Thích Khách - Thẩm Nhạn

Chương 12

Giang Đô vương đang luyện công, luyện Hình Ý Đao. Hình Ý Đao thoát thai từ Hình Ý Quyền, đao pháp đẹp mắt hơn quyền pháp, y chọn học cái đẹp. Phụ hoàng thích xem y múa đao, sau khi rời Lạc Dương thì lười, bận trước bị hành thích ở phường trò, sống sót sau tai nạn mới nhớ đến mà nhặt môn công phu này về.

Trong Hình Ý Môn có câu, lưỡi đao gọi trời, sống đao gọi đất, chuôi đao gọi thân.

“Lễ kí” viết: “Hiếu tử bất phục ám, bất đăng nguy, cụ nhục thân dã. Phụ mẫu tồn, bất hứa hữu dĩ tử.” Ý rằng song thân khỏe mạnh thì làm con có hiếu không kết oán với người khác, chớ hứa hẹn báo thù, bán mạng cho bạn, e vạ lây sang cho cha mẹ.

Thế nên chuôi đao là thân, không thể khua múa bừa bãi, một khi thấy máu thì phải tìm được đường lui.

Luyện xong một bộ đao pháp, Giang Đô vương sai người chuẩn bị nước tắm.

Tiết A Ất đợi ở sảnh tập võ.

Chỉ nghe tiếng bội khuyên đan xen leng ca leng keng, chính chủ chưa đến, một mỹ nhân ăn mặc hoa lệ đã tới trước. Mắt mày hơi quen quen, chính là Triệu Nga Anh mới được gả cho Giang Đô vương làm thiếp vài ngày trước.

Ả khom người: “Thiếp thân bái kiến thiếu hiệp.”

Trực giác của người hành tẩu giang hồ rất chuẩn xác, hắn cảm thấy người đàn bà này rất nguy hiểm. Triệu Nga Anh trên đài như nắm trong tay sợi dây buộc vào người xem kịch, tay căng lên, người xem kịch sẽ khóc, tay buông lỏng, người xem kịch liền cười. Cưới một người đàn bà như vậy, Giang Đô vương thật can đảm lắm thay.

Giang Đô vương thay sang bộ trình tử y1, tựa lưng vào ghế, Triệu Nga Anh cầm khăn hầu y lau khô tóc.

1 Một loại áo của sĩ phu có từ đời Minh.

Trên lưng Tiết A Ất đeo một hộp đao rộng một thước, trong hộp là hai thanh đao tốt, mũi và chuôi hai thanh đao xếp theo kiểu âm dương tương phản. Hắn lấy thanh đao lá liễu dài ba thước từ trong hộp ra, mặt chính thân đao trang trí hoa văn mây dát vàng, mặt trái chạm trổ du long lên trời, chính là bảo đao Tiết Côn Ngọc chế tạo theo yêu cầu của Giang Đô vương, vừa hoàn thành mấy ngày trước.

Tiết A Ất hai tay bưng đao trình lên: “Gia phụ may mắn không làm nhục mệnh, mời vương gia xem thử.”

Giang Đô vương rút đao ra khỏi vỏ lật qua lật lại xem một lượt, không chút tì vết, rất lấy làm hài lòng, vươn người hỏi: “Bảo đao có tên không?”

Tiết A Ất đáp: “Tên rằng Vô Song.”

“Kiêu long du thiên, tuyệt thế vô song.” Giang Đô vương thoáng ngẫm ngợi, khen, “Tên hay lắm!”

Hỏi đáp mấy câu, bầu không khí vừa đúng, Tiết A Ất lại dâng thanh đao chín khuyên lên. Giọng vịt đực đã biết củ khoai bỏng nằm trong tay hắn, đến ngày mọi người biết cũng chẳng còn bao xa, thoái lui thắt lưới vẫn tốt hơn là ngồi yên chờ chết.

Đánh chó phải ngó mặt chủ.

Giang Đô vương đã được nghe nói ngọn nguồn sự việc, nhận lấy đao chín khuyên, vung lên trời. Trong mắt y vừa có vẻ sành sỏi của phượng hoàng thay lông, vừa có sự hồn nhiên của tâm cao khí ngạo: “Đây chính là thanh đao cất giấu chứng cứ phạm tội của thái tử?”

Anh em bất hòa, không phải gió đông át gió tây thì chính là gió tây át gió đông. Còn chưa ngồi lên ngai vàng đã ăn bớt tiền của triều đình, nộp vào tay hoàng đế, thái tử sẽ chẳng còn ngày trở mình nữa.

Cơ hội nằm bại nằm ngay tại đây.

Giang Đô vương buông đao chín khuyên xuống: “Cho cậu mười ngày lo liệu chuyện nhà, mười ngày sau lên đường mang đao chín khuyên đi Khai Phong, đến Khai Phong tất sẽ có người tiếp ứng.”

Khai Phong do mẫu tộc của Giang Đô vương phi Trương thị nắm giữ, vô cùng ổn thỏa, chỉ cần đưa được mật thư vào Lạc Dương trình lên triều đình là ngày giỗ của thái tử đến rồi.

Tiết A Ất lưỡng lự: “Chuyện tiểu tư mang đao chín khuyên trên thân đã suýt bị người khác phát hiện, chỉ e để lộ bí mật, lưỡi đao dính máu…”

Giang Đô vương gọi thư đồng lại, sai người đi xử lí ổn thỏa.

Tiết A Ất ôm quyền tạ ơn.

Lúc dùng lừa kéo cối xay phải treo một củ cải hồ1 trước miệng lừa, vật mong muốn gần ngay trước mắt, lừa mới chạy nhanh.

1 Nguyên văn: 胡萝卜, chính là củ cà rốt nhưng cà rốt là từ mãi đến thế kỉ XIX, nước mình mới du nhập của phương Tây, không phù hợp với bối cảnh cổ đại nên mạn phép được dịch khác (Hồ ở đây chỉ các dân tộc phía bắc và phía tây Trung Quốc, cũng là hướng du nhập loại củ này vào Trung Quốc).

Giang Đô vương khoát tay: “Lần này cậu đã lập được ông lớn, đến Khai Phong rồi khỏi cần trở lại, ra bắc rồi nán lại Lạc Dương luôn đi. Mấy ngày nữa cô sẽ xuất phát đi Lạc Dương mừng đại thọ của phụ hoàng, Thôi tiên sinh theo hầu, lệnh muội đến Lạc Dương là họ có thể thành thân.”

***

Tiết A Ất bán hai trong ba con thuyền của nhà đi, chỉ để lại con thuyền ô bồng rộng rãi nhất. Tiết Côn Ngọc không chịu được xe ngựa rung lắc, bèn đi Lạc Dương theo đường thủy.

Thu dọn xong gia sản và của hồi môn của Thúy Thúy, nhà họ Tiết sống trăm năm qua mấy thế hệ ở Giang Đô, kết cục là gói hết lại cũng chẳng chứa đầy con thuyền ô bồng con con. Kỳ hạn mười ngày chớp mắt đã qua, ban đêm sẽ lên đường đi Lạc Dương.

Bữa trưa phong phú hiếm thấy, ba món một canh, rau thịt đầy đủ.

Không đợi dọn bát đũa, Tiết Côn Ngọc đã ôm một vò rượu đặt lên bàn, lấy trong tủ bát ra bốn cái chén sành, bày thành hình chữ Nhất (一). Mở nút bịt ra, một tay nâng đế vò rượu, một tay nắm cổ vò, rượu màu nâu đỏ chảy ra.

Tổ tiên nhà họ Tiết là người Thiệu Hưng, đất Thiệu Hưng có tập tục thế này: Nhà sinh con gái, đến ngày đầy tháng sẽ chọn một vò rượu chôn xuống đất, đợi đến khi con gái xuất giá thì đào lên đãi thân nhân bạn bè, rượu như vậy được gọi là “nữ nhi hồng”.

Lúc Thúy Thúy đầy tháng, Tiết Côn Ngọc chôn rượu ở căn nhà cũ của nhà họ Tiết, không bao lâu sau thì gia cảnh sa sút. Chừng mười năm nay, căn nhà đã đổi chủ mấy lần, hộ hiện tại đang ở họ gì tên sao cũng chẳng biết.

Vò nữ nhi hồng này là ban ngày bảo Cát Sinh đi mua.

Tiết Côn Ngọc bưng chén lên, lần lượt đặt từng chiếc xuống trước mặt mình, Tiết A Ất, Phùng Thiếu Mị và Cát Sinh.

Theo lệ cũ của Thiệu Hưng, mấy chén rượu đầu múc từ vò ra phải chia cho những người thân cận nhất với con gái, mong người thân bạn bè sống lâu khỏe mạnh, vận nhà hưng vượng.

Ngoài thuyền vẫn như thường ngày, văng vẳng tiếng người lái đò rao hàng, tiếng nước chảy ào ào vọng vào, gió thổi vào tấm mành nan trúc bị thủng một lỗ, mùi cá hỗn tạp.

Tiết Côn Ngọc cất tiếng: “Cha không có gì cho các con, coi như đây là chút tâm ý của người làm cha này vậy.”

Ông giơ cao chén sành: “Nào.”

Thúy Thúy đỏ bừng mặt, ánh mắt tựa rượu trong vò.

Theo tập tục Giang Đô, từ mười tuổi cô đã bắt đầu thêu áo cưới: áo lót màu son, bào đỏ thêu hoa, khăn choàng khoác vai, giày thêu gấm đào. Vòng cổ phải đánh bằng vàng mười, Thúy Thúy tiêu hết sạch tiền dành dụm từ nhỏ đến lớn.

Đến Lạc Dương phải đi một ngàn sáu trăm dặm đường, Thúy Thúy chưa từng rời Giang Đô. Cô cảm thấy mình như công chúa hòa thân, rời tỉnh xa quê, trèo đèo lội suối mới cưới được người trong lòng.

Rời khỏi quê gốc luôn khiến người ta phiền muộn, nhưng đối với người trẻ tuổi thì đó lại là lật sang trang mới.

Tiết Côn Ngọc giơ chén ngừng trong không trung trên mặt bàn dài, ba chén sành khác tụ lại, như đóa hoa đang nở thu lại thành nụ:

“Đinh!”

Tiết A Ất ngửa đầu uống cạn, đặt chén sành sang một bên: “Cả nhà uống đi, con còn có việc.” Lúc bán thuyền có người mua không gom đủ bạc, lại chưa có ai chào hàng cho ngay nên Tiết A Ất cho anh ta mua chịu mấy ngày.

Vén mành ra ngoài, gió thổi tan mùi rượu trên người.

Đòi được nợ rồi, đi ngang qua phố chợ tấp nập, có quan sai cưỡi con ngựa cao to “lịch thịch lịch thịch” đi tới, sau lưng có ba xe tù đi theo, cổ và tay tù phạm quây bị tròng vài gông gỗ nặng trịch, tóc tai bù xù.

Tiết A Ất hỏi thăm người đứng xem: “Họ phạm tội gì vậy?”

Bánh xe nghiến qua mặt đường nghe “lộc cộc”, phạm nhân cúi đầu ngồi quỳ trong xe tù, nhìn không rõ mặt mũi, trên người lạo xạo tiếng xiềng xích.

Một người đàn ông ăn bận kiểu thư sinh nói: “Tiểu huynh đệ có nghe bến đò Qua Châu có ba cái xác trôi tới không? Đấy, bắt được hung thủ rồi, quan phủ nói là giang hồ giết nhau vì thù hận, xử chém ngay lập tức.”

Tiết A Ất sửng sốt, người là do hắn và Phùng Thiếu Mị giết, đây là án oan.

Đám đông đi theo xe tù đến pháp trường.

Quan sai áp giải ba phạm nhân lên đài, đao phủ đã xách sẵn đại đao đứng chờ. Phạm nhân bị đè đầu quỳ dưới đất, quan giám trảm ra lệnh một tiếng, đao phủ vung đao chém xuống, mũi đao giơ lên thật cao, sáng lóe nhức mắt.

Ba cái đầu nhanh như chớp lăn xuống đài, máu tươi lấp đầy khe hở giữa các tấm đá xanh.

Bách tính chung quanh rộ tiếng reo hò.

Tiết A Ất lui ra khỏi đám người, xoay người đi về phía bến đò.

Đến phố Đông Quan thì bị cản lại, người tới tướng mạo xấu xí, đầu đội mũ quả dưa, ăn bận như đầy tớ, làm tư thế mời hướng ra trà lâu sau lưng: “Tiết đại lang, lão gia nhà tôi muốn gặp anh.”

Cửa sổ lầu hai mở rộng, không nhìn thấy người bên trong.

Tiết A Ất theo đứa đầy tớ đi vào trà lâu, hiện giờ khách uống trà đều đã đến pháp trường xử trảm hóng xem, bàn ghế trong phòng trống không. Đi lên lầu hai, ngồi bên cửa sổ là một nho sinh trung niên bận áo trắng, tuổi chừng băm bảy băm tám, tóc mai điểm bạc, chính là cha của giọng vịt đực.

Trung niên tang con, gầy xọp đi hẳn.

Nho sinh trung niên lật chung trà úp ngược trên bàn lên, nhấc ấm trà rót đầy: “Chỗ này không có trà gì ngon, uống tạm.”

Tiết A Ất kéo ghế đối diện ra ngồi xuống.

Nhận lấy chung trà nhấp một ngụm, quả tình không ngon, so với trà chỗ Giang Đô vương thì chẳng khác nào phượng hoàng gặp gà cảnh.

Nho sinh trung niên rút một chiếc khăn màu cánh sen ra, chậm rãi lau sạch tay, nhìn ra ngoài cửa sổ: “Giang Đô vương gia thế lớn, ta không chọc nổi, thù hài nhi lại không thể không báo.”

Tiết A Ất nhìn theo ánh mắt y.

Tiết Côn Ngọc và Phùng Thiếu Mị xuất hiện trong tầm mắt, lúc này hắn mới nhận ra đối diện trà lâu là địa chỉ hiệu đao nhà họ Tiết cũ. Ban đêm sẽ rời khỏi Giang Đô, có lẽ sẽ không trở lại nữa, người càng già càng nhớ ngày xưa, Tiết Côn Ngọc đến xem lần cuối.

Bên đường có ông già mù lòa đang kéo nhị hồ, tay phải cầm cần di động trên cây đàn dây tơ trắng như tuyết, kéo khúc “Đua ngựa”.

Tiếng đàn sôi sục mãnh liệt.

Tiết A Ất đứng bật dậy, song lại phát hiện tứ chi như nhũn ra, hắn cúi đầu nhìn chung trà thô hãy còn bốc hơi, bên trong có bỏ thuốc.

Nho sinh trung niên ung dung gấp khăn lại làm bốn: “Ta không giết anh, người mất đã mất, người còn sống phải sống tiếp, ta không muốn xuống đất sớm như vậy. Hôn sự của lệnh muội đã được vương gia gật đầu đồng ý, ta không động vào cô bé, tính tới tính lui, người không vướng bận nhất chỉ có mình lệnh tôn.”

Bảo đao đã rèn xong, Tiết Côn Ngọc đã làm hết bổn phận.

Ông già mù lòa say sưa gật gù đắc ý, gảy đàn búng dây: “Đùng đùng!”

Ngõ hẻm hai bên phố Đông Quan bỗng xông ra hai, ba chục thích khách, mặt trời trên cao sáng rỡ, nắng chiếu muôn dặm, kiếm đồng ra khỏi vỏ bóng loáng. Phùng Thiếu Mị kéo Tiết Côn Ngọc ra phía sau, tay cầm dao mổ cá, thủ trước mặt.

Thích khách võ công bình thường, hơn ở chỗ người đông thế mạnh.

Phùng Thiếu Mị nhấc chân đá đổ xe ván gỗ bán hoa quả nhà nông, táo đỏ lăn lông lốc ra đất, bị người ta giẫm nát. “Đốc đốc đốc” mấy tiếng, sàn xe đã nhô ra sáu, bảy mũi kiếm, nom như hạt ngọc Nam Hải vỡ vụn.

Vừa thở được một hơi, lại có sáu bảy thanh kiếm đồng tấn công từ bốn phương tám hướng.

Phùng Thiếu Mị tự vệ không khó, làm thích khách khẩn yếu nhất là trở lui toàn thân sau khi giết người, nhưng sau lưng còn một ông lão gầy yếu. Hủy hoại dễ hơn bảo vệ, nàng biết giết người như thế nào, song không biết cứu người.

Đao kiếm va nhau, tiếng vang lanh lảnh.

Ông già mù kéo nhị hồ run bắn toàn thân, tiếng đàn thoáng ngưng.

Hổ dữ còn sợ sói bầy, hai đấm khó địch bốn tay, Phùng Thiếu Mị bị thọc một kiếm vào bụng, nàng ôm bụng ngã quỳ xuống đất. Thích khách kéo Tiết Côn Ngọc lại, lưỡi kiếm sắc lẹm cứa vào da thịt, một kiếm chém xuống một đầu rơi.

Giống như con trai già không co vỏ, bị vạch ra moi trân châu.

Nho sinh trung niên nhận lấy chung trà nóng đứa hầu dâng lên, thổi khẽ mặt nước nóng bỏng, gợn sóng rung rung, y nhấp một ngụm: “Ta còn có việc, đi trước. Vây cánh Giang Đô vương gia đang ngày một lớn mạnh, như mặt trời ban trưa, chúc Tiết đại lang tiền đồ tựa gấm.”

Đặt chung trà xuống, y đứng dậy xuống lầu.

***

Lúc Phùng Thiếu Mị tỉnh lại, trời đã tối mù.

Nàng há miệng, lại chẳng phát ra được âm thanh nào, như có con dao nhọn chẻ toang cổ họng. Bên cạnh đưa tới một chén sành đựng đầy nước, nàng không xem người đưa là ai, cứ vậy uống cạn từ tay người đưa.

Ban đêm tĩnh mịch, có thể nghe thấy rõ ràng tiếng hít thở của hai người.

Tiết A Ất hỏi: “Muốn nữa không?”

“Có.”

Hắn đứng dậy đi tới cạnh bàn, nhấc ấm trà lên rót đầy, nước chảy từ miệng ấm đổ vào chén sành, “rào” một tiếng.

Phùng Thiếu Mị tựa vào gối dựa từ từ ngồi dậy, dưới thân truyền tới dao động quen thuộc, thân đã ở trên thuyền ô bồng. Eo quấn vải trắng, vết thương đã đắp thuốc, thấm ra tia máu li ti, đau rát.

Bên sập đặt ngay ngắn con dao mổ cá, đã được rửa sạch sẽ.

Nến trắng đốt đến nửa đêm, chỉ còn dư lại non nửa cây, sáp nến chất đống ở đế giá cắm như vải bông, bấc nến thò ra ngoài, ánh lửa khi mờ khi tỏ, nhấp nháy không ngừng. Tiết A Ất đưa chén cho Phùng Thiếu Mị, lấy kéo trong ngăn tủ ra, cắt bấc nến thừa.

“Lách cách!”

Ánh nến lập tức sáng trưng.

Thiêu thân bu lại, bay quanh cây nến, cái bóng được phóng đại ra gấp mấy lần hắt lên lán nan trúc, nhìn đâu cũng là cánh đập.

Phùng Thiếu Mị uống nước rồi, gương mặt mất máu hồng hào hơn chút: “Còn đi nữa không?”

Tiết A Ất vén rèm ra ngoài: “Có.”

Hắn cúi người nhặt sào trúc vứt một bên lên, chống lên đá ven bờ đẩy một cái. Sào trúc cắt mặt nước, thuyền ô bồng chậm rãi rời bờ sông.
Bình Luận (0)
Comment