Đêm khuya, không gian kinh thành bao phủ bởi mưa phùn mênh mông. Chiếc xe ngựa của Dương Tố phi nhanh về phía hoàng cung. Y chuẩn bị cho cuộc chiến đã gần một tháng, hai mươi vạn đại quân được triệu tập từ Lũng Hữu, Quan Trung, Hán Trung đang lục tục kéo về tập kết ở huyện Phùng Dực, Đồng Châu. Ngày mai Dương Tố sẽ tới huyện Phùng Dực, chính thức dẫn đại quân chinh phạt Hán vương Dương Lượng.
Trước đêm y xuất chinh, Dương Quảng sai người triệu vào cung để bàn việc quân. Dương Tố vô cùng khâm phục sự mẫn cán của Dương Quảng, ban ngày xử lý việc triều chính nặng nề, ban đêm lại lo việc dẹp loạn Hán Vương, thâu đêm suốt sáng, mỗi ngày ngủ không tới 2 canh giờ. Việc này đã kéo dài liên tục tới gần một tháng, khiến Dương Tố không thể không khâm phục sinh lực tràn trề của Dương Quảng.
Có lẽ khung cảnh buổi đêm mênh mông với mưa phùn, đã khiến tâm trạng Dương Tố càng thêm thê lương. Y dựa lưng ghế mềm trên xe, lặng yên suy ngẫm về tương lai gia tộc mình.
Năm y 60 tuổi, đối với gia tộc mà nói, y sẽ chẳng còn bảo vệ được mấy năm, hơn nữa vài năm nay lại mang bệnh tuổi già, hai năm gần đây bệnh có chiều hướng xấu đi, khiến lòng y đầy lo lắng. Y biết mình không thể sống được vài năm nữa, nên gánh nặng gia tộc càng khiến y có cảm giác gấp gáp. Y nhất định phải sắp xếp chuyện của gia tộc đâu vào đó trước khi lìa đời.
Trải qua kiếp sống hoạn quan mấy chục năm cùng với những hưng suy trong cả ngàn năm lịch sử, đã cho y khả năng nhìn xa và cơ trí mà người thường khó có được. Y thấy rất rõ nguy cơ đối với gia tộc mình, nguy cơ này chính là từ bản thân y - Dương Tố, không chỉ công cao lấn chủ, mà y còn tham gia quá sâu vào việc đấu đá trong hoàng thất. Văn đế Dương Kiên có 5 đứa con trai, thì hắn đã xử lý 2, trước là Thái tử Dương Dũng và Thục vương Dương Tú, nay đến lượt người thứ 3, Hán vương Dương Lượng.
Dương Tố đã mơ hồ thấy được ý đồ hiểm ác đằng sau việc Dương Quảng lệnh cho y làm chủ soái chinh phạt Dương Lượng, giết chim phải giấu cung tốt. Thỏ khôn bị giết thì chó săn cũng bị nấu. Dương Tố đã nhận thấy được vận mệnh của y, Hán vương Dương Lượng chính là con thỏ khôn cuối cùng.
Kì thật Dương Tố không lo lắng cho bản thân mình. Y già rồi, sống trên đời cũng chẳng mấy nữa. Điều y lo lắng là hậu duệ của dòng tộc mình, anh em con cháu y đều có địa vị cao, điều này thực tế đều dựa vào phe cánh của y. Một khi y mất đi rồi, không bảo vệ được cho bọn họ, bọn họ sẽ bị đưa về nguyên hình mà thôi. Có thể nói Dương gia suy tàn, chỉ là việc sớm hay muộn.
Gia tộc suy tàn cũng không sao, điều quan trọng là sau này có người kế tục. Đó là điều căn bản trăm năm nay không mất của Dương gia. Cũng may nhờ trời, ban cho y đứa cháu là Dương Nguyên Khánh. Điều này khiến Dương Tố thấy Dương gia còn hy vọng hưng thịnh.
Giờ điều mà Dương Tố lo nghĩ nhiều, chính là làm sao bảo vệ được Dương Nguyên Khánh. Y đối với Dương Nguyên Khánh hiện tại phần nhiều là lo lắng, chứ không phải tự hào. Nguyên Khánh quá xuất sắc, mà người tài giỏi nổi bật thì rất dễ bị ghét, hắn tuổi lại còn trẻ, căn cơ không cao, nên rất dễ mang hại vào thân. Y nhất định không thể để cho niềm hy vọng duy nhất của mình bị chết yểu.
Dương Tố thấy mình phải xua tan những giông tố trên đầu Dương Nguyên Khánh. Dùng đất cát che giấu đi ánh hào quang của hắn, đem viên minh châu này cất kĩ đi, cách ly cái cây non này đi, đến khi rễ hắn bám sâu rồi, hắn sẽ trở thành rường cột của Dương gia. Lúc này, Dương Tố đã hạ quyết tâm chắc chắn.
Xe ngựa đã vào tới cửa Chu Tước, không lâu sau đó đã dừng trước cửa Thừa Thiên, từ sớm đã có hoạn quan đứng chờ sẵn, vâng mệnh dẫn Dương Tố vào ngự thư phòng của Thái Dịch điện.
Trong ngự thư phòng, Dương Quảng đang ngồi trước tấm bản đồ nghĩ kế sách dẹp loạn. Hơn một tháng mất ăn mất ngủ, đã khiến cho vị đế vương gầy đi khá nhiều. Y vốn có rất nhiều kế hoạch phải làm, nhưng bất ngờ xảy ra việc Hán Vương mưu phản khiến cho rất nhiều kế hoạch bị đình lại, điều này làm cho lòng dạ y nóng như lửa đốt.
Tuy nhiên việc gì cũng đều có lợi có hại, việc Hán Vương làm phản cuối cùng lại tạo cho y cái cớ tuyệt hay để dời đô – vùng đất cũ Bắc Tề không ổn định, ở xa quá ngoài tầm với của kinh thành.
Nhưng bất kể là như thế nào, thì bình định việc tạo phản của Hán Vương cũng là việc gấp.
Là một đế vương, Dương Quảng sẽ không suy xét việc đánh trận như thế nào, đó không phải là việc của y, cái mà y cần làm là xem xét cuộc chiến tranh này ở tầm cao. Y đang xem xét có nên mở rộng cuộc chiến tranh này hay không, đem binh cả nước tiêu diệt Dương Lượng.
Dương Quảng còn có chút do dự, đang chờ Dương Tố đến để bàn bạc thêm.
- Bẩm Bệ hạ, Dương thái phó đã đến ạ!
Một gã hoạn quan ở cửa bẩm báo.
- Cho ông ta vào!
Dương Quảng trở lại ngồi trên ghế rồng, lúc này, viên hoạn quan đã dẫn Dương Tố vào. Dương Tố nghiêm cẩn thi lễ:
- Lão thần Dương Tố tham kiến bệ hạ!
- Dương ái khanh sáng sớm mai xuất chinh rồi, vậy mà đêm nay còn gọi người tới, trẫm thật là thấy áy náy quá.
- Có thể cùng chia sẻ lo lắng với bệ hạ, là phận sự của thần.
Dương Quảng gật gật đầu,
- Trẫm mời Dương ái khanh đến đây, là bởi vì trẫm có việc, muốn nghe ý kiến của ái khanh. Trẫm muốn điều binh cả nước, để nhanh chóng dập tắt nghịch tặc ở Tịnh Châu, ý ái khanh thế nào?
Sớm chiều cùng sống hơn một tháng, Dương Tố phát hiện ra tân đế vương này và tiên đế có những chỗ khác biệt. Tiên đế sinh ra đã tiết kiệm, cái gì có thể tiết kiệm được là tiết kiệm, nhưng vị tân đế vương này thì rất quyết đoán, mạnh dạn ra tay, làm việc thích chi tiêu hào phóng. Năm Khai Hoàng thứ 19, Dương Tố dẫn quân lên phía bắc chinh phạt Đột Quyết, đại thắng, mà tiên đế chỉ thưởng cho có 300 tấm lụa. Nhưng lần này, đối với việc dẹp loạn Hán vương, còn chưa ra tay, mà Dương Quảng trước sau đã thưởng cho y đến 5 lần, lên tới cả vạn tấm lụa.
Ra tay hào phóng như vậy, nói thì nghe rất hay. Chi ra một khoản kinh phí lớn, sẽ rất có uy lực, nhưng khi đặt trong nhà một kẻ bình dân, thì sẽ làm phá gia mà thôi.
Việc hôm nay cũng như vậy, chỉ là việc phản loạn của một thân vương nhỏ bé, mà muốn dụng binh cả nước, lẽ nào y không biết rằng, việc dụng binh cả nước sẽ hao tốn bao nhiêu nhân lực vật lực? Dương Quảng chắc chắn biết điều này. Năm đó khi đánh nhà Trần, chính y làm chủ soái, y lẽ nào lại không biết chứ, chỉ có thể nói rằng, đó là do tính cách của Dương Quảng, làm việc thích hoành tráng mà thôi.
Dương Tố thầm thở dài, bình tĩnh nói:
- Bệ hạ, binh cốt ở chỗ tinh không phải ở chỗ nhiều, Dương Lượng âm mưu phản nghịch, thất tín với thiên hạ. Trong 52 châu mà y cai quản chỉ có 19 châu là theo y làm phản. Điều đó cho thấy, y không được lòng dân, không được lòng dân thì cũng sẽ không được lòng quân, như vậy sao phải dụng binh cả nước. Thần có thể chắc chắn, với 10 vạn đại quân trong tay, trong vòng nửa tháng thần có thể tiêu diệt quân phản loạn Dương Lượng.
Dương Quảng biết Dương Tố dụng binh không khinh địch, nếu ông ta đã nói như vậy, thì không có vấn đề gì nữa. Y cảm thấy có chút an tâm, liền bỏ ý định dụng binh cả nước.
Lúc này Dương Quảng lại nghĩ tới một chuyện, liền cười nói:
- Trẫm vừa nhận được tin từ U Châu, Nguyên Khánh đã bắt được Đậu Kháng, đã hợp nhất với quân U Châu của Lý Hùng. Trẫm đã ra lệnh đem 3 vạn quân U Châu ra Tỉnh Hình để tiến công Tịnh Châu, làm chệch hướng quân phản loạn. Lần này Nguyên Khánh đã không phụ sự kì vọng của trẫm, trẫm sẽ trọng thưởng.
Dương Tố hoảng sợ, cuống quýt nói:
- Bệ hạ, Nguyên Khánh chỉ có chút công lao, không cần phong thưởng, chỉ cần ngợi khen là được rùi.
Dương Quảng trong lòng có chút không vui, liền dài giọng:
- Dương ái khanh, là ngươi không đúng rồi, lần trước Nguyên Khánh giết được Tây Đột Quyết Đạt Đầu, lập đại công cho ta, ngươi nói Nguyên Khánh còn trẻ, không thể nuông chiều, ta liền nghe lời ngươi. Không nói việc này nữa. Ngươi cũng biết, tại cung Nhân Thọ, hắn đã cứu mạng ta, lúc đó trẫm cũng không phong thưởng. Điều đó làm trẫm áy náy rất lâu, vì đó là công cứu giá. Nhưng lần này, hắn bắt được Đậu Kháng, giữ được U Châu, công đó không phải nhỏ, ngươi lại không muốn trẫm phong thưởng, chuyện này mà truyền đi, ngươi bảo trẫm làm sao đối diện với người trong thiên hạ? Khiến trẫm trở thành kẻ thất tín với ba quân sao?
Những lời lẽ sau của Dương Quảng rất nghiêm trọng, khiến cho Dương Tố toát mồ hôi, sợ hãi phân trần:
- Hắn dù sao năng lực cũng chưa đủ, nếu phong chức quá cao cho hắn, đối với hắn mà nói là không có lợi. Hắn là cháu của thần, thần tất nhiên là muốn hắn một bước có thể lên trời, nhưng như vậy sẽ khiến hắn kiêu căng, cuối cùng làm hắn không thể thành tài. Cũng giống như những đứa con cháu khác của thần, thần hy vọng hắn có nhiều cơ hội rèn luyện, để hắn hiểu được rằng việc thăng quan là không dễ, có thể khiến hắn càng nỗ lực, vì bệ hạ mà tận trung. Năm đó, tiên đế cũng là có ý này.
Những lời này khiến sắc mặt Dương Quảng hơi giãn ra, điều này là hợp lý, nó khiến Nguyên Khánh hiểu được rằng việc thăng quan là không dễ.
- Dương ái khanh, tiên đế ở tuổi của Nguyên Khánh, đã cưỡi ngựa tham chiến, là Xa kị đại tướng quân, Nghi đồng tam ti, được phong Thành kỉ huyện công. Vậy nên điều này thực tế không phải là vấn đề tuổi tác. Cơ bản là như lời ngươi nói, muốn hắn hiểu được việc thăng chức là không dễ dàng. Việc Nguyên Khánh được phong thưởng ngươi cũng đừng nói nữa, trẫm tự có dự liệu, trẫm sẽ xem công lao của hắn lần này.
- Vậy, lão thần không dám nói nữa.
Kì thực Dương Tố cũng biết, việc Đạt Đầu lần trước, Dương Nguyên Khánh có chút bất mãn, nếu như lần này lại không phong thưởng cho hắn, hắn lẽ nào lại không nhảy dựng lên. Tất nhiên là phải phong thưởng, Dương Tố cũng chỉ hy vọng thánh thượng có chừng có mực, không cần phong thưởng quá hậu. Nhưng Dương Quảng chuẩn bị phong thưởng như thế nào, Dương Tố chẳng hề biết tý gì, quan trọng là xem Nguyên Khánh lần dẹp loạn này có công lao to lớn đến mức nào.
- Nếu không có việc gì nữa, lão thần không làm phiền bệ hạ nghỉ ngơi nữa.
Dương Quảng gật gật đầu:
- Ngày mai ái khanh xuất chinh rồi, trẫm chờ tin chiến thắng của ái khanh.
………….
Đây là một nhánh trong 5 nghìn quân tinh nhuệ do kỵ binh hợp thành. Khởi hành từ 5 ngày trước, bọn họ không dừng vó ngựa mà phi nhanh như bay trong đêm đen, xuyên qua màn đêm tối tăm, tiếng gió vù vù bên tại, trên bầu trời là muôn vàn ngôi sao, bên phải thấp thoáng hình ảnh dãy Thái Hành sơn nhấp nhô.
Đường núi gian nan, đám kỵ binh ghìm tốc độ chậm lại. Họ đi thêm khoảng một canh giờ nữa, thì trời cũng hửng sang. Khi Dương Nguyên Khánh thấy ánh mặt trời đầu tiên, hắn đã dẫn 5000 kỵ binh phi như bay trên con đường ra cửa phía tây, cách huyện Linh Khâu có khoảng 20 dặm.
Năm ngày trước, Dương Nguyên Khánh nhận được thư cầu viện khẩn cấp của Thứ sử Đại Châu là Lý Cảnh. Dương Lượng dẫn 3 vạn tinh binh tấn công thành Đại Châu, mà Lý Cảnh chỉ có 5000 quân trấn thủ thành Đại Châu, thành lại cũ nát, tình hình vô cùng nguy cấp.
Sau khi thương lượng với Lý Hùng, bọn họ quyết định chia binh để đánh. Lý Hùng sẽ dẫn quân chủ lực tiến vào Thái Nguyên, còn Dương Nguyên Khánh sẽ dẫn 5000 kỵ binh đi xuyên qua khe núi Phi Hồ tới yểm trợ cho Đại Châu.
Dương Nguyên Khánh dừng ngựa, ánh sáng chiếu tràn khắp cơ thể hắn, khiến cho toàn thân hắn như được thắp sáng lên. Phía trước cách hơn một dặm là Cao gia trang, một thôn trang nhỏ bé chỉ có 50 hộ gia đình sinh sống. Phía bắc thôn trang có một con sông nhỏ chảy qua, hai bên bờ sông là dải đất bằng, rất tiện cho binh lính nghỉ ngơi.
Dương Nguyên Khánh lập tức hạ lệnh:
- Tất cả nghỉ ngơi ở bờ con sông nhỏ.
5000 kỵ binh tăng tốc, phút chốc, đội ngũ đã đi tới bờ con sông nhỏ, đã có thám báo tra xét bốn phía, những nơi nghỉ ngơi cắm cờ đỏ. Binh lính vội vàng xuống ngựa, dẫn ngựa tới bờ sông uống nước, con sông nhỏ trở lên náo nhiệt hẳn.
Lúc này, thám báo đưa tin có 2 gã thanh niên trẻ từ trong thôn đang tiến tới, nói với Dương Nguyên Khánh rằng:
- Điện hạ, 2 người này mới từ huyện Nhạn Môn Đại Châu về đây.
Huyện Nhạn Môn chính là huyện Dương Nguyên Khánh đi qua để tới thành Đại Châu. Dương Nguyên Khánh tinh thần rung lên vội vàng hỏi:
- Vậy tình hình bên kia thế nào?
Hai gã thanh niên trẻ, người lớn tuổi nói với Dương Nguyên Khánh:
- Hồi bẩm tướng quân chúng tôi sáng qua đã trốn khỏi huyện Nhạn Môn, thành bị vây đã 5 ngày, vô cùng căng thẳng. Tường thành đã sụp đổ đến vài lần. Lý thứ sử dẫn 5000 quân dân. một mặt vừa sửa thành, một mặt phòng ngự, chúng tôi cũng tham gia vào việc giữ thành. Trong thành ngoài thành, chỗ nào cũng đầy những thây người, tường thành nhuộm đỏ những máu.
- Vậy các ngươi làm thế nào mà trốn được và trở lại?
Dương Nguyên Khánh còn có chút nghi ngờ.
Hai người nhìn nhau, người lớn tuổi lại nói:
- Bây giờ kho lương ở trong thành đều bị thiêu rụi cả rồi, lương thực không đủ, Lý thứ sử bất đắc dĩ, chỉ có cách là nhân cơ hội quân địch hơi rút lui, ban đêm phái một số người ra ngoài thành tìm lương thực. Chúng tôi cũng đi theo ra khỏi thành.
Đúng lúc này, một loạt âm thanh ầm ầm vang tới. Dương Nguyên Khánh thấy hơn 10 binh sĩ, phía trước là một người áo đen đang tiến tới.
- Tướng quân, chúng ta đã bắt được một tên thám báo.
Quyển 3: Nhất Nhập Kinh Thành Thâm Tựa Hải