, lấy truyền đạo thụ nghiệp làm việc thiện, giành được tán dương khắp võ lâm.

Hôm nay là đại thọ sáu mươi của lão gia tử, để dỗ ông lão vui, các đệ tử đã mời những nhân vật tên tuổi trên võ lâm giang hồ đến tổ chức một buổi tiệc mừng.

Trên tiệc mời một gánh đào đến diễn múa chân trần. Y phục thêu từng đóa đỗ quyên chỉ vàng, đào múa nối gót đan xen, tay áo rộng khi rủ khi vén, bóng hoa trùng trùng, gấm vóc như mây, tựa đỗ quyên nở chùm đơm bông nơi đồng nội.

Lúc đầy tớ dâng rượu lên có lỡ tay đánh rơi chén sứ trắng, mảnh vỡ tung tóe, quệt xước gò má một ả đào đang ngửa người quỳ múa bên cạnh.

Tên đầy tớ tái xám mặt mày, ả đào áo mây mặt không đổi sắc, chân trần eo gập, tay áo thoăn thoắt, lưng thẳng tắp như thân lúa mạch. Một khúc dứt, máu tươi chảy tới khóe miệng, ả đào thè lưỡi liếm đi, môi đỏ răng trắng, tựa cánh nhạn son trong tuyết.

Hoài lão gia tử sai người lấy thuốc cho ả đào. Thuốc trị thương thượng hạng ngàn vàng khó mua, bôi ba ngày, mỗi ngày ba lần vào sáng trưa tối là lành hẳn không để lại sẹo.

Ả đào cảm ơn, chẳng ton hót mà dứt khoát xoay người.

Chân trần bước trên đá xanh, nom như cơm tẻ trắng muốt vừa nấu chín.

Hoài lão gia tử trung niên tang vợ tang con, thanh tâm quả dục nhiều năm, lần đầu tiên muốn một cô ả hầu hạ. Tuy chỉ là một ả đào hèn mọn nhưng người giang hồ không mấy chú trọng xuất thân, đệ tử cả sảnh đường đều có lòng nịnh nọt ông già, đương nhiên sẽ không phá hỏng hứng thú của lão.

Tân phòng đốt nến đỏ mới mua, phủ màn sa lên.

Lúc đầy tớ phát hiện xảy ra chuyện, Hoài lão gia tử đã chết được nửa chung trà.

Tiếng hét hãi hùng của đầy tớ dẫn khách khứa giang hồ hãy còn đang chè chén trong sảnh chạy tới, trông thấy tình cảnh trong phòng, mọi người đều bặt thinh. Đệ tử của Hoài lão gia tử mặt mày xám tro, thanh danh một đời của ông lão không giữ được nữa rồi. Gây dựng danh dự thì nhọc lòng tốn sức, mất hết tiếng thơm thì chỉ bất quá trong một cái gật đầu. Mặt mũi đã mất ráo, còn liên lụy bọn họ sau này cũng chẳng còn thể diện mà hành tẩu giang hồ.

Tiết A Ất đứng hóng trò sau đám đông.

Hắn ăn bận như ngư dân, đao dài nón ngắn, áo đay quần thô, toàn thân bốc mùi cá ôi thoang thoảng, chẳng ăn nhập gì với đám đông đồng liêu ăn diện chải chuốt.

Võ nhân nổi danh kiếm tiền còn dễ hơn phú thương bình thường. Vài người giang hồ quanh đó âm thầm quan sát hắn mấy lượt, cũng may Tiết A Ất mù mắt trái, vết sẹo dài chém từ xương lông mày tới gò má. Sẹo là dấu vết đáng tự hào nhất của đàn ông, không ai hoài nghi hắn là phường đục nước béo cò nữa.

Vết thương trí mạng ở yết hầu Hoài lão gia tử cực nhỏ, đồng thời cũng cực sâu, không phải vết đao cũng chẳng giống vết kiếm, nửa chung trà sau vết thương mới bắt đầu rỉ máu, lúc ra tay ắt là rất nhanh. Lúc vào nhà, các ả đào đều đã qua soát người, trong nhà cũng không có vũ khí sắc bén nào tương tự, chỉ có một thứ có thể đâm ra vết thương kiểu này – trâm bạc cài đầu của đào múa.

Động tác cuối cùng trước khi Hoài lão gia tử chết là tay phải cong thành hình móng cào mạnh về phía trước, tựa móng ưng. Đây là tuyệt học cả đời ông lão, được gọi là Ưng Đao Trảo, xuất thủ như đao, một khi sử chiêu, lưỡi đao có sắc bén hơn nữa cũng không có đất dụng võ. Thời trai trẻ lão gia tử hô mưa gọi gió, để lại thương tích bệnh tật khắp mình, ngày nay tuy đã chẳng bằng lúc trước song dày dặn kinh nghiệm giao chiến với người ta cả đời, đánh lén lão là chuyện quá khó khăn.

Có thể kịp ra tay trước khi Ưng Đao Trảo hạ xuống, cô ả này là kẻ nhanh nhạy.

Đêm nay, lão gia tử vốn định truyền tuyệt học kiếp này cho đệ tử thân truyền, trong đó bao gồm cả Ưng Đao Trảo. Trước đây lão đề phòng đệ tử trò giỏi hơn thầy, nay tâm tư đã vững, không kiêng kị nữa, truyền tuyệt học xong là định triệt để rửa tay gác kiếm.

Nhẹ lòng rồi, muốn phóng túng một đêm, thế là toi mạng.

Đệ tử thân truyền của Hoài lão gia tử lật tung nhà cửa cũng không tìm được tuyệt học ông già nhắc đến, bấy giờ mới nhớ ra sai người truy sát ả đào áo đỏ kia. Vắt óc hồi tưởng mặt mũi ả đào mà không ai nhớ ra, chỉ nhớ nàng ta da dẻ trắng nõn, tư thái thướt tha, ngoài ra nghĩ sao cũng không nổi.

Lúc rời đi, Tiết A Ất bị đại đệ tử của Hoài Vô Nhai ngăn lại.

Võ giả trung niên ôm quyền thi lễ: “Công tử…”

Tiết A Ất ngước mắt: “Tiết A Ất.”

“Tiết đại lang,” Võ giả trung niên biết nghe lời phải, một lần nữa ôm quyền, “Đao vong sư mời Tiết lão tiên sinh rèn…”

Tiết A Ất nói: “Thanh đao ấy không hợp cho người khác dùng.”

Người tới sa sầm mặt. Y tên Tô Ngạo, tuổi đã ngoài bốn mươi, mày rậm mũi to, trầm tĩnh hơn người trẻ, quyết đoán hơn người già, đương độ tráng niên lập nghiệp lớn của đàn ông. Tô Ngạo là đại đệ tử khai sơn theo Hoài lão gia tử nhiều năm, không ai có tư cách cầm thanh đao này hơn y.

Tiết A Ất nghĩ ngợi: “Thù lao.”

Tô Ngạo thở phào, thả lỏng vai, cười: “Cái này anh cứ yên tâm.”

Cha Tiết A Ất là thợ rèn đao có chút tiếng tăm, Hoài lão gia tử chết, thanh đao đặt làm riêng cho lão không có đất dụng võ, cho ai cũng như nhau. Thế nào thì rồi thanh đao này cũng sẽ lưu lạc vào tay ai đó, đấy là vận mệnh của nó.

Để bịt miệng, Tô Ngạo cho thêm hai miếng vàng lá.

Tiết A Ất cắn thử, cộm đau cả răng.

Vừa ra khỏi nhà thì trời đổ mưa. Hạt mưa to cỡ hạt đậu, lạnh như băng, đập vào mặt ran rát. Hoài lão gia tử ra đi thật quá không khéo, chưa kịp nghĩ tên hiệu sau khi qua đời đã đành, lúc tiễn đưa còn gió buốt mưa lạnh, đìu hiu khắp núi.

Ông lão hạ quyết tâm triệt để lánh đời, nhà xây trên Bắc Sơn, chọn một địa điểm vô cùng hẻo lánh. Ngựa tốt chạy mười dặm mới tìm được một thị trấn nhỏ, tên là trấn Bạch Thủy, đường lát đá xanh, vó ngựa gõ lên nghe lanh lảnh. Hiện đang giờ lên đèn, khói bếp nổi bốn phía.

Trấn Bạch Thủy chỉ có duy nhất một quán trọ, vừa nhỏ vừa xập xệ.

Tiết A Ất đi vào, bên trong trống không, bàn ghế cũ kĩ, ráng chiều lờ mờ. Không có phục vụ, chỉ có một chưởng quỹ già ngồi trước quầy đối diện cửa sổ gảy bàn tính vàng, áo quần tuềnh toàng, mắt hẹp như đao, sắc mặt xin xỉn, dưới ngón tay lách ca lách cách, gật gù như gà mổ thóc.

Tiết A Ất đặt bạc vụn lên quầy: “Ba ngày.”

Chưởng quỹ già ngước mắt: “Không đủ.”

Trên quầy nhiều thêm một nén bạc con.

Bụng ngón tay thô ráp lướt qua bàn tính vàng, chưởng quỹ già hất cằm ra hiệu lên lầu, chép miệng: “Tổng cộng có hai gian, một nam một bắc, tự chọn.”

Tiết A Ất xoay người lên lầu, bị gọi lại: “Này…”

Chưởng quỹ già liếc trường đao để trần lưỡi bên hông hắn, ánh sáng phản chiếu làm ông ta phải nheo mắt: “Tiệc mừng thọ Hoài lão gia tử trên Bắc Sơn kết thúc rồi à? Tôi còn tưởng phải làm ba ngày ba đêm chứ.”

Tiết A Ất đáp: “Ông ta chết rồi.”

Chưởng quỹ già chẳng lấy làm kinh ngạc, cũng không hỏi chết như thế nào, cất bàn tính vàng đi, mài mực cẩn thận đối chiếu sổ sách: “Còn tưởng ông ta có thể sống lâu trăm tuổi, đáng tiếc.”

“Kẻ thù?”

Chưởng quỹ già lắc đầu: “Người quen cũ mà thôi.”

Lúc này đã cuối tháng Hai, cái lạnh mùa xuân còn chưa tan, phòng nam ấm hơn phòng bắc mấy bậc mà dễ gặp trộm nhất cũng là nó. Hành lang không rộng nhưng rất dài, Tiết A Ất đi mười mấy bước mới đến cuối, đẩy cửa phòng bắc ra, đối mặt với song gỗ mở rộng, ngoài song là hải đường nở sớm, bông nào bông nấy rung rinh trong gió.

Đồ đạc trong phòng đã cũ, may mà cũng bền chắc sạch sẽ.

Tiết A Ất ngồi lên bệ cửa sổ mài đao.

Mỗi một đệ tử khi xuất sư đều được sư phụ nhắc nhở rằng hành tẩu giang hồ ngoài mang theo đao còn cần mang đá mài. Đao cùn thì phải tự mài lấy, bằng không chẳng khác nào trẻ con chưa dứt sữa, đi đâu cũng phải dựa vào người khác, quá nguy hiểm.

Đá mài ngâm qua nước, đen bóng soi gương được. Không thể mài khô, nếu không đao có tốt mấy cũng hỏng. Thứ tự mài lần lượt là sống đao, thân đao, mặt nghiêng, cuối cùng mới là lưỡi đao. Nhiều người cho rằng đao pháp nặng ở công phu lưỡi đao, thực ra sống đao mới là bộ phận nặng nhất, quan trọng nhất trên một thanh đao.

Dưới lầu vọng lên tiếng hí ghìm ngựa.

Tiết A Ất cụp mắt, là ả đào áo mây vừa bị hạ lệnh truy sát.

Trí trá trong bóng tối dưới đèn, nhà họ Hoài nhất thời không hề ngờ được thích khách ở ngay dưới mắt.

Hắn rút mảnh giẻ xanh da trời đã giặt đến bạc màu ra, tỉ mỉ lau khô đao và đá mài của mình, xách đao tựa vào cửa đợi.

Một chung trà sau, cô ả lên lầu, không có khác biệt quá lớn so với lúc rời khỏi nhà họ Hoài, chỉ là đôi chân trần đã xỏ thêm guốc mộc, đi lên cầu thang nghe tiếng cộp cộp. Nàng ta dừng lại ở đầu cầu thang, không đi sang hướng nam mà nghiêng đầu nhìn về phía Tiết A Ất trong bóng tối, đôi mắt như thỏi mực nhúng nước.

Cô ả buông xõa mái tóc dài, không thấy trâm bạc đâu.

Mắt mày nàng ta nhạt như nước lã. Ngũ quan cân đối, nước da trắng trẻo, tư thái thướt tha, lại chẳng có điểm nào diễm lệ đến choáng ngợp, là kiểu dung nhan gân gà ăn thì không ngon bỏ thì không nỡ. Con người rất chóng quên, nhưng khiến tất cả mọi người thấy rồi quên ngay thì lại rất khó, dung mạo như vậy làm thích khách thì còn gì bằng.

Vạt váy bị gió đêm thổi phất, nom như mây tía ngoài nhà.

Nàng nhận ra hắn, Tiết A Ất biết. Người hành tẩu giang hồ đều sở hữu đôi mắt sắc sảo gặp là không quên, nàng từng lừa được người khác, người khác không sót được khỏi mắt nàng. Hắn không muốn gây chuyện, thế nhưng người đàn bà lại cứ nhìn chằm chằm vào mắt trái mù loà của hắn.

Đao vừa mài xong, đang sắc.

Đột nhiên, Tiết A Ất rất muốn biết bàn tay xuất chiêu còn nhanh hơn Ưng Đao Trảo của Hoài lão gia tử này có thể mau đến mức nào.

Chưởng quỹ già ôm bàn tính vàng chạy sầm sập lên lầu, trợn lồi cặp mắt cá chết ra, hào hứng hô hào: “Muốn đánh ra ngoài mà đánh!”

Cô ả cất tiếng: “Sẽ không phá hỏng căn nhà nát này của ông đâu!”

Chưởng quỹ già lập tức phất tay áo xếp bằng ngồi xuống, vui vẻ gảy bàn tính lách cách: “Vậy còn chờ gì nữa, đánh đi đánh đi, đánh hỏng thưởng tiền.”

Hai người cùng đưa mắt nhìn tay ông ta, hổ khẩu và các đốt ngón tay ken dày lớp chai quanh năm tập võ mà ra.

Chưởng quỹ già cười hềnh hệch: “Tôi là quần chúng thôi, hai vị, mời.”

Hai người bất động.

Chưởng quỹ già “ây dà” một tiếng, ném bàn tính vàng xuống, bàn tính vững vàng rơi lên mặt quầy, không sai không lệch. Ông ta giũ tay áo, vạch rộng vạt áo trước ngực, chìa bàn tay trống không ra trước mặt cặp nam nữ đang giằng co: “Vậy đã được chưa.”

Cô ả ra tay.

Tiên cơ rất quan trọng, nhưng hành lang quá dài, từ đầu cầu thang đến hai phòng nam bắc cách mười ba bước, chân lướt mười bước đã là cực hạn của khinh công, không ai trên nước ai được. Ai ra tay trước là người động sát cơ trước – người mất kiên nhẫn đầu tiên thường là kẻ bại.

Vũ khí của cô ả chính là cây trâm bạc giấu trong ống tay áo, mảnh dẻ kẹp giữa ngón tay nàng ta, như kim khâu của các chị các mẹ.

Tiết A Ất sử dụng đao pháp tự do, binh tới tướng ngăn, nước lên đất cản, trâm đâm đao bổ. Lần đầu tiên hắn rút đao là để cầu sinh, vô số lần sau đó cũng vậy – không có quy tắc, quy tắc nằm trong lòng mình.

Mũi đao vạch từ đầu vai đến sườn cô ả, như cắt một tờ giấy đỏ mới toanh. Vải vụn lả tả, tơ đào ngổn ngang, xương bả vai trắng ngần, lộ ra một khoảng cơ cốt như mảnh trăng non cong cong trên trời.

Cô ả chẳng che vết thương, mặt không đổi sắc, y như trong tiệc mừng thọ của Hoài lão gia tử.

Mũi đao hất lên, đâm vào ngực nàng ta, cô ả tay không bắt lưỡi đao, xoay người nhảy lên, guốc gỗ giẫm lên tay vịn cầu thang, mượn lực lộn ngược ra sau. Tay áo thêu đỗ quyên vụt qua, bên trong lộ ra một tấc cánh tay như ngó sen.

Cái khiến người ta giật mình là thân mình mảnh mai như thế mà lại có thể bùng nổ sức lực lớn đến vậy.

Tay vịn gỗ cũ kĩ bị giẫm thủng một lỗ, Tiết A Ất không ngờ cô ả sẽ dùng tay không nắm lưỡi đao, nhất thời ngẩn ra.

Cô ả rơi xuống, buông tay, cưỡi lên cổ Tiết A Ất, gót chân trái đá vào ngực hắn. Tiết A Ất giơ tay tóm được gót chân nàng ta, rút đao đâm chếch ra sau. Trâm bạc trong tay áo cô ả trượt ra, đâm xuống cổ họng hắn, được nửa chừng thì gãy lìa dưới đao Tiết A Ất.

Tiết A Ất vứt đao, tay quặp ra sau lôi cô ả trên cổ xuống, bóp cổ nàng ta. Thân mình nhẹ như giấy của cô ả treo cao trên tay hắn.

Nửa cây trâm gãy rơi xuống đất, “keng” một tiếng rồi nhanh như chớp lăn mấy vòng, dừng lại.

Nửa đoạn còn lại cách yết hầu Tiết A Ất một tấc ba phân.

Đao quá nhanh, vết thương dài ngoằng từ vai tới sườn cô ả lúc này mới bắt đầu chảy máu, máu nhỏ từng giọt lên mặt đất. Lòng bàn tay tiếp đao ban nãy cũng rỉ máu, giọt máu dọc theo đuôi trâm chảy xuống như sợi chỉ đứt, rơi lên sàn gác, rơi lên mũi giày Tiết A Ất, tí tách tí tách.

Đốt ngón tay nắm đuôi trâm của cô ả trắng bệch, khẽ run.

Tiết A Ất kiên nhẫn chờ nàng ta xin tha.

Hắn từng gặp rất nhiều sát khách, họ nhìn thì tàn nhẫn nhưng bên trong rỗng tuếch, chẳng ngưỡng mộ ai, chẳng kính sợ cái gì, chỉ quan tâm đến tiền và tính mạng. Sau khi rơi vào tay địch, miễn có cơ hội, sát khách ắt sẽ xin tha, phụ nữ là xin tha nhanh nhất. Họ đã quen giết chóc bằng sắc đẹp, lấy sắc giết người, lấy sắc xin tha, lấy sắc sống tiếp, cuối cùng chết tại tư sắc.

Tiết A Ất siết ngón tay, cô ả hít thở không thông, mặt đỏ lựng như tiết vịt.

Vẻ mặt bướng bỉnh như trẻ con.

Tay trái hắn còn đang nắm gót chân trần của nàng ta, trơn láng mịn màng, mềm mại không xương, không giống đào múa bình thường. Dưới làn váy đỏ, trên ngón tay hắn là mắt cá chân trắng trẻo của nàng, xương mắt cá nhỏ nhắn nhô lên, non nớt như em bé.

Lại một giọt máu nhỏ lên mũi giày hắn.

Tiết A Ất bỗng không muốn chờ nữa.

Hắn buông tay, cô ả gập eo lăn một vòng, lùi ra xa mấy trượng.

Nàng ta ôm cổ, ho sù sụ.

Xúc cảm non mềm trên đầu ngón tay biến mất trong sát na, tựa như còn vương vấn, lại tựa như chẳng có gì. Tiết A Ất không quay đầu lại, thu đao trở về phòng bắc.
Bình Luận (0)
Comment